BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 443/QĐ-BTC
|
Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH XÂY DỰNG, BAN HÀNH VÀ
CÔNG BỐ CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
- Căn cứ Nghị
định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
- Căn cứ Nghị
định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về Kiểm toán độc lập;
- Căn cứ Quyết
định số 1053/QĐ-BTC ngày 13/05/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc “Uỷ quyền
cho Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) thực hiện nghiên cứu, soạn thảo,
cập nhật Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam phù hợp với chuẩn mực kiểm toán quốc
tế hiện hành”;
Để thống nhất
việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt
Nam;
Theo đề nghị của
Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy trình xây dựng,
ban hành và công bố chuẩn mực kiểm toán Việt Nam".
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và thay thế
các quy định của Bộ Tài chính đã ban hành về xây dựng, công bố, ban hành chuẩn
mực kiểm toán.
Điều 3: Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Chủ tịch Hội Kiểm
toán viên hành nghề Việt Nam và các đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng,
ban hành và công bố chuẩn mực kiểm toán Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3
- VACPA
- Vụ Pháp chế
- Vụ KHTC
- Lưu VT, Vụ CĐKT;
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Xuân Hà
|
QUY TRÌNH
XÂY DỰNG, BAN HÀNH VÀ CÔNG BỐ CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN
VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số
443/QĐ-BTC ngày 01/3/2010 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính)
1. Nguyên tắc
xây dựng, ban hành và công bố chuẩn mực kiểm toán Việt Nam
a) Dựa trên cơ sở các chuẩn mực quốc
tế về kiểm toán do Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) công bố (như số hiệu, kết cấu,
nội dung, cách phân loại chuẩn mực,...);
b) Phù hợp với điều kiện phát triển của
nền kinh tế thị trường Việt Nam, phù hợp với hệ thống luật pháp, trình độ, kinh
nghiệm kiểm toán của Việt Nam;
c) Đơn giản, rõ ràng và tuân thủ các
quy định về thể thức ban hành văn bản pháp luật Việt Nam;
d) Kế thừa kinh nghiệm áp dụng Hệ thống
chuẩn mực kiểm toán Việt Nam đã ban hành từ năm 1999 đển năm 2005.
2. Các bước công việc
Việc xây dựng và
công bố chuẩn mực kiểm toán phải tuân thủ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp
luật và Quy trình này, gồm các bước sau:
a) Xây dựng
nguyên tắc chung về phạm vi, đối tượng áp dụng và cơ sở soạn thảo hệ thống chuẩn
mực kiểm toán phù hợp với quy trình này; xây dựng danh mục hệ thống chuẩn mực
và sắp xếp, phân loại các chuẩn mực;
b) Tổ chức dịch
chuẩn mực kiểm toán quốc tế ra Tiếng Việt (nếu cần) làm cơ sở nghiên cứu, soạn
thảo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam;
c) Dự thảo nội
dung từng chuẩn mực, tổ chức thảo luận trong nhóm và Ban soạn thảo;
d) Tổ chức hội thảo
và lấy ý kiến các kiểm toán viên, các công ty kiểm toán, chuyên gia kế toán, kiểm
toán, các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, các doanh nghiệp, các tổ
chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán về nội dung dự thảo chuẩn mực;
đ) Thu thập và tổng
hợp ý kiến tham gia qua các cuộc trao đổi để bổ sung, thống nhất và hoàn thiện
theo từng nội dung đã dự thảo đối với từng chuẩn mực;
e) Gửi xin ý kiến
các Cục, Vụ, Viện, Tổng cục thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan
có liên quan, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Hội nghề nghiệp;
g) Đưa dự thảo
lên website Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân sau khi được
Lãnh đạo Bộ chấp thuận;
h) Sau khi có ý
kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị, hoàn thiện lấy ý kiến thẩm định trước
khi trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, công bố;
i) Phổ biến, triển
khai thực hiện các chuẩn mực kiểm toán sau khi ban hành.
3. Số hiệu, ký hiệu chuẩn mực kiểm toán Việt Nam
a) Số hiệu:
Từng chuẩn mực kiểm toán Việt Nam có tên gọi và số hiệu riêng biệt. Số hiệu của
mỗi chuẩn mực được đánh theo số hiệu của chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Trường hợp
phải ban hành chuẩn mực kiểm toán Việt Nam riêng thì dánh số hiệu theo thứ tự
lô gíc cho phù hợp với các chuẩn mực kiểm toán đã được ban hành.
b) Ký hiệu:
Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam ký hiệu là VSA (gồm các chữ cái đầu của tên gọi Tiếng
Anh Vietnamese Standards on Auditing).
4. Bố cục của một chuẩn mực kiểm toán Việt Nam
Mỗi chuẩn mực kiểm
toán đều có tên gọi, số hiệu, bố cục theo phần, mục, đoạn, có tiêu đề của phần,
mục và có số thứ tự “đoạn”. Mỗi chuẩn mực bao gồm 2 phần: Quy định chung và Nội
dung chuẩn mực.
a) Quy định
chung gồm: Phạm vi áp dụng, Mục
đích và Giải thích thuật ngữ.
Mỗi chuẩn mực chỉ
giải thích các thuật ngữ liên quan trực tiếp, sử dụng nhiều lần trong chuẩn mực
đó và thuật ngữ phải giải thích để hiểu thống nhất; không giải thích lại các
thuật ngữ đã giải thích ở chuẩn mực đã ban hành trước.
b) Nội dung
chuẩn mực gồm: Yêu cầu và Hướng dẫn
áp dụng.
- Phần yêu cầu: Gồm các công việc hoặc thủ tục mà kiểm toán viên
và công ty kiểm toán phải áp dụng hoặc thực hiện đối với các vấn đề trọng yếu
khi thực hiện công việc kiểm toán. Mỗi nội dung được lập thành đoạn riêng và
ghi số liên tục từ 01, 02 cho đến hết tương đương với các đoạn của chuẩn mực kiểm
toán quốc tế. Đối với các đoạn Việt Nam cần quy định thêm thì ghi thêm chữ a,
b... bên cạnh số đoạn tương đương với chuẩn mực quốc tế.
- Phần hướng dẫn
áp dụng: Gồm các giải thích, hướng
dẫn để kiểm toán viên và công ty kiểm toán thực hiện các công việc hoặc thủ tục
đã quy định trong phần yêu cầu. Mỗi nội dung được lập thành đoạn riêng và ghi số
liên tục từ A1, A2 cho đến hết tương đương với các đoạn của chuẩn mực kiểm toán
quốc tế. Đối với các đoạn cần hướng dẫn thêm thì thực hiện như phần yêu cầu
trên đây.
Phần ghi chú để
liên kết với các chuẩn mực kiểm toán khác hoặc liên kết từ phần yêu cầu với phần
hướng dẫn, từ phần hướng dẫn đến phần yêu cầu được ghi trong ngoặc đơn (...).
Đối với các nội
dung mà chuẩn mực kiểm toán Việt Nam có quy định hoặc hướng dẫn mới, khác với
chuẩn mực kiểm toán quốc tế thì in chữ nghiêng để thuận tiện cho việc theo dõi,
áp dụng.
5. Sửa đổi, bổ sung chuẩn mực kiểm toán Việt Nam
Trong quá trình
thực hiện chuẩn mực kiểm toán nếu xét thấy cần sửa đổi, bổ sung từng chuẩn mực
hoặc một số chuẩn mực thì Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (hoặc Vụ Chế độ
kế toán và kiểm toán thấy cần thiết) đề xuất nội dung sửa đổi trình Bộ Tài
chính. Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán có trách nhiệm xem xét sự cần thiết phải
sửa đổi, bổ sung; nội dung, kế hoạch sửa đổi, bổ sung chuẩn mực và trình Bộ trưởng
Bộ Tài chính xem xét, quyết định. Việc sửa đổi, bổ sung cũng thực hiện theo Quy
trình này.
6. Nhiệm vụ của các đơn vị liên quan
a) Nhiệm vụ của
Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA)
- Thành lập Ban
soạn thảo hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và nhóm soạn thảo từng chuẩn mực;
- Tổ chức dịch
các chuẩn mực kiểm toán quốc tế ra Tiếng Việt làm cơ sở nghiên cứu, soạn thảo
chuẩn mực kiểm toán Việt Nam;
- Nghiên cứu, soạn
thảo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam theo chương trình kế hoạch đã được Bộ Tài
chính phê duyệt;
- Tổ chức thảo luận
trong Ban, nhóm về nội dung dự thảo các chuẩn mực;
- Phản ánh về Bộ
Tài chính những khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo để có sự chỉ đạo
kịp thời;
- Tổ chức hội thảo
lấy ý kiến tham gia của các kiểm toán viên, các công ty kiểm toán, các nhà
chuyên môn đối với từng chuẩn mực;
- Hoàn chỉnh dự
thảo chuẩn mực trình Bộ Tài chính xem xét, quyết định;
- Phổ biến, triển
khai thực hiện các chuẩn mực kiểm toán sau khi Bộ Tài chính ban hành.
b) Nhiệm vụ của
Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán
- Tham gia cùng Hội
Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch, đề cương nghiên
cứu và xác định các nguyên tắc chung về phạm vi, đối tượng áp dụng và cơ sở soạn
thảo hệ thống chuẩn mực kiểm toán cũng như danh mục hệ thống chuẩn mực;
- Cử cán bộ tham
gia vào Ban soạn thảo hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam do VACPA thành lập;
- Cử cán bộ tham
dự các cuộc thảo luận nhóm, tổ các chuẩn mực kiểm toán;
- Chủ trì xem
xét, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ý kiến về dự thảo chuẩn mực kiểm toán do VACPA
soạn thảo;
- Phối hợp với
VACPA tổ chức hội thảo và lấy ý kiến các đơn vị trong và ngoài Bộ (gồm các cơ
quan quản lý nhà nước, các trường đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức nghề
nghiệp kế toán, kiểm toán) về nội dung dự thảo chuẩn mực;
- Đưa dự thảo lên
Website của Bộ để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân;
- Tổng hợp các ý
kiến tham gia và phối hợp với VACPA hoàn thiện nội dung đã dự thảo của mỗi chuẩn
mực;
- Gửi xin ý kiến
thẩm định của Vụ Pháp chế và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành và công bố;
- Hỗ trợ VACPA phổ
biến, triển khai thực hiện các chuẩn mực kiểm toán sau khi ban hành.
c) Nhiệm vụ của
Vụ Pháp chế
- Tham gia quá
trình nghiên cứu, xây dựng chuẩn mực kiểm toán;
- Tham gia ý kiến
vào dự thảo các chuẩn mực kiểm toán;
- Thực hiện thẩm
định việc ban hành các chuẩn mực kiểm theo đúng quy định của
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
d) Nhiệm vụ của
các đơn vị có liên quan trong Bộ
- Tham gia ý kiến
vào dự thảo các chuẩn mực kiểm toán;
- Trong phạm vi,
chức năng, nhiệm vụ của mình tạo điều kiện cho quá trình triển khai xây dựng,
ban hành và công bố chuẩn mực kiểm toán được thuận lợi.
Quy trình này được
áp dụng thống nhất cho quá trình nghiên cứu, soạn thảo, ban hành và công bố chuẩn
mực kiểm toán Việt Nam./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Xuân Hà
|