ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
60/2016/QĐ-UBND
|
Thừa
Thiên Huế, ngày 30 tháng 8 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ NUÔI CÁ LỒNG, BÈ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA
THIÊN HUẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày
12 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong hoạt
động thủy sản;
Căn cứ Thông tư số
71/2011/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 10 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn ban hành Quy chuẩn Quốc gia lĩnh vực thú y về Cơ sở nuôi trồng thủy sản
thương phẩm - Điều kiện vệ sinh thú y;
Căn cứ Thông tư số 16/2015/TT-BNNPTNT ngày
10 tháng 4 năm 2015 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn
Quốc Gia về điều kiện nuôi thủy sản;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 969 /TTr-SNN và
PTNT ngày 28 tháng 7 năm 2016.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định
này Quy định về nuôi cá lồng, bè trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực
thi hành từ ngày 09 tháng 9 năm 2016.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các
Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế
hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế; các
tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Phương
|
QUY ĐỊNH
VỀ NUÔI CÁ LỒNG, BÈ TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 60/2016/QĐ-UBND
ngày 30 tháng 8 năm 2016
của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định điều kiện cơ sở, kỹ thuật nuôi; vùng
nuôi cá lồng, bè trên địa bàn tỉnh.
2. Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực nuôi cá lồng, bè trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cở sở nuôi cá lồng, bè: là nơi diễn ra hoạt động nuôi cá lồng, bè nước
ngọt, lợ, mặn do tổ chức, cá nhân làm chủ.
2. Vùng nuôi: là nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi cá lồng, bè trên diện
tích mặt nước được quy hoạch cho nuôi cá lồng, bè.
3. Lồng, bè di động: được buộc vào hệ thống giàn tre/gỗ,... và hệ thống
làm nổi, dễ dàng di chuyển đến những vị trí khác khi cần thiết.
4. Lồng, bè cố định: được buộc vào hệ thống giàn tre/gỗ,... cố định.
Chương II
QUY
ĐỊNH ĐIỀU KIỆN NUÔI CÁ LỒNG, BÈ
Điều 3. Quy định chung
1. Cơ sở nuôi cá lồng, bè phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi thủy sản, nằm
trong phân vùng mặt nước được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
2. Các tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng, bè phải:
a) Có quyền sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định hiện
hành. Có một trong ba loại giấy tờ sau:
- Quyết định giao, cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản của cơ quan Nhà
nước có thẩm quyền.
- Hợp đồng thuê quyền sử dụng mặt nước cho nuôi trồng thủy sản có chứng
thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có mặt nước và còn hiệu lực ít nhất 02 năm.
- Có văn bản cho phép nuôi cá lồng của cơ quan có thẩm quyền của địa
phương.
b) Đăng ký tại UBND xã/phường/thị trấn và được cơ quan chuyên môn cấp
huyện/thị xã/thành phố (phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Kinh tế) kiểm
tra đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường đối với cơ sở
nuôi cá lồng, bè; được UBND xã/phường/thị trấn chấp thuận cho nuôi trên cơ sở kết
luận của biên bản kiểm tra đủ điều kiện.
c) Tuân thủ các quy định hiện hành và cam kết bảo vệ môi trường.
3. Khuyến khích các tổ chức cá nhân nuôi cá lồng, bè tham gia vào Chi hội
nghề cá, tổ chức cộng đồng tại địa phương.
Điều 4. Quy định về điều kiện lồng, bè, trang thiết
bị kỹ thuật
1. Điều kiện đặt
lồng, bè cố định, di động
a) Vị trí đặt lồng,
bè không bị ảnh hưởng bởi lũ, phương tiện giao thông đường thủy, mực nước không
bị thay đổi đột ngột, không có dòng xoáy và không bị ảnh hưởng của các nguồn
gây ô nhiễm; chọn nơi có dòng nước chảy, lưu tốc từ 0,2-0,5 mét/giây (m/s). Nếu
nuôi hồ chứa phải lựa chọn nơi có dòng chảy, thông thoáng, nước sâu, không nuôi
cá lồng, bè trong eo, ngách. Nơi đặt lồng, bè nuôi thủy sản phải có độ sâu ít
nhất 3m.
b) Đáy lồng, bè
phải đặt cách mặt đáy ít nhất 0,5m vào lúc mức nước thấp nhất.
c) Khoảng cách giữa
các lồng, bè:
- Thể tích lồng
có kích cỡ tối thiểu 15m3 được bố trí đặt cách nhau tối thiểu 1m đối
với 4 mặt lồng; trường hợp lồng có kích cỡ lớn thì khoảng cách giữa các lồng lớn
hơn theo tỷ lệ tương ứng.
- Trường hợp đặt
lồng, bè thành từng cụm (tối đa 6-10 lồng/cụm, kích cỡ tối đa 150m3/cụm):
các cụm lồng, bè khi đặt song song phải cách nhau tối thiểu 10m; khi đặt so le,
nối tiếp cách nhau tối thiểu 200m để không gây cản trở dòng chảy.
- Khoảng cách đặt
lồng, bè nuôi giữa các hộ: Trường hợp hộ nuôi bố trí hệ thống lồng nuôi đặt
song song thì khoảng cách tối thiểu cách nhau 10m, đặt so le, nối tiếp thì khoảng
cách tối thiểu cách nhau 200m.
d) Mật độ lồng,
bè cho toàn vùng nuôi ở khu vực nước chảy chiếm tối đa 0,2% diện tích mặt nước
lúc mức nước thấp nhất; khu vực nước tĩnh chiếm tối đa 0,05% diện tích mặt nước
lúc mức nước thấp nhất.
2. Chất lượng
nước nơi đặt lồng, bè cố định, di động
Chất lượng nước
nơi đặt lồng, bè nuôi cá đảm bảo quy định tại Bảng 1
Bảng 1. Chất lượng nước nơi đặt lồng, bè
TT
|
Thông số
|
Đơn vị
|
Giá trị giới
hạn
|
1
|
pH
|
|
6,5-8,5
|
2
|
Ôxy hòa tan (DO)
|
mg/l
|
≥4
|
3
|
Amoni (NH4+ tính
theo N)
|
mg/l
|
< 1
|
4
|
Độ trong
|
cm
|
≥ 30
|
5
|
Độ kiềm
|
mg CaCO3/l
|
60-180
|
3. Điều kiện
lồng, bè
a) Cơ sở lồng,
bè:
Thiết kế lồng,
bè dễ làm vệ sinh, khử trùng, dễ di dời, lắp đặt. Tùy theo điều kiện lồng, bè
có hình dạng hình chữ nhật, hình vuông hoặc hình tròn và có kích cỡ tối thiểu
15m3 nước/lồng.
- Lồng, bè di
động: có kết cấu gồm hệ thống khung lồng, giàn tre/gỗ, phao hoặc thùng phi làm
nổi,... để dễ dàng di chuyển.
- Lồng, bè cố
định: có kết cấu gồm hệ thống giàn tre/gỗ cắm cố định để buộc lồng chắc chắn
trong suốt vụ nuôi.
b) Kích cỡ mắt
lưới lồng, bè nuôi thương phẩm
Lưới sử dụng để
làm lồng có kích cỡ 2a ≥ 3cm để đảm bảo lưu thông dòng nước và cung cấp đầy đủ
oxy cho vùng nuôi, hạn chế dịch bệnh xảy ra trong khu vực nuôi cá lồng, bè.
c) Vật liệu
làm lồng, bè và thiết bị, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi
- Lồng, bè được
làm bằng vật liệu chắc chắn, bền, có khả năng chống chịu với môi trường nước,
sóng, gió và chất khử trùng tiêu độc.
- Dụng cụ, thiết
bị sử dụng trong quá trình nuôi phải đảm bảo không gây tổn hại cho đối tượng
nuôi, dễ làm vệ sinh tiêu độc, khử trùng.
- Động cơ và
thiết bị máy móc sử dụng phải đảm bảo không rò rỉ xăng, dầu vào nguồn nước.
d) Công trình
phụ trợ
- Khu ăn, nghỉ,
sinh hoạt phải sạch sẽ, không ảnh hưởng đến hoạt động nuôi.
- Kho chứa thức
ăn, nguyên liệu làm thức ăn phải có mái che, thông thoáng, không ẩm ướt, ngăn
được côn trùng và động vật gây hại. Khu chứa xăng, dầu được bố trí riêng biệt với
kho chứa thức ăn, nguyên liệu làm thức ăn. Khu vực chứa dụng cụ, thiết bị phải
gọn gàng không ảnh hưởng đến hoạt động nuôi.
- Khu chế biến
thức ăn cho thủy sản phải ở vị trí riêng biệt. Thiết bị, dụng cụ chế biến thức
ăn phải được bố trí, lắp đặt để dễ kiểm tra, dễ làm vệ sinh và khử trùng.
- Nhà vệ sinh:
bố trí nhà vệ sinh phù hợp với số lượng lao động trên lồng, bè (ít nhất 01 nhà
vệ sinh cho 25 người), kín và tự hoại, đảm bảo không có mối nguy làm ô nhiễm
môi trường và khu vực nuôi.
- Mỗi cơ sở phải
lắp đặt thùng rác và chuyển đến nơi thu rác tập trung.
- Không xả rác
và các loại chất thải ra vùng nuôi và môi trường nước tự nhiên làm ảnh hưởng ô
nhiễm môi trường.
đ) Quy định về
đảm bảo an toàn thực phẩm trong kỹ thuật nuôi
- Chuẩn bị lồng,
bè nuôi:
Lồng, bè nuôi
phải được vệ sinh, khử trùng trước và sau khi nuôi theo quy trình kỹ thuật với
từng đối tượng thủy sản.
- Quy định về
giống thủy sản:
+ Giống thủy sản có
nguồn gốc rõ ràng, phải được mua từ các cơ sở đảm bảo chất
lượng cá
bố mẹ, cá giống
và quá trình sản xuất giống, ương dưỡng.
+ Con giống
đưa vào nuôi đã được kiểm tra, kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền.
+ Thả giống
đúng lịch mùa vụ, tùy theo đối tượng mật độ không quá 50 con/m3 đối
với nuôi thương phẩm, kích cỡ giống phù hợp đảm bảo không bị lọt lưới ra ngoài.
- Thức ăn để
nuôi thủy sản:
+ Sử dụng thức
ăn công nghiệp được phép lưu hành tại Việt Nam; không sử dụng thức ăn đã hết hạn
sử dụng.
+ Thức ăn tự
chế biến: có đủ thành phần dinh dưỡng; nguyên liệu để chế biến không có Salmonella,
nấm mốc độc (Aspergillus flavus), độc tố aflatoxin B1; không chứa kháng
sinh, hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
+ Hạn chế sử dụng
thức ăn tươi, quá trình nuôi khuyến khích người dân thay thế dần thức ăn tươi bằng
thức ăn công nghiệp có độ đạm cao để hạn chế ô nhiễm môi trường.
- Phòng trị bệnh,
sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường:
+ Trong quá
trình nuôi phải thường xuyên vệ sinh lưới để lồng nuôi luôn được thông thoáng,
sạch sẽ; hàng ngày theo dõi môi trường nước và hoạt động của cá. Nếu thấy môi
trường nước xấu, cá kém ăn hoặc xuất hiện bệnh phải có biện pháp xử lý kịp thời;
không di chuyển cá từ lồng, bè này sang lồng, bè khác khi đang có bệnh xảy ra.
+ Chỉ sử dụng
thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường dùng cho
nuôi trồng thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam, còn hạn sử dụng.
+ Khi sử dụng
thuốc kháng sinh phải xác định rõ tác nhân gây bệnh, sử dụng theo hướng dẫn của
nhà sản xuất hoặc cán bộ kỹ thuật.
+ Cơ sở nuôi
phải ghi chép việc sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải
tạo môi trường (ghi rõ ngày, loại, liều lượng, cách sử dụng).
+ Khi cá chết
do bệnh hoặc do các nguyên nhân khác thì phải thu gom, đưa ra khỏi vùng nuôi và
tiêu hủy theo đúng quy định.
- Khi có hiện
tượng cá nuôi chết bất thường hoặc dịch bệnh, có dấu hiệu lây lan thì hộ nuôi
phải thông báo với chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý chuyên môn liên
quan để có hướng xử lý kịp thời.
- Thu hoạch
cá:
+ Phải tuân thủ
quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc theo hướng dẫn của nhà
sản xuất về thời gian ngừng sử dụng thuốc, hóa chất trước khi thu hoạch cá.
+ Cơ sở phải
chấp hành thông báo dừng thu hoạch của cơ quan kiểm tra chất lượng an toàn thực
phẩm trong trường hợp các chỉ tiêu vi sinh, hóa học trong sản phẩm nuôi vượt
quá giới hạn cho phép.
e) Bảo hộ lao
động:
- Người làm việc
tại cơ sở phải được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định, có hiểu biết
về chuyên môn, kỹ thuật trong lĩnh vực hoạt động.
- Cơ sở phải
trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh (phao tròn, phao áo).
g) Xử lý rác
thải:
- Rác thải phải
được thu gom, xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến
nguồn nước. Không xả rác, thức ăn ôi thiu, thủy sản chết xuống khu vực lồng, bè
và môi trường xung quanh.
h) Ghi chép và
lưu giữ hồ sơ
- Cơ sở phải
theo dõi, ghi chép các thông tin liên quan trong quá trình nuôi.
- Lập và lưu
giữ hồ sơ liên quan bao gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước/quyết định
giao mặt nước/hợp đồng cho thuê mặt nước/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
hồ sơ mua giống và kiểm dịch khi mua giống bao gồm xuất xứ, số lượng và chất lượng
giống; hồ sơ theo dõi quá trình nuôi; phiếu mua thuốc, hóa chất; tình trạng sức
khoẻ và các biện pháp kiểm soát bệnh; các biên bản kiểm tra của cơ quan quản lý
(nếu có); các thông tin của sản phẩm khi bán.
- Hồ sơ phải
được lưu giữ tối thiểu là 2 năm.
Chương III
TRÁCH
NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CƠ SỞ NUÔI LỒNG/BÈ
Điều 5. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
1. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ
chức hướng dẫn, triển khai và thực hiện Quy định này.
2. Ban hành khung lịch thời vụ nuôi cá lồng, bè hàng năm.
3. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyên truyền phổ biến việc
thực hiện Quy định này.
a) Chi cục Thủy sản: Phối hợp với địa phương rà soát quy hoạch,
kiểm tra điều kiện cho phép nuôi; kiểm tra, giám sát, thanh tra việc nuôi cá lồng,
bè theo đúng quy định; quan trắc môi trường.
b) Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Kiểm tra, kiểm dịch thủy sản
giống và kiểm soát dịch bệnh theo các quy định hiện hành; xây dựng phương án
phòng chống dịch bệnh hàng năm.
c) Chi cục Thủy lợi: Chủ trì phối hợp với Chi cục Thủy sản
trong công tác điều tiết nước phục vụ nuôi cá lồng, bè; vấn đề liên quan đến
các hoạt động nuôi cá lồng, bè trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa
bàn tỉnh.
d) Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản: Thực
hiện việc lấy mẫu, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn sản phẩm thủy sản.
d) Trung tâm Khuyến nông: Xây dựng và nhân rộng các mô hình
nuôi cá lồng, bè đạt hiệu quả cao, ổn định, bền vững về môi trường phù hợp với
điều kiện của từng vùng.
e) Trung tâm Giống: sinh sản nhân tạo; thu gom ương dưỡng
các đối tượng giống chủ lực bản địa có giá trị kinh tế để phục vụ nhu cầu người
nuôi.
Điều 6. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã
và thành phố Huế
1. Quy hoạch chi tiết và thực hiện quy hoạch vùng nuôi cá lồng,
bè trên địa bàn huyện/thị xã/thành phố.
2. Chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện/phòng Kinh tế thị
xã, thành phố chủ trì kiểm tra điều kiện để UBND các xã/phường/thị trấn chấp
thuận hộ nuôi đủ điều kiện mặt nước và cơ sở trang thiết bị nuôi cá lồng, bè
(có biểu mẫu đính kèm).
3. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng
Kinh tế; UBND các xã/phường/thị trấn có nuôi cá lồng, bè phối hợp với các cơ
quan chuyên môn, các tổ chức, các đoàn thể để tổ chức tuyên truyền, quán triệt
và vận động người dân chấp hành nghiêm Quy định này.
4. Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc
nuôi cá lồng, bè đảm bảo các quy định của pháp luật. Xử lý các trường hợp vi phạm
theo thẩm quyền.
Điều 7. Trách nhiệm của UBND các xã/phường/thị
trấn
1. Phổ biến Quy định này đến từng chủ cơ sở, từng vùng nuôi
và thực hiện đầy đủ nội dung của Quy định này.
2. Tiếp nhận đăng ký và chấp thuận nuôi cá lồng, bè đủ điều
kiện khi có biên bản xác nhận đủ điều kiện của phòng Nông nghiệp và PTNT/phòng
Kinh tế; đồng thời hướng dẫn, phổ biến, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực
hiện Quy định này.
3. Quy hoạch chi tiết, tổ chức nuôi cá lồng, bè dựa vào cộng
đồng.
4. Phối hợp, đề xuất với các cơ quan chức năng trong việc
kiểm tra cơ sở đủ điều kiện nuôi cá lồng, bè.
5. Hàng tháng UBND xã/phường/thị trấn có tổng hợp báo cáo
các hộ đăng ký nuôi cho UBND huyện/thị xã/thành phố và Sở Nông nghiệp và PTNT.
Điều 8. Trách nhiệm của Hội nghề cá tỉnh, các
Chi hội nghề cá, Hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản
1. Tổ chức nuôi cá lồng, bè theo cộng đồng.
2. Cung cấp đầy đủ các thông tin về tình hình nuôi, diễn biến
môi trường, dấu hiệu bệnh của các lồng, bè khi có yêu cầu
của cơ quan chuyên môn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn
liên quan trong xử lý môi trường và dịch bệnh.
3. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn và chính quyền
địa phương trong đầu tư và thực hiện nuôi lồng, bè theo quy hoạch.
4. Báo cáo kịp thời cho cơ quan thẩm quyền địa phương các
hành vi vi phạm Quy định này.
Điều 9. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân
nuôi cá lồng, bè
1. Các tổ chức, cá nhân trước khi tiến hành nuôi cá lồng, bè
phải đăng ký và được chấp thuận của UBND các xã/phường/thị trấn (sau khi có
biên bản đánh giá đủ điều kiện của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông
thôn/Phòng Kinh tế thị xã, thành phố) mới được triển khai thực hiện.
2. Quán triệt và thực hiện đầy đủ nội dung của Quy định này
và quy định cụ thể của hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hội nghề nghiệp về
quản lý cơ sở, vùng nuôi cá lồng, bè trên địa bàn.
3. Cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về môi trường,
dịch bệnh cho cán bộ kỹ thuật và các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
4. Kịp thời ngăn chặn và phản ánh với cơ quan chức năng khi
phát hiện các hành vi vi phạm.
5. Khi có dịch bệnh xảy ra, phải phối hợp chặt chẽ với cơ
quan chức năng để tìm biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế thiệt hại.
Điều 10. Trách nhiệm của các cơ sở dịch vụ liên
quan đến nuôi cá lồng, bè
Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ liên quan
đến việc nuôi cá lồng, bè chỉ được phép lưu hành, cung ứng các mặt hàng nằm
trong danh mục được lưu hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đã
được các cơ quan Nhà nước kiểm định, kiểm dịch.
Chương IV
KHEN
THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI TỐ CÁO
Điều 11. Khen thưởng
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thành tích trong việc
tuyên truyền, thực hiện Quy định này, được khen thưởng theo quy định của pháp
luật.
Điều 12. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Quy định
này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị
truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định
của pháp luật.
Điều 13. Tổ chức, cá nhân có
quyền khiếu nại, tố cáo với chính quyền địa phương những tổ chức, cá nhân có
hành vi vi phạm Quy định này. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo
quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Chương V
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc,
UBND các huyện/thị xã/thành phố; các xã/phường/thị trấn và tổ chức, cá nhân có
liên quan phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo
cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung./.