BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 14/2024/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 10 năm 2024
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN QUY TRÌNH XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH, BAN HÀNH ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT VÀ
PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO
Căn cứ Luật Giáo dục
ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục
đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Giá
ngày 19 tháng 6 năm 2023;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP
ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP
ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn
vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 81/2021/NĐ-CP
ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí
đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm
học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 97/2023/NĐ-CP
ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của
Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc
hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học
tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài
chính;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông
tư hướng dẫn quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật
và phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn quy trình xây dựng, thẩm
định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp định giá dịch vụ giáo
dục, đào tạo.
2. Thông tư này áp dụng đối với:
a) Các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo
dục quốc dân, bao gồm: cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở
giáo dục đại học, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng sư phạm (sau đây
gọi là cơ sở giáo dục);
b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);
c) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác.
3. Các cơ sở giáo dục công lập thuộc Bộ Quốc phòng,
Bộ Công an thực hiện theo quy định tại Thông tư này. Trường hợp có quy định đặc
thù riêng thì áp dụng các văn bản đặc thù.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, một số từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng
trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (sau đây gọi là định mức kinh tế - kỹ thuật)
là định mức tiêu hao, hao phí các yếu tố về lao động, thiết bị, vật tư, cơ sở vật
chất để hoàn thành việc giáo dục, đào tạo cho 01 người học đạt được các tiêu
chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Định mức kinh tế - kỹ thuật
bao gồm 04 định mức thành phần cơ bản: Định mức lao động, định mức thiết bị, định
mức vật tư và định mức cơ sở vật chất.
2. Định mức lao động là mức hao phí về sức
lao động cần thiết của người lao động theo chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành
việc giáo dục, đào tạo cho 01 người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ
quan có thẩm quyền ban hành.
3. Định mức thiết bị là mức tiêu hao về số
lượng và thời gian sử dụng đối với từng loại máy móc, thiết bị cần thiết để
hoàn thành việc giáo dục, đào tạo cho 01 người học đạt được các tiêu chí, tiêu
chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
4. Định mức vật tư là mức tiêu hao từng loại
nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu cần thiết để hoàn thành việc giáo dục, đào tạo
cho 01 người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban
hành.
5. Định mức cơ sở vật chất là thời gian sử dụng
và diện tích sử dụng của một người học đối với từng loại cơ sở vật chất (khu học
lý thuyết, khu thực hành thực tập và các khu chức năng khác) để hoàn thành việc
đào tạo cho 01 người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm
quyền ban hành.
Điều 3. Mục tiêu và nguyên tắc
xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, thẩm định,
phê duyệt đơn giá, giá dịch vụ giáo dục, đào tạo, dự toán kinh phí cung cấp dịch
vụ giáo dục, đào tạo sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý kinh tế trong hoạt động
giáo dục, đào tạo theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả
và tiết kiệm.
2. Thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, đào tạo,
tạo môi trường hoạt động bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo
dục quốc dân.
3. Đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ để hoàn
thành việc giáo dục, đào tạo cho người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn,
chất lượng theo quy định hiện hành.
Chương II
QUY TRÌNH XÂY DỰNG, THẨM
ĐỊNH VÀ BAN HÀNH ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO
Điều 4. Phân loại định mức kinh
tế - kỹ thuật
1. Phân loại theo cơ quan có thẩm quyền ban hành
a) Định mức kinh tế - kỹ thuật cấp Bộ là định mức
kinh tế - kỹ thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, thẩm định và ban
hành để áp dụng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo theo các khối ngành;
b) Định mức kinh tế - kỹ thuật cấp địa phương là định
mức kinh tế - kỹ thuật do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, thẩm định và ban
hành đối với các dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cao đẳng sư phạm
và giáo dục thường xuyên của địa phương để áp dụng trong phạm vi các cơ quan, tổ
chức, cơ sở giáo dục trực thuộc địa phương;
c) Định mức kinh tế - kỹ thuật cấp cơ sở là định mức
kinh tế - kỹ thuật do các cơ sở giáo dục xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền
thẩm định, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, phục vụ cho hoạt động chuyên
môn của cơ sở giáo dục.
2. Phân loại theo nhóm dịch vụ sự nghiệp công
Định mức kinh tế - kỹ thuật theo các nhóm Dịch vụ sự
nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ về việc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách
nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Điều 5. Căn cứ xây dựng định mức
kinh tế - kỹ thuật
1. Quy định về chương trình giáo dục, chương trình
đào tạo, chuẩn khối lượng kiến thức, chuẩn năng lực đầu ra của người học tương ứng
mỗi cấp học và trình độ đào tạo đối với giáo dục chính quy và các chương trình
giáo dục khác đối với giáo dục thường xuyên.
2. Các nội dung được quy định trong Điều lệ trường
mầm non; Điều lệ trường tiểu học; Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung
học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Điều lệ trường cao đẳng sư
phạm; Quy chế tổ chức hoạt động của cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục
đại học; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức
số lượng người làm việc, chế độ làm việc của nhà giáo, nhân viên hành chính,
nhân viên phục vụ của các cơ sở giáo dục.
3. Điều kiện thực tế hoạt động của các cơ sở giáo dục
về cơ sở vật chất, bao gồm: công trình xây dựng, nhà xưởng, máy móc, trang thiết
bị giảng dạy và học tập.
4. Quy định về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị
và phương tiện làm việc của giáo viên, giảng viên, người lao động trong đơn vị
sự nghiệp công lập.
5. Quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện
tích công trình sự nghiệp và tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị
chuyên dùng thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
6. Số liệu thống kê hằng năm hoặc trong các kỳ báo
cáo và các tài liệu có liên quan.
Điều 6. Phương pháp xây dựng định
mức kinh tế - kỹ thuật
1. Phương pháp tiêu chuẩn: căn cứ vào các tiêu chuẩn,
quy định của pháp luật về thời gian lao động, chế độ nghỉ ngơi, mức tiêu hao
máy móc, thiết bị để xây dựng các định mức lao động, thiết bị, vật tư và cơ sở
vật chất đối với từng công việc, làm cơ sở tính toán xây dựng định mức kinh tế
- kỹ thuật.
2. Phương pháp thống kê tổng hợp: căn cứ số liệu thống
kê hằng năm hoặc trong các kỳ báo cáo trong thời gian 03 năm liên tục trước thời
điểm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và thực tế giáo dục, đào tạo tại cơ sở
giáo dục để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
3. Phương pháp phân tích thực nghiệm: thực hiện tổ
chức khảo sát, thực nghiệm theo từng quy trình, nội dung công việc; căn cứ kết
quả khảo sát, thực nghiệm để phân tích, tính toán từng yếu tố cấu thành định mức.
4. Phương pháp so sánh: căn cứ vào các định mức của
công việc, sản phẩm tương đương đã thực hiện trong thực tế để xây dựng định mức
kinh tế - kỹ thuật.
Điều 7. Nội dung của định mức
kinh tế - kỹ thuật
Áp dụng một hoặc đồng thời các phương pháp được quy
định tại Điều 6 của Thông tư này để xây dựng các định mức
thành phần như sau:
1. Định mức lao động (giờ)
Định mức lao động = Định mức lao động trực tiếp (giảng
dạy lý thuyết; hướng dẫn thực hành; hướng dẫn tiểu luận, luận án, luận văn...)
+ Định mức lao động gián tiếp (quản lý; phục vụ...).
Định mức lao động trực tiếp là thời gian giảng dạy
lý thuyết; hướng dẫn thực hành; hướng dẫn tiểu luận, luận án, luận văn...
Định mức lao động gián tiếp được tính theo tỷ lệ %
của lao động trực tiếp.
2. Định mức thiết bị
- Xác định chủng loại thiết bị;
- Xác định thông số kỹ thuật cơ bản của thiết bị;
- Xác định thời gian sử dụng từng chủng loại thiết
bị;
- Tổng hợp định mức thiết bị.
Các thiết bị phục vụ cho công tác quản lý, phục vụ
của lao động gián tiếp tại cơ sở giáo dục không được tính trong định mức thiết
bị.
3. Định mức vật tư
- Xác định chủng loại vật tư;
- Xác định số lượng/khối lượng theo từng loại vật
tư: Căn cứ vào chủng loại thiết bị, thời gian máy chạy có tải (tiêu hao vật
tư);
- Xác định tỷ lệ (%) thu hồi vật tư: Căn cứ vào đặc
điểm, tính chất của vật tư để tính tỷ lệ (%) thu hồi;
- Xác định yêu cầu kỹ thuật cơ bản của vật tư: Mô tả
thông số kỹ thuật của từng loại vật tư phù hợp trong đào tạo.
4. Định mức cơ sở vật chất
a) Định mức sử dụng khu học lý thuyết cho 01 người
học:
Đlt = Slt x Tlt
Trong đó:
- Đlt: Định mức sử dụng khu học lý thuyết
của 01 người học trong quá trình đào tạo (đơn vị tính m2 x giờ/người
học);
- Slt: Diện tích sử dụng trung bình của
01 người học tại khu học lý thuyết trong quá trình đào tạo (đơn vị tính m2/người
học);
- Tlt: Tổng thời gian sử dụng tại khu học
lý thuyết của 01 người học trong quá trình đào tạo (đơn vị tính giờ).
b) Định mức sử dụng từng khu thực hành, thực tập,
thí nghiệm của 01 người học trong quá trình đào tạo:
Đth = Sth x Tth
Trong đó:
- Đth: Định mức sử dụng từng khu thực
hành, thực tập, thí nghiệm của 01 người học trong quá trình đào tạo (m2
x giờ/người học);
- Sth: Diện tích sử dụng trung bình từng
khu thực hành, thực tập, thí nghiệm của 01 người học trong quá trình đào tạo (m2/người
học);
- Tth: Tổng thời gian sử dụng từng khu
thực hành, thực tập, thí nghiệm của 01 người học trong quá trình đào tạo (giờ).
c) Định mức các khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật
khác trong trường được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) so với tổng định mức khu học
lý thuyết và khu thực hành, thực tập, thí nghiệm.
Điều 8. Trình tự xây dựng, thẩm
định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật:
a) Căn cứ vào Danh mục Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng
ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tổ chức, cá nhân được
giao xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
cho từng dịch vụ sự nghiệp công;
b) Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền
ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thành lập ban soạn thảo để thực hiện;
c) Lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá
nhân có liên quan;
d) Hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền ban
hành định mức kinh tế - kỹ thuật. Hồ sơ bao gồm các nội dung cơ bản: tờ trình;
dự thảo định mức kinh tế - kỹ thuật; báo cáo tổng kết thực tiễn; báo cáo thuyết
minh về phương pháp xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật và các tài liệu
liên quan khác.
2. Thẩm định, trình ban hành định mức kinh tế - kỹ
thuật.
Cơ quan có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ
thuật theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 11 Thông tư này,
giao nhiệm vụ cho 01 đơn vị chuyên môn chủ trì thẩm định hoặc thành lập Hội đồng
thẩm định (trong trường hợp cần thiết) để thẩm định.
Đơn vị xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật hoàn
thiện hồ sơ theo ý kiến thẩm định và gửi đơn vị chuyên môn chủ trì thẩm định
trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành.
Chương III
PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ DỊCH
VỤ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO
Điều 9. Nguyên tắc tính giá dịch
vụ giáo dục, đào tạo
1. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là toàn bộ các khoản
chi phí thực tế hợp lý phát sinh để hoàn thành việc giáo dục, đào tạo cho người
học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành, bao gồm
chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí khấu hao/hao mòn
tài sản cố định, các chi phí khác và tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).
2. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được phân biệt
theo cấp học, trình độ, lĩnh vực, ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo và
hình thức giáo dục, đào tạo.
3. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được điều chỉnh hằng
năm khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ giáo dục, đào tạo thay đổi.
Điều 10. Xác định giá dịch vụ
giáo dục, đào tạo
1. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo xác định theo công
thức sau:
Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo
|
=
|
Chi phí tiền lương
|
+
|
Chi phí vật tư
|
+
|
Chi phí quản lý
|
+
|
Chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định
|
+
|
Chi phí khác
|
+
|
Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có)
|
2. Chi phí tiền lương
a) Chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả
cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia
thực hiện dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ
cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,
kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật
hiện hành.
Chi phí tiền lương
|
=
|
Định mức lao động
|
x
|
Đơn giá tiền lương hoặc chi phí tiền công (đồng/giờ)
|
- Định mức lao động: Xây dựng theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này;
- Đơn giá tiền lương thực hiện theo quy định pháp luật
hiện hành về tiền lương; chi phí tiền công hoặc các quy định về vị trí, chế độ
việc làm của người lao động là chi phí phải trả cho người lao động căn cứ vào hợp
đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.
b) Căn cứ điều kiện và yêu cầu thực tế, chi phí tiền
lương được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương của cơ sở giáo dục đảm bảo hoạt động
hiệu quả của đơn vị và phải được quy định chi tiết trong quy chế chi tiêu nội bộ
của đơn vị.
3. Chi phí vật tư là chi phí phục vụ hoạt động giảng
dạy, học tập, thực hành, thực nhiệm và nghiên cứu khoa học; hoạt động cung cấp
dịch vụ, gồm: Chi phí văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ, điện, nước, nguyên liệu,
nhiên liệu, vật liệu và các chi phí khác được xác định trên cơ sở mức tiêu hao
vật tư và đơn giá vật tư:
a) Mức tiêu hao vật tư được xác định trên cơ sở định
mức kinh tế - kỹ thuật như sau:
- Đối với sản phẩm đã có định mức kinh tế - kỹ thuật
do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức kinh tế -
kỹ thuật;
- Đối với sản phẩm chưa có định mức kinh tế - kỹ
thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức do
Hiệu trưởng hoặc Thủ trưởng đơn vị ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật
về tính chính xác của định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng đảm bảo nguyên tắc
tiết kiệm, hiệu quả.
b) Đơn giá vật tư được xác định như sau:
Đơn giá vật tư dùng để tính giá dịch vụ giáo dục,
đào tạo là giá bao gồm thuế giá trị gia tăng, được xác định phù hợp với tiêu
chuẩn, chủng loại và chất lượng vật tư sử dụng. Cụ thể như sau:
- Đối với vật tư do Nhà nước định giá: tính theo
giá do Nhà nước quy định (+) chi phí lưu thông hợp lý (nếu có);
- Đối với vật tư mua ngoài:
Nếu không có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định
thì tính theo mức giá thấp nhất từ các nguồn thông tin như giá thị trường do tổ
chức có chức năng cung cấp hoặc báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà
cung cấp;
Nếu có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì
tính theo giá mua ghi trên hóa đơn mua/bán hàng; hoặc giá trúng thầu, giá trúng
đấu giá, giá niêm yết (+) chi phí hợp lý, hợp lệ để đưa vật tư về đến cơ sở
giáo dục (nếu có);
- Đối với vật tư trực tiếp nhập khẩu đưa vào sử dụng:
Tính theo giá vốn nhập khẩu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (+) các chi
phí thực tế hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có) (+) chi phí thuế,
phí, lệ phí (nếu có);
- Đối với vật tư tự chế: Tính theo giá thực tế xuất
kho (+) chi phí thực tế phát sinh trong quá trình đưa vật tư về đến cơ sở giáo
dục (nếu có);
- Đối với vật tư thuê gia công chế biến: Tính theo
giá thực tế xuất kho giao gia công (+) chi phí gia công (+) các chi phí hợp lý
để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);
Giá các loại vật tư và các khoản chi phí về gia
công chế biến, vận chuyển, bảo quản, thu mua,... phải được ghi trên hóa đơn, chứng
từ theo quy định của pháp luật.
4. Chi phí quản lý là chi phí phục vụ các phòng,
ban của bộ phận quản lý trong cơ sở giáo dục, bao gồm:
a) Chi phí tuyển sinh;
b) Chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho công tác
quản lý; các khoản chi mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế...
(không đủ tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định) được tính theo phương pháp phân
bổ dần vào chi phí quản lý; tiền thuê tài sản cố định; chi phí trả cho nhà thầu
(nếu có);
c) Chi phí bằng tiền khác thuộc quản lý chung,
ngoài các chi phí đã nêu trên như: chi phí hội nghị, tiếp khách, công tác phí,
tàu xe, khoản chi cho lao động nữ, nghiên cứu, đào tạo, chi nộp phí tham gia hiệp
hội và chi phí hợp lý khác.
5. Chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định là
chi phí khấu hao hoặc hao mòn nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị và các
tài sản cố định khác sử dụng trong hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo
được tính theo quy định của Bộ Tài chính và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao
hoặc hao mòn tài sản cố định vào giá dịch vụ giáo dục, đào tạo do cơ quan có thẩm
quyền quy định.
6. Chi phí khác gồm các loại thuế khác theo quy định,
tiền thuê đất và các khoản phí, lệ phí khác.
7. Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của các Bộ,
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các tổ chức
chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
a) Căn cứ các quy định tại Thông tư này hướng dẫn
xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực giáo dục,
đào tạo; Xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng chung trong
lĩnh vực giáo dục, đào tạo theo phân cấp quản lý;
b) Kiểm tra tình hình xây dựng, thẩm định, phê duyệt
định mức kinh tế - kỹ thuật của các cơ sở giáo dục trực thuộc các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị
- xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ các quy định tại
Thông tư này, ban hành hoặc hướng dẫn các cơ sở sở giáo dục trực thuộc xây dựng
định mức kinh tế - kỹ thuật và gửi báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo để
theo dõi.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật
đối với các dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cao đẳng sư phạm và
giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý để áp dụng tại địa phương và gửi
báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo để theo dõi;
b) Thẩm định, phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật
đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập đảm
bảo chi thường xuyên hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư đạt mức kiểm
định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và gửi
báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo để theo dõi;
c) Cho ý kiến về định mức kinh tế - kỹ thuật đối với
cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông do các trường đại học, cao đẳng, viện
nghiên cứu thành lập đặt trên địa bàn địa phương;
d) Căn cứ các quy định tại Thông tư này, hướng dẫn
các cơ sở sở giáo dục đại học trực thuộc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật,
thẩm định, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và gửi báo cáo kết quả về Bộ
Giáo dục và Đào tạo để theo dõi.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội,
UBND cấp tỉnh định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung đối với định mức kinh tế - kỹ
thuật áp dụng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã ban hành bảo đảm phù hợp với
điều kiện thực tế và quy định hiện hành.
Điều 12. Trách nhiệm của các
cơ sở giáo dục công lập
1. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục mầm non, phổ
thông, giáo dục thường xuyên công lập
a) Cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường
xuyên công lập đảm bảo chi thường xuyên hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên và chi
đầu tư đạt mức kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo
dục và Đào tạo xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
xem xét thẩm định, phê duyệt;
b) Cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập do
các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu thành lập đặt trên địa bàn địa
phương được tự chủ tài chính xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, lấy ý kiến của
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trình Hội đồng Đại học, Hội đồng trường, Viện chủ quản
xem xét thẩm định, phê duyệt. Hội đồng Đại học, Hội đồng trường, Viện chủ quản
của cơ sở giáo dục xin ý kiến của Bộ, cơ quan chủ quản trước khi phê duyệt và gửi
báo cáo kết quả phê duyệt về Bộ Giáo dục và Đào tạo để theo dõi.
2. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học công lập
a) Đối với các ngành, nhóm ngành, chương trình đào
tạo của mình, cơ sở giáo dục công lập tổ chức xây dựng định mức kinh tế - kỹ
thuật có ý kiến chấp thuận của Hội đồng Đại học, Hội đồng trường; trình cơ quan
chủ quản (Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của
các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương) thẩm định và ban hành;
b) Đối với chương trình đào tạo đạt mức kiểm định
chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định
hoặc đạt mức kiểm định chất lượng nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở giáo dục đại
học công lập tổ chức xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trình Hội đồng Đại học,
Hội đồng trường xem xét thẩm định, phê duyệt và cơ quan phê duyệt gửi báo cáo kết
quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp.
3. Định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung định mức
kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã ban hành bảo đảm
phù hợp với điều kiện thực tế và quy định hiện hành.
Hằng năm, trước ngày 30 tháng 11 thực hiện báo cáo
tình hình xây dựng, thẩm định, phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc thẩm
quyền cho các cơ quan quản lý trực tiếp, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục,
đào tạo tại địa phương.
Điều 13. Kinh phí xây dựng, thẩm
định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và xây dựng giá dịch vụ giáo dục,
đào tạo
Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục sử dụng nguồn
kinh phí của cơ quan, đơn vị mình đơn vị mình để thực hiện theo quy định của
pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16
tháng 12 năm 2024.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành định mức
kinh tế kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục, đào tạo áp dụng
trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Các định mức kinh tế - kỹ thuật đã ban hành trước
thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp quy
định tại Thông tư này.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội; Ủy ban nhân dân các tỉnh;
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc
Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc Đại học, Học
viện; Hiệu trưởng trường đại học; Hội đồng Đại học; Hội đồng trường; Hiệu trưởng
trường cao đẳng sư phạm và các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm
thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Như Điều 14 (để thực hiện);
- Công báo;
- Website của Chính phủ, Bộ GDĐT;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, Vụ KHTC, Vụ PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Ngọc Thưởng
|