Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 4103/QĐ-BCT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Công thương Người ký: Vũ Huy Hoàng
Ngày ban hành: 03/08/2010 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 4103/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công Thương giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, các doanh nghiệp ngành Công Thương, Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng;
- Các Thứ trưởng;
- Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện CTMTQG ứng phó với BĐKH BCT;
- Các Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ;
- Văn phòng CTMTQG ứng phó với BĐKH;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, ATMT.

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
(Kèm theo Quyết định số 4103/QĐ-BCT ngày 03 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu Bộ Công Thương)

Biến đổi khí hậu là vấn đề môi trường toàn cầu, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, đã và đang tác động mạnh đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước ta, tác động đến sự phát triển bền vững của các ngành, trong đó có ngành Công nghiệp và Thương mại.

Thực hiện Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp các cơ quan trong và ngoài Bộ, các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương ứng phó với biến đổi khí hậu (sau đây gọi là Kế hoạch hành động).

Với chức năng quản lý ngành Công Thương, Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao chủ trì thực hiện một số chương trình, đề án như Chương trình mục tiêu quốc gia về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025” và các chương trình, đề án khác có liên quan. Do đó, kết quả hoạt động của Kế hoạch hành động này cùng với kết quả của các Chương trình, Đề án khác sẽ góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thiết thực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động công nghiệp và thương mại.

Biến đổi khí hậu là vấn đề mới, việc nhận dạng, đánh giá được hết các tác động tiềm tàng của nó tới hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Kế hoạch hành động cần liên tục được cập nhật, hoàn thiện; việc tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động cần tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nước phát triển theo tinh thần Công ước khung của Liên Hợp Quốc và đặc biệt cần có sự chủ động của các doanh nghiệp, các cơ quan thuộc Bộ, sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương trên phạm vi cả nước.

1. QUAN ĐIỂM

1.1. Các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu (bao gồm: “thích ứng” và “giảm nhẹ phát thải nhà kính”) được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; ứng phó với những tác động, ảnh hưởng trước mắt cùng những tác động tiềm ẩn lâu dài. Ứng phó hôm nay sẽ giảm được thiệt hại trong tương lai. Trong quá trình xây dựng, rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Công Thương phải lồng ghép yếu tố tác động do biến đổi khí hậu nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của toàn xã hội.

1.2. Ngành Công Thương sẽ ưu tiên cho nhiệm vụ “thích ứng”, đồng thời sẵn sàng thực hiện việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên cơ sở sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, công nghệ của cộng đồng quốc tế, đáp ứng các mục tiêu là duy trì sự ổn định của bầu khí quyển, tăng trưởng bền vững, đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia theo nguyên tắc “Trách nhiệm chung nhưng có phân biệt” được xác định trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).

1.3. Việt Nam không thuộc Phụ lục 1 của UNFCCC, chưa có nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính nhưng với trách nhiệm chung cùng cộng đồng thế giới bảo vệ “Trái đất”, hoạt động của các doanh nghiệp ngành Công Thương luôn phải cân nhắc, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế của doanh nghiệp với sự phát triển bền vững của toàn ngành, hướng tới một nền “Công nghiệp xanh”, nền kinh tế “Các bon thấp”.

2. MỤC TIÊU

2.1. Mục tiêu chung

2.1.1. Đánh giá được những tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đồng thời xác định các giải pháp “thích ứng” phù hợp, biện pháp phòng ngừa khả thi nhằm ứng phó với BĐKH cho các lĩnh vực do Bộ quản lý;

2.1.2. Các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch và việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phải được tích hợp các vấn đề về biến đổi khí hậu;

2.1.3. Phối hợp triển khai đồng bộ với các Chương trình “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học” và các Chương trình khác có liên quan; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ phát thải ít các bon, tận dụng cơ hội xanh hóa nền công nghiệp, hướng tới phát triển nền kinh tế “Các bon thấp”; đề xuất các biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng theo định hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

2.2. Mục tiêu cụ thể

Trên cơ sở phân kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch hành động của Bộ Công Thương được chia thành 3 giai đoạn:

2.2.1. Giai đoạn I (Đến cuối năm 2010): giai đoạn khởi động

2.2.1.1. Nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động công nghiệp, thương mại cho mọi đối tượng trong ngành Công Thương.

2.2.1.2. Xây dựng phương pháp luận và nhận dạng những tác động do biến đổi khí hậu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành Công Thương, đề xuất các giải pháp cụ thể có tính khả thi, tập trung theo hai hướng thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để triển khai trong giai đoạn 2011 – 2015.

2.2.1.3. Danh mục các chương trình, nhiệm vụ, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Công Thương được ban hành để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2015.

2.2.2. Giai đoạn II (2011 – 2015): giai đoạn triển khai

2.2.2.1. Nhận thức về biến đổi khí hậu trong toàn ngành Công Thương được nâng cao trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Cập nhật và nhận dạng được những nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với một số lĩnh vực công nghiệp, thương mại trọng điểm; Đến 2013, hoàn thành việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến ngành Công Thương dựa trên kịch bản đã công bố.

2.2.2.2. Rà soát, lồng ghép các khía cạnh của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng trong việc xây dựng và ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có nguy cơ chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

2.2.2.3. Điều tra, khảo sát, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến các hoạt động công nghiệp và thương mại, đề xuất các giải pháp ứng phó.

2.2.2.4. Kiểm soát việc phát thải khí nhà kính trong các quá trình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại.

2.2.2.5. Phối hợp có hiệu quả với Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và các chương trình khác có liên quan để đảm bảo vừa đạt được mục tiêu của Chương trình, vừa giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

2.2.2.6. Triển khai một số dự án thí điểm áp dụng các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại theo hướng “Các bon thấp”, thân thiện với khí hậu.

2.2.2.7. Xây dựng các dự án trung hạn, dài hạn; triển khai thí điểm chuyển giao công nghệ xanh, thân thiện với khí hậu cho các sản phẩm tiêu thụ nhiều nhiên liệu, năng lượng trên cơ sở kêu gọi sự tài trợ quốc tế các nguồn lực tài chính và công nghệ.

2.2.2.8. Bước đầu xây dựng được đội ngũ chuyên gia về biến đổi khí hậu và am hiểu các lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương, làm lực lượng nòng cốt cho việc triển khai Kế hoạch hành động trong giai đoạn III và những năm tiếp theo.

2.2.3. Giai đoạn III (sau 2015): giai đoạn phát triển

2.2.3.1. Triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực của ngành Công Thương theo kế hoạch được đề xuất ở giai đoạn khởi động và cập nhật trong giai đoạn 2011 – 2015.

2.2.3.2. Nhân rộng các kết quả đạt được từ những dự án thí điểm trên cơ sở huy động nguồn vốn trong nước, doanh nghiệp và các nguồn tài trợ theo định hướng thích ứng với biến đổi khí hậu vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế.

2.2.3.3. Tiếp tục phát triển, nhân rộng kết quả của Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và các Chương trình khác có liên quan.

3. CÁC NHIỆM VỤ CỦA KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

3.1. Nhóm nhiệm vụ 1: Tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực

3.1.1. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thông tin về đường lối, chính sách và tình hình tác động của biến đổi khí hậu đến các hoạt động công nghiệp, thương mại; Đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó, cũng như những thành tựu khoa học và công nghệ trong nước và trên thế giới về biến đổi khí hậu.

3.1.2. Tổ chức các chương trình tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế về biến đổi khí hậu và các giải pháp ứng phó trong ngành Công Thương.

3.1.3. Nâng cao năng lực, phát triển nguồn nhân lực có trình độ trong việc quản lý, đánh giá và đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Công Thương thông qua các Chương trình đào tạo, khoa học công nghệ trong nước và quốc tế về biến đổi khí hậu.

3.2. Nhóm nhiệm vụ 2: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến các lĩnh vực của ngành Công Thương

3.2.1. Phân tích, đánh giá, dự báo tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến các hoạt động công nghiệp và thương mại, đề xuất các giải pháp ứng phó.

3.2.2. Phân loại những hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

3.2.3. Rà soát, đánh giá tác động, lồng ghép, tích hợp các yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp và thương mại.

3.3.4. Điều tra, khảo sát đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến an ninh năng lượng và đề xuất các giải pháp thích ứng.

3.3. Nhóm nhiệm vụ 3: Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu

3.3.1. Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xây dựng và đề xuất các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu bao gồm: quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm soát tác động của BĐKH và NBD đến ngành Công Thương; nghiên cứu các công nghệ mới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, công nghệ phát thải các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện Việt Nam.

3.3.2. Xây dựng phương pháp và thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại có mức sử dụng và tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu lớn.

3.3.3. Xây dựng và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ và định hướng phát triển “Công nghiệp xanh”, hướng tới nền kinh tế “Các bon thấp” và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

3.3.4. Xây dựng các chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, chuyển đổi nguyên, nhiên vật liệu đầu vào theo hướng “các bon thấp”.

3.3.5. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành; giữa Trung ương và địa phương trong quản lý, điều hành các chương trình, dự án, nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc ngành Công Thương.

3.4. Nhóm nhiệm vụ 4: Triển khai thực hiện một số dự án thí điểm ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng tập trung theo hướng cải tiến, áp dụng các công nghệ mới, thân thiện với khí hậu, sử dụng hiệu quả, … tiết kiệm các nguồn tài nguyên bao gồm: năng lượng, nguyên nhiên, vật liệu …

3.4.1. Áp dụng thí điểm chương trình quản lý cơ sở dữ liệu kiểm soát tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến các đơn vị ngành Công Thương tại một số khu vực trọng điểm.

3.4.2. Áp dụng chuyển giao công nghệ mới, thân thiện với khí hậu cho một số đơn vị, cơ sở nhạy cảm với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng trong ngành Công Thương.

3.4.3. Triển khai một số giải pháp thí điểm về khả năng thích ứng đối với một số đơn vị thuộc ngành Công Thương bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

3.4.4. Xây dựng quy trình, phương pháp, thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho các quá trình sản xuất công nghiệp.

4. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

4.1. Giải pháp về cơ chế, chính sách

4.1.1. Đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho việc triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

4.1.2. Đề xuất và triển khai các cơ chế chính sách nhằm xã hội hóa, đa dạng hóa, thu hút nguồn lực đến từ trong và ngoài nước để triển khai có hiệu quả hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

4.1.3. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách thu hút, thúc đẩy đầu tư của các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển trong lĩnh vực phát triển nguồn năng lượng mới, tái tạo.

4.1.4. Khuyến khích việc phát triển các tổ chức tham gia các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ việc triển khai nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.

4.2. Giải pháp về tài chính

4.2.1. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình được phân bổ từ nguồn Ngân sách Nhà nước dành cho Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu Bộ Công Thương sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học và từ nguồn vốn ODA.

4.2.2. Nguồn vốn Ngân sách Nhà nước sẽ được sử dụng trong việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách trong bối cảnh biến đổi khí hậu; điều tra, khảo sát, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực, tuyên truyền nâng cao nhận thức; đề xuất các giải pháp, xây dựng các danh mục đề cương nhiệm vụ, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hỗ trợ triển khai thí điểm một số dự án, mô hình trong ngành Công Thương.

4.2.3. Nguồn vốn ngân sách dành cho hoạt động khoa học và công nghệ hàng năm được phân bổ cho Bộ Công Thương sẽ bố trí một phần hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công Thương.

4.2.4. Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế thông qua các hoạt động hợp tác song phương, đa phương.

4.3. Giải pháp về đầu tư, đào tạo nâng cao năng lực

4.3.1. Tăng cường và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân trong ngành Công Thương.

4.3.2. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho hệ thống cán bộ nòng cốt ứng phó với biến đổi khí hậu trong các cơ quan, đơn vị ngành Công Thương.

4.3.3. Đầu tư có chọn lọc cho một số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ các trang thiết bị đo lường, quan trắc kiểm tra và kiểm soát khí thải có tác động tới biến đổi khí hậu.

4.4. Giải pháp về khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế

4.4.1. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc nghiên cứu các công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ phát thải “Các bon thấp”, thân thiện với khí hậu phù hợp trong điều kiện Việt Nam.

4.4.2. Nghiên cứu phương pháp luận lồng ghép, tích hợp các yếu tố biến đổi khí hậu trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành Công Thương.

4.4.3. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới về công nghệ thông tin, ứng dụng có hiệu quả công nghệ hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System) trong xây dựng Chương trình quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương.

4.4.4. Chủ động tìm kiếm, thu hút, tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các nguồn tài trợ về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế thông qua các Chương trình hợp tác song phương, đa phương trong quá trình triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công Thương.

5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

5.1. Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu Bộ Công Thương (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan thực hiện có hiệu quả các nội dung Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công Thương, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Công Thương về kết quả hoạt động, định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (cấp Trung ương) theo quy định. Các cơ quan, đơn vị, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, triển khai thực hiện như sau:

a) Văn phòng Biến đổi khí hậu giúp việc Ban Chỉ đạo (Sau đây gọi tắt là Văn phòng Biến đổi khí hậu) có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng nội dung, kế hoạch tổng thể triển khai Chương trình giai đoạn 2010 – 2015 và từng năm thực hiện, điều phối chung các hoạt động thực hiện Chương trình thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.

b) Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao giúp Ban Chỉ đạo phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Bộ, các Sở Công Thương, các doanh nghiệp ngành Công Thương thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

- Phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Xây dựng cơ chế quản lý, điều hành, hướng dẫn thực hiện Kế hoạch hành động.

- Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, hàng năm tổ chức hướng dẫn các đơn vị tham gia xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình; thẩm định và phê duyệt thuyết minh đề cương các nhiệm vụ, dự án về biến đổi khí hậu, ký kết các Hợp đồng, nghiệm thu sản phẩm, thanh lý Hợp đồng theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp các đơn vị truyền thông tổ chức hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho ngành Công Thương.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động cũng như các hoạt động khác có liên quan, định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo.

c) Vụ Tài chính: phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cùng các đơn vị có liên quan cân đối, bố trí kinh phí thực hiện Chương trình, hướng dẫn các đơn vị có liên quan về thủ tục quản lý, sử dụng kinh phí, đề xuất các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí này;

d) Vụ Khoa học và Công nghệ: phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đề xuất giải pháp, tổ chức triển khai các nội dung nghiên cứu khoa học công nghệ về ứng phó và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành Công Thương;

e) Vụ Hợp tác quốc tế: tìm kiếm các cơ hội hợp tác quốc tế trong việc thu hút đầu tư, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, nâng cao năng lực … thực hiện các nội dung của Kế hoạch hành động.

Phối hợp với Văn phòng Biến đổi khí hậu tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội thảo, đàm phán, hợp tác song phương, đa phương về biến đổi khí hậu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.

f) Vụ Năng lượng: xây dựng, đề xuất và tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, dự án về phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ, phát triển các dự án có liên quan, các biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu;

g) Các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị khác thuộc Bộ: căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ động nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nội dung của Kế hoạch hành động theo kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm (2011 – 2015).

5.2. Các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có liên quan trong ngành Công Thương căn cứ mục tiêu, nội dung, yêu cầu của Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu Bộ Công Thương phối hợp, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình.

Hàng năm, trước ngày 15 tháng 3, các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện Chương trình đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm trước và đề xuất kế hoạch, nội dung thực hiện năm tiếp theo gửi về Văn phòng Biến đổi khí hậu để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 


PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ DỰ ÁN ƯU TIÊN TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU BỘ CÔNG THƯƠNG
(Kèm theo Quyết định số 4103/QĐ-BCT ngày 03 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu Bộ Công Thương)

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Tên nhiệm vụ, dự án

Mục tiêu

Dự kiến nội dung và sản phẩm

Thời gian thực hiện

Kinh phí

Nguồn kinh phí

Nhóm nhiệm vụ, dự án 1

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH và NBD

 

 

1

Xây dựng và triển khai chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về tác động của BĐKH và NBD đến ngành Công Thương

Nâng cao nhận thức cho đông đảo cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương

- Các Chương trình truyền thông tuyên truyền thông tin tác động của BĐKH đến hoạt động ngành Công Thương được đăng tải

2011-2015

1.500

NSNN và tài trợ Quốc tế

2

Xây dựng bộ tài liệu tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân ngành Công Thương ứng phó với BĐKH

Xây dựng hệ thống tài liệu tuyên truyền, phổ biến kiến thức về mối quan hệ của BĐKH và NBD với ngành Công Thương

Tài liệu tuyên truyền, giảng dạy, tập huấn chuyên ngành tác động về BĐKH và NBD đối với ngành Công Thương

2011-2012

2.000

NSNN và tài trợ Quốc tế

3

Tổ chức, tham gia Hội nghị, Hội thảo, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực ở trong nước và Quốc tế  cho mạng lưới cán bộ nòng cốt của ngành Công Thương phục vụ quá trình triển khai Kế hoạch hành động

Đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt có trình độ chuyên môn sâu về biến đổi khí hậu phục vụ quá trình triển khai KHHĐ

- Tổ chức và tham gia các hoạt động:

- Hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về biến đổi khí hậu;

- Cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH và NBD ở trong nước và quốc tế;

- Hình thành mạng lưới cán bộ nòng cốt đủ năng lực triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến BĐKH của ngành.

2011-2015

3.000

NSNN và tài trợ Quốc tế

Nhóm nhiệm vụ, dự án 2

Tích hợp, rà soát, đánh giá tác động của BĐKH và NBD đến lĩnh vực Công Thương, tìm hiểu và tận dụng các cơ hội phát triển trong bối cảnh BĐKH

 

 

4

Khảo sát, đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng (NBD) đến hoạt động sản xuất công nghiệp của các lĩnh vực trọng điểm và đề xuất giải pháp ứng phó

- Xác định, đánh giá được mức độ nhạy cảm, khả năng chịu tác động của BĐKH và NBD cho các hoạt động sản xuất công nghiệp trọng điểm;

- Đề xuất các giải pháp ứng phó với BĐKH trước mắt và lâu dài cho ngành

- Số liệu, tài liệu khảo sát đánh giá tác động của BĐKH và NBD đến hoạt động của ngành;

- Các giải pháp ứng phó thích hợp

2011-2012

4.000

NSNN và tài trợ Quốc tế

5

Đánh giá tác động của BĐKH và NBD đến hoạt động thương mại và đề xuất các giải pháp ứng phó

Xác định được mức độ nhạy cảm, khả năng chịu tác động của BĐKH và NBD đến các hoạt động thương mại: lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, kinh doanh thương mại, kho tàng bến bãi, …

- Đề xuất các giải pháp ứng phó hiệu quả với BĐKH

- Số liệu, tài liệu đánh giá tác động của BĐKH đến:

- hoạt động lưu thông hàng hóa;

- Kho tàng, bến bãi, khu vực kinh doanh, trung tâm thương mại trọng điểm;

- Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa;

- Đề xuất các giải pháp ứng phó

2011-2012

4.000

NSNN và tài trợ Quốc tế

6

Điều tra, khảo sát và đề xuất cách thức tiếp cận và tham gia thị trường “Các bon” thế giới của các dự án cơ chế phát triển sạch ngành Công Thương

- Điều tra, khảo sát, học tập kinh nghiệm tham gia thị trường “Các bon” thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

- Đề xuất phương thức, mua bán, cách tiếp cận, cơ chế tài chính thực hiện có hiệu quả các dự án CDM trong ngành Công Thương;

- Báo cáo hiện trạng khai thác, cách tiếp cận và triển khai các dự án CDM cho ngành Công Thương;

- Đánh giá, xác định các tiêu chí áp dụng và triển khai các dự án CDM trên thế giới, so sánh, đánh giá tình hình cụ thể ở Việt Nam;

- Phân tích nguyên nhân về những kết quả đạt được và chưa đạt được, đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế của việc triển khai các dự án CDM ở Việt Nam;

- Dự báo xu hướng phát triển và cơ chế thực hiện các dự án CDM thế giới, khả năng áp dụng cho Việt Nam

2011-2012

2.500

NSNN và tài trợ Quốc tế

7

Tích hợp, lồng ghép các vấn đề BĐKH và NBD vào Kế hoạch phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2011-2016 và Chiến lược phát triển ngành giai đoạn 2011-2020

Nâng cao tính chủ động và giảm nhẹ thiệt hại do BĐKH và NBD đối với kế hoạch, chiến lược phát triển ngành Công Thương

Kế hoạch phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2011-2016 và Chiến lược phát triển ngành giai đoạn 2011-2020 được tích hợp, lồng ghép vấn đề tác động của BĐKH

2011

1.500

NSNN và tài trợ Quốc tế

8

Đánh giá tác động của BĐKH và NBD đến các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp giai đoạn 2011 – 2015, có xét đến năm 2020 và đề xuất các giải pháp ứng phó

Nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các chiến lược và giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH đối với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp.

- Các chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp được lồng ghép yếu tố BĐKH và nước biển dâng.

- Các giải pháp phù hợp ứng phó với BĐKH.

2011-2012

3.000

NSNN và tài trợ Quốc tế

9

Đánh giá tác động của BĐKH đến các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành thương mại Việt Nam và đề xuất giải pháp ứng phó

Nâng cao tính khả thi và hiệu quả thực hiện chiến lược, quy hoạch ngành thương mại, giảm thiểu những tác động tiêu cực do BĐKH và NBD

- Các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành thương mại được lồng ghép yếu tố BĐKH và nước biển dâng.

- Các giải pháp phù hợp ứng phó với BĐKH.

2011-2012

3.000

NSNN và tài trợ Quốc tế

10

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến an ninh năng lượng quốc gia

Đảm bảo sự bền vững và an ninh năng lượng Quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu

- Rà soát các vấn đề liên quan đến đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, bao gồm:

- Các nguồn nhiên liệu cung cấp cho quá trình sản xuất năng lượng.

- Khả năng dự trữ, mức độ an toàn của các công trình đảm bảo cung cấp năng lượng cho phát triển KTXH.

- Các vấn đề có liên quan đến bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia.

2011-2012

3.000

NSNN và tài trợ Quốc tế

Nhóm nhiệm vụ, dự án 3

Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng, đề xuất và triển khai các giải pháp ứng phó với BĐKH và NBD cho ngành công thương

 

 

11

Xây dựng chương trình quản lý cơ sở dữ liệu tổng hợp cho ngành Công Thương phục vụ ứng phó với BĐKH

- Kiểm soát, nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH và NBD trước mắt cũng như lâu dài cho các hoạt động của ngành Công Thương;

- Áp dụng Chương trình quản lý cơ sở dữ liệu hiện đại phục vụ công tác quản lý chuyên ngành nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH

- Chương trình phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngành Công Thương có tích hợp công nghệ GIS (Geographic Information System: hệ thống thông tin địa lý) phục vụ nhu cầu kiểm soát những yếu tố tác động của BĐKH đến nội bộ ngành và những vấn đề có liên quan:

- Thành lập bản đồ phân bố các khu vực sản xuất công nghiệp và thương mại nhạy cảm với biến đổi khí hậu.

- Đánh giá mức độ, nguy cơ tác động của BĐKH và NBD đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại.

- Xây dựng Chương trình quản lý cơ sở dữ liệu quản lý các thông số về phát thải khí nhà kính và các vấn đề có liên quan

2011-2012

3.000

NSNN và tài trợ Quốc tế

12

Nghiên cứu khả năng ứng dụng các công nghệ mới, thân thiện với khí hậu trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại phù hợp với điều kiện Việt Nam

Đề xuất danh mục các công nghệ mới, thân thiện với khí hậu có tiềm năng áp dụng, phù hợp với điều kiện ngành Công Thương

- Báo cáo đánh giá khả năng ứng dụng, cơ sở khoa học tiềm năng áp dụng công nghệ mới, thân thiện với khí hậu cho từng lĩnh vực trong ngành Công Thương.

- Danh mục các công nghệ mới, thân thiện với khí hậu phù hợp với ngành Công Thương

2011-2015

1.000

NSNN và tài trợ Quốc tế

Nhóm nhiệm vụ, dự án 4

Xây dựng và đề xuất các giải pháp cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động ứng phó với BĐKH và NBD trong lĩnh vực công thương, nghiên cứu tận dụng cơ hội, đề xuất các nội dung định hướng phát triển công nghiệp xanh

 

 

13

Xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động phát triển năng lượng tái tạo: khảo sát, thăm dò, đánh giá tiềm năng, xây dựng đề án;

Đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, góp phần giảm phát thải khí nhà kính

Các cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ cho các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam

2010-2011

2.000

NSNN và tài trợ Quốc tế

14

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ chuyển đổi nguyên nhiên vật liệu đầu vào theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới hình thành nhãn “Thân thiện với khí hậu” cho các sản phẩm hàng hóa, dây chuyền công nghệ phát thải các bon thấp sau năm 2015; 

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ hợp tác với các tổ chức quốc tế áp dụng công nghệ phát thải ít “các bon”, từng bước hiện đại hóa nền công nghiệp, định hướng phát triển công nghiệp xanh và nền kinh tế “Các bon thấp”.

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động chuyển đổi, áp dụng công nghệ phát thải “các bon thấp”

2011-2012

1.500

NSNN và tài trợ Quốc tế

15

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích áp dụng BAT/BEP (Kỹ thuật tốt nhất hiện có/ Kinh nghiệm môi trường tốt nhất);

Thúc đẩy các hoạt động áp dụng công nghệ sử dụng tiết kiệm tài nguyên, nguyên liệu góp phần giảm phát thải khí nhà kính

Các cơ chế chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ BAT/BEP được đề xuất

2011-2012

1.000

NSNN và tài trợ Quốc tế

16

Nghiên cứu, tận dụng các cơ hội, đề xuất các nội dung phát triển công nghiệp xanh

- Đánh giá tiềm năng, cơ hội phát triển công nghiệp xanh cho ngành Công Thương

- Đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh;

- Đề xuất các nội dung, kế hoạch phát triển công nghiệp xanh

- Báo cáo đánh giá tiềm năng và cơ hội phát triển công nghiệp xanh;

- Dự thảo các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp xanh;

- Đề xuất nội dung kế hoạch phát triển công nghiệp xanh.

2011-2012

1.000

NSNN và tài trợ Quốc tế

Nhóm nhiệm vụ, dự án 5

Hỗ trợ hoạt động quản lý, điều hành, triển khai một số dự án thí điểm thích ứng với BĐKH

 

 

17

Hỗ trợ công tác quản lý điều hành chung của Ban Chỉ đạo các hoạt động khác có liên quan đến thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu Bộ Công Thương giai đoạn 2010-2015

Nâng cao hiệu quả các hoạt động của Chương trình thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương

- Xây dựng các Quy trình quản lý, điều hành Chương trình;

- Thẩm định các thuyết minh nhiệm vụ, dự án về BĐKH.

- Nghiệm thu kết quả các Chương trình, nhiệm vụ, dự án về BĐKH.

- Hỗ trợ các hoạt động của Ban Chỉ đạo, tham gia các Hội thảo, diễn đàn, đàm phán về biến đổi khí hậu.

2011-2015

2.500

NSNN và tài trợ Quốc tế

18

Triển khai ứng dụng thí điểm Chương trình quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm soát tác động của BĐKH đến ngành Công Thương tại một số khu vực nhạy cảm với BĐKH và NBD

Ứng dụng thí điểm, đánh giá hiệu quả Chương trình quản lý cơ sở dữ liệu kiểm soát tác động của BĐKH với ngành Công Thương

- Thành lập cơ sở dữ liệu ngành Công Thương.

- Đánh giá hiệu quả Chương trình.

- Rà soát, chỉnh sửa các Môđun, hoàn thiện Chương trình, bàn giao sản phẩm ứng dụng

2013

2.000

NSNN và tài trợ Quốc tế

19

Xây dựng, quy trình, phương pháp kiểm kê KNK cho các quá trình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại

Phục vụ nghĩa vụ kiểm kê KNK theo tinh thần Công ước Khung về BĐKH của Việt Nam

Xây dựng Quy trình, phương pháp và thực hiện kiểm kê KNK cho các quá trình Công nghiệp và hoạt động Thương mại phát thải KNK

2011-2013

4.000

NSNN và tài trợ Quốc tế

20

Ứng dụng công nghệ đồng phát nhiệt, điện trong các ngành công nghiệp

Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Các công nghệ được áp dụng, triển khai ở những nơi phù hợp

2012-2015

10.000

Tài trợ Quốc tế

21

Triển khai một số mô hình sử dụng nhiên liệu phát thải carbon thấp thay thế nhiên liệu hóa thạch tại các vùng có tiềm năng đối với các lò đốt, nồi hơi có đủ điều kiện thay thế (trấu, rơm rạ …)

Đa dạng hóa các nguồn năng lượng thay thế, tận dụng nguyên, nhiên liệu đốt phát thải khí nhà kính thấp

Triển khai áp dụng các dự án thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu phát thải carbon thấp tại khu vực có tiềm năng

2012-2015

5.000

Tài trợ Quốc tế

22

Thu hồi khí CH4 từ khai thác than hầm lò, tận dụng cho quá trình sản xuất năng lượng

Giảm phát thải khí nhà kính trong khai thác than, triển khai thành các dự án CDM;

- Các dự án thu hồi khí CH4 triển khai tại khu vực khai thác than.

- Xây dựng các dự án CDM.

2012-2015

10.000

Tài trợ Quốc tế

23

Thu hồi khí đồng hành trong khai thác dầu khí

Tận dụng, tiết kiệm nhiên liệu trong khai thác dầu khí, giảm phát thải khí nhà kính

- Các dự án thu hồi khí đồng hành trong khai thác khoáng sản

- Kết hợp xây dựng các dự án CDM

2011-2015

20.000

Tài trợ Quốc tế

24

Thu hồi khí CH4 từ các khu xử lý nước thải tập trung, nguồn nước thải có chứa hàm lượng chất hữu cơ cao

- Giảm phát thải khí nhà kính từ quá trình xử lý nước thải công nghiệp

- Đa dạng hóa nguồn nhiên liệu đốt sinh nhiệt

- Các dự án thu hồi khí CH4

- Sử dụng khí CH4 trong quá trình đốt, sinh nhiệt

2012-2015

10.000

Tài trợ Quốc tế

25

Thu hồi CO2 phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, lò nung vôi công suất lớn

- Giảm phát thải khí nhà kính;

- Tận dụng tạo ra các sản phẩm phụ từ quá trình thu hồi CO2, phục vụ mục đích khác.

Các dự án thu hồi khí CO2 được triển khai

2012-2015

10.000

Tài trợ Quốc tế

26

Ứng dụng, chuyển giao công nghệ phát thải “các bon thấp”, thân thiện với khí hậu cho một số ngành sản xuất công nghiệp nhạy cảm với BĐKH và NBD như thép, hóa chất, luyện kim, điện, khai thác khoáng sản

Triển khai thí điểm việc chuyển giao công nghệ thích ứng với BĐKH và NBD trong nước và quốc tế, đánh giá hiệu quả, lập phương án nhân rộng mô hình khi có cơ hội

Các công nghệ thích ứng, thân thiện với khí hậu được chuyển giao và vận hành có hiệu quả

2012-2015

33.000

Ngân sách từ các đơn vị triển khai dự án và tài trợ Quốc tế

Các chương trình, nhiệm vụ, dự án khác có liên quan

 

 

27

Nghiên cứu, chế tạo hoặc sử dụng các động cơ và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng điện (>90%) trong công nghiệp và thương mại

Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Các động cơ hiệu suất cao và các giải pháp nâng cao hiệu suất động cơ trong công nghiệp và thương mại

 

 

NSNN và tài trợ Quốc tế thuộc Chương trình, đề án (*)

28

Khảo sát, nghiên cứu ứng dụng và đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ nâng cao hiệu suất nhiệt cho các nồi hơi công nghiệp > 70%

Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

- Báo cáo hiện trạng hiệu suất nồi hơi trong công nghiệp

- các giải pháp nâng cao hiệu suất nồi hơi công nghiệp

 

 

NSNN và tài trợ Quốc tế thuộc Chương trình, đề án (*)

29

Triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ sử dụng nhiên liệu LPG, nhiên liệu sinh học thay thế nhiên liệu truyền thống (xăng, DO, FO, than, khí …);

Hỗ trợ triển khai áp dụng công nghệ sử dụng nguồn nhiên liệu LPG, nhiên liệu sinh học, dần thay thế nhiên liệu truyền thống (xăng, DO, FO, than, khí …); giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Từng bước triển khai áp dụng công nghệ sử dụng nhiên liệu LPG, nhiên liệu sinh học thay thế nhiên liệu hóa thạch

 

 

NSNN và tài trợ Quốc tế thuộc Chương trình, đề án (**)

Tổng cộng:

143.500

 

Tổng số tiền bằng chữ: Một trăm bốn mươi ba tỷ năm trăm triệu đồng.

Ghi chú:

(*): Dự án đang thực hiện trong Chương trình MTQG sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 04 năm 2006.

(**): Dự án đang triển khai trong Đề án phát triển nhiên liệu sinh học theo Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2007.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 4103/QĐ-BCT ngày 03/08/2010 ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công Thương giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.994

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.133.39
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!