ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1901/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 15 tháng 08 năm 2016
|
KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TỈNH KON TUM THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC
GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030
Căn cứ Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày
22/02/2012 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về
Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Công văn số 1515/BYT-BM-TE
ngày 21/3/2012 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về
Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và
tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 02/2012/QĐ-UBND
ngày 09/01/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Quy hoạch
phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Kon Tum giai đoạn
2011 - 2020, định hướng đến năm 2025;
Trên cơ sở kết quả thực hiện Kế hoạch
hành động giai đoạn 2012 - 2015 tỉnh Kon Tum thực hiện Chiến lược quốc gia về
Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch
hành động giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Kon Tum thực hiện Chiến lược quốc gia về
Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát đến năm
2020: Bữa
ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, bảo đảm
an toàn vệ sinh; suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt thể thấp còi được giảm mạnh,
góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, kiểm soát có hiệu quả
tình trạng thừa cân, béo phì góp phần hạn chế các bệnh mãn tính không lây liên
quan đến dinh dưỡng.
2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể phấn
đấu đến năm 2020
2.1. Mục tiêu 1: Tiếp tục cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân.
Chỉ tiêu:
- Tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng
ăn vào bình quân đầu người dưới 1800 Kcal giảm xuống 10%.
- Tỷ lệ hộ gia đình có khẩu phần ăn
cân đối (tỷ lệ các chất sinh nhiệt P:L:G = 14:18:68) đạt 65%.
2.2. Mục tiêu 2: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em.
Chỉ tiêu:
- Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở
phụ nữ tuổi sinh đẻ xuống còn dưới
15%.
- Tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng thấp (dưới 2.500 gam) xuống dưới 5%.
- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở
trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 35%.
- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở
trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 21%.
- Chiều cao của trẻ 5 tuổi tăng từ 1,5cm - 2cm cho cả trẻ trai và gái; chiều cao của
thanh niên theo giới tăng từ 1cm -
1,5cm so với năm 2015.
2.3. Mục tiêu 3: Cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng.
Chỉ tiêu:
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi có hàm lượng
vitamin A huyết thanh thấp (<0,7 µmol/L) giảm xuống dưới 10%.
- Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai giảm
còn 25%.
- Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 20%.
- Tỷ lệ hộ gia đình dùng muối i-ốt
hàng ngày đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (≥20ppm) đạt > 90%, mức trung vị i-ốt niệu
của bà mẹ có con dưới 5 tuổi đạt từ 10 đến 20 µg/dl.
2.4. Mục tiêu 4: Từng bước
kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mãn tính không lây
liên quan đến dinh dưỡng người trưởng
thành.
Chỉ tiêu:
- Kiểm soát tình trạng béo phì ở người
trưởng thành ở mức dưới 15%.
- Khống chế tỷ lệ người trưởng thành
có cholesterol trong máu cao (> 5,2 mmol/L) duy trì ở mức dưới 30%.
2.5. Mục tiêu 5: Nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý.
Chỉ tiêu:
- Tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong
6 tháng đầu đạt 35%.
- Tỷ lệ bà mẹ có kiến thức và thực
hành dinh dưỡng đúng đối với trẻ ốm đạt 85%.
- Tỷ lệ nữ thanh niên được huấn luyện
về dinh dưỡng và kiến thức cơ bản về làm mẹ đạt 75%.
2.6. Mục tiêu 6: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại
cộng đồng và cơ sở y
tế.
Chỉ tiêu:
- Duy trì 100% cán bộ chuyên trách
dinh dưỡng tuyến xã và cộng tác viên dinh dưỡng được tập huấn, cập nhật kiến thức
về chăm sóc dinh dưỡng.
- 100% cán bộ chuyên trách tuyến tỉnh
có đủ năng lực giám sát về dinh dưỡng. Thực hiện giám sát dinh dưỡng trong các
trường hợp khẩn cấp tại các huyện
thường xuyên xảy ra thiên tai và có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao so với bình quân
toàn tỉnh.
II. GIẢI PHÁP
1. Tăng
cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công
tác dinh dưỡng; chỉ đạo triển khai lồng ghép công tác dinh dưỡng vào các kế hoạch,
chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; huy động sự tham gia của
toàn xã hội vào công tác dinh dưỡng.
2. Củng cố
tổ chức bộ máy và mạng lưới làm công tác dinh dưỡng ở cấp tỉnh, huyện, xã đủ mạnh
để quản lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động dinh dưỡng. Ổn định nhân lực hoạt động dinh dưỡng tại cơ sở,
đặc biệt là tuyến huyện, tuyến xã và nâng cao trình độ hiệu quả hoạt động của đội
ngũ nhân viên y tế thôn, làng để tổ chức thực hiện và triển khai có hiệu quả
các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng tại cộng đồng.
3. Nâng
cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác dinh dưỡng; tăng cường công tác kiểm
tra, giám sát và nâng cao chất lượng xây dựng, lập kế hoạch và triển khai thực
hiện các hoạt động về dinh dưỡng.
4. Đẩy mạnh
công tác truyền thông vận động, nâng cao kiến thức về tầm quan trọng của công
tác dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất và trí tuệ của trẻ em cho các cấp lãnh đạo, các nhà quản
lý. Triển khai các hoạt động truyền thông đại chúng với các loại hình, phương
thức, nội dung phù hợp với từng vùng và từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao hiểu biết và thực hành dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt
là phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, khống chế tỷ lệ thừa cân - béo phì và
các bệnh mãn tính không lây liên
quan đến dinh dưỡng cho mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh việc thực hiện giáo dục
dinh dưỡng và thể chất trong hệ thống trường học.
5. Mở rộng
các dịch vụ tư vấn về dinh dưỡng cho mọi lứa tuổi đặc biệt là dịch vụ tư vấn về
dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Mở
rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng
và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ (can thiệp bổ sung viên sắt hoặc viên đa vi
chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai; bổ sung vitamin A, kẽm cho trẻ em; tẩy giun định kỳ cho trẻ; tiêm chủng đầy đủ cho
trẻ; phục hồi dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng; dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ
trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và
ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi...).
6. Thực
hiện xã hội hóa công tác dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nhằm
huy động các nguồn lực của xã hội; lồng ghép các hoạt động dinh dưỡng vào
chương trình hoạt động thường xuyên của các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp có
liên quan thông qua quy chế phối hợp liên ngành; khuyến khích, huy động sự tham
gia của cộng đồng dân cư, tổ chức,
cá nhân, doanh nghiệp vào công tác dinh dưỡng.
7. Tăng
cường công tác đào tạo, đào tạo lại,
tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ thích hợp nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực thực
hiện công tác dinh dưỡng; từng bước hình thành đội ngũ cán bộ có trình độ
chuyên sâu về dinh dưỡng. Áp dụng
kinh nghiệm và thành tựu khoa học dinh dưỡng trong dự phòng béo phì, hội chứng
chuyển hóa và các bệnh mãn tính
không lây liên quan đến dinh dưỡng.
III. KINH PHÍ: Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn ngân sách
Trung ương; ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.
- Đối với nhiệm vụ chi thuộc ngân
sách Trung ương: Được cân đối từ nguồn kinh phí của các chương trình y tế giai
đoạn 2016-2020 do Trung ương giao hàng năm để thực hiện.
- Đối với nhiệm vụ chi thuộc ngân
sách địa phương được cân đối từ nguồn chi sự nghiệp y tế giao hàng năm.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành, đoàn thể liên quan và UBND huyện, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch
cụ thể hàng năm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động phù hợp với kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hướng dẫn, phối hợp kiểm tra, giám
sát và tổng hợp tình hình thực hiện hàng năm, định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ,
các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh sắp xếp,
kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác dinh dưỡng từ tỉnh đến cơ sở theo hướng dẫn của Trung
ương.
2. Sở Nội vụ: Phối
hợp với Sở Y tế, các đơn vị liên quan và các địa phương thực hiện tốt công tác
thi đua, khen thưởng nhằm động viên kịp thời các tập thể, cá nhân, cộng đồng
dân cư thực hiện tốt công tác dinh dưỡng.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh lồng
ghép giao một số mục tiêu, chỉ tiêu liên quan về dinh dưỡng vào kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh; kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện
các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong kế hoạch hành động.
4. Sở Tài chính:
Căn cứ khả năng ngân sách nhà nước tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét bố trí
ngân sách phù hợp để thực hiện Kế
hoạch hành động, dự án về dinh dưỡng theo Luật Ngân sách nhà nước và các quy định
hiện hành.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức tuyên
truyền, giáo dục về dinh dưỡng trong các trường học; triển khai chương trình giáo dục dinh dưỡng và thể
chất cho các cấp học, bậc học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Chỉ đạo nâng cao chất lượng chăm
sóc, giáo dục trẻ mầm non và các bếp ăn tập thể ở trường học.
6. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các
chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho các đối tượng theo quy định của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội.
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị có
liên quan tổ chức thực hiện lồng
ghép các nội dung dinh dưỡng vào các hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, các hoạt động tuyên truyền văn hóa, hướng tới
mục tiêu gia đình không có con bị suy dinh dưỡng.
8. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và
các ngành liên quan chỉ đạo, định hướng tổ chức các hoạt động thông tin, truyền
thông về dinh dưỡng, chú trọng các thông tin về dinh dưỡng hợp lý trên các
phương tiện thông tin đại chúng.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch kiểm soát quảng cáo về dinh dưỡng và thực phẩm liên quan theo Luật
Quảng cáo và các văn bản pháp luật về lĩnh vực thông tin và truyền thông.
9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội
dung về bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm; chế biến lương thực, thực phẩm,
phát triển mô hình sinh thái vườn - ao - chuồng (VAC), xây dựng và triển khai
chương trình cung cấp nước sạch nông thôn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
10. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố: Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành
động tại địa phương theo hướng dẫn của các ngành chức năng; chủ động, tích cực
huy động nguồn lực để thực hiện Kế
hoạch hành động; đẩy mạnh phối hợp
liên ngành, đặc biệt là trong việc lồng ghép các nội dung về công tác dinh dưỡng trong công tác xây dựng kế hoạch và hoạch định
chính sách phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương; thường xuyên kiểm tra việc
thực hiện và báo cáo định kỳ việc thực hiện Kế hoạch hành động trên địa bàn
theo quy định.
11. Cục thống kê tỉnh: Thu thập, cung cấp đầy đủ,
chính xác, kịp thời cho các cơ quan liên quan về các số liệu phục vụ cho việc
quản lý chương trình dinh dưỡng và xây dựng các chính sách phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Hội Cựu chiến binh tỉnh; Tỉnh
Đoàn và các tổ chức xã hội khác: Phối hợp với Sở Y tế,
các cơ quan liên quan và chính quyền các cấp trong việc phổ biến kiến thức về
dinh dưỡng hợp lý cho các thành viên, hội viên và nhân dân; việc thực hiện xã hội
hóa công tác dinh dưỡng và các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp theo Kế hoạch.
13. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Phối hợp với
Sở Y tế tổ chức phổ biến kiến thức về sức khỏe và dinh dưỡng hợp lý cho các hội
viên và các bà mẹ; vận động cộng đồng cùng tham gia, phối hợp chặt chẽ với
ngành Y tế triển khai các hoạt động
chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng
góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em.
Căn cứ nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch, các sở ngành, đơn vị liên quan tổ chức
triển khai thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về Sở Y tế. Giao Sở Y
tế theo dõi đôn đốc việc triển khai thực hiện; tổng hợp tình hình, báo cáo các
cơ quan có thẩm quyền./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ
(b/c);
- Bộ Y tế (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các đơn vị, đoàn thể liên quan (Mục IV Kế hoạch);
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP UBND tỉnh, CVP phụ trách;
- Lưu: VT, KGVX3.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Thị Nga
|