HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
12/2018/NQ-HĐND
|
Lào Cai, ngày 12
tháng 12 năm 2018
|
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN
SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
KHÓA XV - KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số
65/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về
giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu;
Căn cứ Nghị định số
57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến
khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Thông tư số
15/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 02 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử
dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc giảm nghèo bền vững
giai đoạn 2016 - 2020;
Thực hiện Quyết định số
490/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã
một sản phẩm giai đoạn 2018 -2020;
Xét Tờ trình số 247/TTr-UBND
ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về một số chính sách
khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Báo cáo
thẩm tra số 204/BC-KTNS ngày 06 tháng 12 năm 2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội
đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của Đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Nghị quyết này Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển
sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 2.
Trách nhiệm và hiệu lực thi hành
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Chịu trách nhiệm thực hiện
Nghị quyết theo đúng quy định của pháp luật;
b) Quy định hướng dẫn trình tự,
thủ tục hỗ trợ cho từng chính sách cụ thể;
c) Trong trường hợp có điều chỉnh,
bổ sung Danh mục sản phẩm chủ lực được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo
Nghị quyết này cho phù hợp với thực tiễn sản xuất, thị trường tiêu thụ, Ủy ban
nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
2. Thường trực Hội đồng nhân
dân, các Ban Hội đồng nhân dân; các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu
Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XV - Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 12 tháng 12 năm
2018, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
4. Nghị quyết số
85/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 ban hành Quy định về chính sách khuyến khích
phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai
đoạn 2017 - 2020; Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 21/6/2018 về sửa đổi, bổ
sung một số điều của Quy định về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất
nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020 ban
hành kèm theo Nghị quyết số 85/2016/NQ- HĐND ngày 15/12/2016; Nghị quyết số
70/2016/NQ-HĐND ngày 18/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai về hỗ trợ lãi
suất tiền vay ngân hàng cho các dự án đầu tư phát triển sản xuất, chế biến sản
phẩm nông nghiệp đối với các huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao
trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020 hết hiệu lực kể từ ngày Nghị
quyết này có hiệu lực thi hành./.
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2018 của
Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định một số
chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào
Cai.
2. Những chính sách về khuyến
khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai không quy định
trong văn bản này thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp
tác, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX, doanh nghiệp (sau đây gọi chung là tổ
chức, cá nhân) tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh
vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai; phù hợp với quy hoạch, chương trình,
đề án, kế hoạch trung hạn, hàng năm hoặc được phê duyệt chủ trương đầu tư của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Đối tượng quy định tại Điều
6 Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15/3/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý
và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, gồm: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận
nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân, nhóm hộ và cộng đồng dân cư trên địa bàn
huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình
135.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ được quy định tại Quy
định này.
Điều 3.
Nguyên tắc áp dụng
1. Tỉnh Lào Cai khuyến khích
phát triển sản xuất nông nghiệp bằng hình thức hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư
hoặc hỗ trợ lãi suất vốn vay.
2. Trong cùng một thời gian, nếu
nội dung hỗ trợ thuộc diện được hưởng của nhiều chính sách khác nhau, đối tượng
thụ hưởng được hỗ trợ như sau:
a) Cùng nội dung hưởng chính
sách của Trung ương và địa phương. Nếu mức hỗ trợ theo chính sách của Trung
ương lớn hơn mức hỗ trợ theo chính sách của địa phương, thì thực hiện hỗ theo
chính sách của Trung ương. Nếu mức hỗ trợ theo chính sách của địa phương cao
hơn sẽ hỗ trợ phần chênh lệch so với chính sách của Trung ương để đảm bảo mức hỗ
trợ theo quy định của chính sách này.
b) Trường hợp cùng nội dung hỗ
trợ thuộc các chính sách khác nhau của địa phương, thì đối tượng thụ hưởng được
lựa chọn áp dụng chính sách hỗ trợ có lợi nhất.
3. Các sản phẩm sản xuất phải đảm
bảo yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện
hành.
Điều 4. Cơ
chế hỗ trợ
1. Hỗ trợ đầu tư: Đối với chính
sách phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (hỗ trợ vật tư, vắc xin, hóa chất,
trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh); hỗ trợ các xã, phường, thị trấn xây
dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.
2. Hỗ trợ sau đầu tư
a) Đối với các chính sách hỗ trợ
lãi suất, hỗ trợ tích tụ đất đai, hỗ trợ thuê lao động cho HTX: Thực hiện hỗ trợ
hàng năm, bắt đầu từ năm đầu tiên đủ điều kiện hỗ trợ cho đến khi hết thời hạn
hỗ trợ.
b) Đối với các chính sách còn lại,
tổ chức, cá nhân được lựa chọn một trong hai phương thức: Hỗ trợ một lần 100%
kinh phí sau khi đã hoàn thành nội dung đề nghị hỗ trợ và được nghiệm thu theo
quy định; hoặc hỗ trợ hai lần, lần một hỗ trợ 70% kinh phí sau khi hạng mục đầu
tư, gói thầu chính của nội dung đề nghị hỗ trợ đã hoàn thành, lần hai hỗ trợ
30% kinh phí còn lại khi toàn bộ nội dung đề nghị hỗ trợ đã hoàn thành, được
nghiệm thu theo quy định.
Điều 5. Thẩm
quyền quyết định hỗ trợ
1. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định
hỗ trợ đối với kế hoạch, phương án, dự án có tổng mức hỗ trợ trên 02 tỷ đồng,
không bao gồm chi phí thuê đất và các khoản thuế khác.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện
quyết định hỗ trợ đối với kế hoạch, phương án, dự án có tổng mức hỗ trợ đến 02
tỷ đồng, không bao gồm chi phí thuê đất và các khoản thuế khác sau khi có ý kiến
thẩm định của các sở, ngành liên quan. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chủ trì, xin ý kiến thẩm định của các sở, ngành.
3. Mức phân bổ kinh phí, tiêu
chí phân bổ kinh phí hàng năm cho các huyện, thành phố do Ủy ban nhân dân tỉnh
quyết định.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6. Hỗ
trợ lãi suất vốn vay
1. Đối tượng hỗ trợ
a) Doanh nghiệp được hỗ trợ lãi
suất vốn vay khi đầu tư dự án thuộc Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu
tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh;
b) Tổ chức, cá nhân được hỗ trợ
lãi suất vốn vay khi đầu tư: Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo
quản nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm nông nghiệp cấp
tỉnh được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này; xây dựng trang
trại sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
2. Nội dung, mức hỗ trợ
Hỗ trợ 01 lần lãi suất của tổ
chức tín dụng hợp pháp khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cụ thể:
a) Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay
trong hạn mức vay vốn cho các đối tượng theo quy định của chính sách này hoạt động
sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn các huyện
nghèo và các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Sa Pa.
b) Hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay
trong hạn mức vay vốn cho các đối tượng theo quy định của chính sách này hoạt động
sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn các huyện
Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Văn Bàn và thành phố Lào Cai.
3. Hạn mức vốn vay, thời gian hỗ
trợ lãi suất
a) Đối với các Dự án thuộc Danh
mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quyết
định của Ủy ban nhân dân tỉnh: Hạn mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 70%
tổng mức đầu tư của Dự án, nhưng không quá 10 tỷ đồng. Thời gian vay được hỗ trợ
lãi suất tùy thuộc vào từng đối tượng: Tối đa 18 tháng đối với nhóm cây hàng
năm, chăn nuôi lợn, gia cầm; tối đa 36 tháng đối với chăn nuôi đại gia súc; tối
đa 60 tháng đối với cây lâu năm.
b) Đối với các Dự án đầu tư xây
dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp: Hạn
mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 50% tổng mức đầu tư, nhưng không quá
500 triệu đồng/cơ sở. Thời gian vay được hỗ trợ lãi suất: Tối đa 36 tháng;
c) Đối với sản xuất, phát triển
sản phẩm chủ lực:
- Đối với cây trồng hàng năm: Hạn
mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 20 triệu/ha; Thời gian vay được hỗ trợ lãi
suất tối đa 18 tháng;
- Đối với cây trồng lâu năm: Hạn
mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 50 triệu/ha; Thời gian vay được hỗ trợ lãi
suất tối đa 60 tháng;
- Đối với phát triển chăn nuôi
gia súc: Mức cho vay hỗ trợ lãi suất theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Thời gian cho vay được hỗ trợ tối đa 18 tháng đối chăn nuôi lợn; tối đa 36
tháng đối với chăn nuôi đại gia súc.
d) Đối với các trang trại sản
xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Hạn mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa
500 triệu đồng/trang trại. Thời gian vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 18 tháng đối
với trang trại trồng cây hàng năm; 60 tháng đối với trang trại trồng cây lâu
năm; tối đa 18 tháng đối với trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm; 36 tháng đối với
trang trại chăn nuôi đại gia súc; tối đa 24 tháng đối với trang trại tổng hợp,
nuôi trồng thủy sản; tối đa 60 tháng đối với trang trại lâm nghiệp.
4. Điều kiện hỗ trợ
a) Doanh nghiệp đầu tư các dự
án thuộc danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông
thôn theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh được hỗ trợ khi đáp ứng đủ các điều
kiện sau:
- Được thành lập và đăng ký hoạt
động theo quy định của pháp luật Việt Nam, được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định
chủ trương đầu tư;
- Có hợp đồng vay vốn, được giải
ngân cho vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích;
- Sản xuất trồng trọt, chăn nuôi
phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về cây, con giống và yêu cầu về mật độ,
quy mô theo quy định hiện hành.
b) Tổ chức, cá nhân đầu tư các
Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nâng cao giá trị sản phẩm
nông nghiệp được hỗ trợ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Dự án/kế hoạch/phương án xây
dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp có
tổng mức đầu tư tối thiểu 300 triệu đồng/cơ sở;
- Có hợp đồng vay vốn, được giải
ngân cho vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích.
c) Tổ chức, cá nhân sản xuất,
phát triển các sản phẩm chủ lực được hỗ trợ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có hợp đồng vay vốn, được giải
ngân cho vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích;
- Sản xuất trồng trọt, chăn
nuôi phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cây, con giống và yêu cầu về mật độ,
quy mô theo quy định hiện hành;
- Đảm bảo quy mô tối thiểu 1,0
ha đối với cây hàng năm; 0,5 ha đối với cây lâu năm và nằm trong kế hoạch được
UBND huyện, thành phố phê duyệt hàng năm. Dự án chăn nuôi được cấp có thẩm quyền
phê duyệt;
d) Tổ chức, cá nhân xây dựng
trang trại nông, lâm nghiệp và thủy sản được hỗ trợ khi đáp ứng đủ các điều kiện
sau:
- Sản xuất trồng trọt, chăn
nuôi phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cây, con giống và yêu cầu về mật độ,
quy mô theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn;
- Các tổ chức, cá nhân có trang
trại trồng trọt và thủy sản trên địa bàn tỉnh, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp
Giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định hiện hành;
- Các cá nhân, tổ chức
có hợp đồng vay vốn với các tổ chức tín dụng và được giải ngân cho vay, sử dụng
vốn vay đúng mục đích.
5. Cơ chế hỗ trợ lãi suất: Hàng
năm, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện sẽ chuyển trả trực tiếp số tiền lãi vay được
hỗ trợ cho các ngân hàng cho vay theo hợp đồng tín dụng.
Điều 7. Hỗ
trợ tích tụ đất đai
1. Các tổ chức, cá nhân đầu tư
sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có tích tụ đất đai theo hình thức
thuê lại đất của hộ gia đình, cá nhân, được hỗ trợ 15 triệu/ha/năm tiền thuê đất
cho 05 năm đầu.
2. Điều kiện được hỗ trợ: Các tổ
chức, cá nhân thuê lại đất nông nghiệp hợp pháp để sản xuất nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao, gắn với phương án sản xuất; hợp đồng thuê đất tối thiểu 05 năm
liên tiếp, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Cơ chế hỗ trợ: Hỗ trợ hàng
năm, thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân hoàn thành tích tụ đất đai đưa vào sản
xuất.
Điều 8. Hỗ
trợ phát triển Hợp tác xã nông nghiệp
1. Mỗi hợp tác xã được hỗ trợ
01 lần thuê 01 lao động về làm việc tại hợp tác xã; mức hỗ trợ bằng 01 lần mức
lương tối thiểu vùng tại địa bàn làm việc; thời hạn hỗ trợ 36 tháng/01 hợp tác
xã.
2. Điều kiện hỗ trợ:
a) Hợp tác xã hoạt động theo Luật
Hợp tác xã năm 2012; sử dụng ít nhất 30% lao động tại địa phương; Hàng năm được
cơ quan có thẩm quyền đánh giá duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thường
xuyên.
b) Lao động tuyển dụng có trình
độ từ cao đẳng trở lên, chuyên ngành kế toán hoặc có chuyên môn phù hợp với
lĩnh vực hoạt động và nhu cầu tuyển dụng của HTX; có hợp đồng lao động theo quy
định của Luật Lao động.
3. Cơ chế hỗ trợ: Thực hiện chi
trả hỗ trợ sau mỗi năm, từ khi hợp tác xã có hợp đồng và chính thức sử dụng lao
động (không tính lao động thử việc).
Điều 9. Hỗ
trợ phát triển sản phẩm OCOP đạt chứng nhận (Chương trình mỗi xã một sản phẩm
giai đoạn 2018-2020).
1. Tổ chức, hộ sản xuất có đăng
ký kinh doanh có sản phẩm OCOP đạt chứng nhận, được hỗ trợ như sau:
- Đối với sản phẩm OCOP đạt chứng
nhận cấp tỉnh: Hỗ trợ 15 triệu đồng/sản phẩm 3 sao; 30 triệu đồng/sản phẩm 4
sao và 45 triệu đồng/sản phẩm 5 sao.
- Đối với sản phẩm OCOP đạt chứng
nhận cấp quốc gia từ 3 đến 5 sao: Hỗ trợ 80 triệu đồng/sản phẩm.
2. Đối tượng được hỗ trợ phải
đáp ứng các điều kiện sau:
- Có giấy phép đăng ký sản xuất,
kinh doanh được cấp có thẩm quyền cấp phép phù hợp với sản phẩm OCOP được công
nhận;
- Có giấy chứng nhận sản phẩm
OCOP đạt sao cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê
duyệt.
- Đối với sản phẩm OCOP đạt chứng
nhận cấp quốc gia phải đáp ứng thêm điều kiện: Nhãn hiệu phải được cơ quan nhà
nước có thẩm quyền chứng nhận.
3. Cơ chế hỗ trợ: Sau khi được
cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đạt sao của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 10. Hỗ
trợ xây dựng cơ sở chế biến và bảo quản nông sản
1. Hỗ trợ cơ sở chế biến nông
sản
a) Các cá nhân, HTX đầu tư cơ
sở chế biến nông sản được hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng
về giao thông, điện, xử lý nước thải, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng
rào dự án. Mức hỗ trợ 60% tổng mức đầu tư, nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án.
b) Cơ sở được hỗ trợ phải đáp ứng
các điều kiện sau:
- Có Quyết định phê duyệt chủ
trương đầu tư và Quyết định phê duyệt dự án đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền; đảm bảo các điều kiện, quy định về bảo vệ môi trường.
- Phải đảm bảo giá trị sản phẩm
sau chế biến tăng ít nhất 1,5 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu; công
suất tối thiểu 05 tấn nông sản/ngày, đêm.
- Chế biến các nông sản, sản phẩm
được nuôi trồng, sản xuất trong tỉnh.
2. Hỗ trợ cơ sở bảo quản nông
sản
a) Các cá nhân, HTX đầu tư cơ
sở bảo quản nông sản (chiếu xạ, khử trùng, đóng gói, đông lạnh, bảo quản sinh
học) được hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, xử
lý nước thải, nhà xưởng và mua thiết bị. Mức hỗ trợ 70% chi phí đầu tư, nhưng
không quá 02 tỷ đồng/dự án.
b) Cơ sở được hỗ trợ phải đáp ứng
đủ các điều kiện sau:
- Có Quyết định phê duyệt chủ
trương đầu tư và Quyết định phê duyệt dự án đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền; đảm bảo các điều kiện, quy định về bảo vệ môi trường.
- Cơ sở bảo quản nông sản
(Rau, hoa quả tươi, dược liệu, giống cây trồng), thể tích đạt tối thiểu 2.000 m3.
- Bảo quản các nông sản, sản phẩm
sản xuất trong tỉnh.
3. Hỗ trợ xây dựng kho lạnh bảo
quản nông sản
a) Các tổ chức, cá nhân đầu tư
xây dựng kho lạnh bảo quản nông sản được hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà kho,
mua thiết bị làm lạnh, đường điện. Mức hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư nhưng không
quá 200 triệu đồng/kho lạnh.
b) Điều kiện hỗ trợ: Kho bảo quản
lạnh xây dựng tại các điểm tập kết nông sản với quy mô vừa và nhỏ, điều kiện tối
thiểu 50m3/kho lạnh; Bảo quản các nông sản, sản phẩm sản xuất trong
tỉnh.
4. Cơ chế hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu
tư.
Điều 11. Hỗ
trợ cơ sở sản xuất cây giống nông nghiệp
1. Các tổ chức, cá nhân đầu tư
cơ sở sản xuất cây giống nông lâm nghiệp được hỗ trợ một phần kinh phí để xây
dựng cơ sở hạ tầng, mua vật tư thiết bị công nghệ. Mức hỗ trợ 50% tổng mức chi
phí, nhưng không quá 200 triệu đồng/ cơ sở.
2. Điều kiện hỗ trợ: Cơ sở sản
xuất có ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cây giống nông nghiệp, gồm: Hệ
thống phối trộn giá thể, máy đóng bầu tự động, máy tra hạt tự động; thiết bị
nuôi cấy mô tế bào để nâng cao chất lượng cây giống; sản xuất giống cây trồng
theo quy trình kỹ thuật, cây giống đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
3. Cơ chế hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu
tư.
Điều 12. Hỗ
trợ phát triển vùng trồng chè nguyên liệu chất lượng cao
1. Nội dung, mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ trồng mới chè (Shan)
và chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản. Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/ha (trong đó: hỗ
trợ trực tiếp cho nông dân 19 triệu đồng gồm cây giống và chi phí vật tư phân
bón; hỗ trợ hoạt động quản lý dự án 01 triệu đồng, gồm tập huấn hướng dẫn kỹ
thuật, kiểm tra, nghiệm thu).
b) Hỗ trợ trồng mới và chăm sóc
thời kỳ kiến thiết cơ bản chè chất lượng cao phục vụ chế biến sản phẩm chè tinh
chế, chè ô long. Mức hỗ trợ 30 triệu đồng/ha (trong đó hỗ trợ trực tiếp cho
nông dân 29 triệu đồng bao gồm hỗ trợ cây giống và một phần vật tư phân bón; hỗ
trợ hoạt động quản lý dự án 01 triệu đồng, gồm tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, kiểm
tra, chỉ đạo sản xuất).
2. Tổ chức, cá nhân được hỗ trợ
phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Dự án hoặc Kế hoạch trồng
chè nguyên liệu chất lượng cao (chè Shan, chè chất lượng cao phục vụ chế biến sản
phẩm chè tinh chế, chè ô long) được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; gắn với
Doanh nghiệp chế biến, thu mua sản phẩm chè búp tươi.
b) Cây giống đảm bảo tiêu chuẩn
theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và phải
được mua từ các cơ sở có đủ điều kiện, có tư cách pháp nhân sản xuất kinh
doanh giống nông nghiệp.
c) Diện tích chè trồng mới (đảm
bảo kỹ thuật được nghiệm thu) và chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản theo tiêu
chuẩn ngành: 10 TCN 446-2001 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban
hành.
3. Cơ chế hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu
tư.
Điều 13. Hỗ
trợ phát triển vùng sản xuất cây dược liệu
1. Hỗ trợ một lần, một phần
kinh phí để mua giống, vật tư, phân bón cho các tổ chức, cá nhân trồng dược liệu
trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/01 ha.
2. Tổ chức, cá nhân được hỗ trợ
phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Tổ chức có quy mô trồng tối
thiểu từ 02 ha trở lên; cá nhân/hộ gia đình là thành viên hợp tác xã hoặc tổ hợp
tác có quy mô trồng tối thiểu từ 0,2 ha trở lên.
b) Dự án hoặc Kế hoạch trồng dược
liệu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
c) Có thỏa thuận/hợp đồng liên
kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
d) Hạt giống, cây giống phải có
nguồn gốc xuất xứ, đảm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và được mua từ các cơ sở có
đủ điều kiện, có tư cách pháp nhân sản xuất kinh doanh giống nông nghiệp.
e) Danh mục cây được liệu được
hỗ trợ được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này.
3. Cơ chế hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu
tư.
Điều 14. Hỗ
trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa
1. Hỗ trợ Dự án trồng cây ăn quả
a) Hỗ trợ 100% kinh phí mua giống,
vật tư và 50% chi phí xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm, cải tạo, thiết kế vùng
trồng mới; tổng mức hỗ trợ tối đa 01 (một) tỷ đồng/dự án.
b) Tổ chức, cá nhân được hỗ trợ
phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Dự án được cơ quan có thẩm
quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; quy mô liền vùng từ 50 ha trở lên, gắn với
liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
- Cam kết thực hiện dự án đảm bảo
về quy mô, chất lượng vật tư đầu vào và quy trình kỹ thuật.
- Cây giống phải có nguồn gốc
xuất xứ, đảm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và được mua từ các cơ sở có đủ điều
kiện, có tư cách pháp nhân sản xuất kinh doanh giống nông nghiệp.
- Cây ăn quả thuộc danh mục các
sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh được quy định tại Phụ lục ban hành kèm
theo Nghị quyết này.
2. Phát triển sản xuất cây trồng
chủ lực của địa phương
a) Hỗ trợ 100% kinh phí mua giống,
vật tư và thiết bị phục vụ sản xuất. Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/ha.
b) Tổ chức, cá nhân được hỗ trợ
phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Các loại cây trồng phải thuộc
danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh được quy định tại Phụ lục
ban hành kèm theo Nghị quyết này; có quy mô sản xuất liền vùng từ 20 ha trở
lên.
- Cam kết thực hiện dự án đảm bảo
về quy mô, chất lượng vật tư đầu vào và quy trình kỹ thuật.
- Cây giống phải có nguồn gốc
xuất xứ, đảm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và được mua từ các cơ sở có đủ điều
kiện, có tư cách pháp nhân sản xuất kinh doanh giống nông nghiệp.
- Cây ăn quả thuộc danh mục các
sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh được quy định tại Phụ lục ban hành kèm
theo Nghị quyết này.
3. Cơ chế hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu
tư.
Điều 15. Hỗ
trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được hỗ trợ 80.000 đồng/m2 nhà
lưới, nhà kính; mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/01 hộ gia đình, cá nhân; tối
đa 02 (hai) tỷ đồng/01 tổ chức.
2. Tổ chức, cá nhân được hỗ trợ
phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Sản xuất nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao theo kế hoạch hoặc Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của cấp
có thẩm quyền cấp; đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới có quy mô tối thiểu 500 m2/hộ
gia đình, cá nhân và 2.500 m2/ tổ chức.
b) Xây dựng nhà kính, nhà lưới
đảm bảo kỹ thuật, phù hợp với đối tượng cây trồng (theo hướng dẫn của Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn).
c) Có thỏa thuận/hợp đồng liên
kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
3. Cơ chế hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu
tư
Điều 16. Hỗ
trợ sản xuất giống vật nuôi
1. Hỗ trợ sản xuất giống trâu,
bò
a) Tổ chức, cá nhân đầu tư xây
dựng cơ sở sản xuất giống trâu Bảo Yên, bò Vàng vùng cao được hỗ trợ kinh phí
để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, điện, nước, chuồng trại, đồng cỏ
và mua thiết bị. Mức hỗ trợ tối đa 02 tỷ đồng/cơ sở.
b) Tổ chức, cá nhân được hỗ trợ
phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có Quyết định phê duyệt chủ
trương đầu tư, Quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền; Cơ sở chăn
nuôi phải đảm bảo các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường, sản xuất kinh
doanh con giống, đầu tư kinh doanh theo các quy định hiện hành; chuồng trại đảm
bảo đúng quy định theo Quy chuẩn Việt Nam.
- Có quy mô nuôi tập trung thường
xuyên từ 100 con giống trở lên.
2. Hỗ trợ sản xuất giống lợn
nái lai, lợn ngoại; bảo tồn và phát triển chăn nuôi lợn đen sinh sản
a) Tổ chức, cá nhân đầu tư xây
dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái lai, ngoại sinh sản, bảo tồn và phát triển chăn
nuôi lợn đen bản địa sinh sản được hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng cơ sở
hạ tầng về xử lý chất thải, điện, nước, chuồng trại và mua thiết bị. Mức hỗ trợ
30% giá trị tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị, nhưng không quá
02 tỷ đồng/cơ sở.
b) Tổ chức, cá nhân được hỗ trợ
phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có Quyết định phê duyệt chủ
trương đầu tư, Quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền; Cơ sở chăn
nuôi phải đảm bảo các điều kiện quy định về: bảo vệ môi trường, sản xuất kinh
doanh con giống, đầu tư kinh doanh theo các quy định hiện hành; chuồng trại đảm
bảo đúng quy định theo Quy chuẩn Việt Nam.
- Có quy mô nuôi tập trung thường
xuyên từ 200 con giống trở lên.
3. Hỗ trợ sản xuất giống gia cầm:
a) Tổ chức, cá nhân đầu tư xây
dựng cơ sở sản xuất giống gia cầm được hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng cơ
sở hạ tầng về xử lý chất thải, điện, nước, chuồng trại và mua thiết bị. Mức hỗ
trợ 30% giá trị tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị, nhưng không
quá 02 tỷ đồng/cơ sở.
b) Tổ chức, cá nhân được hỗ trợ
phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có Quyết định phê duyệt chủ
trương đầu tư, Quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền; Cơ sở chăn
nuôi phải đảm bảo các điều kiện quy định về: bảo vệ môi trường, sản xuất kinh
doanh con giống, đầu tư kinh doanh theo các quy định hiện hành; chuồng trại đảm
bảo đúng quy định theo Quy chuẩn Việt Nam.
- Có quy mô tối thiểu sản xuất
20.000 con giống/tháng.
4. Cơ chế hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu
tư
Điều 17. Hỗ
trợ phòng, chống dịch
1. Hỗ trợ tiêm phòng cho đàn
gia súc, gia cầm
a) Nội dung và mức hỗ trợ
- Đối với đàn đại gia súc
(trâu, bò): Hỗ trợ cấp không thu tiền các loại vắc xin đối với các bệnh phải
tiêm phòng bắt buộc theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vắc
xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng); hỗ trợ công tiêm phòng các loại vắc xin
3.000 đồng/01 mũi tiêm.
- Đối với đàn lợn: Hỗ trợ cấp
không thu tiền các loại vắc xin đối với các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc theo
quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vắc xin Dịch tả, Tụ huyết
trùng lợn). Riêng đối với vắc xin Lở mồm long móng, Tai xanh chỉ hỗ trợ tiêm
phòng khi có dịch xảy ra.
- Đối với gia cầm: Hỗ trợ cấp
không thu tiền vắc xin cúm gia cầm, để tiêm phòng cho đàn gia cầm theo quy định
của Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Phòng bệnh Dại cho đàn chó: Hỗ
trợ cấp không thu tiền vắc xin Dại, để tiêm phòng cho đàn chó trên địa bàn tỉnh.
b) Điều kiện hỗ trợ: Các cá
nhân, hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi có chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn
tỉnh Lào Cai.
c) Cơ chế hỗ trợ: Ngân sách tỉnh
hỗ trợ thông qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thực hiện theo kế hoạch hàng năm
2. Hỗ trợ vật tư, Vắc xin, hóa
chất, trang thiết bị bảo hộ sinh học phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh
a) Hỗ trợ vật tư, vắc xin, hóa
chất, trang thiết bị bảo hộ phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền
nhiễm nguy hiểm ở động vật. Mức hỗ trợ cụ thể từng nội dung theo từng đối tượng
bệnh và theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
b) Điều kiện hỗ trợ: Có kế hoạch
được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hoặc văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh.
c) Cơ chế hỗ trợ: Ngân sách tỉnh
hỗ trợ thông qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thực hiện theo kế hoạch hàng năm
hoặc khi có dịch phát sinh trên địa bàn.
3. Hỗ trợ tiêu hủy trâu, bò bị
chết do phản ứng quá mẫn sau khi tiêm vắc xin a) Nội dung, mức hỗ trợ
- Hỗ trợ người chăn nuôi có
trâu, bò bị chết phải tiêu hủy do phản ứng quá mẫn sau khi tiêm vắc xin. Mức hỗ
trợ 45.000 đồng/kg thịt hơi.
- Hỗ trợ cho người trực tiếp
tham gia tiêu hủy trâu, bò bị chết do phản ứng quá mẫn sau khi tiêm vắc xin. Mức
hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày, đêm đối với ngày làm việc và 200.000 đồng/người/ngày,
đêm đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết.
b) Điều kiện hỗ trợ
- Đối với người chăn nuôi có
trâu, bò bị chết phải tiêu hủy: Có biên bản xác nhận trâu bò chết do phản ứng
quá mẫn sau khi tiêm vắc xin của cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở, Quyết
định tiêu hủy trâu, bò bị chết của cấp có thẩm quyền;
- Đối với người trực tiếp tham
gia tiêu hủy trâu, bò bị chết: Có tên trong Danh sách người trực tiếp tham gia
tiêu hủy trâu, bò bị chết có xác nhận của chính quyền cơ sở.
c) Cơ chế hỗ trợ: Ngân sách cấp
huyện chi trả cho người sản xuất có trâu, bò bị chết phải tiêu huỷ và người trực
tiếp tham gia tiêu hủy.
4. Hỗ trợ cơ sở an toàn dịch bệnh
động vật
a) Nội dung, mức hỗ trợ
- Hỗ trợ một lần kinh phí xét
nghiệm, thẩm định, đánh giá cho các cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch
bệnh. Mức hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/cơ sở.
- Hỗ trợ kinh phí xét nghiệm,
thẩm định, đánh giá cho các xã, phường, thị trấn xây dựng, duy trì cơ sở an
toàn dịch bệnh. Mức hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/ xã, phường, thị trấn.
b) Điều kiện hỗ trợ
- Đối với các cơ sở chăn nuôi
hoặc xã, phường, thị trấn: Có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh được cơ quan có
thẩm quyền cấp.
- Đối với các xã, phường, thị
trấn duy trì cơ sở an toàn dịch bệnh: Có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh được
cơ quan có thẩm quyền cấp; Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm hàng năm, báo cáo
thẩm định của cơ quan chuyên môn.
c) Cơ chế hỗ trợ: Ngân sách tỉnh
hỗ trợ thông qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
Điều 18. Hỗ
trợ phát triển sản xuất nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa
1. Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ
trợ đóng mới lồng nuôi cá trên sông, hồ chứa; mức hỗ trợ 05 triệu đồng/01 lồng.
2. Điều kiện hỗ trợ: Cá nhân, tổ
chức sản xuất đầu tư nuôi cá lồng được hỗ trợ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Nằm trong kế hoạch phát triển
thủy sản hàng năm, được UBND huyện, thành phố phê duyệt.
b) Quy mô lồng nuôi cá có thể
tích tối thiểu từ 20 m3/01 lồng.
c) Lồng nuôi cá phải đạt tiêu
chuẩn: Hệ thống khung làm bằng sắt thép hoặc tre, gỗ; hệ thống phao đỡ bằng
thùng phi nhựa, kim loại hoặc phao xốp có bọc; vách lồng làm bằng lưới nilon,
lưới chất dẻo (PE, PA...), hoặc lưới sắt, mắt lưới phải đảm bảo theo quy trình
nuôi đối với từng loại cá.
3. Cơ chế hỗ trợ: Hỗ trợ một lần
sau đầu tư.
Điều 19. Hỗ
trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo
trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
1. Định mức hỗ trợ cho một dự
án
a) Đối với dự án do Sở, ngành,
Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện: Hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/dự án/xã/năm,
thời gian thực hiện mỗi dự án tối đa là 3 năm.
b) Đối với dự án do Ủy ban nhân
dân xã thực hiện: Tối đa không quá tổng mức phân bổ vốn cho xã/năm theo Nghị
quyết số 15/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai.
2. Định mức hỗ trợ cho 01 hộ/năm
a) Hộ nghèo tối đa không quá 15
(mười lăm) triệu đồng/hộ/năm;
b) Hộ cận nghèo không quá 12
(mười hai) triệu đồng/hộ/năm;
c) Hộ mới thoát nghèo không quá
10 (mười) triệu đồng/hộ/năm.
3. Hỗ trợ phát triển ngành nghề
và dịch vụ
a) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ nhà
xưởng, máy móc, thiết bị, công cụ, vật tư sản xuất.
b) Mức hỗ trợ theo hợp đồng
thuê, mua, sửa chữa và các chứng từ chi tiêu hợp pháp, hỗ trợ không quá 30% tổng
kinh phí đầu tư dự án nhưng tối đa không quá 400 (bốn trăm) triệu đồng/dự án.
4. Chi xây dựng và quản lý dự
án: Không quá 5% tổng kinh phí thực hiện dự án và không quá 10% mức hỗ trợ từ
ngân sách nhà nước cho dự án.
5. Trình tự thực hiện: Thực hiện
theo Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT ngày 19/10/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT
về hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa
sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc
gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 20.
Xây dựng kế hoạch, phân bổ kinh phí hàng năm
Hàng năm, cùng với thời điểm
xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm kế tiếp, Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố lập dự toán kinh phí đề nghị hỗ trợ thực hiện Chính sách gửi
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Việc lập dự toán kinh phí đề nghị hỗ trợ phải căn cứ các quy định hiện hành; hồ
sơ đăng ký phải cụ thể về vị trí, quy mô, chủng loại sản xuất.
Riêng đối với năm 2019, Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ gửi Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư ngay sau
khi Nghị quyết có hiệu lực để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí.
Điều 21.
Nguồn kinh phí thực hiện
1. Nguồn ngân sách tỉnh; ngân
sách các huyện, thành phố; ngân sách trung ương hỗ trợ từ các chương trình mục
tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn ủng hộ đóng góp và các nguồn vốn hợp
pháp khác hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết này.
2. Đối với Điều 19 của Quy định
này: Sử dụng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm
nghèo bền vững.
Điều 22.
Điều khoản chuyển tiếp
Các nội dung đang thực hiện và
đáp ứng quy định ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị quyết số 85/2016/NQ-HĐND ngày
15/12/2016; Nghị quyết số 03/2018/NQ- HĐND ngày 21/6/2018 và Nghị quyết
70/2016/NQ-HĐND ngày 18/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai đã được Ủy
ban nhân dân tỉnh Lào Cai phê duyệt triển khai thực hiện trước khi Nghị quyết
này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số
85/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016, Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 21/6/2018
và Nghị quyết 70/2016/NQ-HĐND ngày 18/7/2016./.
PHỤ LỤC
DANH MỤC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC CẤP TỈNH
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Lào Cai)
I. Sản phẩm trồng trọt
1. Cây Dược liệu: Đan Sâm, Đẳng
sâm, Cát cánh, Đương quy, Xuyên khung, Tam Thất, Y dĩ.
2. Cây rau: Rau an toàn, rau
trái vụ, rau hàng hóa.
3. Cây Chè: Phát triển vùng
nguyên liệu chè (Chè Shan; các giống chè chất lượng cao để chế biến sản phẩm
chè tinh chế, chè ô long).
4. Cây ăn quả: Mận, Đào, Lê, Hồng
không hạt, Quýt Mường Khương.
5. Sản xuất giống cây trồng: Giống
lúa, giống khoai tây, giống cây ăn quả ôn đới và giống rau, hoa, dược liệu.
6. Các cây trồng sản xuất hàng
hóa có quy mô liền vùng từ 20 ha trở lên.
II. Sản phẩm chăn nuôi
1. Cá nước lạnh: Cá tầm, cá hồi.
2. Chăn nuôi gia súc: Lợn đen bản
địa; Ngựa; Bò vàng; Trâu Bảo Yên.
3. Chăn nuôi gia cầm: Vịt Nghĩa
Đô, Vịt Sín Chéng.