HỘI
ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
116-HĐBT
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 8 năm 1987
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 116-HĐBT NGÀY 1-8
1987 QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TỔNG CỤC MỎ
VÀ ĐỊA CHẤT
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ
chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Quyết định phê chuẩn của Hội đồng Nhà nước tại Quyết định số
782-NQ/HĐNN7 ngày 16-2-1987 về việc phê chuẩn thành lập Tổng cục Mỏ và Địa chất,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều
1. Tổng cục Mỏ và Địa chất là cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng chịu trách
nhiệm quản lý Nhà nước các ngành Mỏ và Địa chất trong phạm vi cả nước theo đúng
đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước nhằm không ngừng mở rộng
cơ sở nguyên liệu khoáng, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên
khoáng sản, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội củng cố quốc phòng.
Điều
2. Tổng cục Mỏ và Địa chất có nhiệm vụ và quyền hạn cơ bản sau đây:
A. Quản lý Nhà nước đối với các
ngành Địa chất:
1. Căn cứ vào đường lối chính
sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, kế
hoạch 5 năm và hàng năm về công tác nghiên cứu điều tra, thăm dò địa chất trình
Hội đồng Bộ trưởng quyết định.
2. Xây dựng các dự án pháp luật,
chính sách, chế độ, các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về điều tra, thăm
dò địa chất, trình Hội đồng bộ trưởng ban hành hoặc tự ban hành theo thẩm quyền
được giao.
3. Xây dựng các dự đoán về phát
triển khoa học - kỹ thuật của ngành Địa chất. Thống nhất quản lý việc thực hiện
đường lối, chính sách về khoa học - kỹ thuật, về công tác nghiên cứu và phát
triển khoa học - kỹ thuật; chỉ đạo việc đưa tiến độ khoa học - kỹ thuật vào
công tác điều tra, thăm dò Địa chất.
4. Trình Hội đồng Bộ trưởng quyết
định hệ thống tổ chức của Tổng cục, xây dựng các tiêu chuẩn, chính sách, chế độ
đối với cán bộ, nhân viên của ngành Địa chất; đào tạo bồi dưỡng trình độ chuyên
môn cho cán bộ, công nhân của toàn ngành.
5. Chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch
hợp tác quốc tế trong công tác điều tra, thăm dò địa chất và tổ chức thực hiện
kế hoạch đó theo đường lối, chính sách của Đảng và những quy định của Nhà nước
về quan hệ với nước ngoài.
6. Không ngừng hoàn thiện cơ chế
quản lý, phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh của các đơn vị cơ sở. Chỉ
đạo việc kiểm tra các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch, chấp hành chính
sách, chế độ và pháp luật của Nhà nước.
Hướng dẫn và kiểm tra các ngành,
các địa phương trong việc chấp hành chế độ, chính sách, pháp luật về những vấn
đề thuộc nội dung thống nhất quản lý của ngành.
B. Về quản lý Nhà nước đối với
ngành Mỏ:
Trước mắt Tổng cục Mỏ và Địa chất
thực hiện các nội dung cơ bản như sau:
1. Trình Hội đồng Bộ trưởng quyết
định việc phân công và phân cấp quản lý mỏ; tham gia cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà
nước và các Bộ sản xuất, xây dựng quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm về khai
thác và sử dụng hợp lý tài nguyên - khoáng sản.
2. Xây dựng các chế độ, chính
sách, pháp luật và những quy định về khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên -
khoáng sản trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc tự ban hành theo thẩm quyền
được giao.
3. Xây dựng các dự đoán phát triển
khoa học - kỹ thuật của ngành Mỏ; các chế độ, chính sách nhằm khuyến khích việc
nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong ngành Mỏ trình Hội đồng
Bộ trưởng ban hành hoặc tự ban hành theo thẩm quyền được giao.
Tham gia đào tạo và bồi dưỡng
trình độ chuyên môn cho cán bộ, công nhân ngành Mỏ.
4. Cấp giấy phép khai thác mỏ
cho các đơn vị thuộc các ngành và địa phương theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng.
5. Thanh tra, kiểm tra các
ngành, các địa phương, các dơn vị trong cả nước về việc chấp hành các chính
sách, chế độ, pháp luật của Nhà nước về khai thác và bảo vệ tài nguyên - khoáng
sản.
Đề nghị Hội đồng Bộ trưởng đình
chỉ hoặc trực tiếp đình chỉ theo thẩm quyền của Tổng cục việc khai thác mỏ của
các đơn vị nếu xét thấy có sự vi phạm nghiêm trọng quy chế về kỹ thuật an toàn
và pháp luật của Nhà nước.
Điều
3. Tổng cục trưởng Tổng cục Mỏ và Địa chất chịu trách nhiệm trước Hội đồng
Bộ trưởng về toàn bộ các lĩnh vực công tác được giao. giúp việc Tổng cục trưởng
có một số Phó Tổng cục trưởng phụ trách từng lĩnh vực công tác.
Điều
4. Hệ thống tổ chức bộ máy của Tổng cục Mỏ và Địa chất trước mắt gồm có:
A. Bộ máy giúp Tổng cục trưởng
thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.
1. Văn phòng.
2. Vụ Mỏ.
3. Vụ Địa chất.
4. Vụ Kế hoạch và tài vụ.
5. Vụ Tổ chức cán bộ và lao động.
6. Vụ Hợp tác quốc tế.
7. Ban Thanh tra.
B. Các tổ chức nghiên cứu khoa học
- sự nghiệp - đào tạo.
1. Cục Quản lý tài nguyên -
khoáng sản Nhà nước.
2. Viện Nghiên cứu khoa học địa
chất và khoáng sản (gọi tắt là Viện Địa chất và khoáng sản).
3. Viện Kinh tế mỏ - địa chất.
4. Viện Thông tin tư liệu mỏ và
địa chất.
C. Các tổ chức sản xuất - kinh
doanh.
1. Các Liên đoàn địa chất tổ chức
theo vùng lãnh thổ.
2. các Liên đoàn địa chất tổ chức
theo chuyên môn hoá.
3. Công ty Vật tư mỏ - địa chất.
4. Các xí nghiệp khai thác trực
thuộc.
Nhiệm vụ cụ thể và cơ cấu tổ chức
của các cơ quan, tổ chức nói trên do Tổng cục trưởng Tổng cục Mỏ và Địa chất
quy định.
Điều
5. Nghị định này có hiệu lực từ ngày công bố, những quy định trước đây trái
với Nghị định này đều bị bãi bỏ.
Điều
6. Tổng cục trưởng Tổng cục Mỏ và Địa chất, Thủ trưởng các ngành liên quan
và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương
chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.