BỘ TƯ PHÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2785/QĐ-BTP
|
Hà Nội, ngày 25
tháng 10 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT CƠ CẤU TỔ CHỨC CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, SỐ LƯỢNG LÃNH ĐẠO CỤC THI HÀNH ÁN
DÂN SỰ, LÃNH ĐẠO PHÒNG CHUYÊN MÔN THUỘC CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ LÃNH ĐẠO CHI
CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự
ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP
ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 74/2009/NĐ-CP
ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự,
cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự;
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP
ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Xét đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng
cục Thi hành án dân sự và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt cơ cấu tổ chức Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương (sau đây gọi chung là Cục Thi hành án dân sự) như sau:
1. Cục Thi hành án dân sự có 04 phòng
chuyên môn gồm:
a) Văn phòng;
b) Phòng Tổ chức cán bộ;
c) Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi
hành án dân sự;
d) Phòng Kiểm tra, giải quyết khiếu nại,
tố cáo.
2. Các Cục Thi hành án dân sự quy định
tại khoản 1 Điều này có một trong các điều kiện sau đây được thành lập thêm
Phòng Tài chính - Kế toán:
a) Có số lượng án dân sự phải thi
hành từ 13.000 việc/năm trở lên tính trung bình trong ba năm liên tiếp của toàn
tỉnh, thành phố;
b) Có số lượng án dân sự phải thi
hành từ 6.000 đến dưới 13.000 việc/năm tính trung bình trong ba năm liên tiếp của
toàn tỉnh, thành phố và quản lý từ 14 đơn vị Chi cục thi hành án dân sự trực
thuộc trở lên.
3. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng
Bộ Tư pháp xem xét, quyết định tách, thành lập thêm Phòng chuyên môn khác quy định
tại khoản 1, khoản 2 Điều này đối với Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội,
thành phố Hồ Chí Minh theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân
sự và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp.
Điều 2.
Phê duyệt số lượng Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự như sau:
1. Cục Thi hành án dân sự có Cục trưởng
và không quá 03 Phó Cục trưởng;
2. Cục Thi hành án dân sự thành phố
Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có Cục trưởng và không quá 04 Phó Cục trưởng;
3. Trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ
Tư pháp quyết định số lượng Phó Cục trưởng nhiều hơn số lượng Phó Cục trưởng
quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng
cục Thi hành án dân sự và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp.
Điều 3.
Phê duyệt số lượng Lãnh đạo các Phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự
như sau:
1. Phòng chuyên môn thuộc Cục Thi
hành án dân sự có Trưởng phòng và không quá 02 Phó Trưởng phòng;
2. Phòng chuyên môn thuộc Cục Thi
hành án dân sự thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có Trưởng phòng và không
quá 03 Phó Trưởng phòng;
3. Trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ
Tư pháp quyết định số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án
dân sự nhiều hơn số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn quy định tại khoản 1 và khoản
2 Điều này theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.
Điều 4.
Phê duyệt số lượng Lãnh đạo Chi cục Thi
hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là
Chi cục Thi hành án dân sự) như sau:
1. Chi cục Thi hành án dân sự có Chi
Cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng;
2. Các Chi cục Thi hành án dân sự thuộc
các đô thị sau đây có không quá 03 Phó Chi cục trưởng:
a) Chi cục Thi hành án dân sự ở đô thị
loại 1, đô thị loại 2;
b) Chi cục Thi hành án dân sự có số
lượng án dân sự phải thi hành từ 2000 việc/năm trở lên tính trung bình trong ba
năm liên tiếp và được phân bổ từ 20 biên chế trở lên;
c) Chi cục Thi hành án dân sự các quận
thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. ’
3. Trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ
Tư pháp quyết định số lượng Phó Chi cục trưởng nhiều hơn số lượng Phó Chi Cục
trưởng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này theo đề nghị của Tổng Cục trưởng
Tổng cục Thi hành án dân sự.
Điều 5. Tổ
chức thực hiện
1. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành
án dân sự có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Vụ trưởng Vụ
Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp tham mưu, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cụ thể cơ cấu tổ chức, số lượng Lãnh đạo Cục
Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự quy định tại khoản 3 Điều 1 và khoản
3 Điều 2 của Quyết định này;
b) Hướng dẫn các Cục Thi hành án dân
sự quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng chuyên môn; số lượng Lãnh
đạo các Phòng chuyên môn quy định tại khoản 3 Điều 3 và khoản 3 Điều 4 của Quyết
định này;
c) Trong quá trình thực hiện, nếu có
vướng mắc, phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp tham mưu, trình
Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, sửa đổi, bổ sung Quyết định này.
2. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư
pháp có trách nhiệm phối hợp với Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thực
hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều này.
Điều 6.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng, Tổng Cục trưởng Tổng
cục Thi hành án dân sự, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -
Tài chính Bộ Tư pháp; Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự và Thủ trưởng các đơn vị
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (để b/c);
- Văn phòng Trung ương;
- Ban Tổ chức TW,
- UB kiểm tra TW;
- Văn phòng Ban CĐCCTPTW;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Tài chính;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, Tổng cục THADS.
|
BỘ TRƯỞNG
Hà Hùng Cường
|