ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1445/2002/QĐ.UB
|
Long Xuyên,
ngày 12 tháng 6 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐỊA BÀN ƯU ĐÃI VÀ DANH MỤC 1 - PHỤ LỤC
(DANH MỤC LĨNH VỰC, NGÀNH, NGHỀ) BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 522/2002/QĐ-UB
NGÀY 07/3/2002 CỦA UBND TỈNH AN GIANG.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được
Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994;
Căn cứ Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa
đổi) số 03/1998/QH10 ngày 20/5/1998;
Căn cứ Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày
08/7/1999 của Chính Phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư
trong nước (sửa đổi);
Căn cứ Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày
19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt
động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao;
Căn cứ Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày
24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển
ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 71/2001/NĐ-CP ngày
05/10/2001 của Chính phủ về ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê;
Căn cứ Nghị định số 35/2002/NĐ-CP ngày
29/3/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục A, B và C ban hành tại
phụ lục kèm theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi);
Theo Tờ trình số 256/TT.KHĐT ngày 11/6/2002 của
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung địa bàn ưu đãi và Danh mục 1 - Phụ lục
(Danh mục lĩnh vực, ngành, nghề).
1. Bổ sung huyện Thoại Sơn
thuộc địa bàn có các điều kiện và nội dung hưởng ưu đãi đầu tư như các huyện
Tri Tôn, Tịnh Biên và An Phú;
2. Sửa đổi, bổ sung Danh mục
1 - Phụ lục thay thế Danh mục 1 - Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số
522/2002/QĐ-UB ngày 07/3/2002 của UBND tỉnh An Giang ban hành Bản Quy định thực
hiện chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư đối với một số lĩnh vực, ngành,
nghề trên địa bàn tỉnh An Giang, dưới đây viết tắt là Bản Quy định ban hành kèm
theo Quyết định số 522/2002/QĐ-UB.
Điều 2. Quy định đối với các dự án ưu đãi đầu tư như sau:
1. Dự án đầu tư thuộc địa bàn huyện Thoại Sơn và
Danh mục 1 - Phụ lục quy định tại Điều 1 Quyết định này được hưởng các ưu đãi đầu
tư theo quy định tại Bản Quy định ban hành kèm theo Quyết định số
522/2002/QĐ-UB kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
2. Đối với các dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng
nhận ưu đãi đầu tư theo quy định của Bản Quy định ban hành kèm theo Quyết định
số 522/2002/QĐ-UB mà nay không thuộc Danh mục 1 - Phụ lục quy định tại Điều 1
Quyết định này, vẫn được tiếp tục hưởng các ưu đãi đầu tư về thuế, vay vốn tín
dụng theo Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp. Riêng hỗ trợ chênh lệch lãi suất
sau đầu tư, không tiếp tục thực hiện đối với những ngành, nghề không còn khuyến
khích và ưu đãi đầu tư, kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành.
3. Đối với các dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng
nhận ưu đãi đầu tư, nếu đáp ứng thêm điều kiện theo quy định tại Điều 1 Quyết định
này, mà nhà đầu tư có hồ sơ đăng ký điều chỉnh, bổ sung ưu đãi đầu tư, thì UBND
huyện, thị, thành và Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm hướng dẫn và tiếp
nhận hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung ưu đãi cho khoảng thời
gian ưu đãi còn lại, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
4. Đối với các dự án đầu tư đã triển khai thực
hiện trước đây chưa đăng ký hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Bản Quy định
ban hành kèm theo Quyết định số 522/2002/QĐ-UB, nếu đáp ứng điều kiện theo quy
định tại Điều 1 Quyết định này, mà nhà đầu tư có hồ sơ đăng ký ưu đãi đầu tư
thì được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho thời gian ưu đãi còn lại
của dự án (nếu còn), tính từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
5. Nhà nước không hoàn trả các khoản thuế và các
nghĩa vụ tài chính mà nhà đầu tư đã thực hiện trong thời gian trước khi Quyết định
này có hiệu lực thi hành.
Điều 3. Trong từng thời kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc sửa đổi,
bổ sung cụ thể ngành, nghề và địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư.
Điều 4. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với các Sở,
ngành liên quan theo dõi, đôn đốc thực hiện Quyết định này, định kỳ 6 tháng một
lần có sơ kết và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh An Giang tình hình thực
hiện và những vấn đề mới nảy sinh cần xử lý.
Điều 5. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,
Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các cấp trong phạm
vi, nhiệm vụ, quyền hạn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Nơi nhận:
- TT. TU, TT. HĐND (báo cáo);
- Các Sở, Ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Các DNNN;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Chánh, Phó VP. UBND tỉnh;
- Các C/v VP. UBND tỉnh;
- Lưu VT.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Kim Yên
|
PHỤ LỤC
Ban hành kèm theo Quyết định số 1445 /2002/QĐ-UB
ngày 12 tháng 6 năm 2002 của UBND tỉnh An Giang về việc sửa đổi, bổ sung địa
bàn ưu đãi và Danh mục 1 - Phụ lục (Danh mục lĩnh vực, ngành, nghề) ban hành
kèm theo Quyết định số 522/2002/QĐ-UB ngày 07/3/2002 của UBND tỉnh An Giang ban
hành Bản Quy định thực hiện chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư đối với một
số lĩnh vực, ngành, nghề trên địa bàn tỉnh An Giang.
Danh mục 1
Ngành, nghề
thuộc các lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu tư
Các dự án đầu tư vào các ngành, nghề trong từng
lĩnh vực sau đây được hưởng ưu đãi :
I. Các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, văn
hóa, thể thao; vệ sinh, môi trường.
1. Mở trường học bán công, dân lập, tư thục ở
các bậc học: giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông, trung học chuyên nghiệp, đào
tạo trình độ cao đẳng và trình độ đại học;
2. Thành lập cơ sở dạy nghề, nâng cao tay nghề
cho công nhân; đào tạo kỹ thuật; bồi dưỡng và nâng cao kiến thức quản lý, kinh
doanh;
3. Thành lập nhà văn hóa dân tộc, đoàn ca, múa,
nhạc dân tộc; sản xuất, chế tạo, sửa chữa nhạc cụ dân tộc; duy tu bảo tồn, bảo
tàng, nhà văn hóa dân tộc;
4. Thành lập bệnh viện dân lập, bệnh viện tư
nhân khám, chữa bệnh, thành lập cơ sở thực hiện vệ sinh phòng chống dịch bệnh;
thành lập trung tâm hoạt động cứu trợ tập trung chăm sóc người tàn tật, trẻ mồ
côi, trung tâm lão khoa;
5. Thành lập cơ sở, trung tâm thể dục thể thao
(TDTT) nhằm làm nơi tập luyện cho người dân hoặc đào tạo vận động viên TDTT.
6. Xây dựng công trình xử lý chất thải để bảo vệ
môi trường; thu gom, xử lý, tái chế rác thải dùng vào mục đích công, nông, lâm
nghiệp;
II. Phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ
công nghiệp.
1. Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật :
- Đầu tư xây dựng mới nhà máy điện, phân phối điện,
truyền tải điện, xây dựng cơ sở sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió,
khí sinh vật;
- Đầu tư xây dựng mới, hiện đại hoá, cải tạo,
nâng cấp: cầu đường bộ, bến cảng, bến xe, nơi đỗ xe;
2. Đầu tư cung cấp dịch vụ kết nối Internet,
cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet tại địa
bàn các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú và Thoại Sơn; dịch vụ bưu phẩm, dịch vụ
bưu kiện.
3. Sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cho xuất
khẩu đạt giá trị trên 30% tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh của
dự án trong năm tài chính; sản xuất các sản phẩm thay thế hàng hóa nhập khẩu
trước đây của tỉnh.
4. Chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản:
- Chế biến nông sản từ nguồn nguyên liệu trong
nước: chế biến gia súc, gia cầm; chế biến và bảo quản rau quả; sản xuất dầu,
tinh dầu, chất béo từ thực vật; sản xuất sữa lỏng và các sản phẩm chiết xuất từ
sữa; sản xuất bột thô; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; sản xuất nước
uống đóng chai, đóng hộp từ hoa quả;
- Sản xuất bột giấy, giấy, bìa, ván nhân tạo trực
tiếp từ nguồn nguyên liệu nông, lâm sản trong nước;
- Chế biến, bảo quản thủy sản từ nguồn nguyên liệu
trong nước.
5. Dịch vụ hỗ trợ trồng cây nông nghiệp, cây
công nghiệp và cây lâm nghiệp; hoạt động hỗ trợ chăn nuôi; hoạt động hỗ trợ lâm
nghiệp; dịch vụ thủy sản; dịch vụ bảo vệ vật nuôi; dịch vụ bảo quản nông sản
(bao gồm đầu tư máy sấy các loại nông sản), lâm sản, thủy sản; xây dựng kho bảo
quản nông, lâm, thủy sản.
6. Nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, dịch
vụ khoa học, công nghệ:
- Đầu tư xây dựng cơ sở, công trình kỹ thuật:
phòng thí nghiệm, trạm thí nghiệm nhằm ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; sản
xuất vật liệu mới, vật liệu quý hiếm;
- Đầu tư sản xuất máy tính, sản phẩm phần mềm;
- Cung cấp các dịch vụ: nghiên cứu công nghệ
thông tin, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin;
- Đầu tư sản xuất chất bán dẫn và các linh kiện
điện tử; sản xuất thiết bị viễn thông, Internet; ứng dụng công nghệ mới để sản
xuất thiết bị thông tin, viễn thông;
- Ứng dụng công nghiệp kỹ thuật cao; ứng dụng
công nghệ mới về sinh học trong: phục vụ y tế, phân bón sinh học, thuốc trừ sâu
sinh học, vắc xin thú y; xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường, tái chế phế
liệu, phế thải;
- Ứng dụng công nghệ sử dụng hoặc sản xuất ra
máy móc, thiết bị sử dụng nguồn năng lượng sinh học, năng lượng từ gió, mặt trời,
địa nhiệt;
- Ứng dụng công nghệ tạo ra các sản phẩm mà
trong quá trình sử dụng, sản phẩm này tiêu thụ ít năng lượng, nhiên liệu,
nguyên vật liệu so với các sản phẩm cùng loại.
7. Tư vấn về pháp lý, đầu tư, quản lý kinh
doanh, quản trị doanh nghiệp, dịch vụ tư vấn về khoa học kỹ thuật; chuyển giao
quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ :
- Tư vấn pháp luật, tư vấn đầu tư, tư vấn về
khoa học kỹ thuật, tư vấn quản lý kinh doanh, tư vấn chuyển giao công nghệ; tư
vấn về quản lý chất lượng sản phẩm;
- Cung cấp thông tin về thị trường, thông tin
khoa học - kỹ thuật, công nghệ;
- Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao
công nghệ;
- Tiếp thị, xúc tiến thương mại; hoạt động cung
cấp thông tin về thị trường mới nhằm phục vụ xuất khẩu hàng hóa sản xuất trong
tỉnh.
8. Đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất, mở rộng
quy mô, đổi mới công nghệ; cải thiện sinh thái và môi trường, vệ sinh đô thị;
di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi đô thị; đa dạng hóa ngành, nghề, sản phẩm:
- Đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới, đầu tư mở
rộng quy mô, đầu tư đổi mới công nghệ vào ngành, nghề thuộc lĩnh vực quy định tại
Danh mục 1 - Phụ lục này;
- Đầu tư di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi nội thị
hoặc vào khu công nghiệp, khu tiểu thủ công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ
cao, cụm công nghiệp.
9. Sản xuất đồ chơi cho trẻ em, dệt vải, hoàn
thiện các sản phẩm dệt; sản xuất tơ, sợi các loại; thuộc, sơ chế da.
10. Sản xuất hóa chất cơ bản, hóa chất tinh khiết,
hóa chất chuyên dụng, thuốc nhuộm.
11. Đầu tư sản xuất: thuốc tân dược chữa bệnh
cho người; thiết bị y tế, dụng cụ chỉnh hình; xe, dụng cụ chuyên dùng cho người
tàn tật; xây dựng kho bảo quản dược phẩm; dự trữ thuốc chữa bệnh cho người để
phòng chống lụt bão, thảm họa thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm; thuốc bảo vệ thực
vật; thuốc phòng, chữa bệnh cho động vật và cho thủy sản.
12. Đầu tư sản xuất: khí cụ điện trung, cao thế;
động cơ diezen; thiết bị, phụ tùng cho các tàu vận tải, tàu đánh cá, máy công cụ,
máy móc, thiết bị, phụ tùng, máy phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp; máy chế
biến thực phẩm; máy cho ngành dệt, may; máy cho ngành da; máy khai thác mỏ; máy
xây dựng, rô bốt công nghiệp; xe ôtô các loại, phụ tùng xe ôtô; máy phát điện;
thiết bị cơ khí chính xác; thiết bị, máy móc kiểm tra, kiểm soát an toàn quá
trình sản xuất công nghiệp; sản xuất khuôn mẫu cho các sản phẩm kim loại và phi
kim loại; cơ sở đóng, sửa chữa tàu, thuyền; sản xuất thiết bị xử lý chất thải.
13. Sản xuất hợp kim, kim loại màu, kim loại quý
hiếm, sắt xốp dùng trong công nghiệp; sản xuất xi măng đặc chủng, vật liệu cách
âm, cách điện, cách nhiệt cao, vật liệu tổng hợp thay gỗ, chất dẻo xây dựng, sợi
thủy tinh, vật liệu chịu lửa; than cốc, than hoạt tính; sản xuất phân bón.
14. Các ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ
truyền thống : chạm trổ; khảm trai; sơn mài; khắc đá; làm hàng mây, tre, trúc,
thổ cẩm, thảm; dệt lụa tơ tằm; gốm, sứ; thêu ren; các sản phẩm từ cây thốt nốt;
tranh trên kiếng; lưỡi câu; chiếu cói; đúc và gò đồng mỹ nghệ; sản xuất giấy
dó.
15. Đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng
khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm tiểu thủ công nghiệp; Đầu
tư sản xuất, chế biến và các loại hình dịch vụ trong khu công nghiệp, khu chế
xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp nhỏ và vừa, cụm công nghiệp.
III. Phát triển du lịch tại các khu, điểm du
lịch đã được quy hoạch.
1. Xây dựng kết cấu hạ tầng các tuyến, điểm và
khu du lịch.
2. Xây dựng, nâng cấp mở rộng quy mô các công
trình văn hóa - du lịch tại các khu, điểm du lịch.
3. Đầu tư xây dựng và phát triển các loại hình
thể thao, vui chơi, giải trí tại các khu, điểm du lịch.
4. Hiện đại hóa các phương tiện vận chuyển,
thông tin liên lạc và trang thiết bị liên quan đến phát triển hoạt động du lịch
tại các khu, điểm du lịch.
5. Xây dựng làng du lịch xanh, du lịch sinh thái
tại các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch.
IV. Đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở
rộng các khu thương mại, chợ, siêu thị, khu triển lãm.
V. Đầu tư xây dựng mới toàn bộ hoặc một số
công trình của hệ thống hạ tầng kỹ thuật cụm, tuyến dân cư tập trung, gồm:
1. Chuẩn bị đất xây dựng; San lắp mặt bằng.
2. Hệ thống giao thông.
3. Hệ thống cung cấp điện; Hệ thống chiếu sáng
công cộng.
4. Hệ thống cung cấp nước.
5. Hệ thống thoát nước.
6. Công trình bảo vệ môi trường, xử lý nước thải.
7. Hệ thống thông tin liên lạc.
8. Xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê.
VI. Đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia
cầm, nuôi trồng thủy sản theo chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp
có quy mô trang trại trở lên.
VII. Sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; giống
vật nuôi.
1. Đầu tư thành lập các cơ sở sản xuất giống cây
trồng, vật nuôi; đầu tư sản xuất giống lúa nguyên chủng ra giống lúa xác nhận
trong mạng lưới sản xuất giống của tỉnh.
2. Xây dựng và khai thác các cơ sở nghiên cứu:
phòng thí nghiệm, trạm thí nghiệm, trại thí nghiệm nhằm ứng dụng công nghệ mới
vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
3. Ứng dụng công nghệ mới về sinh học trong sản
xuất giống cây trồng, vật nuôi.
VIII. Phát triển lâm nghiệp.
1. Trồng rừng phòng hộ đồi núi cao từ 20m trở
lên (so với mặt biển), những vùng đất dưới bình độ 20m do thoái hóa bạc màu, sản
xuất nông nghiệp không hiệu quả đưa vào quy hoạch phát triển rừng, trồng cây ăn
quả.
2. Đất phèn hoang hóa chưa sử dụng, đất vùng mới
khai hoang, vùng dự án phòng hộ biên giới sản xuất nông nghiệp, năng suất thấp,
nhà nước khuyến khích chuyển sang trồng rừng, sản xuất lâm - nông - ngư kết hợp
lập trang trại lâm nghiệp.
3. Trồng cây phân tán trên các tuyến đê kênh, trục
lộ giao thông, vườn nhà dân, công sở, trường học.
4. Các hoạt động trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng,
kết hợp hoạt động sản xuất lâm - nông - ngư nghiệp, trang trại lâm nghiệp.
IX. Phát triển nuôi tôm càng xanh.
1. Đầu tư thành lập cơ sở sản xuất tôm giống.
2. Đầu tư phát triển nuôi tôm càng xanh ở các
vùng nước tự nhiên chưa được cải tạo, sử dụng.
3. Xây dựng và khai thác các cơ sở nghiên cứu:
phòng thí nghiệm, trạm thí nghiệm, trại thí nghiệm, nhằm ứng dụng công nghệ mới
vào sản xuất tôm giống.
4. Công nghệ sinh học được ứng dụng theo qui mô
công nghiệp trong việc sản xuất tôm giống.
X. Đầu tư xây dựng nhà máy nước, hệ thống
cấp nước phục vụ sinh hoạt, phục vụ công nghiệp; đầu tư xây dựng hệ thống thoát
nước.
XI. Những ngành, nghề khác:
- Trồng bông phục vụ công nghiệp chế biến; trồng
cây dược liệu;
- Sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, thủy tinh,
cơ khí nhỏ ở nông thôn;
- Hoạt động huy động vốn và cho vay vốn của Quỹ
tín dụng nhân dân.
XII. Đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng
- kinh doanh - chuyển giao (BOT); đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng -
chuyển giao - kinh doanh (BTO); đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển
giao (BT) thuộc các lĩnh vực từ Mục I đến Mục XI.