Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 21/2010/TT-BQP hướng dẫn Nghị định 117/2008/NĐ-CP phòng thủ dân sự

Số hiệu: 21/2010/TT-BQP Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng Người ký: Phùng Quang Thanh
Ngày ban hành: 01/03/2010 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ QUỐC PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------

Số: 21/2010/TT-BQP

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2010

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU NGHỊ ĐỊNH SỐ 117/2008/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÒNG THỦ DÂN SỰ

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Nghị định số 117/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;
Xét đề nghị của Tổng tham mưu trưởng,

THÔNG TƯ:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về tổ chức lực lượng phòng thủ dân sự, hệ thống công trình phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự; hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; chế độ sơ kết, tổng kết, báo cáo, kiểm tra, thanh tra về phòng thủ dân sự theo quy định của Nghị định số 117/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ về phòng thủ dân sự (sau đây gọi chung là Nghị định 117/2008/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tập đoàn, tổng công ty thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ, ngành Trung ương) và các địa phương trong phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa.

Chương 2.

TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Điều 3. Lực lượng chuyên trách

Các đơn vị chuyên trách tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành Trung ương được thành lập theo quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, Khoản 1 và Khoản 3, Điều 7 Quyết định số 76/2009/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương (sau đây gọi chung là Quyết định 76/2009/QĐ-TTg), đồng thời là lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa.

Điều 4. Lực lượng kiêm nhiệm

a) Các đơn vị tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành Trung ương được thành lập theo quy định tại các Điểm a, b, c Khoản 2 và Khoản 3, Điều 7 Quyết định 76/2009/QĐ-TTg, đồng thời là lực lượng kiêm nhiệm phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa.

b) Các lực lượng do các Bộ, ngành Trung ương huy động; các cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân và lực lượng Dân quân tự vệ nòng cốt là lực lượng kiêm nhiệm phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa.

Điều 5. Lực lượng rộng rãi

Lực lượng Dân quân tự vệ rộng rãi, lực lượng nhân dân được cấp có thẩm quyền huy động; lực lượng tự nguyện thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa.

Điều 6. Huy động lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự

1. Khi đất nước chuyển sang tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ quyết định thành lập một số đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm làm nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả vũ khí hủy diệt lớn của địch gây ra.

2. Người đứng đầu các Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định huy động lực lượng thuộc quyền theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Chương 3.

HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH

Điều 7. Hệ thống công trình

Công trình phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh gồm: Hệ thống công trình dự báo, cảnh báo, báo động; công trình phòng chống địch tiến công hỏa lực bằng vũ khí thông thường, vũ khí hủy diệt lớn; công trình nghi trang, nghi binh; đường cơ động; hệ thống thiết bị phòng hóa tập thể; hệ thống thiết bị thông gió, lọc độc; công trình bảo vệ, cất giữ lương thực, thực phẩm, nguồn nước, thuốc men, vật tư, phương tiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự; công trình bảo đảm cho huấn luyện, diễn tập phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Điều 8. Tổ chức xây dựng công trình.

 1. Lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng hệ thống công trình phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh

a) Trên cơ sở quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện căn cứ quy hoạch, kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ và khả năng kinh tế của địa phương chỉ đạo việc lập quy hoạch, kế hoạch và tổ chức xây dựng hệ thống công trình phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh gắn với quy hoạch, kế hoạch xây dựng thế trận quân sự của khu vực phòng thủ của từng địa phương; việc lập quy hoạch xây dựng hệ thống công trình phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 14, Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ;

b) Cơ quan Thường trực phòng thủ dân sự Bộ Quốc phòng chủ trì hướng dẫn quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật các loại công trình để đáp ứng yêu cầu phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh và hướng dẫn việc quản lý, bảo dưỡng, bảo vệ các công trình trên;

c) Việc lập, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ dân sự thực hiện theo các Điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (sau đây gọi chung là Nghị định 12/2009/NĐ-CP) và Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung, một số điều Nghị định 12/2009/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 83/2009/NĐ-CP).

2. Tổ chức xây dựng công trình phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh

a) Việc xây dựng các công trình phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh thực hiện theo quy định tại các Mục 1, 2, 3, Chương III, Nghị định 12/2009/NĐ-CPKhoản 5, Khoản 6, Điều 1, Nghị định 83/2009/NĐ-CP.

b) Khi địa phương chuyển sang tình trạng chiến tranh,  tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, các công trình phải xây dựng theo lệnh khẩn cấp để thực hiện chức năng, phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh của các cơ quan, tổ chức và nhân dân thì thực hiện theo quy định tại các Điều 11, 12, 13, 14, 15, Nghị định số 71/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù.

Chương 4.

HUẤN LUYỆN VỀ PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Điều 9. Bồi dưỡng, tập huấn cán bộ và huấn luyện lực lượng phòng thủ dân sự

1. Bồi dưỡng cán bộ

a) Cán bộ ở các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự của Quân đội được bồi dưỡng kiến thức về phòng thủ dân sự tại các Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không, Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường biển và các học viện, nhà trường trong Quân đội;

b) Cán bộ ở các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự của các Bộ, ngành được bồi dưỡng kiến thức chung về phòng thủ dân sự, kiến thức về phòng, tránh, khắc phục hậu quả vũ khí thông thường, vũ khí hủy diệt lớn theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng. Chương trình, nội dung, thời gian do từng Bộ, ngành xác định trong thời gian quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 15, Nghị định số 117/2008/NĐ-CP.

2. Tập huấn cán bộ hàng năm

a) Chương trình, nội dung, thời gian tập huấn cho cán bộ ở các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm phòng thủ dân sự của Quân đội và Dân quân tự vệ do Bộ Tổng Tham mưu quy định;

b) Chương trình, nội dung, thời gian tập huấn cho cán bộ thuộc lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm phòng thủ dân sự của các Bộ, ngành do người đứng đầu các Bộ, ngành quy định;

c) Cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã, cán bộ chuyên trách công tác quốc phòng, quân sự của cơ quan, tổ chức ở cơ sở được tập huấn phòng thủ dân sự tại trường quân sự cấp tỉnh;

d) Cán bộ Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở Trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và cán bộ chỉ huy lực lượng Dân quân tự vệ các cấp được tập huấn các nội dung về phòng thủ dân sự trong chương trình tập huấn quân sự, theo phân cấp;

đ) Cán bộ các cơ quan, đơn vị Quân đội được tập huấn về phòng thủ dân sự trong chương trình tập huấn quân sự, theo phân cấp;

e) Thời gian tập huấn hàng năm cho các đối tượng cán bộ quy định tại các Điểm c, d, đ, Khoản 2, Điều này là 01 ngày.

3. Huấn luyện lực lượng phòng thủ dân sự chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thuộc Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ.

a) Lực lượng phòng thủ dân sự chuyên trách của Quân đội hàng năm được huấn huyện chuyên sâu các nội dung để làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa trong thời bình và thời chiến;

b) Lực lượng kiêm nhiệm phòng thủ dân sự của Quân đội và Dân quân tự vệ hàng năm được huấn luyện về phòng thủ dân sự thời gian 02 ngày trong tổng số thời gian huấn luyện quân sự của các đơn vị.

4. Huấn luyện về phòng thủ dân sự cho các lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương do người đứng đầu các Bộ, ngành Trung ương quy định. Việc huấn luyện về phòng thủ cho lực lượng tự vệ thuộc các cơ quan, tổ chức ở Trung ương thực hiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều này.

5. Phổ cập các kiến thức về phòng thủ dân sự cho cán bộ, đảng viên, công chức và toàn dân.

a) Mục tiêu: Nắm được những kiến thức cơ bản về hậu quả chiến tranh, thảm họa và những biện pháp phòng, tránh, khắc phục; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự;

b) Nội dung: Phổ cập các biện pháp phòng, tránh, khắc phục hậu quả các loại vũ khí thông thường, vũ khí hủy diệt lớn trong chiến tranh và các thảm họa khác;

c) Các cơ quan Trung ương, địa phương sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác để tuyên truyền, phổ cập kiến thức về phòng thủ dân sự cho toàn dân;

d) Việc học tập về phòng thủ dân sự cho cán bộ, đảng viên, công chức được thực hiện trong chương trình Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh theo quy định của pháp luật, thời gian ít nhất 05% tổng số thời gian bồi dưỡng kiến thức quốc phòng của từng đối tượng.

6. Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình và nghiên cứu, biên soạn giáo trình, tài liệu, trang bị, vật chất phục vụ công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về phòng thủ dân sự cho từng đối tượng trong lực lượng phòng thủ dân sự của Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ; đồng thời hướng dẫn những nội dung liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh trong chương trình huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về phòng thủ dân sự của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Điều 10. Chỉ đạo huấn luyện phòng thủ dân sự

1. Hàng năm, căn cứ Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chỉ lệnh của Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, Giám đốc các bệnh viện, học viện, nhà trường Quân đội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ra Chỉ lệnh huấn luyện, chiến đấu cho cơ quan, đơn vị thuộc quyền trong đó có nội dung huấn luyện về phòng thủ dân sự.

2. Tư lệnh các quân khu chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh phê chuẩn kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự trong đó có nội dung huấn luyện phòng thủ dân sự cho các lực lượng thuộc quyền, tổ chức triển khai và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị.

3. Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự cấp huyện tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện về phòng thủ dân sự cho các lực lượng thuộc quyền; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện công tác huấn luyện về phòng thủ dân sự của các cơ quan, đơn vị và lực lượng Dân quân tự vệ thuộc quyền; phê chuẩn kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự trong đó có nội dung huấn luyện về phòng thủ dân sự của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.

4. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cơ sở tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác huấn luyện về phòng thủ dân sự cho lực lượng Dân quân tự vệ thuộc quyền; phê chuẩn kế hoạch huấn luyện trong đó có nội dung huấn luyện về phòng thủ dân sự của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở; cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về phòng thủ dân sự trong chương trình tập huấn quân sự theo quy định của cấp trên và đưa nội dung phòng thủ dân sự vào chương trình tập huấn do cấp mình tổ chức.

5. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở Trung ương làm tham mưu cho cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp xây dựng kế hoạch huấn luyện tự vệ cơ quan, tổ chức hàng năm trong đó có nội dung huấn luyện về phòng thủ dân sự theo quy định của từng Bộ, ngành trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn.

Điều 11. Diễn tập phòng thủ dân sự

1. Hàng năm căn cứ vào tình hình thực tế và sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị về tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự cho các đơn vị Quân đội và Dân quân tự vệ.

2. Các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ ở cấp tỉnh, cấp huyện và diễn tập về quốc phòng – an ninh cấp xã đều phải gắn với nội dung diễn tập về phòng thủ dân sự để bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh.

3. Hàng năm Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức diễn tập về phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cháy nổ, cháy rừng và các thảm họa khác cho một số địa phương, cơ sở thuộc quyền để rút kinh nghiệm và chỉ đạo thực hiện khi có tình huống xảy ra; khi tổ chức diễn tập các nội dung trên phải chuẩn bị các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo; thành lập ban chỉ đạo, bộ phận đạo diễn và bộ phận giúp việc; xây dựng ý định, kế hoạch diễn tập và các văn kiện của các thành phần tham gia diễn tập; tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện, luyện tập các nội dung; thực hành diễn tập theo đúng ý định và kế hoạch đã phê chuẩn.

4. Bộ Tổng tham mưu giúp Bộ Quốc phòng nghiên cứu, hướng dẫn việc diễn tập về phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh cho các Bộ, ngành Trung ương và tổ chức diễn tập thực nghiệm để rút kinh nghiệm.

Chương 5.

HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH

Điều 12. Xây dựng kế hoạch

1. Kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh nằm trong hệ thống kế hoạch phòng thủ dân sự của Bộ, ngành, địa phương phải được xây dựng trong thời bình; hàng năm và từng thời kỳ được bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, đơn vị Quân đội xây dựng kế hoạch phòng chống, khắc phục hậu quả chiến tranh của Bộ, ngành, địa phương và đơn vị mình đồng thời chỉ đạo các cơ quan, địa phương và đơn vị thuộc quyền xây dựng kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh.

2. Khi xây dựng kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau: Mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, phương châm, phương pháp; các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, sử dụng lực lượng; dự kiến và xử lý một số tình huống; tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy; công tác bảo đảm.

3. Bộ Tổng tham mưu quy định việc phê chuẩn kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh của các cơ quan, đơn vị Quân đội và lực lượng Dân quân tự vệ.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phê chuẩn kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh của các ngành thuộc cấp mình.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã soạn thảo kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh của cấp mình trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê chuẩn.

6. Người đứng đầu các Bộ, ngành Trung ương phê chuẩn kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh của các cơ quan, đơn vị thuộc quyền và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cơ quan, ngành thuộc lĩnh vực quản lý xây dựng kế hoạch.

7. Cơ quan Thường trực phòng thủ dân sự Bộ Quốc phòng hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị Quân đội và lực lượng Dân quân tự vệ xây dựng kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Điều 13. Nắm và báo cáo tình hình

1. Cơ quan Thường trực về phòng thủ dân sự của các Bộ, ngành Trung ương, các quân khu và các địa phương làm tham mưu giúp người đứng đầu các Bộ, ngành Trung ương; Tư lệnh quân khu và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo việc tổ chức lực lượng; trang bị, vật tư, phương tiện và quy định nội dung, phương pháp, chế độ, báo cáo tình hình có liên quan đến nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh theo hướng dẫn của Cơ quan Thường trực phòng thủ dân sự Bộ Quốc phòng.

2. Khi chuyển vào tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng người đứng đầu các Bộ, ngành, Tư lệnh quân khu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải chỉ đạo việc tổ chức lực lượng, trang bị vật tư, phương tiện để nắm, báo cáo tình hình theo hướng dẫn của cơ quan Thường trực về phòng thủ dân sự Bộ Quốc phòng.

Điều 14. Huy động lực lượng, phương tiện

1. Bộ Quốc phòng quyết định huy động lực lượng Quân đội và Dân quân tự vệ, các loại vật tư, trang bị, phương tiện thuộc quyền quản lý và Quyết định nhân lực, vật tư, phương tiện theo quy định tại Điều 35, Luật Quốc phòng và thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ tại Điều 44 Luật Dân quân tự vệ để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định huy động lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, các loại vật tư, trang bị, phương tiện của địa phương theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh.

3. Người đứng đầu các Bộ, ngành Trung ương, quyết định huy động lực lượng và các loại vật tư, phương tiện, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh trong phạm vi quyền hạn và lĩnh vực được phân công phụ trách.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức hiệp đồng các lực lượng thuộc quyền và các lực lượng đến chi viện thống nhất kế hoạch sử dụng lực lượng, chuẩn bị vật tư, trang bị, phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh trên địa bàn.

Điều 15. Cơ chế chỉ huy

1. Khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh tại các địa phương, người chỉ huy các cơ quan, đơn vị bộ đội chủ lực của Bộ Quốc phòng, quân khu trực tiếp chỉ huy lực lượng thuộc quyền dưới sự chỉ đạo của cấp trên và hiệp đồng của Cơ quan quân sự địa phương các cấp.

2. Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự cấp tỉnh, cấp huyện và Ban chỉ huy quân sự cấp xã, trực tiếp chỉ huy lực lượng thuộc quyền dưới sự điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cơ sở trực tiếp chỉ huy lực lượng tự vệ dưới sự điều hành của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ tại Điều 44 Luật Dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh.

3. Việc tổ chức chỉ huy các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh của các Bộ, ngành Trung ương do người đứng đầu các Bộ, ngành Trung ương quy định.

Điều 16. Hoạt động của các lực lượng phòng thủ dân sự khi có chiến tranh

1. Khi địch tiến công hỏa lực bằng vũ khí thông thường

a) Kịp thời phát hiện ý định, thủ đoạn tiến công hỏa lực bằng vũ khí thông thường của địch. Chỉ huy các cơ quan, đơn vị Quân đội và Chỉ huy cơ quan quân sự địa phương các cấp phối hợp với các cơ quan thông tin và truyền thông nhanh chóng thông báo, báo động cho các cơ quan, địa phương, đơn vị và nhân dân trên địa bàn;

b) Các cơ quan, đơn vị Quân đội và lực lượng Dân quân tự vệ tổ chức phòng tránh để bảo toàn lực lượng, đánh trả địch trên các hướng, bảo vệ các mục tiêu được phân công;

c) Cơ quan Thường trực phòng thủ dân sự các cấp chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng tránh, sơ tán cho cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân; tổ chức các lực lượng cứu thương, cứu sập, khắc phục hậu quả địch đánh phá, khôi phục sản xuất, bảo đảm đời sống cho nhân dân, duy trì mọi hoạt động của xã hội.

2. Khi địch sử dụng vũ khí hủy diệt lớn

a) Hệ thống đài quan sát, thông báo, báo động các cấp kịp thời phát hiện ý định, thủ đoạn địch sử dụng vũ khí hủy diệt lớn, phối hợp với hệ thống cảnh báo, báo động của quốc gia, khu vực nhanh chóng thông báo cho các cơ quan, đơn vị địa phương;

b) Các cơ quan, đơn vị Quân đội và lực lượng Dân quân tự vệ tổ chức đánh trả và áp dụng các biện pháp khắc phục, vô hiệu hóa vũ khí hủy diệt lớn của địch;

c) Cơ quan Thường trực phòng thủ dân sự các cấp chỉ đạo tổ chức các biện pháp phòng tránh, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm; hướng dẫn cho nhân dân cách phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn của địch; tổ chức lực lượng cấp cứu người bị nhiễm độc, nhiễm xạ, khắc phục hậu quả môi trường, nhanh chóng khôi phục sản xuất và mọi hoạt động của xã hội.

Chương 6.

CHẾ ĐỘ SƠ KẾT, TỔNG KẾT, BÁO CÁO, KIỂM TRA, THANH TRA VỀ PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Điều 17. Sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự

1. Sơ kết, tổng kết về phòng thủ dân sự được tiến hành ở các cấp, do Thủ trưởng các đơn vị Quân đội, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện.

2. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Quân đội phải có đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong lĩnh vực được phân công. Việc sơ kết, tổng kết về phòng thủ dân sự được gắn với sơ kết, tổng kết các mặt công tác của các cơ quan, địa phương, đơn vị.

3. Việc tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự từng thời kỳ của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị Quân đội và lực lượng Dân quân tự vệ theo sự chỉ đạo của người đứng đầu các Bộ, ngành Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Nội dung sơ kết, tổng kết gồm: Đánh giá tình hình liên quan, ưu, khuyết điểm và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự; phương hướng, nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự thời gian tới; đề xuất các chủ trương, biện pháp và chính sách về phòng thủ dân sự.

Điều 18. Chế độ báo cáo

1. Các cơ quan, đơn vị Quân đội tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự thành một nội dung riêng trong báo cáo thường xuyên theo quy định chế độ báo cáo hiện hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương cùng cấp tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự lồng ghép trong nội dung báo cáo kết quả thực hiện công tác Quốc phòng, Dân quân tự vệ và Giáo dục quốc phòng – an ninh theo quy định tại Chương II, Quyết định số 38/2005/QĐ-BQP ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành quy chế giao ban, báo cáo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác Quốc phòng, Dân quân tự vệ và Giáo dục quốc phòng.

3. Các Bộ, ngành Trung ương quy định nội dung và chế độ báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực được phân công.

Điều 19. Chế độ kiểm tra

1. Hàng năm, Cơ quan Thường trực về phòng thủ dân sự Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự của các cơ quan, đơn vị Quân đội và lực lượng Dân quân tự vệ; Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cơ quan quân sự địa phương các cấp giúp người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự của các cơ quan, đơn vị thuộc quyền.

2. Chế độ kiểm tra gồm: Kiểm tra thường xuyên (hàng tháng, quý, 6 tháng, năm); kiểm tra đột xuất thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ đột xuất của lãnh đạo, chỉ huy các cấp hoặc cơ quan nghiệp vụ cấp trên.

3. Nội dung kiểm tra: Việc quán triệt, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; kết quả chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ; việc thực hiện chế độ báo cáo, thông báo tình hình, kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ và công tác bảo đảm ngân sách, chế độ, chính sách về phòng thủ dân sự.

Điều 20. Chế độ thanh tra

Việc thanh tra thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự đối với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị Quân đội và lực lượng Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Luật thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chương 7.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Tổ chức thực hiện

1. Tổ chức quán triệt, học tập Nghị định số 117/2008/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện cho các cơ quan, đơn vị trong Quân đội và lực lượng Dân quân tự vệ nhằm nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 177/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới các tổ chức, đoàn thể và nhân dân bằng nhiều hình thức trên các hệ thống thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương.

2. Các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp, chỉ huy các cơ quan đơn vị Quân đội và lực lượng Dân quân tự vệ chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh của cấp mình, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng để xử lý có hiệu quả các tình huống về phòng thủ dân sự theo lĩnh vực được phân công.

3. Người đứng đầu các Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị Quân đội và lực lượng Dân quân tự vệ tổ chức xây dựng mô hình làm điểm về thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự ở từng cấp, từ đó rút kinh nghiệm để chỉ đạo triển khai diện rộng đối với tất cả các lực lượng làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Điều 22. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký, các văn bản trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Điều 23. Trách nhiệm thi hành

Chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong quân đội; Thủ trưởng các cơ quan Bộ ngành Trung ương và địa phương có liên quan triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Quốc phòng để xem xét, giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Văn phòng Quốc hội, VP Chủ tịch nước;
- VP Trung ương Đảng và các ban Đảng;
- Viện KSNDTC, TANDTC;
- VP Chính phủ, các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP;
- VPQG về chống tham nhũng;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91;
- UBND, Bộ CHQS các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Kiểm toán nhà nước;
- CQ Trung ương các đoàn thể;
- Các cơ quan, đơn vị, trực thuộc BQP; Ban CHQS các Bộ, ngành TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, NC (Ta.390b)

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Phùng Quang Thanh

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 21/2010/TT-BQP ngày 01/03/2010 hướng dẫn Nghị định 117/2008/NĐ-CP về phòng thủ dân sự do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.888

DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.32.7
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!