BAN
TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
45/TCCP-BCTL
|
Hà
Nội, ngày 11 tháng 3 năm 1996
|
THÔNG TƯ
CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ 45/TCCP-BCTL NGÀY 11
THÁNG 3 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ NÂNG BẬC LƯƠNG THƯỜNG XUYÊN HÀNG NĂM ĐỐI VỚI
CÁN BỘ, CÔNG CHỨC KHU VỰC HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP, ĐẢNG, ĐOÀN THỂ
Căn cứ vào Nghị định số 25/CP
ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công
chức, viên chức khu vực hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể và ý kiến của Thủ
tướng Chính phủ tại Công văn số 5732/KTTII ngày 9/10/1995 về việc thực hiện chế
độ nâng bậc lương hàng năm. Sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Ban Tổ chức - Cán bộ
Chính phủ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên hàng năm đối với
cán bộ, công chức khu vực hành chính, sự nghiệp, Đảng, đoàn thể như sau:
I- PHẠM VI VÀ
ĐỐI TƯỢNG:
1. Phạm vi và đối tượng được áp
dụng:
Cán bộ, công chức, (kể cả những
người thuộc các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp có thu đảm bảo kinh phí hoạt
động và trả lương) được xếp lương theo các ngạch, bậc của các bảng lương qui định
tại Nghị quyết số 35NQ/UBTVQHK9 ngày 17/5/1993 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội,
Quyết định số 69/NQTW ngày 17/5/1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị định
số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của
công chức, viên chức khu vực hành chính sự nghiệp, bao gồm:
- Cán bộ, công chức được tuyển dụng
chính thức và hợp đồng dài hạn trong chỉ tiêu biên chế, làm việc trong các cơ
quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến các địa phương.
- Cán bộ, nhân viên làm việc
trong các cơ quan Đảng, đoàn thể;
- Cán bộ, công chức đi học, thực
tập, công tác, điều trị, điều dưỡng trong và ngoài nước;
- Cán bộ, công chức được điều động
đến làm việc ở xã, phường, thị trấn;
- Cán bộ, công chức được biệt
phái hoặc điều động lànm việc ở các Hội, các dự án và tổ chức Quốc tế đặt tại
Việt Nam (do phía Việt Nam trả lương).
2. Đối tượng không áp dụng chế độ
nâng bậc lương:
- Những người hưởng lương theo
chức vụ dân cử, bầu cử của các cơ quan Nhà nước, Đảng, đoàn thể.
- Những người không chuyển xếp
lương mới.
- Những người làm việc theo hợp
đồng dài hạn không thuộc chỉ tiêu biên chế được giao.
- Những người làm việc có thời hạn
theo vụ việc.
- Những người có quyết định thôi
việc hoặc đang nghỉ chờ việc.
- Những người bị đình chỉ công
tác, đang bị kỷ luật chưa giao việc.
- Những người bị tạm giam.
3. Công nhân, viên chức khu vực
hành chính sự nghiệp (kể cả cơ quan Đảng, đoàn thể) được xếp lương theo thang
lương, bảng lương quy định tại Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ
thực hiện theo Thông tư số 05/LĐTBXH-TT ngày 22/3/1995 của Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội về hướng dẫn nâng bậc lương đối với công nhân, viên chức trong
các doanh nghiệp.
II- ĐIỀU KIỆN
VÀ TIÊU CHUẨN NÂNG BẬC:
A- ĐIỀU KIỆN THỜI GIAN:
1. Cán bộ, công chức quy định tại
điểm 1, mục 1 nói trên có đủ thời gian giữ bậc cũ quy định đối với ngạch công
chức, viên chức theo Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ thì được
xét để nâng bậc lương.
- 2 năm (đủ 24 tháng) đối với ngạch
có hệ số mức lương khởi điểm (bậc 1) thấp hơn 1,78.
- 3 năm (đủ 36 tháng) đối với ngạch
có hệ số mức lương khởi điểm (bậc 1) từ 1,78 trở lên.
Riêng cán bộ, công chức xếp
lương chuyên gia cao cấp không thực hiện nâng bậc lương theo thâm niên, khi có
yêu cầu nâng bậc lương tuỳ từng trường hợp theo phân cấp quản lý cán bộ để
trình Ban Bí thư hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Cán bộ, công chức có đủ thời
gian giữ bậc lương cũ 2 năm (đủ 24 tháng), 3 năm (đủ 36 tháng) thì được nâng bậc
lương, thời điểm hưởng bậc lương mới được tính từ khi đạt đủ 24 tháng hoặc 36
tháng.
Ví dụ: Một chuyển viên được xếp
vào ngạch 01.003, bậc 6/10 hệ số 3,06 từ ngày 1/10/1993. Tính đến 1/10/1996 có
đủ điều kiện thời gian 3 năm, đạt tiêu chuẩn thì được nâng bậc lên bậc 7 hệ số
3,31 (ngạch 01.003), hưởng bậc lương mới từ ngày 1/10/1996.
3. Cán bộ, công chức bị kỷ luật
(chính quyền, Đảng, đoàn thể) từ khiển trách trở lên thì bị trừ 1 năm (tính đủ
12 tháng). Thời gian chịu 1 hình phạt của Toà án cũng không được tính vào thời
gian để nâng bậc, nếu mức án treo dưới 1 năm thì vẫn tính trừ 12 tháng.
Cán bộ, công chức không được
nâng bậc lương do không hoàn thành nhiệm vụ thì năm đó cũng không được tính vào
thời gian để nâng bậc.
4. Cán bộ, công chức đi học
(trong và ngoài nước) đã cắt khỏi danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị thì
trong thời gian học tập không nâng bậc lương. Khi học xong trở về cơ quan, đơn
vị nếu vẫn làm công việc cũ và vẫn giữ bậc lương cũ thì thời gian đi học được
tính để xét nâng bậc lương và phải căn cứ vào kết quả học tập để đánh giá.
- Cán bộ, công chức đi công tác,
làm chuyên gia, khảo sát... ở nước ngoài, tiền lương vẫn do Nhà nước ta trả
lương thì thời gian công tác, làm chuyên gia... vẫn được tính vào thời gian để
xét nâng bậc nếu đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Trường hợp đi hợp tác lao động,
đi công tác, làm chuyên gia do nước ngoài trả lương, nghỉ tự túc để đi học, thực
tập, khảo sát, điều trị, điều dưỡng, đi theo gia đình ở trong nước và ngoài nước
thì thời gian này không được tính vào thời gian để xét nâng bậc.
5. Cán bộ, công chức ốm đau kéo
dài hoặc cộng dồn kể cả điều trị, điều dưỡng trong và ngoài nước từ 6 tháng trở
xuống (trong niên hạn giữ bậc) vẫn được tính để xét nâng bậc.
6. Cán bộ, công chức làm việc ở
các tổ chức Quốc tế, các dự án, văn phòng đại diện nước ngoài mở tại Việt Nam
mà tiền lương do phía nước ngoài trả thì thời gian làm việc cho các tổ chức đó
không được tính vào thời gian để xét nâng bậc.
B- TIÊU CHUẨN NÂNG BẬC:
Cán bộ, công chức đủ điều kiện
thời gian quy định nêu trên phải được đánh giá và đạt hai tiêu chuẩn sau đây
trong suốt thời gian giữ bậc cũ thì được nâng bậc.
- Hoàn thành đủ số lượng công việc
được giao và đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và thời gian.
- Không vi phạm kỷ luật lao động,
nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị; không vi phạm luật pháp Nhà nước có liên quan
đến công việc và tư cách đạo đức của cán bộ, công chức đến mức kỷ luật khiển
trách hoặc chịu hình phạt của Toà án.
III- NGUYÊN TẮC
VÀ CÁCH XẾP HỆ SỐ MỨC LƯƠNG KHI ĐƯỢC NÂNG BẬC
A- NGUYÊN TẮC:
1. Cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn,
điều kiện quy định chỉ nâng 1 bậc lương trong ngạch theo bảng lương đang được xếp,
nếu trong ngạch còn bậc.
2. Công chức, viên chức chưa đủ
điều kiện thời gian hoặc không đạt tiêu chuẩn thì không được nâng bậc.
B- CÁCH XẾP HỆ SỐ MỨC LƯƠNG KHI
ĐƯỢC NÂNG BẬC.
Cán bộ, công chức khi được nâng
bậc thì xếp vào bậc sau liền kề với bậc đang giữ theo ngạch công chức quy định
tại Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ.
Ví dụ: Một chuyên viên (mã số
01.003) bậc 6 có hệ số mức lương 3,06 đủ điều kiện thời gian quy định và đạt
tiêu chuẩn thì được nâng lên bậc 7 có hệ số là 3,31.
IV- TỔ CHỨC
THỰC HIỆN:
1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản
lý trực tiếp cán bộ, công chức căn cứ số lượng cán bộ công chức có mặt tại thời
điểm xét nâng bậc lương và tiêu chuẩn nâng bậc lương lập danh sách đề nghị cấp
có thẩm quyền quyết định nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức đồng gửi cấp
uỷ và công đoàn cơ quan, đơn vị để tham gia ý kiến và phải niêm yết công khai
danh sách dự kiến những người nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức của cấp
có thẩm quyền, một lần nữa danh sách những người được nâng bậc lương phải được
niêm yết công khai.
2. Từ năm 1996 trở đi việc thực
hiện nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức được tiến hành thường xuyên. Cán
bộ, công chức được nâng bậc, hưởng mức lương mới kể từ khi giữ bậc lương cũ đủ
24 tháng hoặc 36 tháng.
Hàng năm các cơ quan, đơn vị căn
cứ vào Thông tư này lập kế hoạch nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức trong
kế hoạch biên chế, quỹ tiền lương của cơ quan, đơn vị theo quy định tại Thông
tư số 31-TT-LB ngày 6/2/1995 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính
và đề nghị cấp trên của cơ quan, đơn vị theo phân cấp tạm thời thẩm quyền quyết
định lương cán bộ, công chức tại công văn số 645/TC-TW ngày 13/12/1993 của Ban
Tổ chức Trung ương; công văn số 498/TCCP ngày 19/10/1993 của Ban Tổ chức - Cán
bộ Chính phủ ra quyết định nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức. Định kỳ 6
tháng và hàng năm các cơ quan đơn vị phải tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện
nâng bậc lương kèm theo danh sách từng cán bộ, công chức và quỹ tiền lương tăng
thêm thực hiện do nâng bậc về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính và
Ban Tổ chức Trung ương Đảng (đối với các cơ quan Đảng, đoàn thể) để kiểm tra
theo dõi và quản lý (theo mẫu số 1, 2).
3. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ
phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra việc nâng bậc lương đối với
cán bộ, công chức của các Bộ, địa phương và có quyền yêu cầu các Bộ, địa phương
huỷ ngay quyết định sai chế độ đối với cán bộ, công chức.
Thủ trưởng thực hiện sai việc
nâng lương chịu trách nhiệm bồi hoàn số tiền lương đã quyết định sai.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày
1/1/1996.
Trong quá trình thực hiện nếu có
gì vướng mắc đề nghị phản ảnh về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để nghiên cứu
giải quyết.