ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
01/2011/QĐ-UBND
|
Mỹ
Tho, ngày 12 tháng 01 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/ 2003;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20/5/1998;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29/11/2006;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04/4/2001;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;
Căn cứ Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công
trình thủy lợi; Công văn số 47/ĐC-CP ngày 09/4/2009 của Chính phủ về việc đính
chính Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung
một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy
lợi;
Căn cứ Quyết định số 55/2004/QĐ-BNN ngày 01/11/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn ban hành quy định về cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm
vi bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Quyết định số 62/2007/QĐ-BNN ngày 28/6/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về việc cấp
giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, ban hành
kèm theo Quyết định số 55/2004/QĐ-BNN ngày 01/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phạm
vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể
từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1227/QĐ-UB ngày 10/7/1995 của Ủy ban nhân
dân tỉnh về việc bảo vệ các công trình thủy lợi.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng
các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho,
thị xã Gò Công, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có
trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Minh Điều
|
QUY ĐỊNH
PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN
GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2011 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này
áp dụng đối với những công trình thủy lợi đã xây dựng và được đưa vào khai thác
trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này
áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh có hoạt động
về công trình thủy lợi, các hoạt động có liên quan đến công trình thủy lợi trên
địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 3. Thu hồi và sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công
trình
1. Đất trong
phạm vi bảo vệ công trình đã đền bù, giải tỏa hoặc đất do người dân hiến để xây
dựng công trình phải được thu hồi và giao quyền sử dụng đất cho các tổ chức,
đơn vị (sau đây gọi chung là tổ chức) quản lý, khai thác công trình để quản lý,
sử dụng đúng quy định.
Việc thu hồi
và giao quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Đất trong
vùng phụ cận công trình chưa thu hồi thì người sử dụng đất hiện hữu vẫn được sử
dụng bình thường nhưng không được xây dựng các công trình kiên cố, không được
đào ao, đào hố, có các hành vi gây ảnh hưởng đến an toàn và cản trở, gây khó
khăn cho việc quản lý, vận hành, bảo vệ công trình. Khi cần mở rộng công trình
thủy lợi, người sử dụng đất có trách nhiệm giao đất trong phạm vi vùng phụ cận
và được đền bù theo quy định của pháp luật.
3. Chủ đầu tư
khi lập dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình thủy lợi phải
xác định và đưa phạm vi bảo vệ công trình, mốc chỉ giới vào hồ sơ trình duyệt
và thực hiện thủ tục xin thu hồi đất, giao quyền sử dụng đất cho các tổ chức tiếp
nhận quản lý, khai thác công trình theo quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều
này.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Phạm vi quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi
1. Đối với đê
điều phạm vi bảo vệ gồm thân đê, kè, cống và vùng phụ cận. Vùng phụ cận đối với
đê cấp IV, cấp V được quy định cụ thể như sau:
a) Đối với đê
biển tại những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính
từ chân đê trở ra 05 mét về phía sông và phía đồng; vùng phụ cận bảo vệ đê ở những
vị trí khác tính từ chân đê trở ra 200 mét về phía biển, 25 mét về phía đồng;
b) Đối với đê
sông và đê cửa sông tại những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du
lịch được tính từ chân đê trở ra 05 mét về phía sông và phía đồng; vùng phụ cận
bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng,
20 mét về phía sông;
c) Đối với đê
bao tại những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính
từ chân đê trở ra 05 mét về phía sông và phía đồng; vùng phụ cận bảo vệ đê đối
với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 10 mét về phía đồng, 05 mét về
phía sông;
d) Đối với kè
bảo vệ đê, vùng phụ cận bảo vệ công trình được giới hạn từ phần xây đúc cuối
cùng trở ra mỗi phía 50 mét.
2. Vùng phụ cận
bảo vệ đập được quy định như sau:
a) Đối với đập
ngăn dòng vĩnh cửu, vùng phụ cận bảo vệ công trình tối thiểu là 20 mét tính từ
chân đập trở ra;
b) Đối với đập
tạm ngăn lũ và triều cường, vùng phụ cận bảo vệ công trình tối thiểu là 10 mét
tính từ chân đập trở ra;
3. Đối với cống,
vùng phụ cận bảo vệ công trình được tính từ phần xây đúc cuối cùng trở ra mỗi
phía quy định như sau:
a) Đối với
các cống dưới đê biển, vùng phụ cận bảo vệ công trình là 50 mét;
b) Đối với
các cống dưới đê cửa sông, vùng phụ cận bảo vệ công trình là 40 mét;
c) Đối với
các cống dưới đê sông, đê dọc kênh do Trung ương quản lý, vùng phụ cận bảo vệ
công trình là 30 mét;
d) Đối với
các cống còn lại (trừ các cống được quy định tại điểm a, b, c khoản 3 của Điều
này), vùng phụ cận bảo vệ công trình tối thiểu là 20 mét;
đ) Đối với
các cống có kết hợp cầu giao thông đi qua, thì ngoài các quy định vùng phụ cận
như trên còn phải thỏa mãn các quy định về phạm vi bảo vệ của ngành giao thông
vận tải đối với cầu, cống, đường;
e) Các cống đầu
mối, cống nằm trong khu vực dân cư, khu công nghiệp phải có hàng rào bao quanh
bảo vệ cống.
4. Đối với trạm
bơm
a) Phạm vi bảo
vệ trạm bơm do các đơn vị báo cáo đầu tư và thiết kế kỹ thuật xác định để đảm bảo
thông thoáng, cách xa khu chứa các vật liệu dễ cháy, nổ, ô nhiễm; dễ vận chuyển
máy móc, thiết bị lắp đặt, sửa chữa, thuận tiện cho người vận hành và sửa chữa.
Đối với phần xây đúc như: bể hút, bể xả, nhà máy, trạm biến áp vùng phụ cận bảo
vệ công trình 50 mét ra mỗi phía tính từ giới hạn xây đúc cuối cùng;
b) Phải xây dựng
hàng rào bảo vệ khu vực trạm bơm và nhà quản lý.
5. Đối với
kênh nổi vùng phụ cận được quy định như sau:
a) Kênh có
lưu lượng từ 0,1m3/giây đến 2m3/giây, vùng phụ cận bảo vệ từ chân mái ngoài của
kênh trở ra từ 01 mét đến 02 mét;
b) Kênh có
lưu lượng từ 02m3/giây đến 10m3/giây, vùng phụ cận bảo vệ từ chân mái ngoài của
kênh trở ra từ 02 mét đến 03 mét;
c) Kênh có
lưu lượng từ 10m3/giây, vùng phụ cận bảo vệ từ chân mái ngoài của kênh trở ra từ
03 mét đến 05 mét.
6. Đối với
kênh chìm, vùng phụ cận được lấy từ mép kênh trở ra mỗi bên cụ thể như sau:
a) Kênh nội đồng,
vùng phụ cận bảo vệ công trình tối thiểu là 05 mét;
b) Kênh có
lưu lượng từ 03 m3/giây đến 10 m3/giây (tương đương kênh cấp 2, cấp 3), vùng phụ
cận bảo vệ công trình tối thiểu là 10 mét;
c) Kênh có
lưu lượng từ 10m3/giây đến 20m3/giây (tương đương kênh cấp 1), vùng phụ cận bảo
vệ công trình tối thiểu là 20 mét;
d) Kênh có
lưu lượng lớn hơn 20m3/giây (tương đương kênh trục), vùng phụ cận bảo vệ công
trình tối thiểu là 30 mét;
đ) Các đoạn
kênh đi qua trung tâm thị trấn, khu đông dân cư có nhà ở liền kề ven kênh, vùng
phụ cận bảo vệ công trình tối thiểu là 05 mét;
e) Đối với
kênh mà bờ kênh có đường giao thông, đê kết hợp thì phần đất từ mép kênh đến
chân đường giao thông, chân đê phía kênh được coi là vùng phụ cận bảo vệ công
trình. Từ chân đường giao thông, chân đê về phía đồng, vùng phụ cận lấy theo
quy định về giao thông và đê điều, nhưng vùng phụ cận bảo vệ công trình (bao gồm
phần đất từ mép kênh đến chân đường giao thông, chân đê phía kênh, bề rộng bản
thân đường giao thông, đê và vùng phụ cận của đường giao thông, đê về phía đồng)
không được nhỏ hơn vùng phụ cận bảo vệ công trình theo quy mô kênh tương ứng;
g) Các kênh
có quyết định chuyển đổi công năng hoàn toàn sang nhiệm vụ khác hoặc các kênh
có nhiệm vụ đặc biệt vùng phụ cận được xác định cụ thể trong từng dự án được
phê duyệt;
h) Các kênh hợp
làm giao thông thủy, ngoài các quy định trên còn phải phù hợp với quy định riêng
của ngành giao thông vận tải.
Điều 5. Các hành vi sau đây bị nghiêm cấm
1. Nghiêm cấm
xây dựng công trình và tiến hành các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình
thủy lợi như: xây dựng nhà cửa, kho hàng, bến bãi, chuồng trại và chặt các loại
cây, thả các loại vật nuôi, lấy đất, xẻ phá bờ kênh, xây cống bọng, trồng cây
lâu năm,… Trường hợp đặc biệt phải có sự cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh theo
đúng quy định của Nhà nước.
2. Mọi hình
thức làm cản dòng nước, gây ô nhiễm môi trường nước, lãng phí trong sử dụng nước
của công trình thủy lợi đều bị cấm như: lấn chiếm trái phép, chất chà, đóng
đáy, đăng, đóng cọc làm nhà, đắp đập ngang kênh trái phép, nuôi thả vịt, trâu
bò, trồng rau, lúa, nhà vệ sinh trên kênh, sông,…; đổ đất, đá, rác, súc vật chết
hoặc các chất thải độc hại, nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn
cho phép theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường vào công trình thủy lợi,…;
đào xẻ bờ kênh, bờ sông, đục phá công trình, đường ống dẫn để lấy nước gây tổn
hại công trình và lãng phí nguồn nước,…
3. Dùng các
chất nổ gây chấn động công trình, dùng các công trình thủy lợi làm vật cản để
thả chất nổ và dùng chất nổ, thuốc độc để đánh bắt cá.
4. Vận hành
công trình trái với quy trình, quy phạm kỹ thuật đã được quy định, người không
phận sự vào trong hàng rào bảo vệ hoặc tự ý vận hành công trình.
5. Các hành
vi khác gây mất an toàn hoặc cản trở đến quản lý, khai thác và sử dụng công
trình thủy lợi.
Điều 6. Việc cấp giấy phép đối với các hoạt động trong phạm vi
bảo vệ công trình thủy lợi
Ủy ban nhân
dân tỉnh sẽ có quy định riêng về thủ tục và trình tự cấp giấy phép đối với các
hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Điều 7. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp
hành nội quy bảo vệ các thiết bị, máy móc phục vụ quản lý, khai thác, bảo vệ
công trình, nghiên cứu khoa học thủy lợi như: cột móc các loại; thước đo nước;
trạm đo mặn, đo chua; dụng cụ quan trắc khí tượng; các bảng, biển báo hiệu;
hàng rào bảo vệ công trình;…
Điều 8. Xử lý công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ
công trình thủy lợi
1. Nhà ở,
công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đã được đền bù, có quyết định
thu hồi hoặc trên đất hiến tặng đều phải di dời.
2. Nhà ở,
công trình hiện có nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi ngoài quy định
tại khoản 1 của Điều này thì phải di dời theo kế hoạch; trong thời gian chưa di
dời thì chủ công trình có thể cải tạo, sửa chữa để đảm bảo tính mạng, tài sản của
mình nhưng không được nâng cấp, mở rộng quy mô diện tích. Khi có yêu cầu đầu tư
xây dựng, nâng cấp, mở rộng công trình thủy lợi, người sử dụng đất có trách nhiệm
giao đất trong phạm vi vùng phụ cận và được bồi thường theo quy định của pháp
luật.
3. Công
trình, nhà ở không hợp pháp trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc diện
phải di dời sẽ được xem xét hỗ trợ.
Ủy ban nhân
dân tỉnh sẽ có quy định riêng về việc cấp giấy phép cải tạo, sửa chữa và di dời
đối với những công trình, nhà ở hiện có theo quy định tại khoản 2 của Điều này
và mức hỗ trợ di dời đối với các công trình nhà ở theo quy định tại khoản 3 của
Điều này.
Điều 9. Lực lượng quản lý đê
Lực lượng quản
lý đê nhân dân do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, không thuộc biên chế nhà nước,
được tổ chức theo địa bàn từng xã, phường có đê và do Ủy ban nhân dân cấp xã trực
tiếp quản lý. Cơ cấu tổ chức, nguồn kinh phí và chế độ thù lao đối với lực lượng
quản lý đê nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có quy định riêng.
Điều 10. Trách nhiệm bảo vệ đê
Khi có báo động
lũ từ cấp I trở lên đối với tuyến kênh, sông có đê hoặc khi có báo động lũ từ cấp
II trở lên đối với tuyến kênh, sông khác, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đê phải
huy động lực lượng lao động tại địa phương, phối hợp với lực lượng chuyên trách
quản lý đê điều để tuần tra, canh gác và thường trực trên các điểm canh đê,
phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều. Mức thù lao cho lực lượng này Ủy
ban nhân dân tỉnh sẽ có quy định riêng.
Điều 11. Đơn vị quản lý và khai thác các công trình thủy
lợi có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời các
hành vi vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi.
Chương III
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 12. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc
giữ gìn, bảo quản công trình thủy lợi, phát hiện những hành vi vi phạm, dũng cảm
truy bắt đối tượng phá hoại công trình thủy lợi sẽ được khen thưởng theo quy định
của pháp luật.
Điều 13. Mọi hành vi vi phạm quy định về quản lý, khai
thác và bảo vệ công trình thủy lợi đều bị xử lý. Tùy theo tính chất, mức độ vi
phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt
hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Trách nhiệm của các sở ngành liên quan
1. Giao Sở
Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành, đoàn
thể và Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức tuyên truyền phổ biến rộng rãi các quy định
về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Tổ chức triển khai thực hiện
và theo dõi, báo cáo định kỳ hàng năm kết quả thực hiện quy định này với Ủy ban
nhân dân tỉnh.
2. Giao Sở
Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố lập thủ tục thu hồi, giao đất theo kế hoạch và yêu cầu các chủ đầu
tư, các đơn vị quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
3. Giao Sở
Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn
và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để quy hoạch mạng lưới giao
thông thủy, bộ, xác định lộ giới, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi có kết hợp
giao thông; thực hiện cắm biển báo, chỉ giới đảm bảo an toàn giao thông.
4. Giao Sở
Tài chính cân đối bố trí vốn hợp lý cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên
các tuyến đê do tỉnh quản lý từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế. Phối hợp với
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phân
bổ nguồn kinh phí trung ương cấp bù do miễn thu thủy lợi phí hàng năm cho các địa
phương, đơn vị để thực hiện nhiệm vụ quản lý và khai thác công trình thủy lợi.
5. Giao Công
an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ ngành
nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện giám sát, thanh kiểm tra, kịp thời
phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi.
6. Giao Đài
Phát thanh và Truyền hình tỉnh và đề nghị Báo Ấp Bắc có kế hoạch thường xuyên
tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về công tác quản lý và bảo vệ
công trình thủy lợi trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người hiểu
biết và thi hành.
Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
1. Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng lập kế hoạch
xây dựng vùng phụ cận bảo vệ công trình, thu hồi giao quyền sử dụng đất vùng phụ
cận bảo vệ công trình thủy lợi trong địa bàn địa phương theo sự phân cấp của Ủy
ban nhân dân tỉnh; tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi
theo thẩm quyền.
2. Ủy ban
nhân dân các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, giáo dục nhân dân có ý thức bảo
vệ công trình thủy lợi, kịp thời phát hiện các hành vi phá hoại, các nguy cơ hư
hỏng và huy động lực lượng tại chỗ để ứng cứu khi công trình có sự cố, đồng thời
báo cáo lên cấp trên và cơ quan trực tiếp quản lý công trình biết để có phương
án xử lý./.