Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 4603/QĐ-UBND.NN Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Đinh Viết Hồng
Ngày ban hành: 18/09/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4603/QĐ-UBND.NN

Nghệ An, ngày 18 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN KIỆN TOÀN, CỦNG CỐ HỆ THỐNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29/11/2005;

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi,

Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi; Nghị định số 67/2012/NĐ.CP ngày 10/9/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ.CP;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 598-TTr/SNN-TCCB ngày 26/3/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án Kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh Nghệ An, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập, như sau (có Đề án chi tiết kèm theo):

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành; UBND các huyện có liên quan tổ chức thực hiện đúng quy định.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn; Giám đốc các Công ty TNHH Thủy lợi; Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng

 

ĐỀ ÁN

KIỆN TOÀN, CỦNG CỐ HỆ THỐNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4603/QĐ-UBND.NN ngày 18/9/2014 của UBND tỉnh Nghệ An)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Thực trạng tình hình tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi

1.1. Hệ thống tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi:

a) Chi cục Thuỷ lợi là tổ chức quản lý chuyên ngành, tham mưu giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi.

b) Các doanh nghiệp thủy nông: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên thuỷ lợi Bắc, Nam, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Phủ Quỳ, Quỳ Hợp, đảm nhiệm việc quản lý vận hành, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi chính, bao gồm: Hệ thống thủy nông Bắc - Nam và 69 hồ đập loại lớn, 61 trạm bơm, phục vụ tưới cho 136.459,0 ha gieo trồng, bằng 53,46% (trong tổng số 255.272,0 ha).

c) Các đơn vị do UBND cấp huyện quản lý: UBND cấp xã, các HTX, tổ đội thuỷ nông quản lý các công trình độc lập nằm gọn trong địa bàn xã và phần kênh mương nội đồng của các công trình ngoài phần do các doanh nghiệp thuỷ nông quản lý; bao gồm: 709 hồ đập loại nhỏ và vừa, 502 trạm bơm và 29 công trình khác, phục vụ tưới tiêu cho 118.813,0 ha đất gieo trồng, bằng 46,54% (trong tổng số 255.272,0 ha).

1.2. Số lượng, quy mô, năng lực tưới tiêu các công trình thủy lợi (Biểu 01):

Biểu 01: SỐ LƯỢNG , NĂNG LỰC TƯỚI TIÊU CỦA CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

TT

Tên địa phương

DN thủy nông quản lý

UBND xã quản lý

SL công trình (cái)

Diện tích tưới tiêu (ha)

SL công trình (cái)

Diện tích tưới tiêu (ha)

1

Anh Sơn

9

6.328

75

2.707

2

Đô Lương

5

8.016

143

17.811

3

Thanh Chương

14

7.137

107

9.068

4

Nam Đàn

14

11.456

125

13.344

5

Hưng Nguyên

16

14.691

76

7.583

6

Nghi Lộc

12

13.119

65

10.275

7

TP Vinh

4

4.459

13

1.741

8

Diễn Châu

3

20.392

69

11.720

9

Yên Thành

10

22.562

159

14.470

10

Quỳnh Lưu

4

13.650

94

7.996

11

TX Hoàng Mai

3

3.279

20

1.392

12

Tân Kỳ

10

3.322

112

4.451

13

Nghĩa Đàn

11

3.350

72

4.403

14

Thái Hòa

4

2.246

43

1.664

15

Quỳ Hợp

11

2.452

48

3.462

16

Quỳ Châu

 

 

53

2.677

17

Quế Phong

 

 

68

2.900

18

Kỳ Sơn

 

 

30

788

19

Tương Dương

 

 

21

913

20

Con Cuông

 

 

52

2.450

 

Tổng:

130

136.459

1.445

118.813

2. Tình hình quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi

2.1. Kết quả khai thác công trình, phục vụ sản xuất, đời sống.

- Hệ thống thuỷ lợi hàng năm cung cấp n­ước t­ưới cho 255.272,0 ha gieo trồng, trong đó lúa (2 vụ) hơn 160.000,0 ha; đảm bảo tưới ổn định 145.000,0 ha, tiêu úng hơn 50.000,0 ha, góp phần đ­ưa tổng sản lượng lương thực của tỉnh liên tục nhiều năm qua đạt trên 1 triệu tấn/năm.

- Phục vụ nuôi trồng thuỷ sản: Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 22.500,0 ha; Trong đó: mặt nư­ớc hồ chứa 7.464,0 ha (55% số hồ đ­ược khai thác nuôi trồng thuỷ sản); nuôi trồng mặn lợ 2.000,0 ha.

- Hệ thống các công trình thuỷ lợi cũng đã góp phần rất quan trọng cung cấp n­ước dân sinh, môi trường và các ngành kinh tế công nghiệp, dịch vụ của tỉnh (khoảng 80% số l­ượng công trình thủy lợi có thêm nhiệm vụ cấp n­ước dân sinh). Các trục kênh t­ưới - tiêu chính đều có kết hợp giao thông thuỷ, các cống tiêu lớn đều có nhiệm vụ đảm bảo âu thuyền, thông thuyền.

2.2. Công tác vận hành và đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi.

- Về quy trình vận hành:

Hầu hết các cống đầu mối, trạm bơm lớn đều đã xây dựng và thực hiện tốt quy trình vận hành trong mùa mưa lũ cũng như­ mùa t­ưới, các hồ chứa có tràn xả sâu đều có quy trình vận hành như hồ Sông Sào, hồ Vực Mấu.

- Đảm bảo an toàn công trình:

Hàng năm, thực hiện Chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa ph­ương, đơn vị lập ph­ương án phòng chống lụt bão cho 100% công trình; đồng thời đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống lụt bão bảo vệ công trình thuỷ nông, tu sửa kịp thời các công trình ách yếu. Ph­ương án phòng chống lụt bão các công trình do doanh nghiệp thủy nông quản lý được Sở Nông nghiệp & PTNT thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt trư­ớc ngày 15/7 hàng năm; UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện phê duyệt Ph­ương án phòng chống lụt bão các công trình do địa phương quản lý.

Thực tế cho thấy vấn đề quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết và chỉ có Doanh nghiệp nhà nước mới có đủ điều kiện, năng lực phối hợp với chủ đầu tư trong việc quản lý, khai thác, vận hành, bảo đảm an toàn công trình theo quy định của pháp luật.

2.3. Công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình.

Việc duy tu, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi chỉ được thực hiện bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Nhìn chung, các công trình do doanh nghiệp thuỷ nông quản lý, khai thác thực hiện tốt hơn nhiệm vụ duy tu, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo công trình thủy lợi đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật quy định. Từ năm 2008 đến nay việc duy tu, sữa chữa công trình thủy lợi khá hơn trước nhờ nguồn kinh phí Trung ương cấp bù thủy lợi phí. Riêng các công trình do địa phương quản lý chủ yếu được đầu tư xây dựng từ những năm 60 - 90 của thế kỷ XX bằng công nghệ cũ, thiết bị thô sơ, việc duy tu bảo dưỡng hàng năm chưa tốt nên nguy cơ mất an toàn cao.

2.4. Tình hình thu và sử dụng thuỷ lợi phí.

a) Thu thuỷ lợi phí:

- Giai đoạn từ năm 1997 - 2003, mức thu thuỷ lợi phí đ­ược thực hiện theo Quyết định số 3677/QĐ.UB ngày 12/10/1996; năm 2004 thực hiện theo Quyết định số 49/QĐ-UB; năm 2005 thực hiện theo Quyết định số 123/QĐ-UB; năm 2006 - 2007 thực hiện theo Quyết định số 07/QĐ-UB của UBND tỉnh; tổng thu thủy lợi phí trên địa bàn tỉnh đạt bình quân khoảng 30 - 40 tỷ đồng/năm.

- Thực hiện chính sách miễn giảm thủy lợi phí, từ năm 2008 kinh phí được ngân sách cấp bù theo Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ; cụ thể năm 2008: 72,03 tỷ đồng, năm 2009 và 2010: 193,824 tỷ đồng, năm 2011 và 2012: 181,396 tỷ đồng, tổng 5 năm là 822,47 tỷ đồng.

b) Sử dụng thuỷ lợi phí:

- Doanh nghiệp thủy nông: Trung bình hàng năm thu thủy lợi phí đạt khoảng 24 - 25 tỷ đồng. Nhìn chung, nguồn thu thủy lợi phí được sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích theo kế hoạch tài chính hàng năm của từng đơn vị được UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm: chi trả tiền lương và các khoản theo lương, khấu hao cơ bản, sửa chữa thường xuyên, nguyên nhiên liệu, duy tu, bảo dưỡng, tiền điện, quản lý doanh nghiệp, phòng chống thiên tai, học tập và đào tạo, bảo hộ và an toàn lao động, điều tiết thủy lợi phí, thuế môn bài, thuế nhà đất, nộp quỹ phòng chống thiên tai, phí bơm điện ca 3, chi công tác Đảng (trước năm 2008, phần thiếu hụt được ngân sách tỉnh cấp bù hàng năm khoảng 4,5 - 5,5 tỷ đồng).

- Đối với các công trình do UBND xã, HTX quản lý: Trước năm 2008, việc quản lý, sử dụng nguồn thu thủy lợi phí còn nhiều bất cập (thực tế Phòng Kế hoạch - Tài chính cấp huyện không nắm được). Từ năm 2008, nguồn kinh phí được cấp bù theo Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ được dùng vào chi phí tưới tiêu (Chi trả tiền điện, tiền dầu, chi quản lý), một phần đầu tư sửa chữa, duy tu bảo dưỡng công trình,… góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nhất là tạo điều kiện quản lý vận hành, bảo vệ đảm bảo an toàn công trình trong mùa lụt bão. Tuy nhiên, còn một số ít địa phương, đơn vị công tác quản lý chi tiêu tài chính, thủ tục, hồ sơ, sổ sách chưa đảm bảo theo yêu cầu; công tác thanh quyết toán còn chậm.

2.5. Tình hình thực hiện chính sách miễn giảm thuỷ lợi phí 2008 - 2012.

Việc triển khai thực hiện chính sách miễn giảm thuỷ lợi phí theo Nghị định 115/2008/NĐ-CP (sau là Nghị định 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012) gặp thuận lợi là mức thu thủy lợi phí cơ bản phù hợp với các vùng miền, biện pháp tưới tiêu, loại cây trồng và đối tượng dùng nước; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi và người hưởng lợi.

Tình hình quyết toán kinh phí cấp bù thủy lợi phí 2008 - 2012:

- Năm 2008, thực hiện tưới 147.127,51 ha; kinh phí 75.188,24 triệu đồng.

- Năm 2009, thực hiện tưới 220.770,93 ha; kinh phí 172.353,37 triệu đồng.

- Năm 2010, thực hiện tưới 230.773,36 ha; kinh phí 172.958,78 triệu đồng.

- Năm 2011, thực hiện tưới 242.670,33 ha; kinh phí 179.271,80 triệu đồng.

- Năm 2012, thực hiện tưới 248.984,25 ha; kinh phí 185.055,00 triệu đồng.

- Thanh quyết toán kinh phí cấp bù thủy lợi phí: Giai đoạn 2008 - 2012 đã cơ bản thực hiện tốt về mặt diện tích, việc sử dụng kinh phí trong các đơn vị thủy nông thuộc huyện quản lý do UBND huyện quyết toán và chịu trách nhiệm theo chế độ quy định hiện hành.

Nhìn chung, những năm đầu thực hiện chính sách miễn giảm thủy lợi phí, việc thanh quyết toán của các địa phương, đơn vị chưa đạt yêu cầu (chưa có bảng tổng hợp chung toàn huyện, thời gian quyết toán chậm so với quy định,…), Sở Tài chính, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp Phòng Tài chính cấp huyện kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương, đơn vị nên công tác quản lý, sử dụng và thanh quyết toán thủy lợi phí dần đi vào nền nếp.

2.6. Tình hình phân cấp tổ chức quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi.

Toàn tỉnh hiện có 1.576 công trình thủy lợi các loại, bao gồm 752 hồ chứa, 563 trạm bơm, 248 đập dâng và 13 công trình thủy lợi khác phục vụ tưới tiêu cho 192.073,0 ha đất nông nghiệp (Biểu 01). Trong đó:

- Hệ thống công trình thủy lợi do các doanh nghiệp thủy nông quản lý:

Các công ty, xí nghiệp thuỷ lợi quản lý, khai thác hai hệ thống thủy nông Bắc - Nam và 131 công trình (gồm 69 hồ đập, 61 trạm bơm và 01 công trình khác) phục vụ tưới tiêu trên địa bàn 14 huyện, thành phố Vinh và 02 thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai.

Thực hiện Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2952/QĐ.UBND-ĐMDN ngày 14/8/2007 của UBND tỉnh, các công ty, xí nghiệp thuỷ lợi đã chuyển đổi thành các công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên (100% vốn nhà nước), bao gồm: Công ty TNHH một thành viên thuỷ lợi Bắc, Nam, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Phủ Quỳ, Quỳ Hợp, đảm nhiệm việc quản lý vận hành, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi chính, bao gồm: Hệ thống thủy nông Bắc - Nam và 69 hồ đập loại lớn, 61 trạm bơm, phục vụ tưới cho 136.459,0 ha gieo trồng, bằng 53,46% (trong tổng số 255.272,0 ha). Hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, những năm thời tiết khô hạn hoặc ngập úng kéo dài, việc điều tiết tưới, tiêu bảo đảm chủ động, khoa học, hiệu quả; công tác duy tu, cải tạo, nâng cấp công trình, quản lý thu chi tài chính đảm bảo đúng quy định.

- Hệ thống công trình thủy lợi do UBND cấp huyện quản lý:

UBND cấp xã và các HTX, tổ đội thuỷ nông quản lý, khai thác 1.445 công trình (gồm 680 hồ chứa, 500 trạm bơm, 236 đập dâng và 29 công trình thủy lợi khác), chủ yếu là các công trình độc lập nằm gọn trong địa bàn xã và phần kênh mương nội đồng của các công trình ngoài phần do các doanh nghiệp thuỷ nông quản lý; phục vụ tưới tiêu cho 118.813,0 ha đất gieo trồng (bằng 46,54%).

Hiện tại, 05 huyện miền núi: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong chưa có doanh nghiệp thủy lợi (Xí nghiệp thủy lợi thị xã Hoàng Mai quản lý, khai thác 05 công trình phục vụ 3.134,0 ha gieo trồng mới được thành lập theo Công văn số 6126/UBND-TH ngày 30/8/2013 của UBND tỉnh), nên hoạt động dịch vụ cũng như công tác quản lý nhà nước về thủy lợi gặp nhiều khó khăn, bất cập trong quản lý, vận hành khai thác, bảo vệ, duy tu, cải tạo, nâng cấp, bảo vệ an toàn hệ thống hồ đập cũng như xây dựng kế hoạch phục vụ sản xuất, quản lý nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước. Riêng 02 huyện Quỳ Châu và Quế Phong đã có Trạm thủy nông Quỳ Châu và Trạm Dịch vụ nông nghiệp và PTNT Quế Phong là tổ chức do UBND huyện thành lập, không đảm bảo tính pháp lý cũng như vai trò, trách nhiệm trong hoạt động quản lý, khai thác, bảo vệ công trình.

3. Đánh giá chung

3.1. Kết quả đạt được: Trong những năm qua các doanh nghiệp thuỷ nông đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đ­ược giao, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán, bão lụt bất th­ường nh­ưng các đơn vị đã khắc phục khó khăn, bảo đảm điều hòa nguồn nước t­ưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước dân sinh, bảo vệ môi trường và các ngành kinh tế khác; đảm bảo an toàn công trình, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

3.2. Những tồn tại, yếu kém:

- Việc phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi được tổ chức theo địa giới hành chính (không phân định theo ranh giới lưu vực) gây khó khăn trong việc vận hành, duy tu bảo d­ưỡng công trình, nhất là những tuyến kênh đi qua nhiều đơn vị hành chính huyện, xã.

- Các huyện miền núi: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong chưa có doanh nghiệp thủy lợi nên hoạt động quản lý, khai thác phục vụ tưới, tiêu cũng như công tác quản lý nhà nước về thủy lợi trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, bất cập; đặc biệt là công tác phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn cho hồ chứa, công tác duy tu bảo dưỡng, khai thác vận hành các hồ chứa, trạm bơm chưa đáp ứng yêu cầu.

- Hệ thống công trình bị xuống cấp nặng nề, nhất là hồ chứa, kênh m­ương; có sự mất cân đối giữa công trình đầu mối và kênh m­ương nên quy mô công trình đầu mối thường khá lớn nh­ưng diện tích thực t­ưới lại nhỏ nên hiệu quả khai thác chưa cao (bình quân mới đạt 50 - 60 % công suất thiết kế, thậm chí nhiều công trình chỉ đạt 30%); hệ thống tưới, tiêu chưa liên kết chặt chẽ theo quy hoạch chung.

- Hoạt động tưới tiêu chỉ mới tập trung chủ yếu vào cây lúa, việc t­ưới tiêu cho cây công nghiệp và cây màu mới đ­ược khởi động những năm gần đây.

- Các hồ chứa khả năng chống hạn còn kém, khả năng đảm bảo an toàn phòng chống lũ thấp, phần lớn chỉ đủ sức chống lũ với tần suất 2 - 5%. Hệ thống tiêu úng ch­ưa đồng bộ, tiêu úng chậm, mức đảm bảo an toàn còn thấp. Thời gian gần đây, trên phạm vi cả nước một số hồ đập bị vỡ, việc điều tiết lưu lượng nước qua cống không đảm bảo quy trình vận hành, gây hậu quả nghiêm trọng (hạn hán, ngập lụt vùng hạ du), chứng tỏ công tác quản lý, vận hành hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện cần sớm kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức để quản lý, khai thác tốt hơn.

- Tình trạng vi phạm Pháp lệnh về Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi còn xảy ra khá phổ biến, nhất là ở các công trình do UBND xã, HTX quản lý. Tình trạng vi phạm phổ biến là xâm canh, xâm cư, lấn chiếm l­ưu vực hồ chứa, làm đường đi lại, kéo gỗ qua công trình, làm lều quán trong hành lang bảo vệ công trình, đào xẻ kênh m­ương đặt cống lấy n­ước tuỳ tiện, làm bến bãi vật liệu, đăng đó,… gây ách tắc dòng chảy các tuyến kênh mương.

- Thực hiện Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 (sau là Nghị định 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012) của Chính phủ, nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí hàng năm cho Nghệ An khá lớn nhưng hệ thống tổ chức quản lý, khai thác chưa kịp củng cố, kiện toàn để sử dụng nguồn kinh phí có hiệu quả, bảo đảm theo đúng quy định của Nhà nước.

3.3. Nguyên nhân

- Hệ thống các công trình thủy lợi phần lớn được đầu tư xây dựng từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước bằng kỹ thuật, công nghệ cụ kỹ, lạc hậu nay đã xuống cấp, hư hỏng; một số công trình xây dựng chưa đồng bộ. Nhiều năm qua, công tác duy tu bảo dưỡng chủ yếu dựa vào ngân sách, tiền thu thủy lợi phí không được sử dụng cho nhiệm vụ này nên chất lượng công trình xuống cấp nhanh. Tình trạng chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy làm cạn kiệt nguồn sinh thủy, gây bồi lắng, sạt lở,… nên hiệu quả khai thác, sử dụng công trình không cao.

- Hệ thống tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi còn nhiều bất cập, nhất là địa bàn 05 huyện miền núi (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong) chưa có doanh nghiệp thủy lợi, tổ chức hợp tác dùng nước chưa được thành lập nên UBND cấp huyện phải trực tiếp tổ chức quản lý; thiếu cán bộ chuyên ngành thủy lợi nên công tác tham mưu quản lý, chỉ đạo thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Tóm lại, hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh bao gồm hệ thống thủy nông Bắc - Nam và rất nhiều hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, kênh mương, cầu cống các loại, có vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh, môi trường và các ngành kinh tế khác, một phần do các doanh nghiệp thủy nông (Công ty TNHH một thành viên) quản lý, khai thác, một phần do chính quyền địa phương tổ chức quản lý nên không đồng nhất về phương thức, cơ chế hoạt động, quy trình vận hành khai thác, quản lý, bảo vệ, nguy cơ mất an toàn cao, hiệu quả tưới tiêu còn thấp; việc quản lý sử dụng nguồn ngân sách cấp bù thủy lợi phí có nhiều vấn đề đặt ra. Vì vậy, việc kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi là hết sức cần thiết nhằm quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả, tiếp tục cải tạo, nâng cấp và bảo đảm an toàn hệ thống công trình phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất nông - công nghiệp, dịch vụ và cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi;

- Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi;

- Nghị định 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP; Thông tư số 41/2013/TT-BTC ngày 11/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều Nghị định 67/2012/NĐ-CP;

- Thông tư số 75/2004/TT-BNN ngày 20/12/2004 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn việc thành lập, củng cố và phát triển các tổ chức hợp tác dùng nước;

- Thông tư số 04/2008/TT-BKH ngày 09/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác;

- Thông tư số 11/2009/TT-BTC ngày 21/01/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn đặt hàng, giao kế hoạch đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi;

- Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi;

- Thông tư số 56/2010/TT-BNNPTNT ngày 01/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc quy định một số nội dung trong hoạt động của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi;

- Thông tư số 40/2011/TT-BNNPTNT ngày 27/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc quy định năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi;

- Quyết định số 2891/QĐ-BNN-TL ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

- Chương trình hành động đổi mới công tác quản lý thủy nông của Bộ Nông nghiệp & PTNT.

Phần thứ hai

PHƯƠNG ÁN KIỆN TOÀN, CỦNG CỐ HỆ THỐNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Phương hướng

Phương hướng kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi quy định việc tổ chức, quản lý, khai thác công trình thủy lợi; cụ thể:

1.1. Việc tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi phải đảm bảo tính hệ thống của công trình, kết hợp quản lý theo lưu vực và vùng lãnh thổ. Bảo đảm an toàn và khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi trong việc tưới tiêu, cấp nước phục vụ các ngành sản xuất, dân sinh, kinh tế - xã hội và môi trường.

1.2. Mô hình tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi phải phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động, yêu cầu kỹ thuật quản lý, vận hành và điều kiện cụ thể của từng vùng, địa phương. Bảo đảm mỗi hệ thống công trình, công trình thủy lợi phải do một tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành và bảo vệ.

1.3. Việc quản lý, vận hành và bảo vệ các công trình đầu mối lớn, công trình quan trọng, hệ thống kênh trục chính và các kênh nhánh có quy mô lớn, kỹ thuật vận hành phức tạp phải do doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện để bảo đảm vận hành công trình an toàn, hiệu quả.

1.4. Tổ chức, cá nhân được giao hoặc có tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình, hệ thống công trình thủy lợi phải có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với quy mô, tính chất, yêu cầu kỹ thuật của từng công trình, hệ thống công trình được giao, chịu trách nhiệm trước cơ quan đặt hàng (hoặc cơ quan hợp đồng dịch vụ), cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn và pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trong phạm vi được giao.

2. Mục tiêu

Việc kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả tưới tiêu, vận hành khai thác công trình đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn hệ thống công trình trong mùa mưa bão; tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai; không gây xáo trộn về tổ chức bộ máy, không tăng biên chế hành chính, sự nghiệp.

3. Giải pháp kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi

3.1. Các giải pháp kiện toàn củng cố hệ thống tổ chức

a) Phương án kiện toàn hệ thống tổ chức:

Toàn tỉnh hiện có 07 công ty TNHH một thành viên thủy lợi do nhà nước sở hữu 100% vốn, đảm nhiệm dịch vụ thủy lợi tưới, tiêu và cấp nước cho 16 huyện, thành, thị; các huyện Quỳ Châu và Quế Phong đã có Trạm thủy nông Quỳ Châu và Trạm Dịch vụ nông nghiệp và PTNT Quế Phong là tổ chức do UBND huyện thành lập, không đảm bảo tính pháp lý cũng như vai trò trách nhiệm; 03 huyện miền núi dọc Quốc lộ 7 gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông chưa có doanh nghiệp thủy lợi, nên hoạt động dịch vụ cũng như công tác quản lý nhà nước về thủy lợi trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Nếu thành lập thêm 05 Xí nghiệp thủy lợi phụ trách địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong sẽ không khả thi vì Xí nghiệp thủy lợi là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, trái với chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ. Do đó, phương án duy nhất là giữ nguyên 05 công ty TNHH một thành viên thủy lợi: Bắc, Nam, Thanh Chương, Tân Kỳ và Phủ Quỳ; nâng cấp, mở rộng quy mô tổ chức hoạt động và đổi tên 02 công ty TNHH thủy lợi Quỳ Hợp và Anh Sơn thành công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tây Bắc và Tây Nam, đảm nhiệm quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn 03 huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông; riêng 02 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương diện tích lúa ít, phân tán, quy mô công trình nhỏ lẻ nên tiếp tục giao chính quyền địa phương quản lý, cụ thể:

- Đổi tên công ty TNHH Quỳ Hợp thành công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tây Bắc phụ trách địa bàn 03 huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong.

- Đổi tên công ty TNHH một thành viên thủy lợi Anh Sơn thành Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tây Nam phụ trách địa bàn 02 huyện Anh Sơn và Con Cuông.

Cùng với việc tổ chức lại các công ty TNHH một thành viên thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND cấp huyện tiến hành rà soát chuyển giao tất cả các hồ đập có dung tích từ 1,0 triệu m3 trở lên và từ 500.000 m3 trở lên có chiều cao thân đập từ 15,0 m trở lên hiện do UBND cấp huyện và UBND cấp xã quản lý về các công ty thủy nông; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thành lập các Tổ chức hợp tác dùng nước ở những nơi có đủ điều kiện, năng lực theo quy định.

b) Ưu nhược điểm của phương án tổ chức:

Đây là phương án có tính khả thi cao, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, thuận lợi trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và bảo đảm an toàn hệ thống công trình thủy lợi, tuy nhiên vẫn có những hạn chế nhất định.

- Ưu điểm:

+ Không gây xáo trộn nhiều về tổ chức bộ máy và hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi của các công ty TNHH một thành viên thủy lợi; không làm tăng thêm số lượng doanh nghiệp nhà nước; phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh và tinh thần chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Tăng cường vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của UBND cấp huyện, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi và cá nhân hưởng lợi; góp phần quản lý, vận hành đúng quy trình và bảo đảm an toàn hệ thống công trình thủy lợi.

+ Thành lập các Tổ chức hợp tác dùng nước (hộ gia đình/cá nhân) tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình góp phần xã hội hóa công tác thủy lợi.

+ Thuận lợi trong công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch tưới tiêu, cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi cũng như công tác quản lý đối với các doanh nghiệp thủy lợi, Tổ chức hợp tác dùng nước và hộ gia đình/cá nhân được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn theo các Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003, số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ, phù hợp với các thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.

- Nhược điểm:

+ Việc đổi tên, nâng cấp, mở rộng quy mô tổ chức hoạt động của 02 công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tây Bắc và Tây Nam, đảm nhiệm quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn các huyện miền núi bước đầu còn hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc; điều kiện giao thông đi lại khó khăn nên một số công trình thủy lợi nhỏ, lẻ phải giao cho các tổ chức thủy nông cơ sở quản lý.

+ Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) tham mưu cho UBND các huyện, thành, thị thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn nhưng biên chế còn thiếu cán bộ chuyên ngành thủy lợi để kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật quản lý, vận hành công trình.

c) Căn cứ bố trí lao động trong các xí nghiệp mới thành lập:

Định mức lao động của các Xí nghiệp thủy lợi thực hiện theo Thông tư số 06/1998/TT-BNN-TCCB ngày 03/9/1998 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Công ty khai thác thủy nông, Thông tư số 09/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05/01/2005 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn tính năng suất lao động và tiền lương bình quân. Việc bố trí lao động căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, khối lượng công việc và cân đối phù hợp với đặc điểm, tình hình hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn.

Với quy mô diện tích tưới tiêu hiện có và số lượng các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước (hoặc có nguồn gốc từ ngân sách), việc bố trí số lao động cho Xí nghiệp thủy nông Con Cuông bảo đảm cân đối được chi phí tiền lương, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương sẽ xem xét thành lập Xí nghiệp thủy lợi khi có đủ điều kiện.

3.2. Nội dung kiện toàn, sắp xếp các công ty TNHH MTV thủy lợi:

a) Đổi tên công ty TNHH thủy lợi Quỳ Hợp thành Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tây Bắc và thành lập 03 Xí nghiệp thủy lợi trực thuộc công ty phụ trách địa bàn các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong:

- Điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy công ty để thành lập Xí nghiệp thủy lợi Quỳ Hợp (đặt ngay tại Trụ sở văn phòng công ty - thị trấn Quỳ Hợp), đảm nhiệm quản lý, khai thác 12 công trình phục vụ diện tích 2.452,0 ha gieo trồng.

- Sát nhập Trạm thủy nông Quỳ Châu vào Công ty TNHH thủy lợi Tây Bắc và đổi tên thành Xí nghiệp thủy lợi Quỳ Châu, đảm nhiệm quản lý, khai thác 65 công trình phục vụ diện tích 2.676,7 ha gieo trồng.

- Sát nhập Trạm Dịch vụ nông nghiệp và PTNT Quế Phong vào Công ty TNHH thủy lợi Tây Bắc và đổi tên thành Xí nghiệp thủy lợi Quế Phong, đảm nhiệm quản lý, khai thác 69 công trình phục vụ diện tích 2.899,9 ha gieo trồng.

Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và xã hội, UBND các huyện Quỳ Châu, Quế Phong bàn giao nguyên trạng tài sản, lao động từ Trạm thủy nông Quỳ Châu, Trạm Dịch vụ nông nghiệp và PTNT Quế Phong về Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tây Bắc quản lý theo quy định hiện hành.

b) Đổi tên công ty TNHH một thành viên thủy lợi Anh Sơn thành Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tây Nam và thành lập 02 Xí nghiệp thủy lợi trực thuộc công ty, phụ trách địa bàn 02 huyện Anh Sơn và Con Cuông:

- Điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy công ty để thành lập Xí nghiệp thủy lợi Anh Sơn (đặt ngay tại Trụ sở văn phòng công ty - thị trấn Anh Sơn), đảm nhiệm quản lý, khai thác 10 công trình phục vụ diện tích 6.328,0 ha gieo trồng.

- Thành lập mới Xí nghiệp thủy lợi Con Cuông, đặt tại thị trấn Con Cuông, đảm nhiệm quản lý, khai thác 61 công trình phục vụ diện tích 2.326,0 ha gieo trồng.

UBND huyện Con Cuông lựa chọn, bố trí địa điểm xây dựng Trụ sở Xí nghiệp thủy lợi theo quy hoạch được duyệt. Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tây Nam lập Đề án xây dựng trụ sở làm việc các Xí nghiệp thủy lợi Con Cuông bằng nguồn kinh phí khấu hao tài sản và Quỹ đầu tư phát triển sản xuất của đơn vị, nếu thiếu trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ.

c) Công tác bàn giao, sáp nhập:

- Tài sản: Bàn giao nguyên trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc Trạm thủy nông Quỳ Châu và Trạm Dịch vụ nông nghiệp và PTNT Quế Phong về Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tây Bắc quản lý và đổi tên thành Xí nghiệp thủy lợi Quỳ Châu, Xí nghiệp thủy lợi Quế Phong.

- Lao động: 02 Trưởng trạm đều là Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện được điều chuyển trở lại (nếu có nguyện vọng), toàn bộ 20 lao động (13 lao động Trạm thủy nông Quỳ Châu và 07 lao động Trạm Dịch vụ nông nghiệp và PTNT Quế Phong) chuyển sang làm việc tại Xí nghiệp thủy lợi Quỳ Châu và Xí nghiệp thủy lợi Quế Phong (trừ các trường hợp có nguyện vọng chuyển công tác).

3.3. Thành lập các Tổ chức hợp tác dùng nước:

Tổ chức hợp tác dùng nước bao gồm các loại hình: Hợp tác xã (HTX chuyên khâu làm dịch vụ thủy lợi hoặc HTX nông nghiệp có tham gia dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi) và Tổ hợp tác (là tổ chức hợp tác của những người dùng nước được thành lập với các tên gọi khác nhau như Hội dùng nước, Tổ đường nước, Ban quản lý,…).

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy lợi, Chi cục PTNT xây dựng Đề án thành lập các Tổ chức hợp tác dùng nước ở những nơi có đủ điều kiện, năng lực theo quy định theo phương châm dễ làm trước, khó làm sau để rút kinh nghiệm.

3.4. Các giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi

a) Phương thức, nguyên tắc quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi

- Việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng với doanh nghiệp, tổ chức hợp tác dùng nước và hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý, vận hành và bảo vệ công trình. Việc xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ, dự toán, ký kết hợp đồng đặt hàng giữa cơ quan đặt hàng và đơn vị nhận đặt hàng thực hiện theo quy định tại các Điều 3, 4, 5, 6, 7, 8, Thông tư số 56/2010/TT-BNNPTNT ngày 01/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thông tư số 41/2013/TT-BTC ngày 11/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều Nghị định 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ.

- Nguyên tắc ký kết, nội dung hợp đồng, quản lý thực hiện hợp đồng và nghiệm thu, thanh toán hợp đồng đặt hàng quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi về thực hiện theo quy định tại các Điều 9, 10, 11, Thông tư số 56/2010/TT-BNNPTNT ngày 01/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thông tư số 11/2009/TT-BTC ngày 21/01/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn đặt hàng, giao kế hoạch đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi và quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước làm nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

b) Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân

- Nhiệm vụ, quyền hạn của Doanh nghiệp nhà nước khai thác công trình thủy lợi và Tổ chức hợp tác dùng nước được quy định tại Điều 17, 18 Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi; Điều 8 Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi.

- Tổ chức hợp tác dùng nước ngoài việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 17, 18 Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi còn phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP và quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Hợp tác xã và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý, vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Hợp đồng giao khoán đã thỏa thuận giữa bên giao khoán và bên nhận khoán.

c) Tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi

- Sở Nông nghiệp và PTNT:

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Thủy lợi đối với UBND cấp huyện, các công ty TNHH một thành viên thủy lợi, hướng dẫn kỹ thuật vận hành, khai thác và bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch, kinh phí thủy lợi của các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi và các địa phương.

- Uỷ ban nhân dân cấp huyện:

UBND các huyện, thành phố, thị xã quyết định công nhận việc thành lập và phê duyệt Điều lệ hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động của Hợp tác dùng nước; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý, vận hành khai thác, duy tu và bảo vệ công trình thủy lợi thuộc địa phương quản lý theo quy định của pháp luật đối với UBND cấp xã, các Hợp tác dùng nước, hộ gia đình và cá nhân.

Các HTX dùng nước, hộ gia đình và cá nhân có đủ điều kiện, năng lực được cơ quan có thẩm quyền giao quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo Hợp đồng giao khoán thỏa thuận với bên giao khoán (UBND cấp huyện). Thời hạn hợp đồng có thể ổn định từ 3 - 5 năm, song hàng năm UBND cấp huyện phải tổ chức đánh giá kết quả thực hiện để quyết định tiếp tục hay chấm dứt hợp đồng.

- Uỷ ban nhân dân cấp xã:

UBND các xã, phường, thị trấn trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm ký kết hợp đồng dùng nước với các tổ chức (cá nhân) được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi; chỉ đạo, kiểm tra công tác quản lý, duy tu, bảo vệ công trình thủy lợi thuộc phạm vi địa phương quản lý; đồng thời phối hợp giải quyết các vướng mắc cản trở đến tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã dùng nước, đảm bảo quyền và trách nhiệm, các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện để Hợp tác xã, tổ chức, cá nhân hoạt động có hiệu quả.

d) Quy trình xây dựng kế hoạch, kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch quản lý, khai thác công trình thủy lợi: Việc lập kế hoạch phục vụ tưới, tiêu, cấp nước, ngăn mặn, giữ ngọt; thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch; nghiệm thu, thanh toán kinh phí thực hiện theo Thông tư số 56/2010/TT-BNNPTNT ngày 01/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thông tư số 41/2013/TT-BTC ngày 11/4/2013 của Bộ Tài chính; cụ thể:

- Các công ty TNHH một thành viên thủy lợi (sở hữu 100% vốn nhà nước) lập Kế hoạch tưới, tiêu, cấp nước, dự toán kinh phí gửi Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

- Các HTX, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi lập kế hoạch phục vụ tưới, tiêu, cấp nước và dự toán kinh phí gửi Phòng Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) kiểm tra, rà soát và tổng hợp thành Kế hoạch chung của địa phương, báo cáo UBND cấp huyện kiểm tra, rà soát và gửi Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp trong dự toán ngân sách địa phương trước ngày 30/10 hàng năm.

- Đối với các tổ chức hợp tác dùng nước, đơn vị sự nghiệp có thu được Nhà nước quyết định thành lập quản lý một phần công trình nằm trong lưu vực, hệ thống công trình do công ty TNHH một thành viên thủy lợi sở hữu 100% vốn nhà nước thì lập dự toán gửi công ty TNHH một thành viên thủy lợi để tổng hợp trong kế hoạch chung. Công ty TNHH một thành viên thủy lợi sở hữu 100% vốn nhà nước có trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán khoản kinh phí này theo quy định hiện hành.

- Các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi căn cứ năng lực công trình, diện tích tưới tiêu, nhu cầu dùng nước và định mức sử dụng nước do cơ quan có thẩm quyền ban hành ký kết hợp đồng dùng nước với tổ chức, cá nhân hưởng lợi; lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước ngày 30/10 hàng năm.

- Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài chính tổ chức thẩm định Kế hoạch quản lý, khai thác công trình thủy lợi của các doanh nghiệp, địa phương, trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 30/11 hàng năm.

- Căn cứ dự toán ngân sách địa phương được HĐND tỉnh phê duyệt và thông báo mức hỗ trợ kinh phí cấp bù, miễn thủy lợi phí của Bộ Tài chính, UBND tỉnh thực hiện giao dự toán cho các doanh nghiệp thủy nông và ngân sách cấp huyện. Sở Tài chính làm đầu mối chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho từng doanh nghiệp và các huyện, thành, thị.

Căn cứ quyết định của UBND tỉnh về kinh phí hỗ trợ, miễn thủy lợi phí, UBND cấp huyện giao dự toán cho các đơn vị thủy nông do huyện quản lý trên cơ sở đề nghị của Phòng Kế hoạch - Tài chính và Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) các huyện, thành phố, thị xã.

Việc giao dự toán cho các doanh nghiệp, tổ chức hợp tác, cá nhân được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi phải hoàn thành trước ngày 31/12 năm trước năm kế hoạch.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm thực hiện

1.1. Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Chỉ đạo ổn định tổ chức bộ máy 02 Công ty TNHH MTV thủy lợi Tây Bắc, Tây Nam theo Đề án được UBND tỉnh phê duyệt;

- Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, Quản lý vận hành, bảo đảm an toàn công trình; điều động, hỗ trợ về nhân lực khi các đơn vị có yêu cầu; Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với UBND cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra việc thành lập các Tổ chức hợp tác dùng nước.

1.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp sau khi được UBND tỉnh quyết định đổi tên và bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn theo Đề án được UBND tỉnh phê duyệt.

1.3. Sở Tài chính:

- Tham mưu trình tự, thủ tục bàn giao tài sản, tài chính Trạm thủy nông Quỳ Châu và Trạm Dịch vụ nông nghiệp và PTNT Quế Phong về Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tây Bắc;

- Thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí xây dựng mới trụ sở làm việc các Xí nghiệp thủy lợi thành lập mới; kinh phí hỗ trợ thành lập các Tổ chức hợp tác dùng nước (HTX) theo Đề án được UBND tỉnh phê duyệt.

1.4. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan có liên quan hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ quản lý, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của Nhà nước về công tác cán bộ tại các công ty TNHH một thành viên thủy lợi tổ chức, sắp xếp lại.

1.5. UBND các huyện, thành, thị:

- Xem xét, lựa chọn địa điểm xây dựng Trụ sở làm việc các Xí nghiệp thủy nông thành lập mới; xây dựng, ban hành Quy chế hoạt động và mối quan hệ giữa UBND cấp huyện, UBND cấp xã, tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi và tổ chức, cá nhân hưởng lợi.

- Quyết định công nhận thành lập các Tổ chức hợp tác dùng nước, phê duyệt Điều lệ hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã dùng nước trên địa bàn.

2. Thời gian thực hiện

2.1. Thẩm định phê duyệt kế hoạch mở rộng quy mô tổ chức hoạt động và đổi tên 02 công ty TNHH một thành viên thủy lợi Quỳ Hợp và Anh Sơn thành công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tây Bắc, Tây Nam; kế hoạch thành lập mới các Xí nghiệp thủy nông trong quý IV/2014.

2.2. Rà soát chuyển giao tất cả các hồ đập có dung tích từ 1,0 triệu m3 trở lên và từ 500.000 m3 trở lên có chiều cao thân đập từ 15 m trở lên hiện do UBND cấp huyện, UBND cấp xã quản lý về các công ty thủy nông trong quý IV/2014.

2.3. Xây dựng, phê duyệt Đề án thí điểm thành lập 03 Tổ chức hợp tác dùng nước ở các huyện Hưng Nguyên, Diễn Châu, Tân Kỳ trong quý II/2015.

2.4. Tiếp tục xây dựng, phê duyệt đề án thành lập các Tổ chức hợp tác dùng nước ở các địa phương còn lại trong những năm tiếp theo./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 4603/QĐ-UBND.NN ngày 18/09/2014 về Đề án Kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh Nghệ An

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.633

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.161.216
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!