BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4818/BGDĐT-KTKĐCLGD
V/v tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ
chính quy năm 2017
|
Hà
Nội, ngày 28 tháng 9 năm
2016
|
Kính
gửi:
|
- Các sở giáo dục và đào tạo;
- Các đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng;
- Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng);
- Cục Đào tạo (Bộ Công an).
|
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) và Chương trình hành động của Chính phủ
thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; trên cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm Kỳ thi Trung
học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính
quy năm 2016; tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các thầy cô
giáo và toàn xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT
quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển
sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2017. Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm
2017 (gọi tắt là Phương án) đính kèm Công văn này.
Bộ GDĐT yêu cầu các sở GDĐT, Cục Nhà
trường (Bộ Quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) thông báo nội dung Phương án
đến các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý để tổ chức dạy học, hướng dẫn học
sinh ôn tập và chuẩn bị thi đạt kết quả tốt; các đại học, học viện, các trường
đại học, cao đẳng căn cứ Phương án để chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm thực
hiện tốt công tác tuyển sinh cho năm học 2017-2018.
Trân trọng./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Tuyên giáo TƯ (để b/c);
- Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội
(để b/c);
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (để
b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- UBND các tỉnh/thành phố trực
thuộc TƯ (để p/h chỉ đạo);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để p/h chỉ đạo);
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Cục KTKĐCLGD.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Bùi Văn Ga
|
PHƯƠNG ÁN
TỔ CHỨC
KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2017
(Kèm theo Công văn số 4818/BGDĐT-KTKĐCLGD
ngày 28 tháng 9 năm 2016)
Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo
(GDĐT) tiếp tục tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia lấy kết quả
để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng
(ĐH, CĐ) hệ chính quy. Phương án cụ thể như sau:
I. Tổ chức thi THPT quốc gia và
xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017
1. Tổ chức cụm thi
a) Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương (gọi chung là tỉnh) tổ chức một cụm thi do sở GDĐT chủ trì dành cho
tất cả các thí sinh của địa phương; các điểm thi được bố trí đảm bảo tạo thuận
lợi tối đa cho thí sinh; các thí sinh tự do được lựa chọn địa điểm thi phù hợp.
b) Sở GDĐT các tỉnh bố trí cán bộ thực
hiện các khâu tổ chức thi theo đúng quy chế.
c) Bộ GDĐT cử cán bộ, giảng viên từ
các đại học, học viện, trường ĐH, CĐ (gọi chung là các trường ĐH, CĐ) đến các tỉnh
để phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi, nhất là các khâu coi thi và chấm thi.
2. Bài thi, hình thức thi, đề
thi, thời gian làm bài thi và lịch thi
a) Bài thi
- Tổ chức thi 5 bài, gồm:
+ 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn,
Ngoại ngữ.
+ 2 bài thi tổ hợp: Khoa học Tự nhiên
(tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch
sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa
lí đối với Giáo dục Thường xuyên). Các bài thi tổ hợp có điểm từng môn thành phần
(phục vụ xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo khối thi truyền thống) và điểm toàn bài thi
(phục vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo tổ hợp môn
thi, bài thi mới).
- Thí sinh Giáo dục THPT thi 4 bài để
lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ
văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi
Khoa học Xã hội). Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn
thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi; điểm
bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận
tốt nghiệp THPT.
- Thí sinh Giáo dục Thường xuyên thi
3 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 2 bài thi bắt buộc
(Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học Tự
nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội). Thí sinh có thể dự thi cả 4 bài thi; điểm
bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, thí sinh có thể thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu
có nguyện vọng.
- Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi
để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ có thể chọn thi các bài thi hoặc các môn
thành phần của bài thi Khoa học Tự nhiên, bài thi Khoa học Xã hội, phù hợp với
tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các
trường ĐH, CĐ.
- Thí sinh được sử dụng kết quả thi
THPT quốc gia để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2017
theo quy định trong đề án tuyển sinh được các trường ĐH, CĐ công bố công khai.
b) Hình thức thi
- Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học
Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí
sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu
trả lời trắc nghiệm (Phiếu TLTN); kết quả làm bài của thí sinh trên Phiếu TLTN
được chấm bằng phần mềm máy tính.
- Bài thi Ngữ văn thi theo hình
thức tự luận.
c) Đề thi
- Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ
cơ bản phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa
phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ.
- Đề thi cho mỗi môn thành phần của
các bài thi Khoa học Tự nhiên, bài thi Khoa học Xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm;
đề thi của bài thi Toán, bài thi Ngoại ngữ có 50 câu hỏi trắc nghiệm. Mỗi câu hỏi
trắc nghiệm có 4 phương án trả lời với duy nhất 1 phương
án trả lời đúng.
- Đề thi bài thi Ngữ văn có phần Đọc
hiểu và phần Làm văn.
d) Thời gian làm bài thi:
- Thời gian làm bài dành cho mỗi môn
thành phần của các bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội: 50 phút.
- Bài thi Ngữ văn: 120 phút.
- Bài thi Toán: 90 phút.
- Bài thi Ngoại ngữ: 60 phút.
đ) Nội dung thi: Năm 2017, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 12 THPT; năm 2018,
nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi,
nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT.
e) Lịch thi: Tổ chức thi 2 ngày trong tháng 6 năm 2017. Lịch thi cụ thể:
- Ngày thứ nhất:
+ Buổi sáng: thi Ngữ văn và Ngoại ngữ.
+ Buổi chiều: thi Toán.
- Ngày thứ hai:
+ Buổi sáng: thi bài thi Khoa học Tự
nhiên.
+ Buổi chiều: thi bài thi Khoa học Xã
hội.
3. Công bố kết quả thi và cấp
Giấy chứng nhận kết quả thi
Sở GDĐT cập nhật kết quả thi lên hệ
thống quản lý cơ sở dữ liệu chung của Bộ GDĐT, công bố kết quả thi và cấp cho mỗi
thí sinh 1 Giấy chứng nhận kết quả thi.
4. Xét công nhận tốt nghiệp
THPT
- Kết hợp sử dụng
kết quả điểm 4 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh Giáo dục THPT) hoặc 3 bài
thi tốt nghiệp (đối với thí sinh Giáo dục Thường xuyên) với điểm trung bình cả
năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp
THPT.
- Phương thức tính điểm xét tốt nghiệp:
điểm các bài thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 có tỷ lệ tương ứng
50 : 50.
- Điểm liệt của mỗi bài thi độc lập
(theo thang 10 điểm): 1,0 điểm.
- Điểm liệt của mỗi môn thành phần
(theo thang 10 điểm) của các bài thi tổ hợp: 1,0 điểm.
5. Quản lý cơ sở dữ liệu thi
THPT quốc gia
a) Các thông tin của thí sinh đăng ký
dự thi THPT quốc gia được cập nhật vào hệ thống quản lý dữ liệu chung của Bộ
GDĐT. Mỗi thí sinh được cung cấp một mã số thí sinh và tài khoản để kiểm tra
thông tin cá nhân, kết quả thi THPT quốc gia, kết quả tốt nghiệp THPT và đăng
ký xét tuyển ĐH, CĐ.
b) Sở GDĐT sử dụng cơ sở dữ liệu
chung để tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh; cập nhật
lên hệ thống kết quả học tập THPT, kết quả thi THPT quốc gia và kết quả xét
công nhận tốt nghiệp THPT.
c) Các trường ĐH, CĐ truy cập, khai
thác dữ liệu phục vụ công tác tuyển sinh.
II. Tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ hệ
chính quy năm 2017
1. Quy định chung
- Bộ GDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh
ĐH, CĐ hệ chính quy, đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học theo định
hướng tại mục II.2 dưới đây.
- Các trường ĐH, CĐ xây dựng đề án tự
chủ tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy và công bố công
khai.
- Các trường có thể tuyển sinh 1 hoặc
2 kỳ trong năm.
2. Các phương thức tuyển sinh
2.1. Xét tuyển dựa vào kết quả các
bài thi THPT quốc gia
- Các trường công bố công khai tổ hợp
các bài thi, môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các
ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi.
- Các trường công bố công khai chỉ
tiêu dành cho các tổ hợp xét tuyển khác nhau; trong đó, dành ít nhất 25% chỉ
tiêu để xét tuyển theo các khối thi truyền thống (A, A1,
B, C, D).
- Sau khi có kết quả thi, thí sinh được
phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp
các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.
- Bộ GDĐT sử dụng phần mềm quản lý
tuyển sinh để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với 1 nguyện vọng phù hợp nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Danh
sách này được công khai để các trường tham khảo, làm căn cứ tuyển sinh. Các trường
có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường đã nêu
trong đề án tự chủ tuyển sinh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển
chính thức.
- Trong thời hạn quy định của trường,
thí sinh trúng tuyển phải khẳng định nhập học tại trường; trường có trách nhiệm
cập nhật sớm nhất danh sách thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống quản
lý dữ liệu chung để các trường khác cùng biết.
- Việc xét tuyển có thể được thực hiện
nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các
trường.
2.2. Sơ tuyển dựa vào kết quả Kỳ
thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh
giá năng lực chuyên biệt của thí sinh
Nếu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia
hoặc kết quả học tập ở cấp THPT để sơ tuyển, các trường có
thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên
biệt của thí sinh (nếu thấy cần thiết) với các hình thức phù hợp, đảm bảo không
để xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan. Các trường phải công khai đề thi minh
họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay
tự luận) và cách tính điểm xét tuyển.
2.3. Xét tuyển dựa vào kết quả học
tập ở cấp THPT
Các trường thông báo cụ thể điều kiện
nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm
THPT). Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo yêu cầu của trường được quy định
trong đề án tự chủ tuyển sinh đã được công bố công khai.
2.4. Phối hợp nhiều phương thức
tuyển sinh
Các trường có thể chọn một hoặc kết hợp
nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên và quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển
sinh; đồng thời, công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển đối với mỗi phương thức
tuyển sinh.
III. Các nhiệm vụ triển khai thực
hiện trong thời gian tới
1. Bộ GDĐT
a) Công bố Phương án tổ chức Kỳ thi
THPT quốc gia năm 2017; triển khai truyền thông sâu rộng để giáo viên, học sinh
và xã hội hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện.
b) Sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT
quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.
c) Công bố đề thi minh họa cho Kỳ thi
THPT quốc gia 2017 để học sinh, giáo viên tham khảo, vận dụng trong dạy, học và
ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi.
d) Tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi
thi; chuẩn bị phần mềm và hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo tổ chức thi và
tuyển sinh thành công.
2. Các địa phương
a) Chỉ đạo tuyên truyền chủ trương,
hướng dẫn tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, nhất là những điều chỉnh trong
tổ chức thi, xét tuyển sinh ĐH, CĐ tới các cơ sở giáo dục đào tạo và giáo viên,
học sinh của địa phương.
b) Chỉ đạo triển khai tổ chức dạy học
và kiểm tra, đánh giá trong các trường phổ thông và hướng
dẫn học sinh ôn tập.
3. Các trường ĐH, CĐ
a) Xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh,
chuẩn bị các điều kiện thực hiện tốt công tác tuyển sinh năm 2017.
b) Bố trí cán bộ, giảng viên đến các tỉnh
để hỗ trợ công tác tổ chức thi theo yêu cầu của Bộ GDĐT.