BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2514/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 07 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG NGÀNH Y TẾ GIAI
ĐOẠN 2011-2020”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27
tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày
25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nghề Công tác xã
hội giai đoạn 2010-2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Đề án “Phát triển nghề Công tác xã hội trong ngành
Y tế giai đoạn 2011-2020”
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các
ông/bà Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế (để biết);
- Bộ Lao động TB&XH;
- Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Quốc Triệu
|
ĐỀ ÁN
PHÁT
TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG NGÀNH Y TẾ GIAI ĐOẠN 2011-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2514/QĐ-BYT ngày 15 tháng 7 năm 2011 của Bộ
trưởng Bộ Y tế)
I. SỰ CẦN THIẾT
Trên thế giới, trong lịch sử phát
triển của xã hội loài người ở bất cứ thời kỳ nào, với bất kể trình độ phát
triển ra sao bao giờ cũng nảy sinh các vấn đề xã hội cần phải được quan tâm
giải quyết. Các vấn đề xã hội trong mọi thời đại là hậu quả trực tiếp của quá
trình phát triển kinh tế, xã hội. Kinh nghiệm toàn cầu cho thấy, các vấn đề xã
hội nảy sinh cũng giống như các căn bệnh của một thực thể xã hội. Các vấn đề đó
chỉ có thể giải quyết được bằng những tri thức và phương pháp khoa học. Bởi vậy
ngành công tác xã hội (CTXH) đã ra đời và phát triển như một ngành khoa học với
việc ứng dụng các môn khoa học xã hội như: Tâm lý học, Xã hội học, Nhân chủng
học, Kinh tế học… vào những hoạt động cụ thể với từng cá nhân, từng nhóm xã hội
để khắc phục các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội. Quá trình hình thành
của ngành CTXH trên thế giới đã chứng minh rất rõ điều này. Ngay từ cuối thế kỷ
17 với cuộc cách mạng Công nghiệp; xã hội phương Tây đã bắt đầu phải chứng kiến
nhiều vấn đề phức tạp mới với quy mô rộng lớn. Trước những vấn đề này, đã có
nhiều hoạt động từ thiện của các cá nhân, các tổ chức được thực hiện nhằm hỗ
trợ nạn nhân vượt qua khó khăn song không những không thay đổi được tình hình
mà còn tạo ra thói quen ỷ lại trong các nhóm đối tượng yếu thế. Các hoạt động
từ thiện chỉ có tác dụng xoa dịu nỗi đau nhất thời, không tìm ra căn nguyên của
vấn đề mà đối tượng đang gặp phải cũng như không giúp đối tượng tìm ra cách
tháo gỡ. Vào giữa những năm 20 của thế kỷ trước, những nhà hoạt động xã hội ở
Anh, Mỹ từ chỗ thấu hiểu sâu sắc những tác hại của cách làm từ thiện theo kiểu
ban phát đã bắt đầu mở các khóa đào tạo ngắn hạn đầu tiên về CTXH và vận dụng
các môn Tâm lý, Xã hội học, Kinh tế học… vào chương trình đào tạo. Cho đến giữa
thế kỷ 20, CTXH đã trở thành một ngành học được đào tạo chính quy ở hầu hết các
nước trên thế giới, có cả ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ… cả ở các nước
Tư bản cũng như ở các nước XHCN. Ngày nay trên thế giới đã hình thành mạng lưới
quốc tế về CTXH với nhiều tổ chức như: Hiệp hội các trường CTXH, Liên đoàn
chuyên nghiệp xã hội, Các tổ chức và bảo vệ an sinh nhi đồng, dịch vụ gia đình…
Nhiều tổ chức Liên Hiệp Quốc như UNDP, UNICEP, ESCAP… đã đặc biệt đề cao CTXH
như một cách tiếp cận khoa học và thích hợp nhằm thúc đẩy quá trình phát triển
xã hội ở những nước chậm phát triển. CTXH vì vậy mà đã trở thành một ngành nghề
được xã hội trọng dụng tại nhiều nước trên thế giới.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (CSSK), CTXH với mục đích
thực hiện sự điều chỉnh xã hội giúp thân chủ vượt qua hoàn cảnh để hòa nhập và
phát triển, do vậy cũng có một vai trò quan trọng trong việc tạo nên sức khỏe
cho mỗi người. các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe bao gồm: hoàn cảnh và điều
kiện sống (mức sống, vệ sinh, môi trường…); trình độ học vấn và văn hóa; bùng
nổ dân số - gia tăng nhu cầu CSSK; trình độ phát triển khoa học, kỹ thuật… Các
giải pháp nhằm tăng cường CSSK gồm có: nâng cao nhận thức của người dân về
CSSK; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào những hoạt động CSSK; tôn
trọng sự tự quyết và tự lực của cộng đồng đối với các hoạt động CSSK; phổ cập
các kỹ thuật thích hợp, thích ứng với khả năng chi trả của người dân để tăng
khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người. Cả 4 giải pháp này đều cần có sự ứng
dụng của CTXH. Song CTXH có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối
quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với
người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh, giữa người bệnh với cơ
sở y tế… Để làm được điều này, người làm CTXH phải tìm hiểu đặc điểm tâm lý, xã
hội của bệnh nhân, hoàn cảnh thực tế mà họ đang phải đối mặt cùng những mong
muốn của họ. Từ đó tìm ra sự hỗ trợ thích hợp dành cho thân chủ. Vì lẽ đó,
trong lĩnh vực CSSK, bệnh viện là nơi cần có sự xuất hiện của CTXH nhất. Ở Mỹ,
CTXH lần đầu tiên được đưa vào bệnh viện năm 1905 tại Boston và đến nay hầu hết
các bệnh viện đều có phòng CTXH và đây là một trong những điều kiện để các bệnh
viện được công nhận là hội viên của Hội các bệnh viện Mỹ. Tại bệnh viện, nhân
viên xã hội là một thành phần trong ê kíp trị liệu. Nhân viên xã hội có nhiệm
vụ tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, phương pháp chữa trị thích hợp trên cơ sở thu
thập thông tin về điều kiện sống, thói quen, cá tính, đặc điểm tâm lý của bệnh
nhân. Nhân viên xã hội còn thực hiện các trợ giúp về tâm lý đối với người bệnh
như: trấn an, giảm áp lực, tránh xấu hổ, tư vấn về điều trị… Nhân viên xã hội
cũng có thể tham mưu về kế hoạch xuất viện của bệnh nhân và theo dõi bệnh nhân
sau khi ra viện. Chăm sóc sức khỏe tại gia đình và cộng đồng cũng rất cần có sự
tham gia của nhân viên xã hội. Họ có thể tham dự vào các hoạt động chăm sóc sức
khỏe ban đầu tại cộng đồng như: truyền thông, giáo dục sức khỏe, giúp các nhóm
đặc thù phục hồi, phát triển thể chất và tinh thần… Sự xuất hiện của nhân viên
xã hội trong CSSK tại cộng đồng là phương thức để mở rộng mạng lưới CSSK đến
với người dân ở mọi nơi, mọi lúc, nhằm khuyến khích họ tích cực tham gia giải
quyết những vấn đề sức khỏe bằng chính khả năng của mình và với các phương pháp
thích hợp. Đồng thời, CTXH còn cần thiết phải được ứng dụng ở cấp hoạch định
chính sách về CSSK. Ở nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, CSSK
được xác định là một trong những lĩnh vực của an ninh xã hội. Do đó, khi hoạch
định những chính sách về CSSK cần phải ứng dụng những tri thức của CTXH sao cho
mọi người dân đều có cơ hội được hưởng lợi…
Ở nước ta, CTXH được xuất hiện từ cuối những năm
40 của thế kỷ trước tại miền Nam dưới thời Mỹ-Ngụy. Năm 1949 trường Cán sự xã
hội dân lập đầu tiên được thành lập ở Sài Gòn với sự hỗ trợ của tổ chức Hồng
Thập Tự Pháp. Năm 1968, trường CTXH quốc gia được thành lập với sự hợp tác của
UNDP. Cả 2 trường đều có chương trình đào tạo chuyên nghiệp 2 năm cho 2 chức
danh: Cán sự xã hội và kiểm sự xã hội. Một số sinh viên sau khi tốt nghiệp các
ngành khoa học xã hội cũng đã được gửi đi học sau đại học về CTXH ở nước ngoài.
Sau năm 1975, CTXH không còn được coi là một nghề chuyên môn nữa song vẫn còn
một nhóm các nhà khoa học tâm huyết đã cố gắng duy trì ngành học này tại một
vài cơ sở đào tạo ở thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến giữa những năm 90 khi mặt
trái của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở nước ta đã bộc lộ
nhiều vấn đề xã hội bức xúc cần phải được giải quyết như: Trẻ em đường phố,
nghèo đói, tệ nạn xã hội xuất hiện tràn lan… cũng là lúc CTXH được quan tâm
khôi phục, đưa vào giảng dạy tại một số trường đại học. Tháng 10 năm 2004, Bộ
Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình khung đào tạo cử nhân ngành CTXH
bậc đại học và bậc cao đẳng tạo bước ngoặc căn bản trong sự phát triển của nghề
CTXH ở Việt Nam. Đến nay đã có 38 trường đại học, cao đẳng đào tạo cử nhân
ngành CTXH.
Đặc biệt, ngày 25/3/2010 Thủ tướng Chính phủ
đã ban hành Quyết định số 32 về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai
đoạn 2010-2020 trong đó đã xác định rõ mục tiêu, nội dung hoạt động nhằm phát
triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam bao hàm hệ thống các chức danh, tiêu
chuẩn nghiệp vụ, các ngạch viên chức và nhân viên CTXH, đồng thời đưa ra phương
pháp, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực nhân viên CTXH từ trung cấp, cao đẳng,
đại học, thạc sỹ, tiến sỹ trong các lĩnh vực khác nhau. Đây là cơ sở pháp lý
quan trọng cho việc hình thành và phát triển nghề CTXH trong các lĩnh vực của
đời sống xã hội nói chung cũng như trong lĩnh vực Y tế ở nước ta.
Trong ngành Y tế, những năm gần đây,
tại một số bệnh viện tuyến Trung ương cũng đã triển khai hoạt động CTXH với sự
tham gia của đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ
thầy thuốc trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp,
hỗ trợ chăm sóc người bệnh… góp phần làm giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp
cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh. Một số mô hình tổ chức hoạt động CTXH
trong bệnh viện và tại cộng đồng cũng đã được hình thành trong thực tiễn như:
phòng CTXH, phòng Chăm sóc khách hàng, tổ Từ thiện xã hội… thuộc bệnh viện hay
nhóm công tác xã hội tham gia hỗ trợ người có HIV/AIDS, bệnh nhân tâm thần,
giúp phục hồi chức năng tại xã/phường…
Tuy nhiên, hoạt động CTXH trong Ngành hiện
mới chỉ mang tính tự phát, chưa được điều chỉnh bởi các văn bản mang tính pháp
lý. Đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động chủ yếu mới chỉ có nhiệt huyết và kinh
nghiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng nên thường thiếu
tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động chưa được như mong đợi.
Bởi vậy, việc xây dựng Đề án phát triển
nghề Công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2010 là hết sức cần
thiết nhằm cụ thể hóa Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ vào thực tiễn
của ngành Y tế góp phần giải quyết những nhu cầu bức thiết trong CSSK, hỗ trợ
nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như làm gia tăng sự hài lòng của người dân khi
sử dụng dịch vụ Y tế.
II. CĂN CỨ XÂY DỰNG
ĐỀ ÁN
1. Cơ sở pháp lý:
- Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nghề Công tác xã hội giai
đoạn 2010 – 2020;
- Thông tư số 08/2010/TT-BNV ngày 25/8/2010
của Bộ Nội vụ ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội;
- Thông tư số 34/2010/TT-BLĐTBXH ngày
08/11/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn nghiệp
vụ ngạch viên chức công tác xã hội;
- Thông tư liên tịch số
11/2011/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 26/01/2011 của liên Bộ Tài chính – Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Quyết
định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án
phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020.
2. Cơ sở thực tiễn:
Từ việc phân tích vai trò của CTXH trong lĩnh
vực CSSK; có thể dễ dàng nhận thấy rằng ở cả 3 cấp độ hoạt động của ngành Y tế
hiện nay đều chưa có sự tham gia của CTXH.
Trước hết, tại các bệnh viện ở tất cả
các tuyến của khu vực công lập cũng như ngoài công lập, hoạt động khám chữa
bệnh mới chỉ được thực hiện bởi các nhân viên có trình độ chuyên môn về y,
dược. Các biện pháp trị liệu về xã hội chưa được quan tâm. Do vậy, chưa có văn
bản quy định về chức danh chuyên môn về CTXH trong cơ cấu nhân sự cũng như chưa
có phòng CTXH trong tổ chức bộ máy của bệnh viện. Hiện một số bệnh viện, đặc
biệt là ở các tỉnh phía Nam có duy trì hoạt động xã hội mang tính từ thiện để
trợ giúp bệnh nhân song vẫn chỉ là những việc làm tự phát do một số cá nhân
hoặc tổ chức tự nguyện tham gia. Các hoạt động này còn thiếu tính chuyên
nghiệp, mang nặng tính ban phát, chỉ giúp bệnh nhân giải quyết được một số nhu
cầu bức thiết như: bếp ăn từ thiện, gây quỹ từ thiện… Trong khi đó tại hầu hết
các bệnh viện của cả nước, nhất là các bệnh viện tuyến trên thường xuyên ở
trong tình trạng quá tải. Nhân viên y tế không có đủ thời gian và khả năng để
giải quyết nhiều nhu cầu bức xúc của bệnh nhân như: khai thác thông tin về đặc điểm
nhân khẩu xã hội của người bệnh, cung cấp thông tin về giá cả, chất lượng, địa điểm
của các loại dịch vụ, tư vấn về phác đồ điều trị, tư vấn cách phòng ngừa, trấn
an tinh thần cho người bệnh… Do vậy hiện đang có nhiều vấn đề nảy sinh tại các
bệnh viện như: “cò bệnh viện”, sự thiếu hụt thông tin khi tiếp cận và sử dụng
dịch vụ khám chữa bệnh, sự không hài lòng của bệnh nhân đối với các cơ sở y tế,
sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc…
Hiện tại cả nước có khoảng 1.107 bệnh viện
với 282.281 giường bệnh. Trong số này có 42 bệnh viện TW với 21.927 giường
bệnh, 348 bệnh viện tuyến tỉnh với 199.342 giường bệnh, 615 bệnh viện huyện với
5.822 giường bệnh và 102 bệnh viện ngoài công lập với 5.822 giường bệnh[1].
Nếu hình thành một mạng lưới hoạt động CTXH tại hàng trăm bệnh viện nêu trên
thì cũng có nghĩa là sẽ cần đến hàng nghìn nhân viên xã hội. Hoạt động CTXH ở bệnh
viện sẽ không chỉ có vai trò trong hỗ trợ bệnh nhân mà còn có tác dụng lớn
trong việc hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc cũng như nâng cao hiệu
quả điều trị.
Tại cộng đồng, hiện nay nhiều chương
trình mục tiêu y tế quốc gia đang triển khai và rất cần có sự tham dự của nhân
viên CTXH, đặc biệt là các chương trình liên quan đến những nhóm xã hội đặc thù
như: quản lý, chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV tại cộng đồng, phục hồi chức
năng dựa vào cộng đồng, phòng chống lao, chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào
cộng đồng, quản lý sức khỏe hộ gia đình, sức khỏe sinh sản, dân số KHHGĐ, phòng
chống tai nạn thương tích…
Tại tuyến xã/phường, các chương trình này từ
trước đến nay thường do nhân viên y tế thôn bản và các cán bộ đoàn thể đảm nhận
theo tinh thần tự nguyện, chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Nếu hình
thành mạng lưới CTXH trong CSSK tại cộng đồng thì cũng có nghĩa là cần phải có
đến hàng nghìn nhân viên được đào tạo qua trường lớp về lĩnh vực này.
Tại cấp hoạch định chính sách CSSK hiện nay cũng còn bỏ
ngỏ chưa quan tâm đến sự tham gia của CTXH.
Có thể thấy nhu cầu sử dụng đội ngũ nhân viên
CTXH của ngành Y tế hiện nay là rất lớn và rất cần thiết ở mọi cấp độ song cần
phải căn cứ vào nhu cầu thực tế và khả năng đáp ứng về nguồn lực để xác định
lĩnh vực ưu tiên, lộ trình phát triển sao cho phù hợp.
III. NỘI DUNG
1. Mục tiêu.
1.1. Mục tiêu chung:
Hình thành và phát triển nghề CTXH trong
ngành Y tế, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp bảo vệ, chăm
sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
1.2.1. Mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức
và cam kết thực hiện của các cấp lãnh đạo, các cơ sở Y tế, công chức, viên chức
Y tế trong toàn ngành y tế về vị trí, vai trò và việc hình thành, phát triển
nghề CTXH trong CSSK.
Đến hết năm 2015, có:
- 70% cán bộ lãnh đạo của các cơ sở y tế
thuộc tuyến trung ương, tuyến tỉnh nhận thức đúng về vị trí, vai trò của CTXH
trong CSSK và cam kết triển khai thực hiện tại đơn vị;
- 50% nhân viên tại các cơ sở Y tế tuyến
trung ương, tuyến tỉnh có nhận thức đúng về vấn đề này;
- 80% cơ sở Y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh
xây dựng Kế hoạch triển khai hoạt động CTXH tại đơn vị.
Đến hết năm 2020, có:
- 80% cán bộ lãnh đạo của các cơ sở y tế trong
toàn Ngành nhận thức đúng về vị trí, vai trò của CTXH trong CSSK và cam kết
triển khai thực hiện tại đơn vị;
- 70% công chức, viên chức và nhân viên y tế
trong toàn Ngành có nhận thức đúng về vấn đề này;
- 90% các cơ sở Y tế trong toàn Ngành xây
dựng Kế hoạch triển khai hoạt động CTXH tại đơn vị.
1.2.2. Mục tiêu 2: Xây dựng thí điểm
và nhân rộng mô hình tổ chức của hoạt động CTXH trong một số bệnh viện tuyến
trung ương, tuyến tỉnh.
Đến hết năm 2015:
- Xây dựng thí điểm 04 mô hình tổ chức hoạt
động CTXH (Trung tâm CTXH/phòng CTXH) trong các bệnh viện tuyến trung ương, bao
gồm:
1 bệnh viện hạng đặc biệt, 1 bệnh viện đa
khoa, 1 bệnh viện chuyên khoa có lợi thế (Ngoại, Phụ sản, Nhi…), 1 chuyên khoa
đặc thù ít lợi thế (Tâm thần, U bướu, Lao…);
- Xây dựng thí điểm 06 mô hình tổ chức hoạt
động CTXH (phòng CTXH/tổ CTXH) trong các bệnh viện tuyến tỉnh thuộc 3 miền Bắc,
Trung, Nam; bao gồm: 3 bệnh viện Đa khoa, 3 bệnh viện chuyên khoa.
Đến hết năm 2020, triển khai hoạt động
CTXH trong CSSK tại:
- 80% các bệnh viện tuyến trung ương;
- 60% các bệnh viện tuyến tỉnh;
- 30% các bệnh viện tuyến huyện;
- 40% số xã/phường.
1.2.3. Mục tiêu 3: Ban hành văn bản
hướng dẫn, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm duy trì và phát triển nghề CTXH
trong ngành Y tế.
Đến năm 2015, Nghiên cứu, rà soát
các văn bản hiện hành có liên quan đến cơ chế, chính sách đối với việc phát
triển hệ thống dịch vụ công tác xã hội; xây dựng, sửa đổi và ban hành một số
các văn bản có liên quan như:
- Hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, bộ máy của các
đơn vị sự nghiệp trong Ngành;
- Hướng dẫn về định biên và cơ cấu các chức
danh chuyên môn của các đơn vị sự nghiệp trong Ngành;
- Ban hành quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ,
quy chuẩn đạo đức cho các ngạch viên chức CTXH trong các lĩnh vực (bệnh viện,
cộng đồng, hoạch định chính sách…) thuộc Ngành Y tế.
Đến năm 2020, hoàn thiện hệ thống
văn bản, cơ chế, chính sách tạo cơ sở pháp lý để phát triển nghề CTXH trong
ngành y tế; phổ biến, quán triệt, tổ chức triển khai và giám sát thực hiện
trong toàn Ngành.
1.2.4. Mục tiêu 4: Xây dựng chương
trình, tài liệu đào tạo, tài liệu tham khảo nhằm nâng cao nhận thức về vị trí,
vai trò và nội dung CTXH trong CSSK cho các nhóm đối tượng có liên quan trong
toàn ngành.
Đến hết năm 2015, xây dựng chương trình
và biên soạn 4 tài liệu:
- Cẩm nang về CTXH trong CSSK cho cán bộ lãnh
đạo các cơ sở y tế trong Ngành;
- Xây dựng chương trình và tài liệu tập huấn
ngắn ngày cho lãnh đạo và nhân viên Y tế của các bệnh viện tuyến trung ương;
- Xây dựng chương trình và tài liệu tập huấn
ngắn ngày cho lãnh đạo và nhân viên Y tế của các bệnh viện tuyến tỉnh;
- Tài liệu hướng dẫn giảng dạy dành cho giảng
viên của các khóa tập huấn ngắn ngày về CTXH trong CSSK.
Đến năm 2020, xây dựng chương trình
và hoàn thành tài liệu giảng dạy cho các nhóm đối tượng:
- Xây dựng chương trình và tài liệu giảng dạy
cho sinh viên các trường đại học Y, Dược;
- Xây dựng chương trình và tài liệu giảng dạy
cho sinh viên các trường Cao đẳng, Trung cấp Y;
- Xây dựng chương trình đào tạo và giáo trình
cho sinh viên chuyên ngành CTXH về CSSK (một chuyên ngành trong đại học Điều
dưỡng).
1.2.5. Mục tiêu 5: Đào tạo và đào tạo,
bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng CTXH cho đội ngũ công chức, viên
chức và nhân viên y tế, dân số ở các cấp.
Đến hết năm 2015: 100% nhân viên CTXH
chuyên trách và bán chuyên trách ở các mô hình điểm; 40% cán bộ lãnh đạo các cơ
sở Y tế tuyến Trung ương, 30% cán bộ lãnh đạo các cơ sở Y tế tuyến tỉnh, 60%
nhân viên y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh… đào tạo, bồi dưỡng kiến thức,
kỹ năng về CTXH;
Đến năm 2020 hoàn thiện chương
trình, nội dung đào tạo và dạy nghề CTXH về chăm sóc sức khỏe ở nhiều trình độ
và tổ chức đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong ngành y tế.
2. Các hoạt động trọng tâm:
2.1. Đối với mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức và
cam kết thực hiện của các cấp lãnh đạo, các cơ sở Y tế, công chức, viên chức Y
tế trong toàn ngành y tế về vị trí, vai trò và việc hình thành, phát triển nghề
CTXH trong CSSK.
2.1.1. Hoạt động 1:
Cung cấp bằng chứng về vị trí, vai trò, tầm
quan trọng và nhu cầu triển khai CTXH trong CSSKND.
2.1.1.1. Khảo sát thực trạng về nhu cầu triển
khai CTXH trong ngành Y tế.
- Đơn vị thực hiện: Viện Chiến lược và Chính
sách Y tế; Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Dân số-Y tế;
- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ; Cục
Quản lý khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan;
- Thời gian thực hiện: Quý III/2011 - Quý
I/2012 và năm 2018;
- Kinh phí: 1500 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế.
2.1.1.2. Tham quan học tập kinh nghiệm của
một số nước trên thế giới và trong khu vực (Philippin và Úc...).
- Đơn vị thực hiện: Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp
tác quốc tế;
- Đơn vị phối hợp: Viện Chiến lược và Chính
sách Y tế; Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Dân số-Y tế và các đơn vị có
liên quan;
- Thời gian thực hiện: Quý II/2012 và năm
2018;
- Kinh phí: 1000 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Các tổ chức quốc tế
(UNICEF/WHO…).
2.1.1.3. Tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm
trong nước và quốc tế về vai trò của CTXH trong CSSK.
- Đơn vị thực hiện: Viện Chiến lược và Chính
sách Y tế; Vụ Hợp tác quốc tế; Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Dân số-Y tế;
- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ; Cục Quản
lý khám, chữa bệnh và các đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Quý III/2012 - 2014;
- Kinh phí: 1000 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế (UNICEF/WHO…).
2.1.2. Hoạt động 2:
Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát
triển nghề CTXH trong Ngành Y tế giai đoạn 2011-2020.
2.1.2.1. Thành lập Ban điều hành thực hiện Đề
án phát triển nghề CTXH trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2011-2020;
2.1.2.2. Xây dựng Đề án và kế hoạch triển
khai thực hiện của Ngành;
2.1.2.3. Tổ chức các Hội nghị quán triệt
triển khai thực hiện Đề án.
- Đơn vị thực hiện: Vụ Tổ chức cán bộ; Trung
tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Dân số-Y tế;
- Đơn vị phối hợp: Cục Quản lý Khám, chữa
bệnh; Viện Chiến lược và Chính sách Y tế và các đơn vị liên quan;
- Thời gian thực hiện: Quý II/2011 đến Quý
IV/2012;
- Kinh phí: 580 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế.
2.1.2.4. Tiến hành kiểm tra giám sát việc
triển khai thực hiện.
2.1.2.5. Tổ chức sơ kết, tổng kết;
- Đơn vị thực hiện: Vụ Tổ chức cán bộ; Trung
tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Dân số-Y tế; Cục Quản lý khám, chữa bệnh;
- Đơn vị phối hợp: Viện Chiến lược và Chính
sách Y tế và các đơn vị liên quan;
- Thời gian thực hiện: Kết thúc hoạt động
hàng năm, định kỳ;
- Kinh phí: 1950 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế.
2.1.3. Hoạt động 3:
Tổ chức các hội thảo chuyên đề CTXH trong các
lĩnh vực của ngành Y tế:
2.1.3.1. CTXH trong các bệnh viện;
2.1.3.2. CTXH với chăm sóc sức khỏe tâm thần;
2.1.3.3. CTXH với chăm sóc sức khỏe trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt (Trẻ em khuyết tật, bị lạm dụng, mắc các bệnh hiểm nghèo…);
2.1.3.4. CTXH với hỗ trợ cơ sở điều trị người
nhiễm HIV/AIDS;
2.1.3.5. CTXH với hỗ trợ phục hồi chức năng;
2.1.3.6. CTXH với CSSK người cao tuổi;
- Đơn vị thực hiện: Trung tâm đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ Dân số-Y tế; Cục Quản lý khám, chữa bệnh;
- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ; Viện
Chiến lược và Chính sách Y tế và các đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2011 - 2018;
- Kinh phí: 2000 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế và nguồn vận động.
2.1.4. Hoạt động 4:
Đẩy mạnh truyền thông về vai trò của CTXH
trong CSSK nhân dân
2.1.4.1. Đăng tải trên các kênh thông tin đại
chúng trong và ngoài Ngành: VTV1, VTV2, O2TV, Báo Sức khỏe và đời sống, Báo Gia
đình xã hội, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các báo khác;
2.1.4.2. Đăng tải trên Tạp chí Chính sách Y
tế, tờ tin Quản lý bệnh viện…;
2.1.4.3. Thiết lập trang thông tin điện tử,
xây dựng diễn đàn chuyên đề CTXH trên hệ thống Website của Bộ Y tế.
- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Truyền thông
Giáo dục sức khỏe Trung ương;
- Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế; Trung tâm đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ Dân số-Y tế; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Viện Chiến lược
và Chính sách Y tế; Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan;
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2011 - 2017;
- Kinh phí: 3000 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế và nguồn vận động.
2.2. Đối với mục tiêu 2: Xây dựng thí điểm và
nhân rộng mô hình tổ chức của hoạt động CTXH trong một số bệnh viện tuyến trung
ương, tuyến tỉnh.
2.2.1. Hoạt động 1: Xây dựng mô hình điểm
Trung tâm CTXH/hoặc Phòng CTXH trong 4 bệnh viện trung ương.
2.2.1.1. Hoạt động cụ thể:
+) Lập đề án thí điểm xây dựng Trung tâm
CTXH/hoặc Phòng CTXH trong 4 bệnh viện tuyến trung ương;
+) Hướng dẫn quy trình triển khai thực hiện;
+) Đánh giá rút kinh nghiệm hoạt động của các
mô hình điểm.
2.2.1.2. Tổ chức thực hiện:
- Đơn vị thực hiện: Cục Quản lý khám, chữa
bệnh; Vụ Tổ chức cán bộ
- Đơn vị phối hợp: Viện Chiến lược và Chính
sách Y tế; Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Dân số-Y tế và các đơn vị liên
quan;
- Thời gian thực hiện: Quý IV/2011 đến hết
năm 2015;
- Kinh phí thực hiện: 1500 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế và nguồn vận động.
2.2.2. Hoạt động 2: Xây dựng mô hình điểm
Trung tâm CTXH/hoặc Phòng CTXH trong 6 bệnh viện tuyến tỉnh thuộc 3 miền trong
cả nước.
2.2.2.1. Hoạt động cụ thể:
+) Lập đề án thí điểm xây dựng phòng
CTXH/hoặc tổ CTXH trong 6 bệnh viện tuyến tỉnh;
+) Hướng dẫn quy trình triển khai thực hiện;
+) Đánh giá rút kinh nghiệm hoạt động của các
mô hình điểm.
2.2.2.2. Tổ chức thực hiện:
- Đơn vị thực hiện: Cục Quản lý khám chữa
bệnh; Vụ Tổ chức cán bộ
- Đơn vị phối hợp: Viện Chiến lược và Chính
sách Y tế; Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Dân số-Y tế; Sở Y tế các
tỉnh/thành phố;
- Thời gian thực hiện: Quý IV/2011 đến hết
năm 2015;
- Kinh phí thực hiện: 2000 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế và nguồn vận động.
2.3. Đối với mục tiêu 3: Ban hành văn bản
hướng dẫn, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm duy trì và phát triển nghề CTXH
trong ngành Y tế.
2.3.1. Hoạt động 1: Nghiên cứu, rà soát
các văn bản hiện hành có liên quan đến cơ chế, chính sách đối với việc phát
triển hệ thống dịch vụ công tác xã hội; xây dựng, sửa đổi và ban hành một số
các văn bản có liên quan như: Hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, bộ máy của các đơn
vị sự nghiệp trong Ngành, Hướng dẫn về định biên và cơ cấu các chức danh chuyên
môn của các đơn vị sự nghiệp trong Ngành, Quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, quy
chuẩn đạo đức cho các ngạch viên chức CTXH trong các lĩnh vực (bệnh viện, cộng
đồng, hoạch định chính sách…) thuộc Ngành Y tế.
- Đơn vị thực hiện: Cục Quản lý khám, chữa
bệnh; Vụ Tổ chức cán bộ
- Đơn vị phối hợp: Trung tâm đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ Dân số-Y tế; Vụ Pháp chế; một số Bộ, ngành, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2012-2020;
- Kinh phí: 1000 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế.
2.3.2. Hoạt động 2: Tổ chức hội thảo xin
ý kiến tại các địa phương trước khi ban hành.
- Đơn vị thực hiện: Cục Quản lý khám chữa
bệnh; Vụ Tổ chức cán bộ;
- Đơn vị phối hợp: Trung tâm đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ Dân số-Y tế; các đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2012-2020;
- Kinh phí: 1000 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế.
2.4. Đối với mục tiêu 4: Xây dựng chương trình,
tài liệu đào tạo, tài liệu tham khảo nhằm nâng cao nhận thức về vị trí vai trò
và nội dung CTXH trong CSSK cho các nhóm đối tượng có liên quan trong toàn
ngành.
2.4.1. Hoạt động 1: Biên soạn và phát
hành Cẩm nang về CTXH trong CSSK cho cán bộ lãnh đạo các cơ sở y tế trong
Ngành.
- Đơn vị thực hiện: Cục Quản lý khám, chữa
bệnh; Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Dân số-Y tế;
- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ; Viện
Chiến lược và chính sách y tế và các đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2012-2015;
- Kinh phí: 1500 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế và nguồn vận động.
2.4.2. Hoạt động 2: Xây dựng chương trình
và tài liệu tập huấn ngắn ngày cho lãnh đạo và nhân viên Y tế của các bệnh viện
tuyến trung ương.
- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ Dân số-Y tế; Vụ Khoa học & Đào tạo;
- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ; Viện
Chiến lược và Chính sách y tế; Cục Quản lý khám, chữa bệnh và các đơn vị có
liên quan;
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2012-2015;
- Kinh phí: 500 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế.
2.4.3. Hoạt động 3: Xây dựng chương trình
và tài liệu tập huấn ngắn ngày cho lãnh đạo và nhân viên Y tế của các bệnh viện
tuyến tỉnh.
- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ Dân số-Y tế; Vụ Khoa học & Đào tạo;
- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ; Viện
Chiến lược & Chính sách Y tế; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị có
liên quan;
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2011-2015;
- Kinh phí: 970 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế.
2.4.4. Hoạt động 4: Biên soạn tài liệu
hướng dẫn giảng dạy dành cho giảng viên của các khóa tập huấn ngắn ngày về CTXH
trong CSSK.
- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ Dân số-Y tế; Vụ Khoa học & Đào tạo;
- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ; Viện
Chiến lược & Chính sách Y tế; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị có
liên quan;
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2011-2015;
- Kinh phí: 1000 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế.
2.4.5. Hoạt động 5: Xây dựng chương trình
và tài liệu giảng dạy cho sinh viên các trường đại học Y Dược.
- Đơn vị thực hiện: Vụ Khoa học & Đào
tạo;
- Đơn vị phối hợp: Các trường Đại học Y,
Dược; Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Dân số-Y tế;
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2014-2018;
- Kinh phí: 1500 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế và nguồn vận động.
2.4.6. Hoạt động 6: Xây dựng chương trình
và tài liệu giảng dạy cho sinh viên các trường Cao đẳng, Trung cấp Y.
- Đơn vị thực hiện: Vụ Khoa học & Đào
tạo;
- Đơn vị phối hợp: Các trường Cao đẳng/Trung
cấp Y; Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Dân số-Y tế;
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2014-2018;
- Kinh phí: 1500 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế và nguồn vận động.
2.4.7. Hoạt động 7: Xây dựng chương trình
đào tạo và giáo trình cho sinh viên chuyên ngành CTXH về CSSK (một chuyên ngành
trong đại học Điều dưỡng).
- Đơn vị thực hiện: Trường Đại học Điều dưỡng
Nam Định.
- Đơn vị phối hợp: Vụ Khoa học & Đào tạo;
Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Dân số-Y tế; một số trường ĐH Y, Dược;
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2014-2018;
- Kinh phí: 1500 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế và nguồn vận động.
2.5. Đối với mục tiêu 5: Đào tạo, tập huấn bồi
dưỡng nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng CTXH cho đội ngũ cán bộ và nhân viên
y tế - dân số ở các cấp.
2.5.1. Hoạt động 1: Tổ chức tập huấn bồi
dưỡng nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng CTXH cho đội ngũ công chức, viên
chức, nhân viên y tế, cán bộ dân số ở các cấp.
2.5.1.1. Hoạt động cụ thể:
a) Tổ chức các lớp tập huấn theo Chương trình
bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng CTXH cho đội ngũ cán bộ dân số - y tế
ở các cấp;
b) Tổ chức các lớp tập huấn theo Chương trình
bồi dưỡng giáo viên giảng dạy về CTXH.
2.5.1.2. Tổ chức thực hiện:
- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ Dân số-Y tế;
- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ; Cục
quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan;
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2012-2020;
- Kinh phí: 7000 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế và nguồn vận động.
2.5.2. Hoạt động 2: Tổ chức giảng dạy môn
học CTXH y tế trong các trường đào tạo sinh viên chuyên ngành y tế.
2.5.2.1. Hoạt động cụ thể:
a) Tổ chức giảng dạy môn học CTXH trong các
trường đại học, cao đẳng đào tạo sinh viên ngành y, dược;
b) Tổ chức giảng dạy môn học CTXH trong các
trường trung cấp y, dược;
c) Tổ chức bồi dưỡng kiến thức và phương pháp
giảng dạy về CTXH cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.
2.5.2.2. Tổ chức thực hiện:
- Đơn vị thực hiện: Trường Đại học Y Hà Nội;
Trường Đại học y tế công cộng; Đại học y dược Tp HCM; Trường Đại học Điều dưỡng
Nam Định; Trường Trung cấp Y tế Bạch Mai
- Đơn vị phối hợp: Vụ Khoa học & Đào tạo,
các đơn vị liên quan
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2015-2020
- Kinh phí thực hiện: 4500 triệu đồng
- Nguồn kinh phí: Kinh phí triển khai thực
hiện Đề án của Bộ Y tế và nguồn vận động
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án:
- Trưởng ban, Phó trưởng ban: Lãnh đạo Bộ Y
tế;
- Đơn vị thường trực: Trung tâm Đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ Dân số-Y tế và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh;
- Các thành viên gồm: Lãnh đạo các đơn vị: Vụ
Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch-Tài chính; Vụ Khoa học & Đào tạo; Vụ Pháp chế;
Trung tâm Truyền thông Giáo dục- Sức khỏe Trung ương; Viện Chiến lược và Chính sách
Y tế, Trường Đại học Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội.
2. Phân công trách nhiệm:
2.1. Đối với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương
a) Vụ Tổ chức cán bộ là đơn vị đầu mối, phối
hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động theo
chức năng nhiệm vụ được giao;
b) Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Dân
số-Y tế và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là đơn vị thường trực, phối hợp với các
cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện triển khai các hoạt động của Đề
án theo chức năng nhiệm vụ được giao;
c) Vụ Khoa học & Đào tạo chủ trì, phối
hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng, thẩm định chương
trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng CTXH theo chức năng
nhiệm vụ được giao;
d) Vụ Kế hoạch-Tài chính chủ trì phối hợp với
các cơ quan, đơn vị trong Bộ và các Bộ, ngành khác có liên quan tổng hợp, xây
dựng và bố trí kinh phí thực hiện Đề án;
đ) Viện Chiến lược và Chính sách Y tế chủ
trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện triển khai
các hoạt động của Đề án theo chức năng nhiệm vụ được giao;
e) Các cơ quan truyền thông thuộc Bộ Y tế
theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh
tuyên truyền về phát triển nghề CTXH trong lĩnh vực y tế;
g) Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ theo
chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp đề xuất và triển khai
thực hiện Đề án.
2.2. Đối với các sở y tế
a) Xây dựng chương trình nhằm cụ thể hóa Đề
án phát triển nghề công tác xã hội trong lĩnh vực y tế trong kế hoạch phát
triển của địa phương;
b) Chỉ đạo, triển khai thực hiện các hoạt
động Đề án;
c) Bố trí kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất
thực hiện Đề án;
d) Xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung
của Đề án nhằm phát triển nghề CTXH trong lĩnh vực Y tế;
đ) Thực hiện mô hình điểm về xây dựng Trung
tâm CTXH tại các bệnh viện.
V. NGUỒN KINH PHÍ
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 36.500 triệu
đồng, gồm:
1. Ngân sách nhà nước thực hiện Đề án 32 của
Chính phủ: được Nhà nước bố trí trong dự toán hàng năm của Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội là: 24.900 triệu đồng
2. Các nguồn viện trợ quốc tế và nguồn kinh
phí hợp pháp khác là: 11.600 triệu đồng
(Dự toán chi tiết có văn bản phụ lục kèm
theo)