UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 108/2002/QĐ-UBND
|
Huế, ngày 18 tháng 01 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN
LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN TÀI TRỢ CỦA CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ
NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
- Căn cứ Luật tổ
chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Quyết định
số 64/2001/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ ngày 26 tháng 4 năm 2001 về việc ban
hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;
- Căn cứ Thông tư
04/2001/TT-BKH của Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư ngày 5 tháng 6 năm 2001 về
việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 và các văn
bản pháp lý hiện hành khác có liên quan;
- Theo đề nghị của
Giám Đốc Sở Kế Hoạch & Đầu Tư;
QUYẾT ĐỊNH
Điều
1: Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về quản lý và sử
dụng các chương trình, dự án tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài
trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều
2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy
định trước đây của UBND tỉnh và các nghành cấp tỉnh trái với Quy định này đều
bãi bỏ.
Điều
3: Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các
ban nghành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế; thủ trưởng các cơ
quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3
- Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư(để b/c);
- Uỷ ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (để b/c)
- Thường trực HĐND;
- Các cơ quan TW; - Thường vụ Tỉnh uỷ;
- Chủ tịch, các PCT UBND;
- VP: Lãnh đạo, các CV;
- Lưu VT, ĐN
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Mễ
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC
CHƯƠNG TRÌNH , DỰ ÁN TÀI TRỢ CỦA CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
( Ban hành kèm theo quyết định số 180/2002/QĐ-UBND ngày 18tháng 01 năm 2002)
Chương
I
NHỮNG QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều
1: Quy định
này điều chỉnh mọi hoạt động,quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước
ngoài ( Sau đây gọi tắt là viện trợ PCP) cho các chương trình, dự án trên
địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều
2: Viện trợ
PCP trong quy định này được hiểu là viện trợ không hoàn lại, không vì mục đích
lợi nhuận, thực hiện qua các chương trình, dự án với mục tiêu và hoạt động cụ
thể, được cung cấp bởi các đối tượng sau:
- Các tổ chức PCP nước
ngoài.
- Các tổ chức quốc tế,
Đại sứ quán các nước, các vùng, địa phương nước ngoài.
- Các trường Dại học,
viện nghiên cứu, các trung tâm giáo dục, các quỹ hoặc các cơ quan nước ngoài
- Các tập đoàn, công
ty nước ngoài
- Hội đoàn và các hội
hữu nghị được thành lập ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
- Các cá nhân là người
nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Chương
II
VẬN ĐỘNG,
PHÊ DUYỆT, KÝ KẾT CÁC KHOẢN VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ
Điều
3: Công tác vận động viện trợ phải
căn cứ vào nhu cầu thực tế, năng lực tiếp nhận của các địa phương, cơ quan… Phù
hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mọi chương trình, dự
án kêu gọi viện trợ PCP nước ngoài đều phải xây dựng với những nội dung chủ yếu
sau:
1. Mô tả tóm tắt dự án
2. Sự cần thiết của dự
án (vị trí của dự án và những vấn đề cần đặt ra trong bối cảnh chung của nghành
và địa phương,…)
3. Các mục tiêu của dự
án
- Mục tiêu lâu dài
- Các mục tiêu ngắn hạn
4. Các kết quả của dự
án
5. Các hoạt động của
dự án
6. Ngân sách dự án
(phân bổ cụ thể cho từng hoạt động và theo từng năm)
7. Kế hoạch triển khai
dự án (trong trường hợp cần thiết phân thành các giai đoạn thực hiện).
8. Phân tích hiệu quả
dự án:
- Sơ bộ đánh giá hiệu
quả tài chính
- Hiệu quả xã hội,
nhất là việc tăng cường và phát triển nguồn nhân lực
- Hiệu quả bảo vệ môi
trường
- Tính bền vững của dự
án trong quá trình phát triển tiếp theo.
Sau khi bên tài trợ có
văn bản thông báo cam kết tài trợ hoặc cam kết xem xét tài trợ cho chương trình
dự án, đơn vị tiếp nhận tài trợ phối hợp với bên tài trợ hoàn chỉnh và thống
nhất hồ sơ chương trình, dự án trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Điều
4: Thẩm quyền phê duyệt các khoản viện trợ PCP, theo điều 6,
khoản 2, Mục a của Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ PCP nước ngoài, ban hành
kèm theo Quyết định số 64/2001/QQĐ-TTg ngày 26/4/2001 của Thủ Tướng Chính Phủ
(sau đây gọi tắt là Quy chế viện trợ PCP), được quy định như sau:
1. Chủ tịch UBND tỉnh
phê duyệt:
a. Các chương trình,
dự án có mức vốn từ trên 100.000USD đến dưới 500.000USD
b. Các chương trình dự
án có mức vốn nhỏ hơn hoặc bằng 100.000USD, nhưng được thực hiện trên địa bàn
liên huyện hoặc liên ngành.
2. Chủ tịch UBND cấp
huyện, thủ trưởng các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, cơ quan trung ương đóng trên
địa bàn phê duyệt các chương trình, dự án tài tài trợ cho địa phương, đơn vị
của mình, có mức vốn nhỏ hơn hoặc bằng 100.000USD. Trước khi phê duyệt phải có
ý kiến thống nhất của Giám Đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư bằng văn bản.
Điều
5: Thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án viện trợ PCP:
1. Hồ sơ thẩm định gồm
các nội dung sau:
- Văn bản đề nghị thẩm
định của đơn vị trực tiếp tài trợ.
- Văn kiện chương
trình dự án đã được thống nhất giữa đơn vị tiếp nhận viện trợ và bên tài trợ,
với các yêu cầu về nội dung quy định ở điều 3 của Quy định này.
- Văn bản thông báo
cam kết tài trợ hoặc cam kết xem xét tài trợ cho chương trình, dự án của đơn vị
tài trợ.
- Bản ghi nhớ hoặc Bản
thoả thuận viện trợ PCPđược ký kết giữa đại diện bên tài trợ và bên tiếp nhận
tài trợ.
- Bản sao giấy phép
của tổ chức PCP do Uỷ ban công tác về các tổ chức PCP nước ngoài cấp theo quyết
định số 340/TTg ngày 24/05/1996 của Thủ Tướng Chính Phủ. Trong trường hợp chưa
có Giấy phép, phải có văn bản giải trình rõ việc này.
- Các văn bản khác có
liên quan.
Hồ sơ trình thẩm định
được làm thành 8 bộ(trong đó phải có ít nhất một bộ là bản gốc hoặc bản sao có
công chứng) bằng ngôn ngữ được bên tài trợ sử dụng và bản tương ứng bằng tiếng
Việt.
Đơn vị trực tiếp nhận
tài trợ phải nộp lệ phí thẩm định để chi phí cho quá trình thẩm định dự án theo
quy định tại thông tư số 109/2000/TT-BTC ngày 13/11/2000 của Bộ tài chính về
chế độ thu, nộp và sử dụng lệ phí thẩm định đầu tư. Trường hợp dự toán kinh phí
thực hiện dự án không có kinh phí để nộp lệ phí thẩm định đầu tư thì đơn vị
trực tiếp nhận viện trợ được phép sử dụng ngân sách của cấp mình để nộp lệ phí
thẩm định.
2. Cơ quan đầu mối
tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định:
a. Sở Kế Hoạch và Đầu
Tư là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định các chương trình, dự
án thuộc thẩm quyền phê duyệt của:
- Chủ tịch UBND tỉnh
quy định tại điều 4, khoản 1 của quy định này.
- Thủ Tướng Chính Phủ
quy định tại điều 6, khoản 1, Mục a,b và e của Quy chế viện trợ PCP.
b. Phòng Tài Chính -
Kế hoạch cấp Huyện, Phòng kế hoạch thành phố Huế, Phòng kế hoạch hoặc phòng
tổng hợp của các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, cơ quan trung ương đóng trên địa
bàn là đơn vị đầu mối chủ trì thẩm định các chương trình dự án quy định tại
điều 4, khoản 2 của Quy định này, trên cơ sở thoả thuận với Sở Kế Hoạch và Đầu
tư bằng văn bản.
3. Nội dung cần thẩm
định:
- Mức độ phù hợp giữa
mục tiêu của chương trình, dự án với ưu tiên kêu gọi tài trợ của ngành, địa
phương.
- Tính khả thi của
chương trình dự án: Về năng lực quản lý và thực hiện dự án, về cơ chế phối hợp
trong quá trình thực hiện, khả năng đóng góp của phía Việt Nam.
- Tính hợp lý trong cơ
cấu ngân sách của chương trình, dự án: dành cho chuyên gia trong và ngoài nước,
dành cho đào tạo trong và ngoài nước, dành cho trang thiết bị, vật tư, chi phí
quản lý và chi phí khác.
- Những cam kết, điều
kiện tiên quyết và các điều kiện khác của bên tài trợ đối với các khoản viện
trợ(nếu có), cũng như những cam kết của bên Việt Nam để thực hiện chương trình
dự án.
- Hiệu quả và tính bền
vững của chương trình, dự án sau khi kết thúc.
4. Quy trình, thời hạn
thẩm định các chương trình, dự án:
a. Đối với các chương
trình, dự án tại Điều 4, Khoản 1 của Quy định này.
Trong vòng 03 ngày làm
việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế Hoạch và Đầu Tư gởi văn bản đến các
cơ quan liên quan đề nghị xem xét, có ý kiến về hồ sơ chương trình, dự án.
Trong vòng 7 ngày làm
việc, kể từ ngày Sở Kế Hoạch và Đầu Tư gởi văn bản, các cơ quan liên quan có ý
kiến trả lời bằng văn bản; quá thời hạn này, thì xem như đồng ý với hồ sơ
chương trình, dự án.
Trong vòng 5 ngày ngày
làm việc kể từ ngày hết hạn đóng góp ý kiến của các cơ quan liên quan, Sở Kế
Hoạch và Đầu Tư sẽ tổng hợp ý kiến, hoàn chỉnh biên bản thẩm định, trình UBND
tỉnh xem xét, có quyết định phê duyệt.
Tuỳ theo tính chất,
nội dung và quy mô của từng chương trình, dự án, Sơ Kế Hoạch và Đầu Tư có thể
tổ chức phiên họp với sự tham gia của các cơ quan liên quan để thẩm định hồ sơ
dự án.
Trong trường hợp
chương trình, dự án cần điều chỉnh, thời gian điều chỉnh không tính vào thời
hạn nêu trên.
b. Đối với các chương
trình, dự án tại Điều 4, khoản 2 của Quy định này
Trong vòng 3 ngày làm
việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, đơn vị chủ trì thẩm định gởi văn bản đến
Sở Kế Hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan đề nghị xem xét, có ý kiến về hồ
sơ chương trình, dự án.
Trong vòng 7 ngày làm
việc, kể từ ngày đơn vị chủ trì thẩm định gởi văn bản, các cơ quan liên quan có
ý kiến trả lời bằng văn bản; quá thời hạn này, thì xem như đồng ý với hồ sơ
chương trình, dự án.
Trong vòng 5 ngày làm
việc kể từ ngày hết hạn đóng góp ý kiến của các cơ quan liên quan, đơn vị chủ
trì thẩm định tổng hợp ý kiến, hoàn chỉnh biên bản thẩm định, đính kèm văn bản
thoả thuận của Sở Kế Hoạch và Đầu Tư trình cơ quan có thẩm quyền, theo Quy định
tại Điều 4 khoản 2 của Quy định này, xem xét, có quyết định phê duyệt.
Tuỳ theo tính chất,
nội dung và quy mô của từng chương trình, dự án, đơn vị chủ trì thẩm định có
thể tổ chức phiên họp với sự tham gia của các cơ quan liên quan để thẩm định hồ
sơ dự án.
Trong trường hợp
chương trình, dự án cần điều chỉnh, thời gian điều chỉnh không tính vào thời
hạn nêu trên.
Trong vòng 5 ngày làm
việc kể từ ngày phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thông báo cho bên
tài trợ về quyết định phê duyệt để tiến hành ký kết và thực hiện chương trình
dự án.
Trong vòng 5 ngày làm
việc kể từ ngày ký kết văn kiện chương trình, dự án, cơ quan có thẩm quyền phê
duyệt phải gửi tới Sở Kế Hoạch và Đầu Tư 04 bộ hồ sơ đã phê duyệt gồm có: Quyết
định phê duyệt(bản gốc), văn kiện chương trình, dự án đã được phê duyệt, ký kết
có đóng dấu giáp lai.
c. Đối với các chương
trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ Thươngds Chính Phủ: Sở Kế Hoạch
và Đầu Tư tiếp nhận hồ sơ tham mưu để UBND tỉnh trình các cơ quan có thẩm quyền
trên xem xét, phê duyệt theo quy định hiện hành.
Điều
6: Đối với các dự án viện trợ PCP chỉ có hạn mục xây
dựng cơ bản, đơn vị trực tiếp tiếp nhận viện trợ có thể kết hợp làm thủ tục
thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP
ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý đầu tư xây dựng.
Các nội dung cụ thể được thể hiện như sau:
1. Hồ sơ thẩm định
thực hiện theo Công văn số 225/KHĐT- XD ngày 29/3/2001 của Giám đốc Sở Kế Hoạch
Đầu tư về việc hướng dẫn một số thủ tục trong quản lý đầu tư và xây dựng.
2. Nội dung dự án đầu
tư thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày
8/7/1999, và Thông tư số 11/2000/TT-BKH ngày 11/9/2000 của Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư.
3. Thẩm quyền ra quyết
định phê duyệt dự án đầu tư thực hiện theo Quyết định 2766/2000/QĐ-UB ngày
16/10/2000 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân công, phân công giãi
quyết một số vấn đề trong công tác đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đối
với các khoản viện trợ PCPcó giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 100.000USD đã phân cấp
cho UBNDcấp huyện phê duyệt tại Điều 4 khoản 2 của Quy định này được xem như
nguồn vốn được phân cấp cho UBND các huyện, thành phố Huế.
Điều
7: Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình, dự án
PCP trong quá trình thực hiện: Cấp quyết định phê duyệt chương trình, dự án như
quy định tại điều 4, sẽ phê duyệt các diều chỉnh, sữa đổi, bổ sung trong quá
trình thực hiện, ngoại trừ những điều chỉnh, sữa đổi, bổ sung làm:
- Thay đổi mục tiêu,
nội dung, các kết quả chương trình, dự án đã được phê duyệt, hoặc
- Làm tăng tổng vốn
quá 10% so với tổng vốn được phê duyệt(đối với một lần hoặc luỹ kế đối với
nhiều lần).
Quy trình thủ tục điều
chỉnh, sữa đổi bổ sung chương trình, dự án viện trợ PCP được thực hiện như quy
định tại Điều 5 của Quy định này.
Chương
III
QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC VỀ VIỆN TRỢ CỦA NƯỚC NGOÀI
Điều
8: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất quản lý nhà nước mọi
nguồn viện trợ của nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Việc quản lý nguồn vốn này do
các cơ quan tham mưu thực hiện, được quy định như sau:
1. Sở Kế Hoạch và Đầu
Tư là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong việc điều phối và quản lý
các chương trình, dự án do nước ngoài tài trợ. và tổng hợp tình hình viện trợ
để báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan cấp trên.
Sở Kế Hoạch và Đầu tư
có nhiệm vụ:
1.1. Chịu trách nhiệm
chủ trì để phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các ngành, các địa
phương, các tổ chức đoàn thể xây dựng các chương trình, dự án để tổ chức vận
động tài trợ của nước ngoài.
1.2. Chịu trách nhiệm
tổ chức thẩm định các chương trình, dự án và tổng hợp ý kiến của các cơ quan
liên quan trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt xem xét phê duyệt như quy định
tại chương II.
1.3.Chịu trách nhiệm
phối hợp với các Sở Tài Chính - Vật Giá bố trí vốn đối ứng trong kế hoạch ngân
sách Nhà nước hàng năm cho các chương trình, dự án tài trợ của nước ngoài(Khi
có yêu cầu về vốn đối ứng).
1.4. Chịu trách nhiệm
chủ trì để phối hợp với Sở Tài Chính - Vật Giá, Sở Ngoại Vụ và các cơ quan liên
quan tổ chức việc theo dõi, kiểm tra tình hình tiếp nhận, quản lý và thực hiện;
tổng hợp, phân tích, đánh giá hiệu quả các khoản viện trợ của nước ngoài.
2. Sở Tài Chính- Vật
Giá là cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý tài chính nhà nước nguồn vốn
viện trợ của nước ngoài. Sở Tài Chính - Vật Giá có các nhiệm vụ:
2.1. Chịu trách nhiệm
chủ trì để phối hợp với các cơ quan liện quan thực hiện chế độ quản lý tài
chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại cho các chương trình dự án
theo quy định tại thông tư 70/2001/TT/BTC ngày 24/8/2001 và các văn bản pháp lý
có liên quan.
2.2. Cùng với Sở Kế
Hoạch Và Đầu tư bố trí vốn đối ứng trong kế hoạch ngân sách nhà nước theo quy
định.
2.3. Tham gia thẩm
định các chương trình dự án theo quy định trong quy định này.
3. Sở Ngoại Vụ có
nhiệm vụ:
3.1. Trên cơ sở các
lĩnh vực ưu tiên tài trợ của các tổ chức PCP nước ngoài và nhu cầu kêu gọi viện
trợ PCP của các ngành và địa phương, phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu
nghị tỉnh và các cơ quan liên quan làm tốt công tác vận động và tranh thủ viện
trợ của các tổ chứcPCP nước ngoài, trước hết là các tổ chức PCP có văn phòng dự
án tại Huế.
3.2. Tham gia với các
ngành có liên quan thẩm định các chương trình dự án như quy định trong Quy định
này.
3.3. Thực hiện chức
năng quản lý nhà nước đối với các văn phòng dự án PCP hoạt động trên địa bàn
tỉnh.
3.4. Phòng đối ngoại
thành phố Huế theo chức năng, nhiệm vụ của mình làm tốt công tác vận động tài
trợ của các tổ chức phi chính phủ; là thành viên của hội đồng thẩm định ở thành
phố do Phòng kế hoạch chủ trì và giúp UBND thành phố hướng dẫn, giúp đỡ hoạt
động của các văn phòng dự án PCP trên địa bàn thành phố.
4. Chủ tịch UBND các
huyện, thành phố Huế, thủ trưởng các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, cơ quan trung
ương đóng trên địa bàn có trách nhiệm:
4.1. Phê duyệt các
khoản viện trợ PCP theo chương trình, dự án như quy định tại Điều 4 khoản 2 của
Quy định này.
4.2. Chỉ đạo đơn vị đầu
mối như quy định tại Điều 5 Khoản 2 Mục b của Quy định này làm tốt công tác
quản lý viện trợ PCP phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan
mình.
4.3. Chỉ đạo các đơn
vị trực thuộc chuẩn bị các chương trình, dự án vận động, tranh thủ viện trợ PCP
trên cơ sở các lĩnh vực, định hướng ưu tiên kêu gọi tài trợ; gởi các cơ quan
quản lý nhà nước nêu tại điều này để làm cơ sở vận động và phê duyệt viện trợ
PCP.
4.4. Phối hợp với cơ
quan chức năng tìm hiểu và liên hệ với bên tài trợ.
4.5 Tổng hợp các báo
cáo định kỳ, kết thúc và đột xuất (nếu có) gửi các cơ quan nêu tại các khoản
1,2,3 của điều này.
Chương
IV
TIẾP NHẬN VÀ
CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CÁC KHOẢN VIỆN TRỢ CỦA NƯỚC NGOÀI
Điều
9: Các đơn vị
trực tiếp nhận viện trợ của nước ngoài có trách nhiệm:
- Chuẩn bị tài liệu,
hồ sơ dự án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như quy định ở chương II của
Quy định này.
- Tiếp nhận, thực hiện
các khoản viện trợ như đã thỏa thuận, cam kết với bên nước ngoài và phù hợp vơi
các quy định hiện hành về quản lý tài chính, xây dựng cơ bản, đấu thầu mua sắm,
các văn bản pháp quy hiện hành và theo hướng dẫn nêu tại chương III của Quy
định này.
- Chuẩn bị báo cáo
định kỳ, kết thúc và đột xuất(nếu có) trình cơ quan chủ quản cấp trên để tổng
hợp báo cáo các cơ quan chức năng nêu tại chương III của Quy định này.
Điều
10: Chế độ báo
cáo thực hiện các khoản viện trợ được tiến hành định kỳ 6 tháng, hàng năm và
khi kết thúc thực hiện. UBND các huyện, thành phố Huế, các cơ quan ban ngành
cấp tỉnh, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn chịu trách nhiệm tổng hợp, báo
cáo tình hình viện trợ nước ngoài của mình gửi đến các cơ quan chức năng nêu
tại chương III Quy định này, chậm nhất 5 ngày sau khi hết 6 tháng, 10 ngày sau
khi hết năm và 30 ngày sau khi kết thúc thực hiện các khoản viện trợ của nước
ngoài. Mẩu báo cáo được quy định theo thông tư 04/2001/TT-BKH của Bộ Trưởng Bộ
Kế hoạch và Đầu Tư ngày 05/06/2001 và thông tư 70/2001/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ
Tài chính ngày 05/06/2001.
Chương
V
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều
11: Quy định
này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay cho các quy định trước đây của UBND tỉnh
về quản lý và sử dụng các chương trình, dự án tài trợ của nước ngoài. Mọi tổ
chức, cá nhân vi phạm quy định này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.