ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
20/2014/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 09 tháng 05 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ HÀNH CHÍNH - KỸ THUẬT CHO HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐỊA LÝ
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11
năm 2003;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định 64/2007/NĐ-CP
ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Thông tư số
02/2012/TT-BTNMT ngày 19 tháng 03 năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về
quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông
tin và Truyền thông tại Tờ trình số 213/TTr-STTTT ngày 18 tháng 4 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về
hành chính - kỹ thuật cho hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký
và thay thế Quyết định số 2320/2008/QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quy chế hành
chính - kỹ thuật cho hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố
Huế; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND
tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TTTT, TNMT, KHCN;
- TVTU, TT HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh;
- Cục Kiểm tra VBPQPL - Bộ Tư pháp;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- VP: CVP PCVP Đặng Ngọc Trân
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu VT, DL.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phan Ngọc Thọ
|
QUY ĐỊNH
VỀ
HÀNH CHÍNH - KỸ THUẬT CHO HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐỊA LÝ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2014/QĐ-UBND
ngày 09/5/2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định:
a) Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức và cá nhân
trong việc xây dựng, cập nhật, nâng cấp; tích hợp, trao đổi, chia sẻ; tiếp cận,
sử dụng, khai thác và quản lý các cơ sở dữ liệu địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế;
b) Bộ chuẩn thông tin và dữ liệu địa lý và chuẩn hóa thông tin và dữ liệu địa lý trong hệ thống
thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế;
c) Điều kiện kỹ thuật về phần cứng, phần mềm khi
xây dựng và ứng dụng hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Các cơ sở dữ liệu địa lý hình thành trong khuôn
khổ dự án Xây dựng hệ thống thông tin địa lý
tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ sở dữ liệu địa lý khác được hình thành trên
cơ sở các sản phẩm của dự án GISHue (gọi chung là cơ sở dữ liệu GISHue) là tài
sản công của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các tổ cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh
Thừa Thiên Huế;
2. Các tổ chức và cá nhân tham gia vào quá trình
xây dựng, khai thác, sử dụng, vận hành hệ thống sở dữ liệu địa lý tỉnh Thừa
Thiên Huế.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Hệ thống thông tin địa lý (Geography
Information System - GIS) là hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật, các cơ sở dữ
liệu địa lý và các công cụ cho phép người dùng tạo lập, lưu trữ, hỏi đáp, phân
tích, biên tập các cơ sở dữ liệu địa lý và hiển thị kết quả của các công việc
trên.
2. Dữ liệu là các chữ viết, chữ số, hình ảnh,
âm thanh, băng hình video và phim và các loại ký hiệu khác.
3. Dữ liệu đặc tả (metadata) là dữ liệu mô tả
các đặc tính của dữ liệu.
4. Cơ sở dữ liệu (database) là một tập hợp
các dữ liệu được tổ chức theo một cấu trúc nhất định, được lưu trữ trong các
thiết bị lưu trữ, sao cho người sử dụng có thể truy vấn để có được các câu trả
lời.
5. Cơ sở dữ liệu địa lý (geodatabase) là cơ
sở dữ liệu về các đối tượng gắn liền với các địa điểm trên trái đất.
6. Cơ sở dữ liệu địa lý nền là các cơ sở dữ
liệu địa lý làm nền/cơ sở cho việc phát triển các cơ sở dữ liệu khác.
7. Cơ sở dữ liệu địa lý dùng chung là các cơ
sở dữ liệu địa lý được nhiều tổ chức và cá nhân thuộc các ngành, lĩnh vực, địa
phương khác nhau cùng sử dụng.
8. Cơ sở dữ liệu địa lý chuyên ngành là các
cơ sở dữ liệu địa lý được các tổ chức và cá nhân thuộc một ngành hoặc lĩnh vực
sử dụng là chính.
9. Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ VN-2000 là Hệ
quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia, được áp dụng thống nhất trên toàn quốc cho tất
cả các loại tư liệu đo đạc - bản đồ, được quy định bởi Quyết định số
83/2000/QĐ-TTg ngày 12/07/2000 của Thủ tướng Chính phủ.
10. Cổng thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế
(gisHuePortal) là ứng dụng quan trọng trong Hệ thống thông tin địa lý tích hợp
cung cấp chức năng cho phép người dùng tra cứu các tài nguyên thông tin địa lý
Thừa Thiên Huế bao gồm: dữ liệu địa lý, dịch vụ bản đồ, ứng dụng thông tin địa
lý thông qua siêu dữ liệu.
Điều 4. Trách nhiệm và quyền hạn
của tổ chức và cá nhân trong xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu GISHue
1. Các tổ chức và cá nhân đều có quyền và trách nhiệm
xây dựng, cập nhật và nâng cấp các cơ sở dữ liệu GISHue nhằm phát triển nguồn lực
thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phải tuân thủ Quy định
này khi xây dựng, cập nhật và nâng cấp các cơ sở dữ liệu GISHue.
2. Các tổ chức và cá nhân có quyền được tiếp cận,
khai thác và sử dụng các cơ sở dữ liệu GISHue phục vụ lợi ích chung, không làm
tổn hại đến lợi ích hợp pháp của các tổ
chức, cá nhân khác và phải tuân thủ Quy định này khi tiếp cận, khai thác và sử
dụng các cơ sở dữ liệu GISHue.
3. UBND tỉnh
khuyến khích các đơn vị sự nghiệp và kinh tế, các tổ chức khoa học và công nghệ
của Trung ương đóng trên địa bàn và các tổ chức tư nhân, các dự án nước ngoài
xây dựng, cập nhật và nâng cấp các cơ sở dữ liệu địa lý nhằm trao đổi, chia sẻ
và tích hợp với hệ thống thông tin địa lý của tỉnh.
4. Các dự án sử dụng ngân sách nhà nước bao gồm nguồn
tài trợ nước ngoài và ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương có xây
dựng các cơ sở dữ liệu địa lý buộc phải dựa trên các cơ sở dữ liệu địa lý nền của
tỉnh và phải chuẩn hóa theo bộ chuẩn
GISHue. Các tổ chức và cá nhân khác nếu muốn trao đổi, chia sẻ các cơ sở dữ liệu
địa lý với hệ thống thông tin địa lý của tỉnh phải dựa trên các cơ sở dữ liệu địa
lý nền của tỉnh và phải chuẩn hóa theo bộ
chuẩn GISHue.
5. Các cơ quan, đơn vị (chủ đầu tư và đơn vị tư vấn)
khi thực hiện các dự án quy hoạch phải thống nhất sử dụng bản đồ nền GIS theo hệ
tọa độ VN-2000, phải sử dụng cơ sở dữ liệu GISHue làm hiện trạng; sản phẩm của
dự án quy hoạch phải tuân theo chuẩn GISHue và tích hợp được lên cơ sở dữ liệu
GIS dùng chung tại Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử.
6. Khi hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu địa
lý chuyên ngành, các dự án quy hoạch, các dự án về GIS, các tổ chức và cá nhân
có trách nhiệm nộp một bản sao cơ sở dữ liệu địa lý đã được chuyển đổi và chuẩn
hóa theo chuẩn GISHue cho tỉnh để tích hợp
vào hệ thống thông tin địa lý của tỉnh qua Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử.
Điều 5. Quản lý nhà nước về hệ
thống thông tin địa lý
1. UBND tỉnh thống nhất quản lý hệ thống thông tin
địa lý của tỉnh và ủy quyền cho Sở Thông
tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Ủy
ban Nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hệ thống
thông tin địa lý của tỉnh.
2. Mọi tổ chức và cá nhân liên quan đến hệ thống
thông tin địa lý của tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách
nhiệm quản lý các thành phần của hệ thống thông tin địa lý của tỉnh được giao.
3. Các thông tin và dữ liệu địa lý thuộc phạm vi bảo
mật quốc gia được quản lý theo chế độ bảo mật của Nhà nước. Việc bảo đảm an
ninh thông tin được quy định cụ thể tại Điều 10 và Điều 11, Chương II của Quy định
này.
Chương II
XÂY DỰNG, SỬ DỤNG VÀ QUẢN
LÝ CƠ SỞ DỮ LIỆU GISHUE
Điều 6. Quản lý nhà nước về cơ
sở dữ liệu GISHue
1. Nội dung quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu GISHue:
a) Xây dựng kế hoạch của tỉnh, hướng dẫn các ngành
và địa phương xây dựng kế hoạch ngành và địa phương về phát triển, khai thác và
ứng dụng cơ sở dữ liệu GISHue; tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển, khai thác
và ứng dụng các cơ sở dữ liệu GISHue;
b) Xây dựng, ban hành, phổ biến và tổ chức thực hiện
các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các cơ sở dữ liệu GISHue;
c) Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động
khai thác, sử dụng, trao đổi và chia sẻ các cơ sở dữ liệu GISHue;
d) Tổ chức các hoạt động phát triển nguồn nhân lực
phục vụ khai thác, sử dụng và quản lý các cơ sở dữ liệu GISHue;
đ) Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các cơ chế,
chính sách về các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến các cơ sở dữ liệu GISHue;
e) Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các cơ chế,
chính sách huy động và sử dụng nguồn lực phục vụ cho triển khai, duy trì cơ sở
dữ liệu GISHue;
g) Thực hiện thống kê về cơ sở dữ liệu GISHue;
h) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố
cáo và xử lý vi phạm trong việc xây dựng, cập nhật, nâng cấp; tích hợp, trao đổi,
chia sẻ; tiếp cận, sử dụng, khai thác và quản lý các cơ sở dữ liệu GISHue.
2. Trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu GISHue:
Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan giúp UBND tỉnh
quản lý việc xây dựng bổ sung, cập nhật,
nâng cấp; tích hợp, trao đổi, chia sẻ; tiếp cận, sử dụng, khai thác và ứng dụng
các cơ sở dữ liệu GISHue; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc cấp phát các
cơ sở dữ liệu GISHue.
Điều 7. Xây dựng, cập nhật và
nâng cấp cơ sở dữ liệu GISHue
1. Xây dựng cơ sở dữ liệu GISHue:
a) Các cơ sở dữ liệu địa lý nền của tỉnh, thành phố
Huế và các huyện, thị xã với các tỷ lệ khác nhau và một số các cơ sở dữ liệu
chuyên ngành quan trọng là sản phẩm của dự án GISHue.
b) Các cơ sở dữ liệu địa lý chuyên ngành khác được
các tổ chức và cá nhân đề xuất và xây dựng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.
2. Trách nhiệm cập nhật và nâng cấp các cơ sở dữ liệu
GISHue:
a) Việc nâng cấp các cơ sở dữ liệu nền GISHue do Sở
Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
b) Việc cập nhật và nâng cấp các cơ sở dữ liệu
GISHue chuyên ngành do các tổ chức và cá nhân liên quan đến chuyên ngành đó thực
hiện.
3. Tần suất cập nhật và nâng cấp các cơ sở dữ liệu
GISHue:
a) Các cơ sở dữ liệu GISHue nền của tỉnh, của các huyện,
thị xã và thành phố Huế với các tỷ lệ khác nhau sẽ được cập nhật và nâng cấp định
kỳ 5 năm một lần.
b) Tần suất cập nhật và nâng cấp các cơ sở dữ liệu
GISHue chuyên ngành do các cơ quan nhà nước liên quan đến chuyên ngành đó đề xuất
tùy thuộc vào yêu cầu của từng cơ sở dữ
liệu địa lý chuyên ngành.
c) Thực hiện cập nhật tức thời các cơ sở dữ liệu
GISHue nền và chuyên ngành khi có sự thay đổi về biên giới quốc gia, địa giới
hành chính.
4. Thời gian cập nhật thông tin cho các cơ sở dữ liệu
GISHue:
a) Khi có nhu cầu thay đổi, bổ sung hoặc loại bỏ
thông tin, dữ liệu liên quan đến các cơ sở dữ liệu GISHue, các ngành phải cập
nhật dữ liệu sau 2 ngày tính theo ngày làm việc.
b) Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử được ủy quyền của Sở Thông tin và Truyền thông, có
trách nhiệm kiểm tra tính xác thực của thông tin, dữ liệu để đưa vào các cơ sở
dữ liệu sau 04 giờ tính theo giờ hành chính.
c) Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử ghi nhật ký
về việc thay đổi thông tin, dữ liệu liên quan đến các cơ sở dữ liệu GISHue, và
lưu trữ thông tin, dữ liệu cũ tạm thời ở một nơi khác trong thời gian nhất định
tùy thuộc mức độ quan trọng của các thông
tin, dữ liệu để có thể phục hồi khi cần thiết.
5. Kinh phí cho việc cập nhật và nâng cấp các cơ sở
dữ liệu GISHue: được trích từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc huy động từ các nguồn
khác.
Điều 8. Tích hợp, lưu trữ, trao
đổi, chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu GISHue
1. Tích hợp và lưu trữ cơ sở dữ liệu GISHue:
a) Các cơ sở dữ liệu GIS được xây dựng bằng bất kỳ
nguồn vốn hay bất kỳ các tổ chức và cá
nhân nào đều phải được tích hợp lại, được lưu trữ và quản lý tập trung tại kho dữ liệu dùng chung của tỉnh
và phân tán tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế.
b) Sở Thông tin và truyền thông chủ trì, xây dựng
quy định về việc quản lý, tích hợp cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và giữa
các ngành.
c) Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử được Sở
Thông tin và Truyền thông giao trách nhiệm tích hợp và lưu trữ toàn bộ các cơ sở
dữ liệu GISHue.
d) Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử chịu trách
nhiệm trước Sở Thông tin và Truyền thông trong việc sao các cơ sở dữ liệu
GISHue để chuyển cho các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã và
thành phố Huế.
đ) Các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện,
thị xã và thành phố Huế có trách nhiệm tiếp nhận bản sao các cơ sở dữ liệu
GISHue để quản lý tại cơ quan mình và tổ chức khai thác và sử dụng.
e) Các dữ liệu địa lý mới xây dựng, cập nhật và
nâng cấp phải áp dụng bộ chuẩn GISHue và các hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền
thông, sản phẩm sau khi hoàn thành phải tích hợp được vào hệ thống cơ sở dữ liệu GISHue tại Trung tâm
Thông tin dữ liệu điện tử.
2. Trao đổi và chia sẻ cơ sở dữ liệu GISHue:
a) Các cơ sở dữ liệu GISHue lưu trữ và quản lý tập
trung tại Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử hoặc lưu trữ và quản lý phân tán
tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế đều có
thể trao đổi, chia sẻ khi có nhu cầu trao đổi và chia sẻ thông tin:
- Giữa các tổ chức quản lý các cơ sở dữ liệu GISHue
với nhau;
- Giữa các tổ chức quản lý các cơ sở dữ liệu GISHue
với các cơ quan nhà nước trung ương theo ngành dọc;
- Giữa các tổ chức quản lý các cơ sở dữ liệu GISHue
với các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo
và các tổ chức kinh tế địa phương và Trung ương;
- Giữa các tổ chức quản lý cơ sở dữ liệu GISHue với
các tổ chức quốc tế đang triển khai thực hiện các dự án liên quan đến Thừa
Thiên Huế.
b) Việc trao đổi, chia sẻ các cơ sở dữ liệu GISHue
có thể được thực hiện trực tiếp, qua mạng diện rộng (WAN) của tỉnh hoặc qua
internet.
c) Việc trao đổi, chia sẻ các cơ sở dữ liệu GISHue
phải đảm bảo an ninh thông tin và chế độ bảo mật theo Điều 10 của Quy định này.
3. Khai thác cơ sở dữ liệu GISHue và cơ sở dữ liệu
liên quan
a) Các cơ quan, đơn vị không thuộc các cơ quan quản
lý nhà nước thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế khi khai thác cơ sở dữ liệu GISHue và các
cơ sở dữ liệu liên quan phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
b) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với
Sở Tài chính hướng dẫn khung giá khai thác các cơ sở dữ liệu GISHue và các cơ sở
dữ liệu liên quan.
Điều 9. Khai thác và sử dụng cơ
sở dữ liệu GISHue qua cổng thông tin địa lý
1. Việc sử dụng và khai thác các cơ sở dữ liệu GISHue
qua cổng thông tin địa lý được chia thành 3 mức như sau:
a) Mức người dùng phổ thông: Các thông tin, dịch vụ
cơ bản trên nền hệ thống thông tin địa lý, trong đó có các cơ sở dữ liệu nền địa
hình của tỉnh, của các huyện, thị xã và thành phố Huế tỷ lệ 1/50.000 và
1/25.000, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác do dự án GISHue xây dựng.
b) Mức người dùng nhà nước: Các thông tin liên quan
đến cơ sở dữ liệu địa lý nền tỷ lệ lớn và các cơ sở dữ liệu địa lý chuyên ngành
đang xây dựng và các thông tin khác thuộc phạm vi sử dụng giới hạn theo quy định
về bảo mật của Nhà nước.
c) Mức quản trị hệ thống: Các thông tin liên quan đến
hệ thống quản trị dữ liệu GISHue.
2. Quyền sử dụng cơ sở dữ liệu GISHue qua Cổng
thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế được phân thành 3 mức theo khoản 2 Điều
này như sau:
a) Mức người dùng phổ thông được cấp cho các tổ chức
và cá nhân có nhu cầu và có đăng ký. Tổ chức và cá nhân có nhu cầu khai thác, sử
dụng các cơ sở dữ liệu GISHue sẽ đăng ký trực tiếp qua mạng.
b) Mức người dùng nhà nước được cấp cho các cơ quan
nhà nước địa phương theo đăng ký.
Các cơ quan lập danh sách cán bộ, công chức, viên
chức của mình theo chức năng, nhiệm vụ liên quan đến khai thác và sử dụng cơ sở
dữ liệu địa lý gửi đến Sở Thông tin và Truyền thông để khai báo người dùng. Sở
Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm cung cấp tên người dùng (username)
và mật khẩu (password), gửi về cho các cơ quan để sử dụng.
Mỗi khi có sự thay đổi liên quan đến người dùng, cơ
quan chủ quản có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Thông tin và Truyền
thông để điều chỉnh cho phù hợp.
c) Mức quản trị hệ thống được cấp cho công chức,
viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ của từng vị
trí công tác trong tổ chức.
Điều 10. Đảm bảo an ninh thông
tin
1. An ninh thông tin phải được đảm bảo ở 4 mức, cụ
thể như sau:
a) Đảm bảo an ninh thông tin ở mức vật lý:
- Máy chủ cơ sở dữ liệu GISHue không kết nối trực
tiếp với internet; Chỉ kết nối internet các máy chủ cung cấp dịch vụ GISHue.
- Sử dụng các hệ thống tường lửa (firewall) đối với
phần cứng và phần mềm, thiết lập các mạng trong - ngoài riêng biệt để bảo vệ hệ
thống.
- Bố trí phòng để máy chủ cơ sở dữ liệu cách ly với
các phòng khác, có cửa khóa kiên cố, bảo
vệ tránh đột nhập lấy cắp hoặc phá hoại thiết bị.
b) Đảm bảo an ninh ở mức hệ điều hành:
- Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử thiết lập các
khóa với mật khẩu mạnh để tránh tấn công
bằng mọi phương pháp.
- Giám đốc Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử và một
chuyên viên được ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật quản lý mật khẩu
đăng nhập hệ điều hành máy chủ.
c) Đảm bảo an ninh thông tin ở mức cơ sở dữ liệu:
- Giám đốc Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử chịu
trách nhiệm trước pháp luật quản lý mật khẩu quản trị hệ thống. Một chuyên viên
quản trị cơ sở dữ liệu chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm Thông tin dữ
liệu điện tử quản lý mật khẩu quản trị hệ thống.
- Các công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức
được giao nhiệm vụ cập nhật, nâng cấp cơ sở dữ liệu GISHue được phân nhóm theo
mức độ tác động đến dữ liệu gồm:
+ Nhóm toàn quyền cập nhật, nâng cấp, sửa đổi toàn
bộ một cơ sở dữ liệu;
+ Nhóm nâng cấp, sửa đổi cấu trúc hệ thống bảng;
+ Nhóm nâng cấp, sửa đổi các thủ tục hệ thống;
+ Nhóm thực hiện nâng cấp, sửa đổi mã nguồn phần mềm
dịch vụ;
+ Nhóm chỉ đọc dữ liệu (Read Only).
Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử chịu trách nhiệm
hướng dẫn việc cấp phát và hủy bỏ quyền
truy cập của các người dùng thuộc các nhóm này.
d) Đảm bảo an ninh thông tin ở mức người dùng
- Mỗi người dùng cần đăng ký một tài khoản người
dùng (user account) để khai thác và sử dụng các cơ sở dữ liệu GISHue.
- Các tài khoản người dùng có thời hạn sử dụng cố định.
Trước khi hết hạn một tuần, hệ thống thông báo để người dùng đăng ký gia hạn
tài khoản. Sau thời hạn, người dùng không đăng ký gia hạn tài khoản sẽ bị khóa
không truy cập được.
- Tất cả các thao tác của người dùng đều được ghi lại
một cách tự động trong nhật ký sử dụng, hệ thống nhật ký được lưu trữ trong một
thời hạn nhất định để theo dõi, quản lý.
2. Thông tin trên máy chủ dữ liệu GISHue phải được
bảo mật theo các quy định của Nhà nước và Ủy ban
nhân dân tỉnh về bảo vệ bí mật Nhà nước. Thông tin riêng hợp pháp của tổ chức,
cá nhân trao đổi, truyền dẫn, lưu trữ trên cơ sở dữ liệu GISHue phải được bảo đảm
bí mật theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Những hành vi bị
nghiêm cấm
Tổ chức, cá
nhân không được thực hiện một trong những hành vi sau đây:
1. Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của
tổ chức, cá nhân khác;
2. Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống;
3. Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức,
cá nhân khác, trừ trường hợp pháp luật cho phép;
4. Sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ
chức, cá nhân khác;
5. Các hành vi khác làm mất an toàn, bí mật thông
tin của tổ chức, cá nhân khác.
Điều 12. Trách nhiệm phát triển
nguồn nhân lực
1. Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm lập
kế hoạch và tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực liên quan đến
xây dựng, bảo trì, nâng cấp, quản lý và triển khai các ứng dụng hệ thống thông
tin địa lý của tỉnh và các ngành, các địa phương theo nhu cầu của tỉnh, của các
ngành và các địa phương.
Các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm đề xuất
nhu cầu và bố trí cán bộ, công chức, viên chức phụ trách các công việc liên
quan dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức.
2. Ủy ban
nhân dân tỉnh khuyến khích các tổ chức, dự án tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng
nghiệp vụ, chuyên môn về hệ thống thông tin địa lý và ứng dụng các sản phẩm
GISHue cho cán bộ, chuyên viên thuộc tổ chức, dự án.
3. Kinh phí đào tạo GIS được Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ từ ngân sách địa
phương theo kế hoạch tài chính của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chương III
BỘ CHUẨN GISHUE VÀ CHUẨN
HÓA CƠ SỞ DỮ LIỆU
Điều 13. Bộ chuẩn GISHue
1. Bộ chuẩn thông tin và dữ liệu địa lý là bộ quy
chuẩn kỹ thuật địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế cho các thông tin và dữ liệu
địa lý trong khuôn khổ cơ sở dữ liệu GISHue, được gọi tắt là Bộ chuẩn GISHue.
Bộ chuẩn GISHue bao gồm:
a) Các chuẩn quy trình, quy tắc, phương pháp, gọi
chung là quy trình GISHue;
b) Các chuẩn thông tin địa lý cơ sở GISHue;
c) Các chuẩn dữ liệu GISHue;
d) Các chuẩn dữ liệu đặc tả GISHue;
2. Các quy trình, quy tắc, phương pháp, các thông
tin địa lý cơ sở và các dữ liệu địa lý do các tổ chức và cá nhân xây dựng phải
được chuẩn hóa theo bộ chuẩn GISHue, tức
là làm cho phù hợp với Bộ chuẩn GISHue.
3. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu trình UBND
tỉnh ban hành Bộ chuẩn GISHue.
Điều 14. Chuẩn thông tin địa
lý cơ sở GISHue
1. Các chuẩn
thông tin địa lý cơ sở GISHue được xây dựng trên cơ sở bộ chuẩn thông tin địa
lý quốc tế ISO/TC211 và OpenGIS và phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về thông tin địa lý cơ sở do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
2. Các chuẩn thông tin địa lý cơ sở GISHue quy định
về:
a) Quy chuẩn mô hình cấu trúc dữ liệu địa lý;
b) Sử dụng các kiểu dữ liệu cơ bản;
c) Quy chuẩn mô hình khái niệm không gian;
d) Quy chuẩn mô hình khái niệm thời gian;
đ) Quy chuẩn mã hóa
trong trong trao đổi dữ liệu địa lý;
e) Quy chuẩn phương pháp xây dựng danh mục đối tượng
địa lý trong phân loại đối tượng địa lý;
g) Nguyên tắc đánh giá chất lượng dữ liệu địa lý
trong đánh giá chất lượng dữ liệu địa lý;
h) Quy trình đánh giá chất lượng dữ liệu địa lý
trong đánh giá chất lượng dữ liệu địa lý;
i) Quy chuẩn dữ liệu đặc tả trong xây dựng dữ liệu
đặc tả;
k) Quy trình kiểm tra tính tương thích với bộ chuẩn
GISHue;
l) Hướng dẫn mã hóa dữ liệu địa lý GISHue;
m) Hướng dẫn áp dụng chuẩn thông tin địa lý cơ sở GISHue.
Điều 15. Chuẩn dữ liệu địa lý
GISHue
1. Chuẩn dữ liệu địa lý GISHue được xây dựng dựa
trên việc áp dụng các chuẩn thông tin địa lý cơ sở GISHue để chuẩn hóa các dữ
liệu địa lý chuyên ngành.
2. Mỗi một chuẩn dữ liệu địa lý được xây dựng gồm:
a) Mô hình cấu trúc dữ liệu địa lý;
b) Quy định về chất lượng dữ liệu địa lý;
c) Quy định về mã hóa dữ liệu địa lý.
3. Danh mục các chuẩn dữ liệu địa lý GISHue gồm:
a) Chuẩn danh mục đối tượng địa lý;
b) Chuẩn dữ liệu địa lý khống chế đo đạc;
c) Chuẩn dữ liệu địa lý độ cao;
d) Các chuẩn dữ liệu địa lý địa chất, khoáng sản, đất đai, thổ nhưỡng, thủy văn, nước ngầm, lớp phủ bề mặt, giao thông,
địa giới, ranh giới sử dụng đất, xây dựng, quy hoạch, du lịch, hạ tầng điện và
viễn thông, hệ thống cấp và thoát nước.
Điều 16. Xây dựng, cập nhật và
nâng cấp bộ chuẩn GISHue
1. Bộ chuẩn GISHue được xây dựng lần đầu trong
khuôn khổ dự án GISHue; được tiếp tục cập nhật, nâng cấp và bổ sung trong quá
trình phát triển hệ thống thông tin địa lý của tỉnh.
2. Việc cập nhật, nâng cấp và bổ sung các chuẩn
thông tin địa lý cơ sở GISHue phải tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế
ISO/TC211 và OpenGIS và các tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không
trùng lặp với các chuẩn đã có trong các chuẩn thông tin địa lý cơ sở GISHue.
Khi cập nhật, nâng cấp các chuẩn thông tin địa lý
cơ sở GISHue, số hiệu phiên bản mới của chuẩn
phải được định nghĩa và phải chỉ rõ các phần được cập nhật, nâng cấp nhằm tránh
sự nhầm lẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng chuẩn.
3. Việc cập nhật và nâng cấp các chuẩn thông tin và
dữ liệu địa lý GISHue hiện có hoặc bổ sung các chuẩn thông tin và dữ liệu địa
lý mới đi liền với việc cập nhật, nâng cấp và xây dựng bổ sung các cơ sở dữ liệu
địa lý chuyên ngành và là trách nhiệm của các tổ
chức và cá nhân cập nhật, nâng cấp
và xây dựng bổ sung các cơ sở dữ liệu địa
lý chuyên ngành đó.
4. Các tổ chức và cá nhân có đủ năng lực chuyên môn
về hệ thống thông tin địa lý đều có quyền đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền
về việc cập nhật, nâng cấp và bổ sung bộ chuẩn GISHue.
5. Các tổ chức và cá nhân được sử dụng nguồn vốn
ngân sách địa phương để cập nhật, nâng cấp và bổ sung bộ chuẩn GISHue.
Chương IV
SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ CÁC
THÀNH PHẦN KHÁC CỦA GISHUE
Điều 17. Chuẩn kỹ thuật phục vụ
trao đổi dữ liệu địa lý
1. Geography Markup Language (GML) phiên bản 3.1.1
là định dạng chính thức để trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin địa lý
trên địa bàn Thừa Thiên Huế với nhau và với cơ sở dữ liệu GISHue tích hợp của tỉnh.
2. Web Map Service (WMS) là chuẩn dịch vụ dữ liệu bản
đồ chính thức được áp dụng để cung cấp dữ liệu bản đồ trên môi trường internet
và intranet.
3. Web Feature Service (WFS) là chuẩn dịch vụ dữ liệu
địa lý chính thức được áp dụng để cung cấp dịch vụ truy cập dữ liệu địa lý trên
môi trường internet và intranet.
4. Styled Layer Descriptor (SLD) là chuẩn mô tả
trình bày thông tin địa lý chính thức để cung cấp các dịch vụ trình bày thông
tin địa lý trên môi trường internet và intranet.
5. OGC Catalogue Service là chuẩn tìm kiếm siêu dữ
liệu địa lý chính thức được áp dụng trong xây dựng các dữ liệu GIS trên địa bàn
tỉnh.
Điều 18. Điều kiện kỹ thuật tối
thiểu đối với phần mềm
1. Các hệ thống ứng dụng GIS và các phần mềm GIS được
đầu tư xây dựng, mua sắm phải đáp ứng được yêu cầu tương thích hoặc hỗ trợ các
quy chuẩn kỹ thuật được nêu tại Điều 16 của Quy định này.
2. Đối với các hệ thống ứng dụng GIS chuyên ngành
ngoài các yêu cầu phải đáp ứng được quy định trong Khoản 1, Điều 17 còn phải
đáp ứng được yêu cầu tương thích với chuẩn dữ liệu GISHue và phải có khả năng
trao đổi dữ liệu với cơ sở dữ liệu GISHue tích hợp của tỉnh.
3. Khuyến khích ứng dụng các phần mềm quản trị cơ sở
dữ liệu địa lý, phần mềm GIS mã nguồn mở trong triển khai các hệ thống thông
tin địa lý trên địa bàn tỉnh, bao gồm:
a) Phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu địa lý: MySQL,
PostgreSQL;
b) Phần mềm GIS: QGIS, MapWindow, uDig, Jump;
c) Phần mềm cung cấp dịch vụ thông tin địa lý:
GeoServer, MapServer;
d) Phần mềm cổng thông tin địa lý: GeoNetwork.
4. Khuyến khích áp dụng các giải pháp nguồn mở để
triển khai các hệ thống WebGIS trong các mạng nội bộ tại các đơn vị trên địa
bàn tỉnh.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Khen thưởng, xử lý vi
phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc
thực hiện, phát triển hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế, tùy theo thành tích, được khen thưởng theo quy
định của pháp luật
2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định
này, tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính
hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường
theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân có quyền và trách nhiệm khiếu nại,
tố cáo những hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá
nhân trong việc xây dựng, cập nhật, nâng cấp, tích hợp, lưu trữ, trao đổi, chia
sẻ, khai thác, sử dụng và quản lý các cơ sở dữ liệu GISHue và hệ thống thông tin địa lý của tỉnh.
Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố
cáo được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Công nghệ thông tin và các quy định pháp luật có liên
quan khác.
Điều 20. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế;
Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Giám đốc Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử;
Các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này./.