Để tăng cường quản lý Nhà nước đối
với việc xây dựng và sử dụng nhà ở, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất
tiết kiệm phù hợp với Luật đất đai, động viên sự đóng góp của chủ sở hữu nhà và
người sử dụng nhà đất vào ngân sách Nhà nước;
Căn cứ vào Điều 80 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 6 ngày 28 tháng 12 năm
1989 về việc uỷ quyền cho Hội đồng Nhà nước quy định một số thuế mới;
Pháp lệnh này quy định thuế nhà đất.
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Thuế nhà đất
là thuế thu đối với nhà và đối với đất ở, đất xây dựng công trình.
Điều 2
Tổ chức,
cá nhân có quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở, đất xây dựng công trình, gọi
chung là chủ nhà đất, đều phải nộp thuế nhà đất.
Trong trường hợp còn có sự tranh
chấp hoặc chưa xác định được quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng nhà đất, thì tổ chức,
cá nhân đang sử dụng nhà phải nộp thuế nhà đất.
Tổ chức, cá nhân, kể cả xí nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài thuê nhà, đất ở, đất xây dựng công trình thì chỉ trả
tiền thuê nhà, đất, còn thuế nhà đất thì do tổ chức, cá nhân cho thuê nhà, đất
nộp theo quy định của Pháp lệnh này;
Điều 3
Không thu
thuế đối với:
1- Nhà ở thuộc vùng nông thôn, trừ
nhà ở nơi có hoạt động kinh doanh, dịch vụ ven đường quốc lộ, tỉnh lộ thuộc
vùng đồng bằng, trung du;
2- Đất làm đường sá, cầu cống,
công viên, sân vận động, đê điều, công trình thuỷ lợi, nghĩa trang;
3- Nhà, đất dùng làm trụ sở cơ
quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức xã hội, công trình văn hoá, doanh trại đơn
vị lực lượng vũ trang nhân dân;
4- Nhà, đất chuyên dùng vào việc
thờ cúng của tôn giáo;
5- Nhà, đất sử dụng vì lợi ích
công cộng mà chủ nhà đất không thu tiền thuê.
Điều 4
Cơ quan
ngoại giao, tổ chức quốc tế sở hữu nhà ở, sử dụng đất ở và đất xây dựng công
trình nộp thuế nhà đất theo Pháp lệnh này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà
Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.
Điều 5
Chủ nhà đất
có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ theo quy định của Pháp lệnh thuế nhà đất.
Điều 6
Nghiêm cấm
mọi hành vi trốn thuế, dây dưa tiền thuế và các hành vi khác vi phạm quy định của
Pháp lệnh này.
Điều 7
Các cơ
quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và mọi công
dân có trách nhiệm giúp đỡ cơ quan thuế, cán bộ thuế trong việc thi hành nhiệm
vụ.
Chương 2:
CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU
THUẾ NHÀ ĐẤT
Điều 8
Căn cứ
tính thuế nhà đất là diện tích nhà, diện tích đất, giá tính thuế mỗi mét vuông
đối với từng hạng nhà, hạng đất và thuế suất.
Đối với đất ở thuộc vùng nông
thôn thì căn cứ tính thuế được quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này.
Điều 9
Giá tính
thuế nhà đất được quy định như sau:
1- Giá tính thuế nhà được quy định
căn cứ vào giá thị trường đối với từng hạng nhà;
2- Giá tính thuế đất được quy định
căn cứ vào khả năng sinh lợi và giá trị sử dụng của đất trong từng khu vực.
Căn cứ vào quy định tại điểm 1
và điểm 2, Điều này Hội đồng bộ trưởng quy định việc phân hạng nhà, hạng đất,
việc định khung giá tiêu chuẩn và định giá tính thuế nhà đất.
Điều 10
Thuế suất thuế
nhà đất được quy định như sau:
1- Đối với nhà: 0,3% giá tính thuế/năm;
2- Đối với đất: 0,5% giá trị thuế/năm;
Điều 11
Đối với đất
ở thuộc vùng nông thôn, mức thuế đất ở được quy định như sau:
1- Ở vùng đồi trọc, đá sỏi, mức thuế
đất ở bằng mức thuế nông nghiệp cùng hạng trong vùng;
2- Ở vùng trung du, đồi núi, mức
thuế đất ở bằng 1,5 lần mức thuế nông nghiệp cùng hạng đất trong vùng;
3- Ở vùng đồng bằng, mức thuế đất
ở bằng 2 lần mức thuế nông nghiệp cùng hạng đất trong vùng; riêng ở vùng đồng bằng
sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và ven các đường quốc lộ, tỉnh lộ, mức thuế
đất ở bằng 3 lần mức thuế nông nghiệp cùng hạng đất trong vùng.
4- Đất ở mà sử dụng vào sản xuất
nông nghiệp thì được tính thuế đất bằng mức thuế nông nghiệp cùng hạng đất
trong vùng.
Chương 3:
KÊ KHAI NỘP THUẾ NHÀ ĐẤT
Điều 12
Thuế nhà
đất được nộp tại cơ quan thuế địa phương, nơi có nhà đất thuộc diện chịu thuế.
Điều 13
Thuế nhà
đất được tính hàng năm và nộp làm 2 lần: mỗi lần nộp 50%. Lần đầu nộp chậm nhất
là ngày 30 tháng 4, lần thứ hai nộp chậm nhất là ngày 31 tháng 10.
Điều 14
Chủ nhà đất
có trách nhiệm:
1- Hàng năm phải
kê khai tình hình nhà đất với cơ quan thuế theo chế độ do Bộ Tài chính quy định;
khi có sự thay đổi về quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hoặc về cấu trúc nhà,
diện tích nhà, đất, thì chủ nhà đất phải khai lại với cơ quan thuế chậm nhất
không quá một tháng, kể từ ngày có sự thay đổi;
2- Cung cấp tài liệu cần thiết
có liên quan đến việc tính thuế nhà đất theo yêu cầu của cơ quan thuế;
3- Nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn.
Điều 15
Cơ quan
thuế có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1- Hướng dẫn, giúp đỡ chủ nhà đất
thực hiện nghiêm chỉnh việc kê khai, nộp thuế nhà đất;
2- Kiểm tra, xác minh tài liệu
kê khai tính thuế, lập sổ thuế, duyệt sổ thuế nhà đất;
3- Thông báo cho người nộp thuế
số thuế phải nộp và thời hạn nộp thuế. Khi thu thuế, cơ quan thu thuế phải cấp
biên lai nộp thuế do Bộ tài chính phát hành;
4- Theo dõi, đôn đốc việc thu, nộp
thuế vào kho bạc Nhà nước;
5- Lập biên bản và xử phạt hành
chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự các vi phạm
Pháp lệnh thuế nhà đất;
6- Xem xét, giải quyết khiếu nại,
tố cáo về thuế nhà đất.
Chương 4:
GIẢM THUẾ, MIỄN THUẾ NHÀ
ĐẤT
Điều 16
Những người
thuộc diện được phân phối nhà ở theo chế độ của Nhà nước, nhưng chưa được phân
phối mà có nhà thuộc quyền sở hữu của mình, thì được miễn thuế nhà đất đối với
phần diện tích nhà, đất tương đương với tiêu chuẩn quy định của Nhà nước.
Điều 17
Những trường
hợp sau đây được xét miễn, giảm thuế nhà đất:
1- Nhà xây dựng bằng vật liệu dễ
hư hỏng;
2- Nhà hư hỏng phải sửa chữa mà
chi phí vượt quá một nửa giá tính thuế nhà;
3- Nhà mới xây dựng trong vòng 3
năm đầu;
4- Nhà xưởng của các xí nghiệp
quốc doanh;
5- Nhà đất do cơ quan Nhà nước
quản lý cho cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước thuê;
6- Nhà đất của các đối tượng nộp
thuế có khó khăn do thiên tai, dịch hoạ, tai nạn bất ngờ.
Thủ tục, thẩm quyền quyết định
việc xét giảm thuế, miễn thuế nhà đất do Hội đồng bộ trưởng quy định.
Chương 5:
XỬ LÝ VI PHẠM, KHEN THƯỞNG
Điều 18
1- Việc xử
lý các vi phạm Pháp lệnh thuế nhà đất được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân không làm
đúng các thủ tục kê khai, thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị cảnh cáo hoặc phạt
tiền đến một triệu đồng;
b) Tổ chức, cá nhân có hành vi
khai man, trốn thuế, thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế theo quy định của Pháp
lệnh này, còn phải phạt tiền từ một đến ba lần số thuế gian lậu;
c) Tổ chức, cá nhân nộp chậm tiền
thuế hoặc tiền phạt ghi trong lệnh thu thuế hoặc quyết định xử phạt, thì ngoài
việc phải nộp đủ số thuế hoặc tiền phạt theo quy định của Pháp lệnh này, mỗi
ngày nộp chậm còn bị phạt 0,5% (năm phần nghìn) số tiền nộp chậm;
d) Tổ chức, cá nhân dây dưa nộp
thuế, nộp phạt, thì bị xử lý như sau:
- Trích tiền của tổ chức, cá
nhân có tại ngân hàng để nộp thuế, nộp phạt. Ngân hàng có trách nhiệm thực hiện
chế độ ưu tiên trích nộp tiền thuế, tiền phạt vào kho bạc Nhà nước theo thông
báo của cơ quan thuế;
- Kê biên tài sản theo quy định
của pháp luật để bảo đảm tiền thuế, tiền phạt còn thiếu.
2- Cá nhân trốn thuế với số lượng
lớn hoặc đã bị xử lý theo các điểm a, b, c, d khoản 1, Điều này mà vẫn còn vi
phạm hoặc trốn thuế với số lượng rất lớn hoặc phạm tội trong các trường hợp
nghiêm trọng khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều
169 của Bộ luật hình sự.
Điều 19
Thẩm quyền
xử lý vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 18 của Pháp lệnh này được quy định như
sau:
1- Đối với vi phạm quy định tại
điểm a:
a) Trưởng trạm thuế được phạt đến
một trăm ngàn đồng;
b) Trưởng chi cục thuế được phạt
đến bốn trăm ngàn đồng;
c) Trưởng cục thuế được phạt đến
một triệu đồng.
2- Đối với vi phạm quy định tại
điểm b:
a) Trưởng chi cục thuế được phạt
1 lần số thuế gian lậu;
b) Trưởng cục thuế được phạt đến
3 lần thuế gian lậu.
3- Thủ trưởng cơ quan thuế trực
tiếp quản lý việc thu thuế nhà đất được quyền phạt do nộp chậm và áp dụng các
biện pháp xử lý theo quy định tại các điểm c và d khoản 1, Điều 18 của Pháp lệnh
này.
Điều 20
Cá nhân cản
trở hoặc xúi giục người khác cản trở việc thi hành Pháp lệnh thuế nhà đất hoặc
cản trở việc điều tra và xử lý các vi phạm Pháp lệnh này, thì tuỳ theo mức độ
vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định
của pháp luật.
Điều 21
Cán bộ
thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm dụng, tham ô tiền thuế
nhà đất, thì phải bồi thường cho Nhà nước toàn bộ số thuế đã chiếm dụng, tham ô
và tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng
chức vụ, quyền hạn bao che cho người vi phạm Pháp lệnh thuế nhà đất; cố ý làm
trái quy định của Pháp lệnh này, thiếu trách nhiệm trong việc thi hành Pháp lệnh
thuế nhà đất, thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành
chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cán bộ thuế, do thiếu tinh thần
trách nhiệm hoặc cố tình xử lý sai, gây thiệt hại cho người nộp thuế hoặc người
bị xử lý thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Điều 22
Hội đồng
bộ trưởng quy định chế độ khen thưởng đối với:
1- Cơ quan thuế, cán bộ thuế
hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;
2- Người có công phát hiện các vụ
vi phạm Pháp lệnh thuế nhà đất.
Chương 6:
KHIẾU NẠI, THỜI HIỆU
Điều 23
Tổ chức,
cá nhân có quyền khiếu nại việc thi hành Pháp lệnh thuế nhà đất không đúng đối
với tổ chức, cá nhân mình.
Đơn khiếu nại phải gửi đến cơ
quan thuế phát hành lệnh thu hoặc quyết định xử lý trong thời hạn ba mươi ngày,
kể từ ngày nhận được lệnh thu hoặc quyết định xử lý.
Trong khi chờ giải quyết, người
khiếu nại phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt đã được thông
báo.
Cơ quan nhận đơn khiều nại phải
xem xét, giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đơn. Đối với
vụ phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không được quá ba mươi ngày, kể từ ngày
nhận đơn.
Điều 24
Nếu người
khiếu nại không đồng ý với quyết định của cơ quan nhận đơn hoặc quá thời hạn
trên mà chưa được giải quyết, thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lên cơ
quan thuế cấp trên trực tiếp của cơ quan nhận đơn.
Điều 25
Cơ quan
thuế phải thoái trả tiền thuế hoặc tiền phạt thu không đúng và trả tiền bồi thường
nếu có, trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử lý của cấp
trên.
Điều 26
Nếu phát
hiện và kết luận có sự khai nam, trốn thuế, lậu thuế hoặc nhầm lẵn về thuế, thì
trong thời hạn ba năm, kể từ ngày khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẵn về thuế, cơ
quan thuế có quyền ra lệnh truy thu hoặc truy hoàn thuế.
Chương 7:
TỒ CHÚC THỰC HIỆN
Điều 27
Hội đồng bộ
trưởng lãnh đạo việc tổ chức thực hiện công tác thuế nhà đất trong cả nước.
Điều 28
Bộ trưởng
Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra công tác thuế nhà đất
trong cả nước; giải quyết khiếu nại, kiến nghị về thuế nhà đất thuộc thẩm quyền
của mình.
Điều 29
Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo việc thực hiện và kiểm tra việc thi hành Pháp lệnh
thuế nhà đất trong địa phương mình.
Chương 8:
ĐIỀU KHỎAN CUỐI CÙNG
Điều 30
Khi giá cả
thị trường biến động từ 20% trở lên, thì Hội đồng bộ trưởng điều chỉnh các định
mức bằng tiền quy định trong Pháp lệnh này theo sát thời giá.
Điều 31
Bãi bỏ
thuế thổ trạch và những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này.
Điều 32
Pháp lệnh
này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 1991.