Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 01/2008/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC-BNV Loại văn bản: Thông tư liên tịch
Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính Người ký: Lê Bạch Hồng, Nguyễn Khánh Toàn, Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Trần Hữu Thắng
Ngày ban hành: 15/01/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ CÔNG AN - BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 01/2008/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC-BNV

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2008

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI SĨ QUAN, HẠ SĨ QUAN CÔNG AN NHÂN DÂN NGHỈ HƯU, CHUYỂN NGÀNH, THÔI PHỤC VỤ TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN; SĨ QUAN, HẠ SĨ QUAN CÔNG AN NHÂN DÂN CHUYỂN SANG CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Nghị định số 43/2007/NĐ-CP ngày 26/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật công an nhân dân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 43/2007/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 68
/
2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 68/2007/NĐ-CP);
Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong Công an nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Sĩ quan Công an nhân dân nghỉ hưu.

2. Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân chuyển ngành.

3. Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân thôi phục vụ trong Công an nhân dân mà không đủ điều kiện nghỉ hưu hoặc không chuyển ngành.

4. Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân.

II. CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI SĨ QUAN CÔNG AN NHÂN DÂN NGHỈ HƯU

1. Điều kiện nghỉ hưu

Sĩ quan Công an nhân dân nghỉ việc được thực hiện chế độ hưu trí hàng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau:

1.1. Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.

1.2. Nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên.

1.3. Nam có đủ 25 năm, nữ có đủ 20 năm trở lên công tác trong Công an nhân dân và đã đóng đủ bảo hiểm xã hội theo quy định, trong đó có ít nhất 5 năm được tính thâm niên nghề, nếu sức khỏe yếu, năng lực hạn chế, do yêu cầu công tác hoặc tự nguyện xin nghỉ (không phụ thuộc vào tuổi đời).

Thời gian công tác trong Công an nhân dân bao gồm thời gian là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức Công an nhân dân, học viên học tại các trường Công an nhân dân hoặc gửi học ở các trường ngoài Công an nhân dân do Công an nhân dân trả lương hoặc sinh hoạt phí. Thời gian công tác trong Công an nhân dân được tính theo năm dương lịch (không quy đổi theo hệ số), nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng trợ cấp một lần (bao gồm trợ cấp xuất ngũ, thôi việc) thì được cộng dồn.

1.4. Bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thi hành nhiệm vụ và đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên (không phụ thuộc vào tuổi đời).

1.5. Đủ hạn tuổi phục vụ cao nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 43/2007/NĐ-CP và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

1.6. Sĩ quan Công an nhân dân nghỉ việc hưởng lương hưu hàng tháng với mức lương hưu thấp hơn khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên mà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

b) Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành mà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên (không phụ thuộc vào tuổi đời).

2. Cách tính lương hưu hàng tháng

2.1. Sĩ quan Công an nhân dân nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng theo quy định tại các điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5 khoản 1 Mục này; cách tính lương hưu hàng tháng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội; sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ. Mức lương hưu hàng tháng tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 1: Đồng chí Nguyễn Thị K (nữ), là công nhân công an từ tháng 6/1983, được chuyển sang sĩ quan CMKT tháng 7/2001, cấp bậc hàm Thượng úy. Do yêu cầu công tác, đơn vị bố trí để đồng chí K nghỉ việc từ tháng 7/2007. Đồng chí K có 24 năm 02 tháng công tác trong Công an nhân dân (24 năm 02 tháng đóng bảo hiểm xã hội) nên đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí hàng tháng. Tỷ lệ lương hưu hàng tháng của đồng chí K được tính như sau:

- 15 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 24: 9 năm x 3% năm = 27%.

Tổng cộng bằng 72%.

2.2. Sĩ quan Công an nhân dân nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức lương hưu thấp hơn quy định tại điểm 1.6 khoản 1 Mục này; cách tính lương hưu hàng tháng thực hiện như hướng dẫn tại điểm 2.1 khoản này nhưng cứ mỗi năm nghỉ việc hưởng lương hưu trước 55 tuổi đối với nam, trước 50 tuổi đối với nữ (nếu thuộc tiết a điểm 1.6 khoản 1 Mục này) hoặc trước 50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ (nếu thuộc tiết b điểm 1.6 khoản 1 Mục này) thì tỷ lệ lương hưu giảm đi 1%. Mức lương hưu hàng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung.

Ví dụ 2: Đồng chí Lê Văn X, Đại úy, sinh tháng 03/1963, có 22 năm 8 tháng đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có 16 năm làm trinh sát hình sự (được xếp lao động loại V theo Quyết định số 44/LĐTBXH-QĐ ngày 29/01/1997 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), suy giảm khả năng lao động 63%, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí với mức lương hưu thấp hơn từ tháng 7/2007. Tỷ lệ % hưởng lương hưu hàng tháng của đồng chí X được tính như sau:

- Tỷ lệ % lương hưu hàng tháng tính theo hướng dẫn tại điểm 2.1 khoản này; 22 năm 8 tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 61%.

- Tỷ lệ % phải giảm do nghỉ hưu trước 50 tuổi (đồng chí X sinh tháng 3/1963, vào thời điểm nghỉ việc hưởng lương hưu, đồng chí X bước sang tuổi 45):

(50 tuổi - 45 tuổi) x 01% = 5%

Tỷ lệ % lương hưu hàng tháng của đồng chí X là:

61% - 5% = 56%.

2.3. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu của sĩ quan Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP.

III. CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI SĨ QUAN, HẠ SĨ QUAN CÔNG AN NHÂN DÂN CHUYỂN NGÀNH

1. Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước) và công ty nhà nước (công ty nhà nước là những công ty thuộc phạm vi áp dụng hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ) được thực hiện các chế độ sau:

1.1. Về miễn thi tuyển và ưu tiên trong thi tuyển

a) Được miễn thi tuyển gồm các trường hợp:

- Nguyên là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước được chuyển về cơ quan, đơn vị, công ty nhà nước đã công tác trước khi được tuyển vào Công an nhân dân;

- Chuyển ngành theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị nhà nước có thẩm quyền, được sắp xếp làm việc phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ.

b) Nếu tham dự thi tuyển công chức thì được ưu tiên cộng thêm 10 điểm vào tổng kết quả thi tuyển.

1.2. Việc xếp lương, bảo lưu lương và hưởng lương của Sỹ quan, hạ sỹ quan chuyển ngành vào làm việc trong biên chế tại cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, công ty nhà nước thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 18 Nghị định số 43/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

a) Sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên ngành vào làm việc tại cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thực hiện xếp lương, bảo lưu lương và hưởng lương theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 06/2006/TTLT-BCA-BNV-BTC ngày 10/10/2006 của Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 289/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tiền lương và phụ cấp đối với sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương thuộc Công an nhân dân chuyển ngành;

b) Sỹ quan, hạ sỹ quan chuyển ngành vào làm việc trong công ty nhà nước được xếp lương theo công việc mới kể từ ngày có quyết định chuyển ngành theo nguyên tắc: làm công việc gì xếp lương theo công việc đó, giữ chức vụ gì xếp lương theo chức vụ đó. Cơ sở để xếp lương căn cứ vào công việc được giao; chức danh, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân; chức danh tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, hạng công ty được xếp hạng và thang lương, bảng lương công ty được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004, Nghị định số 141/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ, cụ thể:

- Nếu được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý (Chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng) thì thực hiện chuyển xếp lương như đối với viên chức quản lý mới được bổ nhiệm trong công ty nhà nước theo quy định tại điểm d khoản 2 Mục III Thông tư liên tịch số 23/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/8/2005 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và quy định tại điểm b khoản 1.2.1 Mục II Thông tư số 19/2007/TT-BLĐTBXH ngày 04/10/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

- Nếu làm công nhân, nhân viên trực tiếp hoặc phục vụ sản xuất, kinh doanh, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, nhân viên thừa hành, phục vụ thì thực hiện chuyển xếp lương như đối với người lao động ở khu vực khác chuyển đến làm việc ở công ty nhà nước quy định tại điểm b khoản 1.1 Mục II Thông tư số 19/2007/TT-BLĐTBXH ngày 04/10/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

c) Trường hợp hệ số lương mới được xếp thấp hơn hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của sỹ quan, hạ sỹ quan hưởng trước khi chuyển ngành thì được bảo lưu hệ số chênh lệch giữa hệ số lương cũ với hệ số lương mới trong thời gian tối thiểu 18 tháng, kể từ ngày có quyết định chuyển ngành. Trong thời gian hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu, nếu được nâng bậc lương thì hệ số chênh lệch bảo lưu được giảm tương ứng; nếu hệ số lương được nâng bằng hoặc cao hơn hệ số lương trước khi chuyển ngành thì thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ khi được nâng bậc lương.

1.3. Trường hợp được điều động trở lại phục vụ trong Công an nhân dân thì thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước ngoài Công an nhân dân được tính vào thời gian công tác liên tục để xét thăng cấp bậc hàm hoặc nâng lương.

Ví dụ 3: Đồng chí Phạm Văn C, Trung tá, Phó trưởng Công an huyện, vào Công an nhân dân tháng 5/1980. Tháng 6/2002, đồng chí C có quyết định chuyển ngành sang UBND huyện. Tháng 7/2007, đồng chí C được điều động trở lại công tác trong Công an nhân dân giữ chức vụ Trưởng phòng Công an tỉnh T. Như vậy: Thời gian công tác tại UBND huyện (từ tháng 6/2002 đến tháng 6/2007) của đồng chí C được tính vào thời gian công tác liên tục, nếu đồng chí C đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định thì được xét thăng cấp bậc hàm Thượng tá.

1.4. Cách tính lương hưu hàng tháng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân chuyển ngành thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 34 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Được lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian công tác trong Công an nhân dân của mức lương sĩ quan, hạ sỹ quan tại thời điểm chuyển ngành. Khi tính mức bình quân tiền lương này, được điều chỉnh theo chế độ tiền lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ và quy định về mức lương tối thiểu chung tại thời điểm hưởng lương hưu hoặc nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.

Ví dụ 4: Đồng chí Nguyễn Văn T, sinh tháng 9/1947, Đại úy, có 14 năm 10 tháng được tính thâm niên nghề, chuyển ngành được bố trí làm kiểm sát viên, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí từ tháng 01/10/2007; có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 38 năm. Đồng chí T có diễn biến tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối như sau:

- Từ tháng 10/2002 đến tháng 9/2005 = 36 tháng hệ số lương cũ 5,18 chuyển đổi sang hệ số lương mới là 6,44:

450.000 đồng/tháng x 6,44 x 36 tháng = 104.328.000 đồng

- Từ tháng 10/2005 đến tháng 9/2007 = 24 tháng hệ số lương mới 6,78:

450.000 đồng/tháng x 6,78 x 24 tháng = 73.224.000 đồng

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu:

104.328.000 đồng + 73.224.000 đồng

= 2.959.200 đồng/tháng

60 tháng

- Phụ cấp thâm niên nghề của đồng chí T tại thời điểm chuyển ngành được cộng vào mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính lương hưu như sau:

Đại úy có hệ số lương (theo chế độ tiền lương tại thời điểm tháng 10/2007) bằng 5,40:

450.000 đồng/tháng x 5,40 x 14% = 340.200 đồng/tháng

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính lương hưu của đồng chí T là:

2.959.200 đồng/tháng + 340.200 đồng/tháng = 3.299.400 đồng/tháng

- Lương hưu hằng tháng của đồng chí T là:

3.299.400 đồng/tháng x 75% = 2.474.550 đồng/tháng.

b) Trường hợp mức lương hưu tính theo tiết a điểm này thấp hơn mức lương hưu tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của sĩ quan, hạ sĩ quan tại thời điểm chuyển ngành, thì được lấy tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển ngành chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ và quy định về mức lương tối thiểu chung tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.

Ví dụ 5: Đồng chí Lê Văn A, sinh tháng 4/1948, nguyên Thiếu tá, có 20 năm 7 tháng được tính thâm niên nghề, chuyển ngành tháng 8/1995 được bố trí làm Thẩm phán Tòa án huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Tháng 4/2008 nghỉ hưởng chế độ hưu trí. Đồng chí A có mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi chuyển ngành và trước khi nghỉ hưu như sau:

- Trước khi chuyển ngành:

+ Từ tháng 9/1990 đến tháng 7/1994 = 47 tháng, Đại úy, hệ số lương cũ 4,15 chuyển đổi hệ số lương mới 5,40; thâm niên nghề 19%:

450.000 đồng/tháng x 5,40 x 1,19 x 47 tháng = 135.909.900 đồng

+ Từ tháng 8/1994 đến tháng 8/1995 = 13 tháng, Thiếu tá, hệ số lương cũ 4,80, chuyển đổi hệ số lương mới 6,0; thâm niên nghề 20%:

450.000 đồng/tháng x 6,00 x 1,20 x 13 tháng = 42.120.000 đồng

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi chuyển ngành:

135.909.900 đ/tháng + 42.120.000 đ/tháng

= 2.967.165 đồng/tháng

60 tháng

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu:

+ Mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu của đồng chí A là: 1.933.909 đồng/tháng.

+ Phụ cấp thâm niên nghề trước khi chuyển ngành, chuyển đổi theo chế độ tiền lương mới là:

450.000 đồng/tháng x 6,0 x 20% = 540.000 đồng/tháng.

Tổng cộng: 1.933.909 đồng/tháng + 540.000 đồng/tháng = 2.473.909 đồng/tháng.

Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu của đồng chí A tại thời điểm nghỉ hưu thấp hơn mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển ngành. Do đó, đồng chí A được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển ngành (2.967.165 đồng/tháng) làm cơ sở tính lương hưu.

2. Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyển sang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khác không hưởng lương từ ngân sách nhà nước (ngoài quy định tại khoản 1 Mục này), được hưởng các chế độ sau:

2.1. Được hưởng trợ cấp xuất ngũ một lần từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 43/2007/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 2 Mục IV Thông tư này.

2.2. Được trợ cấp một lần từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP. Nếu tự nguyện không nhận trợ cấp từ quỹ bảo hiểm xã hội thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước khi chuyển ngành, được cơ quan Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân xác nhận trong sổ Bảo hiểm xã hội trước khi chuyển ra ngoài Công an nhân dân và được thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc và quy định khác của pháp luật hiện hành.

IV. CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI SĨ QUAN, HẠ SĨ QUAN CÔNG AN NHÂN DÂN THÔI PHỤC VỤ TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN MÀ KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN NGHỈ HƯU HOẶC KHÔNG CHUYỂN NGÀNH

1. Trợ cấp tạo việc làm, học nghề

1.1. Trợ cấp tạo việc làm bằng 06 tháng mức lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ tại thời điểm xuất ngũ.

1.2. Nếu có nguyện vọng học nghề hoặc tìm việc làm thì đơn vị hoặc Công an cấp huyện và tương đương (nơi sĩ quan, hạ sĩ quan cư trú) có trách nhiệm giới thiệu đến các trung tâm dịch vụ việc làm của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức kinh tế - xã hội khác để được học nghề hoặc giới thiệu việc làm.

Các trung tâm dịch vụ việc làm của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức kinh tế - xã hội khác có trách nhiệm ưu tiên tiếp nhận sĩ quan, hạ sĩ quan xuất ngũ vào học nghề hoặc giới thiệu việc làm.

1.3. Nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện quy định được ưu tiên đăng ký xét tuyển đi lao động ở nước ngoài theo thỏa thuận của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

2. Trợ cấp xuất ngũ một lần

Trợ cấp xuất ngũ một lần được tính bằng cách lấy số năm công tác thực tế tính theo năm dương lịch (không quy đổi) nhân với 01 tháng tiền lương và phụ cấp (nếu có) hiện hưởng.

2.1. Thời gian để tính hưởng chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần là tổng thời gian công tác trong Công an nhân dân (bao gồm thời gian là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên, công nhân, viên chức Công an nhân dân) chưa được giải quyết chế độ xuất ngũ cộng với thời gian công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội, đoàn thể ở Trung ương, địa phương và thời gian làm hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội mà chưa được giải quyết chế độ thôi việc.

Thời gian để tính hưởng trợ cấp xuất ngũ nếu có tháng lẻ thì tính như sau:

- Dưới 03 tháng không được tính để hưởng trợ cấp;

- Từ đủ 03 tháng đến đủ 06 tháng được tính bằng 1/2 năm công tác;

- Từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng được tính bằng 1 năm công tác.

2.2. Tiền lương để tính trợ cấp xuất ngũ một lần gồm: Lương cấp bậc hàm hoặc lương ngạch, bậc và các khoản phụ cấp: chức vụ, thâm niên nghề, thâm niên vượt khung, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) đang hưởng tại thời điểm xuất ngũ.

Ví dụ 6: Đồng chí Nguyễn Văn M, công tác tại UBND huyện T từ tháng 5/1990 đến tháng 6/1995, vào Công an nhân dân tháng 7/1995, xuất ngũ ngày 01/8/2007 với cấp bậc hàm Đại úy (HSL: 5,4). Trợ cấp xuất ngũ một lần của đồng chí M được tính như sau:

- Thời gian công tác thực tế của đồng chí M (từ tháng 5/1990 đến tháng 7/2007) là 17 năm 03 tháng, được tính để hưởng trợ cấp là 17,5 tháng.

- Tiền lương của đồng chí M:

+ Lương Đại úy: 450.000 đồng/tháng x 5,4 = 2.430.000 đồng/tháng

+ Phụ cấp thâm niên: 2.430.000 đồng x 12% = 291.600 đồng/tháng

Cộng = 2.721.600 đồng/tháng

- Trợ cấp xuất ngũ một lần:

2.721.600 đồng/tháng x 17,5 tháng = 47.628.000 đồng.

3. Được cấp tiền tàu xe (loại thông thường theo quy định của Bộ Tài chính) từ đơn vị về nơi cư trú.

4. Ngoài các chế độ nói trên, sĩ quan, hạ sĩ quan xuất ngũ còn được hưởng trợ cấp một lần từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP. Mức trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần tính theo thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội: Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

5. Sĩ quan, hạ sĩ quan đã xuất ngũ về địa phương trong thời gian không quá 1 năm (không quá 12 tháng) kể từ ngày quyết định xuất ngũ có hiệu lực, nếu tìm được việc làm mới và có yêu cầu chuyển ngành:

a) Trường hợp chuyển ngành sang cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, công ty nhà nước theo quy định tại khoản 1 Mục III Thông tư này thì thủ trưởng đơn vị cũ thu hồi quyết định xuất ngũ và ra quyết định chuyển ngành (theo phân cấp quản lý cán bộ hiện hành của Bộ Công an). Khi ra quyết định chuyển ngành phải thu hồi khoản trợ cấp xuất ngũ một lần quy định tại khoản 2 Mục này trả lại ngân sách và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần quy định tại khoản 4 Mục này nộp về cơ quan Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân để hoàn trả lại quỹ bảo hiểm xã hội và đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội Công an nhân dân xác nhận trong sổ bảo hiểm xã hội;

b) Trường hợp chuyển sang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khác không hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 2 Mục III Thông tư này; nếu có nguyện vọng tính nối thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước khi xuất ngũ thì đơn vị cũ thu hồi khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần quy định tại khoản 4 Mục này nộp về cơ quan Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân để hoàn trả lại quĩ bảo hiểm xã hội và đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội Công an nhân dân xác nhận trong sổ bảo hiểm xã hội.

V. QUY ĐỔI THỜI GIAN ĐỂ TÍNH HƯỞNG TRỢ CẤP MỘT LẦN KHI SĨ QUAN NGHỈ HƯU, CHUYỂN NGÀNH, THÔI PHỤC VỤ TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

1. Điều kiện và mức quy đổi thời gian

1.1. Sĩ quan Công an nhân dân có thời gian công tác ở địa bàn hoặc công việc có tính chất đặc thù thì được quy đổi thời gian đó để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong Công an nhân dân như sau:

a) Thời gian công tác ở địa bàn có phụ cấp đặc biệt mức 100% hoặc làm công việc đặc thù được xếp loại lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (lao động loại V, VI) theo danh mục nghề, công việc của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế thì thời gian đó được quy đổi 1 năm bằng 1 năm 4 tháng;

b) Thời gian công tác ở địa bàn có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc làm công việc đặc thù được xếp loại lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (lao động loại IV) theo danh mục nghề, công việc của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế thì thời gian đó được quy đổi 1 năm bằng 1 năm 2 tháng.

1.2. Sĩ quan Công an nhân dân có thời gian phục vụ trong Quân đội nhân dân thì thời gian phục vụ trong Quân đội được tính quy đổi theo những quy định về chế độ, chính sách đối với sĩ quan Quân đội thôi phục vụ tại ngũ; sĩ quan Quân đội chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc chuyển sang công nhân, viên chức Quốc phòng.

1.3. Trường hợp trong cùng một thời gian công tác, nếu có đủ 02 hoặc 03 điều kiện nêu trên thì chỉ thực hiện điều kiện có mức quy đổi cao nhất. Thời gian công tác quy đổi nếu có đứt quãng thì được cộng dồn để tính thời gian tăng thêm.

2. Cách tính quy đổi thời gian

2.1. Thời gian để tính quy đổi theo các điều kiện nêu ở khoản 1 Mục này là thời gian công tác trong Công an nhân dân hoặc Quân đội nhân dân (nếu có) mà chưa quy đổi để hưởng chế độ trợ cấp một lần.

2.2. Thời gian công tác ở địa bàn trước đây chưa được cơ quan có thẩm quyền quy định mà nay được cơ quan có thẩm quyền quy định mức phụ cấp đặc biệt 100% hoặc phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì thời gian công tác ở địa bàn đó được tính là thời gian công tác được quy đổi.

2.3. Thời gian công tác ở địa bàn trước đây được quy định mức phụ cấp đặc biệt 100% hoặc phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên (đủ điều kiện tính quy đổi) nhưng sau đó, cơ quan có thẩm quyền quy định lại phụ cấp đặc biệt dưới mức 100% hoặc phụ cấp khu vực hệ số dưới 0,7 (không đủ điều kiện tính quy đổi) thì thời gian công tác ở địa bàn từ trước ngày có quy định mới được tính là thời gian công tác được quy đổi.

2.4. Thời gian trước đây làm nghề hoặc công việc mà nay được quy định là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì thực hiện theo quy định tại điểm 2 Mục II Thông tư số 11/LĐTBXH-TT, ngày 07/4/1997 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để làm căn cứ xác định thời gian công tác được quy đổi.

3. Tính trợ cấp một lần của thời gian tăng thêm do quy đổi

3.1. Mức trợ cấp: cứ mỗi năm (12 tháng) tăng thêm do quy đổi được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương và phụ cấp (nếu có) tại thời điểm sĩ quan nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong Công an nhân dân.

Thời gian tăng thêm do quy đổi nếu có tháng lẻ thì thực hiện như hướng dẫn tại điểm 2.1 khoản 2 Mục IV Thông tư này.

3.2. Tiền lương và phụ cấp để tính trợ cấp một lần gồm tiền lương cấp bậc hàm, lương ngạch, bậc và các khoản phụ cấp: chức vụ, thâm niên nghề, thâm niên vượt khung, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) tại thời điểm sĩ quan nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong Công an nhân dân.

Ví dụ 7: Đồng chí Trần Văn H, Thượng tá, nghỉ hưu tháng 5/2007 thời gian công tác thực tế là 35 năm 01 tháng. Trong đó có 03 năm là bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam (từ 5/1972 - 4/1975); từ tháng 5/1975 chuyển ngành sang Công an nhân dân, có 20 năm là trinh sát hình sự (từ 5/1975 - 4/1995). Tính quy đổi thời gian của đồng chí H như sau:

- 03 năm chiến đấu ở miền Nam (theo quy định tại Nghị định số 04/2001/NĐ-CP ngày 16/01/2001 của Chính phủ), mỗi năm tăng thêm 6 tháng: 3 x 6 tháng = 18 tháng.

- 20 năm là trinh sát hình sự (được xếp lao động loại V theo Quyết định số 44/LĐTBXH-QĐ ngày 29/01/1997 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH), mỗi năm tăng thêm 4 tháng: 20 x 4 tháng = 80 tháng.

Tổng thời gian tăng thêm của đồng chí H là:

18 tháng + 80 tháng = 98 tháng = 8 năm 02 tháng

Trợ cấp 1 lần của thời gian tăng thêm do quy đổi của đồng chí H khi nghỉ hưu là:

+ Tiền lương đang hưởng trước khi nghỉ hưu:

450.000 đồng/tháng x 7,3 x 1,35 (TNN) = 4.434.750 đồng/tháng.

+ Trợ cấp 1 lần:

4.434.750 đồng/tháng x 8 năm = 35.478.000 đồng

VI. CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI SĨ QUAN, HẠ SĨ QUAN CÔNG AN NHÂN DÂN CHUYỂN SANG CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC CÔNG AN NHÂN DÂN

1. Về chuyển xếp lương

Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân thuộc diện chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân được xếp lương theo công việc mới đảm nhận.

Trường hợp hệ số lương theo công việc mới đảm nhiệm thấp hơn hệ số mức lương của sĩ quan, hạ sĩ quan tại thời điểm chuyển diện bố trí thì được bảo lưu hệ số chênh lệch giữa mức lương của sĩ quan, hạ sĩ quan so với hệ số mức lương mới cho đến khi được nâng lương bằng hoặc cao hơn.

2. Về chế độ trợ cấp một lần của thời gian tăng thêm do quy đổi

Sĩ quan chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân được thực hiện chế độ trợ cấp một lần của thời gian tăng thêm do quy đổi quy định tại Mục V Thông tư này. Trường hợp được chuyển lại diện bố trí sĩ quan thì thời gian đã tính quy đổi để hưởng trợ cấp một lần trước đây không được tính.

3. Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân khi nghỉ hưu được thực hiện cách tính lương hưu như hướng dẫn tại điểm 1.4 khoản 1 Mục III Thông tư này.

VII. NGUỒN KINH PHÍ ĐẢM BẢO

1. Ngân sách nhà nước đảm bảo:

- Trợ cấp tạo việc làm, tiền tàu xe, trợ cấp xuất ngũ một lần quy định tại các khoản 1, 2, 3 Mục IV Thông tư này;

- Chi trả đào tạo, chi trả phần chênh lệch do bảo lưu tiền lương của sĩ quan, hạ sĩ quan chuyển ngành sang cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước;

- Chi trả một lần đối với thời gian quy đổi nêu tại Mục V Thông tư này;

- Chi trả phần chênh lệch do bảo lưu tiền lương của sĩ quan, hạ sĩ quan chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân.

Kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách trên được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

2. Công ty nhà nước đảm bảo:

- Chi trả phần chênh lệch do bảo lưu lương;

- Chi trả đào tạo của sĩ quan, hạ sĩ quan sau khi chuyển ngành sang Công ty nhà nước.

Kinh phí đảm bảo trên được hạch toán vào giá thành sản phẩm hoặc chi phí kinh doanh.

3. Quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo:

- Lương hưu và trợ cấp một lần khi nghỉ hưu;

- Trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đã chuyển ngành hoặc đã chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân mà nghỉ hưu sau ngày Nghị định số 43/2007/NĐ-CP ngày 26/3/2007 của Chính phủ có hiệu lực thi hành được thực hiện cách tính lương hưu quy định điểm 1.4 khoản 1 Mục III Thông tư này.

2. Đơn vị trực tiếp quản lý sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân có trách nhiệm giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư này trước khi sĩ quan, hạ sĩ quan nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong Công an nhân dân.

3. Thủ tục hồ sơ xét hưởng chế độ hưu trí, chế độ bảo hiểm xã hội một lần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân quy định tại Thông tư này, thực hiện theo quy định của Pháp luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

Hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp tạo việc làm, chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần, chế độ trợ cấp một lần của thời gian tăng thêm do quy đổi, chế độ chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công an.

4. Các chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân khi nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong Công an nhân dân; chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân và quy đổi thời gian để hưởng trợ cấp một lần khi sĩ quan nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong Công an nhân dân được thực hiện kể từ ngày Nghị định số 43/2007/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (30/4/2007).

5. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các chế độ, chính sách áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân khi nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong Công an nhân dân, chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về liên Bộ (qua Bộ Công an) để nghiên cứu giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Lê Bạch Hồng

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
THƯỢNG TƯỚNG




Nguyễn Khánh Toàn

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Trần Hữu Thắng

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC-BNV ngày 15/01/2008 hướng dẫn chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong Công an nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân do Bộ Công an - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


11.629

DMCA.com Protection Status
IP: 3.137.166.61
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!