UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
43/2000/QĐ-UB
|
Tam
Kỳ, ngày 7 tháng 8 năm 2000
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TỔ CHỨC, BỘ MÁY, BIÊN CHẾ, TIỀN
LƯƠNG, CÁN BỘ - CÔNG CHỨC HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP
NHÀ NƯỚC THUỘC UBND TỈNH QUẢNG NAM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
- Căn cứ vào Luật tổ chức
HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khoá IX, kỳ họp
thứ V thông qua ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Pháp lệnh cán bộ - công chức ngày 26/2/1998;
- Căn cứ Quyết định số 601/QĐ-UB ngày 01/2/1999 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng
Nam về việc ban hành quy định về phân cấp quản lý cán bộ;
- Theo đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo
quyết định này "Quy định về quản lý tổ chức - bộ máy, biên chế, tiền
lương, cán bộ - công chức hành chính sự nghiệp và cán bộ quản lý doanh nghiệp
Nhà nước thuộc UBND tỉnh Quảng Nam ".
Điều 2: Quyết định này có
hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, các văn bản quy định trước đây trái với quy
định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Chánh Văn phòng
UBND tỉnh, Trưởng Ban TCCCQ tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như điều3
- Ban TV TU (B/cáo)
- Ban TCTU (B/cáo)
- Lưu VPUB-TCCQ
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
CHỦ TỊCH
Vũ Ngọc Hoàng
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ - TIỀN LƯƠNG, CÁN BỘ -
CÔNG CHỨC HÀNH CHÍNH- SỰ NGHIỆP VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC
UBND TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2000/QĐ-UB, ngày 7/8/2000 của Uỷ ban
nhân dân tỉnh Quảng Nam).
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Việc quản lý tổ
chức - bộ máy, biên chế - tiền lương, cán bộ - công chức hành chính sự nghiệp,
cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND tỉnh Quảng Nam, được thực hiện
trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước
và Quy chế phân cấp quản lý cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam.
Điều 2: UBND tỉnh Quảng Nam
chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc quản lý tổ chức
- bộ máy, biên chế - tiền lương, cán bộ - công chức hành chính sự nghiệp, cán bộ
quản lý doanh nghiệp Nhà nướcthuộc UBND tỉnh Quảng Nam quản lý.
Thủ trưởng
các Sở, Ban, ngành (gọi chung là Sở), UBND các huyện, thị xã (gọi chung là huyện)
chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và tổ chức Đảng cùng cấp về quản lý tổ chức -
bộ máy, biên chế - tiền lương, cán bộ - công chức hành chính sự nghiệp, cán bộ
quản lý doanh nghiệp Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Sở và UBND huyện.
Điều 3: Các cơ quan,
tổ chức, đơn vị của Trung ương và địa phương khác đặt trụ sở, chi nhánh, Văn
phòng đại diện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phải chịu sự quản lý Nhà nước của
UBND tỉnh Quảng Nam theo quy định của Pháp luật và các quy định có liên quan của
UBND tỉnh.
Điều 4: Ban TCCCQ tỉnh Quảng
Nam là cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc quản
lý tổ chức - bộ máy, biên chế - tiền lương, cán bộ - công chức hành chính sự
nghiệp, cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND tỉnh quản lý; các Hội
quần chúng, Hội nghề nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ, các chi nhánh, Văn
phòng đại diện của các cơ quan Trung ương, các địa phương khác đóng trên địa
bàn tỉnh Quảng Nam.
Chương II
QUẢN LÝ TỔ CHỨC BỘ MÁY.
Điều 5: Quản lý tổ chức bộ máy
bao gồm việc thành lập, sáp nhập, giải thể, đổi tên, quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn, quy chế hoạt động và mối quan hệ của tổ chức bộ máy đó.
5.1- Việc
thành lập, sáp nhập, giải thể, đổi tên các cơ quan chuyên môn, đơn vị hành
chính và các tổ chức sự nghiệp thuộc UBND tỉnh thực hiện theo đúng các quy định
hiện hành của Chính phủ và Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ.
5.2- Việc
thành lập, sáp nhập, giải thể, đổi tên các phòng ban chuyên môn và các đơn vị sự
nghiệp (kể cả đơn vị sự nghiệp kinh tế) trực thuộc các Sở và các huyện do UBND
tỉnh quyết định.
Đối với các
đơn vị cấu thành của các đơn vị trực thuộc Sở, các huyện, thị thì do Giám đốc Sở,
Chủ tịch UBND các huyện quyết định.
5.3- Đối với
các Sở quản lý theo ngành dọc (giáo dục đào tạo, Y tế, Đài Phát thanh - Truyền
hình, Chi cục Kiểm lâm) khi xây dựng phương án thành lập, sáp nhập hoặc giải thể
các đơn vị trực thuộc đang làm nhiệm vụ trên địa bàn các huyện, thị xã thì phải
lấy ý kiến tham gia của UBND các huyện nơi đơn vị đó hoạt động, trước khi trình
cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 6: Trên cơ sở Thông tư Liên
bộ hướng dẫn ( Ban TC-CBCP-Bộ...) dựa vào đặc điểm, tình hình, nhu cầu công tác
của đơn vị, Giám đốc các Sở và Chủ tịch UBND các huyện Xây dựng phương án tổ chức
- bộ máy của đơn vị mình trình UBND tỉnh phê duyệt ( qua Ban TCCQ).
Điều 7: UBND tỉnh quyết định
thành lập, sáp nhập, cổ phần hoá doanh nghiệp, giải thể, đổi tên hoặc bổ sung,
thay đổi nhiệm vụ đối với các doanh nghiệp Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của
UBND tỉnh, sau khi có ý kiến đề nghị của Sở chủ quan, Hội đồng thẩm định của tỉnh.
Việc quản lý
tổ chức - bộ máy đối với các doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND tỉnh được thực hiện
theo pháp luật hiện hành. định kỳ hoặc đột xuất các Sở trực tiếp quản lý doanh
nghiệp Nhà nước theo uỷ quyền của UBND tỉnh phải báo cáo tình hình hoạt động của
doanh nghiệp Nhà nước cho UBND tỉnh.
Điều 8: UBND tỉnh quyết định
cho phép các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Trung ương và các địa phương khác được
đặt chi nhánh, Văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh, sau khi có ý kiến bằng văn
bản của các cơ quan chức năng liên quan và UBND huyện nơi đóng trụ sở.
Việc cho phép
các tổ chức và người nước ngoài đặt văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh Quảng
Nam thực hiện theo quy định riêng.
Điều 9: UBND tỉnh quyết định việc
cho phép thành lập Hội quần chúng, tổ chức phi Chính phủ; các tổ chức này hoạt
động theo quy định của Pháp luật. Các cơ quan chức năng của tỉnh có trách nhiệm
giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực mình phụ
trách đối với hoạt động của các Hội và tổ chức phi Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Chương III
QUẢN LÝ VỀ BIÊN CHẾ VÀ
TIỀN LƯƠNG.
Điều 10: Quản lý về biên chế -
tiền lương ở các đơn vị hành chính sự nghiệp của tỉnh; bao gồm việc xây dựng kế
hoạch biên chế - tiền lương hàng năm, phân bổ, điều chỉnh, quản lý, kiểm tra và
theo dõi việc thực hiện biên chế và quỹ tiền lương ở các đơn vị được UBND tỉnh
giao biên chế hàng năm.
Điều 11: Căn cứ chỉ tiêu pháp
lệnh về biên chế quỹ tiền lương hành chính sự nghiệp được Ban TC-CBCP giao hàng
năm, UBND tỉnh quyết định phân bổ cho các Sở và các huyện thực hiên; căn cứ vào
quyết định phân bổ chỉ tiêu biên chế hàng năm của UBND tỉnh, Giám đốc các Sở
và Chủ tịch UBND các huyện có quyết định phân bổ lại cho các đơn vị trực thuộc.
Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu, các Sở, UBND các huyện báo cáo việc
thực hiện biên chế tại đơn vị, địa phương mình cho UBND tỉnh ( qua Ban TCCQ tỉnh).
Mọi trường hợp tăng lao động (ngoài biên chế) không được dùng quỹ tiền lương để
chi trả.
Điều 12: Khi có nhu cầu về bổ
sung biên chế, các Sở, UBND các huyện xây dựng kế hoạch và báo cáo với UBND tỉnh.
Sau khi được bổ sung biên chế đơn vị mới tiến hành tổ chức tuyển dụng công chức
theo đúng quy định hiện hành của Chính phủ, chấm dứt hợp đồng lao động
trong chi tiêu biên chế ở các đơn vị hành chính - sự nghiệp (chỉ giải quyết cho
hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế đối với ngành giáo dục - đào tạo, Y tế
ở các vùng sâu, vùng xa và hải đảo).
Điều 13: Việc tuyển dụng, chuyển
ngạch, nâng ngạch công chức hành chính sự nghiệp thực hiện theo các quy định hiện
hành của Chính phủ.
Điều 14: Việc xây dựng kế hoạch
tiền lương phải gắn với việc xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm của đơn vị.
Căn cứ vào số
lượng cán bộ - công chức hiện có để tính quỹ tiền lương tăng hoặc giảm (do nâng
ngạch, nâng lương, đề bạt chức vụ, chuyển công tác, nghỉ hưu...)
Quỹ tiền
lương phải được tách thành mục chi riêng trong ngân sách Nhà nước, không được sử
dụng vào mục đích khác khi chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Điều 15: Các cơ quan, tổ
chức, đơn vị của Trung ương và các địa phương khác đặt chi nhánh và Văn phòng đại
diện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, phải đăng ký nhu cầu biên chế hàng năm với
Ban TCCQ tỉnh.
Chương VI
CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁN BỘ
- CÔNG CHỨC.
Điều 16: Quản lý cán bộ-công
chức bao gồm: Việc phân cấp quản lý, quy hoạch - kế hoạch, đào tạo, bồi dường,
bổ nhiệm, đề bạt, nhận xét, điều động, thuyên chuyển công tác, xác định chức
danh tiêu chuẩn nghiệp vụ, chế độ tiền lương, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu,
thôi việc, kiểm tra, thanh tra và thực hiện các chính sách, chế độ đối với cán
bộ, công chức.
Điều 17: UBND tỉnh giúp Ban
Thường vụ Tỉnh uỷ theo dõi, nhận xét và thực hiện thủ tục về mặt nhà nước đối với
các chức danh do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý (khối quản lý Nhà nước và doanh
nghiệp) được quy định tại Điều 10 Quyết định số 601/QĐ-TU ngày 01/12/1999 của
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc ban hành quy định về phân cấp quản lý cán bộ.
Điều 18: UBND tỉnh trực tiếp
quản lý các chức danh là cấp trưởng, cấp phó các chi cục, trung tâm, bệnh viện,
trường Trung học chuyên nghiệp, trường phổ thông trung học và các đơn vị tương
đương có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,4 trở lên; Chánh Thanh tra Sở và Thanh tra
viên; chuyên viên chính và tương đương trong các đơn vị hành chính sự nghiệp;
Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng các doanh nghiệp Nhà nước; Chủ tịch, Phó
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc đại diện cho phía
Việt Nam trong các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài và trong nước.
Điều 19: UBND tỉnh uỷ
quyền cho giám đốc Sở, Chủ tịch UBND huyện quản lý các chức danh không quy định
tại điều 18 và điều 1 của Bản quy định này và cán bộ - công chức có ngạch
Chuyên viên (tương đương) trở xuống.
Điều 20: Trách nhiệm, quyền hạn
của UBND tỉnh:
20.1- Đối với
cán bộ-công chức thuộc Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý:
20.1.1- Tham
gia và đề xuất ý kiến trong việc quản lý cán bộ, công chức cho Ban Cán sự Đảng
UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
20.1.2- Tổ chức
triển khai thực hiện về mặt Nhà nước các quy định của Chính phủ, Ban Tổ chức -
Cán bộ Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đối với cán bộ - công chức thuộc khối
Nhà nước quản lý, đồng thời báo cáo với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về
công tác nhân sự đối với các chức danh dân cư do Luật Tổ chức HĐND và UBND quy
định, Giám đốc Sở thuộc UBND tỉnh và lãnh đạo các cơ quan Trung ương (tương
đương với Sở) đóng trên địa bàn tỉnh, theo cơ chế quản lý song trùng; chuyên
viên cao cấp, Thanh tra viên cấp II, III và Trưởng phòng công chức Nhà nước,
Trưởng phòng thi hành án.
20.2- Đối với
cán bộ, công chức thuộc UBND tỉnh quản lý:
20.2.1- Thực
hiện các nội dung quản lý quy định tại điều 20 của Bản quy định này đối với cán
bộ - công chức thuộc quyền, sau khi có ý kiến đề xuất của lãnh đạo Sở, UBND huyện
và các cơ quan chức năng.
20.2.2- Quyết
định xếp lương cho các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và UBND các huyện.
20.2.3- Quyết
định nâng bậc lương cho chuyên viên chính (tương đương); Giám đốc, Phó Giám đốc
và kế toán trưởng các doanh nghiệp Nhà nước.
20.2.4- Quyết
định bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính ( tương đương); quyết định đề bạt, bổ
nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm các chức danh quản lý doanh nghiệp Nhà nước (
giám đốc, phó giám đốc và kế toán trưởng).
20.2.5- Quyết
định tiếp nhận, điều động và thuyên chuyển công tác Chuyên viên chính (tương
đương).
20.2.6- Quyết
định bổ nhiệm Thanh tra viên cấp I, Thanh tra viên cấp II.
Điều 21: Trách nhiệm,
quyền hạn của Giám đốc Sở và Chủ tịch UBND huyện:
1. Chịu trách
nhiệm triển khai thực hiện các quy định của cấp có thẩm quyền có liên quan đối
với cán bộ- công chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh quản lý ở
đơn vị mình.
2. Quyết định
bổ nhiệm, đề bạt, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc Sở, huyện và
các chức danh là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,3
trở xuống (riêng Chánh Thanh tra huyện do Chánh Thanh tra tỉnh bổ nhiệm).
Riêng đối với
các chức danh Phó phòng và tương đương ở huyện khi bổ nhiệm, miễn nhiệm phải được
sự thoả thuận bằng văn bản của lãnh đạo Sở cơ quan quản lý ngành cấp tỉnh.
Trong trường hợp phòng chịu sự quản lý chuyên môn của nhiều Sở, thì huyện chỉ lấy
ý kiến của Sở quản lý trực tiếp.
3. Trực tiếp
quản lý và thực hiện các chính sách đối với cán bộ - công chức không thuộc diện
cấp trên quản lý (quy định tại điều 21 của bản quy định này) trừ việc tuyển dụng,
nghỉ hưu, thôi việc.
Điều 22: Trách nhiệm và quyền
hạn của Trưởng Ban TCCQ tỉnh:
22.1- Thực hiện
các nhiệm vụ do UBND tỉnh và Ban TC - CBCP giao.
22.2- Tham
mưu cho UBND tỉnh việc thành lập, sáp nhập, giải thể, đổi tên các cơ quan hành
chính sự nghiệp kể cả các doanh nghiệp Nhà nước do UBND tỉnh quản lý.
22.3- Quyết định
giao chỉ tiêu biên chế và quỹ tiền lương cho các Sở - huyện sau khi được UBND tỉnh
phê duyệt.
22.4- Tham
mưu cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh việc đề bạt, bổ nhiệm, điều động,
tiếp nhận, thuyên chuyển, nghỉ hưu, kỷ luật đối với các chức danh do Ban Thường
vụ Tỉnh uỷ quản lý.
22.5- Là Thường
trực của Hội đồng thi tuyển công chức thi nâng ngạch, xét chuyển ngạch công chức,
có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được Hội đồng phân công và các
nhiệm vụ chuyên môn thuộc chức năng của Ban TCCQ tỉnh trong các kỳ thi tuyển,
thi nâng ngạch công chức.
22.6- Quyết định
tuyển dụng công chức.
22.7- Thẩm định
và thoả thuận bằng văn bản để giám đốc Sở, Chủ tịch huyện ra quyết định nâng bậc
lương hàng năm đối với cán bộ - công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương
trở xuống.
22.8- Thẩm định
và thoả thuận bằng văn bản để Giám đốc các Sở, Chủ tịch huyện ra quyết định kỷ
luật từ hình thức hạ ngạch đến buộc thôi việc đối với cán bộ - công chức ngạch
chuyên viên và tương đương.
22.9- Quyết định
cử cán bộ- công chức biệt phái, nghỉ hưu (ngạch chuyên viên và tương đương) tiếp
nhận, điều động, thuyên chuyển cán bộ - công chức không thuộc diện Ban Thường vụ
Tỉnh uỷ quản lý, từ Sở, huyện này sang Sở - huyện khác; từ khối Đảng, cơ quan
đoàn thể sang khu vực nhà nước và ngược lại; quyết định tiếp nhận cán bộ - công
chức không thuộc diện UBND tỉnh quản lý vào công tác tại các Sở - huyện thuộc tỉnh;
quyết định thuyên chuyển cán bộ công chức của tỉnh từ ngạch chuyên viên (tương
đương) trở xuống đến công tác tại các cơ quan Trung ương và địa phương ngoài tỉnh
(trừ cán bộ, công chức ngành giáo dục, y tế điều động từ huyện này sang huyện
khác).
22.10- Tổ chức
quản lý hồ sơ cán bộ - công chức hành chính sự nghiệp, cán bộ quản lý doanh
nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp liên doanh với nước ngaòi (trừ các chức
danh do Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý).
22.11- Quản
lý việc làm thẻ công chức và kiểm tra việc sử dụng thẻ công chức đối với cán bộ
- công chức khu vực hành chính sự nghiệp.
22.12- Thực
hiện công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý cán bộ - công chức, biên chế tiền
lương, đào tạo và các chính sách đối với cán bộ - công chức ở các cơ quan hành
chính sự nghiệp của tỉnh.
22.13- Thẩm định
trình UBND tỉnh trong việc đặt chi nhánh, Văn phòng đại diện của các cơ quan
Trung ương, địa phương khác và Văn phòng đại diện, chi nhánh nước ngoài đóng
trên địa bàn tỉnh.
Điều 23: Việc quản lý và thực
hiện công tác cán bộ, đối với cán bộ - công chức ở các cơ quan: Hội chữ thập đỏ,
Hội người mù, Hội Văn học nghệ thuật; Hội Y học cổ truyền do Ban TCCQ thực hiện
(trừ các chức danh do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý) không thực hiện phân cấp
theo quy định này.
Điều 24: Trách nhiệm và quyền
hạn của Phòng Tổ chức hoặc cán bộ làm công tác tổ chức ở các Sở, huyện.
24.1- Tham
mưu giúp lãnh đạo Sở - huyện trong việc thực hiện đường lối chủ trương, chính
sách cán bộ của Đảng và Nhà nước tại cơ quan đơn vị mình; phối hợp với các bộ
phận có liên quan để thẩm định và trình lãnh đạo Sở, huyện về công tác cán bộ,
tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương, (đánh giá cán bộ - công chức, khen thưởng,
kỷ luật...) theo quy định của pháp luật và theo phân cấp của UBND tỉnh.
24.2- Tham
mưu cho giám đốc Sở, Chủ tịch UBND huyện về xây dựng cơ cấu chức danh công chức
theo tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức và ban hành quy chế hoạt động của cơ quan;
xây dựng chức trách thuộc đơn vị mình, ngành mình quản lý.
24.3- Tham
mưu cho Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND huyện các chính sách đối với cán bộ - công
chức thuộc phạm vi cơ quan, đơn vị mình quản lý.
Thực hiện chế
độ báo cáo định kỳ và đột xuất về kế hoạch biên chế, tiền lương, chất lượng cán
bộ - công chức, tuyển dụng, nâng bậc lương, thi nâng ngạch, bổ nhiệm vào ngạch,
nghỉ hưu, nghỉ thôi việc, khen thưởng và kỷ luật cán bộ - công chức...
24.4- Quản lý
hồ sơ cán bộ - công chức, cập nhật thường xuyên những thay đổi của cán bộ -
công chức thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý và báo cáo sự thay đổi đó lên cơ
quan quản lý cán bộ - công chức theo đúng quy định.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.
Điều 25: Giám đốc các Sở, Chủ
tịch UBND các huyện, thị xã, các cơ quan và tổ chức có liên quan trong Bản quy
định này, có trách nhiệm thực hiện đúng nguyên tắc và những nội dung đã quy định,
đồng thời cụ thể hoá việc phân công, phân cấp về quản lý tổ chức bộ máy, biên
chế tiền lương, cán bộ - công chức thuộc ngành, địa phương mình, phù hợp với
Quyết định số 601/QĐ-TU ngày 01/12/1999 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và bản quy định
này.
Điều 26: Giao trách nhiệm cho
Trưởng Ban TCCQ phối hợp với Chánh Văn phòng UBND tỉnh và Giám đốc các Sở có
liên quan hướng dẫn triển khai, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Bản quy định
này và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện cũng như những tồn tại,
để kịp thời bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.