THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 31/2014/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 05 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
CƠ CHẾ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CÁC DỰ ÁN PHÁT ĐIỆN SỬ DỤNG CHẤT THẢI RẮN TẠI VIỆT NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12
năm 2001;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11
năm 2005;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ
bản số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế
hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam.
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Quyết định này quy định về cơ chế hỗ trợ phát
triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam.
2. Đối tượng áp dụng của Quyết định này gồm các tổ
chức, cá nhân tham gia các hoạt động điện lực có liên quan đến phát triển các dự
án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc
đơn vị thành viên được ủy quyền.
2. Bên bán điện là tổ chức, cá nhân có giấy phép hoạt
động điện lực trong lĩnh vực phát điện từ các nhà máy điện sử dụng chất thải rắn.
3. Chủ đầu tư dự án phát điện sử dụng chất thải rắn
là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư các dự án phát điện sử dụng chất
thải rắn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Chất thải rắn sử dụng để phát điện là chất thải ở
thể rắn, được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc
các hoạt động khác, không chứa các chất thải nguy hại.
5. Dự án phát điện sử dụng chất thải rắn là dự án
nhà máy phát điện sử dụng năng lượng chính từ chất thải rắn, được đốt trực tiếp
hoặc đốt khí thu gom từ các bãi chôn lấp chất thải rắn để sản xuất điện, cung cấp
một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất lên lưới điện quốc gia.
6. Điểm đấu nối là vị trí mà đường dây của Bên bán
điện đấu nối vào hệ thống điện của Bên mua điện.
7. Điểm giao nhận điện là điểm đặt thiết bị đo đếm
được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện để xác định sản lượng điện bán ra của
Bên bán điện.
8. Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án phát điện
sử dụng chất thải rắn là hợp đồng mua bán điện do Bộ Công Thương ban hành làm
cơ sở cho việc áp dụng trong giao dịch mua bán điện được sản xuất từ dự án phát
điện sử dụng chất thải rắn giữa Bên bán điện và Bên mua điện.
Chương 2.
CÔNG TÁC QUY HOẠCH VÀ
PHÁT TRIỂN NGUỒN ĐIỆN SỬ DỤNG CHẤT THẢI RẮN
Điều 3. Quy hoạch phát triển
nguồn điện sử dụng chất thải rắn
1. Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải
rắn là quy hoạch chuyên ngành điện được lập cho toàn quốc làm cơ sở cho các hoạt
động đầu tư phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn, được điều chỉnh phù hợp
với các nghiên cứu, đánh giá tiềm năng chất thải rắn trong từng thời kỳ.
2. Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải
rắn phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quy
hoạch xây dựng vùng, quy hoạch quản lý chất thải rắn được cấp có thẩm quyền phê
duyệt, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan.
3. Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải
rắn được lập một lần cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và được điều
chỉnh, bổ sung khi cần thiết. Từ các giai đoạn quy hoạch sau, Quy hoạch phát
triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn được lồng ghép vào quy hoạch phát triển
điện lực cấp tỉnh, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và được điều chỉnh, bổ
sung phù hợp với thực trạng nghiên cứu, đánh giá tiềm năng nguồn chất thải rắn
cho sản xuất điện.
Điều 4. Lập, thẩm định, phê duyệt,
công bố và điều chỉnh Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn
1. Bộ Công Thương tổ chức lập, thẩm định Quy hoạch
phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
công bố và hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch phát triển
nguồn điện sử dụng chất thải rắn đã được phê duyệt.
2. Việc công bố và điều chỉnh
quy hoạch thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 5. Kinh phí cho công tác lập,
thẩm định, phê duyệt và công bố Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải
rắn
1. Ngân sách nhà nước cấp kinh phí để thực hiện nhiệm
vụ lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng
chất thải rắn.
2. Khuyến khích huy động các nguồn kinh phí hợp
pháp khác cho công tác lập Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn.
Điều 6. Đầu tư xây dựng các dự
án phát điện sử dụng chất thải rắn
1. Việc đầu tư xây dựng dự án phát điện sử dụng chất
thải rắn phải phù hợp với Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn
và quy hoạch phát triển điện lực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đối với các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn
chưa có trong danh mục của Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn
và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được duyệt, chủ đầu tư chịu trách nhiệm
lập Hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch, gửi Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng
xem xét, quyết định.
3. Trong khi Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng
chất thải rắn chưa được phê duyệt, việc đầu tư các dự án phát điện sử dụng chất
thải rắn cần được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
4. Việc đầu tư xây dựng các dự
án phát điện sử dụng chất thải rắn được thực hiện theo quy định của pháp luật về
xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên
quan.
Điều 7. Đấu nối dự án phát điện
sử dụng chất thải rắn vào hệ thống điện, điều độ vận hành nhà máy điện chất thải
rắn
1. Việc đấu nối dự án phát điện sử dụng chất thải rắn
vào lưới điện quốc gia phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực đã được
phê duyệt. Điểm đấu nối do Bên bán điện và Bên mua điện thỏa thuận trên nguyên
tắc Bên bán điện chịu trách nhiệm đầu tư đường dây tải điện tới điểm đấu nối
vào lưới điện quốc gia gần nhất hiện có theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh.
Trường hợp điểm đấu nối vào lưới điện quốc gia chưa có trong quy hoạch phát triển
điện lực, chủ đầu tư cần thỏa thuận điểm đấu nối với đơn vị phân phối hoặc đơn
vị truyền tải điện làm cơ sở thực hiện bổ sung quy hoạch phát triển điện lực cấp
tỉnh theo quy định hiện hành. Trường hợp không thỏa thuận được điểm đấu nối,
Bên bán điện có trách nhiệm trình Bộ Công Thương xem xét, quyết định.
2. Chủ đầu tư dự án điện sử dụng chất thải rắn chịu
trách nhiệm đầu tư, vận hành, bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp tăng áp (nếu
có) từ nhà máy điện của Bên bán điện đến điểm đấu nối theo thỏa thuận đấu nối với
Bên mua điện.
3. Tùy theo cấp điện áp đấu nối, Đơn vị phân phối
điện hoặc Đơn vị truyền tải điện có trách nhiệm đầu tư đường dây tải điện từ điểm
đấu nối vào lưới điện quốc gia theo quy hoạch phát triển điện lực được duyệt và
ký thỏa thuận đấu nối với chủ đầu tư các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn.
4. Sau khi hoàn thành đầu tư và nghiệm thu đưa vào
vận hành thương mại, Đơn vị điều độ hệ thống điện và vận hành thị trường điện
chịu trách nhiệm huy động nhà máy phát điện sử dụng chất thải rắn theo nguyên tắc
ưu tiên khai thác toàn bộ công suất và điện năng phát phù hợp với khả năng cung
cấp nhiên liệu chất thải rắn trong khu vực nhà máy.
Điều 8. Điều kiện khởi công xây
dựng dự án phát điện sử dụng chất thải rắn
Chủ đầu tư chỉ được phép khởi công xây dựng công
trình phát điện sử dụng chất thải rắn, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 72 Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật liên
quan, còn phải có: Giấy chứng nhận đầu tư, văn bản chấp thuận mua điện của Bên
mua điện; thỏa thuận đấu nối với Đơn vị phân phối hoặc Đơn vị truyền tải điện;
ý kiến về thiết kế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật
về quản lý đầu tư xây dựng công trình.
Điều 9. Chấm dứt thực hiện dự
án
Trong vòng 12 tháng kể từ khi được cấp Giấy chứng
nhận đầu tư, Chủ đầu tư không khởi công xây dựng hạng mục chính của công trình
hoặc tối đa 24 tháng kể từ ngày cam kết vận hành trong Giấy chứng nhận đầu tư
mà công trình phát điện sử dụng chất thải rắn không được đưa vào vận hành, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét để thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư
theo quy định, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự án cho nhà đầu tư
khác thực hiện. Trừ trường hợp có lý do chính đáng và được cấp có thẩm quyền chấp
nhận việc tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án.
Điều 10. Chế độ báo cáo thực
hiện dự án
1. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày được cấp
Giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi bản sao Giấy chứng nhận đầu
tư đã được chứng thực về Bộ Công Thương để theo dõi quản lý.
2. Trong thời gian xây dựng dự án phát điện sử dụng
chất thải rắn, trước ngày 15 của tháng đầu quý, Chủ đầu tư phải có báo cáo về
tình hình triển khai thực hiện dự án của quý trước, kế hoạch thực hiện của quý
tiếp theo. Hàng năm, trước ngày 15 tháng 01, Chủ đầu tư phải có báo cáo về tình
hình triển khai thực hiện dự án trong năm trước, kế hoạch triển khai của năm tiếp
theo gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Công Thương để quản lý, tổng hợp theo dõi
thực hiện và Bên mua điện để phối hợp thực hiện.
Chương 3.
CƠ CHẾ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN
DỰ ÁN PHÁT ĐIỆN SỬ DỤNG CHẤT THẢI RẮN
Điều 11. Trách nhiệm mua điện
từ các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn
1. Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện
năng được sản xuất từ các nhà máy phát điện sử dụng chất thải rắn thuộc địa bàn
quản lý.
2. Việc mua bán điện được thực
hiện thông qua hợp đồng mua bán điện được lập theo Hợp đồng mua bán điện mẫu áp
dụng cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn do Bộ Công Thương ban hành.
3. Trong thời hạn sáu tháng kể từ khi chủ đầu tư dự
án điện chất thải rắn có văn bản đề nghị bán điện, Bên mua điện phải tiến hành
ký kết hợp đồng mua bán điện với Bên bán điện theo quy định.
4. Thời hạn của Hợp đồng mua bán điện cho các dự án
phát điện sử dụng chất thải rắn là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Sau
20 năm, hai Bên có thể gia hạn thời gian hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới theo quy
định của pháp luật hiện hành.
Điều 12. Ưu đãi về vốn đầu tư,
thuế
1. Huy động vốn đầu tư
a) Nhà đầu tư được huy động vốn từ các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước để thực hiện đầu tư các dự án phát điện sử dụng chất
thải rắn theo quy định của pháp luật hiện hành.
b) Các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn được
hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư theo các quy định pháp luật hiện hành về
tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
2. Thuế nhập khẩu: Dự án phát điện sử dụng chất thải
rắn được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định
cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước
chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của
pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
3. Thuế thu nhập doanh nghiệp:
Việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án phát điện sử dụng chất
thải rắn được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy
định của pháp luật hiện hành về thuế.
Điều 13. Ưu đãi về đất đai
1. Các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn và
công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện quốc gia được miễn,
giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng
đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
2. Căn cứ vào quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê
duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí đủ quỹ đất để chủ đầu tư
thực hiện các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn. Việc bồi thường, hỗ trợ giải
phóng mặt bằng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai.
Điều 14. Hỗ trợ giá điện đối với
dự án phát điện sử dụng chất thải rắn
1. Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng
điện từ các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn với giá mua điện tại điểm
giao nhận điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau:
- Đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực
tiếp là 2.114 đồng/kWh (tương đương 10,05 UScents/kWh).
- Đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ
bãi chôn lấp chất thải rắn là 1.532 đồng/kWh (tương đương 7,28 UScents/kWh).
2. Các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn áp dụng
giá bán điện theo quy định tại Khoản 1 Điều này không được áp dụng cơ chế hỗ trợ
giá cho sản lượng điện của dự án theo các quy định hiện hành khác; giá mua điện
được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.
3. Chi phí mua điện của các dự án phát điện sử dụng
chất thải rắn được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào trong phương
án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
4. Bộ Công Thương theo dõi, đề
xuất điều chỉnh mức giá mua điện quy định tại Khoản 1 Điều này, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ xem xét, quyết định.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Trách nhiệm của các Bộ.
ngành, địa phương đối với phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm
a) Hướng dẫn nội dung, trình
tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố Quy hoạch phát triển
nguồn điện sử dụng chất thải rắn.
b) Tổ chức, hướng dẫn và phối hợp với Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này.
c) Ban hành Hợp đồng mua bán
điện mẫu cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn.
d) Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền
ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công nghệ phát điện sử dụng chất thải
rắn.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm
a) Phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư về bồi thường, giải
phóng mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực để đầu tư, thực hiện và phát triển các
dự án phát điện sử dụng chất thải rắn trên địa bàn.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban
hành đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phát sinh trên
địa bàn tỉnh trả cho chủ đầu tư các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn.
c) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa
phương đối với các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn theo quy định của pháp
luật hiện hành.
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
20 tháng 6 năm 2014
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức liên quan đến hoạt
động phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam có trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|