BỘ XÂY DỰNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1193/QĐ-BXD
|
Hà Nội, ngày
28 tháng 12 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ XÂY DỰNG THỰC HIỆN CHIẾN
LƯỢC XUẤT KHẨU HÀNG HOÁ THỜI KỲ 2011-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày
04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày
25/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chương trình hành động thực hiện
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm
2030”;
Căn cứ Văn bản số 7978/BCT-XNK ngày 27/8/2012
của Bộ Công Thương về việc xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất
khẩu hàng hoá thời kỳ 2011-2012, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động của Bộ
Xây dựng thực hiện Chiến lược xuất khẩu hàng hoá thời kỳ 2011-2020, định hướng
đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số
2471/QĐ-TTg ngày 28/12/2011.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Hội đồng thành viên, Hội đồng
quản trị, Tổng Giám đốc các Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng và đơn vị, cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công Thương;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Xây dựng các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng;
- Các cơ quan thuộc Bộ;
- Các Tổng Công ty, Công ty nhà nước thuộc ngành xây dựng;
- Website Bộ Xây dựng;
- Lưu VT,VLXD.
|
BỘ TRƯỞNG
Trịnh Đình Dũng
|
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ XÂY DỰNG
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT KHẨU HÀNG HOÁ THỜI KỲ 2011 – 2020,
ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1193/QĐ-BXD ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ
trưởng Bộ Xây dựng)
I. Mục tiêu
Ngày 28/12/2011 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết
định số 2471/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược xuất khẩu hàng hoá thời kỳ
2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Ngày 25/7/2012 Thủ tướng Chính phủ ban
hành Quyết định số 950/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện
Chiến lược xuất khẩu hàng hoá thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Để cụ
thể hoá Chiến lược xuất khẩu hàng hoá và Chương trình hành động của Thủ tướng
Chính phủ, Bộ Xây dựng ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất khẩu
hàng hoá thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu sau:
- Phát triển vật liệu xây dựng, bên cạnh việc
đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước đồng thời lựa chọn những sản phẩm có lợi
thế để xuất khẩu, trong đó chú trọng các sản phẩm được sản xuất với trình độ
công nghệ cao.
- Lựa chọn khu vực thị trường hợp lý, phù hợp
cho từng loại sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) để xuất khẩu, nhằm phát huy hết
công suất sản xuất của các dây chuyền đã đầu tư, tạo nguồn thu ngoại tệ bù đắp
một phần đã chi ra nhập máy móc thiết bị, vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất.
II. Các nhiệm vụ chủ yếu
1. Phát triển xản xuất các mặt hàng VLXD
- Xây dựng, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy
hoạch ngành VLXD: Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam; Quy hoạch phát
triển công nghiệp xi măng Việt Nam, Quy hoạch các nhóm sản phẩm VLXD như: Quy
hoạch gạch ốp lát và sứ vệ sinh, vôi công nghiệp, vật liệu không nung, kính xây
dựng, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 của
Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện Chương trình đổi mới công nghệ quốc
gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số
677/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 với các sản phẩm được lựa chọn có thế mạnh xuất khẩu
của ngành sản xuất VLXD như xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng.
- Ứng dụng công nghệ mới, tiến tới làm chủ công
nghệ; xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ việc ứng dựng công nghệ mới, công nghệ
xanh, tận dụng phế thải làm nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm VLXD, giảm ô
nhiễm môi trường, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm như: Công nghệ sử dụng
rác thải y tế, rác sinh hoạt vào nung xi măng, sử dụng nhiệt thừa của các nhà
máy xi măng để phát điện, sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp để sản xuất
vật liệu xây không nung, từng bước thay thế vật liệu nung.
- Một số sản phẩm VLXD có lợi thế, có tiềm năng
xuất khẩu:
+ Kính xây dựng;
+ Gạch ốp lát;
+ Đá ốp lát;
+ Sứ vệ sinh và phụ kiện;
+ Vôi công nghiệp;
+ Xi măng (sản lượng xuất khẩu hàng năm khoảng bằng
10-15% công suất thiết kế).
2. Phát triển thị trường, xúc tiến thương mại đối
với các mặt hàng VLXD
- Củng cố, duy trì, từng bước đẩy mạnh xuất khẩu
các mặt hàng VLXD vào các thị trường truyền thống như:
+ Các nước Đông Nam á (Lào, Cam Pu Chia, Thái
Lan, Ma lai xi a, Mi an ma, Indonesia);
+ Các nước Bắc á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc);
+ Các nước Châu Âu (Nga, Đức, Pháp);
- Nghiên cứu thị trường mới, thị trường tiềm
năng tiêu thụ các sản phẩm VLXD như: Các nước Tây á, Nam phi (Ả-rập Xê-út,
Ba-ranh, Ca-ta, Cô-oét, Gióc-đa-ni, I-ran, I-rắc, I-xra-en, Li-băng, Ô-man, Thổ
Nhĩ Kỳ, U.E.A, Xi-ri, Yê-men, Nigeria, An-giê-ri…).
- Đề xuất với Bộ Công Thương tạo điều kiện cho
các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh VLXD tiếp cận với các chương trình xúc tiến
thương mại của Chính phủ tới các thị trường tiêu thụ các sản phẩm VLXD.
- Duy trì tổ chức Hội chợ Xây dựng - Vật liệu
xây dựng - Trang trí nội, ngoại thất tại các khu vực trong nước, tiến tới tổ chức
triển lãm ở nước ngoài, trước hết là các nước lân cận trong khối ASEAN để giới
thiệu các sản phẩm mới, công nghệ mới của ngành VLXD Việt Nam ra thị trường khu
vực và thế giới.
- Khuyến khích hình thành các trung tâm thương mại
lớn chuyên về sản phẩm VLXD tại các thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn để
phục vụ cho người tiêu dùng trong nước đến thăm quan mua sắm và là đầu mối giao
dịch với các đối tác nước ngoài.
- Phát huy thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam
ở nước ngoài giới thiệu, quảng bá sản phẩm VLXD của nước ta với người tiêu dùng
các nước.
- Đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, giới
thiệu sản phẩm VLXD trên các trang web.
- Khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu hàng
hoá VLXD đăng ký bản quyền thương hiệu sản phẩm của mình ở các nước tiêu thụ sản
phẩm.
- Tổ chức tìm hiểu hành lang pháp lý (chế độ
chính sách, hàng rào kỹ thuật, thủ tục nhập khẩu…); phương thức thanh toán; tập
quán v.v.. ở các nước có tiềm năng nhập khẩu VLXD của Việt Nam.
3. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ xuất khẩu
- Phát triển nguồn nhân lực có trình độ về xuất
nhập khẩu hàng hoá tại các doanh nghiệp có xuất khẩu VLXD.
- Hình thành các bộ phận nghiên cứu hỗ trợ pháp
lý phục vụ công tác xuất khẩu hàng hoá tại các doanh nghiệp lớn có khả năng xuất
khẩu các sản phẩm VLXD.
- Khuyến khích các Doanh nghiêp, Hội, Hiệp hội
tham gia vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu
các sản phẩm VLXD.
4. Tăng cường kiểm soát hàng nhập khẩu
- Rà soát hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn sản
phẩm hàng hóa, các thông tư quy định về điều kiện nhập khẩu hàng hóa VLXD phù hợp
với thông lệ quốc tế, nhằm đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ đối với
hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam.
- Tăng cường các biện pháp quản lý hàng hóa VLXD
nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế.
5. Tăng cường vai trò của các Hội, Hiệp hội
ngành hàng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá VLXD
- Các Hội, Hiệp hội ngành hàng VLXD đẩy mạnh
công tác điều tra đánh giá , dự báo thị trường, xu hướng giá cả, cung cấp thông
tin liên quan đến thị trường, chính sách của các nước có nhu cầu nhập khẩu các
mặt hàng VLXD cho các hội viên, để chủ động trong tiếp cận với thị trường mới
và phòng ngừa rủi ro khi thị trường có biến động.
- Tăng cường vai trò của các Hội, Hiệp hội trong
việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm hỗ trợ
các doanh nghiệp.
6. Đề xuất cơ chế chính sách về thương mại, tài
chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa VLXD xuất khẩu
- Nghiên cứu đề xuất các chính sách phát triển
ngành công nghiệp VLXD bền vững, bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với tiết kiệm
tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách khuyến
khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hội, hiệp hội tham gia vào lĩnh vực đào tạo nguồn
nhân lực phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm VLXD.
- Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ công tác
tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm hàng hoá VLXD phục vụ cho xuất khẩu.
III. Tổ chức thực hiện
Nhiệm vụ của các đơn vị cụ thể như sau:
1. Vụ Vật liệu xây dựng:
- Tổ chức triển khai kế hoạch, là đầu mối theo
dõi tình hình thực hiện kế hoạch.
- Tổ chức xây dựng đề án: “Phát triển vật liệu
xây dựng để sử dụng trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030”
trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai thực hiện đề án sau khi phê duyệt.
- Đôn đốc, kiểm tra và định kỳ hàng năm tổng hợp
tình hình thực hiện Kế hoạch, báo cáo Lãnh đạo Bộ và gửi Bộ Công Thương tổng hợp
báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch
tổng thể phát triển VLXD Việt Nam, Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt
Nam và Quy hoạch các nhóm sản phẩm VLXD.
2. Vụ Kế hoạch Tài chính: Lập kế hoạch bố trí
kinh phí hàng năm để thực hiện các đề án do các đơn vị chức năng lập và triển
khai thực hiện Kế hoạch.
3. Các đơn vị trực thuộc Bộ:
Hàng năm với chức năng nhiệm vụ của mình xây dựng
hế hoạch, đăng ký các dự án thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động, định
kỳ hàng năm đánh giá hiệu quả, kết quả thực hiện nhiệm vụ, đề án được phân công
gửi Vụ Vật liệu xây dựng để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ.
4. Các Tổng Công ty thuộc Bộ Xây dựng:
- Hàng năm xây dựng kế hoạch cải tiến công nghệ
và thiết bị, nâng cao năng xuất lao động, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu
thị trường trong nước và xuất khẩu;
- Đầu tư nghiên cứu công nghệ mới, sản phẩm mới;
- Nghiên cứu sử dụng các loại phế thải làm
nguyên liệu, nhiên liệu để sản xuất VLXD nhằm giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi
phí, hạ giá thành sản phẩm để tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị
trường.
- Tích cực tìm hiểu thị trường, đặc biệt là các
thị trường các nước lân cận, thị trường có sức cạnh tranh, xây dựng kế hoạch xuất
khẩu sản phẩm của đơn vị mình.