HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 28/2002/NQ-HĐ
|
Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2002
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐỂ THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN “MỐT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH VỀ GIAO THÔNG VÀ VĂN MINH ĐÔ THỊ”
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi);
Căn cứ tờ trình số 35/TT-UB của UBND Thành phố Hà Nội kèm theo Báo cáo về một
số cơ chế, chính sách và giải pháp để triển khai Đề án “Một số vấn đề cấp bách
về giao thông và văn minh đô thị” và Kế hoạch thực hiện đề án;
Sau khi nghe ý kiến của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố; Thuyết trình của các
Ban, ý kiến của đại biểu HĐND Thành phố;
QUYẾT ĐỊNH:
Để tạo chuyển biến tích cực trong
xây dựng, quản lý đô thị và xây dựng nếp sống văn minh, góp phần làm lành mạnh
hoá môi trường xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy
phát triển kinh tế - xã hội, thiết thực phục vụ Seagames 22; HĐND Thành phố
nhất trí thông qua tờ trình của UBND Thành phố về một số cơ chế, chính sách và
biện pháp để thực hiện Đề án “Một số vấn đề cấp bách về giao thông và văn minh
đô thị” trên địa bàn Thành phố Hà Nội gồm:
1. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ vận
tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Đầu tư vốn ngân sách để tăng thêm số
đầu xe ô tô buýt và xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ bảo dưỡng, sửa
chữa, đáp ứng yêu cầu của chương trình phát triển giao thông công cộng Thành
phố; cần có biện pháp để từng bước hạn chế xe thô sơ, xe máy. Thực hiện trợ giá
xe buýt để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách công cộng có
khả năng cân bằng thu - chi; Thành phố khuyến khích các thành phần kinh tế tham
gia đầu tư phát triển giao thông công cộng trên địa bàn.
Đề nghị Chính phủ cho miễn thuế nhập
khẩu, miễn phí sử dụng bến bãi, phí qua cầu, phí sử dụng đường đối với phương
tiện vận tải hành khách công cộng; miễn thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối
với diện tích đất phục vụ trực tiếp hoạt động vận tải hành khách công cộng như:
Nhà chờ, bến bãi, trạm bảo dưỡng, sửa chữa các phương tiện.
2. Qui định quản lý hè của các
tuyến phố Thủ đô, đặc biệt là các tuyến phố văn minh - thương mại
Giao UBND phường quản lý hè phố ở
các tuyến phố văn minh thương mại. Cấm làm bục bệ, bày bán hàng trên hè phố;
khuyến khích, hướng dẫn, thành lập tổ tự quản trật tự đô thị tại phường, vận
động nhân dân tự quản lý trật tự, vệ sinh hè phố trước cửa nhà mình; tổ chức
phân định phần để xe và phần dành cho người đi bộ theo quy định thống nhất toàn
Thành phố; ở những nơi đã bố trí được điểm để xe đạp, xe máy tập trung thì
không cho phép để xe đạp, xe máy tuỳ tiện trên vỉa hè. Đẩy mạnh việc thực hiện
Nghị định 36/CP; đầu tư thích đáng để có hệ thống nhà chờ xe buýt văn minh trật
tự.
3. Quy định về quản lý đào
đường, đào hè và xây dựng công trình ngầm ở các khu đô thị mới:
Được phép cấm đường để thi công các
công trình cả ngày lẫn đêm đối với các công trình trọng điểm. Đối với các tuyến
nhánh, xa trung tâm, mật độ phương tiện giao thông thấp thì được phép cấm đường
từng đoạn trên tuyến để tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất
lượng công trình. Trước khi cấm đường để thi công phải có phương án phân luồng
giao thông được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và thông báo với chính quyền,
nhân dân địa phương biết, phối hợp thực hiện.
Đối với các dự án xây dựng các khu
đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất và một số tuyến đường thí điểm...
phải thiết kế hệ thống tuy - nen kỹ thuật. Các đơn vị quản lý hệ thống đường
dây tải điện, thông tin - liên lạc, bưu chính viễn thông... phải hợp đồng với
các đơn vị chức năng để thuê tuy - nen kỹ thuật. Từ nay không cấp phép đào hè,
đường ở những đường phố đã có hệ thống tuy -nen kỹ thuật.
4. Cơ chế hỗ trợ tài chính và chính
sách đối với người lao động tham gia xã hội hoá thu gom và vận chuyển rác trên
địa bàn Thành phố Hà Nội.
Thành phố khuyến khích và tạo điều
kiện để các thành phần kinh tế được tham gia thực hiện thí điểm XHH thu gom và
vận chuyển rác ở những địa bàn thí điểm. Trong năm đầu thí điểm, Thành phố hỗ
trợ kinh phí, cơ sở vật chất ban đầu để các đơn vị tham gia XHH có điều kiện
cân đối thu chi. Đối với công tác vận chuyển rác, các đơn vị thí điểm được áp
giá thanh toán như đối với Công ty Môi trường Đô thị. Thành phố có biện pháp khuyến
khích các đơn vị thí điểm hạ giá thành thu gom và vận chuyển rác.
Về chế độ, chính sách đối với người
lao động, UBND Thành phố xây dựng chính sách cụ thể áp dụng đối với công nhân
Công ty Môi trường đô thị Thành phố được điều chuyển hoặc biệt phái công tác
tại các tổ chức tham gia thí điểm. Đối với lao động khác thực hiện theo quy
định của Luật lao động và các cơ chế, chính sách hiện hành đối với loại hình tổ
chức, doanh nghiệp đó.
Trong năm 2002, HĐND Thành phố giao
UBND Thành phố tổ chức sơ kết thực hiện đối với tất cả các đơn vị làm thí điểm
XHH thu gom và vận chuyển một phần rác thải sinh hoạt, để tổ chức thực hiện
trên diện rộng.
5. Cơ chế xây dựng và quản lý
các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Thành phố:
Trên cơ sở thiết kế được chọn, Thành
phố khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần
kinh tế tham gia đầu tư, quản lý duy trì và khai thác các nhà vệ sinh công
cộng; chủ đầu tư có thể khai thác các nhà vệ sinh công cộng; chủ đầu tư có thể
được cơ quan có thẩm quyền cho phép kết hợp kinh doanh một số loại hình dịch vụ
khác thích hợp.
6. Về cơ chế thu phí sử dụng đường
bộ đối vận xe cơ giới trên địa bàn Hà Nội:
Để tăng cường chất lượng và hiệu quả
của giao thông đô thị, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và
đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, cùng với việc tập trung
phát triển giao thông công cộng, Thành phố sẽ thực hiện một số biện pháp cần
thiết khác (trong đó có biện pháp kinh tế) để hạn chế sự gia tăng lượng ô tô,
xe mày tham gia vào hoạt động giao thông đô thị.
Giao UBND Thành phố triển khai công
tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ yêu cầu, mục đích của các biện
pháp kinh tế nhằm góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Xây dựng lộ trình
và cơ chế cụ thể nhằm từng bước giảm lượng ô tô, xe máy trong nội thành, trình
HĐND khi đủ điều kiện.
7. Về cơ chế vận hành đèn chiếu
sáng đô thị và ngõ xóm:
Thực hiện phương án vận hành 1 chế
độ cho các đường phố chính nằm trong và ngoài vành đai 2 và các trục đường
chính vào 5 cửa ô; vận hành 2 chế độ đối với các đường phố, ngõ xóm còn lại.
8. Về các cơ chế chính sách cho
công tác xây dựng, cải tạo, chỉnh trang chợ, xây dựng và quản lý các lò giết mổ
gia súc:
Cho phép các thành phần kinh tế được
đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ công nghiệp tại các chợ đầu mối. Hỗ trợ vốn
ngân sách để xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các lò giết mổ gia súc tại các chợ
đầu mối và giao cho UBND các quận, huyện quản lý, tổ chức thu phí để thu hồi
vốn đầu tư cho ngân sách. Có cơ chế hỗ trợ lãi suất, miễn thuế cho hoạt động
giết mổ trong vòng 2 năm kể từ ngày bắt đầu sản xuất. Tập trung quy hoạch vùng
chăn nuôi ở ngoại thành và liên kết với các tỉnh để tạo và quản lý nguồn nguyên
liệu cung cấp cho các dây chuyền giết mổ công nghiệp.
9. Về công tác tuyên truyền
miễn phí pháp luật về trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường:
Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội
dành một chuyên mục 10 - 15 phút hàng ngày và Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế Đô
thị dành một chuyên mục hàng ngày để tuyên truyền miễn phí về an toàn giao
thông, trật tự và văn minh đô thị.
Giao UBND thành phố ban hành quy
định cụ thể để tổ chức thực hiện các cơ chế trên.
Giao thường trực các HĐND Thành phố
xem xét, quyết định những vấn đề phát sinh theo đề nghị của UBND va báo với
HĐND trong kỳ họp gần nhất.
|
T/M. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH
Phùng Hữu Phú
|