THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------
|
Số 75/TTg-KTTH
V/v: kiềm chế lạm phát, chống tăng giá năm
2008
|
Hà
Nội ngày 15 tháng 01 năm 2008
|
Xét báo cáo số 01/BC.HĐTCTTQG.m
ngày 08 tháng 01 năm 2008 của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc
gia về đánh giá tình hình thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ năm 2007 và
giải pháp điều hành năm 2008, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
1. Đồng ý với đánh giá của hội đồng
tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia về tình hình thực hiện điều hành
chính sách tiền tệ tín dụng ngân hàng, chính sách tài chính và tình hình hoạt động
của thị trường chứng khoán tại báo cáo nêu trên. Năm 2007 nền kinh tế nước ta
tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao (8,5%) và là mức tăng trưởng cao nhất
trong vòng 10 năm trở lại đây. Mặc dù các biện pháp kiểm soát giá cả đã được tập
trung chỉ đạo, điều hành, nhưng lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng trong năm qua,
nhất là những tháng cuối năm, vẫn tăng ở mức cao (12,63%), vượt tốc độ tăng trưởng
kinh tế.
2. Năm 2008 giá cả thị trường thế
giới vẫn có khả năng tiếp tục tăng cao, sẽ tác động mạnh đến lạm phát, tăng giá
và phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Vì vậy, để thực hiện tốt các mục
tiêu và kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2008 nói chung, mục tiêu kiềm chế tăng chỉ
số giá tiêu dùng thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế nói riêng, yêu cầu các bộ,
ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung thực hiện tốt
các giải pháp kiểm soát lạm phát, kiểm soát tăng giá đi đôi với thúc đẩy phát
triển sản xuất, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô ngay từ đầu năm 2008, cụ thể:
a) Tiếp tục triển khai thực hiện
tốt Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ
về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường và Chỉ thị số
23/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải
pháp điều hành giá cả, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2007 và phục
vụ tết nguyên đán Mậu Tý 2008.
b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
- Tiếp tục thực hiện chính sách
tiền tệ một cách chặt chẽ thận trọng và chủ động; sử dụng linh hoạt và có hiệu
quả các công cụ chính sách tiên tệ theo nguyên tắc thị trường để kiểm soát quy
mô, tốc độ tăng tín dụng và tăng phương tiện thanh toán một cách hợp lý, nhằm đảm
bảo ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, góp phần thực hiện được mục tiêu tăng
trưởng kinh tế ở mức cao, nhưng đồng thời đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới
mức tăng trưởng kinh tế;
- Tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung
dự trữ ngoại hối nhà nước với khối lượng do ngân hàng nhà nước chủ động tính
toán trên cơ sở nguồn tiền cung ứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng
thời, tiếp tục triển khai các giải pháp đã thực hiện có hiệu quả việc hút tiền
về, như phát hành tín phiếu ngân hàng nhà nước ngắn hạn hoặc sử dụng các công cụ
tiền tệ khác phù hợp trong từng thời kỳ;
- Về chính sách tỷ giá: cần xác
định mục tiêu cơ bản là ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, đồng thời, tính
toán tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Năm 2008 điều hành tỷ giá hối đoái không để
tăng giá hoặc mất giá quá mức đồng Việt Nam.
- Về chính sách lãi suất: nghiên
cứu điều hành linh hoạt theo hướng không để lãi suất âm. Sử dụng linh hoạt công
cụ dự trữ bắt buộc; điều tiết có hiệu quả vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng
và kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng
ngay từ đầu năm. Ngân hàng nhà nước cùng với Bộ Tài chính bàn bạc việc thống nhất
kiểm soát số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các tổ chức tín dụng hiện nay,
không để khoản tiền này góp phần làm tăng quy mô tín dụng và tổng phương tiện
thanh toán;
- Tiếp tục củng cố và lành mạnh
hoá hệ thống các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính; kiểm soát chặt chẽ
mức tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực
hiện các giải pháp kiểm soát cho vay kinh doanh chứng khoán, cho vay kinh doanh
bất động sản và cho vay tiêu dùng để đảm bảo an toàn cho các ngân hàng thương mại.
c) Bộ Tài chính:
Cần tập trung huy động tối đa
các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển; tăng cường giải ngân
các dự án đầu tư của Nhà nước; chú trọng chính sách huy động nguồn thu và kiểm
soát chặt chẽ chi tiêu ngân sách, tăng cường các chính sách hỗ trợ và đảm bảo
phát triển đồng bộ các thị trường tài chính, tiền tệ. Có chính sách giảm thiểu
tác động của việc gia tăng giá đến một bộ phận dân cư, nhất là những người
nghèo; người thuộc diện chính sách.
-Tăng cường kiểm soát cân đối
tài chính của các địa phương, đảm bảo cân đối thu chi, chống thất thu cho ngân
sách và gian lận thương mại; hoàn thiện các chính, sách thuế, điều chỉnh các mức
thuế nhập khẩu phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý thuế;
- Làm tốt công tác kiểm soát, kiểm
toán doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát được các hoạt động kinh doanh bất động sản
của các doanh nghiệp;
- Tiếp tục lộ trình thực hiện
giá thị trường vào thời điểm thích hợp, khuyến khích cạnh tranh theo pháp luật
đối với các loạị hàng hoá dịch vụ của nền kinh tế như: xăng dầu, than, sắt
thép, phân bón, giấy, xi măng.
- Tiếp tục thực hiện cơ chế thị
trường đối với giá điện; đồng thời, có chính sách hỗ trợ thích hợp cho hộ
nghèo.
- Áp dụng cơ chế mua bán xăng dầu
theo thông lệ quốc tế (hợp đồng tương lai, quyền chọn...) đi đôi với lập quỹ dự
phòng rủi ro giá cả trong khi chuyển giao quyền định giá xăng dầu bán trong nước
cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, áp và giữ mức thuế xăng dầu tối thiểu
5% khi thích hợp;
- Bộ Tài chính phối hợp với các
Bộ, Ngành chức năng các địa phương tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát
và quản lý giá các mặt hàng có chiều hướng tăng cao, như thuốc tây, sắt thép,
gai; tăng cường chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc kiểm soát ,quản lý giá, không
để tình trạng độc quyền doanh nghiệp về giá, định giá bất hợp lý, đầu cơ nâng
giá, không thực hiện niêm yết giá, kiên quyết xử lý kịp thời theo quy định những
vi phạm về Pháp lệnh giá;
- Chấn chỉnh và tăng cường công
tác tuyên truyền, công tác thông tin xung quanh vấn đề kiểm soát tăng giá và ổn
định thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán. Kiểm tra và xử lý những thông
tin sai lệch, có yếu tố kích động tăng giá hoặc gây tâm lý về mất giá đồng tiền,
làm cho giá cả và thị trường mất ổn định.
d) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:
- Thực hiện rà soát lại toàn bộ
hệ thống văn bản pháp luật cần thiết để tổ chức hoạt động an toàn của thị trường
chứng khoán. Bổ sung kịp thời những quy định hiện còn thiếu các yếu tố an toàn
cho hoạt động của thị trường. Sớm hoàn thành việc xây dựng đề án củng cố và
phát triển an toàn thị trường, kiểm soát rủi ro chống khủng hoảng thị trường,
- Có các biện pháp tăng “cầu” của
thị trường; đồng thời đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước
và đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng cho các doanh nghiệp được niêm yết và phát
hành cổ phiếu trên sàn để tăng “cung” một cách mạnh mẽ và có chất lượng;
- Tăng cường các biện pháp kiểm
soát chặt chẽ các luồng vốn vào, ra. Sớm triển khai tổ chức thị trường giao dịch
chứng khoán của Công ty đại chúng chưa niêm yết, tăng cường quản lý thị trường
không chính thức OTC;
- Thực hiện việc thông tin trên
thị trường chứng khoán một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác, công khai minh bạch
về tình hình tài chính doanh nghiệp và vấn đề liên quan đến phát hành cổ phiếu,
trái phiếu của các doanh nghiệp.
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Tiếp tục tìm mọi biện pháp để
khai thác các nguồn vốn trong nước, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài
trên cơ sở tăng nhanh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Các nguồn vốn huy động
trong nước, phát hành trái phiếu nước ngoài, vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp
(FDL), đầu tư gián tiếp (FII) cần có những giải pháp quản lý tốt các nguồn vốn
này và sử dụng có hiệu quả cho đầu tư phát triển;
- Tăng cường năng lực phân tích,
thống kê phục vụ cho chỉ đạo điều hành, nghiên cứu và xây dựng một hệ thống chỉ
tiêu thống nhất để đánh giá phân tích, dự báo tình hình kinh tế trong nước và
thế giới; thống nhất các chỉ tiêu và cách xác định lạm phát, chỉ số giá tiêu
dùng theo các quy chuẩn quốc tế để làm căn cứ xây dựng và điều hành các chính
sách kinh tế.
e) Bộ Công thương:
- Tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh sản
xuất, nhất là những hàng hoá tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân, điều hành tốt việc
xuất nhập khẩu, đảm bảo cân đối cung, cầu hàng hoá. Các chính sách tài chính,
tín dụng cần tập trung thúc đẩy sản xuất, trước hết là lĩnh vực sản xuất nông
nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp, các vùng bị thiên tai dịch bệnh, bão lụt
vừa qua;
- Kiểm soát chặt chẽ cung cầu xuất
nhập khẩu hàng hoá những mặt hàng còn mất cân đối, như phân bón, sắt thép, thuốc
tân dược...
g) Các giải pháp khác:
Nghiện cứu và tiếp tục hoàn thiện
cấu trúc toàn bộ hệ thống các tổ chức tài chính, tiền tệ hiện nay, như: các định
chế tài chính, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng chính sách, bảo hiểm, quỹ đầu
tư, công ty chứng khoán... Bổ sung và hoàn thiện các tiêu chí cần thiết phù hợp
với nhu cầu của nền kinh tế và khả năng, trình độ quản lý, giám sát của các cơ
quan quản lý nhà nước;
- Hiện đại hoá hoạt động của hệ
thống các tổ chức tài chính, tín dụng, tăng cường năng lực cạnh tranh và tiếp cận
nhanh với các thông lệ quốc tế, phát triển quy mô và nhanh chóng mở rộng hoạt động
ra nước ngoài;
- Chú trọng đẩy mạnh thực hiện đề
án thanh toán không dùng tiền mặt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện đại
hoá hệ thống thanh toán và mở rộng các hình thức công cụ thanh toán không dùng
tiền mặt trong nền kinh tế;
- Tăng cường công tác thanh tra,
giám sát các hoạt động tài chính, tiền tệ; kiểm soát chặt chẽ các chu chuyển vốn
trong nước cũng như các dòng vốn ra vào nước ta; nâng cao năng lực thanh tra,
giám sát chuyên ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm... để hạn chế
thấp nhất rủi ro có thể xảy ra;
- Xúc tiến việc ra đời cơ quan
Giám sát tài chính quốc gia để đưa ra và áp dụng thống nhất các chuẩn mực thanh
tra, giám sát, bảo đảm khuôn khổ lành mạnh cho phát triển thị trường dịch vụ
tài chính./.
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|