VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
TỔ CÔNG TÁC CỦA TTgCP
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 456/BC-TCTTTg
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 12
năm 2018
|
BÁO CÁO
TÌNH
HÌNH BAN HÀNH VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT, PHÁP LỆNH, CÁC VĂN BẢN
LIÊN QUAN ĐẾN KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH VÀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VÀ KẾT QUẢ KIỂM TRA
THÁNG 11 CỦA TỔ CÔNG TÁC
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
NHIỆM VỤ GIAO
- 11 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ giao 18.422 nhiệm vụ. Trong đó, có 9.880 nhiệm vụ đã hoàn thành,
8.325 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 217 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn
(chiếm 2,2%, giảm 0,7% so với tháng trước) - (Phụ lục I).
- Về CTCT, 11 tháng có 315 đề án phải
trình; các Bộ đã trình 250 đề án (đạt 79,37% - tăng 9% so với tháng trước),
trong đó 125 đề án đã được ban hành (chiếm 50% số đề án đã trình); 65 đề án đã
quá thời hạn chưa trình theo tiến độ (Phụ lục II).
II. TÌNH HÌNH BAN
HÀNH VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT
- Các văn bản quy định chi tiết
còn nợ đọng:
+ Hiện còn nợ đọng 04 Nghị định và 01
Quyết định, thuộc trách nhiệm soạn thảo của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư (01 NĐ),
Tài chính (02 NĐ), Nội vụ (01 NĐ), Văn hóa, Thể thao và Du lịch (01 QĐ).
+ Bộ Công an còn nợ 01 thông tư - (Phụ
lục III).
Tình hình nợ đọng văn bản quy định
chi tiết chuyển biến chậm, tình hình nợ đọng chưa được các Bộ khắc phục dứt điểm.
- Các văn bản quy định chi tiết
các Luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2019:
Các Bộ phải xây dựng, trình Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ ban hành 22 Nghị định và 02 Quyết định; ban hành theo thẩm
quyền 20 thông tư để hướng dẫn thi hành 08 Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2019
(Phụ lục IV).
Trong số 24 văn bản của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, đến nay mới ban hành được 02 Nghị định; hoàn thiện hồ sơ trình
Chính phủ được 15 văn bản, còn 07 văn bản chưa trình.
Đối với 20 thông tư ban hành theo thẩm
quyền, hiện các Bộ đã ban hành được 17 Thông tư; còn 03 Thông tư đang xây dựng
dự thảo.
III. KẾT QUẢ THỰC
HIỆN NHIỆM VỤ LIÊN QUAN ĐẾN CẢI CÁCH HOẠT ĐỘNG KTCN VÀ ĐƠN GIẢN, CẮT GIẢM ĐKKD
Việc đơn giản, cắt
giảm danh mục hàng hóa KTCN và ĐKKD có chuyển biến so với tháng trước. Danh mục
hàng hóa KTCN đã đơn giản, cắt giảm đạt 136,5%, vượt 36,5%
chỉ tiêu giao; ĐKKD đã đơn giản, cắt giảm đạt 108,1%, vượt
8,1% chỉ tiêu giao và tăng 11,1% so với tháng trước. Cụ thể:
1. Về KTCN đối với hàng hóa xuất
nhập khẩu
Theo kế hoạch, các Bộ quản lý chuyên
ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 28 VBQPPL (06 NĐ; 01 QĐ và 21
Thông tư) để đơn giản, cắt giảm 6.003/9.926 dòng hàng và
74 thủ tục.
Đến nay, các Bộ đã trình ban hành và
ban hành được 21 VBQPPL, đã cắt giảm, đơn giản hóa
6.776/9.926 dòng hàng phải KTCN (tương đương 68,2%, đạt 136,5%, vượt 36,5% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ và vượt 13% so với phương án dự kiến của
các Bộ) và 30 thủ tục.
Kết quả đạt được cụ thể của từng Bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội đã đơn giản hóa,
cắt giảm 33/33 dòng hàng; Khoa học và Công nghệ đã đơn giản hóa, cắt giảm 22/24
dòng hàng; Công Thương đã đơn giản, cắt giảm 402/702 dòng
hàng; Tài nguyên và Môi trường đã cắt giảm 38/74 dòng hàng; Thông tin và Truyền
thông đã đơn giản, cắt giảm 89/146 dòng hàng; Xây dựng đã đơn giản, cắt giảm 33/64 dòng hàng; Giao thông vận tải đã đơn giản, cắt giảm được 80/134 dòng hàng và 07 thủ tục; Văn hóa, Thể thao
và Du lịch đã cắt giảm, đơn giản 51/171 dòng hàng và 9/10
TTHC; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đơn giản, cắt
giảm 5.898 dòng hàng; Y tế đã bãi bỏ 01 mặt hàng với 05 dòng hàng thuộc lĩnh vực
an toàn thực phẩm phải KTCN; 810 dòng hàng của 04 mặt hàng còn lại đã áp dụng
theo hình thức kiểm tra giảm (95% số lô hàng sẽ không phải
kiểm tra chuyên ngành).
Như vậy, theo kế hoạch, hiện còn 07
VBQPPL liên quan đến cải cách hoạt động KTCN chưa được ban hành, thuộc trách
nhiệm của các Bộ: Tài Nguyên và Môi trường: 03 Nghị định - hiện Bộ đã trình Thủ
tướng Chính phủ; Y tế: 01 Thông tư; Nông nghiệp và PTNT: 02 Thông tư; Công an: 01
Thông tư.
2. Về cắt giảm, đơn giản các ĐKKD
Theo kế hoạch, các Bộ, cơ quan có
ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung để trình cấp
có thẩm quyền ban hành 70 VBQPPL (19 Luật; 51 Nghị định) để đơn giản, cắt giảm
3.794/6.191 ĐKKD.
Đến nay, các Bộ
đã trình ban hành được 28 VBQPPL (03 Luật và 25 Nghị định),
đã cắt giảm, đơn giản được 3.346/6.191 (tương đương 54,5%, đạt 108,1%, vượt
8,1% so với chỉ tiêu giao).
Kết quả
đạt được cụ thể của từng Bộ: Công Thương: cắt giảm
675/1.216 ĐKKD, vượt 11,02%; Y tế: đơn giản, cắt giảm: 1.343/1.871 ĐKKD, vượt
43,56%; Xây dựng: cắt giảm 183/215 điều kiện kinh doanh, vượt 70,23; Tài nguyên
và Môi trường: đơn giản, cắt giảm 101/163 ĐKKD, vượt
23,93%; Giáo dục và Đào tạo: đơn giản, cắt giảm 121/212
ĐKKD, vượt 14,15 %; Lao động-Thương binh và Xã hội: đơn giản, cắt giảm 60/112 ĐKKD, vượt 7,14 % và 75/85 TTHC; Nông nghiệp và PTNT: đơn giản, cắt giảm 172/345 ĐKKD, đạt chỉ tiêu giao; Văn hóa, Thể
thao và Du lịch: đơn giản, cắt giảm 63/122 ĐKKD, vượt
3,28%; Khoa học công nghệ: đơn giản, cắt giảm 61/121 ĐKKD, đạt yêu cầu; Tài
chính: đơn giản, cắt giảm 117/370 ĐKKD, đạt 63,24%; Thông tin và Truyền thông:
đơn giản, cắt giảm 199/385 ĐKKD, vượt 3,38 %; Giao thông vận tải: đơn giản, cắt
giảm 243/570 ĐKKD, đạt 85,26%; Tư pháp: đơn giản, cắt giảm 07/94 ĐKKD, đạt
17,02%; Ngân hàng Nhà nước: đơn giản, cắt giảm 27/257 ĐKKD, đạt 21%.
Như vậy, theo kế hoạch, hiện còn 42
VBQPPL (16 Luật, 26 Nghị định) về cắt giảm, đơn giản ĐKKD chưa được ban hành,
thuộc trách nhiệm của các Bộ: Giáo dục Đào tạo: 02 Luật; Thông tin và Truyền
thông: 03 Nghị định; Y tế: 06 Luật; Giao thông vận tải: 13 Nghị định; Lao động
- Thương binh và Xã hội: 04 Nghị định; Văn hóa Thể thao và Du lịch: 01 Luật; Tư
pháp: 01 Luật; Tài nguyên và Môi trường: 01 Nghị định; Tài chính: 06 Luật và 02
Nghị định; Công an: 01 Nghị định; Quốc phòng: 01 Nghị định.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung các Luật:
Đã được đưa vào chương trình xây dựng Luật năm 2019; đối với các Nghị định, hiện
các Bộ đã hoàn thiện dự thảo, đang trình Thủ tướng Chính
phủ ký ban hành, trừ một số Nghị định mang tính đặc thù thuộc trách nhiệm của Bộ
Công an và Quốc phòng, xin được trình vào quý I năm 2019.
3. Về tác động kinh tế của việc cắt
giảm, đơn giản danh mục hàng hóa KTCN và ĐKKD
- Về KTCN: Đến nay, có 8/10 Bộ báo
cáo đánh giá tác động kinh tế của công tác cải cách hoạt động KTCN mang lại, gồm:
Lao động, Thương binh và Xã hội: Tiết kiệm được 394.074 ngày công/năm,
tương đương 194,3 tỷ đồng/năm; Công
Thương: Tiết kiệm được 37.250 ngày công/năm, tương đương
19,8 tỷ đồng/năm; Xây dựng: Tiết kiệm được 1.040 ngày công/năm, tương
đương 0,5 tỷ đồng/năm; Giao thông vận tải: Tiết kiệm được 1.340.000 ngày
công/năm, tương đương 660,7 tỷ đồng/năm; Tài nguyên và Môi trường: Tiết
kiệm được 50.989 ngày công/năm, tương đương 3 tỷ đồng/năm; Văn hóa, Thể thao
và Du lịch: Tiết kiệm được 263.662 ngày công/năm, tương đương 130 tỷ đồng/năm;
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: ước tính tiết kiệm được 1.800.403
ngày công/năm, tương đương 1.291,1 tỷ đồng/năm; Y tế: Tiết kiệm được
7.754.650 ngày công/năm, tương đương 3.107,5 tỷ đồng/năm.
Như vậy, với việc đơn giản, cắt giảm
6.665 danh mục sản phẩm hàng hóa phải KTCN và 27 thủ tục KTCN của 8 Bộ nêu trên
đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội khoảng 11.642.068 ngày công/năm, tương
đương 5.407 tỷ đồng/năm.
- Về ĐKKD: Đến nay có 8/16 Bộ báo cáo
đánh giá tác động kinh tế của việc đơn giản, cắt giảm ĐKKD mang lại, gồm: Công
Thương tiết kiệm được 109.016 ngày công/năm, tương đương 60,1 tỷ đồng/năm; Y tế
tiết kiệm được 750.000 ngày công/năm, tương đương 225 tỷ đồng/năm; Xây dựng tiết
kiệm được 153.305 ngày công/năm, tương đương 30,2 tỷ đồng/năm; Tài nguyên và
Môi trường tiết kiệm được 2.755.000 ngày công, tương đương 37,1 tỷ đồng/năm;
Lao động-Thương binh và Xã hội tiết kiệm được 435.980 ngày công/năm, tương
đương 214,9 tỷ đồng/năm; Nông nghiệp và PTNT tiết kiệm được 233.790 ngày công,
tương đương 32 tỷ đồng/năm; Giao thông vận tải tiết kiệm được 1.340.000 ngày
công/năm, tương đương 183,6 tỷ đồng/năm; Tài chính tiết kiệm được 70.834 ngày
công/năm, tương đương 89 tỷ đồng/năm.
Như vậy, với việc cắt giảm, đơn giản
2.894 ĐKKD của 8 Bộ nêu trên đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân khoảng
5.847.925 ngày công/năm, tương đương 872,2 tỷ đồng/năm.
Hiện còn các Bộ: Giáo dục và Đào tạo,
Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Khoa học và
Công nghệ đã có ĐKKD đơn giản, cắt giảm nhưng chưa có báo
cáo đánh giá, tính toán hiệu quả kinh tế do việc đơn giản, cắt giảm ĐKKD của bộ,
cơ quan mình mang lại cho doanh nghiệp và xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ
tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2018.
Tại phiên họp này, Tổ công tác đã kiến
nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khen ngợi, biểu dương các Bộ: Tài Nguyên và
Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Công Thương và Y tế đã hoàn thành vượt chỉ tiêu việc đơn giản, cắt
giảm danh mục KTCN và ĐKKD do Chính phủ giao và kịp thời đánh giá, báo cáo tác
động hiệu quả kinh tế do việc cắt giảm, đơn giản ĐKKD mang lại cho người dân và
doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
IV. KẾT QUẢ KIỂM
TRA THÁNG 11
Trong tháng 11 năm 2018, Tổ công tác
đã tiến hành kiểm tra UBND thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc
thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả kiểm tra như sau:
1. Kết quả kiểm tra tại UBND thành
phố Hà Nội
Với sự chỉ đạo, điều hành chủ động,
quyết liệt, đổi mới, sáng tạo của Lãnh đạo thành phố, cùng với sự cố gắng, đoàn
kết, cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị của
thành phố, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt công tác. Cụ
thể: Có nhiều đột phá, sáng tạo trong cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ
CNNT, tạo sự minh bạch trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ (HN xếp thứ
3 về mức độ sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT, xếp thứ
Nhất về chỉ số công nghiệp CNTT; tiên phong, đi đầu trong cả nước áp dụng cơ chế
một cửa, một cửa liên thông đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp,
hợp tác xã có cung ứng dịch vụ công; có 689 TTHC thực hiện dịch vụ công trực
tuyến cấp độ 3 và 4); môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư chuyển biến
tích cực (năm 2017: chỉ số CCHC xếp thứ 2 cả nước; PCI xếp thứ 13/63 tỉnh,
thành phố; năm 2018 có 25.742 doanh nghiệp được thành lập với tổng số vốn 280,1
nghìn tỷ đồng); quyết liệt trong tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách
tài chính công (tinh giản biên chế 695 người; chuyển 106 đơn vị sự nghiệp công
lập sang cơ chế tự chủ, giảm được 8.761 biên chế hưởng lương từ ngân sách);
công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng và phát triển đô thị được chú trọng;
hạ tầng xã hội phát triển, ngày càng hiện đại hóa; diện mạo nông thôn đổi mới
toàn diện, đời sống người nông dân được nâng cao, nhất là tại các địa bàn thuộc
tỉnh Hà Tây trước đây (thu nhập bình quân khu vực nông thôn dự kiến đạt 46 triệu đồng/người/năm, gấp 1,37 lần năm 2015); kinh tế
tăng trưởng ấn tượng: Năm 2018, GRDP tăng 8,56%, tăng 3,6% so với năm 2016;
GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 4.080 USD/người, gấp 1,12 lần so với năm
2015; kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, đạt 21,6% (kế hoạch là 7,5-8%) vượt khá xa
so với tốc độ tăng của nhập khẩu (8,2%); bảo đảm tăng thu và giảm chi ngân sách
hàng năm (năm 2018, tổng thu ước đạt 238,8 nghìn tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán -
tăng 12,6% so với cùng kỳ; tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 50,8% - giảm 2,7%
so với năm 2017 và giảm 4,7% so với năm 2016)...; khẩn trương, nghiêm túc trong
thực hiện nhiệm vụ giao: Từ 01/01/2017 - 15/11/2018, có 2.594 nhiệm vụ giao
UBND TP Hà Nội. Trong đó, 1.980 nhiệm vụ đã hoàn thành; 607 nhiệm vụ chưa hoàn
thành trong hạn; 07 nhiệm vụ quá hạn (chiếm 0,23%).
Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên,
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Hà Nội tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và có giải pháp
hiệu quả hơn nữa đối với một số mặt công tác để trở thành
địa phương đi đầu cả nước trong cải cách, kiến tạo phát triển, tạo sự lan tỏa,
thúc đẩy các tỉnh lân cận cùng phát triển, như: còn một số nhiệm vụ giao quá hạn
nợ đọng; công tác cổ phần hóa, thoái vốn; vấn đề quy hoạch;
đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; công tác
quản lý đất đai, trật tự xây dựng; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; thúc đẩy
phát triển vùng ngoại ô; quản lý nhà nước về môi trường...
2. Kết quả kiểm tra tại Ủy ban nhân
dân tỉnh Thanh Hóa
Thanh Hóa là một tỉnh đứng thứ 5 cả nước về diện tích và thứ 3 về dân số (diện tích: 11.133.4
km2; dân số: 3.712.600 người) và là tỉnh có nhiều đơn vị hành chính (27 đơn vị
hành chính cấp huyện thì có tới 11 huyện là vùng núi cao). Với địa bàn rộng,
dân số đông, trong quá trình phát triển, tỉnh có những khó khăn, thách thức nhất
định. Nhưng với sự chỉ đạo, điều hành chủ động, đúng hướng và sự cộng đồng
trách nhiệm của cả Hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp
nhân dân trên địa bàn tỉnh, năm 2018, Thanh Hóa đã đạt được một số kết quả quả
nổi bật trên các mặt công tác. Cụ thể: Kinh tế tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra
và đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, GRDP ước đạt 15,16% (năm 2010
đạt cao nhất là 13,7%); sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất
ước đạt 95.065 tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ và vượt 3,7% so với kế hoạch
đề ra; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.764,6 triệu USD tăng 36,1% so với cùng kỳ;
cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm
12,7% - giảm 1,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm 44% - tăng 1,5%; thuế sản phẩm chiếm 6,6% - tăng 3,2%); thu
ngân sách ước đạt 21.831 tỷ đồng, vượt dự toán; chi ngân sách ước 30.562 tỷ đồng,
bằng 109% dự toán giao; doanh thu du lịch ước đạt 10.625 tỷ đồng, tăng 32,8% so
với cùng kỳ; thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công (giá trị giải ngân đạt
7.166,1 tỷ đồng, bằng 98,9% kế hoạch và là tỉnh xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về
tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công); đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng
CNNT trong quản lý, điều hành và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (thực
hiện việc gửi - nhận văn bản qua mạng; 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh,
cấp huyện, cấp xã đều đã có mạng nội bộ được kết nối Internet; đã rút ngắn 30%
thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; dịch vụ công trực tuyến hoạt động
24/24 giờ; năm 2018 có 3.000 doanh nghiệp được thành lập mới, với tổng vốn điều
lệ đăng ký 17.500 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ - Thanh Hóa đứng thứ 07 cả
nước về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới); chương trình xây dựng NTM đạt kết quả tích cực (toàn tỉnh có 283 xã, 567 thôn, bản đạt
chuẩn nông thôn mới); thực hiện tốt chính sách dân tộc; công tác quản lý nhà nước
về tài nguyên và môi trường được tăng cường...; nghiêm túc, khẩn trương trong
thực hiện nhiệm vụ giao: Từ 01/01/2017 đến 15/11/2018, có 462 nhiệm vụ giao
UBND tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, 351 nhiệm vụ đã hoàn thành; 111 nhiệm vụ chưa
hoàn thành trong hạn. Không có nhiệm vụ quá hạn nợ đọng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được
nêu trên, một số mặt công tác còn hạn chế, bất cập, đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh
Hóa cần quan tâm, chấn chỉnh, như: Công tác sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; cải
cách hành chính, thu hút đầu tư; công tác quản lý nhà nước về đất đai; vấn đề bảo
vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản.
V. ĐỀ XUẤT, KIẾN
NGHỊ
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ
tháng 11/2018, Tổ công tác đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ chỉ đạo:
1. Các Bộ, cơ quan
- Tập trung, gấp rút hoàn thành các dự
thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh còn nợ đọng trình
Chính phủ ký ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Đồng thời, đẩy nhanh tiến
độ soạn thảo, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định
chi tiết để bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng thời với các Luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, không để phát sinh nợ đọng mới.
- Tích cực thực hiện các nhiệm vụ được
giao; quan tâm việc xây dựng và trình các đề án theo chương trình công tác, bảo
đảm tiến độ và chất lượng.
2. Bộ Tư pháp
Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính
phủ để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi
tiết; kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để
tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành các văn bản.
3. Các Bộ quản lý chuyên ngành và
có ĐKKD:
Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm,
đơn giản hóa thủ tục, danh mục hàng hóa KTCN và ĐKKD để hoạt động cải cách KTCN
và cắt giảm ĐKKD thực sự có hiệu quả, chất lượng. Đồng thời, phối hợp với Văn
phòng Chính phủ trong việc tính toán hiệu quả kinh tế do kết quả cắt giảm, đơn
giản hóa thủ tục, danh mục hàng hóa KTCN và ĐKKD mang lại cho doanh nghiệp, xã
hội, nhất là đối với các ĐKKD đã được cắt bỏ hoặc đơn giản hóa, gửi Văn phòng
Chính phủ trước ngày 20 tháng 12 năm 2018 để tổng hợp, báo cáo tại Hội nghị
Chính phủ với địa phương vào tháng 12 năm 2018.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nghiên cứu, phân cấp cho UBND cấp tỉnh
thực hiện cấp, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép xử lý chất thải nguy hại;
chấp thuận liên kết để chuyển giao CTNH không có trong giấy phép xử lý chất thải
nguy hại/giấy phép quản lý chất thải nguy hại; chấp thuận
việc sử dụng các phương tiện vận chuyển không ghi trong Giấy
phép xử lý chất thải nguy hại/giấy phép quản lý chất thải nguy hại cho tổ chức/cá
nhân có địa bàn hoạt động trong tỉnh (theo quy định trước
đây). Tăng quy mô phân cấp theo tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu phân cấp cho
Sở Tài nguyên và Môi trường.
5. Bộ Xây dựng
- Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những
quy định còn bất cập của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017, như: Một
số hành vi vi phạm có mức phạt cao không phù hợp thực tiễn
quản lý; thời hạn ngừng thi công 60 ngày đối với công
trình không phép, sai phép chưa đáp ứng được với các dự án đầu tư; quy trình bắt
buộc ngừng thi công 60 ngày áp dụng đối với tất cả các hành vi vi phạm trật tự
xây dựng là chưa phù hợp với thực tiễn quản lý,...
- Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ
sung quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số
02/2016/TT-BXD, ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng, theo đó cần quy định rõ ràng
chức năng, trách nhiệm của Chủ đầu tư, Ban quản lý, Ban quản trị, đơn vị quản
lý vận hành trong quá trình đầu tư xây dựng và đưa công
trình vào hoạt động nhằm giải quyết những mâu thuẫn, đùn đẩy, né tránh trách
nhiệm của các đơn vị liên quan.
- Nghiên cứu, xây dựng và ban hành
quy chuẩn riêng cho nhà chung cư; quy chuẩn an toàn về phòng cháy và chữa cháy
đối với các nhà, công trình cao trên 75m (hiện chưa có quy định).
6. Bộ Công an
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số
quy định còn bất cập của của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, ngày 31/7/2014 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật PCCC, như: cần nghiên cứu, điều chỉnh Danh mục cơ
sở thuộc diện quản lý về PCCC (quy định cụ thể về quy mô và làm rõ khái niệm một
số loại hình như: Cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, công trình công cộng khác;
cơ sở y tế khám chữa bệnh khác; công trình văn hóa khác...; quy định rõ về nguy
cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ để làm căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động; chế tài và biện pháp cưỡng chế đối với cơ sở không thi hành quyết định xử phạt; điều chỉnh quy định về
việc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động cho phù hợp, thống
nhất với Luật xử lý vi phạm hành chính...
7. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
- Chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan liên
quan khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ giao đã quá hạn thực hiện, bảo đảm đúng tiến
độ, yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, rà soát các
nhiệm vụ sắp đến hạn thực hiện để đôn đốc thực hiện kịp thời,
tránh để phát sinh nợ đọng.
- Tập trung quyết liệt để đẩy nhanh
tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo
đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số
991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1553/QĐ-TTg ngày 17 tháng
8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, khẩn trương rà soát, đánh giá khả
năng đáp ứng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã được Thủ tướng
giao và đề xuất việc điều chỉnh thời hạn cho phù hợp với tình hình thực tế theo
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8466/VPCP-ĐMDN ngày 06/9/2018 của
Văn phòng Chính phủ.
- Tăng cường công tác quản lý quy hoạch,
xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt hơn
nữa vấn đề quy hoạch, kể cả quy hoạch lõi; quy hoạch phải bảo đảm đồng bộ, phù
hợp và theo kịp tốc độ đô thị hóa và bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, hài hòa giữa văn hóa và bảo tồn di sản, di tích lịch sử với
phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng quản lý thực hiện
đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục
hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; ứng dụng CNTT trong
quản lý điều hành và thực thi công vụ để tạo bước chuyển căn bản trong xây dựng
chính quyền điện tử và hướng tới xây dựng thành phố thông
minh, nền hành chính hiệu quả, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm
và phục vụ; tiếp tục rà soát, đơn giản, cắt giảm các TTHC không cần thiết, dễ tạo
khoảng trống cho cán bộ thực thi nhiệm vụ sách nhiễu, gây phiền hà cho người
dân và doanh nghiệp; tính toán cụ thể hiệu quả kinh tế (bằng số ngày công và số
tiền) do kết quả cải cách hành chính mang lại cho doanh nghiệp, xã hội và các
tác động tích cực đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành
chính, kỷ cương, phép nước trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức
thành phố, nhất là đội ngũ cán bộ công chức cấp cơ sở; củng cố, xây dựng chính
quyền cấp cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân; kịp thời phát hiện
và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ còn gây sách nhiễu, phiền hà cho người
dân và doanh nghiệp.
- Tiếp tục quan tâm đầu tư, dành nguồn
ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông đô thị, phát triển hệ thống giao
thông thông minh để hướng tới xây dựng thành phố thông
minh, chính quyền đô thị.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước
về đất đai và trật tự xây dựng; quyết liệt, mạnh mẽ hơn và xử lý kiên quyết, dứt điểm các vụ việc sai phạm
về quản lý đất đai, trật tự xây dựng; tăng cường năng lực và trách nhiệm thực
thi công vụ của bộ máy thanh tra xây dựng trên địa bàn, nhất là trách nhiệm người
đứng đầu.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;
quan tâm và dành ưu tiên cho việc triển khai các dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi
trường, hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn chất thải
theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8
năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên
truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân về thanh toán điện tử nhằm tạo sự chuyển
biến căn bản về thanh toán điện tử và thói quen sử dụng tiền mặt như hiện nay;
đẩy mạnh phát triển các hoạt động thanh toán điện tử để cung cấp cho người dân
và doanh nghiệp các dịch vụ công thuận tiện, chi phí thấp theo chủ trương của
Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 -
2020 để trở thành địa phương tiên phong, đầu tiên trong cả nước thực hiện tốt
thanh toán điện tử. Trong quá trình triển khai thực hiện, có khó khăn, vướng mắc,
kịp thời đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam
và các cơ quan liên quan phối hợp, tạo điều kiện và hỗ trợ Ủy ban nhân dân
thành phố Hà Nội triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ trên.
8. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa
- Khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức
năng đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại 02 doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản
lý của tỉnh (Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa và Công ty CP Môi trường và Dịch vụ
du lịch Sầm Sơn), bảo đảm đúng tiến độ theo yêu cầu.
- Quan tâm củng cố và nâng cao
chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương
hành chính, đề cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp trong
quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, đặc biệt trách nhiệm người đứng
đầu; xử lý, khắc phục triệt để tình trạng “quan lộ thần tốc”, gây bức xúc trong
dư luận trong thời gian vừa qua; kiên quyết thu hồi, bãi bỏ các quyết định bổ
nhiệm cán bộ sai quy định để lấy lại lòng tin của nhân dân
đối với bộ máy chính quyền.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính; quyết
liệt, chú trọng và sâu sát hơn nữa đến công tác cải cách hành chính, ứng dụng mạnh
mẽ CNTT trong cung cấp dịch vụ công để tạo thuận lợi cho người dân và doanh
nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính; nâng
cao chỉ số cải cách hành chính và tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4;
khẩn trương tích hợp việc công khai TTHC trên dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống
thông tin điện tử một cửa của tỉnh và Trung tâm hành chính
công với cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo đúng quy định tại Nghị định
61/NĐ-CP của Chính phủ.
- Có giải pháp căn cơ, hiệu quả nhằm
cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư để thu hút được các dự án công
nghiệp quy mô lớn, dự án công nghiệp chủ lực có tác động lan tỏa, công nghiệp
phụ trợ phục vụ chuỗi sản xuất, công nghệ cao, dự án đầu tư theo hình thức PPP
nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; Lãnh đạo Tỉnh cần thường xuyên tổ
chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc,
hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp.
- Chỉ đạo quyết liệt sớm hoàn thành
việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký
thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí
theo đúng Quyết định số 1380/QĐ-TTg ngày 18/10/2018 của Thủ
tướng Chính phủ.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước
về đất đai, trật tự đô thị và xây dựng; xử lý kiên quyết
và dứt điểm các tổ chức, cá nhân sai phạm trong quản lý đất đai; tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các công trình xây dựng trái phép,
không phép, làm phá vỡ quy hoạch, chỉ giới trong xây dựng.
- Chỉ đạo, quyết liệt và khẩn trương
chấn chỉnh đối với công tác quản lý rừng và tài nguyên khoáng sản; tăng cường
công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái
phép; kiên quyết thu hồi giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy
định trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; xử lý kịp thời, dứt điểm
các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, nạo vét, vận chuyển cát, sỏi trên tuyến
thủy nội địa trái phép, gây sạt lở đất ven sông, ảnh hưởng đến sản xuất của người
dân.
- Quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường;
tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ hoạt động
xả thải của doanh nghiệp, khí thải từ các làng nghề, trang trại chăn nuôi, các
khu công nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước;
kiên quyết từ chối cấp phép đầu tư đối với các dự án đầu tư vào các loại hình sản
xuất, sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
- Quan tâm chỉ đạo phát triển các hoạt
động thanh toán điện tử để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch thương mại theo
đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt
Nam giai đoạn 2016 - 2020.
Trên cơ sở ý kiến kết luận của Thủ tướng
Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2018, Tổ công tác đề nghị
các Bộ, cơ quan, địa phương căn cứ vào nội dung của Báo cáo này, triển khai thực
hiện các nội dung có liên quan đến Bộ, cơ quan, địa phương mình và báo cáo Tổ
công tác kết quả thực hiện trước ngày 25 tháng 12 năm 2018./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng,
các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các thành viên Tổ công tác;
- VPCP: Các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ, đơn vị: CN, KTTH, NN, PL, ĐMDN, V.I,
TKBT, KGVX, KSTTHC, Cổng thông tin điện tử CP;
- Lưu: VT, TCTTTg (3b).L
|
TỔ TRƯỞNG
Mai Tiến Dũng
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VPCP
|