BỘ NGOẠI GIAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
35/2013/TB-LPQT
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 07 năm 2013
|
THÔNG BÁO
VỀ
VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều
47 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại
giao trân trọng thông báo:
Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức về thiết kế, xây dựng và vận
hành Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ký tại Berlin ngày 13 tháng 3 năm
2013, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 7 năm 2013.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo
quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Ngự
|
HIỆP ĐỊNH
GIỮA
CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC
VỀ THIẾT KẾ, XÂY DỰNG VÀ VẬN HÀNH NGÔI NHÀ ĐỨC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau
đây gọi là "Bên ký kết Việt Nam") và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức
(sau đây gọi là "Bên ký kết Đức").
Xuất phát từ mong muốn tăng cường quan hệ mọi mặt
giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế và
văn hóa, trên tinh thần đối tác chiến lược,
Căn cứ Tuyên bố chung ngày 11 tháng 10 năm 2011 của
Thủ tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức
về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược,
Nhằm mục đích cải thiện điều kiện làm việc của Tổng
Lãnh sự quán Đức, các hiệp hội kinh tế, cơ quan giao lưu văn hóa và doanh nghiệp
Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh,
Tin tưởng rằng việc xây dựng và vận hành một cách
kinh tế Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh góp phần quan trọng nhằm đạt được
những mục tiêu nêu trên,
Với mong muốn xây dựng Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ
Chí Minh trong thời gian sớm nhất có thể trên cơ sở Hiệp định ngày 11 tháng 10
năm 2011 giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước
Cộng hòa Liên bang Đức về các vấn đề pháp lý đối với khu đất tại số 3-5 Lê Văn
Hưu, Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Hiệp định cơ sở),
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1.
Ngôi nhà xây dựng trên khu đất
số 3-5 Lê Văn Hưu, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh được gọi là "Ngôi nhà Đức
tại Thành phố Hồ Chí Minh". Trong khuôn khổ pháp luật của mình, các Bên ký
kết sẽ bảo vệ và duy trì tên gọi này.
Điều 2.
1. Bên ký kết Đức có trách
nhiệm bảo đảm việc thiết kế, xây dựng và vận hành Ngôi nhà Đức phù hợp với pháp
luật hiện hành của Việt Nam, với quy hoạch đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Các Bên ký kết nhất trí Ngôi nhà Đức phải đáp ứng
các thông số xây dựng nêu tại Phụ lục 1 của Hiệp định này. Phụ lục này cũng là
cơ sở để các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép cần thiết và
kiểm soát quá trình xây dựng, hoàn công và vận hành Ngôi nhà Đức.
3. Bên ký kết Việt Nam ghi nhận mong muốn của Bên
ký kết Đức về việc thông qua một nhà đầu tư tư nhân xây dựng và vận hành Ngôi
nhà Đức.
4. Nhà đầu tư tư nhân được Bên ký kết Đức chỉ định
phải là doanh nghiệp có đủ khả năng thực hiện công việc được ủy quyền và có giấy
phép hoạt động tại Việt Nam. Trong việc xây dựng Ngôi nhà Đức, nhà đầu tư có
quyền sử dụng các nhà thầu phụ nhưng không được chuyển toàn bộ công việc cho một
nhà đầu tư khác cho đến khi hoàn tất ngôi nhà này.
Điều 3.
1. Bên ký kết Đức có trách
nhiệm tách biệt rõ ràng khu vực được sử dụng làm trụ sở của Tổng Lãnh sự quán Đức
với khu vực được sử dụng vào các mục đích khác trong Ngôi nhà Đức, quy định tại
khoản 3 Điều 1 Hiệp định cơ sở.
2. Bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm nhanh chóng
thẩm định thiết kế và cấp giấy phép xây dựng cho việc xây dựng Ngôi nhà Đức nếu
Bên ký kết Đức đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu tại khoản 1 Điều này và Điều 2
Hiệp định này. Trường hợp hồ sơ thiết kế và xin cấp phép xây dựng không đáp ứng
các điều kiện nêu trên, Bên ký kết Việt Nam có quyền yêu cầu Bên ký kết Đức điều
chỉnh cho phù hợp. Danh sách các loại giấy phép cần thiết cho việc xây dựng được
nêu ở Phụ lục 2 của Hiệp định này.
3. Việc xây dựng Ngôi nhà Đức phải theo đúng thiết
kế đã được thẩm định và giấy phép xây dựng. Trong trường hợp có sự thay đổi so
với thiết kế đã được thẩm định, Bên ký kết Đức phải có đề nghị bằng văn bản và
phải được sự đồng ý trước của Bên ký kết Việt Nam.
4. Nhà đầu tư tư nhân chịu trách nhiệm về những thiệt
hại nảy sinh đối với bên thứ ba trong quá trình nhà đầu tư xây dựng, quản lý, vận
hành, cho thuê hoặc cho thuê lại. Việc này không ảnh hưởng tới trách nhiệm của
Bên ký kết Đức với tư cách là người có quyền sử dụng khu đất và là chủ sở hữu
tương lai của tòa nhà.
Điều 4.
Trong khuôn khổ pháp luật của
mình, Bên ký kết Việt Nam hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để Bên ký kết Đức có được
bảo đảm cần thiết cho việc xây dựng Ngôi nhà Đức.
Điều 5.
1. Bên ký kết Đức có quyền sử
dụng Ngôi nhà Đức cho các mục đích quy định tại khoản 3 Điều
1 Hiệp định cơ sở. Những mục đích đó cũng bao gồm:
- làm nhà công vụ cho thành viên Tổng Lãnh sự quán
Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo các cơ quan và doanh nghiệp có trụ sở
trong Ngôi nhà Đức,
- làm nhà công vụ cho thành viên cơ quan lãnh sự của
nước thứ ba và thành viên các tổ chức quốc tế liên chính phủ,
- làm không gian giới thiệu và quảng bá kinh tế,
văn hóa, khoa học, kỹ thuật và ẩm thực Đức tại Việt Nam cũng như diện tích triển
lãm và phòng hội nghị,
2. "Doanh nghiệp Đức" nêu tại điểm b khoản 3 Điều 1 Hiệp định cơ sở là những pháp nhân hoặc
thể nhân
- có trụ sở tại Đức, hoặc
- là thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp Đức hoặc
Phòng Ngoại thương Đức.
3. Bên ký kết Đức thông báo cho Bên ký kết Việt Nam
việc sử dụng Ngôi nhà Đức của các cơ quan, tổ chức của Đức nêu trong điểm b khoản 3 Điều 1 Hiệp định cơ sở, kèm theo tài liệu chứng
minh cơ quan, tổ chức này thuộc diện quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 Hiệp định
cơ sở.
4. Trong thời hạn ít nhất là 30 ngày trước khi cho
phép cơ quan, tổ chức nêu trong điểm c khoản 3 Điều 1 Hiệp định
cơ sở, kể cả cơ quan, tổ chức của Việt Nam và nước thứ ba, sử dụng Ngôi nhà
Đức làm văn phòng, Bên ký kết Đức gửi văn bản xin phép Bên ký kết Việt Nam, kèm
theo tài liệu về tổ chức và giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức đó. Nếu
trong vòng 30 ngày sau khi nhận được thông báo Bên ký kết Việt Nam không có phản
đối bằng văn bản thì cơ quan, tổ chức đó được sử dụng Ngôi nhà Đức.
5. Giấy tờ do Bên ký kết Đức gửi cho Bên ký kết Việt
Nam theo khoản 3 và khoản 4 Điều này phải được lập bằng tiếng Việt hoặc kèm
theo bản dịch tiếng Việt.
6. Bản ký kết Đức thông báo bằng văn bản cho Bên ký
kết Việt Nam về việc cơ quan, tổ chức chấm dứt việc sử dụng Ngôi nhà Đức trong
thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt việc sử dụng.
Điều 6.
1. Các phần của Ngôi nhà Đức
được sử dụng làm trụ sở của Tổng Lãnh sự quán Đức và nhà công vụ của viên chức
và nhân viên lãnh sự, nhân viên hành chính, kỹ thuật của Tổng Lãnh sự quán Đức
được miễn thuế và lệ phí theo Công ước Viên ngày 24 tháng 4 năm 1963 về quan hệ
lãnh sự và trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.
2. Các phần của Ngôi nhà Đức được sử dụng vào các mục
đích khác với khoản 1 Điều này và các khoản thu từ việc vận hành các phần này
phải chịu thuế, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Những khoản thanh toán của nhà đầu tư cho Bên ký
kết Đức không chịu thuế của Bên ký kết Việt Nam.
Điều 7.
1. Các Bên ký kết thực hiện tất
cả những việc cần thiết để tạo điều kiện nhanh chóng xây dựng Ngôi nhà Đức tại
Thành phố Hồ Chí Minh. Các Bên ký kết chỉ định Bộ Ngoại giao Đức và Bộ Ngoại
giao Việt Nam là cơ quan đầu mối đối với những vấn đề nguyên tắc khi thực hiện
Hiệp định này.
2. Các Bên ký kết chỉ định Tổng Lãnh sự quán Cộng
hòa Liên bang Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh (Sở Ngoại vụ) là cơ quan đầu mối đối với những vấn đề kỹ thuật khi thực hiện
Hiệp định này.
3. Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Đức có thể ủy
quyền cho nhà đầu tư nộp các đơn và thông báo liên quan đến pháp luật xây dựng
nêu tại Điều 5.
Điều 8.
Trên cơ sở nguyên tắc có đi
có lại, Bên ký kết Đức có nghĩa vụ dành cho Bên ký kết Việt Nam các điều kiện
và khả năng sử dụng tương tự như quy định trong Hiệp định này trong trường hợp
Bên ký kết Việt Nam có nhu cầu sử dụng khu đất ngoại giao hoặc lãnh sự thuộc sở
hữu của mình tại Đức cho cả các mục đích thương mại.
Điều 9.
1. Những bất đồng phát sinh
trong việc giải thích và thực hiện Hiệp định này sẽ được các Bên ký kết giải
quyết thông qua tham vấn, trao đổi ý kiến và thương lượng.
2. Những bất đồng phát sinh trong việc thực hiện
các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến việc thiết kế,
xây dựng và vận hành Ngôi nhà Đức sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật
Việt Nam.
Điều 10.
Phụ lục 1 và Phụ lục 2 là bộ
phận không thể tách rời của Hiệp định này.
Điều 11.
1. Hiệp định này có hiệu lực
sau 30 ngày kể từ ngày các Bên ký kết thông báo cho nhau về việc đã đáp ứng các
điều kiện trong nước để Hiệp định có hiệu lực. Ngày để tính là ngày nhận được
thông báo sau cùng.
2. Hiệp định này có thể được sửa đổi, bổ sung hoặc
chấm dứt hiệu lực theo thỏa thuận bằng văn bản giữa hai Bên ký kết. Các thỏa
thuận này sẽ là bộ phận không tách rời của Hiệp định. Hai Bên cam kết tiến hành
đàm phán trong trường hợp việc thực hiện dự án "Ngôi nhà Đức tại Thành phố
Hồ Chí Minh" bị đe dọa.
3. Bên ký kết Đức tiến hành việc đăng ký Hiệp định
này với Ban Thư ký của Liên Hợp Quốc, phù hợp với quy định tại Điều
102 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực.
Bên ký kết Việt Nam được thông báo ngay về việc đăng ký và số đăng ký của Liên
hợp quốc, sau khi Ban Thư ký Liên Hợp quốc xác nhận việc đăng ký.
Làm tại Berlin ngày 13 tháng 3 năm 2013 thành hai bản
gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Đức; các văn bản có giá trị như nhau.
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
ĐẠI SỨ ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN
TS Nguyễn Thị Hoàng Anh
|
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ
CỘNG HÒA LIÊN BANG
ĐỨC
BỘ TRƯỞNG QUỐC VỤ BỘ NGOẠI GIAO
Cornelia Pieper
|
PHỤ LỤC 1
HIỆP ĐỊNH GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC VỀ THIẾT KẾ, XÂY DỰNG VÀ VẬN HÀNH NGÔI
NHÀ ĐỨC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Các điều kiện cơ
bản về thiết kế, xây dựng và vận hành Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh
1. Vị trí:
Khu đất số 3-5 Lê Văn Hưu, Phường Bến Nghé, Quận 1,
Thành phố Hồ Chí Minh
2. Các chỉ tiêu quy hoạch
a) Tổng diện tích khu đất: 3511,5 m2
b) Bố cục kiến trúc công trình: 2 phần.
- Phần phía trước: Từ lộ giới đường Lê Duẩn vào đến
ranh giới 36m.
- Phần phía sau: Nằm trên phần đất còn lại, mặt
chính hướng về phía đường Lê Văn Hưu.
c) Chiều cao công trình tối đa và số tầng tối đa:
- 75 m, tối đa 18 tầng đối với phần phía trước (không
kể tầng hầm, tầng lửng, sân thượng có bộ phận kỹ thuật và mái che cầu thang)
- 107 m, tối đa 26 tầng đối với phần phía sau
(không kể tầng hầm, tầng lửng, sân thượng có bộ phận kỹ thuật và mái che cầu
thang)
d) Mật độ xây dựng tối đa của 5 tầng đế: chiều cao
tối đa 22m 65%
e) Mật độ xây dựng tối đa của tầng 6-18 cho 2 khối
tháp: 60%
f) Mật độ xây dựng tối đa của tầng 19-26 cho khối
tháp phía sau: 30%
g) Hệ số sử dụng đất tối đa: 11
h) Diện tích làm nhà ở: 20% tổng diện tích công
trình, được bố trí tại phần công trình phía sau
i) Số tầng hầm tối đa: 5
j) Vạt góc giao lộ Lê Duẩn - Lê Văn Hưu: 4m x 4m
k) Khoảng lùi xây dựng công trình của phần phía trước:
- So với ranh lộ giới đường Lê Duẩn: 10 m
- So với ranh lộ giới đường Lê Văn Hưu: 6 m
- So với các ranh đất Tây Nam: 3,5 m
l) Khoảng lùi xây dựng công trình của phần phía
sau:
- So với ranh lộ giới đường Lê Duẩn: 36 m
- So với ranh lộ giới đường Lê Văn Hưu: 6 m
- So với các ranh đất Đông Nam: 4 m
- So với các ranh đất Tây Nam: 3,5
m
3. Các chỉ tiêu về điện, nước, rác thải, cây xanh,
giao thông và các chỉ tiêu khác tuân theo các quy định pháp luật hiện hành.
4. Về nguyên tắc, phía Việt Nam không phản đối việc
sử dụng Ngôi nhà Đức của các văn phòng luật sư, doanh nghiệp kiểm toán và tư vấn
về thuế cũng như văn phòng dịch thuật với điều kiện các doanh nghiệp này tuân
thủ pháp luật Việt Nam.
PHỤ LỤC 2
HIỆP ĐỊNH GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC VỀ THIẾT KẾ, XÂY DỰNG VÀ VẬN HÀNH NGÔI
NHÀ ĐỨC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Danh sách các giấy
phép cho việc xây dựng Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh
1. Giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng Thành phố Hồ
Chí Minh cấp.
2. Giấy phép thầu do Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng
Thành phố Hồ Chí Minh cấp.