THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
106/2005/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày
16 tháng 5 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VIỆT NAM GIAI
ĐOẠN 2005 - 2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng
12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến
lược xây dựng Gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010 với những nội dung chủ yếu
sau đây:
1. Quan điểm:
a) Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng
quyết định sự phát triển bền vững của xã hội, sự thành công của sự nghiệp Công
nghiệp hoá, Hiện đại hoá đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Xây dựng gia
đình Việt Nam ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, tiến bộ,
bình đẳng, hạnh phúc là động lực của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
trong thời kỳ Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá đất nước.
b) Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước,
sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, gia đình và cá nhân
là yếu tố quyết định sự thành công của công tác gia đình.
c) Gia đình có trách nhiệm với các thành viên và
với xã hội. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của
gia đình.
d) Giáo dục và xây dựng gia đình luôn kế thừa,
giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn
liền với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
đ) Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển
bền vững. Nhà nước ưu tiên bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của
toàn xã hội và tranh thủ sự trợ giúp của quốc tế cho công tác gia đình.
2. Mục tiêu của Chiến lược:
a) Mục tiêu chung:
Từng bước ổn định, củng cố và xây dựng gia đình
ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh
phúc.
b) Các mục tiêu cụ thể:
- Mục tiêu 1: Củng cố, ổn định gia đình trên cơ
sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam,
tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển;
thực hiện quy mô gia đình ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con); thực
hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt
là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và người
cao tuổi.
Các chỉ tiêu cơ bản cần đạt được vào năm 2010:
Chỉ tiêu 1: Tăng tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn
gia đình văn hóa lên 80%.
Chỉ tiêu 2: Mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai
con.
Chỉ tiêu 3: Tăng tỷ lệ nam, nữ thanh niên trước
khi kết hôn được trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình lên 80%.
Chỉ tiêu 4: Tăng tỷ lệ người cao tuổi trong gia
đình được con, cháu chăm sóc, phụng dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân
và gia đình lên 90 - 100%; trong trường hợp người cao tuổi không còn người chăm
sóc, phụng dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình hoặc có người
chăm sóc, phụng dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình nhưng
không đủ khả năng chăm sóc, phụng dưỡng thì được Nhà nước, cộng đồng hỗ trợ
nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chỉ tiêu 5: Tăng tỷ lệ gia đình thực hiện tốt
trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lên 90 - 100%.
- Mục tiêu 2: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị
trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách,
pháp luật hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn
sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; tăng cường phòng, chống bạo lực
trong gia đình; khuyến khích phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động
người dân xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.
Các chỉ tiêu cơ bản cần đạt được vào năm 2010:
Chỉ tiêu 1: Tăng tỷ lệ gia đình được tuyên truyền,
giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình trong ổn
định và phát triển xã hội lên 90 - 100%.
Chỉ tiêu 2: Giảm tỷ lệ tảo hôn của người dân thuộc
các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, bình quân hàng năm từ
10 - 15%.
Chỉ tiêu 3: Giảm tỷ lệ bạo lực trong gia đình,
bình quân hàng năm từ 10 - 15%.
Chỉ tiêu 4: Giảm tỷ lệ gia đình bị các tệ nạn xã
hội xâm nhập vào, bình quân hàng năm từ 10 - 15%.
- Mục tiêu 3: Nâng cao mức sống gia đình trên cơ
sở phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt
đối với các gia đình liệt sỹ, gia đình thương binh, gia đình bệnh binh, gia
đình của người dân thuộc các dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình ở vùng
sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Các chỉ tiêu cơ bản cần đạt được vào năm 2010:
Chỉ tiêu 1: Về cơ bản, không còn hộ gia đình
nghèo.
Chỉ tiêu 2: 100% gia đình liệt sỹ được hưởng chế
độ ưu đãi của Nhà nước; gia đình thương binh, gia đình bệnh binh, gia đình của
người dân thuộc các dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình ở vùng sâu, vùng
xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được Nhà
nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cộng đồng quan
tâm chăm sóc, hỗ trợ nâng cao mức sống về vật chất và tinh thần.
Chỉ tiêu 3: Tăng tỷ lệ gia đình có nhà ở lên
100%; giảm 50% gia đình ở nhà tạm.
Chỉ tiêu 4: Tăng tỷ lệ gia đình của người dân
thuộc các dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng
có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được tiếp cận đầy đủ
các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục và các phúc lợi xã hội khác lên 90%.
Chỉ tiêu 5: Tăng tỷ lệ dân cư ở nông thôn được
dùng nước sạch lên 85%.
3. Các giải pháp chủ yếu.
a) Lãnh đạo, tổ chức và quản lý.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự
chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác gia đình.
Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, cán
bộ làm công tác dân số, gia đình và trẻ em các cấp.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác
gia đình; xây dựng chính sách, luật pháp nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi
cho công tác gia đình.
Đẩy mạnh xã hội hoá công tác gia đình. Tăng cường
sự tham gia thực hiện Chiến lược của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã
hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, gia đình, cộng đồng và mọi người dân.
b) Truyền thông, giáo dục, vận động.
Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng
đồng và các thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ
Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá đất nước; thực hiện chủ trương của Đảng và pháp
luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; giúp các gia đình có kiến thức và kỹ
năng sống, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình,
kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và
tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
Xây dựng các loại hình truyền thông, giáo dục và
vận động phong phú, đa dạng phù hợp với từng khu vực, từng vùng, từng loại hình
gia đình và từng nhóm đối tượng.
Tăng cường sản xuất và nâng cao chất lượng sản
phẩm truyền thông.
c) Kinh tế gia đình.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ có liên
quan để góp phần củng cố, ổn định và phát triển kinh tế gia đình; có chính sách
ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình cho các gia đình liệt sỹ, gia đình
thương binh, gia đình bệnh binh, gia đình của người dân thuộc các dân tộc thiểu
số, gia đình nghèo, gia đình đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Thực hiện một số chính sách ưu tiên phát triển
kinh tế gia đình. Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc hỗ
trợ các gia đình phát triển kinh tế. Lồng ghép các chương trình và đẩy mạnh sự
hợp tác để phát triển kinh tế gia đình.
d) Mạng lưới dịch vụ gia đình và cộng đồng.
Xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống
dịch vụ gia đình và cộng đồng; tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được kiến
thức pháp luật, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phúc lợi xã hội.
Xây dựng, củng cố và nâng cao hệ thống dịch vụ
tư vấn về gia đình. Xây dựng và phát triển các loại hình dịch vụ về gia đình.
đ) Thực hiện chính sách ưu đãi, ưu tiên và trợ
giúp xã hội cho gia đình:
Thực hiện chính sách ưu đãi đối với các gia đình
liệt sỹ, gia đình thương binh, gia đình bệnh binh.
Thực hiện chính sách ưu tiên đối với các gia
đình thuộc dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa.
Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với các
gia đình gặp rủi ro, thiên tai, gia đình neo đơn, gia đình người tàn tật, gia
đình nghèo.
e) Nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Kế thừa và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học
về gia đình, nhằm bảo đảm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc tham mưu hoạch định
chính sách về gia đình.
Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ làm
công tác gia đình.
g) Hợp tác quốc tế.
Tăng cường và mở rộng hợp tác đa phương và song
phương để trao đổi kinh nghiệm và tranh thủ vận động nguồn lực hỗ trợ thực hiện
công tác gia đình.
h) Kinh phí thực hiện Chiến lược.
Nhà nước có chính sách ưu tiên bảo đảm kinh phí
từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động để thực hiện Chiến lược. Kinh phí thực
hiện Chiến lược được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các Bộ, cơ
quan có liên quan và các địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, các Bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương
chủ động tạo mọi điều kiện nhằm huy động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước.
4. Các đề án của Chiến lược:
a) Đề án tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành
vi giai đoạn 2005 - 2010.
b) Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình giai
đoạn 2005 - 2010.
c) Đề án nghiên cứu những vấn đề tổng thể về gia
đình để đề xuất xây dựng mô hình gia đình và giải pháp phát triển gia đình
trong giai đoạn Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá.
d) Đề án phát triển dịch vụ gia đình và cộng đồng
giai đoạn 2005 - 2010.
đ) Đề án phòng, chống bạo lực trong gia đình;
phòng, chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình giai đoạn 2005 - 2010.
e) Đề án nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ
làm công tác gia đình giai đoạn 2005 - 2010.
Điều 2. Tổ chức thực hiện.
1. Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá - Thông
tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Uỷ ban Dân tộc, các
Bộ, ngành khác có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược.
b) Căn cứ Chiến lược này, Uỷ ban Dân số, Gia
đình và Trẻ em chủ trì, phối hợp với các Bộ, các ngành có liên quan và Uỷ ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện
kế hoạch hoạt động hàng năm, phù hợp với Chiến lược này và kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của đất nước trong cùng thời kỳ; xây dựng và tổ chức thực hiện
các đề án quy định tại khoản 4 Điều 1 của Quyết định này theo quy định hiện
hành; hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược theo định
kỳ hàng năm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết tình hình thực hiện
Chiến lược vào năm 2007 và tổng kết tình hình thực hiện Chiến lược vào năm
2010.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ
quan khác có liên quan xây dựng để trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền
các văn bản quy phạm pháp luật về gia đình.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Uỷ
ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và các Bộ, ngành có liên quan đưa một số mục
tiêu của Chiến lược này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia
hàng năm và năm năm.
3. Bộ Tài chính hướng dẫn và kiểm tra các Bộ, ngành
có liên quan và các địa phương sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện Chiến lược
theo quy định hiện hành.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ
trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường các hoạt động phổ biến kiến
thức, khoa học, kỹ thuật nông nghiệp; xây dựng hệ thống dịch vụ ở nông thôn nhằm
đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, chế biến và tiêu dùng để hỗ trợ
cho các gia đình phát triển kinh tế gia đình.
5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện
có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo và việc làm; chính sách, chế độ ưu
đãi đối với gia đình liệt sỹ; chính sách bảo trợ xã hội; phối hợp với Uỷ ban
Dân số, Gia đình và Trẻ em và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực
hiện đề án "phòng, chống bạo lực trong gia đình, phòng, chống sự xâm nhập
của tệ nạn xã hội vào gia đình giai đoạn 2005 - 2010" quy định tại điểm đ
khoản 4 Điều 1 của Quyết định này theo quy định hiện hành.
6. Bộ Tư pháp thống nhất quản lý công tác trợ
giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; hướng dẫn và kiểm tra hoạt động hòa
giải ở cơ sở liên quan đến gia đình.
7. Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với
Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Bộ Tư pháp và Uỷ ban Dân tộc tổ chức tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, giáo dục về phong
tục, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực
hôn nhân và gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
8. Uỷ ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Uỷ ban
Dân số, Gia đình và Trẻ em, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá - Thông tin tăng cường phổ
biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình cho người dân thuộc các dân tộc
thiểu số.
9. Căn cứ vào Chiến lược này, các Bộ Y tế, Giáo
dục và Đào tạo, Văn hoá - Thông tin, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ,
Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành khác có liên quan tham gia thực hiện
Chiến lược theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao.
10. Căn cứ vào Chiến lược này, Uỷ ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa các mục tiêu về gia đình vào kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và ngắn hạn của địa phương; xây dựng
và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động hàng năm phù hợp với kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương và tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng năm với
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ
ban nhân dân các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thực hiện pháp
luật về hôn nhân và gia đình và vận động xoá bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu về hôn
nhân và gia đình.
11. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên
hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt
Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam và các tổ chức
thành viên khác của Mặt trận tham gia triển khai và thực hiện Chiến lược trong
phạm vi hoạt động của mình; đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động "Toàn
dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư".
Điều 3. Quyết định này
có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. các bộ trưởng, thủ trưởng
cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ, chủ tịch uỷ ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định
này.