BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
31/2012/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 08 năm 2012
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VÀ XỬ LÝ VI PHẠM TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG
GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11
năm 2008;
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003
và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày
29 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11
năm 2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 29 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 05 tháng 7 năm
1994;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng
02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06 tháng
12 năm 2010 về bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng
5 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức;
Căn cứ Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng
4 năm 2012 của Chính phủ Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi
thường, hoàn trả của viên chức;
Căn cứ Nghị định số 41/CP ngày 06 tháng 7 năm
1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ
luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất và Nghị định số
33/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ bổ sung một số điều của
Nghị định số 41/CP ngày 06 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động và
trách nhiệm vật chất;
Căn cứ Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng
4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 66/2011/NĐ-CP ngày 01 tháng
8 năm 2011 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Cán bộ Công chức đổi với
các chức danh lãnh đạo, quản lý Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ
sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh
nghiệp có vốn góp của Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng
4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng
giao thông và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông
tư quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu
hạ tầng giao thông đường bộ,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm
đối với tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ thuộc hệ thống quốc lộ.
2. Việc quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong
công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc hệ thống đường
địa phương (đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã), đường chuyên
dùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng,
căn cứ vào Thông tư này, để quy định cụ thể cho phù hợp.
Điều 2. Tổ chức, cá nhân có
liên quan đến công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên hệ thống
quốc lộ
1. Các tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 1 của
Thông tư này gồm:
a) Bộ Giao thông vận tải, Cục Quản lý xây dựng và
chất lượng công trình giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý đường
bộ, Sở Giao thông vận tải (quản lý quốc lộ ủy thác);
b) Đơn vị quản lý dự án;
c) Đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường
bộ;
d) Đơn vị quản lý cụm phà, bến phà, cầu phao;
đ) Nhà thầu, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án;
e) Các tổ chức khác có liên quan.
2. Các cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 1 của
Thông tư này gồm:
a) Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng
công trình giao thông; Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Tổng Giám đốc
Khu Quản lý đường bộ; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Giám đốc cụm phà, Bến trưởng
bến phà (cầu phao); Thủ trưởng đơn vị được giao kế hoạch thực hiện công tác quản
lý, bảo trì đường bộ;
b) Các cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Đơn vị quản lý dự án là ban quản lý dự án đại diện
cho chủ đầu tư; tổ chức được phân cấp, ủy quyền hoặc trúng thầu quản lý dự án;
tư vấn quản lý dự án được chủ đầu tư ký hợp đồng quản lý dự án.
2. Đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường
bộ là tổ chức, cá nhân được nhận đặt hàng, giao kế hoạch, trúng thầu công tác
quản lý, bảo trì đường bộ.
3. Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án là nhà đầu tư
và doanh nghiệp dự án theo Hợp đồng dự án (Hợp đồng BOT, BTO và các hình thức đầu
tư khác theo quy định của pháp luật về đầu tư).
Chương 2.
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC,
CÁ NHÂN
MỤC 1. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC
Điều 4. Trách nhiệm của Bộ Giao
thông vận tải
Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý
nhà nước về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều 5. Trách nhiệm của Cục Quản
lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đối với các dự án xây dựng trên
đường bộ đang khai thác
1. Chủ trì kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về đảm
bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công xây dựng đối với đơn vị quản lý
dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu trong việc thực hiện các dự án
đầu tư xây dựng do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư hoặc là cơ quan nhà nước
có thẩm quyền.
2. Phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam khi có
yêu cầu trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về đảm bảo an toàn giao thông và bảo
vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng trên đường bộ đang khai thác
ngoài phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 6. Trách nhiệm của Tổng cục
Đường bộ Việt Nam
Chịu trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải về tổ
chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
thuộc hệ thống quốc lộ.
Điều 7. Trách nhiệm của Khu Quản
lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải
1. Chịu trách nhiệm trước Tổng cục Đường bộ Việt
Nam về tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ trong phạm vi được giao.
2. Thực hiện việc xây dựng giá sản phẩm, dịch vụ
công ích trong quản lý, bảo trì đường bộ trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam; tổ
chức đấu thầu, ký hợp đồng công tác quản lý, bảo trì công trình đường bộ cho
đơn vị trúng thầu, đặt hàng hoặc giao kế hoạch và các nhiệm vụ được giao theo
phân cấp, ủy quyền về công tác quản lý, bảo trì đường bộ.
3. Lập kế hoạch quản lý, bảo trì công trình đường bộ
hàng năm trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
4. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện
công tác quản lý, bảo trì đường bộ theo quy định hiện hành.
5. Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa
phương để thực hiện nhiệm vụ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ theo phân cấp quản lý.
6. Kiểm tra, thanh tra và xử lý theo thẩm quyền đối
với việc thực hiện quản lý, bảo trì đường bộ, công tác đảm bảo giao thông của
các nhà thầu thi công trên đường bộ đang khai thác thuộc phạm vi được giao quản
lý.
7. Thực hiện công tác phòng chống và khắc phục thiệt
hại do bão lụt và công tác tìm kiếm cứu nạn, ứng cứu đảm bảo giao thông kịp thời,
thông suốt, an toàn.
8. Lưu trữ và bảo quản hồ sơ quản lý kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ theo phân cấp.
9. Cấp phép thi công các công trình trong phạm vi bảo
vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của quốc lộ đang khai thác.
Điều 8. Trách nhiệm của đơn vị
được giao kế hoạch thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ
1. Lập kế hoạch quản lý, bảo trì đường bộ, hành
lang an toàn đường bộ do đơn vị quản lý trình cấp có thẩm quyền.
2. Chỉ đạo, điều hành, phối hợp chặt chẽ với chính
quyền địa phương, Thanh tra giao thông trong công tác tuần tra, kiểm tra; bảo
dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất; tổ chức phân luồng đảm
bảo giao thông. Trường hợp hư hỏng nặng vượt quá nhiệm vụ được giao, phải tổ chức
đảm bảo giao thông và báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết kịp thời.
3. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương,
Thanh tra giao thông để bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.
4. Lập kế hoạch, phương án phòng chống bão lụt và
tìm kiếm cứu nạn; tổ chức ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có sự cố.
5. Tổ chức đếm xe, phân loại cầu đường, cập nhật
tình trạng cầu đường và báo cáo theo quy định.
6. Tham gia kiểm tra an toàn giao thông đối với các
công trình đang hoàn thiện chuẩn bị bàn giao đưa vào khai thác sử dụng.
7. Lập hồ sơ quản lý, lưu trữ, bảo quản và thường
xuyên bổ sung đầy đủ diễn biến và biện pháp khắc phục hư hỏng cầu đường. Quản
lý hồ sơ bằng cả văn bản và phần mềm máy vi tính.
8. Kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết
những vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường bộ.
Điều 9. Trách nhiệm của đơn vị
nhận đặt hàng, trúng thầu thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ
1. Sau khi nhận đặt hàng hoặc nhận thầu quản lý, bảo
trì đường bộ, tiến hành triển khai thực hiện theo quy định của hợp đồng đã ký.
2. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của
địa phương, Thanh tra giao thông, tuyên truyền vận động nhân dân quản lý và bảo
vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, có biện pháp ngăn chặn kịp thời các
hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ.
3. Lập kế hoạch, phương án phòng chống bão lụt và
tìm kiếm cứu nạn; tổ chức ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có sự cố.
4. Cập nhật tình trạng cầu đường và báo cáo theo
quy định.
5. Lập hồ sơ quản lý, lưu trữ, bảo quản và thường
xuyên bổ sung đầy đủ diễn biến và biện pháp khắc phục hư hỏng cầu đường. Quản
lý hồ sơ bằng cả văn bản và phần mềm máy vi tính.
6. Kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết
những vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường bộ.
7. Thực hiện đầy đủ, đúng các quy định tại hợp đồng
đã ký kết và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Điều 10. Trách nhiệm của đơn vị
quản lý cụm phà, bến phà (cầu phao)
1. Thực hiện kế hoạch quản lý, bảo trì đường ra vào
bến, cầu dẫn, ponton, bến hoặc lưỡi bến, báo hiệu đường thủy nội địa, báo hiệu
đường bộ đảm bảo an toàn cho người, phương tiện qua sông.
2. Đảm bảo các trang thiết bị cứu sinh cần thiết;
các phương tiện nổi phục vụ cho vượt sông như ponton, phà, phao, ca nô phải được
đăng kiểm theo đúng định kỳ và luôn đảm bảo ở trạng thái đáp ứng tiêu chuẩn kỹ
thuật.
3. Tổ chức, hướng dẫn Bến trưởng, thuyền trưởng,
thuỷ thủ và nhân viên của bến thực hiện đúng quy trình chạy phà và các văn bản
của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về đảm bảo an toàn giao
thông ở các bến phà và trên sông. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các
hư hỏng để xử lý theo khả năng hoặc báo cáo cấp trên xử lý.
Điều 11. Trách nhiệm của đơn vị
quản lý dự án trong quản lý các dự án xây dựng cơ bản, sửa chữa đường bộ trên
đường bộ đang khai thác
1. Khi lập hồ sơ mời thầu phải nêu đầy đủ yêu cầu,
tiêu chuẩn đánh giá phương án tổ chức đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi
trường.
2. Kiểm tra nhà thầu, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự
án trong suốt quá trình thi công về công tác đảm bảo giao thông, an toàn giao
thông và bảo vệ môi trường; trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án
thực hiện không đạt yêu cầu, xem xét xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có
thẩm quyền xử lý.
3. Chỉ đạo nhà thầu thực hiện đúng yêu cầu đảm bảo
an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
4. Thực hiện đúng quy định tại Điều
48 Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18 tháng 05 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải về “Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số
11/2010/NĐ-CP”.
Điều 12. Trách nhiệm của các
nhà thầu thi công trên đường bộ đang khai thác
1. Lập hồ sơ đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ
môi trường trình cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền để cấp phép thi công
sau khi có sự thống nhất với đơn vị quản lý dự án;
Sau khi đã được cấp phép thi công, nhà thầu có
trách nhiệm phối hợp với Đơn vị quản lý đường bộ để nhận bàn giao mặt bằng thi
công và triển khai các bước tiếp theo; kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng thi
công, nhà thầu phải chịu trách nhiệm quản lý và đảm bảo giao thông thông suốt,
an toàn;
2. Cán bộ chỉ huy thi công của nhà thầu phải thường
xuyên có mặt tại hiện trường để giải quyết theo thẩm quyền hoặc phối hợp với
chính quyền địa phương, đơn vị quản lý dự án, cơ quan quản lý đường bộ và cơ
quan liên quan khác để giải quyết kịp thời sự cố do nguyên nhân chủ quan hoặc
khách quan gây ra làm giảm chất lượng công trình hoặc mất an toàn giao thông.
3. Triển khai công tác đảm bảo giao thông và bảo vệ
môi trường trước khi thi công công trình. Trong suốt quá trình thi công phải thực
hiện đúng phương án, biện pháp, thời gian thi công đã được thống nhất và không
được gây hư hại các công trình đường bộ hiện hữu; phải chịu sự thanh tra, kiểm
tra của các cơ quan quản lý đường bộ và Thanh tra giao thông trong việc thực hiện
các quy định về đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường trong khi thi
công theo quy định của giấy phép thi công và của pháp luật.
4. Khi thi công xong, phải thu dọn vật liệu thừa,
thiết bị và các chướng ngại vật khác ra khỏi công trình và lập hồ sơ hoàn công
kịp thời để bàn giao cho đơn vị quản lý. Nhà thầu có trách nhiệm bảo hành công
trình theo quy định.
5. Thực hiện đầy đủ, đúng nội dung hợp đồng đã ký kết
và các quy định tại Chương VI của Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT và các quy định
khác có liên quan của pháp luật.
Điều 13. Trách nhiệm của các
nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong quá trình đầu tư, thi công xây dựng và khai
thác, sử dụng công trình
1. Chịu trách nhiệm đảm bảo giao thông và bảo vệ
môi trường trong quá trình thực hiện đầu tư, thi công xây dựng công trình trên
đường bộ đang khai thác; triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ
kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn đường bộ theo quy định
của hợp đồng dự án; quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản
quy phạm pháp luật hiện hành hướng dẫn thực hiện.
2. Xử lý và báo cáo kịp thời cơ quan có thẩm quyền
khi có thông tin về sự cố công trình đường bộ, tai nạn giao thông.
MỤC 2. TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN
Điều 14. Trách nhiệm của Cục
trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông
Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải và trước pháp luật về tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại Điều 5 của
Thông tư này.
Điều 15. Trách nhiệm của Tổng
cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam
1. Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải và trước pháp luật về tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống
quốc lộ.
2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và có biện pháp ngăn
chặn, xử lý kịp thời vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản
lý, bảo trì đường bộ; xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
3. Chịu trách nhiệm trực tiếp và liên đới chịu
trách nhiệm về tình trạng hư hỏng cầu đường.
Điều 16. Trách nhiệm của Tổng
Giám đốc Khu Quản lý đường bộ
1. Chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục
Đường bộ Việt Nam và trước pháp luật trong việc thực hiện công tác quản lý, bảo
trì đường bộ thuộc phạm vi quản lý của Khu Quản lý đường bộ.
2. Tổ chức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất
đối với đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ thuộc phạm vi quản
lý của Khu Quản lý đường bộ; việc thực hiện phương án đảm bảo giao thông của
các đơn vị quản lý dự án, nhà thầu, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; xử lý các
vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp trên xử lý.
Điều 17. Trách nhiệm của Giám
đốc Sở Giao thông vận tải
1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt
Nam và trước pháp luật về công tác quản lý, bảo trì đường bộ trên tuyến quốc lộ
được ủy thác.
2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ,
đột xuất đối với đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ; việc thực
hiện phương án đảm bảo giao thông của đơn vị quản lý dự án, nhà thầu, nhà đầu
tư, doanh nghiệp dự án; xử lý các vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp trên
xử lý.
Điều 18. Trách nhiệm của Thủ
trưởng đơn vị được giao kế hoạch, đặt hàng, trúng thầu thực hiện công tác quản
lý, bảo trì đường bộ
1. Chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật
về việc thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ trên hệ thống quốc lộ theo
nhiệm vụ được phân công; chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về các
trường hợp mất an toàn giao thông do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý,
bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
2. Tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường
bộ thực hiện trách nhiệm của đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ
quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Thông tư này.
Điều 19. Trách nhiệm của Giám
đốc cụm phà, Bến trưởng bến phà (cầu phao)
1. Tổ chức điều hành thực hiện nhiệm vụ đảm bảo
giao thông qua sông đã quy định tại Điều 10 của Thông tư này.
2. Kiểm tra thường xuyên, đột xuất công tác đảm bảo
giao thông của các Đơn vị quản lý dự án, nhà thầu thực hiện dự án sửa chữa,
nâng cấp công trình bến trong trường hợp vừa thi công vừa đảm bảo giao thông; xử
lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp trên xử lý.
3. Chịu trách nhiệm trước cấp trên về nhiệm vụ được
giao quản lý hoặc liên đới chịu trách nhiệm về mất an toàn giao thông do nguyên
nhân đường dẫn, bến phà, phà, phao không đảm bảo an toàn.
4. Chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tiêu cực
trong tổ chức điều hành, trong quản lý, sửa chữa thường xuyên cụm phà, bến phà.
Chương 3.
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 20. Xử lý vi phạm đối với
cá nhân
Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công
trình giao thông, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao
thông vận tải, Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ, Giám đốc cụm phà, Bến trưởng
bến phà (cầu phao) và các cá nhân có liên quan, tùy theo đối tượng và mức độ vi
phạm bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định
về xử lý kỷ luật đối với công chức; Nghị định số 41/CP của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao
động và trách nhiệm vật chất và Nghị định số 33/2003/NĐ-CP của Chính phủ bổ
sung một số điều của Nghị định số 41/CP; Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính
phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nghị
định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và
trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức và các văn bản sửa đổi, bổ sung
Nghị định.
Điều 21. Xử lý vi phạm đối với
nhà thầu
Các nhà thầu chính, nhà thầu phụ khi thi công các dự
án xây dựng cơ bản, sửa chữa đường bộ trên đường bộ đang khai thác (gọi chung
là nhà thầu) tùy theo mức độ vi phạm, bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số
34/2010/NĐ-CP và xử phạt theo hợp đồng kinh tế đã ký kết.
Điều 22. Xử lý vi phạm đối với
đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ; nhà đầu tư, doanh nghiệp dự
án trong giai đoạn khai thác, sử dụng; đơn vị quản lý dự án
1. Xử phạt theo quy định của hợp đồng đã ký kết.
2. Xử phạt theo quy định tại Nghị định số
34/2010/NĐ-CP.
Điều 23. Thẩm quyền xử lý vi
phạm
1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định xử lý
vi phạm đối với Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng
công trình giao thông; Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ
Việt Nam; các chức danh khác theo thẩm quyền.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương quyết định xử lý vi phạm đối với Giám đốc Sở Giao thông vận tải;
các chức danh khác theo thẩm quyền.
3. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam
a) Quyết định xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với
cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên; Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ;
Phó Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ; Giám đốc cụm phà;
b) Quyết định các hình thức xử lý đối với nhà thầu,
đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự
án, đơn vị quản lý dự án khi vi phạm quy định của Thông tư này;
c) Yêu cầu Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ, Giám
đốc Sở Giao thông vận tải thực hiện việc đình chỉ thi công hoặc thu hồi giấy
phép thi công đối với nhà thầu; Đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường
bộ; nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi bị xử lý vi phạm theo quy định của Thông
tư này;
d) Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm
quyền xử lý nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi thực hiện không đầy đủ các quy định
về quản lý, bảo trì đường bộ.
4. Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ
a) Quyết định xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với
cán bộ, viên chức, nhân viên và người lao động; Phó Giám đốc cụm phà;
b) Đình chỉ thi công đối với nhà thầu; đơn vị thực
hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ; nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi bị
xử lý vi phạm theo quy định của Thông tư này;
c) Thu hồi giấy phép thi công đối với nhà thầu; đơn
vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ; nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án
khi bị xử lý vi phạm theo quy định của Thông tư này.
5. Giám đốc Sở Giao thông vận tải
a) Quyết định xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với
cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên và các chức danh khác;
b) Đình chỉ thi công đối với nhà thầu; đơn vị thực
hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ; nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi bị
xử lý vi phạm theo quy định của Thông tư này;
c) Thu hồi giấy phép thi công đối với nhà thầu; đơn
vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ; nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án
khi bị xử lý vi phạm theo quy định của Thông tư này;
d) Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm
quyền xử lý nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án khi thực hiện không đầy đủ các quy
định về quản lý bảo trì đường bộ.
6. Thanh tra giao thông, công chức thực hiện chức
năng thanh tra chuyên ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được
giao thực hiện xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 10 năm 2012; thay thế Quyết định số 38/2004/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 12 năm
2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định trách nhiệm và hình
thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi vi phạm trong công tác quản lý, bảo trì
kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều 25. Tổ chức thực hiện
1. Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng
công trình giao thông, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Vụ trưởng - Trưởng
ban thuộc Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,
Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ, Thủ trưởng
cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư
này.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có vướng
mắc, các tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời bằng văn bản về Bộ Giao thông vận tải
để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./..
Nơi nhận:
- Như khoản 1 Điều 25;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Trang tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo GTVT, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KCHTGT (20 bản).
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|