BỘ TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 757/QĐ-BTC
|
Hà Nội, ngày
15 tháng 4 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA
VỤ PHÁP CHẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày
03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày
18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp
chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày
27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng
Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Vụ Pháp chế là đơn vị thuộc bộ máy quản lý nhà
nước của Bộ Tài chính, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản
lý nhà nước bằng pháp luật đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước
của Bộ và tổ chức thực hiện công tác pháp chế của Bộ Tài chính theo quy định của
pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ
1. Về lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm
pháp luật và xây dựng, tham gia văn bản quy phạm pháp luật:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc
Bộ giúp Bộ trưởng lập đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và
dài hạn; lập dự kiến chương trình xây dựng Nghị định, Quyết định của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ để trình Chính phủ; tổ chức thực hiện và đôn đốc các đơn vị,
tổ chức thuộc Bộ triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật sau khi
được các cấp có thẩm quyền thông qua.
b) Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các đề án về
cơ chế, chính sách tài chính, các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
theo phân công của Bộ.
c) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ
tham gia ý kiến đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các đề
án cơ chế, chính sách do các Bộ, ngành hoặc địa phương gửi đến xin ý kiến theo
phân công của Bộ.
2. Về thẩm định văn bản quy phạm pháp luật:
a) Thẩm định về mặt pháp lý các dự án, dự thảo
văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị thuộc Bộ soạn thảo theo phân công của
Bộ trước khi trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành;
b) Phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ
sơ về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để đề nghị tổ chức, cơ quan góp ý kiến,
đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
3. Về đánh giá thi hành và kiểm tra văn bản quy
phạm pháp luật:
a) Chủ trì, tổ chức công tác đánh giá thi hành
văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và
tổ chức thực hiện kế hoạch đánh giá, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; hướng
dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra công tác đánh giá việc thi hành và kiểm
tra văn bản của các đơn vị thuộc Bộ theo quy định của Bộ Tài chính;
b) Thực hiện kiểm tra các văn bản do Thủ trưởng
các đơn vị thuộc Bộ ký ban hành;
c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thực hiện tự
kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành; thực hiện kiểm
tra theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban
hành về những nội dung liên quan đến các lĩnh vực quản lý Nhà nước do Bộ Tài
chính quản lý;
d) Tổng hợp trình Bộ quyết định Danh mục văn bản
kiểm tra thực hiện và tổ chức thực hiện danh mục được phê duyệt; chủ trì, phối
hợp với các đơn vị thực hiện tổng kết thực tiễn thi hành các văn bản quy phạm
pháp luật tài chính;
đ) Tổng hợp báo cáo kết quả đánh giá việc thi
hành văn bản quy phạm pháp luật; kết quả thực hiện kiểm tra văn bản quy phạm
pháp luật.
e) Chủ trì phân công, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ
trong việc triển khai thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra
Chính phủ, Cơ quan cảnh sát điều tra, Thanh tra Bộ Tài chính liên quan đến việc
sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách tài chính.
4. Về rà soát văn bản quy phạm pháp luật:
a) Chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tiến
hành rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản
lý của Bộ; đề xuất và trình Bộ phương án xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm
pháp luật.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ hệ
thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước của Bộ Tài
chính; lập danh mục các văn bản còn hiệu lực, hết hiệu lực thi hành, bị bãi bỏ,
huỷ bỏ hoặc thay thế bởi văn bản khác; danh mục văn bản ban hành còn hiệu lực,
nhưng trong đó có những quy định cần được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, huỷ bỏ;
gửi đăng Công báo danh mục các văn bản còn hiệu lực thi hành, danh mục văn bản
hết hiệu lực thi hành, bị bãi bỏ, huỷ bỏ hoặc thay thế bởi văn bản khác thuộc
ngành, lĩnh vực mình quản lý.
c) Làm đầu mối triển khai nhiệm vụ rà soát đơn
giản hóa thủ tục hành chính và công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính.
5. Về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật:
a) Làm đầu mối triển khai công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật của Bộ Tài chính; giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính triển khai các
hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ
Tài chính;
b) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ
có liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục các văn bản quy phạm pháp luật về tài
chính;
c) Thực hiện cung cấp thông tin pháp luật về tài
chính cho các đối tượng có liên quan; biên soạn, xuất bản, phát hành các tài liệu
phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
d) Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ công tác
phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức và quản lý đội ngũ báo cáo viên pháp luật
tài chính.
6. Về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:
a) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ
tổ chức việc tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các
quy định pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản
quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền
xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm
pháp luật.
b) Tham gia xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ
liệu về văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành tài chính thuộc phạm vi
quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên trang
thông tin điện tử chính thức của Bộ, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước
theo quy định của pháp luật.
c) Chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tổ
chức xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành
tài chính và trình lãnh đạo Bộ phê duyệt; Tổ chức việc thực hiện chương trình
sau khi đã được phê duyệt
7. Về các nhiệm vụ khác:
a) Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho tổ chức
pháp chế ở Tổng cục, Cục và doanh nghiệp nhà nước mà Bộ là đại diện chủ sở hữu
phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
b) Cấp ý kiến pháp lý cho các Hiệp định vay, các
Điều ước quốc tế về ODA, các Thoả thuận mở tín dụng do Bộ Tài chính ký với các
nước và các tổ chức quốc tế theo quy định tại các Hiệp định, Điều ước, Thoả thuận
hoặc theo quy định của pháp luật; tham gia thẩm định về mặt pháp lý đối với các
dự thảo văn bản chuẩn bị để Bộ ký kết với các nước và tổ chức quốc tế khi có
yêu cầu;
c) Tư vấn về mặt pháp lý cho Bộ trong việc xử lý
các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ khi có yêu cầu.
d) Đề xuất và tổ chức thực hiện các nội dung hợp
tác quốc tế về pháp luật theo phân công của Bộ.
đ) Tổ chức nghiên cứu khoa học hoặc hợp tác
nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài ngành tài chính theo kế hoạch
và nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
8. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ
trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
Vụ Pháp chế có Vụ trưởng và một số Phó Vụ trưởng.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế chịu trách nhiệm trước Bộ
trưởng Bộ Tài chính về toàn bộ hoạt động của Vụ; quản lý công chức, tài sản được
giao theo quy định.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế chịu trách nhiệm trước
Vụ trưởng về nhiệm vụ được phân công.
Vụ Pháp chế có các phòng:
1. Phòng tổng hợp
2. Phòng Pháp chế ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm
3. Phòng Pháp chế Tài chính ngân sách
4. Phòng Pháp chế Thuế, phí, lệ phí.
Nhiệm vụ cụ thể của các Phòng nói trên do Vụ trưởng
Vụ pháp chế quy định.
Vụ Pháp chế tổ chức làm việc theo chế độ tổ chức
phòng kết hợp với chế độ chuyên viên. Đối với những công việc thực hiện theo chế
độ chuyên viên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm tổ chức công việc, phân
công nhiệm vụ cho công chức phù hợp với chức danh tiêu chuẩn, năng lực và
chuyên môn được đào tạo để hoàn thành nhiệm vụ.
Biên chế của Vụ Pháp chế do Bộ trưởng Bộ Tài
chính quy định.
Điều 4. Trách nhiệm, quyền hạn
của Vụ trưởng
1. Tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm
vụ của Vụ được quy định tại Điều 2 Quyết định này.
2. Tiếp nhận toàn bộ các văn bản quy phạm pháp
luật và các văn bản khác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao;
3. Ký các văn bản hướng dẫn, giải thích, trả lời
vướng mắc thuộc lĩnh vực công tác của Vụ và các văn bản ký thừa lệnh, ủy quyền
của Bộ trưởng theo quy chế làm việc của Bộ.
4. Yêu cầu các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ cung cấp
tài liệu, số liệu theo quy định.
Điều 5. Hiệu lực và trách
nhiệm thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký. Bãi bỏ Quyết định số 128/2003/QĐ-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng
Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ
Pháp chế.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp
chế, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ và Chánh Văn Phòng Bộ Tài chính chịu
trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ;
- Như Điều 5;
- VPĐU, CĐ;
- Website BTC;
- Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Vũ Văn Ninh
|