UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04/2000/CT-UB
|
Bến Tre, ngày 26
tháng 4 năm 2000
|
CHỈ THỊ
“ VỀ VIỆC TĂNG
CƯỜNG CÔNG TÁC THI ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH”
Công tác thi án dân sự được chuyển giao từ Toà
án nhân dân sang Chính phủ từ năm 1993 đến nay. Thời gian qua Uỷ ban nhân dân
các cấp, các ngành quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn tổ chức cơ quan thi
hành án từ tỉnh đến huyện, thị, tạo điều kiện để hệ thống cơ quan thi hành án
dân sự ở địa phương từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả; góp phần cùng với
các cơ quan pháp luật giữ gìn kỷ cương, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi
ích chính đáng của các tổ chức và công dân được bảo vệ theo quyết dịnh của Tòa
án.
Song, việc chú trọng, quan tâm đúng mức đến công
tác thi hành án dân sự của Uỷ ban nhân dân các cấp, các ngành vẫn còn hạn chế,
dẫn đến việc tổ chức thi hành án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; lượng án tồn
đọng ngày càng nhiều, đặc biệt là số án tồn đọng từ những năm trước đến nay mà
vẫn chưa thi hành được, ảnh hưởng không tốt đến công tác quản lý Nhà nước, đến
quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và cá nhân.
Nhằm khắc phục tình trạng án tồn đọng kéo dài,
đồng thời từng bước nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thi hành án trong toàn
tỉnh. Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
huyện, thị, xã, phường, thị trấn. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan
trong tỉnh thực hiện những công việc sau đây:
1) Nghiên cứu, quán triệt tốt chủ trương, đường
lối lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự. Tiếp tục triển khai Pháp
lệnh Thi hành án dân sự; Điều 27 và Điều 25 Pháp lệnh về trách nhiệm của Hội
đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp, Chỉ thị 266/TTg ngày 02/6/1993 của Thủ
tướng Chính phủ; Thông tư liên ngành 02/TT-LN ngày 27/9/1993 của Bộ Tư pháp -
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), để nắm và thực
hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác thi hành án.
2) Giám đốc Sở Tư pháp chỉ đạo Phòng Thi hành án
tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát, phân loại án cụ thể: số án đã có điều kiện
thi hành, số án chưa có điều kiện thi hành, số án mà người phải thi hành là cơ
quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội mà hiện nay chưa thi hành án, số án
mà người phải thi hành là cán bộ, công chức của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã
hội; người phải thi hành án là cán bộ đảng viên có danh sách chi tiết từng án
có tên họ, địa chỉ cụ thể người phải thi hành án, người được thi hành án, địa
chỉ cơ quan và địa chỉ thường trú, có điều kiện hay không có điều kiện thi
hành, đề báo cáo và đề xuất hướng xử lý với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch mở đợt thi hành
dứt điểm những bản án tồn đọng từ những năm trước đến nay chưa được thi hành
hoặc thi hành dây dưa kéo dài, trình UBND tỉnh để chỉ đạo thi hành. Trong kế
hoạch cần chọn ra một số vụ điển hình ở địa phương mà đương sự có đủ điều kiện
thi hành nhưng cố tình lẩn tránh, chống đối, không chịu thi hành, đề xuất áp
dụng biện pháp cưỡng chế thi hành.
Trong quá trình tổ chức thi hành án, nếu cần
phải có sự hỗ trợ về phương tiện và kinh phí của địa phương thì Trưởng phòng
Thi hành án lập kế hoạch cụ thể, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định.
- Phòng Thi hành án và các Đội thi hành án xác
định những vụ cưỡng chế thi hành án phức tạp thì phải báo cáo Chủ tịch UBND
cùng cấp để thống nhất phương án bảo vệ trật tự an toàn cho việc cưỡng chế thi
hành án. Đồng thời gửi thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn nơi tiến hành
cưỡng chế, trực tiếp chỉ đạo theo đề xuất của Thủ trưởng cơ quan thi hành án
cùng cấp.
3) Trong trường hợp kê biên định giá tài sản để
thi hành án, nếu các đương sự không thỏa thuận được về giá cả hoặc việc đánh
giá tài sản đòi hỏi phải có cán bộ chuyên môn tham gia, Chấp hành viên đề nghị
lập hội đồng định giá có mời đại diện các cơ quan chuyên môn tham gia thì lãnh
đạo cơ quan chủ quản phải cử người tham gia hội đồng định giá, tạo điều kiện
cho cơ quan thi hành án thực hiện tốt nhiệm vụ thi hành án.
4) Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành
viên và cảnh sát bảo vệ cưỡng chế thi hành án cần cương quyết xử phạt nghiêm
minh theo quy định của Chính phủ, đối với các trường hợp cố tình trì hoãn, cản
trở, chống đối việc thi hành án.
UBND huyện, thị phải nắm vững tình hình án dân
sự ở địa phương và tăng cường chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan hữu
quan trong việc thi hành án dân sự, đặc biệt là những trường hợp khó khăn, phức
tạp cần phải có sự chỉ đạo cụ thể, đồng thời cần xem xét điều kiện hoạt động
của các đội thi hành án để hỗ trợ về phương tiện và kinh phí cho việc tổ chức
thi hành án đạt hiệu quả.
5) Các cơ quan tổ chức hữu quan phải thực hiện
đúng quy định tại Điều 19, 20 của Nghị định số 69/CP ngày 18/10/1993 của Chính
phủ quy định thủ tục thi hành án dân sự, cụ thể là:
a) Thủ trưởng, kế toán trưởng cơ quan, tổ chức,
đơn vị, người sử dụng lao động nơi người phải thi hành án làm việc hoặc nhận
thu nhập phải thực hiện quyết định của Chấp hành viên về việc trừ vào thu nhập
của người đó, chuyển số tiền trừ được cho người được thi hành án và thông báo
cho Chấp hành viên đã ra quyết định biết.
b) Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng
phải cung cấp số liệu về tài khoản của người phải thi hành án theo yêu cầu của
Thủ trưởng cơ quan thi hành án và thực hiện quyết định của Chấp hành viên về
khoản trừ tiền hoặc tài sản của người đó để chuyển cho người được thi hành án.
c) Người đang vay, mượn, thuê, giữ, sửa chữa tài
sản của người thi hành án, khi nhận được yêu cầu của Chấp hành viên thì phải
giao tài sản đề Chấp hành viên khấu trừ tài sản, thanh toán cho người được thi
hành án.
6) Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ
chức xã hội có nghĩa vụ thi hành án dân sự mà chưa thi hành phải báo cáo bằng
văn bản nêu rõ lý do, nguyên nhân vì sao chưa thi hành án được và xin phép cụ
thể về thời gian và biện pháp thi hành gửi cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng
cấp và Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi ra quyết định thi hành để tổng hợp
báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định biện pháp tổ chức thi
hành.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần
chúng ở cơ sở vận động quần chúng nhân dân ý thức chấp hành pháp luật, tôn
trọng chấp hành các bản án, quyết định của Toà án.
7) Giám đốc Sở Tư pháp đề xuất với Uỷ ban nhân
dân tỉnh và hướng dẫn cho Uỷ ban nhân dân huyện, thị, thành lập Ban Chỉ đạo
giải quyết án tồn đọng, Thủ trưởng cơ quan thi hành án xây dựng kế hoạch thi
hành án thông qua Ban Chỉ đạo ít nhất mỗi quí 1 kỳ để chỉ đạo thống nhất biện
pháp thi hành tại địa phương. Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đối với công
tác thi hành án dân sự trong địa bàn tỉnh.
8) Phòng Thi hành án tỉnh phải thực hiện đúng
chế độ báo cáo cho ngành dọc cấp trên và cho Uỷ ban nhân dân tỉnh. Đột xuất gặp
vụ việc phức tạp khó khăn vướng mắc phải kịp thời báo cáo cho Uỷ ban nhân dân
cùng cấp để có biện pháp chỉ đạo cụ thể kịp thời trong việc tổ chức thi hành án.
Trên đây là những yêu cầu cấp bách của công tác
thi hành án dân sự tại tỉnh Bến Tre. Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Tư pháp,
các ngành, các cấp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị, xã phường, thị trấn
triển khai thực hiện tốt. Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn, vướng mắc
kịp thời báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi chỉ đạo./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Huỳnh Văn Be
|