Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 14/2015/TT-NHNN sửa đổi 19/2013/TT-NHNN mua bán xử lý nợ xấu Công ty Quản lý tài sản

Số hiệu: 14/2015/TT-NHNN Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Người ký: Nguyễn Phước Thanh
Ngày ban hành: 28/08/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2015/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2015

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 19/2013/TT-NHNN NGÀY 06 THÁNG 9 NĂM 2013 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC QUY ĐỊNH VỀ VIỆC MUA, BÁN VÀ XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định số 34/2015/NĐ-CP);

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06 tháng 9 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06 tháng 9 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam:

Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu; phát hành, quản lý và thanh toán trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi là Công ty Quản lý tài sản).”

2. Khoản 5 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“5. Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc mua, bán và xử lý nợ xấu; phát hành, quản lý và thanh toán trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản.”

3. Bổ sung khoản 8a vào sau khoản 8 và sửa đổi, bổ sung khoản 9 Điều 3 như sau:

“8a. Trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường (sau đây gọi là trái phiếu) là giấy tờ có giá có thời hạn do Công ty Quản lý tài sản phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ khi mua nợ xấu theo giá trị thị trường.

9. Ngày phát hành trái phiếu, trái phiếu đặc biệt là ngày trái phiếu, trái phiếu đặc biệt có hiệu lực và là thời điểm làm căn cứ để xác định ngày thanh toán trái phiếu.”

4. Điểm b khoản 1 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b. Phát hành, quản lý và thanh toán trái phiếu, trái phiếu đặc biệt;”

5. Bổ sung các điểm đ, e vào khoản 1 Điều 4 như sau:

“đ) Quy định nội bộ về trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường.

e) Quy định nội bộ về định giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.”

6. Bổ sung Điều 4a vào sau Điều 4 như sau:

“Điều 4a. Quy định về quản lý ngoại hối trong hoạt động mua, bán nợ của Công ty Quản lý tài sản

1. Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng bán nợ, bên mua nợ từ Công ty Quản lý tài sản, khách hàng vay và các bên liên quan khác có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam khi thực hiện mua, bán nợ và thu hồi khoản nợ được mua.

2. Khi thực hiện mua, bán nợ với Công ty Quản lý tài sản:

a) Bên mua nợ sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam để thực hiện thanh toán cho Công ty Quản lý tài sản tiền mua nợ và các chi phí có liên quan theo hợp đồng mua bán nợ đối với trường hợp sử dụng đồng tiền mua nợ là đồng Việt Nam;

b) Bên mua nợ là người không cư trú sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam hoặc tài khoản ngoại tệ của bên mua nợ tại nước ngoài để thực hiện thanh toán cho Công ty Quản lý tài sản tiền mua nợ và các chi phí liên quan theo hợp đồng mua, bán nợ đối với trường hợp sử dụng đồng tiền mua nợ là ngoại tệ.

3. Khi thu hồi nợ từ các khoản nợ được mua từ Công ty Quản lý tài sản, số tiền thu hồi nợ phải được chuyển vào 01 (một) tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam và 01 (một) tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ (đối với trường hợp khoản nợ được thu hồi bằng ngoại tệ) của bên mua nợ mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

4. Trường hợp mua, bán khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay ra nước ngoài hoặc nợ phát sinh do trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh cho bên được lãnh là người không cư trú:

a) Bên bán nợ (tổ chức tín dụng bán nợ khi bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản hoặc Công ty Quản lý tài sản khi bán nợ) thực hiện đăng ký thay đổi khoản cho vay ra nước ngoài, khoản thu hồi nợ bảo lãnh theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay ra nước ngoài và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú;

b) Bên mua nợ (Công ty Quản lý tài sản khi mua nợ hoặc bên mua nợ từ Công ty Quản lý tài sản là người cư trú) thực hiện đăng ký kế hoạch thu hồi nợ theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối đối với việc thu hồi nợ nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ mua, bán nợ.”

7. Sửa đổi, bổ sung tên Mục 2 Chương II như sau:

“Mục 2. PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU, TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN”

8. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 10. Chủ thể, mục đích và nguyên tắc phát hành trái phiếu, trái phiếu đặc biệt

1. Chủ thể phát hành trái phiếu, trái phiếu đặc biệt là Công ty Quản lý tài sản. Công ty Quản lý tài sản ủy quyền cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tổ chức phát hành trái phiếu, trái phiếu đặc biệt theo quy định tại Thông tư này.

2. Công ty Quản lý tài sản phát hành trái phiếu, trái phiếu đặc biệt để thanh toán cho các tổ chức tín dụng bán nợ khi mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

3. Việc phát hành trái phiếu, trái phiếu đặc biệt để thanh toán cho tổ chức tín dụng bán nợ được thực hiện riêng lẻ, căn cứ nhu cầu thực tế và kế hoạch phát hành trái phiếu trong Phương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường, Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

4. Một trái phiếu, trái phiếu đặc biệt quy định tại khoản 3 Điều này được phát hành tương ứng với một khoản nợ xấu được mua, bán. Trường hợp khoản nợ xấu được mua, bán là khoản cấp tín dụng hợp vốn, Công ty Quản lý tài sản phát hành trái phiếu, trái phiếu đặc biệt tương ứng cho từng tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn.”

9. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 11. Điều kiện và điều khoản của trái phiếu, trái phiếu đặc biệt

1. Mệnh giá trái phiếu, trái phiếu đặc biệt

a) Mệnh giá trái phiếu có giá trị bằng giá mua, bán của khoản nợ xấu. Mệnh giá trái phiếu đặc biệt có giá trị bằng giá mua, bán của khoản nợ xấu được quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP.

b) Đối với khoản nợ xấu được mua, bán là khoản cấp tín dụng hợp vốn, mệnh giá trái phiếu, trái phiếu đặc biệt phát hành cho từng tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn có giá trị tương ứng như sau:

(i) Giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu sau khi khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó đang được theo dõi tại tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn trong trường hợp Công ty Quản lý tài sản mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt.

(ii) Giá mua nợ xấu tính theo tỷ lệ góp vốn của từng tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn trong trường hợp Công ty Quản lý tài sản mua nợ xấu theo giá trị thị trường bằng trái phiếu.

2. Trái phiếu, trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng VND. Trái phiếu được chuyển nhượng giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng và giữa các tổ chức tín dụng với nhau. Trái phiếu đặc biệt không được chuyển nhượng.

3. Trái phiếu, trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử có định danh hoặc chứng chỉ ghi danh. Công ty Quản lý tài sản quyết định hình thức trái phiếu, trái phiếu đặc biệt.

4. Trái phiếu, trái phiếu đặc biệt có lãi suất 0%.

5. Trái phiếu, trái phiếu đặc biệt có thời hạn như sau:

a) Thời hạn của trái phiếu được xác định theo thỏa thuận giữa Công ty Quản lý tài sản và tổ chức tín dụng bán nợ, tối thiểu là 01 năm. Trường hợp số tiền thu hồi nợ chưa đủ để thanh toán trái phiếu khi trái phiếu đến hạn thanh toán, Công ty Quản lý tài sản quyết định gia hạn thời hạn của trái phiếu, tối đa không quá 03 năm, trừ trường hợp có sự đồng ý của tổ chức sở hữu trái phiếu.

b) Thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa là 05 năm. Trường hợp phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính thì thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa không quá 10 năm.

6. Trái phiếu, trái phiếu đặc biệt phải lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về lưu ký giấy tờ có giá và được sử dụng trong nghiệp vụ tái cấp vốn với Ngân hàng Nhà nước. Trái phiếu được sử dụng để tham gia nghiệp vụ thị trường mở theo quy định của pháp luật.

7. Trái phiếu, trái phiếu đặc biệt được miễn phí lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước.

8. Tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu không phải trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu.”

10. Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 14. Các yếu tố của trái phiếu, trái phiếu đặc biệt

1. Trái phiếu, trái phiếu đặc biệt có các nội dung tối thiểu sau đây:

a) Tên, địa chỉ, số Quyết định thành lập, số đăng ký kinh doanh của Công ty Quản lý tài sản;

b) Mệnh giá;

c) Lãi suất;

d) Thời hạn;

đ) Ngày phát hành;

e) Thông tin về hợp đồng mua, bán nợ, các khoản nợ xấu;

g) Thông tin về tổ chức sở hữu trái phiếu, trái phiếu đặc biệt: Tên tổ chức, số giấy phép thành lập hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh, địa chỉ của tổ chức.

h) Trường hợp trái phiếu, trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, phải có ký hiệu, số sê-ri phát hành, chữ ký của người đại diện hợp pháp của Công ty Quản lý tài sản và các chữ ký khác do Công ty Quản lý tài sản quy định và được đóng dấu của Công ty Quản lý tài sản.

2. Ngoài các nội dung được quy định tại khoản 1 Điều này, Công ty Quản lý tài sản được quy định thêm các nội dung khác trên trái phiếu, trái phiếu đặc biệt không trái với quy định của pháp luật.”

11. Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 15. Quyền và trách nhiệm quản lý, sử dụng trái phiếu, trái phiếu đặc biệt

1. Quyền và trách nhiệm của Công ty Quản lý tài sản

a) Tổ chức hệ thống quản lý, theo dõi trái phiếu, trái phiếu đặc biệt đã phát hành;

b) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu, trái phiếu đặc biệt;

c) Tiếp nhận và thanh toán trái phiếu, trái phiếu đặc biệt theo quy định của pháp luật;

d) Báo cáo Ngân hàng Nhà nước về việc phát hành, thanh toán trái phiếu, trái phiếu đặc biệt;

đ) Thanh toán đầy đủ mệnh giá trái phiếu cho tổ chức sở hữu trái phiếu khi trái phiếu phải thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 44a Thông tư này;

e) Thay mặt tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu trả nợ vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43ađiểm c khoản 2 Điều 44a Thông tư này và quy định của Ngân hàng Nhà nước về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu.

g) Thay mặt tổ chức tín dụng bán nợ sử dụng số tiền thu hồi nợ của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt mà tổ chức tín dụng bán nợ được hưởng để trả nợ vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 43 và khoản 3 Điều 44 Thông tư này và quy định của Ngân hàng Nhà nước về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt.

h) Gia hạn thời hạn của trái phiếu theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 11 Thông tư này.

2. Quyền và trách nhiệm của tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu, trái phiếu đặc biệt

a) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu, trái phiếu đặc biệt;

b) Chuyển giao, thanh toán trái phiếu, trái phiếu đặc biệt với Công ty Quản lý tài sản theo quy định của pháp luật;

c) Xác định hệ số rủi ro của trái phiếu là 0% và trái phiếu đặc biệt là 20% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của tổ chức tín dụng;

d) Được sử dụng trái phiếu đặc biệt mua lại khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản theo quy định tại Thông tư này;

đ) Được sử dụng trái phiếu, trái phiếu đặc biệt để tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; được sử dụng trái phiếu để tham gia nghiệp vụ thị trường mở;

e) Không được chuyển nhượng trái phiếu cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này.”

12. Bổ sung Điều 17a vào sau Điều 17 như sau:

“17a. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị thời hạn cụ thể của trái phiếu đặc biệt trên 5 năm

1. Tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại theo đề án, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc gặp khó khăn về tài chính, khi bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản được lập hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đề nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến về thời hạn cụ thể của các trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản phát hành cho tổ chức tín dụng trong năm đề nghị.

2. Tổ chức tín dụng lập 01 bộ hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thời hạn cụ thể trái phiếu đặc biệt khi bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản;

b) Báo cáo giải trình của tổ chức tín dụng về thời hạn trái phiếu đặc biệt bao gồm các nội dung sau đây:

(i) Thực trạng tài chính, hoạt động và các giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng;

(ii) Số nợ xấu đã bán và dự kiến bán cho Công ty Quản lý tài sản, dự phòng rủi ro đã trích lập đối với trái phiếu đặc biệt và dự phòng rủi ro dự kiến sẽ trích lập đối với trái phiếu đặc biệt tương ứng số nợ xấu dự kiến bán;

(iii) Kế hoạch trích lập dự phòng đối với trái phiếu đặc biệt theo thời hạn đề xuất phù hợp với kế hoạch kinh doanh của tổ chức tín dụng;

(iv) Lý do, sự cần thiết đề xuất thời hạn cụ thể trái phiếu đặc biệt;

(v) Tác động của việc bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản nhận trái phiếu đặc biệt đến chi phí dự phòng rủi ro, tình hình tài chính, các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng trong trường hợp áp dụng thời hạn là 05 năm của trái phiếu đặc biệt và trường hợp áp dụng thời hạn cụ thể trái phiếu đặc biệt theo đề nghị.

(vi) Nội dung khác theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 2 Điều này, Ngân hàng Nhà nước xem xét, có văn bản gửi tổ chức tín dụng về thời hạn cụ thể trái phiếu đặc biệt trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng theo trình tự sau:

a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức tín dụng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng gửi lấy ý kiến của Vụ Chính sách tiền tệ và Công ty Quản lý tài sản về đề nghị thời hạn cụ thể trái phiếu đặc biệt kèm theo hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Chính sách tiền tệ và Công ty Quản lý tài sản phải có văn bản trả lời đề nghị của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ văn bản tham gia của Vụ Chính sách tiền tệ và Công ty Quản lý tài sản, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét có văn bản gửi tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản về thời hạn cụ thể trái phiếu đặc biệt trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng.

4. Căn cứ văn bản của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản thực hiện mua, bán nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt theo thời hạn cụ thể được phê duyệt.”

13. Khoản 1 Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua theo giá trị thị trường khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này;

b) Được Công ty Quản lý tài sản đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ;

c) Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.”

14. Khoản 2 Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Phương án mua nợ theo giá trị thị trường bao gồm tối thiểu các nội dung sau đây:

a) Phạm vi các khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường (được phân loại theo nhóm khách hàng vay, ngành, lĩnh vực, loại tài sản bảo đảm);

b) Tổng số dư nợ xấu dự kiến mua, nguồn vốn (tiền, trái phiếu, nguồn vốn khác) và điều kiện tài chính của Công ty Quản lý tài sản để mua nợ theo giá trị thị trường;

c) Kế hoạch phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá trị thị trường (nếu có);

d) Phân tích, đánh giá hiệu quả, rủi ro và khả năng thu hồi vốn mua nợ theo giá trị thị trường;

đ) Biện pháp bán, xử lý nợ và tài sản bảo đảm.”

15. Điều 26 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 26. Thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường

1. Căn cứ Phương án mua nợ theo giá trị thị trường đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, năng lực tài chính, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường, Công ty Quản lý tài sản quyết định và chịu trách nhiệm về việc mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường.

2. Công ty Quản lý tài sản chỉ được mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường sau khi đã thực hiện các công việc sau:

a) Đánh giá khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư này;

b) Xác định giá trị thị trường của khoản nợ xấu, kể cả tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đó;

c) Đánh giá hiệu quả kinh tế, rủi ro và khả năng thu hồi vốn mua khoản nợ xấu;

d) Phân tích, đánh giá thực trạng và triển vọng khoản nợ xấu, khách hàng vay bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ và các điều kiện thỏa thuận mua nợ với tổ chức tín dụng bán nợ;

đ) Dự kiến các biện pháp khả thi xử lý nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.”

16. Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 27. Nguyên tắc cơ cấu lại khoản nợ xấu đã mua

1. Việc cơ cấu lại khoản nợ xấu phải đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP, Nghị định số 34/2015/NĐ-CP và Thông tư này, thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng mua bán nợ.

2. Công ty Quản lý tài sản xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của khách hàng vay và phù hợp với quy định tại Thông tư này.

3. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc cơ cấu lại nợ để hưởng lợi bất hợp pháp.

4. Công ty Quản lý tài sản thực hiện việc cơ cấu lại khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của khách hàng vay và theo quy định tại Thông tư này.”

17. Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 28. Điều chỉnh lãi suất của các khoản nợ xấu đã mua

1. Công ty Quản lý tài sản quyết định và chịu trách nhiệm về việc xem xét, điều chỉnh lãi suất áp dụng đối với khoản nợ xấu về mức lãi suất hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật và lãi suất trên thị trường trong từng thời kỳ.

2. Hằng quý, Công ty Quản lý tài sản phải công bố công khai các mức lãi suất hợp lý và cơ sở xác định các mức lãi suất này.

3. Công ty Quản lý tài sản xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất khi khoản nợ xấu và khách hàng vay đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Khách hàng vay hợp tác tốt với Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng được ủy quyền trong việc cung cấp hồ sơ thông tin, giao nhận tài sản bảo đảm và các vấn đề khác liên quan đến khoản nợ và tài sản bảo đảm;

b) Khách hàng vay gặp khó khăn tạm thời về tài chính và việc giảm lãi suất của khoản nợ xấu góp phần giúp khách hàng vay giảm bớt khó khăn tài chính, phục hồi sản xuất kinh doanh;

c) Khoản nợ xấu không vi phạm quy định tại các Điều 126, 127, 128 Luật các tổ chức tín dụng tại thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng.

4. Sau khi mua nợ, Công ty Quản lý tài sản xem xét, điều chỉnh lãi suất của khoản nợ về mức lãi suất nêu tại khoản 2 Điều này. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định điều chỉnh lãi suất của khoản nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản thông báo cho tổ chức tín dụng bán nợ (đối với khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt), khách hàng vay để biết và phối hợp thực hiện.”

18. Điều 29 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 29. Miễn, giảm tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm của các khoản nợ xấu đã mua

1. Công ty Quản lý tài sản xem xét, giảm một phần hoặc miễn toàn bộ tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm mà khách hàng vay chưa trả của khoản nợ xấu khi khách hàng vay đáp ứng các điều kiện sau:

a) Đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại khoản 3 Điều 28 Thông tư này.

b) Khách hàng vay có phương án trả nợ hoặc phương án cơ cấu lại tài chính, hoạt động khả thi để có nguồn vốn trả nợ.

2.  Khi xem xét miễn, giảm tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm của các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt, Công ty Quản lý tài sản trao đổi với tổ chức tín dụng bán nợ trước khi quyết định.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày Công ty Quản lý tài sản có văn bản đề nghị có ý kiến, tổ chức tín dụng bán nợ phải trả lời bằng văn bản về những vấn đề Công ty Quản lý tài sản đề nghị có ý kiến. Sau thời hạn trên, Công ty Quản lý tài sản quyết định và chịu trách nhiệm về việc miễn, giảm tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định miễn, giảm tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm, Công ty Quản lý tài sản thông báo bằng văn bản cho tổ chức tín dụng bán nợ (đối với khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt), khách hàng vay để biết và phối hợp thực hiện.”

19. Điều 30 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 30. Biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ của các khoản nợ xấu đã mua

1. Công ty Quản lý tài sản xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ dưới các hình thức điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với khoản nợ xấu khi khách hàng vay đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Khách hàng vay có phương án trả nợ khả thi;

b) Đối với trường hợp điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vay, khách hàng vay không có khả năng trả nợ đứng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi vay trong phạm vi thời hạn trả nợ đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp và được Công ty Quản lý tài sản đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo sau khi được cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ;

c) Đối với trường hợp gia hạn nợ, khách hàng vay không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi vay đúng thời hạn trả nợ đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp và được Công ty Quản lý tài sản đánh giá là có khả năng trả hết nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn trả nợ đã thỏa thuận;

d) Thời gian gia hạn nợ đối với khoản nợ xấu không được vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó. Trường hợp gia hạn nợ đối với khoản nợ xấu vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó, Công ty Quản lý tài sản phải có sự thống nhất bằng văn bản của tổ chức tín dụng bán nợ về khoảng thời gian gia hạn vượt thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó.

2. Khi xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt, Công ty Quản lý tài sản trao đổi với tổ chức tín dụng bán nợ trước khi quyết định.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày Công ty Quản lý tài sản có văn bản đề nghị có ý kiến, tổ chức tín dụng bán nợ phải trả lời bằng văn bản về những vấn đề Công ty Quản lý tài sản đề nghị có ý kiến. Sau thời hạn trên, Công ty Quản lý tài sản quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Công ty Quản lý tài sản thông báo bằng văn bản cho tổ chức tín dụng bán nợ (đối với khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt), khách hàng vay để biết và phối hợp thực hiện.”

20. Điều 34 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 34. Công ty Quản lý tài sản bán nợ xấu đã mua

1. Công ty Quản lý tài sản bán nợ xấu theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tuân thủ đúng quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm sự công khai, minh bạch;

c) Thu hồi tối đa khoản nợ, kể cả lãi, phí phải trả (nếu có);

d) Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân lợi dụng việc mua bán nợ xấu để hưởng lợi bất hợp pháp;

đ) Giá bán nợ là mức giá cao nhất trên cơ sở so sánh, tham khảo các mức giá chào mua của khoản nợ xấu đó hoặc mức giá của khoản nợ xấu có chất lượng tương đương hoặc giá trị khoản nợ xấu do Công ty Quản lý tài sản, tổ chức có chức năng định giá độc lập xác định để giảm tổn thất trong xử lý nợ xấu;

e) Công ty Quản lý tài sản phải bán khoản nợ xấu đã mua theo phương thức bán đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh. Trường hợp bán đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh ít nhất một lần không thành, Công ty Quản lý tài sản được thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ, bao gồm cả bên mua nợ đã tham gia đấu giá hoặc đã nộp hồ sơ chào giá cạnh tranh và bán khoản nợ cho bên mua nợ trả giá cao nhất.

2. Việc bán đấu giá khoản nợ xấu thực hiện theo các quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản của Công ty Quản lý tài sản.

3. Việc bán khoản nợ xấu theo phương thức chào giá cạnh tranh phải có sự tham gia của ít nhất 02 bên mua nợ không phải là người có liên quan với nhau theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và được thực hiện như sau:

a) Công ty Quản lý tài sản tự định giá hoặc thuê tổ chức định giá độc lập định giá khoản nợ xấu để xác định giá chào bán khoản nợ xấu.

b) Công ty Quản lý tài sản công bố thông tin về việc bán khoản nợ xấu theo hình thức chào giá cạnh tranh trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước, Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng bán nợ (đối với khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt). Công ty Quản lý tài sản quyết định nội dung công bố thông tin, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, trong đó bao gồm các thông tin chi tiết về khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu dự kiến bán; giá chào bán khoản nợ xấu; địa điểm, thời hạn công bố thông tin và tham khảo hồ sơ pháp lý; địa điểm, thời hạn nộp hồ sơ chào giá.

Thời hạn công bố thông tin và tham khảo hồ sơ pháp lý không được ít hơn 05 ngày làm việc đối với khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là động sản và không được ít hơn 15 ngày làm việc đối với khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản. Việc nộp hồ sơ chào giá được thực hiện sau khi kết thúc thời hạn công bố thông tin và tham khảo hồ sơ pháp lý và không được ít hơn 03 ngày làm việc.

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp hồ sơ chào giá, Công ty Quản lý tài sản bán khoản nợ xấu cho bên mua nợ trả giá cao nhất. Trường hợp có từ 02 bên mua nợ trả giá cao bằng nhau thì Công ty Quản lý tài sản tổ chức bốc thăm để chọn ra bên mua được nợ.

d) Việc bán nợ xấu theo phương thức chào giá cạnh tranh được coi như không thành trong các trường hợp sau:

(i) Có ít hơn 02 bên mua nợ nộp hồ sơ chào giá;

(ii) Giá cao nhất đã trả thấp hơn mức chào giá của Công ty Quản lý tài sản.

đ) Công ty Quản lý tài sản xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục, hồ sơ chào bán khoản nợ xấu theo phương thức chào giá cạnh tranh.

4. Việc bán nợ phải được lập thành hợp đồng bằng hình thức văn bản.

5. Công ty Quản lý tài sản có thể ủy quyền cho tổ chức tín dụng bán khoản nợ xấu theo các yêu cầu, điều kiện do Công ty Quản lý tài sản xác định bảo đảm tuân thủ quy định tại Thông tư này.

21. Khoản 1 Điều 35 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Công ty Quản lý tài sản thống nhất với tổ chức tín dụng bán nợ về phương thức phù hợp với quy định tại điểm e khoản 1 Điều 34 Thông tư này và điều kiện bán khoản nợ xấu (trong đó bao gồm giá khởi điểm trong trường hợp bán đấu giá hoặc giá chào bán trong trường hợp chào giá cạnh tranh hoặc giá bán trong trường hợp thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ), trừ trường hợp bán nợ quy định tại khoản 3 Điều này. Trường hợp Công ty Quản lý tài sản và tổ chức tín dụng bán nợ không thống nhất được phương thức, điều kiện bán khoản nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản bán đấu giá khoản nợ xấu theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Thông tư này.”

22. Sửa đổi, bổ sung tên Chương IV như sau:

“Chương IV

XỬ LÝ SỐ TIỀN THU HỒI NỢ, THANH TOÁN TRÁI PHIẾU, TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT VÀ MUA LẠI KHOẢN NỢ XẤU MUA BẰNG TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT”

23. Sửa đổi, bổ sung tên Điều 42 như sau:

“Điều 42. Thứ tự ưu tiên thanh toán khoản nợ xấu đã mua”

24. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 43 như sau:

“a) Nếu tổ chức tín dụng bán nợ không vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh số tiền thu hồi nợ, Công ty Quản lý tài sản gửi số tiền thu hồi nợ tại tổ chức tín dụng bán nợ dưới hình thức tiền gửi không hưởng lãi và không được rút trước thời điểm thanh toán trái phiếu đặc biệt trừ trường hợp quy định tại Điều 19 Thông tư này;”

25. Bổ sung Điều 43a vào sau Điều 43 như sau:

“Điều 43a. Xử lý số tiền thu hồi nợ của khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường bằng trái phiếu

1. Khi phát sinh số tiền, tài sản thu hồi từ khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường, Công ty Quản lý tài sản xử lý số tiền tương ứng với số tiền, tài sản thu hồi từ khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường như sau:

a) Trường hợp tổ chức sở hữu trái phiếu là Ngân hàng Nhà nước, Công ty Quản lý tài sản thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

b) Trường hợp tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu không vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu phát hành để mua khoản nợ xấu đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh số tiền, tài sản thu hồi từ khoản nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản gửi số tiền tương ứng với số tiền, tài sản thu hồi từ khoản nợ xấu (tối đa bằng mệnh giá trái phiếu) tại tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu dưới hình thức tiền gửi không hưởng lãi và không được rút trước thời điểm thanh toán trái phiếu;

c) Trường hợp tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu phát hành để mua khoản nợ xấu đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc đầu quý tiếp theo, Công ty Quản lý tài sản sử dụng số tiền tương ứng với số tiền, tài sản thu hồi từ khoản nợ xấu trong quý để trả nợ vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đó và khấu trừ số tiền này vào tổng số tiền Công ty Quản lý tài sản phải trả cho tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu khi thanh toán trái phiếu.

2. Khi số tiền, tài sản thu hồi từ khoản nợ xấu không thấp hơn mệnh giá trái phiếu, Công ty Quản lý tài sản và tổ chức sở hữu trái phiếu thực hiện thanh toán trái phiếu theo quy định tại Điều 44a Thông tư này.”

26. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 44 như sau:

“2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày trái phiếu đặc biệt đến hạn thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức tín dụng bán nợ phải hoàn trả đầy đủ số tiền vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt tương ứng (nếu có), được Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) ngừng phong tỏa trái phiếu đặc biệt theo quy định và phối hợp với Công ty Quản lý tài sản thực hiện thanh toán trái phiếu đặc biệt như sau:

a) Trường hợp chưa thu hồi được đầy đủ khoản nợ xấu (bao gồm gốc, lãi và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến khoản nợ) theo hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng bán nợ sử dụng trái phiếu đặc biệt tương ứng mua lại khoản nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc đang theo dõi trên sổ sách của Công ty Quản lý tài sản và khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay theo giá trị ghi sổ đang hạch toán nội bảng cân đối kế toán của Công ty Quản lý tài sản đối với trường hợp chuyển một phần khoản nợ xấu thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay (nếu có); được Công ty Quản lý tài sản thanh toán số tiền được hưởng trên số tiền thu hồi nợ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 43 Thông tư này (nếu có);

b) Trường hợp đã thu hồi được đầy đủ khoản nợ xấu (bao gồm gốc, lãi và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến khoản nợ) theo hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm cả trường hợp toàn bộ khoản nợ xấu đã được bán cho tổ chức, cá nhân) thì tổ chức tín dụng bán nợ sử dụng trái phiếu đặc biệt tương ứng mua lại khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay theo giá trị ghi sổ đang hạch toán nội bảng cân đối kế toán của Công ty Quản lý tài sản đối với trường hợp chuyển một phần khoản nợ xấu thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay (nếu có); được Công ty Quản lý tài sản thanh toán số tiền thu hồi nợ được hưởng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 43 Thông tư này;

c) Trường hợp toàn bộ khoản nợ xấu được chuyển thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay là doanh nghiệp thì tổ chức tín dụng bán nợ sử dụng trái phiếu đặc biệt tương ứng mua lại khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay theo giá trị ghi sổ đang hạch toán nội bảng cân đối kế toán của Công ty Quản lý tài sản, đồng thời thanh toán cho Công ty Quản lý tài sản số tiền thu hồi nợ được hưởng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 43 Thông tư này.”

27. Bổ sung Điều 44a vào sau Điều 44 như sau:

“Điều 44a. Thanh toán trái phiếu

1. Trái phiếu phải thanh toán trong các trường hợp sau đây:

a) Số tiền thu hồi từ khoản nợ xấu không thấp hơn mệnh giá trái phiếu;

b) Công ty Quản lý tài sản bán khoản nợ xấu, chuyển một phần hoặc toàn bộ khoản nợ xấu thành vốn góp, vốn cổ phần;

c) Công ty Quản lý tài sản đã thanh toán toàn bộ mệnh giá trái phiếu;

d) Trái phiếu đến hạn thanh toán.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày trái phiếu phải thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này, Công ty Quản lý tài sản thanh toán toàn bộ mệnh giá trái phiếu như sau:

a) Trường hợp tổ chức sở hữu trái phiếu là Ngân hàng Nhà nước, Công ty Quản lý tài sản thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước;

b) Trường hợp tổ chức sở hữu trái phiếu là tổ chức tín dụng và không vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu, Công ty Quản lý tài sản thanh toán số tiền bằng mệnh giá trái phiếu cho tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu và tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu trả trái phiếu cho Công ty Quản lý tài sản;

c) Trường hợp tổ chức sở hữu trái phiếu là tổ chức tín dụng và có vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu, Công ty Quản lý tài sản thay mặt tổ chức tín dụng trả nợ vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đó cho Ngân hàng Nhà nước; số tiền thanh toán trái phiếu còn lại (nếu có), Công ty Quản lý tài sản thanh toán cho tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu; Công ty Quản lý tài sản nhận lại trái phiếu từ Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp số tiền thanh toán trái phiếu không đủ để trả nợ vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đó, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trả khoản nợ vay tái cấp vốn còn thiếu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu để mua nợ theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản.”

28. Khoản 2 Điều 46 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Hằng năm, trong thời hạn 05 ngày làm việc liền kề trước ngày tương ứng với ngày đáo hạn của trái phiếu đặc biệt, tổ chức tín dụng bán nợ phải trích lập đầy đủ số tiền dự phòng cụ thể tối thiểu của năm trích lập đối với từng trái phiếu đặc biệt được tính theo công thức sau:

Trong đó:

X(m) là số tiền dự phòng cụ thể tối thiểu phải trích lập đối với trái phiếu đặc biệt tại năm thứ m;

Xm-1 là số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập đối với trái phiếu đặc biệt lũy kế đến hết năm thứ m-1;

Y là mệnh giá trái phiếu đặc biệt;

n là thời hạn của trái phiếu đặc biệt (tính bằng năm);

m là số năm kể từ thời điểm phát hành trái phiếu đặc biệt đến thời điểm trích lập;

Zm là số tiền thu hồi nợ của khoản nợ xấu lũy kế đến thời điểm trích lập (năm thứ m). Tổ chức tín dụng bán nợ phối hợp với Công ty Quản lý tài sản để xác định số tiền thu hồi này.

Trường hợp (Zm + Xm-1) ≥ ( X m) thì số tiền trích lập dự phòng cụ thể (X(m)) được tính là 0.”

29. Bổ sung các khoản 2a, 2b vào Điều 46 như sau:

“2a. Tổ chức tín dụng bán nợ quyết định việc tạm trích dần số tiền trích lập dự phòng rủi ro hằng năm đối với từng trái phiếu đặc biệt vào các kỳ trích lập dự phòng rủi ro trong năm, đảm bảo trong 05 ngày làm việc liền kề trước ngày tương ứng với ngày đáo hạn của trái phiếu đặc biệt, tổ chức tín dụng bán nợ phải trích lập đầy đủ số tiền dự phòng cụ thể tối thiểu đối với từng trái phiếu đặc biệt được tính theo công thức quy định tại khoản 2 Điều này.

2b. Các tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính không đủ khả năng trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro hằng năm đối với trái phiếu đặc biệt theo quy định tại khoản 2 Điều này báo cáo Ngân hàng Nhà nước xem xét, xử lý cụ thể đảm bảo tổ chức tín dụng bán nợ có đủ nguồn dự phòng để xử lý toàn bộ khoản nợ xấu sau khi thanh toán trái phiếu đặc biệt với Công ty Quản lý tài sản.”

30. Khoản 5 Điều 46 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“5. Tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện hoàn nhập vào thu nhập khác số tiền dự phòng rủi ro trích lập cho trái phiếu đặc biệt còn lại sau khi đã xử lý rủi ro theo quy định tại khoản 4 Điều này, hoặc hạch toán phần chênh lệch thiếu vào chi phí trong trường hợp số tiền dự phòng rủi ro đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt không đủ để xử lý rủi ro theo quy định tại khoản 4 Điều này”.

31. Bổ sung khoản 8 vào Điều 46 như sau:

“8. Hồ sơ xử lý rủi ro của tổ chức tín dụng bán nợ khi sử dụng dự phòng đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt để xử lý rủi ro đối với khoản nợ xấu sau khi mua lại từ Công ty Quản lý tài sản gồm:

a) Hồ sơ, tài liệu mua bán nợ xấu của tổ chức tín dụng bán nợ với Công ty Quản lý tài sản;

b) Tài liệu, giấy tờ liên quan đến việc Công ty Quản lý tài sản cơ cấu lại nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần.

c) Tài liệu, giấy tờ chứng minh thu nợ đối với khoản nợ xấu sau khi đã bán cho Công ty Quản lý tài sản;

d) Hồ sơ, tài liệu chứng minh số tiền đã trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản;

đ) Quyết định hoặc phê duyệt của Hội đồng xử lý rủi ro của tổ chức tín dụng về việc xử lý rủi ro;

e) Hợp đồng mua, bán lại nợ giữa Công ty Quản lý tài sản và tổ chức tín dụng bán nợ khi thanh toán trái phiếu đặc biệt.

g) Tài liệu, hồ sơ khác có liên quan.”

32. Điều 47 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 47. Nguyên tắc trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường

1. Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản quyết định và chịu trách nhiệm về việc trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ xấu phù hợp với quy định nội bộ về trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, quy định tại Thông tư này và quy định có liên quan của pháp luật.

2. Sau khi xử lý rủi ro, Công ty Quản lý tài sản phải hạch toán ngoại bảng toàn bộ số dư nợ còn phải thu hồi của khoản nợ và có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, sử dụng mọi biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ. Việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ là công việc nội bộ của Công ty Quản lý tài sản, không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay đối với khoản nợ sau khi đã được xử lý rủi ro.

3. Sau thời gian tối thiểu 05 năm kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, Công ty Quản lý tài sản được quyết định xuất toán khoản nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng sau khi được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

4. Số tiền thu hồi được từ khoản nợ đã được xử lý rủi ro được ghi nhận vào doanh thu trong kỳ của Công ty Quản lý tài sản.”

33. Bổ sung Điều 47a vào sau Điều 47 như sau:

“47a. Trích lập dự phòng đối với khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường

1. Công ty Quản lý tài sản thực hiện trích lập số tiền dự phòng đối với từng khoản nợ xấu được mua theo giá thị trường (R) theo công thức sau:

R = (A - C) x r

Trong đó:

a) A là giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản tại thời điểm ngày 15 tháng 12 hằng năm; C là giá trị khấu trừ tài sản bảo đảm của khoản nợ; r là tỷ lệ trích lập dự phòng do Hội đồng thành viên quyết định nhưng không thấp hơn 5%.

b) Trường hợp C > A thì R được tính bằng 0.

c) Trường hợp một tài sản được bảo đảm cho nhiều khoản nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản xác định tỷ lệ giá trị tài sản bảo đảm cho từng khoản nợ xấu C được tính là giá trị khấu trừ của tài sản bảo đảm nhân với tỷ lệ giá trị tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đó.

2. Hằng năm, trước ngày 15 tháng 12 Công ty Quản lý tài sản tiến hành định giá lại tài sản bảo đảm của từng khoản nợ, xác định số tiền phải trích lập dự phòng của năm đối với từng khoản nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này và thực hiện:

a) Trường hợp số tiền dự phòng phải trích của năm trích lập nhỏ hơn số dư dự phòng đã trích lập, Công ty Quản lý tài sản được hoàn nhập phần chênh lệch thừa.

b) Trường hợp số tiền dự phòng phải trích của năm trích lập lớn hơn số dư dự phòng đã trích lập, Công ty Quản lý tài sản phải trích bổ sung phần chênh lệch thiếu.

3. Tài sản bảo đảm để khấu trừ khi tính số tiền dự phòng (R) quy định tại khoản 1 Điều này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

a) Công ty Quản lý tài sản có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm và theo quy định của pháp luật khi khách hàng vay không thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết;

b) Tài sản bảo đảm phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;

c) Tài sản bảo đảm có giá trị từ 200 tỷ đồng trở lên phải được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức có chức năng thẩm định giá không đủ khả năng định giá hoặc không có tổ chức có chức năng thẩm định giá định giá các tài sản bảo đảm này, thì Công ty Quản lý tài sản thực hiện định giá theo quy định nội bộ của Công ty Quản lý tài sản.

Trường hợp tài sản bảo đảm không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại điểm a, b, c khoản này thì giá trị khấu trừ của tài sản bảo đảm đó phải coi bằng không.

4. Giá trị khấu trừ của tài sản bảo đảm được xác định bằng tích số giữa giá trị của tài sản bảo đảm quy định tại khoản 5 Điều này với tỷ lệ khấu trừ đối với từng loại tài sản bảo đảm quy định tại khoản 6 Điều này.

Công ty Quản lý tài sản tự xác định tỷ lệ khấu trừ đối với từng loại tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá khả năng thu hồi khi xử lý tài sản bảo đảm đó nhưng không được vượt quá tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với từng loại tài sản bảo đảm quy định tại khoản 6 Điều này.

5. Giá trị của tài sản bảo đảm được xác định như sau:

a) Vàng miếng: Giá mua vào tại trụ sở chính của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sở hữu nhãn hiệu vàng miếng tại thời điểm cuối ngày trước ngày trích lập dự phòng cụ thể. Trường hợp giá mua vào không được niêm yết thì giá trị vàng miếng được xác định theo quy định tại điểm d khoản này.

b) Trái phiếu Chính phủ được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán: Giá tham chiếu tại Sở giao dịch chứng khoán tại thời điểm cuối ngày trước ngày trích lập dự phòng cụ thể hoặc tại thời điểm gần nhất trước ngày trích lập dự phòng cụ thể (nếu không có giá tham chiếu tại thời điểm cuối ngày trước ngày trích lập dự phòng cụ thể). Trái phiếu Chính phủ chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán: Tính theo mệnh giá.

c) Chứng khoán do doanh nghiệp (kể cả tổ chức tín dụng) phát hành được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán: Giá tham chiếu tại Sở giao dịch chứng khoán tại thời điểm cuối ngày trước ngày trích lập dự phòng cụ thể hoặc thời điểm gần nhất trước ngày trích lập dự phòng cụ thể (nếu không có giá tham chiếu tại thời điểm cuối ngày trước ngày trích lập dự phòng cụ thể). Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá khác do doanh nghiệp (kể cả tổ chức tín dụng) phát hành: Tính theo mệnh giá.

d) Động sản, bất động sản và các loại tài sản bảo đảm khác: Trường hợp tài sản quy định tại điểm c khoản 3 Điều này thì giá trị tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều này, trường hợp còn lại thì giá trị của tài sản bảo đảm được định giá theo quy định nội bộ của Công ty Quản lý tài sản. Trường hợp không có văn bản định giá tài sản bảo đảm thì giá trị tài sản bảo đảm phải coi bằng không;

đ) Tài sản cho thuê tài chính: Số tiền thuê còn lại (giá trị tài sản cho thuê tài chính theo hợp đồng cho thuê tài chính trừ đi tiền thuê đã trả) theo hợp đồng tại thời điểm trích lập dự phòng cụ thể hoặc giá trị định giá của tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

6. Tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với tài sản bảo đảm:

a) Tiền gửi của khách hàng bằng VND: 100%;

b) Vàng miếng, trừ vàng miếng quy định tại điểm i khoản này; tiền gửi của khách hàng bằng ngoại tệ: 95%;

c) Trái phiếu Chính phủ, thẻ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành:

- Có thời hạn còn lại dưới 1 năm: 95%;

- Có thời hạn còn lại từ 1 năm đến 5 năm: 85%;

- Có thời hạn còn lại trên 5 năm: 80%.

d) Chứng khoán do các tổ chức tín dụng phát hành được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán: 70%;

đ) Chứng khoán do doanh nghiệp khác phát hành được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán: 65%;

e) Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán giấy tờ có giá, trừ các khoản quy định tại điểm c khoản này, do tổ chức tín dụng có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 50%;

Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá, trừ các khoản quy định tại điểm c khoản này, do tổ chức tín dụng không có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 30%;

g) Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán giấy tờ có giá do doanh nghiệp có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 30%;

Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán giấy tờ có giá do doanh nghiệp không có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 10%;

h) Bất động sản: 50%;

i) Vàng miếng không có giá niêm yết, vàng khác và các loại tài sản bảo đảm khác: 30%.”

34. Bổ sung Điều 47b vào sau Điều 47a như sau:

“47b. Sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường

1. Công ty Quản lý tài sản sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong các trường hợp sau:

a) Khoản nợ được Công ty Quản lý tài sản bán với giá trị thấp hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ tại Công ty Quản lý tài sản tại thời điểm xử lý rủi ro, hoặc

b) Khách hàng vay là tổ chức đã giải thể, phá sản; cá nhân chết, mất tích.

2. Hồ sơ xử lý rủi ro gồm:

a) Hồ sơ mua nợ, cơ cấu lại nợ, thu hồi nợ và bán nợ đối với các khoản nợ được xử lý rủi ro;

b) Hồ sơ tài sản bảo đảm và các giấy tờ khác có liên quan;

c) Quyết định hoặc phê duyệt của Hội đồng thành viên về kết quả trích lập dự phòng để xử lý rủi ro;

d) Quyết định hoặc phê duyệt của Hội đồng thành viên về việc sử dụng dự phòng đã trích lập để xử lý rủi ro;

đ) Đối với trường hợp khách hàng vay là tổ chức bị phá sản, giải thể, ngoài hồ sơ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, phải có bản sao được chứng thực quyết định của Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp hoặc quyết định giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

e) Đối với trường hợp khách hàng là cá nhân bị chết, mất tích, ngoài hồ sơ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, phải có bản sao được chứng thực giấy chứng tử, giấy xác nhận hoặc quyết định tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật.

g) Tài liệu, hồ sơ khác có liên quan.

3. Sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro:

a) Công ty Quản lý tài sản chỉ được sử dụng dự phòng đã trích lập để xử lý đối với khoản nợ đáp ứng đầy đủ các quy định tại các khoản 1, 2 Điều này.

b) Công ty Quản lý tài sản sử dụng dự phòng để xử lý:

(i) Phần chênh lệch thiếu giữa giá bán và giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ tại Công ty Quản lý tài sản tại thời điểm xử lý rủi ro đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, hoặc;

(ii) Giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ tại thời điểm xử lý rủi ro đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

c) Công ty Quản lý tài sản được hạch toán vào thu nhập trong kỳ đối với số dư dự phòng còn lại sau khi đã xử lý rủi ro theo quy định tại điểm b khoản này. Trường hợp số dư dự phòng không đủ để xử lý theo quy định tại điểm b khoản này, Công ty Quản lý tài sản được hạch toán phần chênh lệch thiếu vào chi phí trong kỳ.”

35. Bổ sung Điều 47c vào sau Điều 47b như sau:

“47c. Hạch toán và báo cáo việc trích lập, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường

1. Công ty Quản lý tài sản thực hiện hạch toán số tiền trích lập, sử dụng, hoàn nhập dự phòng (bao gồm cả việc hoàn nhập dự phòng trong trường hợp đã trích lập dự phòng nhưng không sử dụng) theo quy định của pháp luật.

2. Công ty Quản lý tài sản phải báo cáo kết quả trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định về Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với Công ty Quản lý tài sản do Ngân hàng Nhà nước ban hành và theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.”

36. Bổ sung khoản 7 và khoản 8 vào Điều 49 như sau:

“7. Phối hợp với tổ chức tín dụng bán nợ cung cấp kịp thời các thông tin về khoản nợ xấu cho Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) khi đề nghị phát hành, tái cấp vốn, thanh toán trái phiếu, trái phiếu đặc biệt.

8. Thực hiện khởi kiện khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm tại Tòa án trong thời hiệu khởi kiện theo quy định pháp luật.”

37. Điểm b khoản 4 Điều 50 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b. Sử dụng dự phòng cụ thể đã trích lập cho khoản nợ xấu để xử lý phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ số dư nợ gốc và giá bán khoản nợ xấu đó khi bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản. Hồ sơ xử lý rủi ro gồm:

(i) Hồ sơ, tài liệu chứng minh số tiền đã trích lập dự phòng rủi ro cụ thể cho khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa sử dụng;

(ii) Quyết định hoặc phê duyệt của Hội đồng xử lý rủi ro của tổ chức tín dụng về việc xử lý rủi ro;

(iii) Hợp đồng mua, bán nợ giữa Công ty quản lý tài sản và tổ chức tín dụng bán nợ.”

38. Bổ sung điểm đ vào khoản 4 Điều 50 như sau:

“đ. Các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm được thanh toán.”

39. Bổ sung khoản 7 vào Điều 50 như sau:

“7. Trường hợp tổ chức tín dụng mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường hoặc mua lại khoản nợ xấu theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Thông tư này từ Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng có trách nhiệm phân loại số tiền mua nợ vào nhóm có mức độ rủi ro không thấp hơn nhóm mà khoản nợ đó đã được phân loại trước khi bán cho Công ty Quản lý tài sản.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2015.

2. Đối với trái phiếu đặc biệt đã thực hiện thanh toán trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà khoản nợ xấu chưa được thu hồi đầy đủ (bao gồm gốc, lãi và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến khoản nợ) theo hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, Công ty Quản lý tài sản và tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 Thông tư này.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc của Công ty Quản lý tài sản chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Lưu: VP, Vụ PC, TTGSNH5.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Phước Thanh

STATE BANK OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 14/2015/TT-NHNN

Hanoi, August 28, 2015

 

CIRCULAR

AMENDMENTS TO SOME ARTICLES OF CIRCULAR NO. 19/2013/TT-NHNN DATED SEPTEMBER 06, 2013 OF THE GOVERNOR OF THE STATE BANK OF VIETNAM ON PURCHASE, SALE, AND SETTLEMENT OF BAD DEBTS OF VIETNAM ASSET MANAGEMENT COMPANY

Pursuant to the Law on the State bank of Vietnam No. 46/2010/QH12 dated June 16, 2010;

Pursuant to the Law on credit institutions No. 47/2010/QH12 dated June 16, 2010;

Pursuant to the Law on Enterprises No. 68/2014/QH13 dated November 26, 2014;

Pursuant to the Government's Decree No. 156/2013/NĐ-CP on August 11, 2013 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the State bank of Vietnam;

Pursuant to the Government's Decree No. 53/2013/NĐ-CP on the establishment, organization and operation of Vietnam Asset Management Company;

Pursuant to the Government's Decree No. 34/2015/NĐ-CP dated March 31, 2015 on amendments to the Government's Decree No. 53/2013/NĐ-CP on the establishment, organization and operation of Vietnam Asset Management Company (hereinafter referred to as the Decree No. 34/2015/NĐ-CP);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The Governor of the State bank of Vietnam promulgate a Circular on amendments to some Articles of Circular No. 19/2013/TT-NHNN dated September 06, 2013 of the Governor of the State bank of Vietnam on purchase, sale, and settlement of bad debts of Vietnam Asset Management Company (VAMC).

Article 1. Amendments to some Articles of Circular No. 19/2013/TT-NHNN dated September 06, 2013 of the Governor of the State bank of Vietnam on purchase, sale, and settlement of bad debts of VAMC

1. Article 1 is amended as follows:

“Article 1. Scope

This Circular deals with the purchase, sale, and settlement of bad debts; issuance, management, and redemption of special bonds and bonds directly issued to debt-selling credit institutions to purchase bad debts at market prices of VAMC."

2. Clause 5 Article 2 is amended as follows:

“5. Other entities involved in the purchase, sale, and settlement of bad debts; issuance, management, and redemption of special bonds and bonds directly issued to debt-selling credit institutions to purchase bad debts at market prices of VAMC."

3. Clause 8a is added to Clause 8; Clause 9 Article 3 is amended as follows:

“8a. Bonds directly issued to debt-selling credit institutions to purchase bad debts at market prices (hereinafter referred to as bonds) are limited-term valuable papers issued by VAMC directly to debt-selling credit institutions when purchasing bad debts at market prices.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Point b Clause 1 Article 4 is amended as follows:

“b. Issuance, management and redemption of bonds and special bonds;”

5. Point dd and Point e are added to Article 4 as follows:

“dd) Internal regulations on making and using provisions to control risks to the bad debts purchased at market prices.

e) Internal regulations on valuation of bad debts and collateral for such bad debts.”

6. Article 4a is added after Article 4 as follows:

“Article 4a. Management of foreign currencies when purchasing, selling bad debts of VAMC

1. VAMC; debt-selling credit institutions, entities that purchase debts from VAMC, borrowers, and involved parties have the responsibility to comply with regulations of law on restricted use of foreign currencies within Vietnam’s territory when purchasing, selling bad debts, and collecting purchased debts.

2. When trading in debts with VAMC:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The debt purchaser who is a non-resident shall use a payment account in a foreign currency opened at a credit institution or branch of a foreign bank permitted to do credit activities in within Vietnam’s territory, or a foreign currency account opened overseas to pay VAME for the purchased debts and relevant costs under the debt purchase contract if the currency used for purchasing debts is a foreign currency.

3. When collecting the debts purchased from VAMC, the collected debts must be transferred to 01 payment account in VND and 01 payment account in a foreign currency (for the debts collected in foreign currency) opened by the debt purchaser at commercial banks or branches of foreign banks permitted to do credit activities within Vietnam’s territory.

4. When purchasing or selling a debt derived from overseas lending or repayment for a non-resident principal debtor:

a) The debt seller (VAMC or the credit institution that sells the debt to VAMC) shall register a change to the overseas loan and collection of guaranteed debts according to applicable regulations on foreign currency management applied to overseas lending and collection of guaranteed debts for non-residents principal debtor.

b) The debt purchaser (VAMC or the entity that purchases the debt from VAMC) shall register a plan for debt collection according to applicable regulations on foreign currency management applied to collection of foreign debts derived from purchase or sale of debts.”

7. The title of Section 2 of Chapter II is changed into:

“SECTION 2. ISSUANCE OF BONDS AND SPECIAL BONDS OF VAMC”

8. Article 10 is amended as follows:

“Article 10. Issuer, purposes and principles of issuance of bonds and special bonds

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. VAMC shall issue bonds and special bonds to pay credit institutions for the purchase of their bad debts.

3. Bonds and special bonds for purchase of bad debts of debt-selling credit institutions shall be issued separately depending on the actual demand and plan for bond issuance in the Scheme for purchasing bad debts at market prices, Scheme for issuance of special bonds approved by the State bank.

4. Each bond and special bond mentioned in Clause 3 of this Article corresponds to a bad debt that is purchased. If the purchased bad debt is a syndicated loan, VAMC shall issue bonds and special bonds to each of the credit institutions that provide in the syndicated loan.”

9. Article 11 is amended as follows:

“Article 11. Terms and conditions of bonds and special bonds

1. Face value of bonds and special bonds

a) The face value of a bond is equal to the purchase price of the bad debt. The face value of a special bond equals the purchase price of the bad debt according to Clause 1 Article 14 of the Decree No. 53/2013/NĐ-CP.

b) If the purchased bad debt is a syndicated loan, the face value of bonds/special bonds to each of the credit institutions that provide in the syndicated loan will be:

(i) Book value of outstanding principal of the bad debt after deducting the unused reserve for such bad debt which is monitored by the credit institutions that provides the syndicated loan in case VAMC purchases the bad debt with special bonds.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Bonds and special bonds are issued in VND. Special bonds may be transferred between the State bank and credit institutions and among credit institutions. Special bonds must not be transferred.

3. Bonds and special bonds shall be issued in the form of book entries or identified electronic data. VAMC shall decide the forms of bonds and special bonds.

4. The interest rate of bonds and special bonds is 0%.

5. Duration of bonds and special bonds:

a) VAMC and the debt-selling credit institution shall reach an agreement on the duration of bonds, which is at least 01 year.  If the collected debt is not sufficient to redeem bonds when they mature, VAMC shall extend the duration of bonds for up to 03 more years, unless otherwise accepted by the organization that owns the bonds.

b) The maximum duration of special bonds is 05 years. In case special bonds are issued to purchase bad debts of credit institutions that are undergoing restructuring or having financial difficulties, the maximum duration of special bonds shall be 10 years.

6. Bonds and special bonds must be deposited at the State bank according to regulations of the State bank on depositing valuable papers, and used for refinancing. Bonds are used for open market operation as prescribed by law.

7. Bonds and special bonds are deposited at the State bank free of charge.

8. Credit institutions holding bonds are not required to make provision for bond-related risks.”

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

“Article 14. Elements of a bond/special bond

1. A bond/special bond shall contain at least:

a) The name, address, number of the Decision on establishment, and business registration number of VAMC;

b) The face value;

c) Interest rate;

d) Duration;

dd) Issuance date;

e) Information about the debt purchase contract and bad debts;

g) Information about the credit institution that holds the bonds/special bonds: Name of the credit institution, number of the license for establishment or Certificate of Business registration, address.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Apart from the information in Clause 1 of this Article, VAMC may add more information on the bonds or special bond as long as it does not contravene the law.

11. Article 15 is amended as follows:

“Article 15. Rights and obligations to the management and use of bonds and special bonds

1. Rights and obligations of VAMC:

a) Establish a system to manage and monitor the bonds, special bonds issued;

b) Perform the rights and duties pertaining to bonds and special bonds;

c) Receive and redeem bonds and special bonds as prescribed by law;

d) Report the issuance and redemption of bonds and special bonds to the State bank;

dd) Fully pay the organization holding bonds when they have to be redeemed as prescribed in Clause 1 Article 44a of this Circular;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Use collected bad debts that were purchased with special bonds by VAMC to repay refinancing loans based on the special bonds as prescribed in Point b Clause 1 Article 43 and Clause 3 and 44 of this Circular, and regulations on the State bank on refinancing loans based on special bonds.

h) Extend the duration of bonds as prescribed in Point a Clause 5 Article 11 of this Circular.

2. Rights and obligations of credit institutions holding bonds/special bonds:

a) Perform the rights and duties pertaining to bonds and special bonds;

b) Transfer and bonds/special bonds with VAMC for redemption as prescribed by law;

c) Set the risk factor of bonds to 0% and that of special bonds to 20% when calculating their capital adequacy ratio;

d) Use special bonds to repurchase the bad debts sold to VAMC as prescribed by this Circular;

dd) Use bonds and special bonds for refinancing at the State bank as prescribed by the State bank; use bonds to participate in open market operation.

e) Do not transfer bonds to other entities except for the case in Clause 2 Article 11 of this Circular.”

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

“17a. Application and procedures for extending duration of special bonds to more than 5 years

1. With regard to a credit institution undergoing restructuring according to a scheme approved by a competent authorities, or facing financial difficulties, when it sells its bad debts to VAMC, it may submit an application to the State bank as prescribed in Clause 2 of this Article for permission to apply a specific duration of special bonds issued by VAMC to the credit institution in that year.

2. The credit institution shall submit an application directly or by post to foreign contractor (Bank Supervision and Inspection Agency), which consists of:

a) A written request for permission to apply a specific duration to special bonds when selling bad debts to VAMC;

b) An explanation of the credit institution for the duration of special bonds, which contains:

(i) Its financial condition, operation, limits, and adequacy ratio;

(ii) The amount of bad debts that have been sold and intended to be sold to VAMC; provisions for risks to special bonds that have been made and will be made corresponding to the amount of bad debts intended to be sold;

(iii) A plan for making provision for special bonds for the proposed duration that is considered appropriate for the credit institution’s business plan;

(iv) Necessity of the specific duration of special bond period;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(vi) Other contents required by the State bank.

3. Within 15 working days from the day on which the satisfactory application is received according to Clause 2 of this Article, the State bank shall send VAMC a written response as to the specific duration of special bonds proposed by the credit institution in the following order:

a) Within 03 working days from the receipt of the satisfactory application from the credit institution, Bank Supervision and Inspection Agency shall documents mentioned in Clause 2 of this Article to the Financial policy department and VAMC to obtain their opinions about the duration of special bonds. Within 03 working days from the receipt of documents from Bank Supervision and Inspection Agency, the Financial policy department and VAMC must send a written response TO Bank Supervision and Inspection Agency.

B) Within 07 working days from the receipt of the response from the Financial policy department and VAMC, Bank Supervision and Inspection Agency shall request the Governor of the State bank to consider sending a response to the credit institution and VAMC regarding the specific duration of special bonds proposed by the credit institution.

4. According to the response of the State bank, the credit institution and VAMC shall sell/purchase bad debts with special bonds with the approved duration.”

13. Clause 1 Article 23 is amended as follows:

“1. A bad debt shall be purchased by VAMC at market prices when all of the conditions below are satisfied:

a) It meet all the conditions in Clause 1 Article 16 of this Circular;

b) VAMC considers the investment in purchasing bad debts as completely collectable;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

14. Clause 2 Article 24 is amended as follows:

“2. The plan for purchasing debts at market prices shall specify the following information:

a) The bad debts being purchased at market prices (sort by borrower, field, and type of collateral);

b) Estimated of total amount of bad debts to be purchased, sources of capital (money, bonds, other sources), and financial condition of VAMC;

c) The plan for issuing bonds to purchase bad debts at market prices (if any);

d) Analyses and assessment of effectiveness, risks, and probability of recovering the investment in purchasing debts at market prices;

dd) Measures for selling, settling debts and collateral.”

15. Article 26 is amended as follows:

“Article 26. Purchasing bad debts at market prices

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. VAMC may only purchase a bad debt at market price after the following tasks have been fulfilled:

a) Determining whether the bad debt meets the conditions in Clause 1 Article 23 of this Circular;

b) Determining the market price of the bad debt, including collateral for such bad debt;

c) Analyzing the e effectiveness, risks, and probability of investment recovery;

d) Analyzing and assessing the status and potential of the bad debt, the borrowers, guarantors, debt payers, and agreements with the debt-selling credit institution;

dd) Drawing up feasible plans for settling debts and their collateral.”

16. Article 27 is amended as follows:

Article 27. Principles for restructuring bad debts purchased

1. The restructuring of bad debts must conform to the Decree No. 53/2013/NĐ-CP, Decree No. 34/2015/NĐ-CP, this Circular, terms and conditions of the credit contract, entrustment contract, corporate bond purchase contract, or debt purchase contract.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. It is prohibited to take advantage of debt restructuring for illegal self-seeking purposes.

4. VAMC shall restructure bad debts purchased with special bonds according to borrowers’ written request and this Circular.

17. Article 28 is amended as follows:

“Article 28. Adjusting interest rates of bad debts purchased

1. VAMC shall decide and take responsibility for adjustment of interest rates to make them reasonable, conformable with law, and interest rates on the market at that time.

2. Every quarter, VAMC shall announce the reasonable interest rates and the basis for determining them.

3. VAMC shall consider reducing the interest rate of the bad debt when the borrower meets the conditions below:

a) The borrower fully cooperates with VAMC and the authorized credit institution in providing documents, information, transfer of collateral, and other issues related to the debts and collateral;

b) The borrower is facing temporary financial difficulties and the reduction in interest rate of the bad debt helps the borrower alleviate their difficulties and restore their business performance;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. After purchasing the bad debt VAMC shall consider adjusting its interest rate to the level mentioned in Clause 2 of this Article. Within 05 working days from the date of adjustment of interest rate, VAMC shall notify it to the borrowers and the debt-selling credit institution (if bad debts are purchased with special bonds).”

18. Article 29 is amended as follows:

“Article 29. Exemption, reduction of fines, fee, and overdue interest

1. VAMC shall consider reducing or exempting the fine, fee and overdue interest that is not paid by the borrower when the borrower meets the conditions below:

a) The borrower meets all the conditions in Clause 3 Article 28 of this Circular.

b) The borrower has a feasible plan for paying debts, financial or operational restructuring;

2.  VAMC shall discuss the exemption, reduction of fines, fee, and overdue interest on the bad debts purchased with special bonds with the debt-selling credit institution before making the decision.

The debt-selling credit institution shall provide its opinions about the issues raised by VACM within 10 working days from the day on which VAMC makes a written request for opinions. After that, VAMC shall decide and take responsibility for the exemption, reduction of fines, fee, and overdue interest.

3. Within 05 working days from the date of deciding the exemption, reduction of fines, fee, and overdue interest, VAMC shall send a written notification to the borrowers and the debt-selling credit institution (if bad debts are purchased with special bonds).”

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

“Article 30. Measures for rescheduling bad debts purchased

1. VAMC shall consider rescheduling the debts in the form of adjusting the repayment term or debt rescheduling when the borrower meets the conditions below:

a) The borrower has a feasible repayment plan;

b) In case of adjusting the repayment term of principle and/or interest, the borrower is incapable of duly repaying the principal and/or interest by the repayment deadline stated in the credit contract, entrustment contract, or corporate bond purchase contract, and is considered by VAMC as capable of repaying debts in the next period after the debt is rescheduled;

b) When rescheduling debts, the borrower is incapable of duly repaying the principal and/or interest within the repayment period stated in the credit contract, entrustment contract, corporate bond purchase contract, and is considered capable of paying debts within a certain period of time after the agreed repayment deadline;

d) The rescheduling of bad debts must not exceed the remaining duration of the corresponding special bonds. In case the rescheduling of bad debts exceeds the remaining duration of corresponding special bonds, VAMC shall reach a written agreement with the debt-selling credit institution on the excess time.

2. VAMC shall discuss with the debt-selling credit institution before deciding the rescheduling of bad debts purchased with special bonds.

The debt-selling credit institution shall provide its opinions about the issues raised by VACM within 10 working days from the day on which VAMC makes a written request for opinions. After that, VAMC shall make decision and take responsibility for the rescheduling of debt.

3. Within 05 working days from the date of debt rescheduling, VAMC shall send a written notification to the borrowers and the debt-selling credit institution (if bad debts are purchased with special bonds).”

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

“Article 34. VAMC selling bad debts purchased

1. VAMC shall sell bad debts on the following principles:

a) Compliance to law and the debt purchase contract;

b) Openness and transparency;

c) Maximum collection of debts, including interest and fees payable (if any);

d) It is prohibited to take advantage of bad debt transaction for illegal self-seeking purposes;

dd) The sale price of the debt is the highest price in comparison to other offers or the price of an equivalent debt, or the value of the ad debt determined by VAMC or an independent valuating organization in order to reduce loss during the settlement of bad debts.

e) VAMC must sell the bad debts purchased at auction or competitive offering. If the first auction or competitive offering is not successful, VAMC may reach an agreement with the debt buyers, including those who participated in the auction or submitted their offers, and sell the debt to the one that offer the highest price.

2. The sale of a bad debt at auction shall comply with this Circular and regulations of law on selling assets of VAMC at auction.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) VAMC sets the price or hires an independent valuating organization to do it.

b) VAMC announces information about the sale of the bad debt on the website of the State bank, VAMC, and debt-selling (if the bad debt is purchased with special bonds). VAMC shall decide the information announced, ensure openness and transparency, including detailed information about the bad debt and collateral for it, the starting/selling price; location, time for information announcement and examination of legal documents; location and time for submitting offers.

The minimum duration of information announcement and examination of legal documents 05 working days if the bad debt is secured with movable properly, and 15 working days if the bad debt is secured with real estate. Offers shall be submitted within 03 working days from the end of the period of information announcement and examination of legal documents.

c) Within 03 working days from the deadline for submitting offers, VAMC shall sell the bad debt to the entity that offers the highest price. If the highest price is offered by more than one entity, VAMC shall draw lots to select the buyer.

d) The competitive offering is considered unsuccessful in the following cases:

(i) There is only one offer;

(ii) The highest offer is still lower than the starting price set by VAMC.

dd) VAMC shall provide written instructions on procedures and documents for selling bad debts by competitive offering.

4. The sale of debts shall be made into a written contract.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

21. Clause 1 Article 35 is amended as follows:

“1. VAMC shall reach an agreement with the debt-selling credit institution on the method that is conformable with Point e Clause 1 Article 34 of this Circular and conditions for selling the bad debt (including starting price in case of auction or competitive offering, or selling price in case of direct agreement with debt buyer), except for the case in Clause 3 of this Article.  If VAMC and the debt-selling credit institution fails to reach an agreement on method and conditions for selling the bad debt, VAMC shall sell the bad debt at auction in accordance with Clause 2 Article 34 of this Circular.”

22. The title of Chapter IV is changed into:

“Chapter IV

SETTLEMENT OF DEBT REPAYMENT, REDEMPTION OF BONDS/SPECIAL BONDS, AND REPURCHASE OF BAD DEBTS WITH SPECIAL BONDS”

23. The title of Article 42 is changed as follows:

“Article 42. Order of priority for repayment of bad debts purchased

24. Point a Clause 1 of Article 43 is amended as follows:

“a) If the debt-selling credit institution does not take a refinancing loan based on special bonds, within 05 working days from the date of occurrence of the debt repayment, VAMC shall leave it at the debt-selling credit institution in the form of deposit without interest and shall not withdraw it before the redemption of special bonds, except for the case in Article 19 of this Circular;”

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

“Article 43a. Settling repayments of bad debts purchased with bonds at market prices

1. VAMC shall settle the money earned when a bad debt is purchased at market price as follows:

a) If bonds are held by the State bank, VAMC shall follow instructions of the State bank.

b) If the debt-selling credit institution does not take a refinancing loan based on the bonds issued to purchase the bad debt, within 05 working days from the day on which the money or property is obtained from debt repayment, VAMC shall leave an amount of money equivalent to the money or property obtained from debt repayment at the debt-selling credit (up to the face value of bonds) institution in the form of deposit without interest and shall not withdraw it before the redemption of bonds;

c) If the debt-selling credit institution takes a refinancing loan based on the bonds issued to purchase the bad debt, within the first 05 working days of the next quarter, VAMC shall use the amount of money to the money or property is obtained from debt repayment within the quarter to repay the refinancing loan and deduct it from the total amount payable to credit institution by VAMC when bonds are redeemed.

2. If the money or property obtained from debt repayment is not lower than face value of bonds, VAMC and the bond-holding organization shall redeem bonds as prescribed in Article 44a of this Circular.”

26. Clause 2 of Article 44 is amended as follows:

“2. Within 05 working days from the maturity date of special bonds prescribed in Clause 1 of this Article, the debt-selling credit institution shall fully repay the refinancing loan based on corresponding special bonds (if any), have the special bonds unblocked by the State bank (transaction offices), and cooperate with VAMC to redeem the special bonds as follows:

a) In case the bad debt is not fully collected (including principal, interest, and relevant financial obligations) under the credit contract, entrustment contract, or corporate bond purchase contract, the debt-selling credit institution shall use corresponding special bonds to repurchase the bad debt from VAMC at book value of outstanding principal according to VAMC’s accounting records and the stake/shares in the borrower at book value according to the balance sheet of VAMC in case part of the bad debt is converted into charter capital or shares capital of the borrower (if any); the debt-selling credit institution shall receive an amount on the debt repayment from VAMC according to Point b Clause 2 Article 43 of this Circular (if any);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) If the whole bad debt is converted into charter capital, share capital of the borrower that is an enterprise, the debt-selling credit institution shall use corresponding special bonds to repurchase the stake/shares in the borrower at book value according to the balance sheet of VAMC, and pay the VAMC an amount from the debt repayment to which VAMC is entitled according to Point a Clause 2 Article 43 of this Circular.”

27. Article 44a is added after Article 44 as follows:

“Article 44a. Redemption of bonds

1. Bonds shall be redeemed in the following cases:

a) The amount collected from the bad debt is not lower than the face value of bonds;

b) VAMC sells the bad debt, converts part or all of the bad debt into stake or shares in another enterprise;

c) VAMC has paid for the full face value of bonds;

d) The bonds are mature.

2. Within 05 working days from the redemption date of bonds prescribed in Clause 1 of this Article, VAMC shall pay for the full face value of bonds as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) If bonds are held by a credit institution which does not take a refinancing loan based on bonds, VAMC shall pay the credit institution for the face value of bonds and credit institution shall return the bonds to VAMC;

c) If bonds are held by a credit institution which takes a refinancing loan based on bonds, VAMC shall repay the refinancing loan to the State bank on behalf of credit institution; VAMC shall pay the remaining redemption amount (if any) to the credit institution and have bonds returned by the State bank. If the redemption amount is not sufficient to repay the refinancing loan, the credit institution has the responsibility to pay the difference according to regulations of the State bank on refinancing based on bonds to buy debts of VAMC at market price.”

28. Clause 2 Article 46 is amended as follows:

“2. Every year, within 05 working days before the maturity date of special bonds, the debt-selling credit institution shall make a specific provision for each special bond using the formula below:

Where:

X(m) : minimum provision for special bonds in the mth year;

Xm-1 specific accrued provision for special bonds in the m-1th year;

Y: face value of special bonds;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

m: number of years from issuance of special bonds to provision time;

Zm : accrued bad debt repayment up to provision time (mth year). The debt-selling credit institution shall cooperate with VAMC to determine the repayment.

If (Zm + Xm-1) ≥ ( X m) , the specific provision (X(m)) will be 0.”

29. Clause 2a enterprise Clause 2b is added to Article 46 as follows:

“2a. The debt-selling credit institution shall decide whether to gradually add annual provision for each special bond to the periods in the year so that 05 working days before the maturity date of special bonds, the provision for each special bonds reaches the minimum level according to the formula in Clause 2 of this Article.

2b. The credit institutions undergoing restructuring or facing financial difficulties and are not able to make annual provision for special bonds as sufficiently as prescribed in Clause 2 of this Article shall submit reports to the State bank for consideration. The State bank shall ensure that they have sufficient provision to settle all bad debts after redeeming special bonds with VAMC.”

30. Clause 5 Article 46 is amended as follows:

“5. The debt-selling credit institution shall reverse the provision for special bonds that remains after all risks are controlled as other revenues according to Clause 4 of this Article, or include the difference to expense if the provision made is not sufficient to control risks according to Clause 4 of this Article.

31. Clause 8 is added to Article 46 as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Documents about the bad debt transaction between the debt-selling credit institution and VAMC;

b) Documents about the debt restructuring, conversion of debt into stake or shares in another enterprise by VAMC.

c) Documents proving repayment of the bad debt after has been sold to VAMC;

d) Documents proving the provision for risks to special bonds corresponding to the bad debt sold to VAMC;

dd) A decision or approval of Risk Control Council of the credit institution about the risk control;

e) Debt purchase contract between VAMC and the debt-selling credit institution when redeeming special bonds.

g) Relevant documents.”

32. Article 47 is amended as follows:

“Article 47. Classifying, making, and using provisions to control risks to the bad debts purchased at market prices

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. After risks are controlled, VAMC must record the unsettled debts as an off-balance entry and monitor, urge their collection. The use of provision for controlling risks is the work of VAMC. It does not affect the borrower’s obligation to pay the risk-controlled debts.

3. After at least 05 years from the day on which provision is used to control risk and after all necessary measures taken to collect debts are unsuccessful, VAMC may decide to remove the risk-controlled debts from its balance sheet after the Ministry of Finance and the State bank grant an approval in writing.

4. The amount collected from the risk-controlled debts shall be included in the VAMC’s revenue of the period."

33. Article 47a is added after Article 47 as follows:

“Article 47a. Making provisions for bad debts purchased at market price

1. VAMC shall make provision for each bad debt purchased at market price (R) using the following formula:

R = (A - C) x r

Where:

a) A is book value of outstanding principal of the bad debt at VAMC on December 15 every year; C is deducted value of collateral for the bad debt; r is the provision ratio decided by the Board of members which is now lower than 5%.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) If a piece of property is put up as collateral for multiple bad debts, VAMC shall determine the ratio of collateral for each bad debt. C equals (=) deducted value of collateral multiplied by (x) ratio of collateral for the bad debt.

2. Every year before December 15, VAMC shall re-evaluate collateral for each bad debt, determine the annual provision for each bad debt according to Clause 1 of this Article, and perform the following tasks:

a) If the necessary annual provision is smaller than the actual provision, VAMC may reverse the difference.

a) If the necessary annual provision is higher than the actual provision, VAMC shall make additional provision.

3. Collateral to be deducted when calculating provision (R) mentioned in Clause 1 of this Article must satisfy all of the following conditions:

a) VAMC is entitled to liquidate collateral according to the contract and regulations of law if the borrower fails to fulfill their obligations as agreed.

b) The collateral must satisfy conditions for secured transactions as prescribed by law;

c) Collateral of which the value is VND 200 billion and above must be valuated by a professional valuation organization as prescribed by law. In case the valuation organization is not capable of valuating such collateral, VAMC shall carry out the valuation according to its rules and regulations.

If the collateral fails to satisfy all conditions in Point a, Point b, and Point c of this Clause, its deducted value is zero (0).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

VAMC shall determine the deduction ratio of each type of collateral itself based on assessment of possibility of recovery when liquidating such collateral. Nevertheless, the deduction ratio must not exceed the maximum deduction ration of each type of collateral prescribed in Clause 6 of this Article.

5. Value of collateral is determined as follows:

a) Gold bullions: Buying price at the headquarter of the enterprise or credit institution owning gold bullions at the end of the day preceding the day on which specific provision is made. If buying price is not posted, value of gold bullion shall be determined in accordance with Point do of this Clause.

b) Government bonds listed at the Stock Exchange: Reference price at the Stock Exchange at the end of the day preceding the day on which specific provision is made (or an earlier time if reference price is not available on that day) Government bonds that are not listed at the Stock Exchange: Face value.

c) Securities issued by enterprises (including credit institutions) listed at the Stock Exchange: Reference price at the Stock Exchange at the end of the day preceding the day on which specific provision is made (or an earlier time if reference price is not available on that day). Securities that are not listed at the Stock Exchange, other valuable papers issued by enterprises (including credit institutions): Face value.

d) Movable property, real estate, and other collateral: If property is one of those mentioned in Point c Clause 3 of this Article, its value shall comply with Point c Clause 3 of this Article; In other cases, value of collateral shall be determined in accordance with regulations of VAMC.  If there are no documents about valuation of collateral, value of collateral shall be zero (0);

dd) Finance lease property: remaining amount (value of finance lease property under finance lease contract minus (-) the rent) according to contract on the date of making provision or a value determined by a professional valuation organization as prescribed by law.

6. Maximum deduction ratio of collateral:

a) Customers’ deposit in VND: 100%

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Government bonds, saving cards, certificates of deposit, exchange bills, treasury bills issued by credit institutions:

- Remaining term less than 1 year: 95%

- Remaining term from 1 to 5 years: 85%

- Remaining term more than 5 years: 80%

d) Securities issued by credit institutions and listed at the Stock Exchange: 70%

dd) Securities issued by other enterprises and listed at the Stock Exchange: 65%

e) Securities that are not listed at the Stock Exchange, valuable papers issued by credit institutions having securities listed at the Stock Exchange other than those mentioned in Point c of this Clause: 50%

Securities that are not listed at the Stock Exchange, valuable papers issued by credit institutions without securities listed at the Stock Exchange other than those mentioned in Point c of this Clause: 30%

g) Securities that are not listed at the Stock Exchange, valuable papers issued by credit institutions having securities listed at the Stock Exchange: 30%

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h) Real estate: 50%

i) Gold bullion without fixed prices, other types of gold and other type of collateral: 30%.”

34. Article 47b is added after Article 47a as follows:

“Article 47b. Using provisions to control risks to the bad debts purchased at market prices

1. VAMC shall use provision to control risks in the following cases:

a) The debt is sold by VAMC at a lower price than its book value of outstanding principal at VAMC at the time of risk control, or

b) The borrower is an organization that has been dissolved or bankrupt, or a dead/missing person.

2. Risk control documents include:

a) Documents about purchase, restructuring, collection, and sale of risk-controlled debts;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) A decision or approval of the Board of members about the provision for risk control;

d) A decision or approval of the Board of members for the use of provision for risk control;

dd) If the borrower is an organization that has been dissolved or bankrupt, apart from the documents mentioned in Points a, b, c, d of this Clause, it is required to have a certified true copy of a court’s declaration of bankruptcy or decision on enterprise dissolution as prescribed by law.

e) If the borrower is an individual who is dead or missing, apart from the documents mentioned in Points a, b, c, d of this Clause, it is required to have a death certificate or declaration of missing person as prescribed by law.

g) Relevant documents.

3. Using provision to control risks:

a) VAMC may only use provision for the debts that meet all conditions in Clause 1 and Clause 2 of this Article.

b) VAMC shall use provision to settle:

(i) The difference between the selling price and book value of outstanding principal of the debt at VAMC at the time of risk control in the case mentioned in Point a Clause 1 of this Article, or

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) VAMC may include the provision that remains after risk control prescribed in Point b of this Clause in its income in the period.

If the provision is not sufficient for settlement as prescribed in Point b of this Clause, VAMC may include the difference in its expense in the period.”

35. Article 47c is added after Article 47b as follows:

“Article 47c. Recording and reporting the making and use of provisions for control of risks to bad debts purchased at market prices

1. VAMC shall record the amount of provision, the amount use, the amount reversed, (including unused provision that is reversed) as prescribed by law.

2. VAMC must report the result of making and use of provisions for risk control in accordance with regulations on statistical reports applied to VAMC issued by the State bank and at the request of the State bank.”

36. Clause 7 and Clause 8 are added to Article 49 as follows:

“7. Cooperate with debt-selling credit institutions to promptly provide information about bad debts to the State bank when proposing issuance, refinancing, redemption of bonds or special bonds.

8. Filing lawsuits against borrowers, debt payers, or guarantors within the time limit for filing lawsuits as prescribed by law.”

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

“b. Use the provisions for the bad debt to make up for the difference between the book value of outstanding principal and the selling price of such bad debt when it is sold to VAMC. Risk control documents include:

(i) Documents proving the unused provision for the bad debt sold to VAMC;

(ii) A decision or approval of Risk Control Council of the credit institution about the risk control;

(iii) The debt purchase contract between VAMC and the debt-selling credit institution.”

38. Point dd is added to Clause 4 Article 50 as follows:

“dd. Debt-selling credit institutions that receive special bonds with terms longer than 5 years shall not receive dividends in order to create a source for settling bad debts until such special bonds are redeemed.”

39. Clause 7 is added to Article 50 as follows:

“7. In case a credit institution purchases the bad debt at market price or repurchases its bad debt from VAMC as prescribed in Clause 3 Article 35 of this Circular, such credit institution must sort the payment for the debt into the group with a level of risk not lower than the group into which the debt was sorted before being sold to VAMC.”

Article 2. Effect

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. With regard to special bonds that are redeemed before the effective date of this Circular but are not fully collected (including principal, interest, and relevant financial obligations) under credit contracts, entrustment contracts, or corporate bond purchase contracts, VAMC and debt-selling credit institutions shall apply Point a Clause 2 Article 44 of this Circular.

Article 3. Implementation

Chief of Office, Chief Inspector, heads of units of the State bank, Directors of branches of the State bank in provinces, the Chairperson of the Executive Board, the Chairperson of the Board of members, and General Director/Director of Vietnamese credit institutions; the Chairperson of the Board of members and General Director of VAMC are responsible for organizing the implementation of this Circular./.

 

 

PP GOVERNOR
DEPUTY GOVERNOR




Nguyen Phuoc Thanh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Circular No. 14/2015/TT-NHNN dated August 28, 2015, amendments to some articles of Circular No. 19/2013/TT-NHNN on purchase, sale, and settlement of bad debts of Vietnam asset management company

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.217

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.116.195
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!