ĐỀ ÁN
DỒN ĐIỀN, ĐỔI THỬA ĐẤT NÔNG NGHIỆP THỰC HIỆN QUY HOẠCH XÂY DỰNG
NÔNG THÔN MỚI
(Kèm theo Nghị Quyết số 72/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 tại Kỳ họp thứ 15,
HĐND tỉnh Thái Bình khóa XIV)
Phần I
NỘI DUNG DỒN ĐIỀN,
ĐỔI THỬA ĐẤT NÔNG NGHIỆP
I. Mục đích,
yêu cầu và nguyên tắc dồn điền, đổi thửa
1. Mục đích
1.1. Thực hiện dồn điền, đổi
thửa để hoàn thiện xây dựng hệ thống giao thông, mương máng nội đồng; hình
thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung phù hợp với điều kiện đất đai, lợi
thế canh tác từng địa phương (vùng lúa chất lượng cao, vùng cây màu, cây vụ
đông, vùng chuyên canh nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi tập trung...); tạo thuận
lợi để các hộ nông dân có điều kiện đưa cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học
kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất - kinh doanh; làm tăng hiệu quả, giá
trị sản xuất nông nghiệp; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá
nông nghiệp, nông thôn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về
nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
1.2. Phấn đấu mỗi hộ sau dồn đổi
chỉ còn 1 đến 2 thửa ruộng hoặc nhóm hộ chung nhau một thửa ruộng sản xuất cùng
loại cây trồng hoặc con vật nuôi với khối lượng lớn theo tiêu chí quy hoạch xây
dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất, tăng giá trị thu nhập trên mỗi ha đất
canh tác; thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập
trung.
2. Yêu cầu
2.1. Căn cứ thực trạng ruộng đất,
quy hoạch xây dựng nông thôn mới, từng địa phương xây dựng phương án dồn điền,
đổi thửa đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; Phương
án phải được bàn bạc dân chủ, công khai bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của hộ gia
đình cá nhân và của địa phương, không làm ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất nông
nghiệp. Sau dồn đổi phải đảm bảo ổn định và thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo
ra nhiều mô hình kinh tế hiệu quả hơn so với trước khi thực hiện dồn điền, đổi
thửa;
2.2. Phương án dồn điền, đổi thửa
được xây dựng theo đơn vị hành chính xã, thị trấn (sau đây gọi chung là xã);
trong đó thôn, khu dân cư (sau đây gọi chung là thôn) là đơn vị trực tiếp tổ chức
thực hiện. Sau khi dồn điền, đổi thửa hạn chế thấp nhất việc nhận ruộng theo
hình thức gián thu và hoàn thành việc đo đạc lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.
3. Nguyên tắc
Việc dồn điền, đổi thửa thực chất
là cuộc vận động nhân dân tự nguyện dồn chuyển diện tích, vị trí đất nông nghiệp
hiện có của hộ gia đình, cá nhân (vùng ngoài đồng) từ nhiều thửa nhỏ ở các khu
vực khác nhau thành thửa lớn phù hợp với vùng sản xuất theo quy hoạch xây dựng
nông thôn mới, vì vậy phải đảm bảo nguyên tắc sau:
3.1.
Tổ chức thực hiện dồn điền, đổi thửa phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập
trung thống nhất của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ngành,
các tổ chức chính trị xã hội và tham gia bàn bạc của người dân trong suốt quá
trình thực hiện. Phải có quyết tâm cao, tránh tư tưởng chủ quan hoặc hữu khuynh
ngại va chạm, đồng thời đảm bảo sự đoàn kết, ổn định tình hình nông thôn;
3.2. Dồn điền, đổi thửa là nội
dung quan trọng thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới; vì vậy phải căn cứ
vào quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng, quy hoạch
vùng sản xuất đã được duyệt theo nội dung quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy
hoạch phát triển đô thị. Đất 5% công ích dồn chuyển thành vùng tập trung theo vị
trí đã được quy hoạch xây dựng các công trình công cộng của xã, của thôn như: Y
tế, giáo dục, nhà văn hóa, sân thể thao, chợ, nghĩa trang, bãi rác..; diện tích
đất 5% công ích trước kia đã bố trí vào hành lang bảo vệ đê và đường giao thông
thì nay giữ nguyên; không để đất 5% công ích đan xen với đất giao ổn định của hộ
gia đình, cá nhân;
3.3. Phương án dồn điền, đổi thửa
phải tuân thủ Luật Đất đai, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và pháp luật
thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; căn cứ số khẩu và mức diện tích đất
nông nghiệp giao ổn định của hộ gia đình, cá nhân theo Quyết định số 652/QĐ-UB
ngày 17/11/1993 và Quyết định số 948/2000/QĐ-UB ngày 25/9/2000 của UBND tỉnh;
trường hợp diện tích đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất để
thực hiện các dự án hoặc đã chuyển nhượng thì phải đối trừ trong tổng mức diện
tích đất nông nghiệp được giao. Các hộ gia đình, cá nhân góp một phần diện tích
đất nông nghiệp đang sử dụng (do xã quy định) để làm đường giao thông, thủy lợi
nội đồng theo quy hoạch được duyệt, phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất của hộ.
Đối với những xã chưa thực hiện
Quyết định số 948/2000/QĐ-UB thì sử dụng diện tích đất nông nghiệp vượt 5% công
ích để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy hoạch được duyệt, trường
hợp không đủ diện tích thì vận động các hộ góp một phần đất nông nghiệp để làm;
3.4. Đối với những trường hợp dồn
điền, đổi thửa năm 2002, đã nhận toàn bộ diện tích đất nông nghiệp vào một vùng
và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy định mà phù hợp với
quy hoạch vùng sản xuất hiện nay thì giữ ổn định không thực hiện việc dồn điền,
đổi thửa; nhưng góp một phần diện tích đất để làm đường giao thông, thuỷ lợi nội
đồng theo quy định chung của xã;
3.5. Trong quá trình dồn điền, đổi
thửa tuỳ điều kiện đất đai của từng địa phương có thể dùng hệ số quy đổi giữa
các nhóm đất (hoặc vùng đất theo quy hoạch) để tính diện tích giao cho hộ nhằm
bảo đảm sự công bằng. Việc định hệ số quy đổi do nhân dân bàn bạc đưa ra bình
xét, quyết định và phải ghi thành nghị quyết họp nhân dân để thực hiện;
3.6. Sau khi thực hiện dồn điền, đổi
thửa phải thực hiện đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi hoặc cấp mới giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân và thực hiện cập
nhật, chỉnh lý biến động đất đai vào hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật.
Những địa phương đang triển khai
thực hiện VLAP phải tập trung hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn
mới và thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với việc đo đạc và cấp giấy chứng nhận
trong khi thực hiện Dự án; đối với những địa phương chưa kịp thực hiện việc dồn
điền, đổi thửa so với tiến độ thực hiện của Dự án thì vẫn triển khai Dự án;
không để việc dồn điền, đổi thửa ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của VLAP.
II. Phương pháp
thực hiện
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
1.1. Cấp tỉnh:
Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình
mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh chỉ đạo việc dồn điền, đổi thửa
đất nông nghiệp.
1.2. Cấp huyện:
Căn cứ chủ trương của Tỉnh uỷ, Đề án
của UBND tỉnh về dồn điền, đổi thửa để thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới;
Đề nghị Huyện uỷ, Thành uỷ, UBND huyện, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo,
hướng dẫn cấp xã thực hiện. Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc
gia xây dựng nông thôn mới của huyện chỉ đạo việc dồn điền, đổi thửa đất nông
nghiệp; thành lập Tổ công tác giúp Ban chỉ đạo
xây dựng kế hoạch của huyện thực hiện Đề án, kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn cấp xã
thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, thẩm định trình UBND huyện, thành phố phê
duyệt phương án dồn điền, đổi thửa của cấp xã. Năm 2010 tập trung chỉ đạo hoàn
thành dồn điền, đổi thửa ở các xã làm điểm về quy hoạch xây dựng nông thôn mới,
khuyến khích các xã khác chủ động thực hiện. Năm 2011 triển khai đồng loạt ở
các xã, thị trấn đồng thời với việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới,
bảo đảm đến hết năm 2012 cơ bản hoàn thành dồn điền, đổi thửa.
1.3. Cấp xã:
Căn cứ quy định của pháp luật, các
văn bản của tỉnh, huyện, thành phố và điều kiện thực tế của địa phương, Đảng uỷ,
UBND cấp xã cụ thể hóa thành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo như: Đảng ủy họp ban
hành nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo, chỉ đạo dồn điền, đổi thửa; phân công
nhiệm vụ và địa bàn phụ trách cho từng cấp uỷ viên Ban Quản lý xây dựng nông
thôn mới, đồng thời thực hiện nhiệm vụ dồn điền, đổi thửa của địa phương; thành
lập Tổ công tác giúp việc Ban quản lý; xây dựng phương án, lập kế hoạch thực hiện
và hướng dẫn Tiểu ban ở thôn thực hiện phương án.
UBND xã quyết định thành lập Tiểu
ban dồn điền, đổi thửa ở từng thôn bao gồm: Thôn trưởng làm Trưởng tiểu ban, Bí
thư Chi bộ - Trưởng Ban công tác Mặt trận Tổ quốc thôn làm Phó tiểu ban, mời
các đoàn thể ở thôn và từ 2-3 người am hiểu ruộng đất trong thôn tham gia tiểu
ban.
2. Công tác tuyên truyền
- Tập trung tuyên truyền, phổ biến
làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và các hộ nông dân về mục
đích, yêu cầu, các bước thực hiện dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp nhằm thực
hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp sang sản
xuất hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân;
- Làm rõ những thuận lợi, khó khăn
phức tạp khi triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa; do vậy cần có sự đoàn kết
thống nhất trong Đảng, dân chủ bàn bạc và
quyết tâm cao, phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu của tỉnh đề ra, khắc phục
khuynh hướng chần chừ, do dự hoặc chủ quan nóng vội khi thực hiện;
- Phát động phong trào thi đua xây
dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh, có chính
sách khuyến khích khen thưởng các điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng
nông thôn mới, trước hết là công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp;
Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch,
Đài phát thanh truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình xây dựng kế hoạch tuyên
truyền phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người hiểu và
thực hiện đúng chủ trương của tỉnh về thực hiện dồn điền, đổi thửa; Mặt trận Tổ
quốc và các tổ chức đoàn thể tích cực tham gia làm tốt công tác tuyên truyền, vận
động, hướng dẫn hội viên hưởng ứng thi đua thực hiện chủ trương chính sách của
Đảng, Nhà nước và của tỉnh về xây dựng nông thôn mới.
3. Trình tự xây dựng và tổ chức
thực hiện phương án ở xã, thôn
Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới
của xã, Tổ công tác giúp việc Ban quản lý, Tiểu ban dồn điền, đổi thửa ở thôn
giúp Đảng uỷ, UBND xã thực hiện các nội dung công việc theo trình tự sau:
3.1. Công tác chuẩn bị: UBND xã,
thị trấn thu thập tài liệu về quản lý, sử dụng đất hiện có, kiểm tra, rà soát
chất lượng, độ tin cậy của từng tài liệu để chọn làm tài liệu phục vụ cho việc dồn
điền, đổi thửa, bao gồm:
- Bản đồ, sổ mục kê, biểu thống
kê, sổ giao nhận diện tích đất nông nghiệp sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa
(năm 2002) theo Quyết định số 18/2002/QĐ-UB ngày 27/3/2002 của UBND tỉnh;
- Danh sách chia ruộng theo Quyết
định 652, Quyết định 948, danh sách các hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ đất
nông nghiệp theo các dự án đã thu hồi đất (nếu có); Danh sách các hộ đã làm thủ
tục chuyển quyền;
- Tài liệu quy hoạch chung, quy hoạch
chi tiết sản xuất nông nghiệp đã được duyệt theo Đề án quy hoạch xây dựng nông
thôn mới (bản đồ, thuyết minh hoặc đề án quy hoạch…);
- Chuẩn bị các vật tư phục vụ cho
việc xây dựng và thực hiện phương án dồn đổi: Cọc tre hoặc cọc bê tông, thước
dây, máy tính, giấy trôki …
3.2.
Điều tra hiện trạng: Trên cơ sở tài liệu bản đồ, sổ sách thu thập, tổ chức điều
tra thống kê diện tích đất nông nghiệp của xã (kể cả diện tích đất xâm canh ở
xã khác), xác định hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp của từng hộ gồm: số lượng
thửa, diện tích, loại đất, diện tích giao ổn định lâu dài (bao gồm cả diện đã
nhận chuyển nhượng hợp pháp), diện tích thuê, đấu thầu thuộc quỹ đất công ích,
đất nông nghiệp khó giao. Điều tra những trường hợp được chia ruộng nay không
còn nhu cầu sản xuất, vận động, thuyết phục để họ tự nguyện trả ruộng cho xã hoặc
chuyển nhượng cho hộ có nhu cầu (tổng hợp theo biểu mẫu điều tra).
3.3. Xây dựng phương án dồn điền,
đổi thửa:
* Bước 1: Xác định diện tích đất
quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng
Căn cứ quy hoạch chi tiết giao
thông, thủy lợi nội đồng đã được duyệt, tổ chức cắm cọc mốc ngoài thực địa. Khảo
sát, tổng hợp chính xác nhu cầu sử dụng diện tích đất nông nghiệp để làm đường
giao thông, thủy lợi nội đồng theo các tuyến, kể cả diện tích ở vùng đất xâm
canh (riêng vùng đất xâm canh phải tuân thủ quy hoạch giao thông, thủy lợi nội
đồng của địa phương nơi có đất). Tính toán cụ thể khối lượng đào đắp, thời gian
thực hiện, dự toán kinh phí đào đắp. UBND xã chỉ đạo các thôn: Tổ chức họp lấy
ý kiến của nhân dân, thông báo diện tích đóng góp, ngày công lao động đóng góp,
ban hành Nghị quyết về các nội dung mà nhân dân đã thống nhất để lãnh đạo, chỉ
đạo theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Lập danh sách đối trừ diện tích của
từng hộ.
* Bước 2: Quy vùng diện tích đất
5% công ích hiện có và xác định diện tích đất thực hiện dồn đổi
Căn cứ quy hoạch chung, quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt, bố trí
diện tích đất 5% công ích vào các vị trí đã được quy hoạch cho các công trình
công cộng như giáo dục, y tế, trụ sở UBND xã, sân vận động, hội trường thôn,
nghĩa trang, nghĩa địa, chợ, bãi rác...
Tiến hành xác định toàn bộ diện
tích các cánh đồng, xứ đồng của từng thôn và thể hiện lên sơ đồ theo quy hoạch
vùng sản xuất đã được duyệt, trong đó khoanh định rõ diện tích đất 5% công ích,
diện tích đất giữ ổn định không thực hiện việc dồn đổi, diện tích đất nông nghiệp
thực tế còn lại ở từng thôn thực hiện dồn đổi, so sánh với diện tích được giao
theo tiêu chuẩn từng thôn, dự kiến điều chỉnh diện tích giữa thôn thừa ruộng và
thôn thiếu ruộng.
* Bước 3: Bình nhóm đất
Trên cơ sở diện tích đất nông nghiệp
thực hiện dồn đổi theo từng vùng sản xuất đã được quy hoạch, UBND xã chỉ đạo
các thôn họp dân để bình nhóm đất theo vùng sản xuất đã được quy hoạch phù hợp
với điều kiện đất đai của từng địa bàn, đưa nhóm đất đã bình lên sơ đồ, so
sánh, cân nhắc, chỉnh sửa và thống nhất niêm yết công khai.
Xác định cụ thể diện tích đất xa,
xấu, trồng lúa kém hiệu quả, nếu nằm trong vùng chuyển đổi thì hướng dẫn để hộ
làm thủ tục đề nghị chuyển đổi, nếu không nằm trong vùng chuyển đổi thì có thể
dùng hệ số quy đổi (K) để điều chỉnh diện tích so với bình quân diện tích/khẩu,
khuyến khích các hộ có khả năng đầu tư tự nguyện nhận diện tích đất xa, xấu để
cải tạo.
* Bước 4: Hoàn chỉnh phương án dồn
điền, đổi thửa
Trên cơ sở phân thành nhóm đất thuộc
vùng sản xuất đã được quy hoạch, dự thảo phương án, vận động, khuyến khích các
hộ gia đình trong cùng dòng họ, bố con, anh em… nhận vào một vùng sản xuất tập
trung, để mỗi hộ chỉ có một thửa ruộng hoặc nhóm hộ cùng sản xuất vào một thửa
ruộng lớn. Phương án phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung,biện pháp tiến
hành và kèm theo các biểu mẫu tổng hợp.
* Bước 5: Thông qua phương án dự
thảo, lấy ý kiến đóng góp và hoàn chỉnh phương án
Tổ chức họp nhân dân (theo địa bàn
thôn) phổ biến dự thảo phương án dồn điền, đổi thửa để nhân dân tham gia ý kiến.
Họp Đảng bộ báo cáo dự thảo phương án đã tiếp thu ý kiến của nhân dân để Đảng bộ
tham gia ý kiến và ban hành nghị quyết thực hiện. Sau khi hoàn chỉnh các thủ tục
trên, UBND xã trình UBND huyện, thành phố phê duyệt phương án; công bố công
khai phương án đã được phê duyệt và giao thôn lập kế hoạch thực hiện.
3.4. Chỉ đạo thực hiện phương án dồn
điền, đổi thửa tại thôn:
Sau khi phương án của xã đã được
UBND huyện, thành phố phê duyệt, UBND xã, thị trấn phối hợp với cán bộ thôn xây
dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn từng thôn, đảm bảo phù hợp với
phương án của xã.
a) Phát động phong trào toàn dân
trực tiếp đóng góp ngày công lao động tham gia chiến dịch đào đắp giao thông,
thủy lợi nội đồng đã cắm mốc theo quy hoạch đã được phê duyệt;
b) Tổ chức để nhân dân bốc thăm:
Quy định vị trí thăm của từng loại đối tượng, từng nhóm đất trên sơ đồ trước
khi tổ chức bốc thăm và tổ chức để nhân dân bốc thăm;
c) Dự kiến cách chia ruộng: Theo kết
quả bốc thăm;
Các nội dung trên phải đưa ra hội
nghị toàn dân để bàn bạc thống nhất và ban hành thành Nghị quyết để thực hiện;
d) Tổ chức giao đất ngoài thực địa
Căn cứ
kết quả bốc thăm theo phương án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đảng uỷ, UBND
xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Tổ công tác của xã, Tiểu ban ở thôn thực hiện
giao đất đến từng hộ nông dân; xác định cụ thể vị trí thể hiện bằng cọc mốc
ngoài thực địa, lập biên bản giao đất kèm theo sơ đồ thửa đất.
Nếu nơi nào 100% nhân dân đồng thuận
với phương án mà không cần bốc thăm thì tổ chức thực hiện theo phương án mà
không phải tổ chức bốc thăm.
3.5. Tổ chức cấp giấy chứng nhận:
Sau khi giao ruộng, tiến hành đo đạc
hoặc chỉnh lý bản đồ, sổ sách cho phù hợp với hiện trạng sử dụng đất. Thông báo
số thửa, diện tích, loại đất của từng hộ sau dồn điền, đổi thửa. Thu hồi giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước khi dồn điền, đổi thửa; thông báo với
các tổ chức tín dụng biết đối với những trường hợp đang thế chấp; phát đơn theo
mẫu quy định để hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện, thành phố xét cấp đổi, cấp lại,
cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân;
lập sổ địa chính, sổ theo dõi biến động, sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đối với những xã đang triển khai
thực hiện VLAP phải căn cứ quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cấp thẩm
quyền phê duyệt; cắm mốc quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng và gắn việc dồn
điền, đổi thửa với việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất nông nghiệp.
III. Kinh phí
và thời gian thực hiện
1. Kinh phí thực hiện
1.1. Kinh phí dồn điền, đổi thửa:
Ngân sách Nhà nước bố trí kinh phí thực hiện dồn điền, đổi thửa (Ngân sách tỉnh
hỗ trợ mỗi xã 100 triệu đồng); việc phân bổ kinh phí hỗ trợ thực hiện ở cấp xã
do UBND cấp huyện bố trí cho các xã theo nguyên tắc xã nào thực hiện mới bố trí
kinh phí. Nhân dân đóng góp công lao động đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng;
1.2. UBND tỉnh chỉ ưu tiên phân bổ
kinh phí đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng nông thôn và Chương trình mục tiêu
Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các xã đã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa
đất nông nghiệp thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới;
1.3. Kinh phí đo đạc, cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất: Theo định mức kinh tế kỹ thuật về đo đạc, chỉnh lý bản
đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Bộ Tài
nguyên và Môi trường và quy định của UBND tỉnh. Đối với những xã đang thực hiện
VLAP thì kinh phí đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc kinh phí
của Dự án;
Sở Tài nguyên và Môi trường lập dự
toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định; trình UBND tỉnh phê duyệt,quyết định
phân bổ kinh phí để các địa phương thực hiện trong dự toán ngân sách từ năm
2011.
2. Thời gian thực hiện
UBND tỉnh ban hành “Đề án dồn điền,
đổi thửa đất nông nghiệp thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới” vào quý I
năm 2011.
UBND huyện, thành phố tập trung chỉ
đạo các xã điểm về quy hoạch xây dựng nông thôn mới hoàn thành dồn điền, đổi thửa
trong năm 2011.
Năm 2011, 2012 tập trung chỉ đạo
các xã còn lại thực hiện dồn điền, đổi thửa khi quy hoạch xây dựng nông thôn mới
được phê duyệt, bảo đảm đến hết năm 2012 cơ bản hoàn thành trong toàn tỉnh.
Phần II:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Việc dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp
là một trong những nhiệm vụ khó khăn phức tạp và cũng là nhiệm vụ trọng tâm
trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh từ nay đến năm 2012. Vì vậy, phải có sự
lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, trực tiếp của cấp uỷ, chính quyền các
cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành và có sự đồng thuận cao của nhân dân
trong tỉnh;
Cấp uỷ, Chính quyền, Ban chỉ đạo từ
tỉnh đến huyện phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn, sơ kết, tổng kết
rút kinh nghiệm và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình
thực hiện;
Cấp uỷ,
chính quyền cấp xã phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện,
Ban chỉ đạo xã, Tiểu ban ở các thôn trực tiếp tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền
trong việc chuẩn bị xây dựng và triển khai thực hiện phương án dồn điền, đổi thửa
đất nông nghiệp theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới đến hộ nông dân;
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở
Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận
tải phối hợp với các huyện, thành phố hướng dẫn việc thực hiện Đề án; đôn đốc,
kiểm tra và tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia của cấp huyện, cấp xã;
Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn
bị các tài liệu hướng dẫn, biểu mẫu, sổ sách phục vụ việc dồn điền, đổi thửa và
cấp phát cho các địa phương thực hiện;
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
chính xây dựng kế hoạch bố trí kinh phí thực hiện việc dồn điền, đổi thửa ở các
cấp trình UBND tỉnh phê duyệt;
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh
chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp ngành Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp
huyện, UBND cấp xã chuyển thủ tục thế chấp cho các trường hợp đang thế chấp, tạo
điều kiện thuận lợi để hộ gia đình cá nhân có diện tích đất thuộc vùng dồn điền,
đổi thửa vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp bảo đảm ổn định;
Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh
phát động phong trào thi đua trong toàn tỉnh về xây dựng nông thôn mới, trước hết
là công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp để tạo phong trào thi đua sôi nổi
trong các địa phương, đơn vị.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
và các tổ chức đoàn thể xây dựng chương trình, kế hoạch vận động đoàn viên, hội
viên tích cực hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới;
Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Sở
Thông tin Truyền thông; các cơ quan thông tin đại chúng mở đợt tuyên truyền, phổ
biến sâu rộng trong nhân dân về đề án dồn điền, đổi thửa và cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất nông nghiệp; kịp thời đưa tin biểu dương những địa phương,
đơn vị làm tốt.
Trong quá trình thực hiện nếu có
khó khăn, vướng mắc các huyện, thành phố phản ánh bằng văn bản về UBND tỉnh giải
quyết. /.