BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12287/BTC-CST
V/v: trả lời kiến nghị doanh nghiệp
|
Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2015
|
Kính gửi:
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc
Trả lời công văn số 28a/ĐĐBQH-CTĐBQH ngày 13/5/2015
của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc về việc đề nghị trả lời kiến nghị của
doanh nghiệp, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Về kiến nghị giảm thuế nhập
khẩu linh kiện các dòng xe nhỏ tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường
ngoài khu vực ASEAN về 0%, bằng với mức thuế nhập khẩu khu vực ASEAN:
Tại điểm b khoản 3 Điều
1 Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030 có nêu định hướng đối với xe đến 9 chỗ: “Tập
trung định hướng tiêu dùng vào dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với mức thu nhập dân cư và khả năng đáp
ứng của hạ tầng giao thông ”,
Tại khoản 5 Điều 1
Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 nêu giải pháp và cơ chế chính sách
đối với phụ tùng, linh kiện: “Áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ở mức trần
các cam kết thuế quan mà Việt Nam đã tham gia đối với các loại phụ tùng, linh kiện cần khuyến khích đầu tư sản xuất và các loại phụ tùng, linh kiện sản xuất
trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số
lượng”
Tại khoản 1 Điều 2
Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công
nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035
giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên
quan dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách để thực hiện
Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Bên cạnh đó hiện nay Bộ Công Thương
đang chủ trì xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển công
nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, sau khi các văn bản trên được
ban hành, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với
các Bộ, ngành liên quan rà soát và đề xuất các chính sách tài chính phù hợp, trong đó có
chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng ô tô để hỗ trợ các doanh
nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước, phù hợp
với các cam kết quốc tế và khu vực.
2. Về kiến nghị áp dụng cách
tính thuế TTĐB ô tô theo giá CIF của bộ linh kiện cộng với thuế nhập khẩu ô tô:
Tại Điều 6 Luật thuế
TTĐB quy định nguyên tắc xác định giá tính thuế TTĐB như sau:
- Tại khoản 1 quy định: Đối với
hàng hóa sản xuất trong nước là giá
do cơ sở sản xuất bán ra.
- Tại khoản 6 quy định: Giá tính
thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ quy định
tại Điều này bao gồm cả khoản thu thêm, được thu (nếu
có) mà cơ sở kinh doanh được hưởng).
Căn cứ quy định trên:
Kiến nghị cách tính thuế TTĐB đối với
ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo
giá CIF bộ linh kiện nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu ô tô chưa phù hợp với
nguyên tắc xác định giá tính thuế TTĐB quy định tại Luật (là giá bán ra) và
trong trường hợp doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường, có giá bán thấp hơn giá
thành thì thuế TTĐB tính trên lỗ của doanh nghiệp. Như vậy, cách tính thuế này
sẽ tạo ra sự không công bằng, tiêu diệt sự cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ, mới
vào thị trường, có giá bán thấp hơn giá thành so với các
doanh nghiệp có thương hiệu lớn, đã vào thị trường lâu.
Bên cạnh đó,
cách xác định giá tính thuế theo bộ linh kiện nhập khẩu sẽ vi phạm cam kết khi
gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất
trong nước và hàng nhập khẩu.
Để đảm bảo công bằng giữa ô tô sản xuất,
lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu, hiện nay, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số
92/TTr-BTC ngày 29/6/2015 trình Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TTĐB và Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB. Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ xác định giá tính thuế
TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là
giá do cơ sở sản xuất, lắp ráp bán ra, đối với
ô tô nhập khẩu là giá do nhà nhập khẩu bán ra.
Ngoài ra, để khuyến khích phát triển
ngành công nghiệp ô tô trong nước, ngày 14/8/2015 Bộ Tài chính đã có công văn số
11140/BTC-CST gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về dự thảo Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều tại các Luật về thuế, trong đó có đề xuất giảm thuế suất
thuế TTĐB đối với dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 và
tăng thuế suất thuế TTĐB đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000cm3.
3. Về thủ tục xuất nhập khẩu
hàng hóa:
Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục
hành chính, thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội ban hành
Luật Hải quan 2014; Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015; Thông tư
38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 hướng dẫn thủ tục hải quan với nhiều điểm mới
theo hướng tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp như giảm hồ sơ hải quan;
đơn giản hóa tối ưu việc thực hiện thủ tục hải quan thông qua thực hiện thủ
tục hải quan điện tử; giảm chi phí; thay đổi phương thức và
phương pháp quản lý hải quan, góp phần hoàn thành các mục
tiêu cải cách, hiện đại hóa hải quan. Đặc biệt trong năm 2014, ngành hải quan đã triển khai thành công hệ thống thông quan điện
tử VNACCS do phía Nhật Bản giúp đỡ, tài trợ với ưu điểm tốc độ
thông quan nhanh (đối với tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu
được phân luồng xanh thì thời gian thông quan chỉ từ 1 đến
3 giây), hạn chế hồ sơ giấy,
không cần phải khai riêng tờ khai trị giá, giảm bớt một số
loại hình xuất nhập khẩu... Đồng thời cơ quan Hải quan
cũng là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện triển khai cơ chế một cửa quốc gia và đến thời điểm hiện tại đã chính thức
kết nối các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công
Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Giao
thông vận tải và đang tiếp tục triển khai kết nối với các
Bộ khác, về việc hỗ trợ doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu, tại các Chi cục Hải quan và
tại website của Tổng cục Hải quan đều có thông báo công khai số
điện thoại đường dây nóng của các cán bộ chuyên môn nhằm mục
đích hướng dẫn,giải quyết nhanh nhất các vướng mắc của
doanh nghiệp.
Như vậy, ngành Hải quan đã và đang
liên tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng
công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước
liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
4. Về kiến nghị giảm thuế TTĐB
đối với xe máy từ 125 phân khối trở lên khi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường nội
địa.:
Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức
Thương mại thế giới (WTO) và có nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc
không phân biệt đối xử của WTO. Do vậy, các chính
sách thuế của Việt Nam vẫn cần đảm bảo nguyên tắc đối xử quốc gia,
không đối xử với hàng nhập khẩu kém thuận lợi
hơn hàng sản xuất trong nước. Bộ Tài chính đề nghị thực hiện
chính sách thuế TTĐB đối với dòng xe máy từ 125 phân khối
trở lên như quy định hiện hành.
5. Về kiến nghị ổn định chính
sách tạo thuận lợi cho việc định hướng sản xuất, kinh doanh, trong đó có chính
sách lệ phí trước bạ đối với ô tô:
(i) Về ổn định
chính sách:
Tại khoản b, điểm 5 Điều
1 Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến
năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 có nêu: “Bảo đảm nhất quán, ổn định hệ
thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập
để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho
các hoạt động đầu tư”
Tại điểm c, khoản 4 Điều
1 Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày
24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát
triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2030 có nêu: “Thực hiện nhất quán hệ thống chính
sách đã và sẽ ban hành trong thời gian tối thiểu 10
năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với các nhà đầu tư, nhà sản xuất, tăng
thu hút hoạt động đầu tư nhằm đạt mục tiêu phát triển
công nghiệp ô tô”
(ii) Về lệ phí
trước bạ ô tô:
Theo Nghị định số 23/2013/NĐ-CP ngày
25/3/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày
17/6/2011 của Chính phủ về lệ phí trước bạ thì mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ
lệ (%) như sau:
- Đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ
moóc được kéo bởi ô tô là 2%.
- Riêng ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi
(kể cả lái xe):
+ Mức thu lần đầu là 10%.
Để hạn chế sự
gia tăng quá mức của ô tô cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, điều tiết thu nhập hợp
lý, đồng thời để phù hợp với tình hình thực
tế của từng địa phương thì việc quy định mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với
ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) và quy định giao Hội đồng nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức thu lần đầu cụ thể
nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung là phù hợp (mức trần của khung lệ
phí trước bạ theo quy định hiện hành đã giảm 5% so với quy định tại Nghị định số
45/2011/NĐ-CP).
+ Mức thu lần thứ 2 trở đi là 2%.
Bộ Tài chính có ý kiến để Đoàn Đại biểu
Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc được biết, trả lời doanh nghiệp./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Vụ PC;
- TCHQ
- Vụ HTQT;
- Lưu: VT, CST(PXNK).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Vũ Thị Mai
|