BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
----------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 22/TB-BTTTT
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 02 năm 2013
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG NGUYỄN BẮC SON TẠI CUỘC HỌP BAN SOẠN THẢO, TỔ
BIÊN TẬP XÂY DỰNG CÁC QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH
Ngày 24/01/2013, tại trụ sở Bộ Thông
tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo,
Tổ biên tập xây dựng các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương
trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tới 2020 và Quy định chức năng, nhiệm
vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam
(Quỹ). Tham dự cuộc họp có các đồng chí Thứ trưởng, thành viên Ban soạn thảo và
Tổ biên tập.
Sau khi nghe Ban soạn thảo trình bày
báo cáo về Chương trình viễn thông công ích, mô hình tổ chức quản lý Quỹ, ý kiến
các Thứ trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã kết luận như sau:
1. Ban soạn
thảo và Tổ biên tập đã làm việc nghiêm túc, tích cực, bám sát các nội dung tại
Thông báo kết luận số 127/TB-BTTTT ngày 05/10/2012 của Bộ trưởng để đề xuất mục
tiêu, nhiệm vụ, phương thức thực hiện Chương trình viễn thông công ích giai đoạn
2013-2020 và mô hình quản lý Chương trình.
2. Việc
xây dựng Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2013-2020 cần dựa trên các
nguyên tắc sau:
2.1. Phân thành 2 giai đoạn,
2013-2015 và 2015-2020, trong đó xác định các định hướng lớn cho giai đoạn
2016-2020, lộ trình định lượng cho giai đoạn 2013-2015. Trước mắt tập trung khảo
sát để xây dựng các nội dung thực hiện trong giai đoạn 2014-2015.
2.2. Khi xây dựng chương trình viễn
thông công ích cần phân biệt rõ giữa dịch vụ viễn thông công ích và dịch vụ
công, tuy nhiên ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có thể chấp nhận tồn tại
song song dịch vụ công ích và dịch vụ công.
2.3. Đồng ý với đề xuất của Ban soạn
thảo và Tổ biên tập là Chương trình viễn thông công ích tổng thể bao gồm bốn
chương trình thành phần. Ban soạn thảo và Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu, phân
tích, đề xuất tên các chương trình thành phần cho đúng mục tiêu phát triển công
ích.
2.4. Chương trình thành phần hạ tầng
băng rộng: sử dụng kinh phí công ích để hỗ trợ phát triển mạng truy nhập băng rộng,
trong đó từ nay tới 2015 tập trung hỗ trợ hạ tầng truy nhập băng rộng tại các
huyện đáp ứng chuẩn nghèo theo quy định của Nhà nước.
2.5. Chương trình thành phần kết nối
khẩn cấp: Đồng ý với đề xuất của Ban soạn thảo về các nội dung sẽ được hỗ trợ
kinh phí để thực hiện, bao gồm hỗ trợ dịch vụ khẩn cấp, dịch vụ tra cứu danh bạ
điện thoại cố định, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn và phòng chống thiên tai.
2.6. Chương trình kết nối cộng đồng:
Ban soạn thảo cần đề xuất chương trình khung về kết nối cộng đồng định hướng tới
2020. Giai đoạn 2013-2015: tập trung đầu tư phát triển các điểm cung cấp dịch vụ
công cộng tại các huyện nghèo; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận và sử dụng
các dịch vụ viễn thông; hỗ trợ cước trực canh cho các chủ tàu cá.
2.7. Chương trình kết nối công sở:
- Hiện nay, các doanh nghiệp đang
cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cho các trường học, kinh phí thực
hiện được trừ vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Trong chương trình viễn
thông công ích mới, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện chương trình này trong
khuôn khổ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.
- Đối với chương trình kết nối băng rộng
đến các cơ sở y tế, từ nay đến 2015 tập trung cung cấp dịch vụ truy nhập
Internet băng rộng cho các bệnh viện huyện và phòng khám đa khoa khu vực, chú ý
bảo đảm đường truyền tốc độ cao, có khả năng hỗ trợ khám bệnh từ xa, phẫu thuật
từ xa.
- Đối với chương trình hội nghị truyền
hình trực tuyến dành cho Ủy ban nhân dân, từ nay đến 2015 tập trung hỗ trợ giao
ban trực tuyến cho 69 huyện nghèo.
2.8. Xem xét đưa nội dung hỗ trợ số
hóa truyền hình và hỗ trợ bảo đảm an toàn, an ninh thông tin vào Chương trình tổng
thể.
3. Phương
thức thực hiện Chương trình viễn thông công ích
3.1. Việc thực hiện Chương trình viễn
thông công ích phải dựa trên nguyên tắc hiệu quả, thiết thực, minh bạch từ khâu
xác định mục tiêu đến lên phương án thực hiện, hình thành bộ máy tổ chức phù hợp,
theo đúng các quy định của Nhà nước.
3.2. Phương thức thực hiện Chương
trình viễn thông công ích giai đoạn 2013-2020 phải phát huy được vai trò tham
gia của các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu đề
ra một cách hiệu quả nhất.
3.3. Chương trình được thực hiện chủ
yếu thông qua các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông, do đó khi xây dựng
dự án đầu tư cần tính đến lợi ích lâu dài, bảo đảm hiệu quả trong đầu tư phát
triển hạ tầng viễn thông thông qua việc lựa chọn công nghệ hiện đại, phù hợp với
xu hướng phát triển công nghệ và dịch vụ.
3.4. Các chương trình thành phần được
thực hiện trên cơ sở các dự án đầu tư, tuy nhiên do tính chất đa dạng của các
chương trình thành phần, cần theo đúng quy định của Luật Viễn thông về viễn
thông công ích để triển khai các dự án. Việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp DVVTCI
được thực hiện thông qua đặt hàng, đấu thầu hoặc giao kế hoạch.
3.5. Thống nhất với đề xuất của Ban
soạn thảo về dự kiến kinh phí để thực hiện Chương trình viễn thông công ích từ
nay tới 2020 là 15.000 (mười lăm nghìn) tỷ đồng, với mức thu tối đa khoảng 2%
doanh thu dịch vụ viễn thông. Ban soạn thảo cần khảo sát thực tế, nghiên cứu, đề
xuất kinh phí cụ thể để thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2013-2015.
4. Về mô
hình quản lý Chương trình viễn thông công ích
4.1. Quản lý Chương trình viễn thông
công ích gồm hai nhóm nhiệm vụ:
a) Quản lý việc thực hiện Chương
trình;
b) Quản lý kinh phí thực hiện Chương
trình.
4.2. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu
trách nhiệm:
a) Xây dựng chính sách, văn bản quy
phạm pháp luật về viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện chính sách viễn
thông công ích;
b) Quản lý và điều phối các dự án
trong Chương trình viễn thông công ích và quyết định đầu tư đối với các dự án
thuộc thẩm quyền, trách nhiệm;
c) Thực hiện kiểm tra, giám sát,
thanh tra việc thực hiện Chương trình, dự án viễn thông công ích;
d) Phê duyệt quyết toán Chương trình
viễn thông công ích.
4.3. Quỹ dịch vụ viễn thông công ích
Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thực
hiện 03 nhiệm vụ chính là:
a) Thực hiện công tác thu/chi;
b) Quản lý tiền gửi;
c) Thực hiện thanh quyết toán các dự án trong
chương trình.
4.4. Thành lập Ban quản lý/Ban chỉ đạo Chương trình
thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; xem xét tên gọi hoặc là Hội đồng, hoặc là
Ban; thành phần bao gồm Lãnh đạo Bộ (Trưởng ban), thành viên là đại diện các Vụ/
Cục của Bộ Thông tin và Truyền thông và có thể gồm đại diện một số Bộ, ngành
liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư.
5. Giao cho Ban soạn thảo, Tổ Biên tập:
5.1. Từ nay đến hết tháng 02/2013: tổ chức khảo
sát, thu thập số liệu tại các doanh nghiệp, một số huyện nghèo phục vụ xây dựng
Chương trình viễn thông công ích.
5.2. Tháng 03/2013: tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến
các doanh nghiệp viễn thông, các Sở Thông tin và Truyền thông; sau đó hoàn chỉnh
dự thảo Chương trình, báo cáo tập thể Lãnh đạo Bộ trước khi gửi văn bản lấy ý
kiến các Bộ, ngành, doanh nghiệp.
5.3. Tháng 4/2013: Trình Thủ tướng Chính phủ Quyết
định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Quỹ.
5.4. Tháng 5/2013: Trình Thủ tướng Chính phủ Quyết
định Chương trình viễn thông công ích, đồng thời triển khai hướng dẫn có liên
quan.
Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo kết luận của
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son để các cơ quan, đơn vị liên quan biết và triển khai thực
hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng (để
b/c);
- Các thành viên BST, TBT;
- Các Vụ: KHCN, KHTC, PC, TCCB;
- Cục VT; Cục TS; VNCERT;
- Quỹ DVVTCI;
- Lưu: VT, VP.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG
Nguyễn Trọng Phát
|