BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
69/2005/QĐ-BGTVT
|
Hà
Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH “QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XÂY DỰNG, CÔNG BỐ CÔNG LỆNH TỐC ĐỘ,
CÔNG LỆNH TẢI TRỌNG, BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU TRÊN ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA”
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO
THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm
2005;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 216/2003/QĐ – TTg ngày 27 tháng 10 năm 2003 của Thủ tướng
Chính phủ quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Đường sắt Việt
Nam;
Căn cứ Quyết định số 1891/2003/QĐ – BGTVT ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Cục Đường sắt Việt Nam;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này “Quy định về việc xây dựng, công bố công lệnh tốc độ, công
lệnh tải trọng, biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia”.
Điều 2. Quyết định này
có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.
Điều 3. Chánh Văn phòng,
Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Chủ tịch
Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- VP Chính Phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Lưu: VT, Vtải.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Đình Bình
|
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC XÂY DỰNG, CÔNG BỐ CÔNG LỆNH TỐC ĐỘ, CÔNG LỆNH TẢI
TRỌNG, BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU TRÊN ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA
(
Ban hành kèm theo Quyết định số: 69 ngày 09 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải )
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định việc xây dựng, công bố
công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng, biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân
có liên quan đến việc xây dựng, công bố công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng,
biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với Quy định này thì áp dụng
quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Năng lực của kết cấu hạ tầng đường sắt
là khả năng thông qua của kết cấu hạ tầng, được xác định bởi các yếu tố
tải trọng trục, tải trọng rải đều; tốc độ chạy tàu lớn nhất trên một đoạn
tuyến đường sắt; năng lực thông qua của nhà ga, của hệ thống thông tin tín hiệu
của đường sắt.
2. Công lệnh tốc độ là quy định về tốc độ
tối đa cho phép phương tiện giao thông đường sắt chạy trên từng cầu, đoạn, khu
gian, khu đoạn, tuyến đường sắt.
3. Công lệnh tải trọng là quy định về tải
trọng tối đa cho phép trên một trục của phương tiện giao thông đường sắt và tải
trọng rải đều tối đa cho phép theo chiều dài của phương tiện giao thông đường sắt
được quy định trên từng cầu, đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt.
4. Biểu đồ chạy tàu là cơ sở của
việc tổ chức chạy tàu, được xây dựng hàng năm, hàng kỳ và theo mùa cho từng tuyến
và toàn mạng lưới đường sắt. Biểu đồ chạy tàu phải thể hiện được số lượng đôi
tàu, việc vận dụng đầu máy, toa xe, ga tác nghiệp và thời gian chạy tàu trên
các khu gian trong một ngày đêm trên một đoạn tuyến, một khu đoạn, một tuyến đường
sắt.
5. Thời gian chạy tàu lữ hành là thời
gian chạy tàu tính từ ga xuất phát đến ga cuối cùng, bao gồm cả thời gian chạy
trên đường và thời gian dừng để tránh vượt, làm tác nghiệp kỹ thuật, tác nghiệp
hành khách, hàng hoá.
6. Tác nghiệp kỹ thuật là các tác
nghiệp phục vụ cho đoàn tàu chạy an toàn và bảo đảm chất lượng phục vụ.
Điều 4. Giám sát của cơ quan
quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt
1. Giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt
động đường sắt nhằm bảo đảm cho việc xây dựng và công bố công lệnh tốc độ, công
lệnh tải trọng, biểu đồ chạy tàu được thực hiện đúng Quy định này và các quy định
khác của pháp luật có liên quan.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt
có quyền yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt, tổ chức có liên quan
báo cáo, giải trình về những vấn đề có liên quan trong việc xây dựng, công bố,
thực hiện công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng, biểu đồ chạy tàu; khi phát hiện
có vi phạm, có quyền yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục, sửa đổi.
3. Cục Đường sắt Việt Nam là tổ chức giúp Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt,
được Bộ trưởng giao chủ trì việc giám sát thực hiện Quy định này, có trách nhiệm
báo cáo Bộ trưởng kết quả giám sát.
Chương 2:
XÂY DỰNG, CÔNG BỐ CÔNG LỆNH
TỐC ĐỘ, CÔNG LỆNH TẢI TRỌNG
Điều 5. Trách nhiệm của
doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt
1. Bảo đảm trạng thái kết cấu hạ tầng đường sắt ổn
định, đáp ứng được các yêu cầu về bảo đảm an toàn chạy tàu trong phạm vi quản
lý của doanh nghiệp.
2. Định kỳ hàng năm, lập báo cáo về năng lực của
kết cấu hạ tầng đường sắt và kế hoạch sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt
trong phạm vi quản lý của doanh nghiệp. Báo cáo được gửi về Tổng Công ty Đường
sắt Việt Nam và Cục đường sắt Việt Nam.
3. Chịu trách nhiệm về việc bảo đảm tốc độ chạy
tàu, tải trọng trục, tải trọng rải đều đã được công bố trên từng cầu, đoạn, khu
gian, khu đoạn và tuyến đường sắt trong phạm vi quản lý của doanh nghiệp.
Điều 6. Trách nhiệm của
doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt
1. Tổ chức chạy tàu theo đúng công lệnh tốc độ,
công lệnh tải trọng đã công bố.
2. Cung cấp các thông tin về nhu cầu vận tải,
năng lực phương tiện, thiết bị vận tải phục vụ cho việc xây dựng công lệnh tốc
độ, công lệnh tải trọng, kế hoạch đầu tư nâng cấp, bảo trì hệ thống kết cấu hạ
tầng đường sắt.
Điều 7. Trách nhiệm của Tổng
Công ty Đường sắt Việt Nam
1. Bảo đảm trạng thái kết cấu hạ tầng đường sắt ổn
định, đáp ứng được các yêu cầu về bảo đảm an toàn chạy tàu trên đường sắt quốc
gia.
2. Xây dựng và công bố công lệnh tốc độ, công lệnh
tải trọng trên đường sắt quốc gia.
3. Chịu trách nhiệm về tính chính xác và khả thi
của công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng đã được công bố.
Điều 8. Yêu cầu của công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng
1.
Bảo đảm an toàn giao thông vận tải, tốc độ chạy tàu tối đa, tải trọng trục, tải
trọng rải đều ổn định trong kỳ công bố và phù hợp với năng lực của kết cấu hạ tầng
đường sắt.
2. Hạn chế số lượng điểm biến đổi tốc độ trong một
khu gian.
3. Chiều dài mỗi dải tốc độ trên tuyến phải bảo
đảm không ngắn hơn 800m (trừ các điểm chạy chậm cố định).
4. Tải trọng trục, tải trọng rải đều quy định
cho mỗi loại đầu máy, toa xe và đoàn tàu phải đồng nhất trong một khu đoạn.
Điều 9. Nội dung cơ bản trong công lệnh tốc độ, công lệnh
tải trọng
1. Nội dung cơ bản trong công lệnh tốc độ gồm
có:
a ) Bảng tốc độ chạy tàu:
- Tốc độ chạy tàu lớn nhất tính từ lý trình này
đến lý trình tiếp theo trên các tuyến đường sắt;
- Điểm thay đổi tốc độ có ghi rõ lý trình, vị
trí thay đổi tốc độ;
- Điểm chạy chậm, tốc độ chạy chậm, lý trình khoảng
cách phải chạy chậm, bán kính đường cong, tên gọi theo địa danh (nếu có).
b) Các thông tin khác có liên quan về cầu, đường,
đầu máy, toa xe, đoàn tàu để hướng dẫn thực hiện công lệnh tốc độ.
2. Nội dung cơ bản trong công lệnh tải trọng gồm
có:
a) Tải trọng trục;
b) Tải trọng rải đều;
c) Các loại đầu máy được phép chạy đơn, chạy
ghép trên từng cầu, đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt;
d) Các thông tin khác có liên quan để hướng dẫn
thực hiện công lệnh tải trọng.
Điều 10. Trình tự xây dựng
công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng
1. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam căn cứ vào
báo cáo hàng năm của các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt quy định tại Điều 5,
Điều 6 của Quy định này, rà soát tính chính xác của các thông tin về năng lực của
kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc tính kỹ thuật của đầu máy, toa xe vận dụng trên
toàn mạng lưới đường sắt quốc gia, xây dựng dự thảo công lệnh tốc độ, dự thảo
công lệnh tải trọng gửi các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt, tổ chức có liên
quan để tham gia ý kiến.
2. Chậm nhất sau 15 ngày, kể từ ngày nhận được dự
thảo công lệnh tốc độ, dự thảo công lệnh tải trọng, các tổ chức có ý kiến góp ý
bằng văn bản đối với Dự thảo gửi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
3. Sau khi có ý kiến tham gia, Tổng Công ty Đường
sắt Việt Nam có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh công lệnh tốc độ,
công lệnh tải trọng và công bố.
4. Công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng được gửi
tới cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt, các doanh nghiệp kinh
doanh đường sắt, tổ chức có liên quan và phải được công bố tại các nhà ga trước
10 ngày, so với ngày dự kiến thực hiện.
Điều 11. Điều chỉnh công lệnh
tốc độ, công lệnh tải trọng
1. Trong quá trình hoạt động nếu có sự thay đổi
về năng lực của kết cấu hạ tầng đường sắt, kế hoạch vận dụng phương tiện giao
thông đường sắt mà có các nội dung quy định trong công lệnh tốc độ, công lệnh tải
trọng không còn phù hợp thì các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải có báo
cáo gửi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
2. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam căn cứ vào
tình hình quản lý, tổ chức khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quyết định điều
chỉnh hoặc xây dựng lại công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng. Việc điều chỉnh
hoặc xây dựng lại công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng phải bảo đảm các quy định
tại Điều 8 của Quy định này.
Chương 3:
XÂY DỰNG, CÔNG BỐ BIỂU ĐỒ
CHẠY TÀU
Điều 12. Trách nhiệm của
doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt
1. Đề xuất nhu cầu vận chuyển và tổ chức chạy tàu
trên các tuyến đường sắt gửi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
2. Cung cấp kịp thời và đầy đủ các thông tin cần
thiết phục vụ cho công tác xây dựng và điều chỉnh biểu đồ chạy tàu theo yêu cầu
của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
3. Tuân thủ các quy định của biểu đồ chạy tàu.
Điều 13. Các loại tàu tổ chức
chạy trên đường sắt quốc gia và thứ tự ưu tiên của các loại tàu
1. Các loại tàu chạy trên đường sắt quốc gia bao
gồm:
a) Tàu đặc biệt là tàu được tổ chức chạy đột xuất
nhằm phục vụ các mục đích đặc biệt theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, không có
hành trình trong biểu đồ chạy tàu;
b) Tàu khách liên vận quốc tế là tàu có kéo đoàn
toa xe hoặc cụm toa xe chở khách liên vận quốc tế;
c) Tàu khách nhanh chạy suốt là tàu khách chạy
suốt liên tuyến, trên một tuyến hoặc một số khu đoạn, có thời gian chạy tàu lữ
hành ngắn nhất và ga đỗ đón, trả khách ít nhất;
d) Tàu khách nhanh chạy trong khu đoạn là tàu
khách có thời gian chạy tàu lữ hành ngắn nhất và ga đỗ đón trả khách ít nhất của
khu đoạn;
đ) Tàu khách thường là tàu khách chạy trên một
hoặc một số khu đoạn, một tuyến hoặc liên tuyến, dừng để tác nghiệp tại tất cả
các ga, trạm hoặc có số ga, trạm dừng để tác nghiệp nhiều nhất;
e) Tàu quân dụng, tàu hỗn hợp, tàu chở công nhân
là tàu khách thường có kéo thêm từ 3 xe hàng chở lên (hoặc là tàu chuyên chở
công nhân đi làm) có số ga dừng để tác nghiệp nhiều nhất hoặc dừng tác nghiệp tại
tất cả các ga, trạm;
g) Tàu hàng nhanh chạy suốt là tàu hàng chạy suốt
trên một số khu đoạn, một tuyến hoặc liên tuyến, có thời gian chạy tàu lữ hành
ngắn nhất và số ga dừng để tác nghiệp ít nhất;
h) Tàu hàng trong khu đoạn là tàu hàng chạy
trong một khu đoạn bao gồm tàu hàng khu đoạn chạy nhanh, tàu hàng khu đoạn thường,
tàu hàng có cắt móc toa xe trong khu đoạn;
i) Tàu hàng đường ngắn, tàu thoi là tàu hàng chỉ
chuyên chạy trên một cung, chặng trong một khu đoạn mà dọc đường có dừng cắt
móc, dồn tàu;
k) Tàu chuyên dùng là tàu sử dụng phương tiện,
thiết bị chuyên dùng chạy trên đường sắt.
2. Thứ tự ưu tiên các loại tàu
Việc xây dựng biểu đồ chạy tàu phải tuân theo thứ
tự ưu tiên sau đây đối với các loại tàu:
a) Tàu đặc biệt;
b) Tàu khách liên vận quốc tế;
c) Tàu khách nhanh chạy suốt;
d) Tàu khách nhanh chạy trong khu đoạn;
đ) Tàu hàng nhanh chạy suốt;
e) Tàu khách thường;
g) Tàu quân dụng, tàu hỗn hợp, tàu chở công
nhân;
h) Tàu hàng trong khu đoạn;
i) Tàu hàng đường ngắn, tàu thoi;
k) Tàu chuyên dùng.
Điều 14 . Yêu cầu khi xây dựng
biểu đồ chạy tàu
Khi xây dựng biểu đồ chạy tàu phải bảo đảm các
yêu cầu cơ bản sau đây:
1. Bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình tổ
chức chạy tàu;
2. Đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hành khách,
hàng hóa;
3. Mật độ chạy tàu, tốc độ chạy tàu tương ứng với
năng lực của kết cấu hạ tầng đường sắt;
4. Sử dụng có hiệu quả phương tiện giao thông đường
sắt;
5. Dành được khoảng trống thời gian không chạy
tàu trên một số khu gian, khu đoạn để phục vụ thi công, sửa chữa, bảo trì kết cấu
hạ tầng đường sắt;
6. Bảo đảm được thứ tự ưu tiên đối với các loại
tàu theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Quy định này;
7. Chỉ huy điều hành được dễ dàng, thuận lợi, bảo
đảm tỷ lệ tàu đi đến đúng giờ cao;
8. Bảo đảm thời gian và hành trình chạy tàu hợp
lý trên các khu gian;
9. Có đủ thời gian dừng, đỗ tàu để thực hiện tác
nghiệp kỹ thuật, tác nghiệp hành khách, hàng hóa theo quy định trên các ga dừng,
đỗ tàu.
Điều 15. Nội dung cơ bản của
biểu đồ chạy tàu
Biểu đồ chạy tàu phải thể hiện được các nội dung
cơ bản sau đây:
1. Tổng số đôi tàu khách, tàu hàng (gồm cả tàu
chính thức và tàu dự bị) chạy trên các khu đoạn, các tuyến đường trong một ngày
đêm;
2. Ga đỗ và thời gian đỗ làm tác nghiệp hàng
hóa, hành khách, tác nghiệp kỹ thuật;
3. Thời gian chạy trên từng khu gian của từng
đoàn tàu;
4. Độ dốc lớn nhất trên các khu gian, khu đoạn;
5. Các quy định cần thiết khác có liên quan đến
việc hướng dẫn và triển khai thực hiện biểu đồ chạy tàu.
Điều 16. Số hiệu các loại
tàu
1. Các đoàn tàu chạy theo hành trình trong biểu
đồ chạy tàu phải có số hiệu tàu. Số hiệu tàu được quy định theo hướng chạy của
đoàn tàu và theo tính chất từng loại tàu trên từng tuyến đường cụ thể.
2. Nguyên tắc đánh số hiệu tàu:
a) Các đoàn tàu chạy theo hướng từ Thủ đô Hà Nội
đi các tuyến mang số hiệu lẻ, các đoàn tàu chạy theo hướng từ các tuyến về Thủ
đô Hà Nội mang số hiệu chẵn;
b) Các đoàn tàu trên từng tuyến đường cụ thể phải
mang bộ số hiệu dành riêng cho từng tuyến và từng loại tàu cụ thể;
c) Các đoàn tàu chạy trên các tuyến phải bảo đảm
không có số hiệu trùng nhau.
3. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm
xây dựng các quy định cụ thể về cách thức đánh số hiệu các loại tàu trên các
tuyến đường, từng khu đoạn, từng khu vực bảo đảm theo đúng các nguyên tắc trên
và tổ chức triển khai thực hiện.
Điều 17. Trình tự xây dựng
biểu đồ chạy tàu
1. Các yêu cầu về vận chuyển và tổ chức chạy tàu
trên các tuyến đường sắt của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt được gửi
tới Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trước 60 ngày so với ngày dự kiến công bố
biểu đồ chạy tàu.
2. Căn cứ vào báo cáo của doanh nghiệp
kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định tại Điều 5, yêu cầu của
doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định tại Điều 12, nội dung của
công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ quy định tại Điều 9 của Quy định này, Tổng
Công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng dự thảo biểu đồ chạy tàu gửi các doanh nghiệp
kinh doanh đường sắt, tổ chức có liên quan để tham gia ý kiến trước 40 ngày so
với ngày dự kiến công bố biểu đồ chạy tàu.
3. Chậm nhất sau 20 ngày, kể từ ngày nhận được dự
thảo biểu đồ chạy tàu, các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt, tổ chức có liên
quan có ý kiến đóng góp bằng văn bản đối với dự thảo biểu đồ chạy tàu gửi Tổng
Công ty Đường sắt Việt Nam.
4. Sau khi có ý kiến tham gia của các doanh nghiệp
kinh doanh đường sắt, tổ chức có liên quan, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có trách
nhiệm tiếp thu,
hoàn chỉnh biểu đồ chạy tàu và công bố. Biểu đồ
chạy tàu được công bố tại các nhà ga, trên các phương tiện thông tin đại chúng
và gửi tới các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trước 10 ngày so với ngày dự
kiến thực hiện.
5. Trường hợp có ý kiến khác nhau về quyền được
tham gia tổ chức chạy tàu của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt,
các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông đường sắt thì Tổng Công ty Đường sắt
Việt Nam chủ trì việc đàm phán để thoả thuận giải quyết, việc đàm phán có sự
giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt. Nếu việc đàm phán
không đạt được kết quả thoả thuận thống nhất giữa các bên thì phải báo cáo Bộ
Giao thông vận tải để giải quyết.
6. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải cung cấp
các số liệu liên quan làm cơ sở cho việc xây dựng biểu đồ chạy tàu như công lệnh
tốc độ, công lệnh tải trọng, trọng lượng đoàn tàu; thời gian tác nghiệp kỹ
thuât, tác nghiệp hành khách, hàng hoá ở các ga; nhu cầu vận chuyển và tổ chức
chạy tàu của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt cho Cục Đường sắt Việt
Nam để thực hiện nhiệm vụ giám sát theo quy định tại khoản 3 Điều 77 Luật Đường
sắt.
Điều 18. Điều chỉnh biểu đồ
chạy tàu và chạy thêm tàu
Trong quá trình thực hiện biểu đồ chạy tàu, nếu
vì một lý do nào đó phải chạy thêm tàu, thay đổi hành trình chạy tàu, thay đổi
ga đỗ tác nghiệp của các đoàn tàu mà bắt buộc phải điều chỉnh lại biểu đồ chạy
tàu cho phù hợp thì Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được phép điều chỉnh, nhưng
phải bảo đảm được các quy định tại Điều 14 của Quy định này.
Chương 4:
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường
sắt Việt Nam
a) Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải về việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với các doanh nghiệp
kinh doanh đường sắt và các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam
trong việc thực hiện Quy định này.
b) Hàng năm có tổng kết báo cáo Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải về các nội dung sau đây:
- Công tác xây dựng, công bố, điều chỉnh và thực
hiện công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng, biểu đồ chạy tàu trong năm vừa qua;
- Kế hoạch xây dựng và biện pháp thực hiện trong
năm tới;
- Các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực
hiện và kiến nghị bổ sung, sửa đổi.
2. Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam chịu trách
nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc kiểm tra, giám sát của
cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt trong việc thực hiện Quy định
này.