BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 703 KB/KH-TH
V/v hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số
06 ngày 10/4/2002
|
Hà
Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2002
|
Kính
gửi: Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện Thông tư liên tịch số
06/2002/TT-LT BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 10/4/2002 của Liên tịch Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn cơ chế
quản lý Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm và lập Quỹ giải quyết việc làm địa phương;
để việc thực hiện trong hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) được thống nhất, KBNN
TW hướng dẫn một số điểm như sau:
1/ Đối tượng vay vốn:
1.1. Đối tượng vay vốn là hộ gia đình
quy định tại điểm 1a mục 1 của Thông tư liên tịch được hiểu
như sau:
- Các hộ gia đình ở nông thôn, thành
thị, khu công nghiệp tập trung được người đại diện nhóm hộ gia đình hoặc đại diện
chính quyền đứng ra lập và đưa vào tham gia chương trình dự án.
- Các hộ gia đình quân nhân tại các
vùng kinh tế của quân đội được Bộ Quốc phòng tổng hợp thành dự án vay vốn.
- Thành viên các đoàn thể, tổ chức quần
chúng có nhu cầu vay vốn tạo việc làm, được các đoàn thể, tổ chức quần
chúng đưa vào tham gia chương trình dự án để tạo việc làm cho các thành viên của
mình.
1.2. Các đối tượng vay vốn quy định tại
điểm 1b mục 1 của Thông tư liên tịch phải đảm bảo các điều
kiện sau:
- Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực
tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại và dịch vụ; Tổ hợp sản xuất;
Hộ kinh doanh cá thể phải có giấy phép kinh doanh do cấp có thẩm quyền cấp.
- Cơ sở sản xuất kinh doanh dành
riêng cho lao động là người tàn tật có đủ các điều kiện quy định tại Điều 3 Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ
"quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động
về lao động là người tàn tật".
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động
theo Luật Doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi quy định tại Nghị định
số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ "về trợ giúp phát triển
doanh nghiệp nhỏ và vừa".
- Hộ gia đình và cá nhân làm kinh tế
trang trại có đủ tiêu chí quy định tại mục III Thông tư liên tịch
số 69/2000/BNN-TCTK ngày 23/6/2000 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông
thôn - Tổng cục Thống kê "hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại"
2/ Điều kiện vay vốn:
Trước khi phát tiền vay, các KBNN yêu
cầu người vay làm các thủ tục bảo lãnh tín chấp hoặc thế chấp tài sản theo quy
định tại Thể lệ cho vay từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm ban hành kèm theo
Quyết định số 48/1999/QĐ-BTC ngày 11/5/1999 của Bộ Tài chính.
Riêng đối với các đối tượng vay là hộ
gia đình có mức vay từ 15 triệu đồng trở xuống, trước khi nhận tiền vay chỉ cần
có sự bảo lãnh tín chấp của cấp có thẩm quyền; các KBNN không được tự ý yêu cầu
hộ vay làm thêm thủ tục thế chấp tài sản khi vay vốn, hoặc đặt ra mức vay tín
chấp dưới 15 triệu đồng trái với quy định của Liên Bộ. Trường hợp nếu hộ vay
không được cấp có thẩm quyền bão lãnh tín chấp và tự nguyện đề nghị KBNN thay bằng
thủ tục thế chấp tài sản thì KBNN giải quyết theo đề nghị của hộ vay (nếu người
đứng tên vay có đủ các điều kiện về tài sản thế chấp).
3/ Mức vốn cho vay:
Theo quy định tại điểm
4 mục I của Thông tư liên tịch, mức vốn cho vay được quy định như sau:
- Đối với hộ gia đình, mức vay tối đa
không quá 15 triệu đồng và ít nhất phải tạo ra 1 chỗ làm việc mới hoặc tăng
thêm thời gian làm việc tương ứng với 1 lao động (không quy định mức vay tối đa
với dự án có nhiều hộ).
- Đối với các đối tượng vay nêu tại điểm
1.2 công văn này, mức vay tối đa không quá 200 triệu đồng dự án và không qúa 15
triệu đồng trên một chỗ làm việc thường xuyên được thu hút mới.
Theo quy định tại điểm
10 mục I của Thông tư liên tịch: KBNN chịu trách nhiệm về điều kiện vay và
mức vay; do vậy, trong quá trình thẩm định dự án trước khi trình cấp có thẩm
quyền phê duyệt, KBNN cần xem xét cụ thể đối tượng vay, nhu cầu vay, nội dung sử
dụng vốn vay và các điều kiện vay vốn để định ra mức vay sao cho phù hợp với thực
tế của từng dự án.
4/ Thời hạn vay vốn:
4.1. Một đối tượng vay chỉ áp dụng
theo một loại thời hạn cho vay, trường hợp nếu có nhiều nội dung sử dụng vốn
theo các thời hạn khác nhau thì thời hạn cho vay được xác định theo loại sử dụng
vốn có tỷ trọng cao nhất.
Ví dụ 1: Ông A có nhu cầu
xin vay 15 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình, gồm nhiều nội dung sử dụng
vốn khác nhau, trong đó:
- Vay 10 triệu đồng (tỷ trọng vốn vay
là 10/15 = 67%) mục đích chăn nuôi bò sữa, áp dụng thời hạn cho vay là 36
tháng.
- Vay 3 triệu đồng (tỷ trọng vốn vay là
3/15 = 20%) mục đích chăn nuôi gia súc, gia cầm, áp dụng thời hạn cho vay 12
tháng.
- Vay 2 triệu đồng (tỷ trọng vốn vay
là 2/15 = 13%) mục đích trồng một số loại cây ăn quả, áp dụng thời hạn cho vay
60 tháng.
Như vậy, khoản vay 15 triệu đồng của
Ông A gồm nhiều nội dung sử dụng vốn khác nhau, trong đó vốn vay để chăn nuôi
bò sữa có tỷ trọng cao nhất (67%), nêu thời hạn cho vay chung của khoản vay này
được xác định theo mục đích chăn nuôi bò sữa là 36 tháng.
Ví dụ 2: Ông B chủ
doanh nghiệp có dự án xin vay 200 triệu đồng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh
doanh, trong đó:
- Vay 150 triệu đồng (tỷ trọng vốn
vay là 150/200 = 75%) mục đích đầu tư mua thiết bị máy móc, áp dụng thời hạn
cho vay 36 tháng.
- Vay 50 triệu đồng (tỷ trọng vốn vay
là 50/200 = 25%) mục đích bổ sung vốn lưu động, áp dụng thời hạn cho vay 12
tháng.
Vậy, dự án xin vay 200 triệu đồng của
Ông B gồm nhiều nội dung sử dụng vốn, trong đó vay để đầu tư mua thiết bị máy
móc có tỷ trọng cao nhất (75%), nên thời hạn cho vay chung của dự án này được
xác định là 36 tháng.
4.2. Một dự án có nhiều hộ vay, gồm
nhiều nội dung sử dụng vốn theo các thời hạn khác nhau thì thời hạn cho vay của
dự án được xác định riêng theo từng loại sử dụng vốn.
Ví dụ 3: Ông C là Chủ tịch
xã được chỉ định làm chủ dự án gồm 30 hộ gia đình, tổng số vốn xin vay là 300
triệu đồng, gồm nhiều nội dung sử dụng vốn khác nhau. Thời hạn cho vay được xác
định như sau:
- Có 15 hộ xin vay với tổng số vốn
150 triệu đồng để chăn nuôi bò sữa, thời hạn cho vay áp dụng riêng cho 15 hộ
này là 36 tháng.
- Có 10 hộ xin vay với tổng số vốn
120 triệu đồng để nuôi thủy, hải sản, con đặc sản, thời hạn cho vay áp dụng
riêng cho 10 hộ này là 24 tháng.
- Có 05 hộ xin vay với tổng số vốn 30
triệu đồng để chăn nuôi gia súc, gia cầm, thời hạn cho vay áp dụng riêng cho 05
hộ này là 12 tháng.
5/ Thẩm quyền ra Quyết định duyệt
cho vay:
- Đối với dự án địa phương quản lý:
thẩm quyền ra quyết định phê duyệt dự án là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực
thuộc TW hoặc Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (nếu
được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương uỷ quyền).
- Đối với dự án Trung ương quản lý:
thẩm quyền ra quyết định duyệt dự án là Thủ trưởng cơ quan Trung ương của tổ chức
đoàn thể, hội quần chúng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đối với các dự án vay vốn do
Bộ Quốc phòng quản lý).
Các KBNN không được cho vay đối với
các dự án nếu không được cơ quan có thẩm quyền nói trên phê duyệt, hoặc cơ quan
thẩm quyền phê duyệt dự án trái với quy định tại điểm 8 mục I của
Thông tư liên tịch.
6/ Thủ tục phát tiền vay:
- Trước khi phát tiền vay, KBNN cùng
người vay lập hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng uỷ thác cho vay (các mẫu số
01/CT120, 02/CT120, 03/CT120 kèm theo công văn số 385KB/KH-TH ngày 11/05/1999 của
KBNN TW). Hợp đồng tín dụng được thành lập 03 bản: KBNN giữ 02 bản (lưu tín dụng,
kế toán), bên vay giữ 01 bản.
- Đơn đề nghị nhận tiền vay (mẫu
số 04/CT120 kèm theo công văn số 385 KB/KH-TH ngày 11/05/1999 của KBNN TW) chỉ
áp dụng đối với các dự án nhận tiền vay nhiều lần, không áp dụng đối với dự án
nhận tiền vay một lần.
- Dự án đã được duyệt, KBNN có trách
nhiệm hướng dẫn người vay làm các thủ tục theo quy định. Trong phạm vi 10 ngày
(kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ) KBNN có trách nhiệm giải ngân kịp thời nguồn
vốn. Nếu không cho vay được KBNN có văn bản nêu rõ lý do để thông báo cho chủ dự
án và cơ quan ra Quyết định cho vay có biện pháp giải quyết.
7/ Chuyển vốn cho vay:
Ngày quý, căn cứ dự toán được giao,
KBNN TW có trách nhiệm đề nghị Bộ Tài chính làm thủ tục chuyển vốn cho KBNN TW
theo quy định để làm nguồn vốn cho vay.
- Đối với KBNN TW: Căn cứ nguồn vốn
nhận được, kế hoạch vốn phân bổ cho các địa phương và tình hình cho vay, thu nợ
tại các KBNN (đối với dự án địa phương quản lý), hoặc quyết định phê duyệt dự
án của cơ quan Trung ương các tổ chức đoàn thể (đối với dự án Trung ương
quản lý) để làm căn cứ chuyển vốn cho các KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương.
- Đối với KBNN tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương: căn cứ kế hoạch phân bổ vốn cho các quận, huyện, thị xã,
thành phố trực thuộc tỉnh và tình hình cho vay, thu nợ tại các KBNN quận, huyện
thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh để điều chuyển nguồn vốn cho vay giữa Văn
phòng KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các KBNN quận, huyện, thị
xã thành phố trực thuộc tỉnh sao cho phù hợp với quyết định phê duyệt dự án của
cấp có thẩm quyền.
8/ Báo cáo, quyết toán:
Hàng tháng, quý và năm, các KBNN có
trách nhiệm tổng hợp báo cáo quyết toán với KBNN cấp trên và các cơ quan liên
quan theo các chỉ tiêu và mẫu biểu quy định tại các văn bản sau đây.
- Báo cáo cho vay, thu nợ, báo
cáo quyết toán nguồn vốn cho vay thực hiện theo quy định tại công văn số 385
KB/KH-TH ngày 11/05/1999.
- Báo cáo thu và phân phối tiền lãi,
tạm ứng và hoàn trả tạm ứng chi phí thu nợ quá hạn thực hiện theo quy định tại
công văn số 1463KB/KH-TH ngày 19/10/2001.
Các KBNN căn cứ Thông tư liên tịch số
06/2002/TT-LT ngày 10/4/2002 của Liên Bộ, Thể lệ cho vay từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ
việc làm ban hành kèm theo Quyết định số 48/1999/QĐ-BTC ngày 11/5/1999 của Bộ
Tài chính, công văn hướng dẫn số 385KB/KH-TH ngày 11/05/1999 của KBNN TW và nội
dung hướng dẫn tại công văn này để thực hiện. Nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh
kịp thời về KBNN TW để giải quyết./.
|
KT.
TỔNG GIÁM ĐỐC KHO BẠC NHÀ NƯỚC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Trần Xuân Trí
|