ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
9360/CTr-UBND
|
Đồng Nai, ngày
01 tháng 11 năm 2013
|
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2013 - 2020
Căn cứ Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày
18/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc
gia về du lịch giai đoạn 2013 - 2020; UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động
phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013 - 2020 cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
a) Phát huy những tiềm năng, lợi thế về tài
nguyên du lịch; đẩy mạnh các hoạt động du lịch, đưa du lịch Đồng Nai trở thành
ngành kinh tế quan trọng tác động tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh
theo các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
b) Đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật
du lịch, nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của
địa phương, có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao, hướng đến đối tượng khách có chi
trả cao.
c) Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch, tranh
thủ mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường
xúc tiến du lịch, mở rộng hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước trong
đó chú trọng liên kết với các địa phương trong khu vực để phát triển du lịch.
d) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước
từ tỉnh đến cơ sở và chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch ngắn hạn,
trung hạn và dài hạn để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
đ) Phát triển du lịch gắn liền với phát triển
thương mại và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc để đóng góp tích cực vào sự phát
triển kinh tế xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.
2. Lộ trình thực hiện các mục tiêu
a) Đến năm 2015:
- Thu hút khoảng 3,2 triệu lượt khách, trong đó
70.000 lượt khách Quốc tế. Doanh thu du lịch đạt khoảng 900 - 1.000 tỷ đồng.
- Xây dựng được 01 - 02 sản phẩm du lịch tiêu biểu.
- Vận hành các chương trình quản lý chất lượng
du lịch như: Quản lý chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch; quản lý chất lượng dịch
vụ vận chuyển khách du lịch; quản lý chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch
theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- 70% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch
từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn được bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ quản lý
du lịch, cập nhật kiến thức mới phù hợp với yêu cầu công tác.
- Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ du
lịch (buồng, bàn, lễ tân…) cho 200 người lao động tại các đơn vị kinh doanh du
lịch.
b) Đến năm 2020:
- Thu hút khoảng 6 triệu lượt khách, trong đó
180.000 lượt khách Quốc tế. Doanh thu du lịch đạt khoảng 2.600 - 3.000 tỷ đồng.
- Xây dựng 03 - 04 sản phẩm du lịch tiêu biểu.
- 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch
các cấp được bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ du lịch.
- Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ du
lịch (buồng, bàn, lễ tân, giám đốc khách sạn…) cho 700 - 900 người lao động tại
các đơn vị kinh doanh du lịch.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG
TRÌNH
1. Phát triển và đa dạng hóa
sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ
a) Đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng các sản
phẩm du lịch hiện có
- Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo, nâng cao
chất lượng các điểm tham quan, trong đó chú trọng các điểm tham quan thuộc Khu
Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Bảo tàng Đồng
Nai, danh thắng quốc gia núi Chứa Chan - chùa Gia Lào, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh...
- Khuyến khích đầu tư mở rộng và đầu tư các loại
hình vui chơi giải trí, nghệ thuật, các trò chơi mới tại khu du lịch Bửu Long,
Giang Điền, Vườn Xoài…
- Tạo điều kiện cho các dự án du lịch có quy mô
lớn sớm được triển khai như: Dự án khu du lịch Bửu Long, dự án khu du lịch và
đô thị Sơn Tiên, dự án đầu tư du lịch sinh thái tại xã Long Tân (Nhơn Trạch)… đẩy
nhanh tiến độ thực hiện dự án để sớm đi vào hoạt động góp phần nâng cao chất lượng
dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
- Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch trong và
ngoài tỉnh xây dựng các chương trình du lịch trong tỉnh để phục vụ khách du lịch.
b) Xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp thế mạnh về
tài nguyên du lịch.
- Nghiên cứu, tổ chức các chương trình khảo sát,
hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia để lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch tiêu
biểu, đặc thù, có chất lượng cao phù hợp tiềm năng thế mạnh của địa phương.
- Phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch
cộng đồng:
+ Tập trung xây dựng Khu Bảo tồn Thiên nhiên và
Văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu), điểm du lịch Thác Mai - Hồ nước nóng (huyện
Định Quán), Suối Mơ (huyện Tân Phú) … trở thành một trong những điểm du lịch trọng
điểm của tỉnh gắn kết với các hoạt động du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Tiên (Tân
Phú) để tạo điểm nhấn cho du lịch Đồng Nai.
+ Phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại các
huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú và Nhơn Trạch.
- Phát triển loại hình du lịch văn hóa - lịch sử
+ Tổ chức khai thác tốt hơn các di tích lịch sử,
văn hóa, cách mạng trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách.
+ Nghiên cứu nâng cấp lễ hội mừng lúa mới (Lễ hội
Sayangva) của đồng bào dân tộc Chơro thành lễ hội cấp tỉnh, chú trọng tổ chức
nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương
gắn với các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, giới thiệu các sản phẩm, hàng
hóa lưu niệm, các món ẩm thực, đặc sản của Đồng Nai để quảng bá, thu hút và phục
vụ khách du lịch.
+ Hoàn thành kế hoạch trùng tu, tôn tạo và phát
huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ, đã được xếp hạng như:
Nhà lao Tân Hiệp, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Long Thiền… để đưa vào các tuyến,
điểm tham quan du lịch.
- Phát triển du lịch đường sông
+ Đầu tư xây dựng các bến thủy nội địa phục vụ
phát triển du lịch đường sông (bến Hồ Trị An, bến Bửu Long, bến đền thờ Nguyễn
Hữu Cảnh…).
+ Nâng cấp chất lượng điểm đến trên tuyến du lịch
đường sông và bổ sung một số dịch vụ tại điểm du lịch Cù lao Ba Xê, làng bưởi
Tân Triều…
+ Liên kết ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh
và Bình Dương để xây dựng chương trình du lịch đường sông và khuyến khích các
doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh đưa vào chương trình khai thác.
- Phát triển loại hình du lịch vui chơi, giải
trí, mua sắm
+ Xây dựng các sản phẩm du lịch theo hướng hiện
đại như: Vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm chất lượng cao…
+ Phát triển các sản phẩm lưu niệm tại các điểm
đến du lịch.
- Khai thác văn hóa ẩm thực du lịch
+ Nghiên cứu tổ chức các khu ẩm thực ban đêm ở
trung tâm các huyện, nơi có dân cư đông và người lao động. Từng bước nâng cao
chất lượng phục vụ của Khu chợ đêm Biên Hòa bảo đảm văn minh, lịch sự, với quy
mô tương xứng.
+ Tuyên truyền, giới thiệu ẩm thực Đồng Nai trên
các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, khu vực và của tỉnh.
+ Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn
thực phẩm tại các nhà hàng, khu, điểm du lịch, kiểm tra việc niêm yết giá công
khai. Vận động các cơ sở kinh doanh, nhất là cơ sở kinh doanh ăn uống đăng ký
xét công nhận cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
+ Tổ chức các hội thi ẩm thực du lịch, lựa chọn
món ăn mới hấp dẫn, đặc sắc quảng bá với khách du lịch. Duy trì tổ chức Liên
hoan ẩm thực Đồng Nai hàng năm để quảng bá ẩm thực Đồng Nai với du khách.
c) Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch
Triển khai thực hiện các Chương trình quản lý chất
lượng dịch vụ áp dụng trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, lữ hành, hướng dẫn, vận
chuyển khách du lịch và dịch vụ du lịch khác.
- Đối với cơ sở lưu trú du lịch:
+ Khuyến khích, thúc đẩy hiện đại hóa cơ sở vật
chất kỹ thuật và xây dựng qui trình phục vụ tại các nhà hàng - khách sạn đảm bảo
đáp ứng đủ nhu cầu của khách du lịch trong nước và Quốc tế. Hướng dẫn và vận động
các cơ sở lưu trú du lịch đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư các dịch
vụ du lịch hấp dẫn, phong phú theo hướng nâng dần hạng của cơ sở lưu trú du lịch
trên địa bàn toàn tỉnh lên hạng 1, 2, 3 sao.
+ Hỗ trợ và tạo điều kiện cho việc chuyên nghiệp
hóa công tác quản lý khách sạn: Chuẩn hóa các chức danh quản lý, đào tạo đội
ngũ quản lý khách sạn.
+ Tăng cường chất lượng và hiệu quả kinh doanh:
Gắn với việc xếp loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch với hoàn thiện nâng cao chất
lượng, kể cả chất lượng phục vụ. Khuyến khích, nghiên cứu áp dụng các biện pháp
nâng cao hiệu quả và chất lượng kinh doanh khách sạn. Hỗ trợ quảng bá cho khách
sạn được thẩm định và xếp hạng. Tổ chức Hội thi lễ tân khách sạn, Hội thi phục
vụ bàn ...
- Đối với hoạt động lữ hành: Củng cố và đào tạo
đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên đạt tiêu chuẩn quy định; nâng cao
trình độ nghiệp vụ du lịch cho các lái xe du lịch, đảm bảo các phương tiện vận
chuyển du lịch an toàn, có đủ điều kiện trang bị, đảm bảo lịch sự và làm hài
lòng du khách.
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương
trong việc xây dựng hệ thống nhà vệ sinh du lịch đạt chuẩn phục vụ khách tại
các khu, điểm du lịch.
- Triển khai các chương trình truyền thông, giáo
dục nâng cao nhận thức về du lịch, bảo vệ tài nguyên du lịch, nâng cao ý thức của
toàn dân về ứng xử văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch.
- Xây dựng, triển khai Chương trình Nụ cười
du lịch để nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng phong cách ứng xử, thể hiện
nét đẹp văn hoá du lịch, lòng hiếu khách của con người Đồng Nai.
2. Đầu tư phát triển cơ sở hạ
tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
a) Về quy hoạch: Xây dựng quy hoạch phát triển
du lịch của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 để làm cơ sở đầu tư và thu hút
các thành phần kinh tế đầu tư vào du lịch trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp với Trung ương đầu tư hoàn thiện các
công trình hỗ trợ phát triển du lịch như: Tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí
Minh - Long Thành - Dầu Giây, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 20, Quốc lộ 51, đường sắt
Biên Hoà - Vũng Tàu, tuyến vành đai 3,4 nối các vùng kinh tế trọng điểm, đường
cao tốc Bến Lức - Long Thành, sân bay quốc tế Long Thành…
c) Đầu tư xây dựng mới Nhà hát tỉnh Đồng Nai có
quy mô lớn và hiện đại để biểu diễn các chương trình nghệ thuật đặc sắc.
d) Đầu tư tuyến đường giao thông đến di tích Khu
ủy miền Đông - Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hoá Đồng Nai, đường vào điểm du lịch
Thác Mai – Bàu nước sôi, đường vào di tích - danh thắng núi Chứa Chan, các bến
tàu phục vụ cho phát triển du lịch trên tuyến sông Đồng Nai…
đ) Đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch chất
lượng tốt tại thành phố Biên Hoà, huyện Long Thành, Nhơn Trạch… để phục vụ nhu
cầu lưu trú của khách du lịch và các chuyên gia đang công tác trên địa bàn tỉnh.
e) Quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông, bến
xe, khu vực đậu xe cho khách du lịch khi đến tham quan các di tích lịch sử, văn
hoá, dự các lễ hội lớn của tỉnh.
3. Nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực ngành du lịch
a) Tiến hành điều tra, thống kê, phân tích lao động
trong ngành du lịch để xác định nhu cầu đào tạo.
b) Từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và
tính chuyên nghiệp của đội ngũ quản lý Nhà nước, các đơn vị kinh doanh du lịch;
tăng cường đầu tư của nhà nước và đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn nhân lực, gắn
công tác đào tạo với nhu cầu xã hội.
c) Định kỳ tổ chức một số chương trình bồi dưỡng
nghề du lịch, chương trình bồi dưỡng cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức cho
đội ngũ lao động trong ngành du lịch. Đặc biệt chú trọng các chương trình bồi
dưỡng đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên về chủ trương, chính sách của Đảng
và Nhà nước đối với hoạt động du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hướng dẫn
du lịch.
d) Tổ chức một số chương trình tập huấn, bồi dưỡng
kỹ năng tổ chức, khai thác, phục vụ khách du lịch cho doanh nghiệp du lịch, cộng
đồng địa phương trong khai thác các sản phẩm du lịch theo định hướng phát triển
bền vững.
đ) Khuyến khích các doanh nghiệp có kế hoạch đào
tạo, bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ cho nhân viên. Khuyến khích các doanh
nghiệp chủ động hợp tác với các trường đào tạo để đặt yêu cầu đào tạo phù hợp với
thực tiễn.
e) Khuyến khích các cán bộ, nhân viên tự giác học
tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
g) Phối hợp Hiệp hội Du lịch tổ chức các hội thi
tay nghề, tập trung vào các nghề trong kinh doanh khách sạn, nhà hàng, lữ hành,
hướng dẫn viên và thuyết minh viên… nhằm nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ lao động
trong ngành.
4. Tăng cường công tác quảng
bá, xúc tiến du lịch
a) Tuyên truyền, quảng bá du lịch
- Xây dựng sản phẩm tuyên truyền và giới thiệu về
du lịch Đồng Nai:
+ Xây dựng và lắp đặt một số trạm thông tin về
du lịch tại các điểm công cộng trên địa bàn tỉnh.
+ Phát hành ấn phẩm giới thiệu về văn hóa, lịch
sử của địa phương để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, khách du lịch.
+ Phát hành ấn phẩm giới thiệu các chương trình
du lịch cho khách du lịch, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh.
+ Làm mới phim tư liệu về du lịch Đồng Nai.
- Tuyên truyền, quảng bá về du lịch trên các
phương tiện thông tin đại chúng:
+ Phối hợp với các phương tiện thông tin đại
chúng để tuyên truyền các chủ trương, chính sách về du lịch của Đảng và Nhà nước;
phổ biến Chương trình hành động Quốc gia về du lịch và Chương trình hành động về
du lịch của tỉnh giai đoạn 2013 - 2020; giới thiệu các khu, điểm, các tour, tuyến,
các loại hình dịch vụ du lịch, tiềm năng du lịch của tỉnh…
+ Thực hiện chuyên mục du lịch định kỳ trên Đài
Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai.
+ Tăng cường quảng bá du lịch Đồng Nai trên các
Đài truyền hình khu vực và Đài Truyền hình Việt Nam, các báo, ấn phẩm trong nước.
+ Chỉnh, sửa biển quảng cáo tấm lớn tại một số cửa
ngõ ra, vào Đồng Nai.
+ Tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về du lịch
của tỉnh và tham gia các hội nghị, hội thảo du lịch trong nước và quốc tế.
b) Xúc tiến du lịch:
- Tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư trong nước và
ngoài nước; tổ chức cho các đoàn khảo sát, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các
nhà báo chuyên nghiệp đến Đồng Nai khảo sát và góp ý kiến cho sản phẩm du lịch
của tỉnh.
- Ngân sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các khu,
điểm du lịch chiến lược của tỉnh để làm cơ sở thu hút đầu tư cho du lịch của tỉnh.
- Tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch
có quy mô lớn (khu vực, Quốc gia và Quốc tế) để quảng bá hình ảnh, quê hương, đất
nước và con người Đồng Nai.
- Tham gia các hội chợ triển lãm về du lịch như:
Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh, hội chợ triển lãm quốc tế về du lịch,
các hội chợ về ẩm thực…
5. Bảo vệ môi trường du lịch
a) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ
môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư để nâng cao nhận thức,
ý thức của người dân, của các doanh nghiệp du lịch trong việc bảo vệ môi trường
tự nhiên. Phòng chống các tệ nạn xã hội trong các cơ sở kinh doanh du lịch.
b) Tạo điều kiện và hướng dẫn cho các doanh nghiệp
du lịch hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan đến công tác bảo vệ môi trường
như: Đề án hoặc cam kết bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường
(tùy theo quy mô của mỗi cơ sở). Tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực
phẩm đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống…
c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc
chấp hành các quy định của Nhà nước về kinh doanh du lịch trong đó có vấn đề bảo
vệ môi trường, giám sát chất thải, nước thải của các cơ sở kinh doanh du lịch để
kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.
d) Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tổ chức
các chương trình du lịch gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường.
6. Nâng cao năng lực quản lý
Nhà nước về du lịch
a) Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh
Đồng Nai để chỉ đạo, điều phối các hoạt động giữa các Sở, ban, ngành và địa
phương trong việc hỗ trợ phát triển du lịch.
b) Kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực
quản lý Nhà nước về du lịch phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
c) Nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp
hội Du lịch Đồng Nai trong việc phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch tổ chức và tham gia các sự kiện du lịch trong và ngoài nước;
là chỗ dựa cho các doanh nghiệp, chuyển tải các các kiến nghị, vướng mắc
của doanh nghiệp đến các cơ quan Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho doanh
nghiệp hoạt động thuận lợi.
d) Cử cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch tham dự
các lớp tập huấn ngắn hạn, dài hạn ở trong và ngoài nước để nâng cao trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ.
đ) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các
hoạt động kinh doanh du lịch và các dự án du lịch.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận
thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của du lịch
trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt, tạo công ăn việc
làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở
đó, huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng địa phương và các tổ chức xã
hội trong phát triển du lịch.
2. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội để tham
gia đầu tư và kinh doanh du lịch. Ngân sách tỉnh dành một nguồn kinh phí hợp lý
để đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, kinh phí trùng tu, tôn tạo các di tích lịch
sử - văn hóa, kinh phí lập các quy hoạch, dự án du lịch, kinh phí tuyên truyền,
quảng bá, xúc tiến du lịch, kinh phí đào tạo nguồn nhân lực du lịch...
3. Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương từ
Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình hành động du lịch quốc gia để tăng
thêm nguồn lực hỗ trợ triển khai Chương trình hành động du lịch của tỉnh.
4. Tăng cường đầu tư vốn để phát triển kết cấu hạ
tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch, một
số bến tàu du lịch trên tuyến sông Đồng Nai.
5. Tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch
bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động và nâng cao tính chuyên nghiệp cũng
như liên kết vùng trong quảng bá, xúc tiến du lịch đạt hiệu quả cao nhất.
6. Phối hợp với các trường đào tạo về du lịch
trong và ngoài tỉnh đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ nhân viên làm du lịch
có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách.
7. Khuyến khích, khen thưởng, động viên và có
chính sách đãi ngộ kịp thời các tập thể, cá nhân các thành phần kinh tế mạnh dạn
đầu tư xây dựng các cơ sở kinh doanh du lịch có chất lượng cao, mang đặc thù sắc
thái của Đồng Nai, có sức thu hút khách lớn cho tỉnh.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện chương trình được huy động
từ các nguồn: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, đóng góp của doanh
nghiệp và nguồn huy động hợp pháp khác.
2. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập
dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh
xem xét, giải quyết.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương
triển khai thực hiện Chương trình hành động về du lịch tỉnh Đồng Nai giai đoạn
2013 - 2020. Hàng năm, xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình theo quy định.
b) Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các đơn
vị, địa phương; chủ động đề xuất các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện;
tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả thực hiện
Chương trình.
c) Tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết Chương
trình vào năm 2015, tổng kết Chương trình vào năm 2020.
2. Sở Tài chính
Căn cứ kế hoạch hàng năm được phê duyệt, bố trí
kinh phí thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Hướng dẫn,
kiểm tra việc sử dụng kinh phí của Chương trình.
3. Sở Kế hoạch Đầu tư
Phối hợp các Sở, ban, ngành và địa phương tham
mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản cho
một số dự án trọng điểm hỗ trợ chương trình phát triển du lịch của tỉnh.
4. Sở Giao thông Vận tải
Tăng cường công tác quản lý phương tiện vận tải
hành khách, bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Chủ trì, phối hợp với
các cấp, các ngành phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp hướng dẫn xây dựng quy hoạch, kế hoạch
sử dụng đất cho các dự án phát triển du lịch. Chủ trì việc đánh giá tác động
môi trường cho các dự án phát triển du lịch, thủy điện cũng như phát triển kinh
tế - xã hội khác. Triển khai, giám sát các chương trình và hoạt động bảo vệ môi
trường, bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên tại địa phương.
6. Các Sở, ban, ngành liên quan
Trong phạm vi quản lý đối với lĩnh vực được phân
công có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các
hoạt động tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch.
7. UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành
phố Biên Hòa
a) Tham gia mời gọi các thành phần kinh tế đầu
tư phát triển du lịch tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch.
b) Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ
quan chức năng, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong công tác phát triển du
lịch; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thưc hiện tốt công tác quản
lý hoạt động du lịch tại địa phương; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại
các khu, điểm du lịch.
c) Trên cơ sở Chương trình này và kế hoạch triển
khai hàng năm của UBND tỉnh; các địa phương lập kế hoạch, bố trí kinh phí để
triển khai Chương trình trên địa bàn.
Trên đây là Chương trình hành động phát triển du
lịch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013 - 2020; UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa
phương triển khai thực hiện góp phần đưa du lịch Đồng Nai ngày càng phát triển./.
Nơi nhận:
- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
- TT Tỉnh ủy; BTG Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- UBND các huyện, TX LK và TP BH;
- Chánh, PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX, TCCB.
thao.dl.chuongtrinhhanhdong
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Trí
|