BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
16/1998/TT-BYT
|
Hà Nội, ngày
15 tháng 12 năm 1998
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC NHẬP KHẨU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG XE ÔTÔ CỨU
THƯƠNG
Ngày 12/1/1994, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành
Thông tư số 19/BYT - TT "Quy định việc quản lý và sử dụng xe ôtô cứu
thương". Sau một thời gian triển khai thi hành nhiều đơn vị chưa thực hiện
đúng việc nhập khẩu và chưa sử dụng đúng mục đích xe ôtô cứu thương, gây khó
khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng không tốt đến nhiệm vụ vận chuyển cấp cứu
người bệnh.
Để khắc phục các tồn tại trên, Bộ Y tế quy định
việc nhập khẩu và sử dụng xe ôtô cứu thương như sau:
I - QUY ĐịNH CHUNG:
1.1 Xe ôtô cứu thương là xe chuyên dùng được sử
dụng trong ngành y tế thuộc loại trang thiết bị y tế quy định tại Điều
1, Thông tư số 14/1998/TT - BYT ngày 17/11/1998 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
1.2- Việc nhập khẩu, mua, bán, sử dụng xe ôtô cứu
thương phải thực hiện nghiêm chỉnh theo đúng các quy định của pháp luật và các
quy định của Bộ Y tế.
II- VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG
XE ÔTÔ CỨU THƯƠNG:
2.1- Các đơn vị được sử dụng xe ôtô cứu thương.
a/ Các bệnh viện, các viện nghiên cứu có giường
bệnh, trung tâm, trạm cấp cứu.
b/ Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh,
thành phố trực thuộc TW, y tế các ngành có nhu cầu sử dụng xe ôtô cứu thương.
2.2 Ngoài các trường hợp nêu trên, Bộ Y tế sẽ
xem xét và cho phép sử dụng xe ôtô cứu thương trong từng trường hợp đặc biệt,
có nhu cầu cần thiết.
III - VIỆC NHẬP KHẨU XE ÔTÔ CỨU
THƯƠNG:
3.1 - Các doanh nghiệp được xuất nhập khẩu trực
tiếp và kinh doanh TTBYT được Bộ Y tế xác nhận nhập khẩu mặt hàng xe ôtô cứu
thương, mới được phép nhập khẩu.
3.2- Các loại xe ôtô cứu thương nhập khẩu phải
có các thiết bị chuẩn theo quy định của Bộ Y tế duyệt theo tình hình thực tế và
sự tiến bộ khoa học kỹ thuật.
3.3- Xe ôtô cứu thương chỉ được sử dụng cho các
mục đích:
- Chuyển chở, cấp cứu bệnh nhân.
- Trong trường hợp khẩn cấp, có thể dùng xe ôtô
cứu thương chở thuốc, thầy thuốc, nhân viên y tế và các nhu cầu cấp thiết khác
cho việc phòng và dập tắt các dịch bệnh ở các nơi xa bệnh viện.
3.4 - Nghiêm cấm việc sử dụng xe ôtô cứu thương
để chuyên chở hàng hóa, hành khách và dịch vụ kinh doanh khác.
3.5 - Xe ô tô cứu thương phải để thường trực tại
đơn vị sử dụng xe, được bảo quản và bảo dưỡng thường xuyên theo quy định.
3.6 - Các đơn vị sử dụng xe cứu thương sai mục
đích, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
IV - ĐIỀU CHUYỂN, BÁN VÀ
THANH LÝ XE:
Việc điều chuyển, bán và thanh lý xe ôtô cứu
thương không còn giá trị sử dụng, các đơn vị phải tiến hành theo quy định tại
Quyết định số 1163 TC/QLCS ngày 21/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
"Quy chế xử lý tài sản không cần dùng và không còn sử dụng được trong các
cơ quan hành chính sự nghiệp", và Thông tư 43TC/QLCS ngày 31/7/1996
"Hướng dẫn việc tiếp nhận và bàn giao tài sản giữa các cơ quan hành chính
sự nghiệp, tổ chức kinh tế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền".
V - ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
Giao cho Ông Vụ trưởng Vụ TTB-CTYT chịu trách
nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày
ký ban hành và thay thế Thông tư số 19/BYT-TT ngày 12/11/1994 của Bộ trưởng Bộ
Y tế "Quy định việc quản lý và sử dụng xe ôtô cứu thương". Nhận được
thông tư này, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc TW, thủ trưởng đơn vị
trực thuộc Bộ, Thủ trưởng y tế ngành chịu trách nhiệm tổ chức triển khai việc
thực hiện, trong qúa trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo về
Bộ Y tế (Vụ TTB-CTYT) để nghiên cứu và giải quyết.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ
Y TẾ
Đỗ Nguyên Phương
|
THIẾT
BỊ Y TẾ TRANG BỊ TRÊN XE Ô TÔ CỨU THƯƠNG
(Ban hành kèm
theo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế Số: 16/1998/TT-BYT ngày 15 tháng 12 năm
1998)
I - Loại xe cứu thương:
TOYOTA LANDCRUISER - 2 cầu Nhật Bản
MITSUBISHI PAJERO - 2 cầu Nhật Bản
- Thiết bị chuẩn: (Standard Equipment).
1. Tăng âm còi hú và loa. (Electric Siren with
amplifier, microphone and speaker) : 01 bộ
2. Ghế cho bác sỹ, y tá kiểu gập 1-4 chỗ ngồi
(Folding type 1-4 person) 01 cái
3. Cáng chính trượt, có dây an toàn hoặc cáng có
bánh xe (Main Strecher with safety belts and wheelt) 01 cái
4. Đèn cứu thương nháy trên nóc (Rotating Beacon
red light) 01 cái
5. Bình cứu hỏa (Fire extinguisher) 01 cái
6. Tấm nhựa lót sàn xe làm bằng chất liệu đặc biệt
(Polywood and Loleum cover floor) 01 cái
Ngoài ra, tùy từng hãng sản xuất hoặc tùy nhu cầu
sử dụng và kinh phí của các đơn vị y tế khác nhau mà mua thêm của hãng đó thiết
bị lựa chọn (Equipment Option), hoặc mua ở trong nước giá rẻ hơn. Ví dụ như:
a/ Băng ca phụ (Foding pole-type substretcher)
b/ Chữ thập đỏ 2 bên thành xe (Red cross marks)
c/ Đèn trong xe để chiếu sáng (Room lamp-indoor)
d/ Bộ oxy sơ cứu (Oxygen resusciation set)
e/ Tủ thuốc (Medical Cabinet)
g/ Và các thiết bị đi kèm khác.
II - Loại xe tải UAZ (Cộng hòa liên bang Nga).
Thiết bị chuẩn (Standard Equipment)
1. Cáng cứu thương (Main Stretcher) 01 cái hoặc
cáng treo (Hanged folding Stretcher) 04 cái
2. Ghế do Bác sĩ, y tá (gấp hoặc không)
(Attendants seat or fold bench) 01 cái
3. Đèn tín hiệu trên nóc (màu trắng hoặc đỏ)
(Signal beacon light - White or red) 01 cái
4. Tấm nhựa lót sàn xe (Floor s cover) 01 cái
5. Dấu chữ thập đỏ bên ngoài xe (Red croos
marks)
Ngoài ra tùy theo model sản xuất hoặc tùy nhu cầu
sử dụng của các đơn vị y tế, mà có thể mua hoặc không mua các thiết bị lựa chọn
(Equipment Option) như:
a. Bình cứu hỏa (Fire extinguisher)
b. Còi điện (Electric Siren)
c. Và các thiết bị đi kèm khác.