CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG
CƯỜNG QUẢN LÝ, DUY TU VÀ BẢO DƯỠNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
Thời gian qua, được sự quan tâm
của các cấp, các ngành nên hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh đã được đầu tư
cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới với tốc độ tương đối nhanh góp phần thúc đẩy
kinh tế - văn hoá - xã hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên, thời gian gần đây
đã xuất hiện một số công trình xuống cấp phải tốn nhiều kinh phí đầu tư để sửa
chữa hoặc nâng cấp lại, đặc biệt là các tuyến đường do huyện, xã quản lý.
Nguyên nhân do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý,
duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, việc lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ để xây
dựng nhà ở và các công trình khác được phát hiện nhưng xử lý vi phạm chưa kịp
thời, không đồng bộ và thiếu kiên quyết.
Do vậy, nhằm bảo vệ các công
trình giao thông và an toàn giao thông vận tải đường bộ, đồng thời để lập lại
trật tự trên lĩnh vực quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, Uỷ ban nhân dân
(UBND) tỉnh chỉ thị:
1. Sở Giao thông vận tải:
a) Tổ chức triển khai Quy
hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và tầm
nhìn sau năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2884/QĐ-UBND
ngày 27 tháng 12 năm 2010; chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan
triển khai thực hiện công tác cắm mốc lộ giới trên tất cả các tuyến đường quốc
lộ, đường tỉnh, đường huyện để theo dõi và quản lý.
b) Tăng cường công tác kiểm tra,
sửa chữa và bố trí các cọc mốc lộ giới, cọc tiêu biển báo trên tuyến đường bộ
do tỉnh quản lý, chú ý các giao lộ giữa huyện lộ với tỉnh lộ, quốc lộ; thường
xuyên phát quang lề đường, khai rãnh thoát nước; chú trọng công tác duy tu, dặm
vá những tuyến đường hư hỏng có khả năng gây ra tai nạn giao thông nhất là
trong mùa mưa bão.
c) Phối hợp với địa phương
tăng cường kiểm tra và xử phạt các tổ chức cá nhân xây dựng các công trình,
lều quán, sử dụng khác (sử dụng vào các mục đích khác trái với quy định của
pháp luật) trong phạm vi hành lang bảo vệ đường bộ; kiên quyết xử phạt và buộc
tháo dỡ không bồi hoàn, khôi phục lại tình trạng ban đầu; phối hợp với Cảnh sát
giao thông và chính quyền địa phương kiểm tra xử phạt xe kinh doanh vận tải đón
trả khách không đúng nơi quy định và hàng hoá quá tải, gây mất trật tự công
cộng.
2. Công an tỉnh:
Phối hợp chặt với các ngành hữu
quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra xử lý các trường
hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường bộ và an toàn giao
thông đường bộ theo thẩm quyền.
3. Sở Tài chính:
Cân đối ngân sách đảm bảo nguồn
kinh phí phục vụ cho công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông
đường bộ; kiểm tra việc sử dụng và quyết toán kinh phí theo quy định.
4. Các cơ quan, đơn vị và
doanh nghiệp:
Khi tiến hành đầu tư xây dựng
các công trình chuyên ngành có liên quan đến công trình giao thông phải thoả
thuận với Sở Giao thông vận tải hoặc UBND huyện, thành phố theo phân cấp quản
lý đường bộ trên cơ sở đảm bảo thực hiện nghiêm quy hoạch giao thông vận tải đã
được phê duyệt.
5. Sở Thông tin và Truyền
thông:
Tổ chức tuyên truyền và phối
hợp các đoàn thể quần chúng có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục
bằng nhiều hình thức thích hợp để vận động nhân dân chấp hành và
tham gia thực hiện tốt pháp luật về bảo vệ công trình giao thông
đường bộ.
6. Sở Văn hoá, Thể thao và Du
lịch:
Phối hợp với các ngành liên
quan tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức để vận động nhân dân
thực hiện tốt pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường bộ.
Tham mưu UBND tỉnh có hướng dẫn việc đặt tên cầu, đường các công
trình giao thông trên địa bàn của tỉnh.
7. UBND các huyện, thành phố:
a) Tăng cường quản lý, duy tu,
bảo dưỡng các tuyến đường được phân cấp quản lý không để xuống cấp gây cản
trở lưu thông, thường xuyên kiểm tra và có giải pháp sớm khắc phục
những công trình xuống cấp nhằm hạn chế kinh phí sửa chữa. Hàng năm,
phải bố trí nguồn vốn được phân cấp và vốn vận động nhân dân để phục vụ cho
công tác quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên hệ thống cầu, đường giao thông
nông thôn; phải xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn vốn hợp lý cho công tác duy
tu, sửa chữa cầu, đường nông thôn để duy trì khả năng khai thác lâu dài của
công trình.
b) Phối hợp với Sở Xây dựng
để quản lý tốt các tuyến đường nằm trong khu vực đô thị, tiếp tục
kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội quản lý công trình giao
thông và công trình đô thị trực thuộc Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện và
Phòng Quản lý đô thị.
c) Nghiêm túc thực hiện đầu tư
xây dựng các công trình giao thông nông thôn phù hợp với quy hoạch giao thông
vận tải đã được duyệt. Trường hợp khó khăn thì phải xin ý kiến của cơ quan thẩm
quyền trước khi triển khai thực hiện. Đồng thời khi đầu tư xây dựng đường giao
thông nông thôn phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn tại Quyết định số 315/QĐ-BGTVT
ngày 23 tháng 02 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành hướng dẫn
lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
d) Tăng cường thực hiện công tác
quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn theo Nghị định số
11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và
bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
đ) Chịu trách nhiệm trước UBND
tỉnh về việc để xảy ra các tình trạng: Xây dựng công trình không đúng quy hoạch
được duyệt; vi phạm hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông gây tác động
tiêu cực đến xã hội.
e) Tiến hành sắp xếp các chợ
theo đúng quy định, giải toả các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè,
đình chỉ ngay các hoạt động gây hại đến an toàn công trình giao thông đường bộ,
xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ công
trình giao thông đường bộ.
g) Đối với các tuyến đường
huyện, xã quản lý phải tiến hành cắm và thông báo mốc lộ giới cho nhân dân biết
để tiện quản lý và xử lý vi phạm về sau; khi tiến hành thi công cắm cọc mốc lộ
giới phải căn cứ theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP; đầu tư xây dựng công trình
giao thông phải căn cứ vào quy hoạch giao thông vận tải, xác định quy mô, cấp
kỹ thuật để không phá vỡ quy hoạch đã được duyệt.
h) Nâng cao tinh thần trách
nhiệm quản lý nhà nước và phối hợp tốt với cơ quan, đơn vị ngành tỉnh trong
quản lý hệ thống cầu, đường thuộc tỉnh quản lý trên địa bàn huyện, thành phố.
Bố trí cán bộ thực hiện quản lý, kiểm tra thường xuyên các công trình giao
thông trên địa bàn do huyện, thành phố quản lý.
i) Chỉ đạo UBND các xã, phường,
thị trấn:
- Nghiêm túc thực hiện công tác
duy tu, sửa chữa đối với các công trình giao thông nông thôn được phân cấp quản
lý; trong đó, đặc biệt chú ý đến các công trình giao thông nông thôn được đầu
tư xây dựng qua sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân từ thiện trong và
ngoài nước.
- Áp dụng hiệu quả chương trình
đã tập huấn cho cán bộ cấp xã “Sổ tay bảo dưỡng đường giao thông nông thôn” của
Bộ Giao thông vận tải do tổ chức SEACAP tài trợ được UBND tỉnh uỷ quyền cho Sở
Giao thông vận tải tổ chức thực hiện trong năm 2005 và hội thảo hướng dẫn công
tác quản lý, duy tu bảo dưỡng cầu treo của Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Bến Tre
vào công tác duy tu, sửa chữa cầu đường nông thôn.
- Tuân thủ theo quy hoạch khi
tiến hành lựa chọn vị trí và quy mô xây dựng các công trình giao thông nông
thôn, khi đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn phải đảm bảo đúng tiêu
chuẩn tại Quyết định số 315/QĐ-BGTVT. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các công
trình được đầu tư xây dựng qua vận động đóng góp của nhân dân và của các tổ
chức, cá nhân từ thiện trong và ngoài nước.
- Tổ chức tuyên truyền, vận động
nhân dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn vào công tác quản lý, bảo vệ
kết cấu hạ tầng cũng như thực hiện công tác duy tu, sửa chữa hệ thống cầu đường
nông thôn tại địa phương mình.
- Định kỳ báo cáo UBND huyện,
thành phố về tình hình thực hiện công tác duy tu, sửa chữa cầu đường nông thôn
do địa phương mình đảm nhận.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các
Sở, ngành: Giao thông vận tải; Tài chính; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Thông
tin và Truyền thông; Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện; thành phố; Thủ
trưởng các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Định kỳ
báo cáo kết quả về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo
dõi, chỉ đạo.
Chỉ thị này có hiệu lực
sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Chỉ thị số
18/2002/CT-UB ngày 11 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh về việc tăng cường
quản lý, duy tu, bảo dưỡng đường bộ và Chỉ thị số 17/2007/CT-UBND
ngày 05 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện
quản lý đầu tư xây dựng, duy tu, sửa chữa và bảo vệ kết cấu hạ
tầng giao thông nông thôn./.