Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba "Xét xử sơ thẩm" của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003

Số hiệu: 04/2004/NQ-HĐTP Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao Người ký: Nguyễn Văn Hiện
Ngày ban hành: 05/11/2004 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Số: 04/2004/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2004

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 04/2004/NQ-HĐTP NGÀY 05 THÁNG 11 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG PHẦN THỨ BA “XÉT XỬ SƠ THẨM” CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật tổ chức Toà án nhân dân;
Để thi hành đúng và thống nhất Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (sau đây viết tắt là BLTTHS);
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

QUYẾT NGHỊ:

I. VỀ CHƯƠNG XVII “CHUẨN BỊ XÉT XỬ” CỦA BLTTHS

1. Về Điều 176 của BLTTHS

1.1. Nhận hồ sơ vụ án và thụ lý hồ sơ vụ án

Khi nhận hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến, người nhận hồ sơ phải đối chiếu bản kê tài liệu và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án xem đã đầy đủ hay chưa; kiểm tra bản cáo trạng đã được giao cho bị can theo đúng quy định tại đoạn 3 khoản 1 Điều 166 của BLTTHS hay chưa và xử lý như sau:

a. Nếu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án chưa đầy đủ so với bản kê tài liệu hoặc bản cáo trạng chưa được giao cho bị can, thì không nhận hồ sơ vụ án vì chưa đúng quy định của BLTTHS.

b. Nếu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ so với bản kê tài liệu và bản cáo trạng đã được giao cho bị can, thì nhận và vào ngay sổ thụ lý hồ sơ vụ án.

Sau khi hồ sơ vụ án đã được thụ lý, Chánh án Toà án phân công ngay Thẩm phán làm chủ toạ phiên toà.

1.2. Thời hạn chuẩn bị xét xử

Điều 176 của BLTTHS quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử; do đó, các thời hạn quy định trong Điều này đều được tính trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Tuỳ từng trường hợp cụ thể thời hạn chuẩn bị xét xử được tính như sau:

1.2.1. Trường hợp Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định đưa vụ án ra xét xử

a. Nếu không phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thì thời hạn chuẩn bị xét xử kể từ ngày Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà nhận hồ sơ vụ án tối đa là:

a.1. Bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

a.2. Hai tháng đối với tội phạm nghiêm trọng;

a.3. Hai tháng mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

a.4. Ba tháng mười lăm ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

b. Nếu phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thì thời hạn chuẩn bị xét xử kể từ ngày Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà nhận hồ sơ vụ án tối đa là:

b.1. Hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b.2. Hai tháng mười lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng;

b.3. Ba tháng mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

b.4. Bốn tháng mười lăm ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

c. Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a và b trên đây mà phiên toà không mở được trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử vì có lý do chính đáng, thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với từng trường hợp được cộng thêm tối đa là mười lăm ngày nữa.

1.2.2. Trường hợp Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án

Trong trường hợp Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử kết thúc vào ngày ra quyết định. Đối với trường hợp ra quyết định tạm đình chỉ vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được bắt đầu tính lại, kể từ ngày Toà án tiếp tục giải quyết vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn.

1.3. Về việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử

Khi thời hạn quy định tại đoạn 1 khoản 2 Điều 176 của BLTTHS gần hết (thời hạn chuẩn bị xét xử còn lại không quá năm ngày) mà Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà thấy rằng vụ án phức tạp nên chưa ra được một trong những quyết định quy định tại đoạn này, thì cần phải báo cáo ngay với Chánh án Toà án để ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thực hiện theo đúng quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 176 của BLTTHS và không quá thời hạn được hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.2.1 mục 1 Phần I của Nghị quyết này. Hết thời hạn được gia hạn, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải ra một trong những quyết định quy định tại đoạn 1 khoản 2 Điều 176 của BLTTHS. Được coi là vụ án phức tạp nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a. Vụ án có nhiều bị can, phạm tội có tổ chức hoặc phạm nhiều tội;

b. Vụ án liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc nhiều địa phương;

c. Vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu, tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc để tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn.

2. Về Điều 177 của BLTTHS

2.1. Áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam

a. Áp dụng biện pháp tạm giam là việc Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án theo đề nghị của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra lệnh tạm giam bị can, bị cáo trong trường hợp bị can, bị cáo chưa bị tạm giam hoặc đang bị tạm giam mà thời hạn tạm giam đã hết và căn cứ vào quy định tại Điều 88 của BLTTHS, xét thấy cần thiết tạm giam hoặc tiếp tục tạm giam bị can, bị cáo.

b. Thay đổi biện pháp tạm giam là việc Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án theo đề nghị của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp ngăn chặn khác trong trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam, nhưng xét thấy không cần thiết tiếp tục tạm giam bị can, bị cáo mà có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác (cấm đi khỏi nơi cư trú; bảo lĩnh; đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm).

c. Huỷ bỏ biện pháp tạm giam là việc Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án theo đề nghị của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo trong trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam, nhưng xét thấy không cần thiết tiếp tục tạm giam bị can, bị cáo và cũng không cần thiết áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

d. Sau khi quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam, nếu xét thấy cần thiết thì Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án vẫn có quyền huỷ bỏ hoặc áp dụng lại biện pháp tạm giam.

2.2. Thời hạn tạm giam

Theo quy định tại đoạn 2 Điều 177 của BLTTHS, thì thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của Bộ luật này. Do đó, sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà cần kiểm tra ngay các tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp ngăn chặn, để quyết định như sau:

a. Đối với bị can đang bị tạm giam mà khi thời hạn tạm giam gần hết (thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày) và xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam bị can thì đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra lệnh tạm giam. Thời hạn tạm giam trong trường hợp này được tính kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và không được quá bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và ba tháng mười lăm ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

b. Đối với bị can đang bị tạm giam mà thời hạn tạm giam đang còn, thì khi thời hạn tạm giam gần hết (thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày) cần phải xem xét có cần thiết tiếp tục tạm giam nữa hay không. Nếu xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam bị can (hoặc bị cáo, nếu đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử) thì đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra lệnh tạm giam. Thời hạn tạm giam trong trường hợp này được tính kể từ ngày tiếp theo ngày tạm giam cuối cùng của lệnh tạm giam trước đó và không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của BLTTHS và được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.2.1 mục 1 Phần I của Nghị quyết này trừ đi thời hạn bị can (hoặc bị cáo) bị tạm giam, kể từ ngày Toà án nhận hồ sơ vụ án.

Ví dụ: Ngày 01-02-2004, Toà án nhận được hồ sơ vụ án đối với bị can A. Bị can A bị Viện kiểm sát truy tố về tội phạm nghiêm trọng và đang bị tạm giam theo lệnh tạm giam của Viện kiểm sát đến hết ngày 15-02-2004. Khi thời hạn tạm giam theo lệnh tạm giam trước đó gần hết và xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam bị can (hoặc bị cáo, nếu đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử) thì đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra lệnh tạm giam kể từ ngày 16-02-2004 và thời hạn tạm giam không được quá bốn mươi lăm ngày (hai tháng là thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm nghiêm trọng trừ đi mười lăm ngày bị can đã bị tạm giam theo lệnh tạm giam trước đó, kể từ ngày 01-02-2004 là ngày nhận hồ sơ vụ án).

c. Đối với bị can đang được tại ngoại, nếu sau khi nhận hồ sơ vụ án hoặc trong thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án xét thấy cần thiết áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ, thì đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra lệnh bắt và tạm giam ngay. Theo quy định tại đoạn 2 Điều 177 của BLTTHS thì thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của BLTTHS và được tính kể từ ngày bắt bị can để tạm giam; do đó, trong trường hợp này phải tính thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 176 của BLTTHS và hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.2.1 mục 1 Phần I của Nghị quyết này để xác định cụ thể ngày kết thúc thời hạn chuẩn bị xét xử và ghi thời hạn tạm giam trong “Lệnh bắt và tạm giam” như sau:

“Thời hạn tạm giam tính từ ngày bắt để tạm giam cho đến ngày... tháng... năm...” (ghi ngày, tháng, năm kết thúc thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm).

d. Trong trường hợp phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nếu khi gần hết thời hạn tạm giam (thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày) được hướng dẫn tại các điểm a, b và c tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I của Nghị quyết này và xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam, thì Chánh án Toà án có quyền ra lệnh tạm giam tiếp. Thời hạn tạm giam trong trường hợp này không quá thời hạn được gia hạn để chuẩn bị xét xử quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 176 của BLTTHS.

đ. Trường hợp trong vụ án có nhiều bị can bị truy tố về nhiều tội phạm khác nhau (tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng), thì thời hạn tạm giam đối với từng bị can không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm nặng nhất mà bị can đó bị truy tố. Nếu khi hết thời hạn tạm giam theo hướng dẫn tại các điểm a, b, c và d tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I của Nghị quyết này và xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì thực hiện việc tạm giam trong trường hợp để hoàn thành việc xét xử theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.3 mục 2 Phần I của Nghị quyết này.

e. Trường hợp Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5 và 6 Điều 107 của BLTTHS hoặc khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên toà nếu bị can đang bị tạm giam, thì đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam và trả tự do ngay cho bị can, nếu họ không bị giam, giữ về hành vi vi phạm pháp luật khác.

2.3. Tạm giam trong trường hợp để hoàn thành việc xét xử

Đối với bị cáo đang bị tạm giam, nếu đến ngày mở phiên toà hoặc trong quá trình xét xử thời hạn tạm giam đã hết, thì trước khi thời hạn tạm giam gần hết (thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày), Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra lệnh tạm giam. Thời hạn tạm giam được tính kể từ ngày tiếp theo ngày tạm giam cuối cùng của lệnh tạm giam trước đó và cho đến khi kết thúc phiên toà; cụ thể cần ghi: “Thời hạn tạm giam kể từ ngày... tháng... năm... cho đến khi kết thúc phiên toà sơ thẩm”.

3. Về Điều 178 của BLTTHS

3.1. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ và đầy đủ nội dung quy định tại Điều 178 của BLTTHS.

3.2. Để không phải hoãn phiên toà và bảo đảm đúng quy định của BLTTHS trong trường hợp Hội thẩm được phân công tham gia xét xử vụ án không tiếp tục tham gia xét xử được sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, thì đồng thời với việc phân công Hội thẩm chính thức cần phân công Hội thẩm dự khuyết và cùng ghi họ tên Hội thẩm dự khuyết vào quyết định đưa vụ án ra xét xử.

4. Về Điều 179 của BLTTHS

4.1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong những trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 179 của BLTTHS.

4.2. Trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung cần nêu rõ thuộc trường hợp cụ thể nào quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 179 của BLTTHS  và những vấn đề cụ thể cần điều tra bổ sung. Không được nêu kết quả điều tra bổ sung có ý nghĩa như thế nào đối với việc giải quyết vụ án.

4.3. Theo quy định tại khoản 2 Điều 121 của BLTTHS thì chỉ được ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Do đó, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án nếu phát hiện thấy vấn đề cần điều tra bổ sung, thì vẫn phải tiếp tục nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án để xem xét có vấn đề nào khác cần điều tra bổ sung hay không. Chỉ ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần thứ hai trong trường hợp những vấn đề yêu cầu điều tra bổ sung trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần thứ nhất chưa được điều tra bổ sung hoặc tuy đã điều tra bổ sung nhưng chưa đạt yêu cầu hoặc từ kết quả điều tra bổ sung xét thấy cần điều tra bổ sung vấn đề mới.

4.4. Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là trường hợp BLTTHS quy định bắt buộc phải tiến hành hoặc tiến hành theo thủ tục tố tụng đó, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bỏ qua hoặc thực hiện không đúng xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan toàn diện.

Ví dụ: Trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 57 của BLTTHS mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án không yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (trừ trường hợp bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ đã mời người bào chữa hoặc đều từ chối người bào chữa).

II. VỀ CHƯƠNG XVIII “QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THỦ TỤC TỐ TỤNG TẠI PHIÊN TOÀ” CỦA BLTTHS

1. Về Điều 188 của BLTTHS

1.1. Để bảo đảm việc giám sát bị cáo tại phiên toà theo đúng quy định tại Điều 188 của BLTTHS, thì khi giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo, chủ toạ phiên toà cần công bố quy định tại Điều 188 của BLTTHS cho họ biết.

1.2. Tại phiên toà, bị cáo đang bị tạm giam được tiếp xúc với người bào chữa nhưng phải thực hiện đúng nội quy phiên toà và tuân theo sự điều khiển của chủ toạ phiên toà; trong trường hợp muốn được tiếp xúc với người khác cần nêu rõ xin được tiếp xúc với ai và lý do. Chủ toạ phiên toà chỉ cho phép tiếp xúc khi xét thấy có lý do chính đáng.

1.3. Trước khi Hội đồng xét xử tạm nghỉ hoặc vào phòng nghị án thảo luận thông qua các quyết định, bản án, chủ toạ phiên toà phải thực hiện như sau:

a. Đối với bị cáo đang bị tạm giam, thì phải tuyên bố: “Giao bị cáo đang bị tạm giam cho những người có nhiệm vụ dẫn giải giám sát trong thời gian Hội đồng xét xử tạm nghỉ (hoặc trong thời gian Hội đồng xét xử vào phòng nghị án thảo luận)”.

b. Đối với bị cáo không bị tạm giam thì phải tuyên bố: “Bị cáo không bị tạm giam phải có mặt khi Hội đồng xét xử trở lại phòng xử án. Nếu vắng mặt không có lý do chính đáng và không được phép của chủ toạ phiên toà thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án theo thủ tục chung hoặc tuyên án vắng mặt bị cáo”.

2. Về Điều 196 của BLTTHS

2.1. Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật, có nghĩa là với những hành vi mà Viện kiểm sát truy tố, Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản nặng hơn hoặc theo khoản nhẹ hơn so với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật.

Ví dụ: Viện kiểm sát truy tố bị cáo A về năm hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 139 của Bộ luật hình sự. Theo quy định tại đoạn 2 Điều 196 của BLTTHS thì Toà án có thể xét xử bị cáo A về năm hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản này theo khoản 1 hoặc theo khoản 3 hoặc cũng có thể theo khoản 4 Điều 139 của Bộ luật hình sự.

2.2. Toà án có thể xét xử bị cáo về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, có nghĩa là với những hành vi mà Viện kiểm sát truy tố, Toà án có thể xét xử bị cáo về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

a. Tội phạm khác bằng tội phạm mà Viện kiểm sát đã truy tố là trường hợp điều luật quy định về trách nhiệm hình sự (hình phạt chính, hình phạt bổ sung) đối với hai tội phạm như nhau.

Ví dụ: Bị cáo B bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Vận chuyển trái phép chất ma tuý”, thì Toà án có thể xét xử bị cáo B về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”.

b. Tội phạm khác nhẹ hơn tội phạm mà Viện kiểm sát đã truy tố là trường hợp điều luật quy định về trách nhiệm hình sự (hình phạt chính, hình phạt bổ sung) đối với tội phạm khác nhẹ hơn so với tội phạm mà Viện kiểm sát đã truy tố. Để xác định tội nào nhẹ hơn, tội nào nặng hơn thì cần thực hiện theo thứ tự như sau:

b.1. Trước hết xem xét hình phạt chính đối với hai tội phạm, nếu tội nào điều luật có quy định loại hình phạt nặng nhất nặng hơn thì tội đó nặng hơn.

Ví dụ: Đối với tội cố ý gây thương tích (Điều 104 của Bộ luật hình sự), điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất là tù chung thân, còn đối với tội giết người (Điều 93 của Bộ luật hình sự), điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất là tử hình; do đó, tội giết người nặng hơn tội cố ý gây thương tích.

b.2. Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội là tù có thời hạn (không quy định hình phạt tử hình, hình phạt tù chung thân) thì tội nào, điều luật quy định mức hình phạt tù cao nhất đối với tội ấy cao hơn là tội đó nặng hơn.

Ví dụ: Đối với tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 97 của Bộ luật hình sự), điều luật quy định mức hình phạt tù cao nhất là mười lăm năm, còn đối với tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 99 của Bộ luật hình sự), điều luật quy định mức hình phạt tù cao nhất là mười hai năm; do đó, tội làm chết người trong khi thi hành công vụ nặng hơn tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.

b.3. Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội đều tử hình hoặc đều tù chung thân hoặc đều tù có thời hạn và mức hình phạt tù cao nhất đối với cả hai tội như nhau, thì tội nào điều luật quy định mức hình phạt tù khởi điểm cao hơn là tội đó nặng hơn.

Ví dụ: Đối với tội hiếp dâm (Điều 111 của Bộ luật hình sự) và đối với tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112 của Bộ luật hình sự), điều luật đều quy định hình phạt tử hình, hình phạt tù chung thân và hình phạt tù có thời hạn có mức cao nhất là hai mươi năm, nhưng mức hình phạt tù khởi điểm đối với tội hiếp dâm là hai năm, còn đối với tội hiếp dâm trẻ em là bảy năm; do đó, tội hiếp dâm trẻ em nặng hơn tội hiếp dâm.

b.4. Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội đều là tù có thời hạn và mức hình phạt tù khởi điểm, mức hình phạt tù cao nhất như nhau, thì tội nào điều luật còn quy định loại hình phạt chính khác nhẹ hơn (cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cảnh cáo) thì tội đó nhẹ hơn. Nếu điều luật cùng quy định các loại hình phạt như nhau, nhưng có mức cao nhất, mức khởi điểm khác nhau thì việc xác định tội nặng hơn, tội nhẹ hơn được thực hiện tương tự như hướng dẫn tại các điểm b.2 và b.3 tiểu mục 2.2 mục 2 Phần II của Nghị quyết này.

b.5. Trong trường hợp điều luật quy định các loại hình phạt chính đối với cả hai tội như nhau, thì tội nào điều luật còn quy định hình phạt bổ sung là tội đó nặng hơn. Nếu điều luật cùng quy định hình phạt bổ sung như nhau, nhưng đối với tội này thì hình phạt bổ sung là bắt buộc, còn đối với tội khác hình phạt bổ sung có thể áp dụng, thì tội nào điều luật quy định hình phạt bổ sung bắt buộc là tội đó nặng hơn.

2.3. Khi Viện kiểm sát truy tố bị cáo về nhiều tội với nhiều hành vi phạm tội, thì giới hạn của việc xét xử đối với từng tội được thực hiện theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần II của Nghị quyết này. Toà án cũng có thể xét xử bị cáo về tội nhẹ nhất trong các tội mà Viện kiểm sát truy tố hoặc về tội nhẹ hơn tất cả các tội mà Viện kiểm sát truy tố đối với tất cả các hành vi phạm tội đó.

Ví dụ: Viện kiểm sát truy tố bị cáo M về năm hành vi phạm tội, trong đó hai hành vi phạm tội bị truy tố về tội cướp tài sản, còn ba hành vi phạm tội bị truy tố về tội cướp giật tài sản, thì Toà án có thể xét xử bị cáo M về tội cướp giật tài sản đối với cả năm hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát truy tố (tội cướp giật tài sản nhẹ hơn tội cướp tài sản). Toà án cũng có thể xét xử bị cáo M về tội cưỡng đoạt tài sản đối với cả năm hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát truy tố (tội cưỡng đoạt tài sản nhẹ hơn tội cướp giật tài sản và tội cướp tài sản).

2.4. Khi thực hiện các trường hợp được hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.3 mục 2 Phần II của Nghị quyết này cần thi hành đúng các quy định của BLTTHS về thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp, về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm và về việc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo.

3. Về Điều 199 của BLTTHS

Việc ra bản án và các quyết định của Toà án cần phải thi hành đúng các quy định tại Điều 199 của BLTTHS; cụ thể là bản án, quyết định về việc thay đổi thành viên của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Toà án, người giám định, người phiên dịch, chuyển vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, việc bắt giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án và phải được lập thành văn bản. Đối với các trường hợp khác Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng xử án, không phải lập thành văn bản, nhưng phải được ghi vào biên bản phiên toà.

4. Về Điều 200 của BLTTHS

4.1. Biên bản phiên toà phải ghi đầy đủ nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 200 của BLTTHS. Cùng với việc ghi biên bản phiên toà, Toà án có thể tổ chức việc ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên toà. Theo quy định tại khoản 1 Điều 200 của BLTTHS, thì biên bản phiên toà phải ghi mọi diễn biến ở phiên toà từ khi bắt đầu cho đến khi tuyên án.

4.2. Sau khi kết thúc phiên toà, chủ toạ phiên toà phải kiểm tra lại biên bản và cùng với Thư ký Toà án ký vào biên bản đó. Khi có một trong những người quy định tại khoản 4 Điều 200 của BLTTHS có yêu cầu được xem biên bản phiên toà, thì chủ toạ phiên toà phải cho phép họ xem biên bản phiên toà. Nếu họ có yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên toà, thì Thư ký Toà án phải ghi những sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của họ. Không được tẩy xoá, sửa chữa trực tiếp vào những vấn đề đã ghi mà ghi những sửa đổi, bổ sung tiếp vào biên bản phiên toà. Người nào được quy định tại khoản 4 Điều 200 của BLTTHS có yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên toà thì ghi tư cách tiến hành tố tụng hoặc tham gia tố tụng và họ tên của người đó. Tiếp theo ghi những vấn đề được ghi trong biên bản phiên toà có yêu cầu sửa đổi, bổ sung và những sửa đổi, bổ sung cụ thể. Nếu có nhiều người yêu cầu thì ghi thứ tự từng người một. Sau đó người có yêu cầu phải ký xác nhận.

Ví dụ 1: (trường hợp có một người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung)

Những sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của bị cáo Nguyễn Văn A:

1. Về vấn đề được ghi tại dòng (các dòng) từ trên xuống (hoặc từ dưới lên) trang... của biên bản phiên toà yêu cầu ghi sửa đổi, bổ sung như sau:

...

2. ...

 Ví dụ 2: (trường hợp có từ hai người trở lên có yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung)

Những sửa đổi, bổ sung:

1. Theo yêu cầu của Kiểm sát viên Trần B:

a. ...

b. ...

2. Theo yêu cầu của người bị hại Lê Thị M:

a. ...

b. ...

III. VỀ CHƯƠNG XIX “THỦ TỤC BẮT ĐẦU PHIÊN TOÀ” CỦA BLTTHS

1. Về Điều 201 của BLTTHS

1.1. Việc kiểm tra căn cước của những người được triệu tập và có mặt tại phiên toà được thực hiện như sau:

a. Đối với bị cáo phải hỏi họ để họ khai về: họ tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; nơi cư trú (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; nơi tạm trú); nghề nghiệp; trình độ văn hoá; hoàn cảnh gia đình (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con); tiền án, tiền sự; ngày bị tạm giữ, tạm giam.

b. Đối với người đại diện hợp pháp của bị cáo phải hỏi họ để họ khai về: họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi sinh; nơi cư trú; quan hệ thế nào với bị cáo.

c. Đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ phải hỏi họ để họ khai về: họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi cư trú. Trong trường hợp người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cơ quan, tổ chức thì khai về: tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức; họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi cư trú của người đại diện hợp pháp cho cơ quan, tổ chức.

1.2. Trong trường hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như lời khai của người được triệu tập (đặc biệt là bị cáo) về căn cước của họ có sự khác nhau thì cần phải xác định chính xác về căn cước của họ. Đối với bị cáo thì ngoài việc ghi họ tên chính thức, còn phải ghi đầy đủ họ tên mà họ đã khai trong quá trình điều tra.

Ví dụ: Họ tên bị cáo: Nguyễn Văn A (còn có các tên gọi khác: Nguyễn Trần A, Nguyễn Văn á...).

Nếu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án chưa có đủ căn cứ để xác định chính xác về căn cước của bị cáo thì ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

1.3. Việc giải thích quyền và nghĩa vụ của người được triệu tập đến phiên toà, chủ toạ phiên toà phải giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ của họ quy định tại điều luật tương ứng của BLTTHS.

Ví dụ: Đối với bị cáo phải giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ của họ quy định tại Điều 50 của BLTTHS, đồng thời cần công bố thêm quy định tại Điều 188 của BLTTHS cho họ biết.

Đối với người bị hại phải giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 51 của BLTTHS.

Trong trường hợp những người được triệu tập đến phiên toà có những quyền và nghĩa vụ giống nhau thì giải thích chung cho họ. Đối với người nào còn có quyền và nghĩa vụ khác thì giải thích thêm cho họ biết.

1.4. Đối với người phiên dịch, người giám định, chủ toạ phiên toà yêu cầu họ phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ; đối với người làm chứng là người thành niên yêu cầu họ phải cam đoan không khai gian dối.

1.5. Đối với bị cáo, chủ toạ phiên toà phải hỏi đã được giao nhận bản cáo trạng và quyết định đưa vụ án ra xét xử hay chưa. Nếu đã được giao nhận thì ngày được giao nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử là ngày nào.

Trong trường hợp bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng và quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc đã nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử từ chín ngày trở xuống trước khi mở phiên toà, thì phải hỏi bị cáo có đồng ý để Toà án tiến hành xét xử vụ án hay không. Nếu bị cáo đồng ý thì ghi vào biên bản phiên toà và tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung. Nếu bị cáo không đồng ý thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên toà.

Ngay sau khi hoãn phiên toà, nếu bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng, thì Toà án yêu cầu Viện kiểm sát tiến hành việc giao bản cáo trạng cho bị cáo; nếu bị cáo chưa được giao nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Toà án tiến hành việc giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo.

IV. VỀ CHƯƠNG XXII “NGHỊ ÁN VÀ TUYÊN ÁN” CỦA BLTTHS

1. Về Điều 222 của BLTTHS

1.1. Chỉ Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị án. Các thành viên Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một; cụ thể là các vấn đề chính sau: căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên toà, qua việc xét hỏi và tranh luận tại phiên toà đã đủ căn cứ kết tội bị cáo hay chưa? Nếu đã đủ căn cứ kết tội thì bị cáo phạm tội gì, theo điểm, khoản, điều luật nào của Bộ luật hình sự? Hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các biện pháp tư pháp đối với bị cáo. án phí hình sự, án phí dân sự sơ thẩm. Kiến nghị sửa chữa những khuyết điểm trong công tác quản lý.

1.2. Trong trường hợp Hội đồng xét xử sơ thẩm chỉ có một Thẩm phán và hai Hội thẩm, thì khi phát biểu (hoặc khi biểu quyết) các Hội thẩm phát biểu (hoặc biểu quyết) trước, Thẩm phán chủ toạ phiên toà phát biểu (hoặc biểu quyết) sau. Trong trường hợp Hội đồng xét xử sơ thẩm có hai Thẩm phán và ba Hội thẩm, thì các Hội thẩm phát biểu (hoặc biểu quyết) trước, đến Thẩm phán không phải là chủ toạ phiên toà và sau cùng là Thẩm phán chủ toạ phiên toà phát biểu (hoặc biểu quyết).

1.3. Thành viên của Hội đồng xét xử có ý kiến thiểu số thì có quyền (không phải là nghĩa vụ) trình bày ý kiến của mình bằng văn bản riêng và được đưa vào hồ sơ vụ án.

1.4. Trong biên bản nghị án phải ghi lại đầy đủ các ý kiến đã thảo luận về từng vấn đề một và quyết định theo đa số của Hội đồng xét xử về từng vấn đề đó. Các thành viên Hội đồng xét xử phải ký vào biên bản nghị án tại phòng nghị án trước khi tuyên án.

2. Về Điều 224 của BLTTHS

2.1. Toà án ra bản án nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bản án phải có ba phần như sau:

a. Phần mở đầu. Trong phần này phải ghi đầy đủ các vấn đề theo quy định tại khoản 2 Điều 224 của BLTTHS.

b. Phần nội dung. Trong phần này có hai phần nhỏ như sau:

- Phần thứ nhất là phần “nhận thấy”, trong đó phải trình bày các hành vi phạm tội của bị cáo mà Viện kiểm sát truy tố; số của cáo trạng; ngày, tháng, năm ra cáo trạng; tên Viện kiểm sát truy tố bị cáo; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự và mức hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo. Cuối cùng của phần này ghi: “Sau khi xem xét, kiểm tra những tài liệu, chứng cứ tại phiên toà, qua việc xét hỏi và tranh luận tại phiên toà” và chuyển sang phần thứ hai.

- Phần thứ hai là phần “xét thấy”, trong đó phân tích những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định không có tội đối với các hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố đối với bị cáo; nếu xác định bị cáo phạm tội thì phạm tội gì, theo điểm, khoản, điều luật nào của Bộ luật hình sự; tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo và hướng xử lý. Nếu bị cáo không phạm tội thì phải ghi rõ những căn cứ xác định bị cáo không phạm tội và giải quyết việc khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

c. Phần quyết định. Trong phần này ghi những quyết định của Toà án. Nếu bị cáo phạm tội thì ghi tuyên bố bị cáo phạm tội gì; áp dụng điểm, khoản, điều luật của Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo và hình phạt cụ thể; các biện pháp tư pháp; án phí hình sự và án phí dân sự sơ thẩm. Cuối cùng là ghi quyền kháng cáo đối với bản án.

2.2. Cùng với biên bản nghị án, bản án gốc phải được các thành viên Hội đồng xét xử thông qua và ký tại phòng nghị án và được lưu vào hồ sơ vụ án. Trên cơ sở bản án gốc, Thẩm phán chủ toạ phiên toà thay mặt Hội đồng xét xử ký các bản án chính và Toà án thực hiện việc giao bản án theo quy định tại Điều 229 của BLTTHS.

3. Về Điều 226 của BLTTHS

3.1. Theo quy định tại Điều 226 của BLTTHS thì khi tuyên án mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy; do đó, trước khi tuyên án, Thư ký Toà án phải yêu cầu mọi người đứng dậy, trừ những người vì lý do sức khoẻ được chủ toạ phiên toà cho phép ngồi tại chỗ. Chủ toạ phiên toà hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án; nếu bản án dài thì có thể thay nhau đọc bản án.

3.2. Trong trường hợp bản án quá dài, thì chủ toạ phiên toà có thể chỉ yêu cầu mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi đọc phần mở đầu và phần quyết định của bản án.

3.3. Sau khi đọc xong bản án, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, chủ toạ phiên toà hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.

Ví dụ: - Toà án xử phạt tù bị cáo, nhưng cho hưởng án treo, thì có thể giải thích thêm cho người được hưởng án treo biết về quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 60 của Bộ luật hình sự.

- Toà án xử phạt bị cáo cải tạo không giam giữ, thì có thể giải thích thêm cho họ biết quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

3.4. Đối với bị cáo không biết tiếng Việt, thì ngay sau khi tuyên án người phiên dịch phải đọc lại cho bị cáo nghe toàn bộ bản án sang thứ tiếng mà bị cáo biết. Bản án quy định tại đoạn 2 Điều 226 của BLTTHS cần được hiểu là phần bản án có liên quan đến bị cáo không biết tiếng Việt, có nghĩa là người phiên dịch chỉ phải đọc lại cho bị cáo nghe toàn bộ phần bản án có liên quan đến bị cáo không biết tiếng Việt.

4. Về Điều 228 của BLTTHS

4.1. Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà bị phạt tù và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 227 của BLTTHS, nhưng đến ngày kết thúc phiên toà thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án.

Ngoài trường hợp đến ngày kết thúc phiên toà thời hạn tạm giam thực sự đã hết (ví dụ: trường hợp Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên toà để hoàn thành việc xét xử), thì cũng được coi là thời hạn tạm giam đã hết, nếu thời hạn tạm giam tuy đang còn, nhưng không đủ để thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo (kháng cáo, kháng nghị, ra quyết định thi hành án phạt tù theo quy định tại khoản 1 Điều 234 và khoản 1 Điều 256 của BLTTHS).

Để bảo đảm cho việc tạm giam bị cáo đúng pháp luật (có quyết định tạm giam) thì cần phân biệt như sau:

a. Nếu thời hạn hình phạt tù còn lại từ 45 (bốn mươi lăm) ngày trở lên, thì ghi thời hạn tạm giam là 45 (bốn mươi lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án;

b. Nếu thời hạn hình phạt tù còn lại dưới 45 (bốn mươi lăm) ngày, thì ghi thời hạn tạm giam bằng thời hạn hình phạt tù còn lại, kể từ ngày tuyên án và cần ghi thêm: “hết thời hạn tạm giam này, Trại tạm giam có trách nhiệm trả tự do ngay cho bị cáo, nếu họ không bị giam, giữ về hành vi vi phạm pháp luật khác”.

4.2. Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt tử hình, thì trong bản án cần phải ghi: “tiếp tục giam bị cáo để bảo đảm thi hành án” mà không phải ra quyết định tạm giam.

5. Về Điều 229 của BLTTHS

5.1. Việc giao bản án, gửi bản án và thông báo bằng văn bản về kết quả xét xử phải được thực hiện theo đúng quy định tại đoạn 1 Điều 229 của BLTTHS.

5.2. Đối với bị cáo bị xử vắng mặt, nếu không giao trực tiếp bản án, quyết định cho họ được thì cùng với việc gửi bản án cho họ, Toà án phải niêm yết bản án tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo. Việc niêm yết phải được lập thành biên bản có chứng nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc cuối cùng của bị cáo và được lưu vào hồ sơ vụ án.

V. CÁC MẪU VĂN BẢN TỐ TỤNG

Ban hành kèm theo Nghị quyết này các mẫu văn bản tố tụng sau đây:

1. Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (mẫu số 04a: dùng cho Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà);

2. Quyết định tạm đình chỉ vụ án (mẫu số 04b: dùng cho Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà);

3. Quyết định đình chỉ vụ án (mẫu số 04c: dùng cho Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà);

4. Quyết định đưa vụ án ra xét xử (mẫu số 04d: dùng cho Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà);

5. Quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử (mẫu số 04đ: dùng cho Chánh án Toà án xét xử sơ thẩm);

6. Quyết định yêu cầu điều tra bổ sung (mẫu số 05a: dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm);

7. Quyết định tạm đình chỉ vụ án (mẫu số 05b: dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm);

8. Quyết định đình chỉ vụ án (mẫu số 05c: dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm);

9. Biên bản nghị án (mẫu số 05d: dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm);

10. Quyết định trả tự do cho bị cáo (mẫu số 05đ: dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm);

11. Mẫu biên bản phiên toà hình sự sơ thẩm;

12. Mẫu bản án hình sự sơ thẩm.

VI. HIỆU LỰC THI HÀNH CỦA NGHỊ QUYẾT

Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 05 tháng 11 năm 2004 và có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Nguyễn Văn Hiện

(Đã ký)

MẪU SỐ 04A:

 DÙNG CHO THẨM PHÁN ĐƯỢC PHÂN CÔNG CHỦ TOẠ PHIÊN TOÀ
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)

Toà án.......................... (1)

Số:...../...../HSST-QĐ (2)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

........, ngày..... tháng...... năm....

QUYẾT ĐỊNH

TRẢ HỒ SƠ ĐỂ ĐIỀU TRA BỔ SUNG

TOÀ ÁN....................................

Căn cứ vào các điều 39, 176 và 179 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số....../....../HSST ngày...... tháng...... năm......;

Xét thấy (3)       

QUYẾT ĐỊNH:

Trả hồ sơ vụ án hình sự đối với bị can: (4).......................................................   

Bị truy tố về tội (các tội).................................................................................  

Cho Viện kiểm sát..........................................................................................  

Để điều tra bổ sung những vấn đề sau đây: (5)................................................

                       

Nơi nhận:

- VKS (kèm hồ sơ vụ án);

- Hồ sơ vụ án;

- Lưu Toà án.

TOÀ ÁN...................................

Thẩm phán

______________________________________________________________

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 04a:        

(1) Ghi tên Toà án xét xử sơ thẩm; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện cần ghi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Toà án nhân dân quận 1, thành phố H); nếu là Toà án quân sự khu vực cần ghi thêm quân khu (Toà án quân sự khu vực 1, quân khu 4).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (ví dụ: Số: 147/2004/HSST-QĐ).

(3) Khi thuộc trường hợp nào quy định tại khoản 1 Điều 179 của BLTTHS thì ghi theo trường hợp đó (ví dụ: Xét thấy cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên toà được).

(4) Ghi họ tên, ngày... tháng... năm... sinh, nơi sinh, nơi cư trú (nơi thường trú và nơi tạm trú), nghề nghiệp của bị can đầu vụ; nếu có nhiều bị can thì ghi thêm “và đồng bọn”.

(5) Ghi đầy đủ, cụ thể những vấn đề cần điều tra bổ sung.


Mẫu số 04b: Dùng cho Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004
của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)

__________________________________________________________

Toà án.......................... (1)

Số:...../...../HSST-QĐ (2)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

........, ngày..... tháng...... năm....

QUYẾT ĐỊNH

TẠM ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN

TOÀ ÁN.................................

Căn cứ vào các điều 39, 160, 176 và 180 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số....../....../HSST ngày...... tháng...... năm......;

Xét thấy: (3)      

QUYẾT ĐỊNH:

1. Tạm đình chỉ vụ án đối với bị can: (Ghi họ tên, ngày... tháng... năm... sinh, nơi sinh, nơi cư trú (nơi thường trú và nơi tạm trú), nghề nghiệp)

Bị Viện kiểm sát           

Truy tố về tội (các tội)   

Theo điểm (các điểm)..... khoản (các khoản)..... Điều (các điều)..... của Bộ luật hình sự.

2. Vụ án sẽ được tiếp tục giải quyết khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn.

           

Nơi nhận:

- VKS...............;

- Bị can.............;

- Người bị hại (nếu có).....;

- Lưu hồ sơ vụ án.

TOÀ ÁN...................................

Thẩm phán

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 04b:        

(1) Ghi tên Toà án xét xử sơ thẩm; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện cần ghi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Toà án nhân dân quận 1, thành phố H); nếu là Toà án quân sự khu vực cần ghi thêm quân khu (Toà án quân sự khu vực 1, quân khu 4).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định tạm đình chỉ vụ án (ví dụ: Số: 148/2004/HSST-QĐ).

(3) Khi thuộc trường hợp nào quy định tại khoản 1 Điều 160 của Bộ luật tố tụng hình sự thì ghi theo trường hợp đó (ví dụ: Xét thấy bị can bị bệnh tâm thần).


Mẫu số 04c: Dùng cho Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004
của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)

__________________________________________________________

Toà án........................... (1)

Số:...../...../HSST-QĐ (2)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

  .........., ngày.... tháng..... năm......

QUYẾT ĐỊNH

ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN

TOÀ ÁN...................................

Căn cứ vào các điều 39, 176 và 180 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số....../....../HSST ngày...... tháng...... năm......;

Xét thấy: (3)      

QUYẾT ĐỊNH:

1. Đình chỉ vụ án đối với bị can (bị cáo): (Ghi họ tên, ngày... tháng... năm... sinh, nơi sinh, nơi cư trú (nơi thường trú và nơi tạm trú), nghề nghiệp)

Bị Viện kiểm sát............................................................................................   

Truy tố về tội (các tội)...................................................................................    

Theo điểm (các điểm)..... khoản (các khoản)..... Điều (các điều)..... của Bộ luật hình sự.

2................................................................................................................ (4)

           

Nơi nhận:

- VKS........................................;

- Bị can (bị cáo)...........;

- Người bào chữa              nếu có

  cho bị can (bị cáo).....;

- Người đại diện hợp pháp             

   của bị can (bị cáo).........;

- Người bị hại...................;

- Lưu hồ sơ vụ án.

Toà án...................................

Thẩm phán

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 04c:        

(1) Ghi tên Toà án xét xử sơ thẩm; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện cần ghi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Toà án nhân dân quận 1, thành phố H); nếu là Toà án quân sự khu vực cần ghi thêm quân khu (Toà án quân sự khu vực 1, quân khu 4).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định đình chỉ vụ án (ví dụ: Số: 149/2004/HSST-QĐ).

(3) Khi thuộc trường hợp nào quy định tại khoản 2 Điều 105, các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự thì ghi theo trường hợp đó (ví dụ: Xét thấy người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự).

(4) Ghi hậu quả của việc đình chỉ vụ án (việc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, trả lại đồ vật, tài liệu đã tạm giữ (nếu có) và những vấn đề khác có liên quan).


Mẫu số 04d: Dùng cho Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)

__________________________________________________________

Toà án........................... (1)

Số:...../...../HSST-QĐ (2)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

  .........., ngày.... tháng..... năm......

QUYẾT ĐỊNH
ĐƯA VỤ ÁN RA XÉT XỬ

TOÀ ÁN....................................

Căn cứ vào các Điều 39, 176 và 178 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số....../....../HSST ngày...... tháng...... năm......;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo (các bị cáo): (3)............    

Bị Viện kiểm sát (4)........................................................................................... 

Truy tố về tội (các tội).....................................................................................  

Theo điểm (các điểm)..... khoản (các khoản)..... Điều (các điều)..... của Bộ luật hình sự.

Thời gian mở phiên toà:..... giờ..... ngày..... tháng..... năm.....

Địa điểm mở phiên toà: .................................................................................

Vụ án được (xét xử công khai hay xét xử kín).

2. Những người tiến hành tố tụng:

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà:  .......................................................................

Thẩm phán (nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có 5 người):..........................    

Thẩm phán dự khuyết (nếu có):  .......................................................................

Các Hội thẩm: (5)...............................................................................................

Hội thẩm... dự khuyết (nếu có):  .......................................................................

Thư ký Toà án:.................................................................................................

Kiểm sát viên tham gia phiên toà:....................................................................  

Kiểm sát viên dự khuyết:................................................................................. 

3. Những người tham gia tố tụng: (6)

.........................................................................................................................          

.........................................................................................................................

.........................................................................................................................

.........................................................................................................................

.........................................................................................................................

.........................................................................................................................

.........................................................................................................................          

4. Vật chứng cần đưa ra xem xét tại phiên toà:

.........................................................................................................................          

.........................................................................................................................

.........................................................................................................................

.........................................................................................................................

.........................................................................................................................

.........................................................................................................................

Nơi nhận:

- VKS...................;

- Bị cáo.................;

- Người đại diện hợp pháp của bị cáo,

  người bào chữa (nếu có);

- Hồ sơ vụ án.

TOÀ ÁN...................................

Thẩm phán

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 04d:        

(1) Ghi tên Toà án xét xử sơ thẩm; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện cần ghi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Toà án nhân dân quận 1, thành phố H); nếu là Toà án quân sự khu vực cần ghi thêm quân khu (Toà án quân sự khu vực 1, quân khu 4).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử (ví dụ: Số: 150/2004/HSST-QĐ).

(3) Ghi từng bị cáo và ghi họ tên, ngày... tháng... năm... sinh, nơi sinh, nơi cư trú (nơi thường trú và nơi tạm trú), nghề nghiệp của bị cáo;

(4) Ghi tên Viện kiểm sát tương tự như ghi tên Toà án được hướng dẫn tại điểm (1).

(5) Nếu là Toà án nhân dân thì ghi Các Hội thẩm nhân dân; nếu là Toà án quân sự thì ghi Các Hội thẩm quân nhân; cần ghi họ tên và nghề nghiệp của Hội thẩm.

(6) Ghi họ tên người bào chữa (nếu có); họ tên người phiên dịch (nếu có); họ tên những người được triệu tập để xét hỏi tại phiên toà.


Mẫu số 04đ: Dùng cho Chánh án Toà án xét xử sơ thẩm
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)

__________________________________________________________

Toà án........................... (1)

Số:...../...../HSST-QĐ (2)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

  .........., ngày.... tháng..... năm......

QUYẾT ĐỊNH
GIA HẠN THỜI HẠN CHUẨN BỊ XÉT XỬ

TOÀ ÁN....................................

Căn cứ vào Điều 38 và Điều 176 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Căn cứ vào hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số....../....../HSST ngày...... tháng...... năm...... đối với bị can: (3) 

Bị Viện kiểm sát           

Truy tố về tội (các tội)   

Theo điểm (các điểm)..... khoản (các khoản)..... Điều (các điều)..... của Bộ luật hình sự;

Xét thấy vụ án có tính chất phức tạp và cần gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử;

Theo đề nghị của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà;

QUYẾT ĐỊNH:

Gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án..... ngày (4), kể từ ngày..... tháng..... năm..... (5)

           

Nơi nhận:

- VKS.............................;

- Bị can (các bị can).......;

- Lưu hồ sơ vụ án.

TOÀ ÁN...................................

................ (6)

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 04đ:         

(1) Ghi tên Toà án xét xử sơ thẩm; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện cần ghi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Toà án nhân dân quận 1, thành phố H); nếu là Toà án quân sự khu vực cần ghi thêm quân khu (Toà án quân sự khu vực 1, quân khu 4).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử (ví dụ: Số: 151/2004/HSST-QĐ).

(3) Ghi họ tên, ngày... tháng... năm... sinh, nơi sinh, nơi cư trú (nơi thường trú và nơi tạm trú), nghề nghiệp của bị can đầu vụ; nếu có nhiều bị can thì ghi thêm “và đồng bọn”.

(4) Ghi cả số và cả bằng chữ; đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng thì tối đa là 15 ngày; đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì tối đa là 30 ngày.

(5) Ghi ngày hết thời hạn chuẩn bị xét xử chưa gia hạn.

(6) Nếu Chánh án ký tên thì ghi Chánh án; nếu Phó Chánh án ký thay thì ghi KT. Chánh án.


Mẫu số 05a: Dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004
của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)

__________________________________________________________

Toà án........................... (1)

Số:...../...../HSST-QĐ (2)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

  .........., ngày.... tháng..... năm......

QUYẾT ĐỊNH
YÊU CẦU ĐIỀU TRA BỔ SUNG

TOÀ ÁN...................................

Với Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà:  .....................................................................

Thẩm phán (nếu Hội đồng xét xử gồm có 5 người):......................................     

Các Hội thẩm: (3)............................................................................................   

Căn cứ vào Điều 179 và Điều 199 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên toà (4);

Xét thấy(5)........................................................................................................

QUYẾT ĐỊNH:

Trả hồ sơ vụ án hình sự đối với bị cáo: (6)........................................................  

Bị truy tố về tội (các tội).................................................................................. 

Cho Viện kiểm sát........................................................................................... 

Để điều tra bổ sung những vấn đề sau đây:(7)

.........................................................................................................................

........................................................................................................................

                       

Nơi nhận:

- VKS   (kèm hồ sơ vụ án);

- Hồ sơ vụ án;

- Lưu Toà án.

TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 05a:        

(1) Ghi tên Toà án xét xử sơ thẩm; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện cần ghi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Toà án nhân dân quận 1, thành phố H); nếu là Toà án quân sự khu vực cần ghi thêm quân khu (Toà án quân sự khu vực 1, quân khu 4).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định yêu cầu điều tra bổ sung (ví dụ: Số: 152/2004/HSST-QĐ).

(3) Nếu là Toà án nhân dân thì ghi Các Hội thẩm nhân dân; nếu là Toà án quân sự thì ghi Các Hội thẩm quân nhân.

(4) Nếu đang ở phần xét hỏi thì bỏ các chữ “tranh luận tại phiên toà”.

(5) Khi thuộc trường hợp nào quy định tại khoản 1 Điều 179 của Bộ luật tố tụng hình sự thì ghi theo trường hợp đó (Ví dụ: Xét thấy có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác).

(6) Ghi họ tên, ngày... tháng... năm... sinh, nơi sinh, nơi cư trú (nơi thường trú và nơi tạm trú), nghề nghiệp của bị cáo đầu vụ; nếu có nhiều bị cáo thì ghi thêm “và đồng bọn”.

(7) Ghi đầy đủ, cụ thể những vấn đề cần điều tra bổ sung.


Mẫu số 05b: Dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004
của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)

__________________________________________________________

Toà án........................... (1)

Số:...../...../HSST-QĐ (2)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

  .........., ngày.... tháng..... năm......

QUYẾT ĐỊNH
TẠM ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN

TOÀ ÁN...................................

Với Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà:  ....................................................................

Thẩm phán (nếu Hội đồng xét xử gồm có 5 người):.....................................      

Các Hội thẩm: (3)............................................................................................   

Căn cứ vào các điều 187, 199 và 222 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Xét thấy: (4)....................................................................................................  

QUYẾT ĐỊNH:

1. Tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo: (ghi họ tên, ngày... tháng... năm... sinh, nơi sinh, nơi cư trú (nơi thường trú và nơi tạm trú), nghề nghiệp)

Bố là: (chỉ ghi họ tên, tuổi, nơi cư trú, nghề nghiệp)

Mẹ là: (chỉ ghi họ tên, tuổi, nơi cư trú, nghề nghiệp)

Bị Viện kiểm sát.............................................................................................  

Truy tố về tội (các tội)....................................................................................   

Theo điểm (các điểm)..... khoản (các khoản)..... Điều (các điều)..... của Bộ luật hình sự.

2. Vụ án sẽ được tiếp tục giải quyết khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn (5)

           

Nơi nhận:

- VKS................................;

- Những người tham gia tố tụng;

- Lưu hồ sơ vụ án.

TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 05b:

(1) Ghi tên Toà án xét xử sơ thẩm; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện cần ghi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Toà án nhân dân quận 1, thành phố H); nếu là Toà án quân sự khu vực cần ghi thêm quân khu (Toà án quân sự khu vực 1, quân khu 4).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định tạm đình chỉ vụ án (ví dụ: Số: 153/2004/HSST-QĐ).

(3) Nếu là Toà án nhân dân thì ghi Các Hội thẩm nhân dân; nếu là Toà án quân sự thì ghi Các Hội thẩm quân nhân.

(4) Khi thuộc trường hợp nào quy định tại Điều 187 hay Điều 222 thì ghi theo trường hợp đó (ví dụ: Xét thấy bị cáo bị bệnh hiểm nghèo).

(5) Trong trường hợp bị cáo trốn tránh thì cần ghi thêm: “Yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo”.


Mẫu số 05c: Dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004
của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)

__________________________________________________________

Toà án........................... (1)

Số:...../...../HSST-QĐ (2)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

  .........., ngày.... tháng..... năm......

QUYẾT ĐỊNH
ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN

TOÀ ÁN...................................

Với Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà:........................................................................ 

Thẩm phán (nếu Hội đồng xét xử gồm có 5 người):.........................................  

Các Hội thẩm: (3)...............................................................................................

Căn cứ vào Điều 199 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Xét thấy: (4)........................................................................................................          

QUYẾT ĐỊNH:

            1. Đình chỉ vụ án đối với bị cáo: (Ghi họ tên, ngày... tháng... năm... sinh, nơi sinh, nơi cư trú (nơi thường trú và nơi tạm trú), nghề nghiệp)

Bị Viện kiểm sát.............................................................................................. 

Truy tố về tội (các tội).....................................................................................  

Theo điểm (các điểm)..... khoản (các khoản)..... Điều (các điều)..... của Bộ luật hình sự.

2.................................................................................................................(5)

           

Nơi nhận:

- VKS   ;

- Bị cáo;

- Người bị hại (nếu có);

- Lưu hồ sơ vụ án.

TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 05c:        

(1) Ghi tên Toà án xét xử sơ thẩm; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện cần ghi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Toà án nhân dân quận 1, thành phố H); nếu là Toà án quân sự khu vực cần ghi thêm quân khu (Toà án quân sự khu vực 1, quân khu 4).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định đình chỉ vụ án (ví dụ: Số: 154/2004/HSST-QĐ).

(3) Nếu là Toà án nhân dân thì ghi Các Hội thẩm nhân dân; nếu là Toà án quân sự thì ghi Các Hội thẩm quân nhân.

(4) Khi thuộc trường hợp nào quy định tại các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự thì ghi theo trường hợp đó (ví dụ: Xét thấy đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự).

(5) Ghi hậu quả của việc đình chỉ vụ án (việc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, trả lại đồ vật, tài liệu đã tạm giữ (nếu có) và những vấn đề khác có liên quan).


Mẫu số 05d: Dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004
của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
)

__________________________________________________________

Toà án........................... (1)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

  .........., ngày.... tháng..... năm......

BIÊN BẢN NGHỊ ÁN

TOÀ ÁN...................................

Với Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà:  ..................................................................

Thẩm phán (nếu Hội đồng xét xử gồm có 5 người):...................................        

Các Hội thẩm: (2).........................................................................................      

Căn cứ vào Điều 199 và Điều 222 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Vào hồi..... giờ..... ngày..... tháng..... năm....., tại phòng nghị án, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tiến hành nghị án đối với vụ án..........................................................     

            Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà; Hội đồng xét xử thảo luận về những vấn đề phải giải quyết trong vụ án như sau:

1. Về tội danh:.............................................................................................(3)

................................................. Kết quả biểu quyết:....................................    

2. Về điều luật áp dụng (điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự):...............(4)

................................................. Kết quả biểu quyết:....................................

3. Về mức hình phạt:....................................................................................(5)

................................................. Kết quả biểu quyết:....................................

4. Về các vấn đề khác:.................................................................................(6)

................................................. Kết quả biểu quyết:....................................

Các Hội thẩm.....          Thẩm phán

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 05d:        

(1) Ghi tên Toà án xét xử sơ thẩm; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện cần ghi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Toà án nhân dân quận 1, thành phố H); nếu là Toà án quân sự khu vực cần ghi thêm quân khu (Toà án quân sự khu vực 1, quân khu 4).

(2) Nếu là Toà án nhân dân thì ghi Các Hội thẩm nhân dân; nếu là Toà án quân sự thì ghi Các Hội thẩm quân nhân.

(3), (4), (5), (6) Sau khi thảo luận nếu các thành viên Hội đồng xét xử thống nhất ý kiến thì ghi ý kiến đó; nếu có thành viên có ý kiến khác thì phải ghi ý kiến của thành viên đó. Trường hợp vụ án có nhiều bị cáo thì việc thảo luận và quyết định về từng vấn đề một đối với tất cả các bị cáo.


Mẫu số 05đ: Dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004
của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)

__________________________________________________________

Toà án........................... (1)

Số:...../...../HSST-QĐ (2)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

  .........., ngày.... tháng..... năm......

QUYẾT ĐỊNH
TRẢ TỰ DO CHO BỊ CÁO

TOÀ ÁN...................................

Với Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà:  .....................................................................

Thẩm phán (nếu Hội đồng xét xử gồm có 5 người):.......................................    

Các Hội thẩm: (3).............................................................................................  

Căn cứ vào Điều 199 và Điều 227 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Căn cứ vào biên bản nghị án ngày..... tháng..... năm..... của Hội đồng xét xử sơ thẩm;

Xét thấy (4)........................................................................................................

QUYẾT ĐỊNH:

1. Trả tự do ngay tại phiên toà cho bị cáo sau đây đang bị tạm giam, nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác: (ghi họ tên, ngày... tháng... năm... sinh, nơi sinh, nơi cư trú (nơi thường trú và nơi tạm trú), nghề nghiệp)

Bị Toà án.......................................................................................................  

Xét xử về tội (các tội)....................................................................................   

Theo điểm (các điểm)..... khoản (các khoản)..... Điều (các điều)..... của Bộ luật hình sự.

Và quyết định xử phạt: (5)          

2. Trại tạm giam.......................... có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

           

Nơi nhận:

- Trại tạm giam..............;

- VKS.............................;

- Bị cáo.................................;

- Lưu hồ sơ vụ án.

TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 05đ:

(1) Ghi tên Toà án xét xử sơ thẩm; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện cần ghi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Toà án nhân dân quận 1, thành phố H); nếu là Toà án quân sự khu vực cần ghi thêm quân khu (Toà án quân sự khu vực 1, quân khu 4).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định trả tự do cho bị cáo (ví dụ: Số 155/2004/HSST-QĐ).

(3) Nếu là Toà án nhân dân thì ghi Các Hội thẩm nhân dân; nếu là Toà án quân sự thì ghi Các Hội thẩm quân nhân.

(4) Khi thuộc trường hợp nào quy định tại Điều 227 của Bộ luật tố tụng hình sự thì ghi theo trường hợp đó (ví dụ: Xét thấy bị cáo bị xử phạt tù, nhưng được hưởng án treo).

(5) Nếu thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng hình sự thì ghi “Được Toà án...” và dòng tiếp theo ghi: “Tuyên bố...” (ví dụ: Tuyên bố không phạm tội).


Mẫu biên bản phiên toà hình sự sơ thẩm
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004
của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)

__________________________________________________________

TOÀ ÁN (1).......                       

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

BIÊN BẢN PHIÊN TOÀ HÌNH SỰ SƠ THẨM

Vào hồi....... giờ....... phút ngày....... tháng....... năm....................................     

Tại: (2)...........................................................................................................   

Toà án..........................................................................................................   

Mở phiên toà để xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo (3)..................       

Bị Viện kiểm sát...........................................................................................    

Truy tố về tội (các tội)..................................................................................     

theo cáo trạng số....... ngày....... tháng....... năm...........................................    

Vụ án được xét xử (4).....................................................................................  

I. Những người tiến hành tố tụng:

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà: Ông (Bà).....................................................     

Thẩm phán: Ông (Bà).....................................................................................   

Các Hội thẩm: (5)............................................................................................

1. Ông (Bà):...................................................................................................  

Nghề nghiệp:.................................................................................................. 

Nơi công tác:.................................................................................................  

2. Ông (Bà):...................................................................................................  

Nghề nghiệp:.................................................................................................  

Nơi công tác:.................................................................................................  

3. Ông (Bà):..................................................................................................   

Nghề nghiệp:................................................................................................   

Nơi công tác:.................................................................................................  

Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà: Ông (Bà)..........    ................................

cán bộ Toà án (6)           ............................................................................................

Đại diện Viện kiểm sát (7)........................................... tham gia phiên toà:

1. Ông (Bà).................................................................. Kiểm sát viên.

2. Ông (Bà).................................................................. Kiểm sát viên.

II. Những người tham gia tố tụng:

1. Bị cáo............................ sinh ngày..... tháng..... năm..... tại......................     

trú tại..............................; nghề nghiệp.......................; trình độ văn hoá.......; con ông............................ và bà..........................; có vợ (chồng) và......con; tiền sự..............; tiền án (8).............; bị bắt tạm giam ngày (9).

2.................................................................................................................... 

Người đại diện hợp pháp của bị cáo: (10)

Ông (Bà).......................... sinh năm (hoặc tuổi)........; trú tại...............; nghề nghiệp................................. là: (11)...........................................................................     

Người bào chữa cho bị cáo: (12)

Ông (Bà)..........................................................................................................

Người bị hại: (13)...............................................................................................

Người đại diện hợp pháp của người bị hại: (14).................................................  

Nguyên đơn dân sự: (15)....................................................................................

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự: (16)...................................... 

Bị đơn dân sự: (17).............................................................................................           

Người đại diện hợp pháp của bị đơn dân sự: (18) ..............................................

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: (19)....................................    

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: (20)..............................................................................................................................  

Người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại (nguyên đơn dân sự,...) (21).............

Ông (Bà)......................................................................................................... 

Người làm chứng: (22)...................................................................................... 

Người giám định: (23).......................................................................................  

Người phiên dịch: (24)....................................................................................... 

PHẦN THỦ TỤC BẮT ĐẦU PHIÊN TOÀ:

- Chủ toạ phiên toà tuyên bố khai mạc phiên toà và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

- Thư ký Toà án báo cáo danh sách những người tham gia tố tụng được triệu tập đến phiên toà.

- Chủ toạ phiên toà kiểm tra căn cước của những người tham gia tố tụng; giải thích quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên toà; yêu cầu người phiên dịch, người giám định phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ và yêu cầu người làm chứng là người thành niên phải cam đoan không khai gian dối.

- Chủ toạ phiên toà giới thiệu những người tiến hành tố tụng và hỏi Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng xem họ có đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Toà án, người giám định, người phiên dịch hay không. (25)

- Chủ toạ phiên toà hỏi bị cáo đã được giao nhận bản cáo trạng và quyết định đưa vụ án ra xét xử hay chưa. (26)

- Chủ toạ phiên toà hỏi Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng xem có ai yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng và tài liệu ra xem xét hay không. (27)

PHẦN THỦ TỤC XÉT HỎI TẠI PHIÊN TOÀ:(28)

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

PHẦN TRANH LUẬN TẠI PHIÊN TOÀ:(29)

           

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

HỘI ĐỒNG XÉT XỬ VÀO PHÒNG NGHỊ ÁN.(30)

Những sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng:(31)

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

.......................................................................................................................

Phiên toà kết thúc vào hồi....... giờ....... phút ngày....... tháng....... năm   ......

Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà

Chữ ký

Họ và tên

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà

Chữ ký

Họ và tên

Hướng dẫn sử dụng mẫu biên bản phiên toà hình sự sơ thẩm:

Mẫu biên bản phiên toà hình sự sơ thẩm kèm theo bản hướng dẫn này được soạn thảo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Mẫu biên bản phiên toà hình sự sơ thẩm kèm theo hướng dẫn này được sử dụng cho tất cả các Toà án khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Sau đây là những hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng mẫu biên bản phiên toà hình sự sơ thẩm kèm theo:

(1) Nếu là Toà án quân sự khu vực, thì ghi Toà án quân sự khu vực mấy Quân khu nào (ví dụ: Toà án quân sự khu vực 1 quân khu 4); nếu là Toà án quân sự quân khu thì ghi Toà án quân sự quân khu nào (ví dụ: Toà án quân sự Quân khu Thủ đô); nếu là Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì ghi Toà án nhân dân quận (huyện, thị xã, thành phố) gì thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An); nếu là Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

(2) Ghi địa điểm nơi tiến hành phiên toà (ví dụ: Tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh H hoặc Tại Hội trường Uỷ ban nhân dân huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).

(3) Nếu vụ án có nhiều bị cáo thì ghi họ và tên bị cáo đầu vụ và đồng bọn (ví dụ: Nguyễn Văn A và đồng bọn).

(4) Ghi vụ án được xét xử công khai hay xử kín.

(5) Nếu Toà án nhân dân, thì ghi Hội thẩm nhân dân; nếu Toà án quân sự, thì ghi Hội thẩm quân nhân.

(6) Ghi họ và tên của Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà và tên của Toà án, nơi Thư ký Toà án công tác như hướng dẫn tại điểm (1).

(7) Ghi như hướng dẫn tại điểm (1), song đổi các chữ “Toà án nhân dân” thành “Viện kiểm sát nhân dân” và  “Toà án quân sự” thành “Viện kiểm sát quân sự”; nếu chỉ có một Kiểm sát viên tham gia phiên toà thì chỉ ghi họ và tên của Kiểm sát viên đó; nếu có hai Kiểm sát viên tham gia phiên toà thì phải ghi đầy đủ họ và tên của cả hai Kiểm sát viên đó.

(8) Ghi họ và tên bị cáo và các bí danh, tên thường gọi khác (nếu có); nếu thấy đến năm phạm tội mà bị cáo mới 20 tuổi, thì nhất thiết phải ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh; nếu trên 20 tuổi thì có thể ghi năm sinh hoặc tuổi; ghi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi tạm trú. Đối với tiền sự thì chỉ ghi khi đã xác định đúng theo quy định của pháp luật lần bị xử lý đó tính đến ngày phạm tội chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật. Đối với tiền án thì chỉ ghi khi đã xác định đúng theo quy định của pháp luật lần bị kết án đó tính đến ngày phạm tội chưa được xoá án.

(9) Ghi ngày bị cáo bị bắt tạm giam; nếu trước đó bị cáo đã bị tạm giữ, bị bắt tạm giam, thì ghi ngày bị tạm giữ, ngày bị tạm giam và ngày được cho tại ngoại; nếu có mặt tại phiên toà thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên toà thì ghi “vắng mặt”.

(10) Nếu bị cáo nào có người đại diện hợp pháp thì ghi họ và tên của bị cáo đó (ví dụ: Người đại diện hợp pháp của bị cáo Nguyễn Văn A).

(11) Sau chữ “là” ghi quan hệ như thế nào với bị cáo (ví dụ: là bố của bị cáo); nếu có mặt tại phiên toà thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên toà thì ghi “vắng mặt”.

(12) Nếu bị cáo nào có người bào chữa thì ghi họ và tên của bị cáo đó; sau chữ Ông (Bà) ghi họ và tên của người bào chữa; nếu người bào chữa là luật sư thì ghi luật sư của Văn phòng luật sư nào và thuộc Đoàn luật sư nào (ví dụ: Ông Trần B, Luật sư Văn phòng luật sư Vạn Xuân thuộc Đoàn luật sư tỉnh H); nếu không phải là luật sư thì ghi nghề nghiệp, nơi công tác của người bào chữa (ví dụ: Bà Lê Thị M, bào chữa viên nhân dân công tác tại Hội luật gia tỉnh M); nếu có mặt tại phiên toà thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên toà thì ghi “vắng mặt”.

(13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20) Nếu có người nào tham gia tố tụng thì ghi họ và tên, tuổi, nơi cư trú của người đó. Trong trường hợp người bị hại là người bị xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự và là người chưa thành niên, thì nhất thiết phải ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh của người bị hại; nếu có mặt tại phiên toà thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên toà thì ghi “vắng mặt”.

(21) Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có người bảo vệ quyền lợi cho họ, thì ghi họ và tên của họ theo thứ tự; sau chữ Ông (Bà) ghi họ và tên; nếu người bảo vệ quyền lợi của đương sự là luật sư thì ghi luật sư của Văn phòng luật sư nào và thuộc Đoàn luật sư nào; nếu không phải là luật sư thì ghi nghề nghiệp, nơi công tác của người bảo vệ quyền lợi cho đương sự; nếu có mặt tại phiên toà thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên toà thì ghi “vắng mặt”.

(22) Ghi họ và tên; nơi cư trú.

(23) Ghi họ và tên, nghề nghiệp, nơi làm việc.

(24) Ghi họ và tên, nghề nghiệp, nơi làm việc hoặc cư trú.

(25), (26), (27) Sau từng mục ghi việc trả lời của những người được hỏi. Nếu có người đề nghị hoặc yêu cầu, thì ghi đề nghị hoặc yêu cầu của họ và ghi quyết định giải quyết của Hội đồng xét xử.

(28) Bắt đầu của phần này ghi: “Kiểm sát viên đọc bản cáo trạng”. Nếu Kiểm sát viên trình bày ý kiến bổ sung thì ghi tóm tắt ý kiến bổ sung của Kiểm sát viên. Sau đó ghi việc xét hỏi tại phiên toà.

(29) Ghi tóm tắt các ý kiến phát biểu và đối đáp; ghi lời nói sau cùng của bị cáo.

(30) Nếu sau khi nghị án Hội đồng xét xử tuyên án thì tiếp đó ghi: “Hội đồng xét xử tuyên án theo bản án gốc đã được Hội đồng xét xử thông qua tại phòng nghị án” (không phải ghi phần quyết định của bản án). Nếu Hội đồng xét xử có quyết định khác thì ghi quyết định của Hội đồng xét xử (ví dụ: Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung hoặc Hội đồng xét xử quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét việc Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố).

(31) Ghi theo hướng dẫn tại tiểu mục 4.2 mục 4 Phần II của Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

Cần chú ý: Nếu phiên toà diễn ra trong nhiều ngày thì khi kết thúc mỗi ngày cần ghi: “Hội đồng xét xử tạm nghỉ” và khi tiếp tục phiên toà cần ghi: “Ngày... tháng... năm... Hội đồng xét xử tiếp tục phiên toà”.


Mẫu bản án hình sự sơ thẩm

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)

__________________________________________________________

TOÀ ÁN (1).......                       

Bản án số (2)..... /...../HSST

Ngày (3).....-.....-.....

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TOÀ ÁN (4)........................................

Với thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có (5):

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà: Ông (Bà).......................................................   

Thẩm phán: Ông (Bà)......................................................................................  

Các Hội thẩm:(6)

1. Ông (Bà):......................................................................................................           

Nghề nghiệp:....................................................................................................

Nơi công tác:....................................................................................................           

2. Ông (Bà):......................................................................................................           

Nghề nghiệp:....................................................................................................

Nơi công tác:....................................................................................................           

3. Ông (Bà):......................................................................................................           

Nghề nghiệp:...................................................................................................

Nơi công tác:...................................................................................................

Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà: Ông (Bà)..........    ..................................

cán bộ Toà án (7)           ..............................................................................................

Đại diện Viện kiểm sát (8).................................................... tham gia phiên toà:

1. Ông (Bà).......................................................................... Kiểm sát viên.

2. Ông (Bà).......................................................................... Kiểm sát viên.

Trong các ngày..... tháng..... năm..... (9) tại.......................................................  

xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số (10)...../...../HSST ngày..... tháng..... năm..... đối với các bị cáo:

1. ............................ sinh ngày..... tháng..... năm..... tại ..................................

trú tại..............................; nghề nghiệp.......................; trình độ văn hoá.......; con ông............................ và bà.......................... ; có vợ (chồng) và...... con; tiền sự............; tiền án (11).............; bị bắt tạm giam ngày (12).

2.......................................................................................................................          

Người đại diện hợp pháp của bị cáo: (13)

Ông (Bà).......................... sinh năm (hoặc tuổi)........; trú tại...............; nghề nghiệp................................. là: (14).............................................................................   

Người bào chữa cho bị cáo: (15).........................................................................

Ông (Bà)...........................................................................................................           

Người bị hại: (16)            ...............................................................................................

Người đại diện hợp pháp của người bị hại: (17).................................................. 

Nguyên đơn dân sự: (18).....................................................................................           

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự: (19)...................................... 

Bị đơn dân sự: (20).............................................................................................           

Người đại diện hợp pháp của bị đơn dân sự: (21) ..............................................

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: (22)....................................    

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án(23)........................................................................................................................... 

Người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại (nguyên đơn dân sự,...)(24)

Ông (Bà)...........................................................................................................           

NHẬN THẤY (25)

- Bị cáo (các bị cáo) bị Viện kiểm sát........................... truy tố về hành vi (các hành vi) phạm tội như sau:

(Trình bày việc phạm tội, các hành vi phạm tội của bị cáo (các bị cáo) mà Viện kiểm sát truy tố theo nội dung của cáo trạng).

- Tại bản cáo trạng số..... ngày..... tháng..... năm..... Viện kiểm sát............. đã truy tố.

(Ghi phần quyết định truy tố của cáo trạng đối với từng bị cáo về tội danh và điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự được áp dụng).

 Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa (nếu có) và những người tham gia tố tụng khác,

XÉT THẤY(26)

..........................................................................................................................

..........................................................................................................................

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH(27)

            ..........................................................................................................................

..........................................................................................................................

..........................................................................................................................

Hướng dẫn sử dụng mẫu bản án hình sự sơ thẩm:

Mẫu bản án hình sự sơ thẩm kèm theo bản hướng dẫn này được soạn thảo theo tinh thần quy định tại các điều 185, 224 và 307 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Mẫu bản án hình sự sơ thẩm kèm theo hướng dẫn này được sử dụng cho tất cả các Toà án khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Sau đây là những hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng mẫu bản án hình sự sơ thẩm kèm theo:

(1) Nếu là Toà án quân sự khu vực, thì ghi Toà án quân sự khu vực mấy Quân khu nào (ví dụ: Toà án quân sự khu vực 1 quân khu 4); nếu là Toà án quân sự quân khu thì ghi Toà án quân sự quân khu nào (ví dụ: Toà án quân sự Quân khu Thủ đô); nếu là Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì ghi Toà án nhân dân quận (huyện, thị xã, thành phố) gì thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An); nếu là Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

(2) Ô thứ nhất ghi số bản án, ô thứ hai ghi năm ra bản án theo đúng tinh thần hướng dẫn của Chính phủ về cách ghi số văn bản (ví dụ: Bản án số 250/2004/HSST).

(3) Ghi ngày, tháng, năm tuyên án không phân biệt vụ án được xét xử sơ thẩm và kết thúc trong một ngày hay được xét xử sơ thẩm trong nhiều ngày.

(4) Ghi như hướng dẫn tại điểm (1).

(5) Nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm ba người, thì chỉ ghi họ và tên của Thẩm phán chủ toạ phiên toà, bỏ dòng “Thẩm phán...”, đối với Hội thẩm chỉ ghi họ và tên của hai Hội thẩm; nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có năm người, thì ghi họ và tên của Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà, họ và tên của Thẩm phán, họ và tên của cả ba Hội thẩm. Trong trường hợp bị cáo là người chưa thành niên, thì nhất thiết phải ghi nghề nghiệp và nơi công tác của Hội thẩm. Trong trường hợp bị cáo là người thành niên, thì không nhất thiết phải ghi nghề nghiệp và nơi công tác của Hội thẩm nhân dân.

(6) Nếu Toà án nhân dân, thì ghi Hội thẩm nhân dân; nếu Toà án quân sự, thì ghi Hội thẩm quân nhân.

(7) Ghi họ và tên của Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà và tên của Toà án, nơi Thư ký Toà án công tác như hướng dẫn tại điểm (1).

(8) Ghi như hướng dẫn tại điểm (1), song đổi các chữ “Toà án nhân dân” thành “Viện kiểm sát nhân dân” và  “Toà án quân sự” thành “Viện kiểm sát quân sự”; nếu chỉ có một Kiểm sát viên tham gia phiên toà thì chỉ ghi họ và tên của Kiểm sát viên đó; nếu có hai Kiểm sát viên tham gia phiên toà thì phải ghi đầy đủ họ và tên của cả hai Kiểm sát viên đó.

(9) Trong trường hợp vụ án được xét xử và kết thúc trong một ngày, thì bỏ hai chữ “Trong các” (ví dụ: Ngày 12 tháng 4 năm 2004...).

Trong trường hợp vụ án được xét xử trong hai ngày trở lên, nếu số ngày tương đối ít thì có thể ghi đủ số ngày (ví dụ: Trong các ngày 3, 4 và 5 tháng 7...); nếu số ngày nhiều liền nhau thì ghi từ ngày đến ngày (ví dụ: Trong các ngày từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 7 năm...); nếu khác tháng mà xét xử liên tục thì ghi từ ngày... tháng... đến ngày... tháng... (ví dụ: Trong các ngày từ ngày 30-7 đến ngày 04-8 năm...), nếu không xét xử liên tục thì ghi các ngày của từng tháng (ví dụ: trong các ngày 29, 30, 31 tháng 7 và các ngày 03, 04 tháng 8 năm...

(10) Ô thứ nhất ghi số thụ lý sơ thẩm vụ án, ô thứ hai ghi năm thụ lý vụ án theo đúng tinh thần hướng dẫn của Chính phủ về cách ghi số văn bản và sau đó ghi ngày, tháng, năm thụ lý vụ án (ví dụ: Vụ án hình sự thụ lý số 175/2004/HSST ngày 20 tháng 4 năm 2004).

(11) Ghi họ và tên bị cáo và các bí danh, tên thường gọi khác (nếu có); nếu thấy đến năm phạm tội mà bị cáo mới 20 tuổi, thì nhất thiết phải ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh; nếu trên 20 tuổi thì có thể ghi năm sinh hoặc tuổi; ghi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi tạm trú. Đối với tiền sự thì chỉ ghi khi đã xác định đúng theo quy định của pháp luật lần bị xử lý đó tính đến ngày phạm tội chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật. Đối với tiền án thì chỉ ghi khi đã xác định đúng theo quy định của pháp luật lần bị kết án đó tính đến ngày phạm tội chưa được xoá án.

(12) Ghi ngày bị cáo bị bắt tạm giam; nếu trước đó bị cáo đã bị tạm giữ, bị bắt tạm giam, thì ghi ngày bị tạm giữ, ngày bị tạm giam và ngày được cho tại ngoại; nếu có mặt tại phiên toà thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên toà thì ghi “vắng mặt”.

(13) Nếu bị cáo nào có người đại diện hợp pháp thì ghi họ và tên của bị cáo đó (ví dụ: Người đại diện hợp pháp của bị cáo Nguyễn Văn A).

(14) Sau chữ “là” ghi quan hệ như thế nào với bị cáo (ví dụ: là bố của bị cáo); nếu có mặt tại phiên toà thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên toà thì ghi “vắng mặt”.

(15) Nếu bị cáo nào có người bào chữa thì ghi họ và tên của bị cáo đó; sau chữ Ông (Bà) ghi họ và tên của người bào chữa; nếu người bào chữa là luật sư thì ghi luật sư của Văn phòng luật sư nào và thuộc Đoàn luật sư nào (ví dụ: Ông Trần B, Luật sư Văn phòng luật sư Vạn Xuân thuộc Đoàn luật sư tỉnh H); nếu không phải là luật sư thì ghi nghề nghiệp, nơi công tác của người bào chữa (ví dụ: Bà Lê Thị M, bào chữa viên nhân dân công tác tại Hội luật gia tỉnh M); nếu có mặt tại phiên toà thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên toà thì ghi “vắng mặt”.

(16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23) Nếu có người nào tham gia tố tụng thì ghi họ và tên, tuổi, nơi cư trú của người đó. Trong trường hợp người bị hại là người bị xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự và là người chưa thành niên, thì nhất thiết phải ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh của người bị hại; nếu có mặt tại phiên toà thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên toà thì ghi “vắng mặt”.

(24) Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có người bảo vệ quyền lợi cho họ, thì ghi họ và tên của họ theo thứ tự; sau chữ Ông (Bà) ghi họ và tên; nếu người bảo vệ quyền lợi của đương sự là luật sư thì ghi luật sư của Văn phòng luật sư nào và thuộc Đoàn luật sư nào; nếu không phải là luật sư thì ghi nghề nghiệp, nơi công tác của người bảo vệ quyền lợi cho đương sự; nếu có mặt tại phiên toà thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên toà thì ghi “vắng mặt”.

(25) Trong phần này, cần chú ý chỉ ghi các hành vi phạm tội của các bị cáo mà Viện kiểm sát truy tố trong nội dung của cáo trạng, những hành vi khác tuy có được mô tả trong cáo trạng, nhưng Viện kiểm sát không truy tố thì không ghi.

(26) Trong phần này chỉ ghi sự phân tích và đánh giá của Hội đồng xét xử bao gồm:

- Phân tích và đánh giá những vấn đề đã được tranh tụng tại phiên toà;

- Phân tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội;

- Đánh giá bị cáo có phạm tội không và nếu bị cáo có phạm tội, thì phạm tội gì, theo khoản nào, điều nào của Bộ luật hình sự;

- Đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo;

- Đánh giá thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có);

- Hướng giải quyết về xử lý vật chứng (nếu có).

(27) Trong phần này ghi các quyết định của Toà án và quyền kháng cáo đối với bản án như sau:

a. Trường hợp bị cáo có phạm tội:

- Tuyên bố bị cáo (các bị cáo)... phạm tội (các tội)... (bị cáo nào phạm tội nào thì ghi tội đó);

- Áp dụng điểm... khoản... Điều... của Bộ luật hình sự; nếu có nhiều bị cáo phạm các tội khác nhau, thì ghi áp dụng điểm... khoản... Điều... của Bộ luật hình sự đối với bị cáo (các bị cáo)... và áp dụng điểm... khoản... Điều... của Bộ luật hình sự đối với bị cáo (các bị cáo)...;

- Xử phạt bị cáo... (ghi tên từng bị cáo và mức hình phạt). Tiếp đó ghi thời điểm để tính thời hạn chấp hành hình phạt; nếu cho bị cáo được hưởng án treo thì cần giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Trong trường hợp cần tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành hình phạt tử hình thì ghi: “tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án”.

- Việc bồi thường thiệt hại: Cần thiết phải ghi: áp dụng khoản... Điều... (tương ứng) của Bộ luật dân sự buộc...;

- Việc xử lý vật chứng (nếu có) cần theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

- Về án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm;

- Quyền kháng cáo đối với bản án. Đối với bị cáo bị xử phạt tử hình thì cần ghi thêm: “nếu họ không kháng cáo, thì họ có quyền làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết hạn kháng cáo”.

b. Trong trường hợp bị cáo không phạm tội:

Căn cứ vào khoản... Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự;

- Tuyên bố bị cáo không phạm tội;

- Giải quyết việc khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

- Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có);

- Việc xử lý vật chứng (nếu có);

- Về án phí (nếu có);

- Quyền kháng cáo đối với bản án.

c. Nếu bị cáo bị tuyên hình phạt trục xuất, thì Hội đồng xét xử cũng phải tuyên cả thời gian bị cáo phải rời khỏi Việt Nam.

Phần cuối cùng của bản án, nếu là bản án gốc được thông qua tại phòng nghị án thì cần phải có đầy đủ chữ ký, họ và tên của các thành viên Hội đồng xét xử; nếu là bản án chính thì cần ghi như sau:

Nơi nhận:

(Ghi những nơi mà Toà án cấp sơ thẩm phải giao bản án theo quy định tại Điều 229 của Bộ luật tố tụng hình sự và những nơi cần lưu bản án chính)

TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ SƠ THẨM

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà

Ký tên và đóng dấu của Toà án

(Họ và tên)

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba "Xét xử sơ thẩm" của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 do Hội đồng Thẩm phán - Toà án nhân dân tối cao ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


75.769

DMCA.com Protection Status
IP: 3.141.29.90
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!