ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA
VŨNG TÀU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số: 1437/QĐ-UBND
|
VũngTàu, ngày 12 tháng 5 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ
ÁN: HỖ TRỢ ĐẤT SẢN XUẤT, ĐẤT Ở, NHÀ Ở VÀ NƯỚC SINH HOẠT CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC
THIỂU SỐ NGHÈO, ĐỜI SỐNG KHÓ KHĂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA
– VŨNG TÀU
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính
phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt
cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 695/SKHĐT-VX ngày 05 tháng
5 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho
hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
với nội dung như sau:
I. Mục tiêu của đề án:
1. Mục tiêu tổng quát: Bảo đảm về
nhà ở, nước sinh hoạt hợp vệ sinh và điều kiện sản xuất để ổn định và nâng cao
đời sống cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn trên địa bàn
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
2. Mục tiêu cụ thể: Đến hết năm 2007
đạt được các chỉ tiêu như sau:
- Số hộ được hỗ trợ tạo điều kiện về sản xuất : 1.114 hộ.
- Số hộ được hỗ trợ tạo điều kiện về đất ở : 408 hộ.
- Số hộ được hỗ trợ làm nhà ở : 511
hộ.
- Số hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt hợp vệ sinh :
922 hộ.
3. Đối tượng được thụ hưởng: Hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã
định cư ở địa phương, hộ di dân tự do được đưa vào qui hoạch kế hoạch định cư
của địa phương sinh sống bằng nghề nông nghiệp, lâm nghiệp là hộ nghèo, đời
sống khó khăn theo Quyết định số 884/2006/QĐ-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2006 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt số hộ nghèo theo chuẩn nghèo
của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2006 - 2010 đang khó khăn về điều kiện sản
xuất, nhà ở và nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
II. Nhiệm vụ của đề án:
1. Hỗ trợ tạo điều kiện về sản xuất:
- Giao đất tại chỗ tối thiểu 0,5 ha đất rẫy hoặc 0,25 ha đất
ruộng cho mỗi hộ chưa có đất sản xuất hoặc đã có nhưng diện tích chưa đủ theo
mức tối thiểu nêu trên để tổ chức sản xuất.
- Qui hoạch xây dựng làng định canh định cư và giao đất
trong vùng qui hoạch tối thiểu 0,5 ha đất rẩy và 0,25 ha đất ruộng cho mỗi hộ
chưa có đất sản xuất hoặc đã có nhưng diện tích chưa đủ theo mức tối thiểu nêu
trên để tổ chức sản xuất.
- Đào tạo nghề, xây dựng các dự án sản xuất để chuyển đổi
ngành nghề cho các hộ ở những vùng không còn quĩ đất để giao đất hoặc không xây
dựng được các làng định canh định cư.
2. Hỗ trợ tạo điều kiện về đất ở:
- Giao đất tại chổ tối thiểu 200 m2 cho mỗi hộ
chưa có đất ở hoặc đã có nhưng diện tích nhỏ hơn 200 m2 để làm nhà
ở.
- Giao đất trong vùng làng định canh định cư được qui hoạch
tối thiểu 200 m2 cho mỗi hộ chưa có đất ở hoặc đã có nhưng diện tích
nhỏ hơn 200 m2 để làm nhà ở.
3. Hỗ trợ làm nhà ở:
- Hỗ trợ 15 triệu đồng cho một căn nhà xây dựng mới đối với
những hộ chưa có nhà ở, đang ở nhờ, hoặc thuê nhà.
- Hỗ trợ sửa chữa 8 triệu đồng một căn nhà cho những hộ đã
được xây dựng nhà ở nhưng đã hư hỏng, dột nát.
4. Hỗ trợ cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh:
Hỗ trợ 5 triệu đồng để khoan giếng, xây dựng bể chứa nước và
các phương thức cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh khác cho những hộ chưa được sử
dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
III. Các giải pháp để thực hiện:
1. Về nguồn quĩ đất: Sử dụng đất công để cấp đất sản xuất và
đất ở từ các nguồn:
- Thu hồi theo qui hoạch.
- Thu hồi từ các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất không có
hiệu quả, sử dụng sai mục đích hoặc giải thể.
- Thu hồi từ các cá nhân chiếm dụng hoặc cấp đất trái phép.
- Thu hồi từ các nông lâm trường hiện đang quản lý nhưng sử
dụng kém hiệu quả, điều chỉnh giao khoán trong các nông lâm trường.
2. Về nguồn vốn: Bố trí đủ kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh
và ngân sách Trung ương để hỗ trợ đền bù thu hồi đất công (hoặc đào tạo nghề,
xây dựng các dự án sản xuất để chuyển đổi ngành nghề khi không có nguồn quĩ
đất), làm nhà ở và cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
IV. Tổ chức thực hiện:
- Ban Tôn giáo - Dân tộc: Chủ trì phối hợp với các sở ngành
liên quan, UBND các huyện thị thành phố để triển khai thực hiện Đề án trên cơ
sở cụ thể hóa thành các hành động và việc làm cụ thể. Lập kế hoạch thực hiện
năm 2006 và 2007, triển khai đến các ngành, các cấp về mục tiêu, nhiệm vụ và
phần việc của từng ngành từng cấp. Bố trí kinh phí thực hiện, theo dõi, đôn đốc
và tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện đề án này về Ủy ban nhân dân
tỉnh.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính,
Ban Tôn giáo -Dân tộc và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã cân đối bố trí vốn
bảo đảm thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của đề án.
- Sở Xây dựng: Chủ trì phối hợp với Ban Tôn giáo - Dân tộc
và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thiết kế mẫu nhà ở và giám sát
chất lượng xây dựng công trình.
- Sở Tài nguyên - Môi trường: Chủ trì phối hợp với Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát quĩ đất và tiến hành các thủ tục
thu hồi đất công để giao đất sản xuất và đất ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số
nghèo, đời sống khó khăn.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì phối hợp
với Ban Tôn giáo - Dân tộc và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lựa
chọn phương thức cấp nước sinh họat hợp vệ sinh phù hợp.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì phối hợp với
Ban Tôn giáo - Dân tộc và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức
đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động các hộ dân tộc thiểu số nghèo,
đời sống khó khăn không có điều kiện kiện để cấp đất sản xuất.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Chủ trì phối
hợp với Ban Tôn giáo - Dân tộc lập danh sách cụ thể đối tượng được thụ hưởng
của đề án theo từng vấn đề cần hỗ trợ và phương thức hỗ trợ; đề nghị cụ thể
hình thức hỗ trợ cấp đất tại chổ, cấp đất tập trung ở các làng định canh định
cư hoặc chuyển đổi ngành nghề cho từng hộ; đề xuất địa điểm và diện tích đất
công cần thu hồi, xây dựng các làng định canh định cư và các dự án chuyển đổi
ngành nghề cho các hộ không có điều kiện để cấp đất sản xuất; đề xuất cụ thể
nhu cầu kinh phí thực hiện đề án của địa phương mình.
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan có trách nhiệm
tổ chức thực hiện các phần việc của đề án thuộc phạm vi của mình.
- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc thực hiện toàn bộ Đề án,
giải quyết những vấn đề vướng mắc giữa các ngành, các địa phương không xử lý
được hoặc vượt quá thẩm quyền để đề án được thực hiện thông suốt, đạt được mục
tiêu đã đề ra.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Tôn giáo - Dân tộc,
Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên -Môi
trường, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan
liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Ngọc Thới
|