CÔNG ƯỚC SỐ 95
CÔNG ƯỚC
VỀ
BẢO VỆ TIỀN LƯƠNG, 1949
Hội nghị toàn thể của Tổ chức
Lao động quốc tế,
Được Hội đồng quản trị của Văn
phòng lao động quốc tế triệu tập tại Giơ-ne-vơ ngày 8 tháng 6 năm 1949, trong
kỳ họp thứ ba mươi hai, và,
Sau khi đã chấp thuận một số đề
nghị về việc bảo vệ tiền lương, là vấn đề thuộc điểm thứ bảy trong chương trình
nghị sự kỳ họp, và
Sau khi đã quyết định rằng những
đề nghị đó sẽ mang hình thức một Công ước quốc tế,
Thông qua, ngày 01 tháng 7 năm
1949, Công ước dưới đây, gọi là Công ước về Bảo vệ tiền lương, 1949.
Điều 1
Trong Công ước này, thuật ngữ
“tiền lương” là sự trả cônng hoặc thu nhập, bất kể tên gọi hay cách tính mà có
thể biểu hiện bằng tiền và được ấn định bằng thoả thuận giữa người sử dụng lao
động và người lao động, hoặc bằng pháp luật quốc gia, do người sử dụng lao động
phải trả cho người lao động theo một hợp đồng thuê mướn lao động, bằng viết
hoặc bằng miệng, cho một công việc đã thực hiện hoặc sẽ phải thực hiện, hoặc
cho những dịch vụ đã làm hoặc sẽ phải làm.
Điều 2
1. Công ước này áp dụng cho tất
cả những người được trả hoặc phải được trả tiền lương.
2. Cơ quan có thẩm quyền, sau
khi tham khảo ý kiến các tổ chức trực tiếp hữu quan, nếu có, của người sử dụng
lao động và của người lao động, có thể loại ra khỏi việc áp dụng toàn bộ hay
một số quy định của Công ước này những nhóm người mà hoàn cảnh và điều kiện làm
việc khiến việc áp dụng toàn bộ hay một số những quy định đó là không thích
hợp, đồng thời họ không lao động chân tay hoặc làm những dịch vụ gia nhân hay
những việc tương tự.
3. Mỗi Nước thành viên phải ghi
rõ trong báo cáo hàng năm đầu tiên theo Điều 22 của Điều lệ Tổ chức Lao động
quốc tế, nhóm người mà mình dự định loại ra khỏi việc áp dụng toàn bộ hoặc một
phần những quy định của Công ước theo khoản trên.
Sau đó, không một Nước thành
viên nào được tiến hành những việc loại trừ như vậy nữa, trừ phi đối với những
nhóm người đã ghi rõ trước.
4. Nước thành viên nào đã ghi rõ
trong báo cáo hàng năm đầu tiên của mình những nhóm người mà mình dự định loại
ra khỏi việc phải áp dụng toàn bộ hoặc một phần những quy định của Công ước
này, phải chỉ rõ trong những báo cáo sau đó những nhóm người mà đối với họ,
nước đó từ bỏ quyền sử dụng các quy định của Đoạn 2 Điều này, và chỉ rõ mọi
bước tiến có thể đã đạt được thực hiện nhằm áp dụng Công ước này cho những nhóm
người đó.
Điều 3
1. Các loại lương có thể trả
bằng tiền chỉ được trả bằng loại tiền được lưu hành hợp pháp. Việc trả lương
dưới hình thức kỳ phiếu, trái phiếu, tem phiếu hoặc dưới bất kỳ hình thức nào
khác coi như thay cho tiền đang lưu hành hợp pháp đều bị cấm.
2. Cơ quan có thẩm quyền có thể
cho phép hoặc quy định việc trả lương bằng séc thanh toán ở một ngân hàng hoặc
bằng séc hay giấy chuyển tiền qua bưu điện, khi cách trả đó là cách trả thông
thường hoặc là cần thiết do những hoàn cảnh đặc biệt, hoặc khi một thoả ước tập
thể hay một phán quyết của trọng tài đã dự kiến việc đó, hoặc nếu không thì do
người lao động đã đồng ý như vậy.
Điều 4
1. Pháp luật hoặc quy định quốc
gia, các thoả ước tập thể hoặc các phán quyết của trọng có thể cho phép việc
trả lương một phần bằng hiện vật trong các ngành công nghiệp hoặc những nghề
nghiệp mà cách trả đó là cách trả thông thường hay đáng có, do tính chất của
ngành công nghiệp, hoặc của nghề nghiệp hữu quan. Việc trả lương bằng rượu mạnh
hoặc bằng những loại ma tuý độc hại đều không được chấp nhận trong bất cứ hoàn
cảnh nào.
2. Trong các trường hợp được
phép trả một phần lương, một phần bằng hiện vật thì phải có những biện pháp
thích hợp để bảo đảm rằng:
a) Các cung ứng bằng hiện vật
phù hợp với việc sử dụng riêng và với lợi ích của người lao động và gia đình họ;
b) Trị giá của các cung ứng đó
phải công bằng và hợp lý.
Điều 5
Tiền lương phải được trả trực
tiếp cho người lao động, trừ phi pháp luật hoặc quy định quốc gia, một thoả ước
tập thể hay một phán quyết của trọng tài có quy định khác, hoặc người lao động
chấp nhận một cách trả khác.
Điều 6
Cấm người sử dụng lao động hạn
chế bằng bất cứ cách nào quyền tự do của người lao động để sử dụng tiền lương của
mình.
Điều 7
1. Khi lập ra trong phạm vi
doanh nghiệp những kho tiếp tế để bán hàng hoá cho người lao động hoặc các dịch
vụ nhằm cung ứng hiện vật cho người lao động, thi không được cưỡng ép những
người lao động hữu quan để buộc họ phải sử dụng các kho tiếp tế hoặc các dịch
vụ đó.
2. Nếu những người lao động
không thể đến được các cửa hàng hoặc những nơi dịch vụ khác, cơ quan có thẩm
quyền phải tìm mọi cách thích hợp để làm cho các hàng hoá được bán và các dịch
vụ được cung ứng theo giá cả công bằng hợp lý, hoặc để các kho tiếp tế hay nơi
dịch vụ do người sử dụng lao động lập ra không được dùng vào mục đích kiếm lợi,
mà phải vì lợi ích của những người lao động hữu quan.
Điều 8
1. Chỉ được phép khấu trừ lương
trong những điều kiện và giới hạn quy định bởi pháp luật, quy định quốc gia,
hoặc ấn định bởi một thoả ước tập thể hay một phán quyết của trọng tài.
2. Những người lao động phải
được thông báo theo cách mà cơ quan có thẩm quyền coi là thích hợp nhất, về
những điều kiện và những giới hạn mà những khấu trừ đó có thể được tiến hành.
Điều 9
Cấm mọi sự khấu trừ lương nhằm
đòi người lao động trả một khoản tiền trực tiếp hoặc gián tiếp cho người sử
dụng lao động, cho đại diện của người sử dụng lao động, hoặc một người trung
gian nào đó (ví dụ người cai thầu hoặc người tuyển mộ công nhân), để xin được
việc làm hoặc để giữ được việc làm.
Điều 10
1. Tiền lương chỉ có thể bị tịch
biên hay chuyển nhượng theo những thể thức và trong các giới hạn do pháp luật
hoặc quy định quốc gia ấn định.
2. Tiền lương phải được bảo vệ
khỏi bị tịch biên hoặc chuyển nhượng trong chừng mực coi là cần thiết cho việc
nuôi dưỡng người lao động và gia đình họ.
Điều 11
1. Trong trường hợp doanh nghiệp
phá sản hoặc bị thanh lý theo quyết định của toà án, những người lao động làm
việc trong doanh nghiệp sẽ ở hàng những chủ nợ được ưu tiên đối với số tiền
lương phải trả cho họ về những việc đã làm trong một thời gian trước khi phá
sản hay thanh lý mà pháp luật hoặc quy định sẽ ấn định, hoặc đối với những
khoản lương không vượt quá một số tiền do pháp luật hoặc quy định quốc gia ấn
định.
2. Số lương hợp thành món nợ
được ưu tiên sẽ được trả toàn bộ cho người lao động trước khi người chủ nợ bình
thường có thể đòi hỏi phần của mình.
3. Thứ tự ưu tiên của số tiền
lương hợp thành món nợ được ưu tiên so với những món nợ được ưu tiên khác, phải
được xác định bởi pháp luật hoặc quy định quốc gia.
Điều 12
1. Tiền lương được trả một cách
đều đặn, trừ phi đã có sự dàn xếp thích hợp khác để bảo đảm trả lương vào những
định kỳ đều đặn, những định kỳ để trả lương sẽ do pháp luật hoặc quy định quốc
gia ấn định, hoặc do một thoả ước tập thể hay một phán quyết của trọng tài ấn
định.
2. Khi hợp đồng lao động kết
thúc, việc thanh toán dứt điểm toàn bộ tiền lương phải trả sẽ được thực hiện
theo pháp luật hoặc quy định quốc gia, thoả ước tập thể, hay phán quyết của
trọng tài; nếu không có như vậy, thì phải được thực hiện trong một thời hạn vừa
phải, theo những điều khoản của hợp đồng.
Điều 13
1. Việc trả lương, nếu được trả
bằng tiền mặt, sẽ chỉ được tiến hành vào những vào những ngày làm việc, trừ phi
nếu pháp luật hoặc quy định quốc gia, thoả ước tập thể hoặc phán quyết của
trọng tài có quy định khác, hoặc trừ phi có sự dàn xếp khác coi như thích hợp
hơn mà những người lao động hữu quan được biết rõ.
2. Cấm trả lương tại những quầy
bán rượu hoặc những cơ sở khác tương tự, và, nếu cần thiết phải ngăn chặn sự
lạm dụng, cấm trả lương tại những cửa hàng bán lẻ và những nơi giải trí, trừ
phi là trả cho những người làm việc tại những cơ sở đó.
Điều 14
1. Nếu cần phải có những biện
pháp hữu hiệu để thông báo cho người lao động biết một cách thích hợp và dễ
hiểu:
a) Những điều kiện về tiền lương
được áp dụng trước khi họ được tuyển dụng, hoặc khi có sự thay đổi về những
điều kiện đó;
b) Và mỗi kỳ trả lương, những
thành phần tiền lương của họ trong kỳ trả đó, nếu các thành phần đó có thể thay
đổi.
Điều 15
Pháp luật quốc gia áp dụng các
điều khoản của Công ước này phải:
a) Được phổ biến cho các đương
sự biết;
b) Định rõ những người có trách
nhiệm bảo đảm việc thi hành;
c) Quy định những chế tài thích
hợp trong trường hợp vi phạm;
d) Trù tính trong mọi trường hợp
thích ứng, việc giữ các sổ lương theo hình thức và phương pháp đã được chấp
thuận.
Điều 16
Các báo cáo hàng năm theo Điều
22 của Điều lệ Tổ chức Lao động quốc tế, phải cho biết tin tức đầy đủ về những
biện pháp thực hiện các quy định của Công ước này.
Điều 17
1. Trong trường hợp lãnh thổ của
một Nước thành viên gồm những vùng rộng lớn, và do đặc điểm thưa thớt của cư
dân hoặc do trình độ phát triển của các vùng đó mà cơ quan có thẩm quyền cho là
không tiện áp dụng các quy định của Công ước này, thì cơ quan đó, sau khi tham
khảo ý kiến các tổ chức hữu quan, nếu có, của người sử dụng lao động và của
người lao động, có thể miễn cho các vùng đó thì việc thi hành Công ước này nói
chung hoặc với những ngoại lệ thích hợp đối với một số cơ sở hay một số công
việc.
2. Trong báo cáo hàng năm đầu
tiên về việc thi hành Công ước này theo Điều 22 của Điều lệ Tổ chức Lao động
quốc tế, mỗi Nước thành viên phải chỉ rõ vùng nào mà nước đó dự định sẽ sử dụng
các quy định của Điều này, và phải nêu lý do vì sao phải vận dụng như vậy. Sau
đó, không một Nước thành viên nào được sử dụng các quy định của Điều này nữa,
trừ những vùng đã chỉ rõ như trên.
3. Không quá 3 năm một lần, và
sau khi đã tham khảo ý kiến các tổ chức hữu quan, nếu có, của người sử dụng lao
động và của người lao động, mọi Nước thành viên đã sử dụng các quy định của
Điều này phải xem xét lại khả năng mở rộng việc áp dụng Công ước này cho những
vùng đã được miễn việc thi hành theo Đoạn 1.
4. Trong các báo cáo hàng năm
tiếp theo, mọi Nước thành viên đã sử dụng các quy định trên phải chỉ rõ những
vùng mà nước đó đã từ bỏ quyền sử dụng các quy định đó và chỉ rõ những bước
tiến có thể đã được thực hiện nhằm áp dụng dần dần Công ước này tại những vùng
đó.
Các Điều 18, 19 và từ 22 đến 27
Những quy định cuối cùng mẫu.
Các Điều 20 và 21
Tuyên bố thi hành cho các lãnh
thổ phi chính quốc.