CÔNG ƯỚC ATA
(CÔNG ƯỚC HẢI QUAN VỀ SỔ ATA CHO VIỆC CHẤP NHẬN TẠM THỜI
HÀNG HOÁ)
Lời tựa
Các nước ký kết Công ước này,
Đã họp dưới sự bảo trợ của Hội đồng hợp tác hải
quan và các bên ký kết GATT (Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch) và có sự
tham khảo ý kiến của Tổ chức UNESCO;
Với sự tin tưởng rằng việc thông qua những thủ tục
chung cho việc nhập khẩu hàng hoá miễn thuế tạm thời sẽ đưa đến những thuận lợi
đáng kể cho phép hoạt động thương mại và văn hoá quốc tế và đạt được sự hoà hợp
và thống nhất cao hơn trong hệ thống Hải quan của các bên ký kết;
Đã đồng ý những điểm như sau:
Chương I
ĐỊNH NGHĨA VÀ SỰ CHẤP NHẬN
Điều 1
Với mục đích của Công ước
này
a) Thuật ngữ: “ Thuế nhập khẩu” có nghĩa là thuế
Hải quan và tất cả các loại thuế khác có liên quan đến nhập khẩu hàng hoá và sẽ
gồm tất cả các loại thuế trong nước và thuế môn bài đánh vào hàng hoá nhập khẩu
nhưng không bao gồm các loại dịch vụ phí và không được coi như là sự bảo hộ
gián tiếp đối với sản phẩm trong nước hoặc thuế nhập khẩu cho mục đích tài
chính.
b) Thuật ngữ “Chấp nhận tạm thời” có nghĩa là miễn
thuế nhâph khẩu cho các hàng hoá nhập khẩu tạm thời phù hợp với các điều kiện
đã đề ra trong công ước đã được đề cập trông điều 3 của Công ước (C.Ư) hoặc luật
pháp quy định của nước nhập khẩu.
c) Thuật ngữ “Quá cảnh” có nghĩa là vận chuyển
hàng hoá từ một cơ quan Hải quan trên lãnh thổ của một bên ký kết tới một cơ
quan Hải quan khác trên cùng lãnh thổ phù hợp với những điều kiện đã được đề ra
trong luật pháp và quy định quốc gia của bên ký kết.
d) Thuật ngữ “Sổ chấp nhận tạm thời (ATA)” có
nghĩa là tài liệu được sao lại như ở Phụ lục của Công ước này.
e) Thuật ngữ “Tổ chức cấp phát” có nghĩa là một
tổ chức được Hải quan của một bên ký kết chấp nhận cho phép cấp sổ ATA ở lãnh
thổ của bên ký kết đó.
f) Thuật ngữ “Hội đồng” có nghĩa là Tổ chức được
lập ra bởi Công ước thành lập Hội đồng hợp tác Hải quan ngày 15/12/1950 tại Bỉ.
g) Thuật ngữ “Người” vừa có nghĩa là thể nhân và
pháp nhân trừ khi bối cảnh khác yêu cầu.
Điều 2
Việc chấp nhận một tổ chức
cấp phát được quy định trong đoạn c Điều 1 của Công ước này có thể còn tuỳ thuộc
vào điều kiện là giá của sổ ATA sẽ tương xứng với chi phí dịch vụ.
Chương II
PHẠM VI
Điều 3
1- Mỗi bên ký kết Công ước
sẽ chấp nhận sổ ATA thay cho tài liệu Hải quan quốc gia của mình và là sự đảm bảo
cho số tiền nêu trong Điều 6 của Công ước này; Sổ ATA có giá trị trên lãnh thổ
của bên ký kết và được cấp phát và sử dụng phù hợp với những điều kiện nêu
trong Công ước đối với những hàng hoá được nhập tạm thời theo:
a) Công ước Hải quan về nhập khẩu tạm thời thiết
bị nghề nghiệp ký tại Bruxelles (Bỉ) ngày 08/06/1961.
b) Công ước Hải quan liên quan đến những phương
tiện đối với việc nhập khẩu những hàng hoá để trưng bày hoặc dùng tại triển
lãm, hội chợ, hội nghị hoặc sự kiện tương tự ký tại Bruxelles (Bỉ) ngày
08/06/1961, cho đến nay là một bên ký kết những Công ước đó.
2- Mỗi bên ký kết có thể chấp nhận sổ ATA được cấp
và sử dụng trong cùng điều kiện, đối với những hàng hoá được nhập khẩu tạm thời
theo các Công ước quốc tế khác về tạm nhập thời hoặc những thủ tục chấp nhận tạm
thời theo luật pháp và quy định của quốc gia đó.
3- Mỗi bên ký kết có thể chấp nhận sổ ATA được cấp
và sử dụng trong cùng điều kiện cho quá cảnh.
4- Hàng hoá dùng để chế biến hoặc sửa chữa sẽ
không được nhập khẩu theo sổ ATA.
Chương III
CẤP PHÁT VÀ SỬ DỤNG SỔ
ATA
Điều 4
1- Các tổ chức cấp phát sẽ
không cấp sổ ATA có giá trị quá 1 năm kể từ ngày cấp. Trên bìa của sổ ghi những
nước chấp nhận và tên của những tổ chức đảm bảo tương ứng.
2- Một khi sổ ATA đã được cấp thì không được ghi
thêm các hàng hoá vào danh sách các hàng hoá đã được liệt kê vào mặt sau bìa
trước của sổ hoặc vào các bản tiếp theo gắn vào bảng tổng hợp.
Điều 5
Thời gian ấn định cho tái
xuất hàng hoá nhập khẩu theo sổ ATA trong bất cứ trường hợp nào cũng không được
vựot quá thời gian giá trị của sổ.
Chương IV
ĐẢM BẢO
Điều 6
1. Mỗi tổ chức bảo lãnh sẽ
cam kết trả cho cơ quan Hải quan của một nước một khoản tiền thuế nhập khẩu và
mọi khoản tiền nào khác phải thanh toán trong trường hợp không tuân thủ các điều
kiện của việc tạm quản hoặc quá cảnh đối với hàng hoá đưa vào nước đó theo Sổ tạm
quản do tổ chức cấp tương ứng. Đó là trách nhiệm pháp lý chung của những người
phải thanh toán khoản tiền như đề cập ở trên.
2. Trách nhiệm của tổ chức bảo lãnh sẽ không vượt
quá 110% tổng số tiền thuế nhập khẩu.
3. Khi cơ quan Hải quan Bên ký kết nhập khẩu miễn
trừ vô điều kiện Sổ tạm quản đối với một số hàng hoá nhất định thì họ sẽ không
đòi hỏi khoản tiền phải thanh toán từ tổ chức bảo lãnh như đề cập tại khoản 1 của
Điều này đối với những hàng hoá đó. Tuy nhiên họ có thể đòi hỏi cơ quan bảo
lãnh nếu sau đó phát hiện được việc miễn trừ Sổ tạm quản có được là không hợp lệ
hoặc có biểu hiện gian lận hoặc có vi phạm các điều kiện tạm quản hoặc quá cảnh.
4. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cơ quan Hải quan
không được yêu cầu tổ chức bảo lãnh thanh toán khoản tiền đề cập tại khoản 1 của
Điều này nếu không có đơn yêu cầu đối với tổ chức bảo lãnh trong vòng một năm kể
từ ngày Sổ tạm quản kết thúc hiệu lực.
Chương V
HỢP THỨC HOÁ SỔ ATA
Điều 7
1- Tổ chức bảo lãnh sẽ có
một thời hạn sáu tháng kể từ ngày cơ quan Hải quan đưa ra yêu cầu thanh toán
khoản tiền bảo lãnh như đề cập tại khoản 1 Điều 6 của Công ước này trong đó có
việc đưa ra các bằng chứng của việc tái xuất số hàng hoá trên theo các điều kiện
quy định trong Công ước này hoặc mọi việc thanh khoản Sổ tạm quản hợp lệ khác.
2- Nếu không cung cấp được chứng cứ trong thời
gian cho phép thì Tổ chức đảm bảo phải đặt cọc hoặc trả tạm thời số tiền đó.
Sau 3 tháng kể từ ngày đặt cọc, số tiền đặt cọc hoặc trả tạm thời sẽ không được
hoàn lại. Trong suốt thời gian 03 tháng đó, Tổ chức đảm bảo vẫn có thể cung cấp
chứng cớ đã nêu ở đoạn trên nhằm thu lại số tiền đặt cọc hoặc đã trả tạm thời.
3- Đối với những nước mà luật pháp và quy định
không cho phép đặt cọc hoặc trả tạm thời thuế nhập khẩu thì việc trả tiền như
đã đề cập ở đoạn trên sẽ phải được hoàn thành nhưng số tiền đó sẽ được hoàn lại
nếu có chứng cớ nêu trong khoản 1 Điều này trong thời gian 03 tháng kể từ ngày
trả tiền.
Điều 8
1. Bằng chứng của việc tái
xuất khẩu hàng hoá nhập khẩu theo Sổ tạm quản sẽ được thể hiện qua chứng nhận
đã hoàn thành việc tái xuất thể hiện trên sổ tạm quản do cơ quan Hải quan của
nước cho tạm nhập số hàng đó thực hiện.
2. Nếu việc tái xuất hàng hoá không được chứng
nhận theo khoản 1 của Điều này, thì cơ quan Hải quan nước nhập khẩu vẫn có thể
chấp nhận chứng cứ của việc tái xuất hàng hoá, thậm chí kể cả khi Sổ tạm quản
đã hết hiệu lực :
a) Các chi tiết mà cơ quan Hải quan Bên ký kết
ghi vào Sổ tạm quản về việc nhập hoặc tạm nhập hoặc một chứng nhận do các cơ
quan này cấp dựa trên cơ sở các chi tiết đã được ghi trong tờ phiếu được tách
ra từ Sổ tạm quản về việc nhập hoặc tái nhập vào lãnh thổ của họ, với điều kiện
rằng các chi tiết liên quan đến việc nhập hoặc tái nhập có thể chứng minh rằng
việc đó đã diễn ra sau khi có ý định tái xuất .
b) Bất cứ tài liệu nào khác minh chứng được rằng
hàng hoá ở ngoài lãnh thổ nước đó.
3. Trong mọi trường hợp ở đó cơ quan Hải quan của
một Bên ký kết từ chối yêu cầu tái xuất một số hàng hoá nhất định nào đó đã đưa
vào lãnh thổ của họ theo Sổ tạm nhập, thì tổ chức bảo lãnh sẽ được giải toả
nghĩa vụ của mình chỉ khi các cơ quan hải quan này đã chứng thực vào Sổ tạm quản
rằng hàng hoá đó đã được điều chỉnh.
Điều 9
Trong những trường hợp nêu
trong đoạn 2 của Điều 8 của Công ước thì Hải quan có quyền tính phí hợp thức
hoá.
Chương VI
NHỮNG ĐIỀU KHOẢN KHÁC
Điều 10
Các chứng thực của Hải quan
vào Sổ tạm quản được sử dụng theo các điều kiện quy định của Công ước này sẽ
không phải chịu các khoản lệ phí cho sự hiện diện của hải quan tại các cửa khẩu
hoặc các trạm hải quan trong những giờ làm việc bình thường.
Điều 11
Trong trường hợp Sổ tạm quản
bị hư hỏng, thất lạc hoặc bị đánh cắp trong khi hàng hoá thuộc Sổ tạm quản này
đang ở trong lãnh thổ của một trong hai bên ký kết, thì theo đề nghị của tổ chức
cấp Sổ tạm quản và tuỳ thuộc vào các điều kiện mà các cơ quan hải quan đó đưa
ra, cơ quan Hải quan của Bên ký kết đó sẽ chấp nhận một tài liệu thay thế, với
hiệu lực như hiệu lực của Sổ tạm quản mà tài liệu đó thay thế.
Điều 12
1. Khi hàng hoá tạm nhập
không thể tái xuất đươc vì lý do bị bắt giữ trừ việc bắt giữ theo khiếu nại của
cá nhân, thì việc yêu cầu tái xuất sẽ được tạm hoãn trong thời gian bị bắt giữ.
2. Cơ quan Hải quan trong chừng mực có thể sẽ
thông báo cho tổ chức bảo lãnh việc bắt giữ mà mình hoặc nhân danh mình thực hiện
đối với hàng hoá nhập vào theo Sổ tạm quản được bảo lãnh bởi tổ chức đó và sẽ
cho biết các biện pháp mà họ dự định thực hiện đối với hàng hoá đó.
Điều 13
Sổ ATA hoặc những phần của
sổ ATA được cấp phát ở nước mà nó được nhập khẩu hoặc được gửi tới một tổ chức
cấp phát bởi tổ chức cấp phát nước ngoài tương ứng, hay một tổ chức quốc tế hay
hải quan của bên ký kết thì sẽ được miễn thuế nhập khẩu và không bị ngăn cấm
cũng như hạn chế nhập khẩu. Các phương tiện tương ứng cũng được cho phép khi xuất
khẩu.
Điều 14
Theo mục đích của Công ước
này, lãnh thổ của các bên ký kết cùng ở trong một liên minh hải quan hoặc kinh
tế thì có thể coi như một lãnh thổ đơn nhất.
Điều 15
Trong các trường hợp gian
lận, buôn lậu hoặc lạm dụng thì các bên ký kết, mặc dầu những qui định trong
Công ước, sẽ tự do áp dụng các thủ tục chống lại người sử dụng sổ ATA để lấy lại
tiền thuế nhập khẩu và các khoản tiền khác và cũng được tự do áp đặt bất cứ
hình phạt nào đối với những người đó. Trong trường hợp như vậy, các Tổ chức cấp
phát sổ ATA sẽ giúp đỡ hải quan.
Điều 16
Phụ lục của Công ước này
được coi là bộ phận không thể tách rời của Công ước.
Điều 17
Những quy định của Công ước
này đã tạo ra những phương tiện tối thiểu thích hợp và không ngăn cản áp dụng
những phương tiện nhiều hơn mà một số bên ký kết cho phép hoặc có thể cho phép
trong tương lai bằng những quy định đơn phương hoặc bằng những hiệp định song
phương và đa phương.
Chương VII
NHỮNG QUY ĐỊNH CUỐI CÙNG
Điều 18
1- Các bên ký kết sẽ họp
nếu thấy cần thiết để xem xét hoạt động của Công ước và đặc biệt xem xét những
biện pháp nhằm thống nhất trong việc giải thích và áp dụng Công ước.
2- Những cuộc họp như vậy do Tổng thư ký Hội đồng
triệu tập theo yêu cầu của bất cứ một bên ký kết nào. Trừ phi các bên ký kết
quyết định khác, cuộc họp sẽ được tổ chức tại trụ sở của Hội đồng.
3- Các bên ký kết sẽ đưa ra những quy định về thủ
tục của cuộc họp, những quyết định của các bên ký kết áp dụng bằng đa số 2/3
các bên ký kết có mặt và bỏ phiếu.
4- Các bên ký kết sẽ không quyết định về bất cứ
một vấn đề nào nếu không có quá 1/2 các bên ký kết có mặt.
Điều 19
1- Bất cứ sự tranh chấp
nào giữa các bên ký kết liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước này sẽ được
giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên.
2- Nếu không giải quyết được các cuộc tranh chấp
đó bằng đàm phán giữa các bên ký kết có tranh chấp thì sẽ đưa ra cuộc họp phù hợp
với Điều 18 của Công ước. Cuộc họp sẽ xem xét cuộc tranh chấp và đưa ra khuyến
nghị.
3- Các bên ký kết trong cuộc tranh chấp có thể
chấp nhận trước kiến nghị của các bên ký kết như là điều ràng buộc.
Điều 20
1- Bất cứ nước thành viên
nào của Hội đồng, của Liên hiệp quốc hoặc các cơ quan chuyên môn đều có thể trở
thành một bên ký kết Công ước:
a) bằng cách ký không có bảo lưu khi phê chuẩn.
b) bằng cách gửi tài liệu phê chuẩn sau khi ký kết
những phần cần phê chuẩn; hoặc
c) bằng cách gia nhập Công ước.
2- Công ước này sẽ để ngỏ cho đến 31/07/1962 để
các nước ký kết tại trụ sở của Hội đồng ở Bỉ nêu trong đoạn 1 của Điều khoản
này. Sau đó sẽ mở rộng cho các nước gia nhập Công ước.
3- Như đã nêu trong đoạn 1 của Điều khoản này,
Công ước sẽ tuỳ thuộc vào việc phê chuẩn của các nước ký kết phù hợp với thủ tục
Hiến pháp của nước đó.
4- Bất cứ Nhà nước nào mà chưa là thành viêc của
các tổ chức đã nêu ở đoạn 1 của Điều khoản này thì theo yêu cầu của các bên ký
kết, Tổng thư ký Hội đồng mời các nước đó trở thành bên ký kết bằng cách gia nhập
sau khi Công ước có hiệu lực.
5- Những tài liệu cho việc phê chuẩn hoặc gia nhập
sẽ được gửi tới Tổng thư ký của Hội đồng.
Điều 21
1- Công ước sẽ có hiệu lực
3 tháng kể từ khi 5 nước nêu trong đoạn 1 Điều 20 ký Công ước hoàn toàn tán
thành việc phê chuẩn hoặc gửi tài liệu phê chuẩn hoặc gia nhập.
2- Đối với bất cứ nước nào ký kết hoàn toàn tán
thành việc phê chuẩn và gia nhập Công ước này sau khi một nước ký hoàn toàn tán
thành việc phê chuẩn hoặc gửi tài liệu phê chuẩn hoặc gia nhập, thì Công ước sẽ
có hiệu lực sau 3 tháng kể từ khi những nước nói trên đã ký hoàn toàn phê chuẩn
hoặc gửi tài liệu phê chuẩn hoặc gia nhập.
Điều 22
1- Công ước này có giá trị
không thời hạn. Tuy vậy bất cứ bên ký kết nào cũng có thể rút khỏi Công ước bất
cứ lúc nào sau khi ngày Công ước có hiệu lực theo điều khoản 21.
2- Việc rút khỏi Công ước sẽ được thông báo bằng
văn bản gửi đến Tổng thư ký Hội đồng.
3- Việc rút khỏi Công ước sẽ có hiệu lực sau 6
tháng kể từ khi Tổng thư ký Hội đồng nhận được văn bản xin rút lui.
4- Nơi mà một bên ký kết rút khỏi Công ước phù hợp
với đoạn 1 của điều khoản này, hoặc thông báo theo đoạn 2 của Điều 23 hoặc đoạn
2 của Điều 25 của Công ước thì bất cứ sổ ATA nào được cấp trước ngày rút khỏi
Công ước hoặc thông báo có hiệu quả thì vẫn còn giá trị và sự đảm bảo của tổ chức
đảm bảo vẫn có trách nhiệm.
Điều 23
1- Vào thời điểm ký kết,
phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước hoặc sau đó thì bất cứ nước nào chấp nhận sổ
ATA phù hợp với quy định của đoạn 2 và 3 của Điều 3 của Công ước sẽ phải thông
báo cho Tổng thư ký của Hội đồng xác định những trường hợp của nước đó chấp nhận
sổ ATA và tuyên bố ngày chấp nhận có hiệu lực.
2- Những thông báo tương tự có thể được gửi tới
Tổng thư ký của Hội đồng như:
a) Mở rộng phạm vi của bất cứ thông báo nào trước
đây, hoặc
b) Tuỳ thuộc vào đoạn 4 của Điều 22 của Công ước
này và việc hạn chếphạm vi hoặc bãi bỏ các thông báo trước đây.
Điều 24
1- Cuộc họp của các bên
ký kết Công ước phù hợp với Điều 18 của Công ước có thể kiến nghị những điểm bổ
sung.
2- Văn bản của bất cứ điểm bổ sung nào đã được
kiến nghị sẽ do Tổng thư ký của Hội đồng gửi tới tất cả các bên ký kết, các nước
ký kết hoặc các nước gia nhập, Tổng thư ký Liên hiệp quốc, các bên ký kết GATT
và UNESCO.
3- Trong thời gian 6 tháng kể từ ngày điểm bổ
sung được gửi đi, thì bất cứ bên ký kết nào cũng có thể thông báo cho Tổng thư
ký Hội đồng:
a) rằng nó phản đối điểm bổ sung đã được kiến
nghị hoặc
b) rằng tuy có ý định chấp nhận kiến nghị nhưng
điều kiện cần thiết cho việc chấp nhận như vậy chưa được hoàn thành ở nước đó.
4- Nếu một bên ký kết gửi cho Tổng thư ký Hội đồng
một văn bản như đã quy định trong đoạn 3(b) của điều khoản này chừng nào bên ký
kết chưa thông báo cho Tổng thư ký Hội đồng về việc chấp nhận của bên ký kết về
điểm bổ sung thì họ có thể gửi bản phản kháng đối với điểm bổ sung đó trong phạm
vi 9 tháng tiếp theo thời kỳ hết hạn 6 tháng nêu trong đoạn 3 của Điều khoản
này.
5- Nếu sự phản đối điểm bổ sung được nêu phù hợp
với những điểm của đoạn 3 và 4 của Điều khoản này thì điểm bổ sung sẽ không được
chấp nhận và sẽ không có hiệu lực.
6- Nếu không phản đối điểm bổ sung phù hợp với
đoạn 3, 4 của Điều khoản này đã được nêu thì điểm bổ sung đương nhiên được chấp
nhận từ ngày:
a) Nếu không có bên ký kết nào gửi thông báo như
đoạn 3 và 4 của Điều khoản này vào lúc hết hạn thời gian 6 tháng nêu trong đoạn
3.
b) Nếu bất kỳ bên ký kết nào đã gửi thông báo
phù hợp với đoạn 3(b) của điều khoản này vào trước của 2 ngày sau:
1- Ngày các bên ký kết đã thông báo cho Tổng thư
ký của Hội đồng chấp nhận điểm bổ sung đã kiến nghị với điều kiện là nếu tất cả
các chấp nhận đã được thông báo trước thời kỳ hết hạn 6 tháng nêu trong đoạn 3
của Điều khoản này. Ngày được coi như là ngày hết hạn của thời kỳ 6 tháng đã
nói ở trên.
2- Ngày hết hạn 9 tháng nêu trong đoạn 4 của Điều
khoản này.
7- Bất cứ điểm bổ sung nào được chấp nhận sẽ có
hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày nó được chấp nhận.
8- Càng sớm càng tốt, Tổng thư ký của Hội đồng
thông báo tất cả các bên ký kết về sự phản đối với điểm bổ sung phù hợp với đoạn
3(a) và về bất cứ một thông báo nào đã nhận được phù hợp với đoạn 3(b) của điều
khoản này. Tổng thư ký của Hội đồng cũng thông báo tất cả các bên ký kết biết
liệu bên ký kết hoặc các bên ký kết đã gửi thông báo như vậy có tiếp tục phản đối
điểm bổ sung hoặc chấp nhận nó hay không.
9- Bất cứ nước nào phê chuẩn hoặc gia nhập Công
ước sẽ chắc chắn chấp nhận các điều khoản bổ sung có hiệu lực vào ngày gửi các
tài liệu phê chuẩn hoặc gia nhập.
Điều 25
1- Bất kỳ quốc gia nào
cũng có thể vào thời điểm ký Công ước không có sự bảo lưu khi phê chuẩn, hoặc gửi
tài liệu phê chuẩn hoặc gia nhập, hoặc vào bất cứ lúc nào sau đó, tuyên bố bằng
cách thông báo cho Tổng thư ký của Hội đồng rằng Công ước này sẽ mở rộng đến hoặc
bất cứ lãnh thổ nàp mà nó có mối quan hệ quốc tế.
Thông báo đó sẽ có hiệu lực sau 3 tháng kể từ
ngày Tổng thư ký của Hội đồng nhận được thông báo nhưng với điều kiện là Công ước
sẽ không áp dụng đối với những lãnh thổ nêu trong thông báo trước khi Công ước
có hiệu lực đối với nước liên quan.
2- Bất cứ nước nào mà đã thông báo như đoạn 1 của
Điều khoản này mở rộng Công ước tới bất cứ lãnh thổ nào mà nó có mối quan hệ quốc
tế thì có thể thông báo cho Tổng thư ký của Hội đồng, phù hợp với Điều 22 của
Công ước, rằng vùng lãnh thổ đang còn tranh cãi sẽ không áp dụng Công ước này.
Điều 26
1- Bất cứ nước nào có thể
tuyên bố vào lúc ký kết, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước hoặc thông báo cho Tổng
thư ký của Hội đồng sau khi trở thành một bên ký kết Công ước rằng nó sẽ không
chấp nhận sổ ATA theo quy định của Công ước bằng cách gửi bưu điện. Thông báo
này sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ ngày Tổng thư ký của Hội đồng nhận được
thông báo.
2- Bất cứ bên ký kết nào có sự bảo lưu như đã
quy định ở đoạn 1 của điều khoản này có thể rút lui sự bảo lưu đó vào bất cứ
lúc nào bằng cách thông báo cho Tổng thư ký của Hội đồng.
3- Không chấp nhận bất kỳ một sự bảo lưu nào
khác đối với Công ước.
Điều 27
Tổng thư ký của Hội đồng
sẽ thông báo cho tất cả các bên ký kết, các nước ký kết và các nước gia nhập, Tổng
thư ký Liên hợp quốc, các bên ký kết GATT, UNESCO:
a) Chữ ký, sự phê chuẩn và sự gia nhập theo điều
20 của Công ước,
b) Ngày Công ước có hiệu lực phù hợp với điều
21.
c) Việc rút khỏi công ước theo điều 22
d) Việc thông báo phù hợp với điều 23
e) Các bổ sung được chấp nhận theo điều 24 và
ngày có hiệu lực;
f) Việc nhận được thông báo theo điều 25.
g) Các tuyên bố và thông báo theo điều 26 và
ngày bảo lưu và rút lui bảo lưu có hiệu lực.
Điều 28
Để phù hợp với điều khoản
102 của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước này sẽ được đăng ký tại Ban thư ký
Liên hợp quốc theo yêu cầu của Tổng thư ký Hội đồng.
Để làm bằng, các đại diện có thẩm quyền dưới đây
đã ký vào Công ước.
Công ước này làm tại Bỉ ngày 6/12/1961 bằng tiếng
Anh và tiếng Pháp, cả hai văn bản đều có giá trị pháp lý như nhau hợp thành bản
gốc do Tổng thư ký Hội đồng lưu giữ. Tổng thư ký Hội đồng sẽ gửi các bản sao
cho tất cả các nước nêu trong điều 20 đoạn 1 của Công ước này.