ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
316/QĐ-UBND.NN
|
Nghệ
An, ngày 19 tháng
01 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP VÀ QUẢN LÝ QUỸ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH
NGHỆ AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;
Căn cứ Nghị định số 94/2014/NĐ-CP
ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về
thành lập và quản lý quỹ phòng, chống thiên tai;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT tại Tờ trình số 3455/SNN-PCTT ngày 28/12/2015 về
việc xin phê duyệt Đề án thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thành lập và quản lý Quỹ phòng,
chống thiên tai với những nội dung sau:
Phần I
SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI
THÀNH LẬP QUỸ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI TỈNH NGHỆ AN
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất
cả nước với 475 km đê các loại, 625 hồ đập, địa hình đa dạng, phức tạp, bị chia cắt bởi hệ
thống đồi núi, sông suối... Hệ
thống đê điều, hồ đập của các
địa phương đã hình thành từ lâu và được củng cố dần qua
nhiều năm. Nhờ sự quan tâm của trung
ương, UBND tỉnh và các cấp, các ngành nên cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bằng nhiều nguồn vốn từ: ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn vay ODA, WB, JICA.... Do điều
kiện, khí hậu khắc nghiệt, diễn biến có chiều hướng ngày càng phức tạp nên đã
làm cho tình trạng các công trình xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Thực tế không chỉ thiên tai lớn như
bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào làm tiêu tan công lao và hy vọng của hàng triệu người trong một lúc mà sự biến đổi
khí hậu, thời tiết đã đặt sản xuất nông nghiệp nước ta trước những thách thức to lớn. Trong điều
kiện Nghệ An với diện tích hơn 16.400km2 nhưng có nhiều dạng địa
hình khác nhau. Trong những năm gần đây sự biến đổi khí hậu đã thay đổi các quy
luật của khí hậu, thời tiết và đã gây ra nhiều hiện tượng thời tiết
cực đoan với tần suất xuất hiện ngày càng nhiều và mức độ
tác hại ngày càng nặng nề.
Nghị quyết số 26
NQ/TƯ ngày 5 tháng 8
năm 2008 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X về Nông
nghiệp, nông dân, nông thôn đã nêu mục tiêu "nâng cao năng lực phòng, chống
thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chủ động triển khai một bước
các công trình giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và nước biển
dâng...". Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ
thiên tai đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 với mục tiêu chung
là huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác PCTT từ nay đến năm 2020, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn
chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa, góp phần quan trọng bảo đảm phát triển bền vững của đất
nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chiến lược cũng khẳng định, công tác giảm nhẹ thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, nhà
nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, huy động mọi
nguồn lực của cộng đồng, của
các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước
để thực hiện, xác định ưu tiên đầu tư cho công tác phòng, chống và giảm nhẹ
thiên tai là yếu tố quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững, kết hợp giữa các giải
pháp công trình và phi công trình, đảm bảo hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan môi
trường, đồng thời thúc đẩy thực hiện việc lồng ghép hoạt động
giảm nhẹ thiên tai vào trong quy hoạch, kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng lĩnh vực,
quốc gia; song song với đó, thúc đẩy
thực thi nghiên cứu và đánh giá một cách toàn diện các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước
biển dâng và những hiện tượng bất thường khác của khí hậu
để có giải pháp, cân đối nguồn lực để thực hiện.
Tỉnh Nghệ An nói
riêng và cả nước nói chung đang đối mặt với khó khăn do nguồn ngân sách nhà nước
cấp cho công tác quản lý, Phòng chống thiên tai còn hạn chế.
Trước đây theo Nghị định 50/CP ngày
10/5/1997 của Chính phủ ban hành quy chế thành lập và hoạt động của quỹ phòng, chống lụt
bão của địa phương. UBND tỉnh đã ban hành
quyết định số 942 QĐ/UB ngày 21/5/1992 về việc Quy định tạm
thời về việc thành lập quỹ phòng, chống lụt bão hàng năm, theo đó, đơn vị trực tiếp quản lý tiền ở huyện là Ban chỉ
đạo thu quỹ PCLB cấp huyện; ở tỉnh là Ban chỉ đạo thu quỹ PCLB của tỉnh. Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã ban hành quyết định số 51 QĐ/PCLB-NN ngày 09/09/2003 về
việc thành lập tổ thu quỹ gồm 05 người là công chức, viên chức kiêm nhiệm thuộc
biên chế của Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh; Tổng số tiền
thu được theo Nghị định số 50/CP bình quân hàng năm trên địa bàn tỉnh khoảng
1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 17/10/2014, Chính phủ
đã ban hành mới Nghị định 94/2014/NĐ-CP quy định về thành lập và quản lý Quỹ
phòng, chống thiên tai (thay thế Nghị định 50/CP trước
đây). Theo quy định của Nghị định có nhiều nội dung được bổ sung sửa đổi so với
trước đây: Về phạm vi, đối tượng áp dụng; Mức đóng góp
tăng lên; Nguyên tắc tổ chức hoạt động, quản lý sử dụng, quyết toán quỹ chuyên
nghiệp, kịp thời, chặt chẽ hơn...và giao cho Chủ tịch UBND tỉnh quyết định
thành lập Cơ quan quản lý quỹ; Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của quỹ.
Với tình hình thực tế nêu trên, việc
thành lập Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh theo Nghị định 94/2014/NĐ-CP để có
thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác ứng phó và phòng chống thiên tai, nhằm
giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra là rất cần thiết.
II. CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
- Luật Phòng chống thiên tai ngày
28/6/2013;
- Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày
17/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý quỹ phòng chống thiên
tai;
- Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày
28/6/2012 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp
công lập;
- Công văn số 1641 ngày 01/10/2015 của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh Nghệ An.
Phần II
PHƯƠNG ÁN THÀNH LẬP TỔ CHỨC QUỸ
I. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC THÀNH
LẬP QUỸ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
1. Mục tiêu: Việc thành lập Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh Nghệ
An là yêu cầu cấp
thiết, phù hợp với thực tế, nhằm thực
hiện các mục tiêu sau:
- Tạo nguồn vốn chủ động để khắc phục
các công trình bị hư hỏng do thiên tai gây ra trên địa bàn Nghệ An;
- Quản lý, sử dụng Quỹ để chi cho các hoạt động có liên quan đến công tác quản lý, Phòng chống
thiên tai địa phương;
- Ngoài ra, Quỹ là nơi huy động nguồn
vốn ngoài ngân sách hợp pháp của các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các nhiệm vụ ứng
phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm
họa hoặc các nguyên nhân bất thường khác để đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trên địa
bàn tỉnh.
2. Nguyên tắc hoạt động
- Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi
nhuận;
- Quản
lý và sử dụng quỹ phải công khai, minh bạch đảm bảo đúng mục đích, kịp
thời, công bằng và hiệu quả;
- Ủy
ban nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý Quỹ
và ban hành quy chế hoạt động của Quỹ.
II. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG
1. Tên gọi: Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh Nghệ An (sau đây gọi
là Quỹ).
- Tên giao dịch quốc tế: “Nghe An
Disaster Prevention Fund”.
- Tên giao dịch quốc tế viết tắt:
“Nghe An DPF”.
- Cấp thành lập: Quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định thành lập.
- Trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.
2. Địa điểm trụ sở làm việc: Ban quản lý Quỹ đặt tại Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An (số 04 Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vinh, tỉnh
Nghệ An).
3. Chức năng của quỹ:
a) Quỹ phòng, chống
thiên tai tỉnh Nghệ An có chức năng huy động, quản lý và sử
dụng quỹ phòng chống thiên tai, nhằm
phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả
của thiên tai, hạn chế thấp nhất những
thiệt hại về người và tài sản.
b) Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh
Nghệ An có con dấu và được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
III. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA
QUỸ
Tiếp nhận nguồn tài chính, quản lý và
sử dụng nguồn để chi cho các hoạt động quản lý, Phòng chống
thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh.
IV. TỔ CHỨC BỘ MÁY
QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH QUỸ
Tổ chức bộ máy điều hành Quỹ bao gồm Hội đồng quản lý, giám sát Quỹ và Ban quản lý Quỹ.
1. Hội đồng quản lý, giám sát quỹ:
Hội đồng giám sát Quỹ gồm có Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch và các ủy viên:
a) Chủ tịch Hội đồng quản lý, giám
sát Quỹ là 01 Phó chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh phụ trách nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Phó chủ tịch Hội đồng quản lý,
giám sát Quỹ là Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
c) Các ủy viên Hội đồng gồm: Phó giám
đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện; lãnh đạo các Sở,
ngành như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh,
Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế tỉnh
và một số ngành liên quan.
d) Hội đồng quản lý giám sát Quỹ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước và điều lệ, quy chế của quỹ.
2. Ban quản lý Quỹ
a) Chủ tịch UBND tỉnh quyết định
thành lập cơ quan quản lý Quỹ.
b) Cơ cấu tổ chức của Ban quản lý Quỹ
gồm: Giám đốc, 01 Phó giám đốc, Kế toán trưởng và bộ phận chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng các khoản phụ cấp theo quy định.
c) Giám đốc Quỹ do
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định và phân cấp quản lý hiện
hành.
d) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
Ban quản lý Quỹ:
- Vận động, tiếp nhận, quản lý các
khoản đóng góp bắt buộc; nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác của
tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài cho công tác phòng chống và khắc phục
hậu quả thiên tai;
- Quản lý, tổng hợp kế hoạch thu, nộp
Quỹ hàng năm của các đơn vị trình UBND tỉnh phê duyệt;
- Xuất Quỹ sau khi có quyết định phê
duyệt mức chi của Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh;
- Công khai kết quả thu, danh sách và
mức thu đối với từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và từng huyện; quyết toán thu,
chi hàng năm với cơ quan tài chính nhà nước có thẩm quyền;
- Báo cáo quyết toán việc thu, chi Quỹ
năm trước với Ủy ban nhân dân tỉnh vào
Quý I năm sau;
đ) Biên chế, số lượng người làm việc
của Ban quản lý Quỹ: Biên chế, số lượng người làm việc của
quỹ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, nằm trong tổng biên chế, số lượng người làm việc của ngành Nông nghiệp và
PTNT được UBND tỉnh giao, không bổ sung
chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc mới.
Phần III
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC ĐÓNG GÓP
Đối tượng và mức đóng góp được quy định tại Điều 5, Nghị định 94/2014/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau:
1. Đối với các tổ chức kinh tế hạch
toán độc lập: Mức đóng góp bắt buộc một năm là hai phần vạn
trên tổng giá trị tài sản hiện có tại địa phương theo báo
cáo tài chính hàng năm nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối
đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
2. Công dân Việt Nam cư trú tại địa
phương từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động
đóng góp như sau:
a) Cán bộ, công chức, viên chức trong
các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các
doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi
trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp;
b) Người lao động trong các doanh
nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng;
c) Người lao động khác, trừ các đối
tượng đã được quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, đóng
15.000 đồng/người/năm.
3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân
tham gia đóng góp tự nguyện cho Quỹ.
II. QUẢN LÝ THU, KẾ HOẠCH THU
NỘP QUỸ
Quản lý thu, kế hoạch thu nộp quỹ được
quy định tại Điều 8, Nghị định 94/2014/NĐ-CP của Chính
phủ, cụ thể như sau:
1. Thủ trưởng tổ chức kinh tế hạch
toán độc lập có trách nhiệm nộp Quỹ theo định mức được quy
định tại Khoản 1 Mục I phần này chuyển vào tài khoản của cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh hoặc tài khoản cấp huyện
do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền.
2. Thủ trưởng cơ
quan, tổ chức có trách nhiệm thu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động,
cán bộ, nhân viên trong lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý và chuyển vào tài khoản của cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh
hoặc vào tài khoản cấp huyện do ủy
ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền.
3. Ủy
ban nhân dân cấp xã tổ chức thu của các đối tượng lao động khác trên địa
bàn (trừ các đối tượng đã thu tại Khoản 2 Mục này) và nộp
vào tài khoản cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền. Việc thu bằng tiền
mặt phải có chứng từ theo mẫu của Bộ Tài chính.
4. Thời hạn nộp Quỹ: Đối với cá nhân
nộp một lần trước 30 tháng 5 hàng năm; đối với tổ chức kinh tế hạch toán độc lập nộp tối thiểu
50% số phải nộp trước 30 tháng 5, số còn lại nộp trước 30 tháng 10 hàng năm.
5. Thủ
trưởng cơ quan, tổ chức và Ủy ban
nhân dân cấp xã căn cứ đối tượng, mức đóng góp thuộc phạm vi quản lý, các đối
tượng được miễn, giảm, tạm hoãn để xây dựng kế hoạch thu của cơ quan, đơn vị và
địa phương.
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn việc lập, phê duyệt, thông báo
kế hoạch thu Quỹ đối với từng cơ quan, đơn vị có liên quan.
III. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC MIỄN, GIẢM,
TẠM HOÃN ĐÓNG GÓP: Đối tượng
được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp được quy định tại Điều
6, Nghị định 94/2014/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau:
1. Đối tượng được
miễn đóng góp:
a) Thương binh, bệnh binh và những
người được hưởng chính sách như thương binh;
b) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của
liệt sỹ;
c) Quân nhân làm nghĩa vụ trong lực
lượng vũ trang, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn
trong Công an nhân dân đang hưởng phụ cấp sinh hoạt phí;
d) Sinh viên, học sinh đang theo học
tập trung dài hạn tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học, Dạy nghề;
đ) Người khuyết tật hoặc bị suy giảm
khả năng lao động từ 21% trở lên; người mắc bệnh hiểm
nghèo có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;
e) Người đang trong giai đoạn thất
nghiệp hoặc không có việc làm từ 6 tháng trong 1 năm trở lên;
g) Thành viên hộ gia đình thuộc diện
nghèo hoặc cận nghèo; thành viên thuộc hộ gia đình ở vùng cao, vùng sâu, vùng
xa; thành viên thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ,
tai nạn;
h) Hợp tác xã không có nguồn thu;
i) Tổ chức kinh tế hạch toán độc lập
trong năm bị thiệt hại do thiên tai gây ra về tài sản, nhà xưởng, thiết bị; phải
tu sửa, mua sắm với giá trị lớn hơn hai phần vạn tổng giá trị tài sản
của tổ chức hoặc phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 5 ngày trở lên.
2. Đối tượng được giảm, tạm hoãn đóng
góp:
Tổ chức kinh tế hạch toán độc lập được
miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì được xem xét giảm, tạm hoãn đóng góp
Quỹ.
IV. NỘI DUNG
CHI, THẨM QUYỀN CHI CỦA QUỸ
1. Nội dung chi của Quỹ quy định tại
Điều 9, Nghị định 94/2014/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau:
a) Chi hỗ trợ các hoạt động phòng, chống
thiên tai, bao gồm:
- Cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả
thiên tai: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc
chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên
tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học, xử lý vệ
sinh môi trường vùng thiên tai, tu sửa nhà sơ tán phòng tránh thiên tai hoặc tu
sửa khẩn cấp công trình phòng chống thiên tai có giá trị nhỏ hơn 1 tỷ đồng/1
công trình;
- Hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên
tai: Sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm; chăm sóc y tế; thực phẩm, nước uống cho người
dân nơi sơ tán đến; hỗ trợ quan trắc, thông tin, thông
báo, cảnh báo, báo động thiên tai tại cộng đồng;
- Hỗ trợ các hoạt
động phòng ngừa: Phổ biến tuyên truyền kiến thức pháp luật, lập kế hoạch,
phương án và diễn tập phòng, chống thiên tai cấp xã.
b) Chi hỗ trợ cho công tác quản lý Quỹ;
Chi thù lao cho người trực tiếp đi thu và các chi phí hành chính phát sinh liên
quan đến công tác thu Quỹ tại cấp xã nhưng không vượt quá
5% số thu thực tế hằng năm.
c) Điều chuyển để hỗ trợ các địa
phương khác bị thiệt hại do thiên tai vượt quá khả năng khắc phục của địa
phương theo quyết định của Thủ tướng
Chính phủ.
2. Thẩm quyền chi Quỹ
a) Ủy
ban nhân dân cấp huyện tổng hợp thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ của các địa phương, cơ quan, tổ chức
trên địa bàn, báo cáo về Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh. Ban
chỉ huy Phòng chống thiên tai - TKCN tỉnh có trách nhiệm tổng hợp thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ của các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị gửi Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh để phối hợp với Sở Tài
chính thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức
chi và nội dung chi cho các đối tượng theo quy định.
b) Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh quyết định mức chi và nội dung chi cho các đối tượng theo đề nghị của Ban chỉ huy phòng, chống
thiên tai và TKCN tỉnh và hỗ trợ cho các
địa phương khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
c) Kinh phí hỗ trợ cho các địa phương
là kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho công
tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa
bàn. Việc thanh, quyết toán nguồn kinh phí được hỗ trợ thực hiện theo hướng dẫn của Sở Tài chính tỉnh
và gửi báo cáo quyết toán về Ban quản lý Quỹ.
V. BÁO CÁO, PHÊ
DUYỆT QUYẾT TOÁN QUỸ
1. Ban quản lý Quỹ lập báo cáo quyết
toán thu, chi Quỹ năm trước gửi Sở Tài chính tỉnh thẩm tra
trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Ban quản lý Quỹ có trách nhiệm báo
cáo quyết toán thu, chi Quỹ năm trước với Hội đồng giám
sát Quỹ và Ủy ban
nhân dân tỉnh vào cuối Quý I năm sau.
3. Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo kết quả thu, chi Quỹ với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai,
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và
Bộ Tài chính.
VI. THANH TRA, KIỂM
TOÁN, GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG QUỸ
1. Quỹ phòng, chống
thiên tai chịu sự kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản lý, giám sát Quỹ; chịu sự
kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy
định.
2. Hội đồng quản
lý, giám sát Quỹ kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ; có biện pháp đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân
thực hiện nghiêm túc trách nhiệm và nghĩa vụ nộp Quỹ theo quy định của pháp luật.
3. Ủy ban Mặt trận
tổ quốc tỉnh, các tổ chức Hội có liên quan đến Quỹ được quyền yêu cầu cung cấp
thông tin về Quỹ và thực hiện quyền giám
sát thông qua các ý kiến đề xuất, phản biện.
VII. CÔNG KHAI NGUỒN
THU, CHI QUỸ
1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức
phải công khai danh sách thu, nộp Quỹ của cá nhân, cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động. Hình thức công khai: Thông báo bằng văn bản, niêm yết tại đơn vị; công bố tại hội nghị cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động của đơn vị. Thời
điểm công khai chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành công việc thu nộp.
2. Chủ tịch UBND cấp xã phải công khai kết quả thu nộp, danh sách người lao động
đã đóng Quỹ trên địa bàn xã; tổng
kinh phí được cấp cho công tác phòng, chống thiên tai và nội
dung chi. Hình thức công khai: Báo cáo giải trình công khai tại cuộc họp tổng kết
hàng năm; niêm yết tại trụ sở UBND xã, Trung tâm văn
hóa các thôn và thông báo trên phương tiện truyền thanh xã.
3. Ban quản lý Quỹ công khai kết quả
thu, danh sách và mức thu đối với từng cơ quan, tổ
chức, đơn vị và từng huyện; báo cáo quyết toán thu chi; nội dung chi
theo địa bàn cấp huyện. Hình thức công khai: Niêm yết tại trụ sở Quỹ; thông báo
bằng văn bản tới cơ quan, tổ
chức đóng góp Quỹ; công khai trên website của cơ
quan Quỹ.
VIII. CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT
BỊ
Ban quản lý Quỹ được sử dụng các
trang, thiết bị, cơ sở vật chất của Văn
phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để thực hiện nhiệm vụ, ngoài ra, được trang bị
các cơ sở vật chất thiết yếu khác để đảm bảo phục vụ cho
công tác quản lý và sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai theo quy định.
Phần IV
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
I. THỜI GIAN THỰC
HIỆN
Bắt đầu thực hiện kể từ ngày Quyết định
có kiệu lực; Hoàn thành trong năm 2016.
II. TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC
HIỆN CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ CÓ LIÊN QUAN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Phối hợp với Sở Nội vụ và các sở,
ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Hội đồng giám sát, Ban quản
lý Quỹ Phòng chống thiên tai Nghệ An;
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế
tổ chức thực hiện Quỹ.
2. Sở Tài chính
- Kiểm tra, giám sát về tài chính của
Quỹ theo chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước được UBND tỉnh giao;
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT
tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch thu, chi Quỹ phòng chống thiên tai hàng năm.
3. UBND các huyện, thành phố, thị
xã
- Tổ chức công tác thu quỹ trên địa
bàn theo ủy quyền của UBND tỉnh;
- Căn cứ tình hình tại địa phương, lập
kế hoạch thu, chi Quỹ hàng năm;
- Nộp Quỹ theo quy định đúng thời
gian và chỉ tiêu giao;
- Thực hiện việc quản lý và sử dụng
nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai được phân bổ đúng mục đích.
4. CÁC SỞ, BAN, NGÀNH VÀ ĐƠN VỊ
LIÊN QUAN
Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, cơ quan
có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề
án này.
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, với các Sở,
Ban, Ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị, chỉ đạo Văn phòng Thường trực
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh tổ chức thực hiện Đề án này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn
đề vướng mắc, chưa phù hợp, các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan có ý
kiến bằng văn bản gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Văn phòng Thường trực Ban
chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết kịp
thời.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và
PTNT, Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục trưởng Cục thuế Nghệ An; Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT. Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Các Phó Chủ tịch;
- Các Phó VP;
- Văn phòng TT Ban CH PCTT;
- Các phòng: NN, TM, TH;
- Lưu: VT, NN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Viết Hồng
|