ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1336/KH-UBND
|
Đắk Lắk, ngày 28
tháng 02 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
TỔ
CHỨC, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 05/2016/NQ-HĐND NGÀY 20/8/2016 CỦA HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ BẢO TỒN, PHÁT HUY VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TỈNH ĐẮK LẮK, GIAI
ĐOẠN 2016-2020
Căn cứ Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 30/8/2016
của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh
Đắk Lắk, giai đoạn 2016-2020; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức,
triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 30/8/2016 của Hội đồng
nhân dân tỉnh, gồm các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Tiếp tục thực hiện các nội dung đã cam kết trong hồ
sơ đệ trình UNESCO, trong giai đoạn 2016-2020; giữ gìn, bảo tồn, khai thác và
phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng; từng bước khôi phục không gian
văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn
tỉnh;
Giới thiệu, quảng bá giá trị di sản Không gian văn
hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk đến với bạn bè trong nước và quốc tế; bảo tồn và
phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng trong thời kỳ công nghiệp
hóa-hiện đại hóa đất nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh,
góp phần thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng
và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị
quyết số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng
yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
2. Mục tiêu cụ thể
- Cấp trang phục và hỗ trợ kinh phí cho 75 đội
chiêng, đội văn nghệ có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng
chiêng;
- Phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh có
trên 70% buôn đồng bào các dân tộc tại chỗ có cồng chiêng;
- Hoàn thành nội dung về thống kê, sưu tầm các bài
chiêng cổ, số lượng nghệ nhân truyền dạy, số lượng cồng chiêng;
- 100% các huyện, thị xã, thành phố được tổ chức
các lớp truyền dạy về cách đánh cồng chiêng và chỉnh chiêng;
- 100% số trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh
được phổ biến kiến thức và tổ chức hoạt động ngoại khóa về văn hóa cồng chiêng.
II. NỘI DUNG BẢO TỒN, PHÁT HUY
VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG
1. Thông tin tuyên truyền: Đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và đồng bào các
dân tộc bản địa nhận thức một cách sâu sắc về trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá
trị văn hóa cồng chiêng; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung
ương và địa phương tuyên truyền về di sản văn hóa cồng chiêng trên các phương
tiện thông tin đại chúng.
2. Trang bị cồng chiêng: Cấp phát cồng
chiêng cho các Đội chiêng có thành tích ở các buôn, nhằm khích lệ, động viên
tinh thần các nghệ nhân đánh chiêng cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm, gìn
giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trong sinh hoạt cộng đồng.
3. Truyền dạy cồng chiêng: Mở lớp truyền dạy
đánh cồng chiêng, kỹ năng thẩm âm, chỉnh chiêng; truyền dạy sử thi và nghệ thuật
hát kể sử thi; truyền dạy dân ca, dân vũ cho con em đồng bào các dân tộc bản địa
trong toàn tỉnh nhằm trao truyền cho thế hệ kế cận và mai sau.
4. Cấp trang phục: Cấp trang phục cho các Đội
chiêng, Đội văn nghệ ở các buôn có nhiều thành tích trong việc bảo tồn, gìn giữ
và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng để các Đội chiêng, Đội văn nghệ chủ động
hơn trong việc tập luyện, giao lưu, biểu diễn tại cộng đồng, ở trong và ngoài tỉnh.
5. Phục dựng lễ hội: Phục dựng một số lễ hội
truyền thống có nguy cơ mai một của đồng bào các dân tộc bản địa gắn với diễn tấu
cồng chiêng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng.
6. Thống kê, sưu tầm các bài chiêng cổ, nghệ
nhân dân gian: Tổ chức sưu tầm, ghi chép, thống kê, lưu giữ các bài chiêng
cổ trong nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp của đồng bào các dân tộc bản
địa (ghi âm, ghi hình, chụp ảnh tư liệu). Thống kê số lượng nghệ nhân dân gian
có khả năng truyền dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng và nhớ được các bài
chiêng hiện có.
7. Giao lưu văn hóa cồng chiêng: Tổ chức
giao lưu văn hóa cồng chiêng giữa các buôn và các Cụm trong tỉnh, để các nghệ
nhân có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy di
sản văn hóa cồng chiêng tại cộng đồng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc
bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.
8. Xuất bản sách và đĩa hình: Xuất bản sách,
đĩa CD về nội dung hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk,
giai đoạn 2016-2020 để phát hành đến buôn đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa
bàn tỉnh.
9. Tổ chức hội nghị, hội thảo: Tổ chức các hội
nghị, hội thảo chuyên đề về bảo tồn phát huy giá trị của di sản văn hóa cồng
chiêng; đánh giá kết quả thực hiện đề án, định hướng bảo tồn, phát huy trong
giai đoạn tiếp theo.
III. PHÂN KỲ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Năm 2017 (tiếp tục thực hiện các nội dung của
năm 2016)
In tờ rơi, tin, bài, các phóng sự tuyên truyền trên
các phương tiện thông tin đại chúng về văn hóa cồng chiêng. In băng, đĩa hình về
các nghi lễ - lễ hội liên quan đến cồng chiêng. Thống kê, sưu tầm các bài
chiêng cổ (ghi âm, ghi hình, chụp ảnh).
Mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, dân ca dân vũ,
kỹ năng chỉnh chiêng tại các huyện, thị xã, thành phố. Phục dựng lễ cúng cây
nêu cầu an của người Êđê. Cấp trang phục truyền thống cho 30 đội chiêng, đội
văn nghệ. Hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho các đội chiêng, đội văn nghệ. Tổ chức
giao lưu văn hóa cồng chiêng thuộc 3 Cụm trong tỉnh. Trang bị chiêng cho 20
buôn.
Đăng cai tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây
Nguyên năm 2017: Đêm hội diễn tấu Cồng chiêng Tây Nguyên; Phục dựng các nghi thức,
nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng; Hội thi tạc
tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên; Cuộc thi triển lãm Ảnh nghệ thuật về
chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”.
2. Năm 2018
In tờ rơi, tin, bài, các phóng sự tuyên truyền trên
các phương tiện thông tin đại chúng về văn hóa cồng chiêng. Xuất bản tập sách, ảnh
về các hoạt động văn hóa cồng chiêng. Thống kê, sưu tầm các nghệ nhân dân gian
biết truyền dạy đánh cồng chiêng (ghi âm, ghi hình, chụp ảnh).
Mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, hát kể sử thi,
dân ca dân vũ, kỹ năng chỉnh chiêng tại các huyện, thị xã, thành phố. Phục dựng
lễ cúng cơn mưa đầu mùa của người M’Nông. Cấp trang phục truyền thống cho 15 đội
chiêng, đội văn nghệ. Hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho các Đội chiêng, Đội văn nghệ.
Tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng thuộc 3 Cụm trong tỉnh. Trang bị chiêng
cho 10 buôn.
3. Năm 2019
In tờ rơi, tin, bài, các phóng sự tuyên truyền trên
các phương tiện thông tin đại chúng về văn hóa cồng chiêng. In băng, đĩa hình về
các nghi lễ - lễ hội liên quan đến cồng chiêng. Thống kê, sưu tầm các nghệ nhân
dân gian biết truyền dạy chỉnh chiêng (ghi âm, ghi hình, chụp ảnh).
Mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, dân ca dân vũ,
kỹ năng chỉnh chiêng tại các huyện, thị xã, thành phố. Phục dựng Lễ cúng cầu
mùa của người Êđê. Cấp trang phục truyền thống cho 15 đội chiêng, đội văn nghệ.
Hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho các đội chiêng, đội văn nghệ. Tổ chức giao lưu văn
hóa cồng chiêng thuộc 3 Cụm trong tỉnh. Trang bị chiêng cho 10 buôn. Tham gia
Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai.
4. Năm 2020
Xuất bản tập sách, ảnh về văn hóa cồng chiêng. Phục
dựng lễ cúng của người Jrai. Mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, dân ca dân vũ,
kỹ năng chỉnh chiêng tại các huyện, thị xã, thành phố. Mở lớp truyền dạy hát kể
sử thi. Cấp trang phục truyền thống cho 15 đội chiêng, đội văn nghệ. Hỗ trợ chi
phí sinh hoạt cho các đội chiêng, đội văn nghệ. Tổ chức giao lưu văn hóa cồng
chiêng thuộc 3 Cụm trong tỉnh. Trang bị chiêng cho 10 buôn. Tổng kết, đánh giá
kết quả thực hiện Đề án và có Kế hoạch bảo tồn cồng chiêng trong giai đoạn tiếp
theo.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở
về vai trò, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng
chiêng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền và quảng bá
văn hóa cồng chiêng gắn với hoạt động du lịch.
2. Tăng cường quản lý nhà nước đối với di sản văn
hóa cồng chiêng nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu cồng chiêng. Thực hiện Luật
Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Di sản
văn hóa nhằm có biện pháp để bảo vệ và xử lý đối với các hành vi trộm cắp, hủy
hoại cồng chiêng.
3. Tiếp tục hỗ trợ cho các cá nhân, tập thể sưu tầm,
gìn giữ và chế tác nhạc cụ dân tộc, các nghi lễ mang đậm bản sắc của đồng bào
các dân tộc thiểu số tại chỗ.
4. Xây dựng và tổ chức hoạt động mô hình buôn kiểu
mẫu gắn với du lịch cộng đồng; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa cồng
chiêng trong sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, trong các hoạt động du lịch văn hóa.
Định kỳ hai năm một lần tham gia Lễ hội văn hóa cồng chiêng cấp tỉnh, xen kẽ 02
năm/lần tham gia Lễ hội Cồng chiêng cấp khu vực.
5. Phối hợp với các địa phương khuyến khích nghệ
nhân trực tiếp tham gia truyền dạy cồng chiêng, truyền dạy chỉnh chiêng, truyền
dạy nhạc cụ dân tộc cho con em đồng bào dân tộc trong cộng đồng. Động viên,
khuyến khích các nghệ nhân, các đội chiêng, đội văn nghệ và các gia đình gìn giữ,
phát huy văn hóa cồng chiêng.
6. Phát huy vai trò của các già làng, chức sắc tôn
giáo trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng; tích cực vận động xã hội
hóa; tăng cường nguồn lực đối với công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng
chiêng, đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho nhà văn hóa cộng đồng của
buôn đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm hỗ trợ có hiệu quả việc bảo tồn,
phát huy văn hóa cồng chiêng.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Tổng kinh phí thực hiện
Kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch bảo tồn,
phát huy văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk, giai đoạn 2016-2020 là: 10.250.000.000
đồng (Mười tỷ, hai trăm năm mươi triệu đồng)
2. Nguồn kinh phí
- Ngân sách tỉnh: 8.999.500.000 đồng
(87,8%);
- Xã hội hóa: 1.250.500.000 đồng (12,2%);
(Có Phụ lục chi tiết kèm theo).
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì,
phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố;
các tổ chức, cá nhân có liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch.
Hàng năm, chủ động xây dựng Kế hoạch chi tiết của Sở để triển khai thực hiện
các nội dung theo thời gian phân kỳ tại Kế hoạch này.
2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, tham mưu UBND tỉnh bố
trí kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch.
3. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các
cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình tỉnh, các đài truyền thanh cơ sở thực
hiện công tác tuyên truyền về việc tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch trên
các phương tiện thông tin đại chúng.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Phối hợp
với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ban, ngành của tỉnh, các đơn vị
có liên quan, chỉ đạo, cân đối, bố trí nguồn kinh phí địa phương để triển khai
thực hiện đảm bảo thời gian, mục đích, yêu cầu của Kế hoạch đề ra.
V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Các Sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị
xã, thành phố và các đơn vị có liên quan báo cáo kết quả hoạt động định kỳ vào
ngày 15/12 hàng năm, gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo
UBND tỉnh.
2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đôn đốc, tổng
hợp, báo cáo tình hình về tiến độ thực hiện Kế hoạch, những khó khăn, vướng mắc,
kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo kịp thời; tham mưu UBND tỉnh
tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức, triển khai thực hiện
Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 20/8/2016 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về bảo
tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016-2020, yêu cầu
các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL (B/c);
- TT Tỉnh ủy (B/c);
- TT HĐND tỉnh (B/c);
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UB MTTQ VN tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, Tx, Tp;
- Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ CVP, PCVP (Đ/c An);
- Lưu VT, KGVX (HTN-90b)
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tuấn Hà
|