BỘ KHOA HỌC
VÀ
CÔNG NGHỆ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/VBHN-BKHCN
|
Hà Nội, ngày
31 tháng 12 năm 2014
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT
SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm
2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 21 tháng 10 năm 2006,
được sửa đổi, bổ sung bởi:
Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm
2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP
ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ
ngày 20 tháng 02 năm 2011.
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng
12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm
2005;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11
năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ,[1]
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về việc xác lập, chủ thể, nội dung,
giới hạn quyền sở hữu công nghiệp, chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, đại diện
sở hữu công nghiệp và các biện pháp thúc đẩy hoạt động sở hữu công nghiệp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác của
pháp luật dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân).
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều
kiện hưởng sự bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam theo các điều ước quốc
tế mà Việt Nam là thành viên.
Các điều ước quốc tế quy định tại khoản này bao
gồm:
a) Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp
năm 1883, sửa đổi năm 1967 (sau đây gọi tắt là “Công ước Paris”);
b) Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm
2000;
c) Hiệp định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hợp
tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ Việt Nam - Thụy Sĩ năm 1999;
d) Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến
thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) năm 1994, kể từ thời điểm
Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới;
đ) Các điều ước quốc tế khác liên quan đến việc
bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà Việt Nam là thành viên.
Điều 3. Trách nhiệm quản lý
nhà nước về sở hữu công nghiệp
1. Bộ Khoa học và Công
nghệ có trách nhiệm sau đây trong quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp:
a) Xây dựng, tổ chức
thực hiện chiến lược, chính sách bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;
b) Ban hành, trình cấp
có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về sở hữu công
nghiệp;
c) Tổ chức hệ thống cơ
quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp;
d) Hướng dẫn nghiệp vụ,
tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu công nghiệp;
đ) Tổ chức thực hiện
xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu
công nghiệp và thực hiện các thủ tục khác liên quan đến Văn bằng bảo hộ quyền sở
hữu công nghiệp;
e) Thực hiện quyền bắt
buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quy định tại Điều 147 của Luật Sở
hữu trí tuệ;
g) Chủ trì hoặc phối hợp
thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,
Nhà nước và xã hội về sở hữu công nghiệp;
h) Quản lý hoạt động
giám định sở hữu công nghiệp; cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp;
i) Kiểm tra, thanh tra
việc chấp hành pháp luật về sở hữu công nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo và
xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp;
k) Tổ chức hoạt động
thông tin, thống kê về sở hữu công nghiệp;
l) Tổ chức thực hiện
giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về sở hữu
công nghiệp;
m) Chủ trì, phối hợp với
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo,
bồi dưỡng kiến thức, pháp luật về sở hữu công nghiệp;
n) Quản lý hoạt động đại
diện sở hữu công nghiệp; cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công
nghiệp;
o) Hợp tác quốc tế về
sở hữu công nghiệp; đề xuất xử lý các vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và các quốc
gia khác về sở hữu công nghiệp.
Cục Sở hữu trí tuệ là
cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học
và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục
Sở hữu trí tuệ.
2. Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm sau đây trong quản lý nhà
nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương:
a) Tổ chức thực hiện
chính sách, pháp luật về sở hữu công nghiệp;
b) Xây dựng, ban hành
và tổ chức thực hiện quy định của địa phương về sở hữu công nghiệp;
c) Tổ chức hệ thống quản
lý hoạt động sở hữu công nghiệp tại địa phương và thực hiện các biện pháp nhằm
tăng cường hiệu quả của hệ thống đó;
d) Tổ chức tuyên truyền,
phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về sở hữu công nghiệp, thực hiện các
biện pháp đẩy mạnh hoạt động sở hữu công nghiệp;
đ) Hướng dẫn, hỗ trợ
các tổ chức, cá nhân tiến hành các thủ tục về sở hữu công nghiệp;
e) Phối hợp với các cơ
quan liên quan trong hoạt động bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và xử lý vi phạm
pháp luật về sở hữu công nghiệp;
g) Kiểm tra, thanh tra
việc chấp hành pháp luật về sở hữu công nghiệp, giải quyết khiếu nại, tố cáo về
sở hữu công nghiệp tại địa phương;
h)[2]
Quản lý chỉ dẫn địa lý thuộc địa phương,
kể cả địa danh, dấu hiệu khác chỉ
nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương;
i) Hợp tác quốc tế về
sở hữu công nghiệp tại địa phương.
Sở Khoa học và Công
nghệ là cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có
trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu
công nghiệp tại địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Khoa học và Công
nghệ.
3. Các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện
pháp luật về sở hữu công nghiệp và quản lý các đối tượng sở hữu công nghiệp do
cơ quan mình quản lý.
Điều 4. Cách tính thời hạn
Cách tính thời hạn
trong hoạt động sở hữu công nghiệp được thực hiện theo quy định về thời hạn tại
Chương VIII, Phần thứ nhất của Bộ luật Dân sự.
Điều 5. Phí, lệ phí sở hữu
công nghiệp
Bộ Tài chính chủ trì,
phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định và hướng dẫn thi hành chế độ
thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí về sở hữu công nghiệp.
Chương II
XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU
CÔNG NGHIỆP
Điều 6. Căn cứ, thủ tục xác
lập quyền sở hữu công nghiệp
1. Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế,
thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý được xác lập
trên cơ sở quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp
Văn bằng bảo hộ cho người nộp đơn đăng ký các đối tượng đó theo quy định tại Chương
VII, Chương VIII và Chương IX của Luật Sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu công nghiệp
đối với nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid
được xác lập trên cơ sở công nhận của cơ quan quản lý nhà nước đối với đăng ký
quốc tế đó.
2. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi
tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi nhãn hiệu đó theo quy
định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ mà không cần thực hiện thủ tục đăng
ký.
3. Quyền sở hữu
công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp
pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực (lãnh thổ) và lĩnh vực kinh doanh
mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký.
4. Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh
doanh được xác lập trên cơ sở đầu tư tài chính, trí tuệ hay bất kỳ cách thức hợp
pháp nào để tìm ra, tạo ra hoặc đạt được thông tin và bảo mật thông tin tạo
thành bí mật kinh doanh đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về
hình thức, nội dung các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp quy định tại các Điều
100, 101, 102, 103, 104, 105, 106, 107 của Luật Sở hữu trí tuệ, hướng dẫn trình
tự, thủ tục xử lý đơn, ban hành mẫu Văn bằng bảo hộ, Sổ đăng ký quốc gia về sở
hữu công nghiệp và quy định hình thức, nội dung Công báo Sở hữu công nghiệp.
Điều 7. Quyền đăng ký sở hữu
công nghiệp theo các điều ước quốc tế
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều
kiện để được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam quy định tại Điều 2 Nghị định này có thể nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
tại Việt Nam theo các điều ước về hoặc liên quan đến thủ tục nộp đơn quốc tế.
Các điều ước quốc tế quy định tại khoản này bao
gồm:
a) Hiệp ước hợp tác quốc tế về Bằng sáng chế năm
1970, được sửa đổi năm 1984 (sau đây gọi tắt là “Hiệp ước PCT”);
b) Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu năm
1891, được sửa đổi năm 1979 (sau đây gọi tắt là “Thoả ước Madrid”) và Nghị định
thư liên quan đến Thoả ước Madrid năm 1989 (sau đây gọi tắt là “Nghị định thư
Madrid”);
c) Các điều ước quốc tế khác về hoặc liên quan đến
thủ tục nộp đơn quốc tế mà Việt Nam là thành viên, kể từ thời điểm điều ước quốc
tế bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể nộp đơn đăng
ký quốc tế sở hữu công nghiệp để yêu cầu bảo hộ quyền của mình tại Việt Nam nếu
điều ước quốc tế có quy định.
Điều 8. Quyền đăng ký chỉ dẫn
địa lý của nước ngoài
Cá nhân, tổ chức nước ngoài là chủ thể quyền đối
với chỉ dẫn địa lý theo quy định pháp luật của nước xuất xứ có quyền đăng ký chỉ
dẫn địa lý đó tại Việt Nam.
Điều 9. Quyền đăng ký sáng
chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Nhà nước
1. Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công
nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh
phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công
nghiệp, thiết kế bố trí thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao
quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói
trên.
2. Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công
nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước góp vốn (kinh phí, phương
tiện vật chất - kỹ thuật), một phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,
thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan
nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm đại diện Nhà nước
thực hiện phần quyền đăng ký nói trên.
3. Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công
nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu - phát triển
giữa tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác, nếu trong thoả thuận
hợp tác nghiên cứu - phát triển không có quy định khác thì một phần quyền đăng
ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ đóng
góp của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. Tổ
chức, cơ quan nhà nước tham gia hợp tác nghiên cứu - phát triển có trách nhiệm
đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên.
4. Tổ chức, cơ quan nhà nước thực hiện quyền
đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí quy định tại khoản 1, khoản
2 và khoản 3 Điều này đại diện nhà nước đứng tên chủ Văn bằng bảo hộ và thực hiện
việc quản lý quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng đó,
có quyền chuyển nhượng phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết
kế bố trí của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác với điều kiện tổ chức, cá nhân
nhận chuyển nhượng phần quyền đăng ký phải trả cho Nhà nước một khoản tiền hoặc
các điều kiện thương mại hợp lý khác so với tiềm năng thương mại của sáng chế,
kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó.
Điều 10. Quyền ưu tiên của
đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu
Quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sáng chế, kiểu
dáng công nghiệp, nhãn hiệu quy định tại Điều 91 của Luật Sở hữu trí tuệ được
áp dụng như sau:
1. Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng
chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu muốn hưởng quyền ưu tiên theo quy định của
Công ước Paris, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của người nộp đơn sẽ được chấp nhận
nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Người nộp đơn là công dân Việt Nam hoặc công
dân của nước Thành viên của Công ước Paris hoặc cư trú, có cơ sở sản xuất, kinh
doanh tại Việt Nam hoặc tại nước Thành viên Công ước đó;
b) Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại
nước Thành viên của Công ước Paris và đơn đó có chứa phần tương ứng với yêu cầu
hưởng quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu;
c) Đơn đăng ký được nộp trong thời hạn sau đây kể
từ ngày nộp đơn đầu tiên: sáu tháng đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu, mười hai tháng đối với đơn đăng ký sáng chế;
d) Trong đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công
nghiệp, nhãn hiệu, người nộp đơn có nêu rõ yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và có nộp
bản sao đơn đầu tiên nêu tại điểm b khoản này trong trường hợp nộp tại nước
ngoài, trong đó có xác nhận của Cơ quan nhận đơn đầu tiên;
đ) Nộp đủ lệ phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
2. Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng
chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu muốn hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc
tế khác, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện
về quyền ưu tiên quy định trong điều ước đó.
Điều 11. Đơn quốc tế về
sáng chế
1. Trong Điều này, “Đơn PCT” được hiểu là Đơn
đăng ký sáng chế nộp theo Hiệp ước PCT, bao gồm:
a) Đơn có yêu cầu bảo hộ tại Việt Nam, được nộp
tại bất kỳ nước Thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam (sau đây gọi là
Đơn PCT có chỉ định hoặc có chọn Việt Nam);
b) Đơn được nộp tại Việt Nam, trong đó có yêu cầu
bảo hộ tại bất kỳ nước thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam (sau đây
gọi là Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam).
2. Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp
xem xét Đơn PCT có chọn hoặc có chỉ định Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau
đây:
a) Người nộp đơn tiến hành các thủ tục đăng ký
sáng chế tại cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp của Việt Nam (Giai
đoạn quốc gia) theo quy định của Hiệp ước PCT trong thời hạn ba mươi mốt tháng
kể từ ngày nộp đơn quốc tế hoặc kể từ ngày ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng
quyền ưu tiên);
b) Nộp phí, lệ phí về sở hữu công nghiệp theo
quy định của pháp luật.
3. Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam phải được làm bằng
tiếng Anh hoặc tiếng Nga và phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung
quy định tại Hiệp ước PCT. Người nộp đơn có thể nộp đơn cho cơ quan quản lý nhà
nước về sở hữu công nghiệp hoặc cho Văn
phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
4. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết
hình thức, nội dung, trình tự, thủ tục xử lý đơn PCT từ các quốc gia khác có chỉ
định hoặc có chọn Việt Nam, Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam.
Điều 12. Đơn quốc tế về
nhãn hiệu
1. Trong Điều
này, “Đơn Madrid” được hiểu là đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu nộp theo Thoả ước
Madrid hoặc theo Nghị định thư Madrid, bao gồm:
a) Đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, có
nguồn gốc từ các nước Thành viên khác của Thoả ước Madrid hoặc Nghị định thư
Madrid, sau đây gọi là Đơn Madrid có chỉ định Việt Nam;
b) Đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu tại các nước
Thành viên khác của Thoả ước Madrid hoặc Nghị định thư Madrid, nộp tại Việt Nam,
sau đây gọi là Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam.
2. Sau khi được Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở
hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Đơn Madrid có chỉ định Việt Nam được thẩm
định nội dung như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu nộp theo thể thức quốc gia.
Đối với nhãn hiệu được chấp nhận bảo hộ, cơ quan
quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp ra Quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu
đăng ký quốc tế và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Trong trường hợp
có yêu cầu của chủ sở hữu thì cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp
Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam.
3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể thực hiện
quyền đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Thoả ước Madrid hoặc theo Nghị định thư
Madrid theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn theo Thoả ước Madrid nếu yêu cầu bảo
hộ tại nước thành viên của Thỏa ước Madrid, với điều kiện đã được cấp văn bằng
bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam;
b) Nộp đơn theo Nghị định thư Madrid nếu yêu cầu
bảo hộ tại nước thành viên của Nghị định thư Madrid mà không phải là thành viên
của Thỏa ước Madrid, với điều kiện đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam.
4. Đối với Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam, cơ
quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp là cơ quan nhận đơn.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết
hình thức, nội dung, trình tự, thủ tục xử lý Đơn Madrid.
Điều 13. Xác lập quyền sở hữu
công nghiệp trên cơ sở các điều ước quốc tế về việc thừa nhận bảo hộ lẫn nhau
1. Trong trường hợp điều ước quốc tế liên quan đến
sở hữu công nghiệp mà Việt Nam là thành viên có quy định về thừa nhận, bảo hộ
quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân của các thành viên thì quyền sở hữu
công nghiệp của tổ chức, cá nhân của các thành viên khác được thừa nhận, bảo hộ
tại Việt Nam.
Quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ trong phạm
vi, thời hạn phù hợp với quy định của điều ước quốc tế và không phải thực hiện
thủ tục đăng ký theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ công bố mọi thông
tin cần thiết liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp được thừa nhận, bảo hộ tại
Việt Nam theo điều ước quốc tế.
Điều 14. Khiếu nại và giải
quyết khiếu nại liên quan đến việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp
1. Người nộp đơn và mọi tổ chức, cá nhân có quyền,
lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử
lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công
nghiệp ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công
nghiệp hoặc khởi kiện ra toà án theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật
có liên quan. Thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định tại khoản 5 Điều này.
2. Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại của cấp
trực tiếp ra quyết định hoặc thông báo liên quan đến sở hữu công nghiệp (khiếu
nại lần thứ nhất) mà khiếu nại không được giải quyết hoặc nếu không đồng ý với
quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan này thì người khiếu nại, người có
quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khiếu nại với Bộ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (khiếu nại lần thứ hai) hoặc khởi kiện tại toà
án. Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần thứ hai nêu tại khoản 5 Điều này
hoặc nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Khoa
học và Công nghệ thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp
đến quyết định đó có quyền khởi kiện tại toà án.
3. Nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng
đơn khiếu nại, trong đó phải nêu rõ họ và tên, địa chỉ của người khiếu nại; số,
ngày ký, nội dung thông báo hoặc quyết định bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lập
luận, dẫn chứng chứng minh cho khiếu nại; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc
hủy bỏ thông báo hoặc quyết định liên quan.
4. Quyền khiếu nại chỉ được thực hiện trong thời
hiệu sau đây, không kể thời gian có trở ngại khách quan khiến người khiếu nại
không thể thực hiện được quyền khiếu nại:
a) Thời hiệu khiếu nại lần đầu là chín mươi
ngày, kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định
hoặc thông báo về việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp;
b) Thời hiệu khiếu nại lần thứ hai là ba mươi
ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu quy định tại khoản 5
Điều này mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền
khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
5. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày
nhận đơn khiếu nại liên quan đến việc cấp, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ, gia hạn
hiệu lực của Văn bằng bảo hộ, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra
thông báo thụ lý hoặc từ chối thụ lý đơn khiếu nại, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của
pháp luật về khiếu nại.
Thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại không
tính vào thời hạn giải quyết khiếu nại.
6. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại thực
hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Chương III
CHỦ THỂ, NỘI DUNG, GIỚI
HẠN QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Điều 15. Chủ thể quyền sở hữu
công nghiệp
1. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp bao gồm tổ
chức, cá nhân sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 121 của
Luật Sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở
hữu công nghiệp, tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí quy định
tại Điều 122 của Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Trong trường hợp văn bằng bảo hộ đối với sáng
chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được cấp chung cho nhiều
tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 86, khoản 5 Điều 87 và khoản 2 Điều
90 của Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung của
các tổ chức, cá nhân đó. Các chủ sở hữu chung thực hiện quyền sở hữu theo quy định
của pháp luật dân sự.
Điều 16. Phạm vi quyền sở hữu
công nghiệp
1. Phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng
chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác
định theo phạm vi bảo hộ được ghi nhận trong Văn bằng bảo hộ.
2. Phạm vi quyền đối với tên thương mại được xác
định theo phạm vi bảo hộ tên thương mại, gồm tên thương mại, lĩnh vực kinh
doanh và lãnh thổ kinh doanh trong đó tên thương mại được chủ thể mang tên
thương mại sử dụng một cách hợp pháp. Việc đăng ký tên gọi của tổ chức, cá nhân
kinh doanh trong thủ tục kinh doanh không được coi là sử dụng tên gọi đó mà chỉ
là một điều kiện để việc sử dụng tên gọi đó được coi là hợp pháp.
3. Phạm vi quyền đối với bí mật kinh doanh được
xác định theo phạm vi bảo hộ bí mật kinh doanh, gồm tập hợp các thông tin tạo
thành bí mật kinh doanh, được sắp xếp theo một trật tự chính xác và đầy đủ đến
mức có thể khai thác được.
4. Các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp được hưởng
các quyền và thực hiện các nghĩa vụ theo phạm vi bảo hộ với các điều kiện quy định
tại các Điều 132, 133, 134, 135, 136, 137 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Điều 17. Tôn trọng quyền được
xác lập trước
1. Quyền sở hữu công nghiệp có thể bị huỷ bỏ hiệu
lực hoặc bị cấm sử dụng nếu xung đột với quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá
nhân khác được xác lập trước.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ
Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc đặt tên doanh nghiệp trong thủ tục đăng ký
kinh doanh để bảo đảm không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại,
chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước.
Điều 18. Quyền của tác giả
sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
1. Quyền nhân thân của tác giả quy định tại khoản
2 Điều 122 của Luật Sở hữu trí tuệ được bảo hộ vô thời hạn.
2. Quyền nhận thù lao của tác giả quy định tại khoản
3 Điều 122 của Luật Sở hữu trí tuệ được bảo hộ trong suốt thời hạn bảo hộ sáng
chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
3. Nếu giữa chủ sở hữu và tác giả không có thoả
thuận khác, việc thanh toán tiền thù lao phải được thực hiện không muộn hơn ba
mươi ngày, kể từ ngày chủ sở hữu nhận được tiền thanh toán do chuyển giao quyền
sử dụng hoặc kể từ ngày chủ sở hữu thu được lợi sau mỗi đợt sử dụng sáng chế,
kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; nếu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,
thiết kế bố trí được sử dụng liên tục thì mỗi đợt thanh toán không được quá sáu
tháng, kể từ ngày kết thúc đợt thanh toán trước.
4. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Khoa học và Công
nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn cách xác định tiền làm lợi do sử dụng sáng
chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
Điều 19. Thực hiện quyền sở
hữu của Nhà nước đối với chỉ dẫn địa lý
1. Cơ quan,
tổ chức có quyền quản lý chỉ dẫn địa lý quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật
Sở hữu trí tuệ bao gồm:
a) Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng
với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp chỉ dẫn địa lý thuộc một địa phương;
b) Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đại diện theo uỷ quyền của
các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nơi có khu vực địa
lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp chỉ dẫn địa lý thuộc nhiều địa
phương;
c) Cơ quan,
tổ chức được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý với điều
kiện cơ quan, tổ chức đó đại diện cho quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân
được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 của
Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Tổ chức
quản lý chỉ dẫn địa lý được phép thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với chỉ dẫn
địa lý quy định tại khoản 2 Điều 123, Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ.
3.[3] Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương
chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
xác định các loại đặc sản, các đặc tính của sản phẩm, quy trình sản xuất các đặc
sản mang chỉ dẫn địa lý thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương.
4.[4]
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương tiến hành nộp đơn đăng ký và tổ chức quản lý chỉ dẫn địa
lý dùng cho các đặc sản của địa phương và cấp phép để đăng ký nhãn hiệu tập thể,
nhãn hiệu chứng nhận đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản
địa phương.
5.[5]
Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tiêu chí xác định địa danh, dấu hiệu khác chỉ
nguồn gốc địa lý của sản phẩm.
Điều 20. Bảo mật dữ liệu thử
nghiệm
Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành việc bảo mật
dữ liệu thử nghiệm trong thủ tục đăng ký lưu hành các sản phẩm quy định tại Điều
128 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Điều 21. Sử dụng đối tượng
sở hữu công nghiệp
1. Hành vi lưu thông sản phẩm quy định tại điểm
d khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 5 và điểm b khoản 7 Điều 124 của Luật Sở
hữu trí tuệ bao gồm cả hành vi bán, trưng bày để bán, vận chuyển sản phẩm.
2. Sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị
trường nước ngoài một cách hợp pháp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 125 của Luật
Sở hữu trí tuệ được hiểu là sản phẩm do chính chủ sở hữu, người được chuyển
giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc,
người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp đã đưa ra thị trường
trong nước hoặc nước ngoài.
Điều 22. Sử dụng sáng chế
nhân danh Nhà nước
1. Việc sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước nhằm
phục vụ lợi ích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh,
chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của
xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 133 của Luật Sở hữu trí tuệ do các Bộ, cơ
quan ngang Bộ thực hiện hoặc chỉ định tổ chức, cá nhân khác thực hiện trên cơ sở
ban hành quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế quy định tại điểm
a khoản 1 Điều 145 và đoạn hai khoản 1 Điều 147 của Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Thủ tục ban hành quyết định bắt buộc chuyển
giao quyền sử dụng sáng chế trong trường hợp sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước
thực hiện theo quy định của các bộ quản lý ngành.
Điều 23. Nghĩa vụ sử dụng
sáng chế
1. Khi có các nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng
bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã
hội mà người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sản xuất sản
phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ tại Việt Nam để đáp ứng các
nhu cầu đó theo quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 của Luật Sở hữu
trí tuệ thì Bộ Khoa học và Công nghệ có thể cho phép các tổ chức, cá nhân khác
sử dụng sáng chế trên cơ sở ban hành quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng
sáng chế theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 145 và đoạn thứ nhất khoản 1 Điều
147 của Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Trong trường hợp các nhu cầu quốc phòng, an
ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết
khác của xã hội được đáp ứng bởi sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm do bên nhận chuyển
quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng sản xuất thì người nắm độc quyền sử dụng
sáng chế không phải thực hiện nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng
quy trình được bảo hộ quy định tại khoản 1 Điều này.
Chương IIIa. SÁNG CHẾ MẬT[6]
Điều 23a. Sáng chế mật;
văn bằng bảo hộ sáng chế mật; nội dung và giới hạn quyền đối với sáng chế mật
1. Sáng chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
xác định là bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia theo
pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước gọi là sáng chế mật.
2. Sáng chế mật chỉ có thể được cấp Bằng độc quyền
sáng chế mật hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích mật.
3. Đơn đăng ký sáng chế mật, Bằng độc quyền sáng
chế mật, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích mật không được công bố và phải được bảo
mật theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
4. Việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng sáng
chế mật, chuyển giao quyền nộp đơn, quyền sở hữu sáng chế mật phải được phép của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
5. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
có thể sử dụng, giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng sáng chế mật nhằm mục đích quốc
phòng, an ninh theo quy định tại các điều 145, 146 và 147 của Luật Sở hữu trí
tuệ.
6. Kể từ ngày sáng chế mật được cơ quan có thẩm
quyền giải mật theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, đơn và văn bằng bảo hộ
sáng chế mật được xử lý như sau:
a) Đơn sáng chế mật tiếp tục được xử lý như đơn
sáng chế;
b) Bằng độc quyền sáng chế mật, Bằng độc quyền
giải pháp hữu ích mật được chuyển đổi thành Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc
quyền giải pháp hữu ích và được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp và ghi
nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế.
Điều 23b. Kiểm soát an
ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam chỉ được đăng ký
sáng chế mật ở những nước có quy định về bảo hộ sáng chế mật và phải được cơ
quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại khoản 2 Điều 23c của
Nghị định này.
2. Sáng chế của tổ chức, cá nhân Việt Nam và
sáng chế được tạo ra tại Việt Nam không được Nhà nước Việt Nam bảo hộ nếu đã nộp
đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp ở nước ngoài trái với quy định về kiểm
soát an ninh sau đây:
a) Chỉ được nộp đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu công
nghiệp ở nước ngoài khi đã nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam và đã kết thúc
thời hạn 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đó, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản
này;
b) Không được nộp đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu công
nghiệp ở nước ngoài khi sáng chế được xác định là sáng chế mật theo pháp luật về
bảo vệ bí mật nhà nước và đã có thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 23c. Xác định sáng
chế mật và giải mật; xác lập quyền và chuyển giao quyền đối với sáng chế mật
1. Việc xác định sáng chế mật và giải mật do Bộ
Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
2. Bộ Công an chủ trì,
phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học và Công nghệ quy định thủ tục xác định
sáng chế mật và giải mật sáng chế; bảo vệ sáng chế mật; thủ tục thẩm định đơn
và cấp văn bằng bảo hộ sáng chế mật; quản lý việc sử dụng, chuyển giao quyền đối
với sáng chế mật và đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với sáng chế mật ở nước
ngoài phù hợp với pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và pháp luật về sở hữu
trí tuệ.
Chương IV
CHUYỂN GIAO QUYỀN SỞ HỮU
CÔNG NGHIỆP
Điều 24. Giá đền bù đối với
quyền sử dụng sáng chế bị chuyển giao theo quyết định bắt buộc
1. Giá đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế bị
chuyển giao theo quyết định bắt buộc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 146 của
Luật Sở hữu trí tuệ được xác định theo giá trị kinh tế của quyền sử dụng được
chuyển giao, trên cơ sở xem xét các yếu tố sau đây:
a) Giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp
đồng;
b) Kinh phí đầu tư để tạo ra sáng chế, trong đó
phải xem xét đến phần kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (nếu có);
c) Lợi nhuận thu được do sử dụng sáng chế;
d) Thời gian hiệu lực còn lại của văn bằng bảo hộ;
đ) Mức độ cần thiết của việc chuyển giao quyền sử
dụng sáng chế;
e) Các yếu tố khác trực tiếp quyết định giá trị
kinh tế của quyền sử dụng được chuyển giao.
2. Giá đền bù không vượt quá 5% giá bán tịnh của
sản phẩm được sản xuất theo sáng chế, với điều kiện bảo đảm nguyên tắc quy định
tại khoản 1 Điều này.
3. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc
chuyển giao quyền sử dụng sáng chế có thể thành lập hội đồng định giá hoặc
trưng cầu giám định để xác định giá đền bù quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 25. Hồ sơ và thủ tục
chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc
1. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về
hình thức, nội dung hồ sơ yêu cầu được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế quy định
tại khoản 1 Điều 147 của Luật Sở hữu trí tuệ, trừ quy định tại khoản 2 Điều
này; quy định và tổ chức thực hiện thủ tục tiếp nhận và xử lý yêu cầu được chuyển
giao quyền sử dụng sáng chế.
2. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và
Công nghệ hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện thủ tục bắt buộc chuyển giao
quyền sử dụng sáng chế và sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước nhằm đảm bảo nhu
cầu chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng cho nhân dân.
Điều 26. Hồ sơ và thủ tục
đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp
1. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về
hình thức, nội dung các loại hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu
công nghiệp quy định tại Điều 149 của Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định thủ tục tiếp
nhận và xử lý hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.
Chương V
ĐẠI DIỆN SỞ HỮU CÔNG
NGHIỆP
Điều 27. Chương trình đào tạo
pháp luật về sở hữu công nghiệp
1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp quy định cụ thể về Chương trình đào tạo pháp
luật về sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Cá nhân được coi là đã tốt nghiệp khoá đào tạo
pháp luật về sở hữu công nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 155 của Luật Sở
hữu trí tuệ trong các trường hợp sau đây:
a) Tác giả luận văn tốt
nghiệp đại học, sau đại học về đề tài sở hữu công nghiệp;
b) Tốt nghiệp khoá đào
tạo về sở hữu công nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận.
Điều 28. Kiểm tra nghiệp vụ
đại diện sở hữu công nghiệp
1. Việc kiểm tra nghiệp
vụ đại diện sở hữu công nghiệp được tiến hành nhằm đánh giá khả năng vận dụng pháp
luật sở hữu công nghiệp để giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến xác lập
quyền và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp.
2. Nội dung kiểm tra
nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp bao gồm kỹ năng vận dụng pháp luật sở hữu
công nghiệp để xử lý các tình huống liên quan đến việc bảo hộ các đối tượng sở
hữu công nghiệp.
3. Bộ Khoa học và Công
nghệ hướng dẫn và tổ chức kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Điều 29. Cấp và thu hồi Chứng
chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp[7]
1. Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu
công nghiệp được cấp cho cá nhân đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều
155 của Luật Sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của cá nhân đó sau khi nộp phí, lệ phí
theo quy định của pháp luật.
2. Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở
hữu công nghiệp bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Người được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại
diện sở hữu công nghiệp từ bỏ hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp;
b) Người được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại
diện sở hữu công nghiệp không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều
155 của Luật Sở hữu trí tuệ;
c) Người được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại
diện sở hữu công nghiệp bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề theo quyết định
của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Việc xem xét yêu cầu cấp lại Chứng chỉ hành
nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong trường hợp đã bị thu hồi theo
quy định tại điểm c khoản 2 Điều này chỉ được thực hiện sau khi kết thúc thời hạn
bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức việc cấp,
thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Điều 29a. Ghi nhận và xóa
tên tổ chức đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp[8]
1. Tổ chức có
đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 154 của Luật Sở hữu trí tuệ và quy định
chi tiết tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này được ghi nhận
là tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong Sổ đăng ký quốc
gia về đại diện sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp
theo yêu cầu của tổ chức đó sau khi nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
2. Các tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 154 của
Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:
a) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo
pháp luật về doanh nghiệp;
b) Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã được thành
lập và hoạt động theo pháp luật về hợp tác xã;
c) Các tổ chức hành nghề luật sư được thành lập
và hoạt động theo pháp luật về luật sư, trừ chi nhánh của tổ chức hành nghề luật
sư nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước
ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh giữa tổ chức
hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài;
d) Các tổ chức dịch vụ
khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo pháp luật về khoa học và
công nghệ.
3. Chi nhánh và các
đơn vị phụ thuộc khác của các tổ chức quy định khoản 2 Điều này chỉ được kinh
doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp dưới danh nghĩa của tổ chức mà mình
phụ thuộc.
4. Người đại diện theo
pháp luật của tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp hoặc người thuộc tổ
chức được người đại diện theo pháp luật của tổ chức ủy quyền trong hoạt động
kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện hành
nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 155 của Luật
Sở hữu trí tuệ.
5. Tổ chức dịch vụ đại
diện sở hữu công nghiệp bị xoá tên trong Sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu
công nghiệp và việc xóa tên được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong
các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức dịch vụ đại
diện sở hữu công nghiệp chấm dứt kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;
b) Tổ chức dịch vụ đại
diện sở hữu công nghiệp không còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều
154 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Chương VI
CÁC BIỆN PHÁP THÚC ĐẨY
HOẠT ĐỘNG SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Điều 30. Đào tạo, bồi dưỡng
nhân lực cho hoạt động sở hữu công nghiệp
1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp quy định chi tiết về nội dung, chương trình
đào tạo, bồi dưỡng về sở hữu công nghiệp.
2. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học
và Công nghệ tổ chức xây dựng nội dung, chương trình bồi dưỡng kiến thức sở hữu
công nghiệp cho các chức danh tư pháp.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với
các bộ, ngành liên quan tổ chức việc bồi dưỡng về sở hữu công nghiệp cho những
người làm công tác quản lý nhà nước, thẩm định, giám định, xử lý vi phạm, xâm
phạm về sở hữu công nghiệp.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với
Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình và tổ chức việc đào
tạo về sở hữu công nghiệp trong các cơ sở đào tạo.
Điều 31. Bảo đảm thông tin
sở hữu công nghiệp
1. Hệ thống thông tin sở hữu công nghiệp bao gồm
tập hợp các thông tin liên quan đến tất cả các đối tượng sở hữu công nghiệp được
bảo hộ tại Việt Nam, các thông tin chọn lọc theo mục đích hoặc theo chủ đề về
các đối tượng sở hữu công nghiệp của nước ngoài, được phân loại, sắp xếp phù hợp
và thuận tiện cho việc tìm kiếm (tra cứu), phân phối và sử dụng.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức
xây dựng, quản lý các kho thông tin sở hữu công nghiệp, xây dựng các công cụ
phân loại, tra cứu, hướng dẫn cách tra cứu và sử dụng thông tin sở hữu công
nghiệp trong và ngoài nước; tổ chức việc cung ứng thông tin đầy đủ, kịp thời,
chính xác, bảo đảm khả năng tiếp cận các kho thông tin cho các đối tượng có nhu
cầu dùng tin phục vụ các hoạt động xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp,
nghiên cứu, phát triển và kinh doanh.
3. Các đề tài, dự án nghiên cứu triển khai không
được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước nếu việc tra cứu thông tin sáng chế
không được thực hiện ngay từ khi xây dựng đề cương đề tài, dự án hoặc nếu các đề
tài, dự án trùng lặp với các thông tin sáng chế đã có, trừ các đề tài, dự án nhằm
áp dụng thử hoặc nhằm tìm ra các bí quyết kỹ thuật để khai thác các sáng chế đã
có.
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức việc
cung cấp dịch vụ tra cứu sáng chế theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá
nhân xây dựng, phê duyệt, nghiệm thu các đề tài, dự án nghiên cứu triển khai có
sử dụng kinh phí của Nhà nước, với điều kiện người yêu cầu tra cứu nộp phí tra
cứu theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 32. Hạch toán các chi
phí và giá liên quan đến sở hữu công nghiệp
1. Các chi phí nhằm các mục đích sau đây được
coi là chi phí hợp lý của doanh nghiệp:
a) Chi cho việc tạo ra sáng chế, kiểu dáng công
nghiệp, thiết kế bố trí; chi cho việc thiết kế mẫu nhãn hiệu, mẫu biểu tượng
(logo) doanh nghiệp;
b) Chi cho việc thực hiện các thủ tục đăng ký,
duy trì, gia hạn quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố
trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao gồm cả việc thực hiện các thủ tục đó ở nước
ngoài;
c) Chi cho việc thực hiện các biện pháp bảo mật
bí mật kinh doanh, bảo vệ quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết
kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý;
d) Chi cho việc trả thù lao cho tác giả;
đ) Chi cho việc mua quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng
sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh.
2. Các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế
bố trí, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh và các quyền sở hữu công
nghiệp liên quan đang có hiệu lực do doanh nghiệp tạo ra, hoặc được chuyển nhượng,
chuyển giao là các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, được tính vào tổng số tài
sản của doanh nghiệp.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học
và Công nghệ hướng dẫn cách hạch toán chi phí liên quan đến sở hữu công nghiệp
và cách định giá tài sản trí tuệ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 33. Mở rộng phạm vi sử
dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Nhà nước
1. Đối với những sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,
thiết kế bố trí do Nhà nước sở hữu và trong trường hợp khả năng sử dụng của chủ
Văn bằng bảo hộ không đáp ứng được nhu cầu của xã hội thì các tổ chức khác của
Nhà nước có quyền yêu cầu chủ Văn bằng bảo hộ chuyển giao quyền sử dụng sáng chế,
kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó với các điều kiện sau đây:
a) Quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,
thiết kế bố trí được chuyển giao thuộc dạng không độc quyền và không được chuyển
giao quyền đó cho người khác;
b) Phạm vi sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,
thiết kế bố trí của bên nhận chuyển giao không ảnh hưởng đến việc sử dụng sáng
chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cho đến hết khả năng của chủ Văn bằng
bảo hộ;
c) Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công
nghiệp, thiết kế bố trí sử dụng không nhằm mục đích thương mại, giá chuyển giao
quyền sử dụng mà bên nhận quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết
kế bố trí phải trả cho chủ Văn bằng bảo hộ bằng 50% mức mà bên nhận không phải
là tổ chức nhà nước phải trả để nhận quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công
nghiệp, thiết kế bố trí đó với điều kiện khác tương đương.
2. Việc chuyển
giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Nhà nước
cho các tổ chức nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này không ảnh hưởng đến quyền
của chủ Văn bằng bảo hộ trong việc chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng đó
cho các tổ chức khác không phải của Nhà nước.
Điều 34. Khuyến khích tổ chức
xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động sở hữu công nghiệp
Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp
hoạt động trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được tạo điều kiện để thực hiện chức
năng tư vấn, phản biện xã hội về sở hữu trí tuệ và thúc đẩy các hoạt động dịch
vụ xã hội ngoài công lập nhằm phát huy đầy đủ vai trò bổ trợ cho hoạt động của
các cơ quan nhà nước và hỗ trợ cho các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp.
Điều 35. Các biện pháp khác
khuyến khích hoạt động sáng tạo
Nhà nước khuyến khích và bảo trợ các hoạt động
sáng tạo công nghệ bằng các biện pháp sau đây:
1. Bảo trợ các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật.
2. Khen thưởng, phổ biến kinh nghiệm, phương
pháp sáng tạo, điển hình tiên tiến về lao động sáng tạo.
3. Hỗ trợ hoạt động xác lập và bảo vệ quyền sở hữu
công nghiệp đối với các thành quả sáng tạo.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[9]
Điều 36. Điều khoản chuyển
tiếp
1. Các đơn đăng ký sở
hữu công nghiệp nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ trước ngày 01 tháng 01 năm 2006 được
tiếp tục xử lý theo quy định của Bộ luật Dân sự 1995 và các văn bản hướng dẫn
thi hành Bộ luật Dân sự 1995.
2. Các đơn đăng ký sở
hữu công nghiệp nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 đến trước
ngày 01 tháng 7 năm 2006 cũng được xử lý theo quy định của Bộ luật Dân sự 1995
và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự 1995, trong đó:
a) Đơn đăng ký sáng chế
có thể yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích và trong trường hợp đó được
xử lý như đơn đăng ký giải pháp hữu ích;
b) Đơn đăng ký chỉ dẫn
địa lý được xử lý như đơn đăng ký tên gọi xuất xứ hàng hoá.
2a.[10] Các đơn
đăng ký sở hữu công nghiệp nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ từ ngày 01 tháng 7 năm
2006 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2010 được xử lý theo quy định của Luật Sở hữu
trí tuệ năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2b.[11] Các đơn
đăng ký sở hữu công nghiệp nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ từ ngày 01 tháng 01 năm
2010 được xử lý theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở
hữu trí tuệ năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 đến ngày 30
tháng 6 năm 2006, quyền và nghĩa vụ theo Văn bằng bảo hộ đã được cấp theo Bộ luật
Dân sự 1995 và Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu lực theo Bộ luật Dân sự 2005 và quy
định trong các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự 1995 không trái với
quy định của Bộ luật Dân sự 2005.
3a.[12] Cục Sở hữu
trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với tên gọi xuất xứ hàng
hóa đã được đăng bạ phù hợp với quy định về đăng ký chỉ dẫn địa lý của Luật Sở
hữu trí tuệ. Mọi quyền và nghĩa vụ của các chủ thể đối với tên gọi xuất xứ hàng
hóa được áp dụng theo quy định về chỉ dẫn địa lý của Luật Sở hữu trí tuệ.
4. Trong thời hạn một
năm, kể từ ngày Nghị định này bắt đầu có hiệu lực, tổ chức và cá nhân hoạt động
dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp hợp pháp theo quy định Bộ luật Dân sự 1995
và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự 1995 được tiếp tục hoạt động
như các tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện kinh doanh và điều kiện hành nghề
quy định tại Điều 154 và Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Điều 37. Hiệu lực của Nghị
định
Nghị định này có hiệu
lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Các quy định trước đây
trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.
Điều 38. Trách nhiệm hướng
dẫn thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Khoa học
và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị
định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công
báo);
- Website của Bộ Khoa học và Công nghệ (để đăng lên Trang thông tin điện tử);
- Lưu: VT, Cục SHTT, PC.
|
XÁC THỰC VĂN
BẢN HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Việt Thanh
|
[1] Nghị định số
122/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp có căn cứ
ban hành như sau:
“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng
12 năm 2001;
Căn cứ Luật
Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005 được sửa đổi, bổ sung ngày 19 tháng 6
năm 2009;
Xét đề nghị
của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,”
[2] Điểm này được
sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 122/2010/NĐ-CP sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm
2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm
2011.
[3] Khoản này
được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 122/2010/NĐ-CP
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng
9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02
năm 2011.
[4] Khoản này
được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 122/2010/NĐ-CP
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng
9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02
năm 2011.
[5] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 122/2010/NĐ-CP
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng
9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02
năm 2011.
[6] Chương này
bao gồm các Điều 23a, 23b và 23c được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1
của Nghị định số 122/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, có hiệu
lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2011.
[7] Điều này được
sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định số
122/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, có hiệu
lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2011.
[8] Điều này được
bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 122/2010/NĐ-CP sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm
2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm
2011.
[9] Điều 2 và Điều
3 của Nghị định số 122/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, có hiệu
lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2011 quy định như sau:
“Điều 2. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
20 tháng 02 năm 2011.
Điều 3.
Trách nhiệm hướng dẫn thi hành
1. Bộ trưởng Bộ
Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ,
Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.”
[10] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 122/2010/NĐ-CP sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm
2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm
2011.
[11] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 122/2010/NĐ-CP sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm
2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm
2011.
[12] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 122/2010/NĐ-CP sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm
2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm
2011.