BỘ
CHÍNH TRỊ
--------
|
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------
|
Số:
05-KH/TW
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2003
|
KẾ HOẠCH
KIỂM TRA THỰC HIỆN KẾT LUẬN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI
Thực hiện Chương trình kiểm tra năm 2003 của Bộ Chính trị,
Ban Bí thư tại Công văn số 90-CTr/TW ngày 15 tháng 5 năm 2003, Kết luận của Bộ
Chính trị về kiểm tra đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai tại Thông báo
số 108-TB/TW ngày 14 tháng 5 năm 2003 và chỉ đạo của Bộ Chính trị tiếp tục thực
hiện chương trình kiểm tra đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai trong
hai năm 2003 và 2004 tại Công văn số 4134-CV/VPTW ngày 19 tháng 8 năm 2003; kế
hoạch triển khai việc kiểm tra cụ thể như sau:
I- Mục đích, yêu cầu
- Đánh giá đúng tình hình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực
hiện và kết quả thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ về
công tác kiểm tra đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai.
- Đánh giá kết quả, hiệu quả công tác kiểm tra đầu tư xây dựng
và quản lý, sử dụng đất đai năm 2002 và việc triển khai tiếp của năm 2003.
- Đánh giá đúng hiệu quả đầu tư xây dựng trong những năm
qua, đồng thời phát hiện những sơ hở, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây
dựng và quản lý, sử dụng đất đai ở một số bộ, ngành, địa phương để có biện
pháp khắc phục và hoàn thiện về cơ chế, chính sách; xử lý nghiêm các trường hợp
vi phạm nhằm đưa hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai đi vào nề
nếp; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
- Phải tìm ra những nơi chấp hành tốt và chưa tốt, những việc
cần phải làm khắc phục trong thời gian tới.
- Việc kiểm tra phải đảm bảo nghiêm túc, tránh tình trạng
kiểm tra mang tính hình thức, làm lướt, không mang lại hiệu quả.
II. Nội dung và đối tượng kiểm tra
1. Nội dung kiểm tra
- Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận của Bộ
Chính trị, Quyết định 273/QĐ-TTG, ngày 12 tháng 4 năm 2002 của Thủ tướng Chính
phủ và Nghị quyết 03/2003/NQ-CP , ngày 29 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về kiểm
tra đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương, bộ, ngành.
- Trên cơ sở kết quả kiểm tra năm 2002 và 6 tháng đầu năm
2003, cần đi sâu làm rõ:
+ Về đầu tư xây dựng: thực trạng đầu tư, xây dựng tại địa
phương, bộ, ngành; hiệu quả của dự án sau khi công trình đi vào hoạt động, trên
cơ sở đó đánh giá rõ đúng, sai trong chủ trương đầu tư, trong tổ chức triển
khai xây dựng công trình.
+ Về quản lý, sử dụng đất đai: công tác quản lý nhà nước tại
địa phương, bộ, ngành thực trạng và hiệu quả sử dụng đất đai; những vướng mắc nổi
cộm trong quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương, bộ, ngành.
- Kế hoạch, biện pháp xử lý, khắc phục những sai phạm, vướng
mắc về dầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai nêu trên.
- Việc ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra thực hiện
những văn bản, kế hoạch của địa phương, bộ, ngành về đầu tư xây dựng và quản
lý, sử dụng đất đai.
- Cơ chế giám sát việc đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng
đất đai ở địa phương, bộ ngành.
- Những nội dung liên quan khác.
2. Đối tượng kiểm tra
- Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì, trực
tiếp chỉ đạo việc kiểm tra của Trung ương tại: Bình Phước, An Giang, Bà Rịa -
Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng về
công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Quyết định
273/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 03/2003/NQ-CP của Chính phủ về
kiểm tra đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai.
- Tất cả các tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở đều phải
tự kiểm tra, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của ban thường vụ cấp uỷ, ban cán sự đảng,
đảng đoàn, ban đảng để đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận của
Bộ Chính trị về đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai.
- Trong năm 2004, tập trung thanh tra, kiểm tra trực tiếp
các dự án, công trình lớn thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng và các địa phương, đơn
vị có nhiều vấn đề nổi cộm trong việc quản lý, sử dụng đất đai.
III. Phương pháp kiểm tra
- Căn cứ nội dung kiểm tra nêu trên, cán đoàn kiểm tra xây
dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể; yêu cầu, hướng dẫn các địa phương đơn vị được kiểm
tra chuẩn bị đầy đủ những nội dung cần báo cáo.
- Đoàn kiểm tra trực tiếp nghe và cho ý kiến về báo cáo của
địa phương, đơn vị được kiểm tra. Nhận xét, đánh giá sau khi kiểm tra; kiến nghị
đối với địa phương, đơn vị về biện pháp chấn chỉnh, khắc phục sai phạm; nếu thấy
cần thiết thì kiến nghị thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để tập
trung làm rõ; tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị (qua Ban Cán sự Đảng Chính phủ).
- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ
trực thuộc Trung ương (kể cả các địa phương, đơn vị được kiểm tra nêu tại tiết
a, điểm 1, mục IV) căn cứ chỉ đạo của Bộ Chính trị và kế hoạch này xây dựng kế
hoạch tự kiểm tra ở địa phương, bộ ngành; báo cáo kết quả lên Bộ Chính trị (qua
Ban cán sự đảng Chính phủ).
IV. Tổ chức thực hiện
1. Ở Trung ương:
a. Theo sự phân công của Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng
Chính phủ tổ chức 05 đoàn kiểm tra, mỗi đoàn kiểm tra do một đồng chí lãnh đạo
ban, bộ, ngành ở Trung ương làm trưởng đoàn, mỗi đoàn triệu tập từ 3 đến 5 cán
bộ cấp vụ hoặc chuyên viên cao cấp của một số cơ quan, bộ, ngành tham gia làm
thành viên, cụ thể như sau:
- Đoàn kiểm tra tại tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn: do một đồng
chí lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng đoàn, 01 cán bộ thuộc Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, 01 cán bộ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, 01 cán bộ thuộc Bộ
Tài nguyên và Môi trường, 01 cán bộ thuộc Bộ Xây dựng và 01 cán bộ thuộc Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia là thành viên.
- Đoàn kiểm tra tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bình Phước:
do một đồng chí lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng đoàn, 01 cán bộ
thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, 01 cán bộ thuộc Uỷ ban Kiểm tra Trung ương,
01 cán bộ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 01 cán bộ thuộc Bộ Xây dựng và 01 cán bộ
thuộc Thanh tra Nhà nước tham gia là thành viên.
- Đoàn kiểm tra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và An Giang: do
một đồng chí lãnh đạo Thanh tra Nhà nước làm Trưởng đoàn, 01 cán bộ thuộc Thanh
tra Nhà nước, 01 cán bộ thuộc Ban Nội chính Trung ương, 01 cán bộ thuộc Bộ Tài
nguyên và Môi trường: 01 cán bộ thuộc Bộ Xây dựng và 01 cán bộ thuộc Văn phòng
Chính phủ tham gia là thành viên.
- Đoàn kiểm tra tại Bộ Giao thông vận tải: do một đồng chí
lãnh đạo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương làm Trưởng đoàn, 01 cán bộ thuộc Uỷ ban Kiểm
tra Trung ương, 01 cán bộ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 01 cán bộ thuộc Ban Chỉ
đạo Trung ương 6 (2), 01 cán bộ thuộc Bộ Xây dựng, 01 cán bộ thuộc Thanh tra
Nhà nước và 01 cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ tham gia là thành viên.
- Đoàn kiểm tra tại Bộ Xây dựng: do một đồng chí lãnh đạo
Ban Nội chính Trung ương làm Trưởng đoàn, 01 cán bộ thuộc Ban Nội chính Trung
ương, 01 cán bộ thuộc Văn phòng Quốc hội 01 cán bộ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
01 cán bộ thuộc Thanh tra Nhà nước và 01 cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ tham
gia là thành viên.
b. Căn cứ kế hoạch kiểm tra của Bộ Chính tra, Tổng Thanh
tra Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch, lựa chọn
điểm kiểm tra, quyết định thành lập các đoàn kiểm tra của Trung ương về đầu tư
xây dựng và quản lý sử dụng đất đai trong năm 2004; đồng thời hướng dẫn các bộ,
ngành, địa phương triển khai, thực hiện việc tự kiểm tra.
2. Ở các thành uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng
uỷ trực thuộc Trung ương
Bộ Chính trị giao các tỉnh ủy, thành uỷ, ban cán sự đảng, đảng
đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương thành lập các đoàn kiểm tra, mỗi đoàn do một
đồng chí làm trong ban thường vụ cấp uỷ hoặc lãnh đạo ban cán sự đảng, Uỷ ban
nhân dân tỉnh thành phố, hoặc trưởng các ban của Đảng, Chánh Thanh tra tỉnh,
thành phố làm trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra tập trung một số cán bộ, chuyên viên
có trình độ, năng lực tham gia làm thành viên để tiến hành cuộc kiểm tra.
Đối với các bộ, ngành và địa phương được các đoàn của Trung
ương kiểm tra cần chủ động phối hợp để xây dựng kế hoạch kiểm tra ở đơn vị mình
cho phù hợp.
3. Thời gian thực hiện
a. Đối với kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết
luận của Bộ Chính trị, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
về kiểm tra đầu tư, xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai:
- Đến 15 tháng 10 năm 2003: triển khai xong kế hoạch kiểm
tra từ trung ương đến cơ sở, cụ thể:
+ Các ban, bộ, ngành nói tại tiết a, điểm 1, mục IV gửi
danh sách Trưởng đoàn và các thành viên về Ban cán sự đảng Chính phủ trước ngày
20 tháng 9 năm 2003 để quyết định thành lập các đoàn kiểm tra của Trung ương.
+ Các đoàn kiểm tra của Trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể
xong trước ngày 05 tháng 10 năm 2003.
+ Các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ
trực thuộc Trung ương căn cứ vào kế hoạch này quyết định thời gian triển khai cụ
thể.
- Từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2003: tiến hành xong các cuộc
kiểm tra từ Trung ương đến cơ sở. Các đoàn kiểm tra của Trung ương, các địa
phương, bộ, ngành tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra và tự kiểm tra lên Bộ Chính
trị (qua Ban cán sự đảng Chính phủ) trước ngày 15 tháng 12 năm 2003; Ban cán sự
đảng chính phủ tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị trước ngày 31 tháng 12 năm 2003.
b. Đối với kiểm tra, thanh tra trực tiếp về đầu tư xây dựng
và quản lý, sử dụng đất đai:
- Giao Tổng Thanh tra Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và
Môi trường căn cứ tinh thần Quyết định 273/QĐ-TTG ngày 12 tháng 4 năm 2002 của
Thủ tướng Chính phủ, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2004, dự kiến điểm
và thời gian thanh tra, kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15
tháng 11 năm 2003.
- Từ tháng 01 năm 2004 đến tháng 11 năm 2004 tiến hành xong
các cuộc thanh tra, kiểm tra.
- Tổng Thanh tra Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng
đất đai trong phạm vi cả nước, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trước ngày 15
tháng 12 năm 2004 để tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị.
4. Về kinh phí
Ban Tài chính - Quản trị Trung ương có trách nhiệm hỗ trợ
kinh phí phục vụ hoạt động cho các đoàn kiểm tra của Trung ương (theo tiết a,
điểm 1, mục IV). Thành viên của các đoàn kiểm tra này do cơ quan chủ quản của
thành viên đó bảo đảm các chế độ và phương tiện đi lại.
Đối với các đoàn kiểm tra của các ban cán sự đảng, đảng
đoàn, tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương do các tổ chức đảng xem
xét, giải quyết theo quy định.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Phan Văn Khải
|