BỘ
CÔNG AN - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/2019/QCPH-BCA-VKSNDTC-TANDTC
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 10
năm 2019
|
QUY CHẾ PHỐI HỢP
VỀ VIỆC TRAO ĐỔI THÔNG TIN PHỤC VỤ ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ TỘI PHẠM
RỬA TIỀN
Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 2015;
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự năm
2015;
Căn cứ Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân
dân số 62/2014/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân số 63/2014/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Công an nhân dân số
37/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP
ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 116/2013/NĐ-CP
ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền;
Để tăng
cường cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các
cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử tội
phạm rửa tiền, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối
cao thống nhất ban hành Quy chế phối hợp như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định nguyên tắc, phương thức và nội dung phối hợp trao đổi thông tin trong điều tra,
truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thuộc Bộ
Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án từ trung ương đến địa phương.
Điều 2. Mục đích
phối hợp
1. Bảo đảm sự phối hợp, chỉ đạo thống
nhất công tác của các cơ quan tiến hành tố tụng từ trung
ương đến địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng,
hiệu quả của công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa
tiền.
2. Tăng cường trách
nhiệm, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao của các cơ quan tiến hành tố tụng
trong trao đổi thông tin phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền.
3. Xác định được những nhóm thông tin
cần phải cung cấp, trao đổi giữa cơ quan điều tra, viện
kiểm sát, tòa án ở các cấp phục vụ điều tra, truy tố, xét
xử tội phạm rửa tiền.
Điều 3. Nguyên tắc
phối hợp
1. Bảo đảm thực
hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan trong hoạt động điều
tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền theo quy định của
pháp luật.
2. Hoạt động phối hợp phải được thực
hiện thường xuyên, kịp thời, đảm bảo đúng nội dung, hiệu
quả.
3. Bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật
công tác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Phương thức
phối hợp
Trao đổi trực
tiếp, trao đổi bằng văn bản, tổ chức
họp liên ngành hoặc hình thức khác liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử tội
phạm rửa tiền.
Chương II
NỘI DUNG VÀ
TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP
Điều 5. Phối hợp
xây dựng văn bản, trao đổi thông tin
1. Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân
tối cao, Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm phối hợp
xây dựng, ban hành văn bản liên quan đến công tác thực thi pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền theo
đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật.
2. Phối hợp cung cấp thông tin liên
quan đến những vấn đề cần phải chứng minh trong điều tra, truy tố, xét xử
tội phạm rửa tiền.
Điều 6. Phối hợp
trong giải quyết vướng mắc liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa
tiền
1. Các cơ quan tiến hành tố tụng cùng
cấp tích cực phối hợp, trao đổi thông tin nhằm giải quyết vướng mắc trong hoạt
động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền. Trường hợp không thống nhất
được quan điểm, hướng xử lý thì báo cáo cơ quan cấp trên để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc.
2. Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân
tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
mình có trách nhiệm chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh
hành vi phạm tội rửa tiền.
3. Trong quá trình điều tra, truy tố,
xét xử tội phạm rửa tiền, nếu cơ quan nào phát sinh khó
khăn, vướng mắc thì có văn bản gửi các cơ
quan còn lại đề nghị phối hợp giải quyết kịp thời, bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Phối hợp
tổ chức họp giao ban liên ngành về việc thực hiện quy chế phối hợp trong điều
tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền
1. Hàng năm, Bộ Công an chủ trì tổ chức
họp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao, có sự tham
gia của các bộ, ngành hữu quan để đánh giá tình hình
phòng, chống tội phạm rửa tiền, kết quả thực hiện Quy chế,
tháo gỡ khó khăn, đề ra giải pháp
nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa
tiền.
2. Chậm nhất 10 ngày trước khi tổ
chức họp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và
Tòa án nhân dân tối cao có văn bản gửi Bộ Công an về nội
dung và các vấn đề khác có liên quan phục vụ cho việc tổ chức họp.
Điều 8. Trách nhiệm
của Bộ Công an
1. Thực hiện các nhiệm vụ được quy định
trong Quy chế này.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình, kế hoạch phối hợp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền theo chức năng của Bộ Công an.
3. Tiến hành điều tra, xác minh các dấu
hiệu của tội phạm rửa tiền trong quá trình điều tra tội phạm nguồn. Trước khi khởi
tố vụ án, khởi tố bị can về tội danh rửa tiền cần trao đổi
với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để áp dụng thống nhất, đúng quy định của
pháp luật.
4. Chỉ đạo, hướng
dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân
trong quá trình điều tra các vụ án về tội rửa tiền.
5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan tổ chức họp giao ban liên
ngành hàng năm.
Điều 9. Trách nhiệm
của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
1. Thực hiện các nhiệm vụ được quy định
trong Quy chế này.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình, kế hoạch phối hợp trong công tác điều tra,
truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền theo chức năng của Viện
Kiểm sát.
3. Phối hợp với các cơ quan tiến hành
tố tụng thường xuyên cập nhật, bổ sung các dấu hiệu của tội
rửa tiền gắn với từng loại tội phạm nguồn, để kịp thời đề ra yêu cầu điều tra,
thu thập chúng cứ đối với tội phạm này.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kịp thời tháo
gỡ khó khăn, vướng mắc của Viện Kiểm
sát các cấp trong công tác kiểm sát điều tra và thực hiện
quyền công tố các vụ án về tội rửa tiền.
5. Đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện công tác
phối hợp trong lĩnh vực quản lý và gửi Bộ Công an tổng hợp xây dựng báo cáo
chung để tổ chức giao ban.
Điều 10. Trách
nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao
1. Thực hiện các nhiệm vụ được quy định
trong Quy chế này.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện
Chương trình, kế hoạch phối hợp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm
rửa tiền theo chức năng của Tòa án.
3. Ban hành Nghị
quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng
dẫn áp dụng thống nhất quy định của pháp luật về tội phạm rửa tiền trong xét xử.
4. Chỉ đạo, hướng
dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Tòa án các cấp trong công tác xét
xử các vụ án về tội rửa tiền.
5. Đánh giá, tổng
hợp kết quả thực hiện công tác phối hợp trong lĩnh vực quản lý và gửi Bộ Công an tổng hợp xây dựng báo cáo
chung để tổ chức giao ban.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách
nhiệm thi hành
1. Các cơ quan phối hợp thống nhất cử
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an); Vụ
Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Viện Kiểm sát nhân dân
tối cao), Vụ Giám đốc kiểm tra I (Tòa án nhân dân tối cao) là đơn vị đầu mối của
các cơ quan phối hợp.
2. Đơn vị đầu mối có trách nhiệm tham
mưu cho lãnh đạo cơ quan phối hợp kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Quy chế
này; tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ gửi đơn vị đầu mối
của Bộ Công an để tổng hợp, xây dựng báo cáo theo quy định.
Điều 12. Kinh
phí thực hiện
1. Kinh phí phục vụ công tác phối hợp sử dụng trong ngân sách nhà nước cấp hàng năm của các cơ quan phối hợp
theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ
của mình, các đơn vị đầu mối phối hợp có tránh nhiệm lập dự
toán, thanh quyết toán kinh phí đề xuất thủ trưởng cơ quan phối hợp cấp cho hoạt
động phối hợp theo quy định.
Điều 13. Hiệu lực
thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Trong quá trình thực hiện Quy chế,
nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị đầu mối ghi nhận, tổng
hợp, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đề xuất
biện pháp giải quyết./.
KT.
CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Trí Tuệ
|
KT.VIỆN
TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
Nguyễn Văn Quảng
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Bùi Văn Nam
|
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Bộ Công an;
- Viện Kiểm sát
nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Công an các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Viện kiểm sát nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tòa án nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Website Chính phủ, Bộ Công an,
VKSND tối cao, TAND tối cao;
- Lưu: VT, BCA (C03), VKSNDTC (Vụ
3), TANDTC (Vụ 1).
|