Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 27-L/CTN Loại văn bản: Pháp lệnh
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Người ký: Lê Đức Anh
Ngày ban hành: 02/12/1993 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27-L/CTN

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 1993

PHÁP LỆNH

SỐ 27-L/CTN NGÀY 02/12/1993 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 103 và Điều 106 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Điều 78 của Luật Tổ chức Quốc hội,

NAY CÔNG BỐ:

Pháp lệnh về Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá IX) thông qua ngày 2 tháng 12 năm 1993.

PHÁP LỆNH

VỀ CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Căn cứ vào các điều 14, 91, 103 và 112 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Pháp lệnh này quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (dưới đây gọi tắt là cơ quan đại diện) gồm Cơ quan đại diện ngoại giao, Phái đoàn đại diện thường trực tại tổ chức quốc tế liên chính phủ và Cơ quan lãnh sự. Cơ quan đại diện thực hiện chức năng đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với nước, tổ chức quốc tế tiếp nhận trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn do pháp luật quy định.

Điều 2

Cơ quan đại diện do Chính phủ quyết định thành lập hoặc đình chỉ hoạt động theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Điều 3

1- Cơ quan đại diện hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tôn trọng pháp luật, phong tục tập quán của nước tiếp nhận, của nước mà tổ chức quốc tế đặt trụ sở và pháp luật, tập quán quốc tế.

2- Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 4

Thành viên của Cơ quan đại diện phải là người có phẩm chất, năng lực hoạt động quốc tế và phục vụ hoạt động quốc tế.

Điều 5

1- Pháp lệnh này áp dụng đối với Cơ quan đại diện ngoại giao, Phái đoàn đại diện thường trực tại tổ chức quốc tế liên Chính phủ và Cơ quan lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

2- Cơ quan lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Pháp lệnh này và Pháp lệnh Lãnh sự.

Điều 6

Trong Pháp lệnh này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- Cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (dưới đây gọi tắt là Cơ quan đại diện ngoại giao) là cơ quan đại diện của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về mọi lĩnh vực quan hệ với nước tiếp nhận.

Cơ quan đại diện ngoại giao gồm Đại sứ quán, Công sứ quán và đại biện quán. Trong trường hợp đặc biệt, Cơ quan đại diện ngoại giao có tên gọi khác theo sự thoả thuận giữa Việt Nam và nước tiếp nhận.

2- Người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đối với Đại sứ quán, Công sứ đặc mệnh toàn quyền đối với Công sứ quán và Đại biện đối với Đại biện quán.

3- Thành viên của Cơ quan đại diện ngoại giao gồm viên chức ngoại giao, nhân viên hành chính, kỹ thuật và nhân viên phục vụ.

Viên chức ngoại giao là thành viên có cương vị ngoại giao của Cơ quan đại diện ngoại giao, kể cả người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao.

Nhân viên hành chính, kỹ thuật là thành viên làm công việc hành chính, kỹ thuật của Cơ quan đại diện ngoại giao.

Nhân viên phục vụ là thành viên làm công việc phục vụ của Cơ quan đại diện ngoại giao.

4- Phái đoàn đại diện thường trực của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại tổ chức quốc tế liên Chính phủ (dưới đây gọi tắt là Phái đoàn đại diện thường trực) là cơ quan đại diện của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chức năng ngoại giao tại Tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế liên Chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc (dưới đây gọi tắt là Tổ chức quốc tế).

5- Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực là người đứng đầu Phái đoàn đại diện thường trực.

6- Thành viên của Phái đoàn đại diện thường trực gồm viên chức ngoại giao, nhân viên hành chính, kỹ thuật và nhân viên phục vụ.

7- Cơ quan lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (dưới đây gọi tắt là Cơ quan lãnh sự) là cơ quan đại diện về lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại khu vực lãnh sự ở nước tiếp nhận.

Cơ quan lãnh sự gồm Tổng lãnh sự quán và Lãnh sự quán.

Chương 2:

CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO

Mục 1: NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 7

Cơ quan đại diện ngoại giao có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về mọi lĩnh vực quan hệ với nước tiếp nhận;

2- Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và của công dân Việt Nam tại nước tiếp nhận;

3- Đàm phán và ký điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật;

4- Tìm hiểu tình hình của nước tiếp nhận; kiến nghị với Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan và tổ chức hữu quan ở trong nước về những chính sách và biện pháp cần thiết nhằm phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác về mọi lĩnh vực với nước tiếp nhận, chú trọng sự hợp tác về kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ;

5- Tiến hành công tác thông tin, giới thiệu về Việt Nam để chính quyền và nhân dân nước tiếp nhận hiểu biết về Việt Nam;

6- Thực hiện các công việc lãnh sự;

7- Bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước tiếp nhận; giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để họ thường xuyên giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng đất nước;

8- Thống nhất quản lý nhà nước và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và công dân Việt Nam tại nước tiếp nhận.

Điều 8

Người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao là đại diện của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước tiếp nhận, có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn bộ hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam tại nước tiếp nhận; chịu trách nhiệm về việc bảo đảm thực hiện đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước trong quan hệ với nước tiếp nhận;

2- Chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện toàn bộ công tác của Cơ quan đại diện ngoại giao;

3- Kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan ở trong nước về việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, chế độ chính sách đối với viên chức, nhân viên cơ quan đại diện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan đại diện.

Điều 9

1- Thành viên của Cơ quan đại diện ngoại giao có những nghĩa vụ sau đây:

a) Trung thành với Tổ quốc; giữ gìn và bảo vệ danh dự, uy tín và lợi ích của Nhà nước cũng như của cơ quan;

b) Tích cực góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với nước tiếp nhận, tuân thủ pháp luật của Việt Nam, tôn trọng pháp luật, phong tục, tập quán của nước tiếp nhận và pháp luật, tập quán quốc tế;

c) Thực hiện nhiệm vụ do người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao giao cho.

2- Thành viên của Cơ quan đại diện ngoại giao không thuộc Bộ Ngoại giao, ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này còn chịu sự chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan chủ quản ở trong nước về nghiệp vụ chuyên môn thông qua người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan chủ quản về nghiệp vụ chuyên môn đó.

Mục 2: TỔ CHỨC BỘ MÁY

Điều 10

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, quyết định tổ chức bộ máy và biên chế của Cơ quan đại diện ngoại giao để thực hiện các lĩnh vực công tác sau đây:

- Quan hệ chính trị, thông tin báo chí;

- Quan hệ kinh tế, thương mại;

- Quan hệ Văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ;

- Công tác lãnh sự;

- Quan hệ quân sự;

- Công tác hành chính, kỹ thuật, quản trị, lễ tân.

Điều 11

Chức vụ ngoại giao trong các Cơ quan đại diện ngoại giao gồm có:

- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền hoặc Công sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại biện;

- Công sứ;

- Tham tán công sứ;

- Tham tán;

- Bí thư thứ nhất;

- Bí thư thứ hai;

- Bí thư thứ ba;

- Tuỳ viên.

Điều 12

1- Chủ tịch nước cử và triệu hồi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền và Công sứ đặc mệnh toàn quyền theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

2- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cử và triệu hồi Đại biện và người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao có tên gọi khác.

3- Người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao ở một nước có thể đồng thời được cử làm người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao tại nước khác hoặc làm Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực tại tổ chức quốc tế.

4- Trong trường hợp người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao bị khuyết, tạm thời vắng mặt hoặc vì lý do khác mà không thực hiện được nhiệm vụ của mình thì viên chức ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao của Cơ quan đại diện ngoại giao có chức vụ kế tiếp được cử tạm thời thay thế người đứng đầu cơ quan làm Đại biện lâm thời.

Đại biện lâm thời có những nhiệm vụ và quyền hạn như người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao.

Điều 13

1- Viên chức ngoại giao của Cơ quan đại diện ngoại giao phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam.

2- Nhân viên hành chính, kỹ thuật và nhân viên phục vụ của Cơ quan đại diện ngoại giao có thể là người nước ngoài.

Việc tuyển dụng người nước ngoài làm nhân viên của Cơ quan đại diện ngoại giao do người đứng đầu cơ quan quyết định.

Chương 3:

PHÁI ĐOÀN ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRỰC

Mục 1: NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 14

1- Phái đoàn đại diện thường trực có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Tổ chức quốc tế;

b) Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước Việt Nam tại Tổ chức quốc tế;

c) Duy trì quan hệ thường xuyên giữa Việt Nam với Tổ chức quốc tế, tham gia các hoạt động của Tổ chức quốc tế;

d) Đàm phán và ký điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật;

đ) Tiến hành các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Tổ chức quốc tế và với các nước thành viên của Tổ chứcquốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ và hợp tác của Tổ chức quốc tế đối với sự nghiệp phát triển đất nước;

e) Tìm hiểu tình hình hoạt động của Tổ chức quốc tế; kiến nghị với Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan và tổ chức hữu quan ở trong nước về những vấn đề cần thiết;

g) Thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động của Việt Nam tạiTổ chức quốc tế.

2- Phái đoàn đại diện thường trực không thực hiện chức năng đại diện cho nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quan hệ với nước mà Tổ chức quốc tế đặt trụ sở, trừ trường hợp giữa Việt Nam và nước đó có thoả thuận riêng.

Điều 15

Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực là đại diện của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Tổ chức quốc tế, có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động của Việt Nam tại Tổ chức quốc tế; chịu trách nhiệm về việc bảo đảm thực hiện đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước trong quan hệ với Tổ chức quốc tế;

2- Chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện toàn bộ công tác của Phái đoàn đại diện thường trực;

3- Kiến nghị với Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan ở trong nước về việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, chế độ chính sách đối với viên chức, nhân viên Phái đoàn đại diện thường trực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Phái đoàn đại diện thường trực.

Điều 16

1- Thành viên của Phái đoàn đại diện thường trực có những nghĩa vụ sau đây:

a) Trung thành với Tổ quốc; giữ gìn và bảo vệ danh dự, uy tín và lợi ích của Nhà nước cũng như của cơ quan;

b) Tích cực góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Tổ chức quốc tế, tuân thủ pháp luật của Việt Nam, điều lệ của Tổ chức quốc tế, tôn trọng pháp luật và tập quán quốc tế, tôn trọng pháp luật và tập quán của nước mà Tổ chức quốc tế đặt trụ sở;

c) Thực hiện nhiệm vụ do Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực giao cho.

2. Thành viên của Phái đoàn đại diện thường trực không thuộc Bộ Ngoại giao, ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này còn chịu sự chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan chủ quản ở trong nước về nghiệp vụ chuyên môn thông qua Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan chủ quản về nghiệp vụ chuyên môn đó.

Mục 2: TỔ CHỨC BỘ MÁY

Điều 17

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, sau khi thống nhất ý kiến với Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, quyết định tổ chức bộ máy và biên chế của Phái đoàn đại diện thường trực.

Điều 18

1- Chủ tịch nước cử và triệu hồi Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực tại Liên hợp quốc.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cử và triệu hồi Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực tại các Tổ chức quốc tế khác.

2- Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực tại một Tổ chức quốc tế có thể đồng thời được cử làm Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực tại Tổ chức quốc tế khác.

3- Trong trường hợp Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực bị khuyết, vắng mặt hoặc vì lý do khác mà khơng thực hiện được nhiệm vụ của mình thì Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực tạm thời được cử thay thế Trưởng Phái đoàn làm Quyền Trưởng Phái đoàn.

Quyền Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực có những nhiệm vụ và quyền hạn như Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực.

Chương 4:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CƠ QUAN ĐẠI DIỆN

Điều 19

Nội dung quản lý nhà nước đối với cơ quan đại diện bao gồm:

1- Ban hành các văn bản pháp luật về cơ quan đại diện;

2- Quyết định thành lập, đình chỉ hoạt động, tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan đại diện;

3- Quy định tiêu chuẩn viên chức, nhân viên cơ quan đại diện;

4- Chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động của cơ quan đại diện;

5- Giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan đại diện, khen thưởng và xử lý vi phạm.

Điều 20

Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với các cơ quan đại diện.

Bộ Ngoại giao thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các cơ quan đại diện.

Điều 21

Chủ tịch nước chỉ thị trực tiếp cho cơ quan đại diện khi cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền chỉ thị trực tiếp cho cơ quan đại diện.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp cơ quan đại diện.

Người đứng đầu cơ quan đại diện có trách nhiệm báo cáo lên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về công tác của cơ quan đại diện.

Điều 22

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Trình Chính phủ quyết định thành lập hoặc đình chỉ hoạt động của cơ quan đại diện;

2- Trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp quy về cơ quan đại diện;

3- Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện và của thành viên cơ quan đại diện;

4- Điều hoà, phối hợp hoạt động giữa cơ quan đại diện với các cơ quan hữu quan ở trong nước;

5- Cử và triệu hồi viên chức của cơ quan đại diện không phải là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Công sứ đặc mệnh toàn quyền và Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực tại Liên hợp quốc; điều động nhân viên của cơ quan đại diện. Trong trường hợp viên chức, nhân viên không thuộc Bộ Ngoại giao thì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cử, điều động trên cơ sở đề nghị của thủ trưởng cơ quan hữu quan;

6- Chỉ đạo việc quản lý cơ sở vật chất, kỹ thuật và kinh phí của cơ quan đại diện.

Điều 23

1- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm thông qua Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan đại diện quản lý và chỉ đạo các viên chức, nhân viên do mình cử đi làm việc tại cơ quan đại diện, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước.

2- Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội có trách nhiệm thông qua Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan đại diện thực hiện các hoạt động đối ngoại thuộc lĩnh vực mình phụ trách và chỉ đạo các đoàn thuộc cơ quan, tổ chức mình cử đi công tác tại nước ngoài.

3- Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội ở Trung ương và địa phương được quyền thông qua Bộ Ngoại giao yêu cầu cơ quan đại diện thực hiện hoặc hỗ trợ hoạt động của cơ quan, tổ chức mình ở nước ngoài.

Điều 24

Đại diện các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội của Việt Nam ở nước tiếp nhận không thuộc tổ chức của cơ quan đại diện chịu sự lãnh đạo của người đứng đầu cơ quan đại diện và có trách nhiệm báo cáo công việc với người đứng đầu cơ quan đại diện.

Điều 25

Các đoàn Việt Nam được cử đi công tác ở nước ngoài có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đại diện tại nước đoàn đến về nội dung, chương trình và kết quả hoạt động để cơ quan đại diện thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước các hoạt động đối ngoại ở nước tiếp nhận.

Cơ quan đại diện có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều 26

Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam ra nước ngoài có nghĩa vụ chấp hành sự quản lý của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước đó.

Điều 27

Nếu tại nước có cả Cơ quan đại diện ngoại giao, Phái đoàn đại diện thường trực, Cơ quan lãnh sự thì Cơ quan đại diện ngoại giao chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động đối ngoại tại nước tiếp nhận. Trong trường hợp chỉ có Phái đoàn đại diện thường trực và Cơ quan lãnh sự thì Cơ quan lãnh sự chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động đối ngoại tại nước tiếp nhận. Những vấn đề thuộc lĩnh vực của tổ chức quốc tế do Phái đoàn đại diện thường trực quản lý.

Điều 28

1- Nhà nước Việt Nam ký kết và tham gia các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm cho cơ quan đại diện, thành viên cơ quan đại diện và thành viên gia đình họ đi theo được hưởng đầy đủ các quyền ưu đãi, miễn trừ tại nước tiếp nhận.

2- Nhà nước Việt Nam dành các chế độ ưu đãi theo pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế cho thành viên của cơ quan đại diện và thành viên của gia đình họ đi theo để tạo điều kiện cho họ hoàn thành nhiệm vụ.

Chương 5:

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 29

1- Người nào vi phạm các quy định của Pháp lệnh này thì tuỳ mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

2- Cơ quan cử viên chức, nhân viên ra công tác ở nước ngoài quyết định hình thức kỷ luật đối với viên chức, nhân viên vi phạm theo kiến nghị của người đứng đầu cơ quan đại diện.

3- Viên chức, nhân viên, công dân thường trú tại Việt Nam ra nước ngoài có hành vi vi phạm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì phải được kịp thời đưa về nước.

Người đứng đầu cơ quan đại diện có quyền quyết định đưa về nước những người vi phạm là viên chức, nhân viên của cơ quan đại diện, viên chức, nhân viên khác và công dân Việt Nam. Quyết định của người đứng đầu cơ quan đại diện phải được báo cáo ngay cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng thời thông báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở trong nước xem xét giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có quyền quyết định đưa về nước người vi phạm là người đứng đầu cơ quan đại diện; đối với người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao và Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực tại Liên hợp quốc thì quyết định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phải được báo cáo ngay với Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 30

Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1994.

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 31

Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh này.

Lê Đức Anh

(Đã ký)

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Pháp lệnh về Cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 1993

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.180

DMCA.com Protection Status
IP: 18.218.2.191
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!