VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 47/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2016
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI CÁC TỈNH,
THÀNH PHỐ VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG XÂM NHẬP MẶN
Ngày 07 tháng 3 năm 2016, tại thành
phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ
trì buổi làm việc với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long về công
tác phòng, chống xâm nhập mặn; cùng dự có các đồng chí: Cao Đức Phát - Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban
Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng
ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các đồng chí
Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành
phố Cần Thơ và các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long,
Hậu Giang, An Giang.
Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến của
lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết
luận và chỉ đạo như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
1. Về tình hình
xâm nhập mặn:
Từ cuối năm 2014, do tác động của
hiện tượng El Nino mạnh, kéo dài nhất trong lịch sử, thiên
tai nặng nề, cực đoan. Mùa mưa năm 2015 đến muộn, kết thúc sớm ở Đồng bằng sông
Cửu Long, tổng lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Những tháng đầu
năm 2016, dòng chảy từ sông Mê Công suy
giảm, xâm nhập mặn sớm, sâu nhất trong lịch sử đã xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long (trên sông Vàm Cỏ mặn xâm nhập
sâu vào cửa sông 93 km, các cửa sông khác đều 50 - 70 km) ảnh hưởng nghiêm
trọng đến sản xuất, đời sống của Nhân dân; hàng trăm ngàn hecta diện tích lúa
và cây ăn trái đã bị thiệt hại; gần 160.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, đặc
biệt tại tỉnh Bến Tre có 160/164 xã, phường bị ảnh hưởng xâm
nhập mặn.
2. Công tác chỉ đạo ứng phó:
Từ đầu năm 2015, Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, các Bộ, ngành đã quan tâm, chỉ đạo các địa phương và tìm mọi biện
pháp để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, hạn chế khó khăn,
vất vả của đồng bào vùng thiên tai;
các cơ quan chức năng đã tổ chức theo
dõi, dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động cung cấp thông tin để
Nhân dân biết chủ động ứng phó; các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã huy
động cả hệ thống chính trị ở địa phương cùng vào cuộc, kịp thời triển khai các
giải pháp ứng phó có hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn, góp phần hạn chế thiệt hại đối với
sản xuất, ổn định
đời sống Nhân dân.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ đánh giá cao, biểu dương sự chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo của các Bộ,
ngành Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và nỗ lực của Nhân
dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong hơn 1 năm qua đã
khắc phục khó khăn do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài để phát triển
sản xuất, giảm thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân và đạt
được kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, góp phần
vào thành tựu chung của cả nước: Năm 2015, tăng trưởng 7,8% (cả nước 6,68%),
lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ phát triển khá ổn định, nông nghiệp gặp khó khăn
nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng; kinh tế vĩ mô, đời sống nhân dân ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Đây là nỗ lực của toàn đảng,
toàn dân, toàn quân, trong đó có đóng góp của Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 12%
diện tích tự nhiên, gần 20% dân số, 17% GDP cả nước, 47% diện tích trồng lúa,
56% sản lượng lương thực, 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% diện tích nuôi trồng
thủy sản, 40% sản lượng thủy sản, 60% xuất khẩu thủy sản của cả nước, là vùng
kinh tế trọng điểm, có vị trí đặc biệt quan trọng về nhiều
mặt đối với cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước.
Bên cạnh những thuận lợi, Đồng bằng
sông Cửu Long đứng trước những thách thức rất lớn do tác động của biến đổi khí
hậu, đặc biệt là nước biển dâng, lượng nước về từ thượng nguồn sông Mê Công suy
giảm mạnh dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn, suy thoái
rừng ngập mặn, sạt lở có nguy cơ ngày càng gay gắt, trong khi hệ thống hạ tầng
để ứng phó còn rất đơn sơ, không đồng bộ và ngân sách rất hạn hẹp, khó khăn.
II. NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI:
Dự báo, xâm nhập mặn sẽ nặng nề nhất
trong tháng 4 và có thể kéo dài đến tháng 6 năm 2016, khoảng 50% diện tích lúa
Đông Xuân chuẩn bị thu hoạch có nguy cơ bị thiệt hại, 500.000 ha lúa Hè Thu
(chiếm 30% tổng diện tích) chuẩn bị gieo sạ có khả năng không sản xuất đúng
thời vụ, ảnh hưởng năng suất; số cơ sở sản xuất, bệnh viện, số hộ thiếu nguồn
nước sinh hoạt tiếp tục tăng cao, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, cây ăn
trái có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt, nguy cơ
cháy rừng cao.
Thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp
phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn được nêu trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và ý kiến phát biểu các Bộ, địa phương. Các Bộ, ngành, cấp
ủy đảng, chính quyền các địa phương phải theo dõi sát tình hình, coi đây là
nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị để tập trung chỉ đạo nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, ảnh hưởng đối với sản xuất và đời
sống của nhân dân do hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó tập trung các nhiệm vụ
trọng tâm sau:
1. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt:
a) Các địa phương tiếp tục chủ động
triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa
phương (lắp đặt thêm hệ thống đường ống dẫn nước ngọt, vận hành hệ thống kiểm
soát mặn, đắp đập tạm, khoanh vùng ngăn mặn, giữ nước ngọt, chở nước ngọt cung
cấp cho dân...) nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt của nhân dân, không để người dân bị thiếu
nước sinh hoạt, sử dụng nước không hợp vệ sinh dẫn tới
bùng phát dịch bệnh và bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại, nhất là đối với diện tích lúa Đông Xuân đang chuẩn bị
thu hoạch, vườn cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Hỗ trợ
kịp thời không để người dân thiếu đói.
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn và các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn,
chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu năm 2016 phù hợp với điều kiện nguồn nước, hạn chế
thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất.
c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp
tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng nhà nước ở địa phương, ngân hàng thương mại,
ngân hàng chính sách thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ, xử lý
rủi ro đối với các hộ dân, doanh nghiệp
trên địa bàn bị thiệt hại do thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định và
tiếp tục cho vay để phục hồi, phát triển sản xuất.
d) Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp
với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn
trương có Công hàm đề nghị Trung Quốc điều tiết tăng lượng xả nước về hạ lưu
sông Mê Công.
đ) Về kinh phí
thực hiện:
- Đồng ý hỗ trợ từ nguồn dự phòng
ngân sách trung ương năm 2016 cho 34 địa phương (trong đó có 9 tỉnh Đồng bằng
sông Cửu Long) để phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn theo đề nghị của Bộ Tài
chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, tổng hợp đề nghị hỗ trợ kinh
phí của các địa phương bị hạn hán, xâm nhập mặn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ
xem xét, quyết định theo quy định.
- Đồng ý nguyên tắc hỗ trợ từ ngân
sách trung ương đối với các địa phương
khó khăn, bị ảnh hưởng nặng xâm nhập mặn để đắp đập tạm ngăn mặn, giữ nước
ngọt, chi phí vận chuyển nước ngọt, lắp
đặt đường ống dẫn nước phục vụ sinh hoạt
của nhân dân theo Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ.
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát nhu cầu cụ thể
của từng địa phương, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính
phủ xem xét hỗ trợ cho các địa phương để thực hiện.
- Các địa phương chủ động bố trí ngân
sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện
các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, ngân sách trung ương hỗ
trợ theo quy định. Các địa phương chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả
nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương.
2. Về lâu dài:
a) Đồng bằng sông Cửu Long là vùng
ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp
tục theo dõi tình hình, dự báo, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu; phối hợp
với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám
sát, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn để thông tin kịp thời cho các cơ quan, địa
phương và nhân dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với
từng giai đoạn.
b) Trên cơ sở dự báo, kịch bản biến
đổi khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan rà soát, cập nhật, điều
chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu
Long; các Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng
thể của vùng thuộc lĩnh vực quản lý ngành (quy hoạch hạ tầng giao thông, thủy
lợi, điện, khu đô thị, dân cư, khu công nghiệp, y tế, giáo
dục,...); các địa phương chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó xác định rõ
các khu vực phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản,... phù hợp với tình
hình biến đổi khí hậu.
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa
phương rà soát lại quy hoạch hệ thống thủy lợi của Đồng bằng sông Cửu Long bảo
đảm tính liên vùng, phục vụ đa mục tiêu, thích nghi, ứng phó với biến đổi khí
hậu, chủ động ngăn mặn, giữ ngọt, chống sạt lở. Trên cơ sở quy hoạch, lựa chọn
và sắp xếp thứ tự các dự án ưu tiên (đập, cống, đê, hồ
chứa nước ngọt,...) để tập trung đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020, bảo đảm
đồng bộ, hiệu quả.
d) Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng
sông Cửu Long chủ động rà soát lại quy hoạch cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt
cho Nhân dân phù hợp với thực trạng nguồn nước trên địa bàn, tác động của biến
đổi khí hậu, xâm nhập mặn (khai thác nguồn nước mặt, nước ngầm, đầu tư xây dựng
các hồ trữ nước ngọt...).
đ) Về nguồn vốn:
- Vốn ngân sách: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các
Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, địa phương
ưu tiên bố trí ngân sách trung ương (bao gồm ngân sách đầu tư phát triển tập
trung, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA) và ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2016-2020 để đầu tư các công trình thủy lợi nhằm chủ động
ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn
hán, xâm nhập mặn, phòng chống sạt lở ven biển, bảo đảm
hiệu quả.
- Vốn xã hội hóa: Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan chủ động
rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa để
khuyến khích, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư các dự án có thể xã hội
hóa (như đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt, hồ chứa nước ngọt, phát
triển điện gió ven biển kết hợp hạn chế sạt lở,...; giao đất ven biển khuyến
khích doanh nghiệp trồng, khai thác rừng ngập mặn, giao khoán quản lý, khai thác rừng ngập mặn cho dân).
3. Các địa phương cần nghiên cứu, đề
xuất cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện cụ thể của từng
địa phương để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Đồng
bằng sông Cửu Long nói chung và của từng địa phương nói riêng, khắc phục những khó khăn, thách thức để phát triển kinh tế - xã hội bền vững;
khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp,
nông thôn nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ lao động trong nông
nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất
lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia
tăng.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ
trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan chuẩn bị số liệu, tài liệu phục vụ Thủ tướng Chính phủ
phát biểu tại Hội nghị cấp cao Mê Công - Lan Thương dự kiến tổ chức vào cuối
tháng 3 năm 2016 tại Trung Quốc theo tinh thần hợp tác khai thác, sử dụng hài
hòa, hiệu quả, bền vững tài nguyên nước, các bên cùng có lợi, bảo đảm lợi ích
quốc gia, theo đúng thông lệ quốc tế đối với dòng sông xuyên quốc gia.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ
tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Các Bộ: NN&PTNT, TN&MT, KH&ĐT, TC, NG;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND
các tỉnh, tp: Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng,
Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các vụ: TH, KTTH, V.III,
TKBT, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (3), Tuynh.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Cao Lục
|